VssID là gì? Chức năng và tiện ích trên ứng dụng VssID

VssID là ứng dụng bảo hiểm hiểm xã hội mà mỗi người tham gia nên cài đặt trên điện thoại để dễ dàng tra cứu thông tin bảo hiểm của cá nhân và sử dụng các tính năng tiện ích khác nhau trên VssID. Chức năng của ứng dụng VssID và tiện ích ứng dụng này mang lại là gì, cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

1 108 14/05/2024


VssID là gì? Chức năng và tiện ích trên ứng dụng VssID

1. VssID là gì?

Theo Công văn 3717/BHXH-CNTT năm 2020 thì VssID là ứng dụng trên nền tảng thiết bị di động của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đã được cung cấp trên Google Play cho thiết bị sử dụng hệ điều hành Android và AppStore cho thiết bị sử dụng hệ điều hành IOS của Apple để:

- Thiết lập kênh giao tiếp.

- Tạo điều kiện cho người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) tiếp cận thông tin, thực hiện các dịch vụ công một cách tiện lợi, dễ dàng, nhanh chóng nhất, từng bước thực hiện việc thay thế Sổ BHXH, Thẻ BHYT giấy như hiện nay.

2. Các tiện ích và chức năng của ứng dụng VssID

2.1 Quản lý cá nhân trên VssID

Chức năng quản lý cá nhân cho phép người dùng kiểm tra các thông tin cá nhân đã đăng ký với cơ quan BHXH và sử dụng các tiện ích sau:

1) Thẻ BHYT: cho phép người dùng biết được thời hạn sử dụng thẻ BHYT, thông tin quyền lợi và sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng để xuất trình thay thế thẻ BHYT giấy khi đi khám chữa bệnh BHYT.

2) Quá trình tham gia: Người dùng có thể kiểm tra quá trình tham gia BHXH, BHTN, BHTNLĐ-BNN, BHYT và Giấy xác nhận tham gia BHXH theo mẫu C14-TS.

3) Thông tin hưởng: BHXH 1 lần, ốm đau thai sản, lương hưu, trợ cấp BHXH và thông tin hưởng BH thất nghiệp.

4) Sổ khám chữa bệnh: Cung cấp lịch sử và thông tin khám chữa bệnh trong năm và giấy được cấp theo thông tư 56/2017/TT-BYT

2.2 Chức năng Dịch vụ công

Dịch vụ công là khái niệm được dùng để chỉ các dịch vụ được cung cấp bởi Nhà nước cho các cá nhân và doanh nghiệp.

Người dùng có thể thực hiện các thủ tục giao dịch bảo hiểm xã hội điện tử qua chức năng dịch vụ công trên VssID gồm:

  1. Cấp lại thẻ BHYT do hỏng mất không thay đổi thông tin

  2. Chuyển địa bàn hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH

  3. Thay đổi hình thức lĩnh hoặc thông tin người hưởng chế độ BHXH

  4. Đăng ký tài khoản giao dịch điện tử cho con

  5. Cấp lại sổ BHXH không làm thay đổi thông tin

  6. Cấp lại sổ BHXH do thay đổi thông tin

  7. Ủy quyền lĩnh thay các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp

Người dùng cũng có thể kiểm tra lịch sử các giao dịch điện tử với cơ quan BHXH thông qua chức năng này.

2.3 Chức năng Tra cứu trực tuyến

Người dùng VssID có thể thực hiện tra cứu các thông tin về BHXH, BHYT sau đây:

  1. Tra cứu mã số BHXH

  2. Tra cứu cơ quan BHXH

  3. Tra cứu cơ sở khám chữa bệnh cấp giấy nghỉ việc hưởng BHXH

  4. Tra cứu cơ sở khám chữa bệnh ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT

  5. Tra cứu đơn vị tham gia BHXH

  6. Tra cứu các tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT

2.4 Chức năng trợ giúp

Đây là nơi người dùng có thể liên hệ tổng đài hỗ trợ, nhắn tin chat bot, gửi email, phản ánh kiến nghị và xem các câu hỏi thường gặp trong quá trình sử dụng VssID.

2.5 Chức năng hỗ trợ ngôn ngữ

Hiện nay, ứng dụng VssID hỗ trợ người dừng 5 ngôn ngữ gồm: Tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hàn và tiếng Nhật.

Người dùng có thể thay đổi ngôn ngữ của ứng dụng bằng cách vào phần Menu > Cài đặt (1) > chọn ngôn ngữ (2) hiển thị với biểu tượng là hình quốc kỳ tương ứng với từng loại ngôn ngữ của các quốc gia (3).

3. Sử dụng VssID thay thẻ BHYT giấy

Theo Công văn 1493/BHXH-CSYT năm 2021 thì trên cơ sở ý kiến của Bộ Y tế tại Công văn 4316/BYT-BH năm 2021 về việc sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) trên ứng dụng Vss-ID để đi khám bệnh, chữa bệnh (KCB) BHYT, BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, phối hợp Sở Y tế để chỉ đạo cơ sở KCB triển khai thực hiện, có văn bản gửi cơ sở KCB BHYT thống nhất một số nội dung sau:

- Từ 01/6/2021, người bệnh BHYT đến khám, chữa bệnh được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng Vss-ID thay thế cho việc sử dụng thẻ BHYT giấy;

- Cơ sở khám, chữa bệnh sử dụng đầu đọc để quét mã QR-Code hoặc ghi trực tiếp số thẻ BHYT trên ứng dụng Vss-ID (trường hợp cơ sở không có đầu đọc).

- Cơ sở KCB có các giải pháp chống lạm dụng trục lợi quỹ KCB BHYT; tiếp nhận các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, kịp thời báo cáo cơ quan BHXH để phối hợp giải quyết.

4. Các hành vi bị nghiêm cấm trong bảo hiểm xã hội

Các hành vi bị nghiêm cấm trong bảo hiểm xã hội theo Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 gồm:

- Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

- Chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

- Chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

- Gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

- Sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp không đúng pháp luật.

- Cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, người sử dụng lao động.

- Truy cập, khai thác trái pháp luật cơ sở dữ liệu về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

- Báo cáo sai sự thật; cung cấp thông tin, số liệu không chính xác về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

1 108 14/05/2024