Bộ máy nhà nước là gì? Sơ đồ bộ máy nhà nước Việt Nam. Ai là người đứng đầu các cơ quan hiện nay? [mới nhất 2023]

Khi tìm hiểu về hệ thống chính trị Việt Nam, những thông tin về bộ máy nhà nước là những điều cơ bản bạn không thể bỏ qua. Đây được xem là “cơ quan đầu não” vận hành một quốc gia, tạo tiền đề phát triển đất và cải thiện chất lượng sống của người dân. Vậy bộ máy nhà nước là gì? Đặc trưng và nguyên tắc tổ chức của bộ máy nhà nước? Việt Nam có sở đồ tổ chức bộ máy nhà nước ra sao? Cùng thông tin về người đứng đầu các cơ quan trong bộ máy nhà nước hiện nay là ai? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn lý giải toàn bộ thắc mắc trên.

1 892 13/08/2023


Bộ máy nhà nước là gì? Sơ đồ bộ máy nhà nước Việt Nam. Ai là người đứng đầu các cơ quan hiện nay? [mới nhất 2023]

I. Bộ máy nhà nước là gì?

Bộ máy nhà nước là hệ thống các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương được tổ chức và hoạt động theo những nguyên tắc chung, thống nhất tạo thành một cơ chế đồng bộ nhằm thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của Nhà nước vì lợi ích của giai cấp thống trị.

Về cấu trúc bộ máy nhà nước sẽ bao gồm hệ thống các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương. Các cơ quan trong bộ máy nhà nước đều có những vị trí, tính chất, chức năng và thẩm quyền riêng. Chẳng hạn như Bộ Giáo dục đào tạo quản lý lĩnh vực giáo dục, Bộ giao thông vận tải quản lý về hoạt động giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân là cơ quan quản lý hành chính ở địa phương.... Tuy nhiên, bản chất hệ thống là mối quan hệ phân cấp, phối hợp với nhau.

Phương thức tổ chức bộ máy nhà nước sẽ tuân theo nguyên tắc chung và thống nhất. Mỗi kiểu nhà nước sẽ có hệ thống nguyên tắc và hệ thống pháp luật khác nhau, đó là bộ phận cấu thành lên bộ máy nhà nước - đây cũng là điểm khác biệt giữa bộ máy nhà nước này với bộ máy nhà nước khác.

Mục tiêu bộ máy nhà nước là nhằm thực hiện nhiệm vụ và chức năng của nhà nước. Nhà nước sử dụng bộ máy nhà nước để làm công cụ thực hiện chức năng của mình (chức năng của nhà nước chính là bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị). Do vậy, cần phân biệt chức năng của nhà nước chính là bảo vệ lợi ích của giái cấp thống trị. Vì vậy cần phân biệt chức năng của nhà nước với chức năng của mỗi loại cơ quan trong bộ máy nhà nước.

II. Một số điểm đặc trưng của bộ máy nhà nước

1. Đại diện của nhân dân

Tại Việt Nam, bộ máy nhà nước được thiết lập và vận hành trên các nguyên tắc chung. Thực chất, bộ máy nhà nước chỉ đơn thuần là các cơ quan đại diện cho nhân dân, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích cho nhân dân.

Người dân có quyền đưa ra các quyết định đối với mọi vấn đề của đất nước hoặc những việc liên quan đến chính trị, văn hoá và tư tưởng. Quyền làm chủ này được thực hiện thông qua các hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc tiến hành trực tiếp trong các đợt bầu cử đại biểu Quốc hội. Người dân sẽ bỏ phiếu cho các đại biểu mà mình tín nhiệm.

2. Tính quyền lực nhà nước

Nhìn chung, các cơ quan trong hệ thống bộ máy nhà nước đều mang tính quyền lực nhà nước. Đồng thời, nhà nước sẽ trao các quyền năng cụ thể cho các cơ quan này để thực hiện chức năng và nhiệm vụ của mình.

Ở Việt Nam, quyền lực nhà nước được phân cho các chủ thể nhất định mà không tập trung vào một cơ quan, cá nhân duy nhất. Tuỳ thuộc vào cấp độ và phạm vi thẩm quyền của mỗi cơ quan, quyền lực nhà nước sẽ không giống nhau.

Các cơ quan sẽ sử dụng quyền lực nhà nước để thực hiện nhiệm vụ một cách độc lập. Tuy nhiên, mỗi cơ quan luôn có mối quan hệ, hỗ trợ nhau trong quá trình xử lý công việc. Theo đó, cơ quan này sẽ có nhiệm vụ giám sát cơ quan khác hoặc dùng quyền lực để giám sát quyền lực.

Nhìn chung, bộ máy nhà nước sẽ sở hữu những điểm đặc trưng sau:

- Các hoạt động của bộ máy nhà nước đều hướng đến việc tạo ra lợi ích chung cho nhân dân, đại diện cho nhân dân giải quyết công việc.

- Cơ quan trong hệ thống bộ máy nhà nước thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Pháp luật cũng như chịu trách nhiệm trước pháp luật.

- Cơ quan nhà nước được quyền ban hành các văn bản pháp luật nhằm chỉ đạo, hướng dẫn hoặc giải quyết công việc trong phạm vi thẩm quyền của mình.

Chính vì thế, các chủ thể nhất định trong xã hội sẽ phải chấp hành các văn bản pháp luật và đảm bảo quyền thực hiện bằng quyền lực nhà nước. Đồng thời, cơ quan nhà nước cũng là chủ thể trực tiếp ban hành, theo dõi và giám sát quá trình thực hiện đối với những văn bản pháp luật ấy.

III. Nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước

Nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là những quan điểm, tư tưởng chủ đạo, chi phối tổ chức và hoạt động của toàn bộ bộ máy nhà nước ta. Các nguyên tắc quy định trong Hiến pháp 2013 là những nguyên tắc cơ bản có ý nghĩa bao quát, tác động lên toàn bộ bộ máy nhà nước cũng như từng cơ quan nhà nước; Bên cạnh các nguyên tác thì mỗi cơ quan nhà nước tùy vào đặc thù riêng sẽ có các nguyên tắc khác.

Thứ nhất, Hiến pháp thể hiện rõ sự phân công quyền lực giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Xác định rõ hơn chức năng của cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và điều chỉnh lại một số nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan. Hiến pháp khẳng định: Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, cơ quan thực hiện quyền hành pháp và là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Tòa án nhân dân được xác định chính là cơ quan xét xử và là cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Nhà nước không thừa nhận cơ chế tam quyền phân lập nhưng Hiến pháp đã thể hiện rõ nội dung "tam quyền" khi đã ghi nhận rõ ba quyền: quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp trong hiến pháp. Sự phân công rõ ràng 03 quyền là cơ sở tạo ra cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước.

Thứ hai là nguyên tắc quyền lực chủ quyền nhân dân. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Nhân dân bao trùm toàn thể công dân mà không thuộc về một người hay bất kỳ tầng lớp nào. Mọi người dân bình đẳng với nhau mà không có bất kỳ sự phân biệt nào, bình đẳng nam - nữ, giữa các dân tộc cùng sinh sống trên cùng một lãnh thổ,... Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước. Như vậy nhân dân có hai cách thức để thực hiện quyền lực nhà nước: Dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp. Dân chủ trực tiếp khi có những công việc hệ trọng của đất nước cần ý kiến quyết định của người dân thì cơ quan nhà nước sẽ trưng cầu ý kiến. Còn dân chủ gián tiếp thông qua Quốc hội ở trung ương và Hội đồng nhân dân ở địa phương. Mối quan hệ giữa đại biểu và người dân là mối quan hệ giữa người đại diện và người chủ. Người dân bầu ra những người đại diện để thay mặt mình đưa ra các quyết định thực hiện quyền lực nhà nước. Từ các cơ quan đại diện nhân dân hình thành nên cơ quan khác trong bộ máy nhà nước. Bộ máy nhà nước vận hành theo cách gọi là chính quyền đại diện. Đây được xem là nguyên tắc nền tảng thứ hai của bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - là nguyên tắc quyết định thiết kế mô hình tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Về mặt phương diện thì quyền lực nhà nước tập trung thống nhất ở Nhân dân thể hiện qua nguyên tắc chủ quyền Nhân dân. Về phương diện tổ chức thực hiện: quyền lực nhà nước thống nhất ở Quốc hội và đây chính là cơ quan đại diện cao nhất do nhân dân bầu ra, trao toàn bộ quyền lực của mình cho Quốc hội. Quốc hội là nơi thống nhất quyền lực nhà nước nhưng Quốc hội không trực tiếp thực hiện cả 03 quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp mà có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước. Và Quốc hội luôn có quyền giám sát tối cao đối với cơ quan khác trong bộ máy nhà nước.

Thứ ba, nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa - đây là nguyên tắc hạt nhân, cốt lõi của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nhà nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Nguyên tắc này thể hiện qua đặc điểm nhà nước được tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp, tôn trọng và bảo vệ Hiến pháp. Pháp luật có vị trí tối thượng trong đời sống xã hội của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Pháp luật phải có vị trí tối cao với tất cả mọi chủ thể mà trước tiên là tất cả các cơ quan nhà nước, người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy nhà nước đều phải căn cứ vào pháp luật và chỉ được làm những gì mà pháp luật không cấm và trong khuôn khổ pháp luật đặt ra.

Thứ tư là nguyên tắc Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhà nước. Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam không thể được lãnh đạo bởi lực lượng khác ngoài Đảng. Hoạt động của tổ chức Đảng và đảng viên phải trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Thứ năm, nguyên tắc tập trung dân chủ. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Vai trò lãnh đạo của Đảng được phát huy chủ yếu thông qua việc lãnh đạo bộ máy nhà nước. Do đó nguyên tắc tập trung dân chủ cũng trở thành nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước là sự kết hợp hài hòa và thống nhất giữa hai yếu tố: tập trung và dân chủ. Trong các cơ quan nhà nước, những vấn đề quan trọng nhất thường được quyết định bởi tập thể theo chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Trong một tập thể thì thiểu số tuân theo đa số, tức là khi quyết định đã đưa ra tập thể thì tất cả phải thực hiện được quyết định đó. Nguyên tắc tập trung dân chủ có vai trò trong việc bảo đảm sự nhất quán trong hoạt động của bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương nhưng vẫn khuyến khích được sự chủ động, sáng tạo của cấp dưới và của chính quyền địa phương, tránh sự quan liêu của cấp trên.

Thứ sáu, nguyên tắc công nhận, tôn trọng, bảo vê quyền con người, quyền công dân. Nhà nước phải hết sức coi trọng vấn đề quyền con người, nhà nước phải nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển con người là mục đích cao nhất. Trong bộ máy nhà nước phải có những thiết chế riêng có chức năng chăm lo tới vấn đề con người. Nhà nước phải tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm, công nhận đối với quyền con người, quyền công dân.

IV. Sơ đồ bộ máy nhà nước Việt Nam hiện nay

Nhà nước Việt Nam gồm hệ thống cơ quan, đứng đầu là Đảng Cộng sản Việt Nam, bao gồm:

- Cơ quan lập pháp: Quốc hội ở cấp trung ương và Hội đồng nhân dân các cấp địa phương

- Cơ quan hành pháp: Chính phủ ở cấp trung ương và Ủy ban Nhân dân các cấp địa phương;

- Cơ quan tư pháp: Tòa án Nhân dân tối cao ở cấp trung ương và Tòa án Nhân dân các cấp địa phương.

- Cơ quan kiểm sát: Viện kiểm sát Nhân dân tối cao cấp trung ương  và Viện kiểm sát Nhân dân các cấp địa phương.

1. Quốc hội:

Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Nhiệm kỳ của mỗi khóa Quốc hội là 05 năm.

2. Chủ tịch nước

Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay máy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đội nội và đối ngoại. Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch nước chịu trách nhiệm và báo cáo trước Quốc hội. Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Và khi Quốc hội hết nhiệm kỳ thì Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu ra Chủ tịch nước.

3. Chính phủ

Chính phủ là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện quyền hành pháp và là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước. Chính phủ gồm Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Cơ cấu, số lượng thành viên chính phủ do Quốc hội quyết định.

- Thủ tướng chính phủ là người đứng đầu Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ và những nhiệm vụ được giao; báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội; Ủy ban thường vụ Quốc hội; Chủ tịch nước.

- Phó Thủ tướng chính phủ giúp Thủ tướng Chính phủ làm nhiệm vụ theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ được phân công.

Khi Thủ tướng chính phủ vắng mặt thì Phó Thủ tướng Chính  phủ được Thủ tướng chính phủ ủy nhiệm thay mặt Thủ tướng Chính phủ lãnh đạo công tác của Chính phủ.

- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và quốc hội về ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, cùng các thành viên khác của Chính phủ chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Chính phủ. Về nguyên tắc thì Chính phủ làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số.

4. Bộ và cơ quan ngang Bộ

Bộ, cơ quan ngang bộ là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về một hoặc một số ngành, lĩnh vực và dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc. Chính phủ gồm 18 bộ và 04 cơ quan ngang bộ:

- 18 Bộ bao gồm: Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Ngoại giao; Bộ Công Thương; Bộ Nông Nghiệp và phát triển nông thôn; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Xây dựng; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế.

- 04 cơ quan ngang Bộ bao gồm Ủy ban Dân tộc; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Chính phủ.

5. Tòa án nhân dân

Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người; quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Tổ chức Tòa án Nhân dân bao gồm Tòa án Nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân cấp cao; Tòa án Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tòa án Nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương; và Tòa án Quân sự.

6. Viện kiểm sát Nhân dân

Viện kiểm sát Nhân dân là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của Việt Nam. Viện Kiểm sát Nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

Hệ thống Viện kiểm sát Nhân dân bao gồm Viện kiểm sát Nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân cấp cao; Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (viện kiểm sát Nhân dân cấp tỉnh); Viện Kiểm sát Nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương (viện Kiểm sát Nhân dân cấp huyện) và Viện Kiểm sát Quân sự các Cấp.

Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Viện kiểm sát nhân dân cấp cao thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đối với các vụ án, vụ việc thuộc quyền giải quyết của Tòa án Nhân dân cấp cao; Viện kiểm sát Nhân dân cấp tỉnh; Viện Kiểm sát Nhân dân Cấp huyện thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong phạm vi địa phương mình.

7. Chính quyền địa phương

Trong bộ máy Nhà nước Việt Nam còn có chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các cấp đơn vị hành chính bao gồm: Cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.

Hiện nay, Việt Nam có 05 thành phố trực thuộc Trung ương gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và 58 tỉnh.

Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định.

7.1. Hội đồng nhân dân

Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.

Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân.

7.2. Ủy ban nhân dân

Ủy ban nhân dân ở cấp chính quyền địa phương do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.

Ủy ban nhân dân tổ chức việc thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương; tổ chức thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân và thực hiện các nhiệm vụ do cơ quan nhà nước cấp trên giao.

V. Người đứng đầu các cơ quan trong bộ máy Nhà nước Việt Nam hiện nay là ai?

Theo quy định của Hiến pháp 2013, người đứng đầu các cơ quan trong bộ máy nhà nước Việt Nam hiện nay gồm:

1. Quốc hội:

Quốc hội hiện nay là Quốc hội Việt Nam khóa XV (nhiệm kỳ 2021-2026) với 499 đại biểu.

Chủ tịch Quốc hội hiện nay là ông Vương Đình Huệ

2. Chủ tịch nước: quy định tại Điều 86 Hiến pháp 2013

Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.

Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu ra Chủ tịch nước.

Tại Nhiệm kỳ 2021-2026, Chủ tịch nước là ông Nguyễn Xuân Phúc. Tuy nhiên, Ngày 17/01/2023, Quốc hội đã miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Chiều ngày 18/01/2023, Quốc hội có cuộc họp đột xuất để quyết định về việc bổ nhiệm Chủ tịch nước. Theo như kết quả của cuộc họp bất thường thì bà Võ Thị Ánh Xuân sẽ giữ quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội xem xét, bổ nhiệm Chủ tịch nước mới.

Ngày 1/3, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định giới thiệu nhân sự để bầu giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Sáng 2/3/2023, Quốc hội đã thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết bầu Chủ tịch nước đối với ông Võ Văn Thưởng.

3. Chính phủ: được quy định tại Điều 95 Hiến pháp 2013

Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ và những nhiệm vụ được giao; báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.

Thủ tướng Chính phủ hiện nay là ông Phạm Minh Chính.

4. Tòa án nhân dân:

Nhiệm kỳ của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và nhiệm kỳ của Chánh án Tòa án khác do luật định.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là ông Nguyễn Hòa Bình.

5. Viện kiểm sát nhân dân:

Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Viện kiểm sát nhân dân gồm Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các Viện kiểm sát khác do luật định.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hiện nay là ông Lê Minh Trí.

1 892 13/08/2023