Xã hội hóa là gì? Khái niệm - Cơ chế - Vai trò - Các giai đoạn của quá trình xã hội hóa

Xã hội hóa trong giai đoạn hiện nay là một khái niệm được dùng khá phổ biến và ta nhận thấy rằng, càng ngày lại càng có nhiều ngành khoa học quan tâm sử dụng đến khái niệm này. Tuy nhiên có rất nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về thuật ngữ này. Vậy, xã hội hóa là gì?

1 606 27/11/2023


Xã hội hóa là gì? Khái niệm - Cơ chế - Vai trò - Các giai đoạn của quá trình xã hội hóa

1. Xã hội hóa là gì ?

Xã hội hóa là gì? Khái niệm - Cơ chế - Vai trò - Các giai đoạn của quá trình xã hội hóa (ảnh 1)

Xã hội hóa là một khái niệm của nhân loại học và xã hội học được định nghĩa là một quá trình tương tác xã hội kéo dài suốt đời qua đó cá nhân phát triển khả năng con người và học hỏi các mẫu văn hóa của mình. Nói một cách khác, đó chính là quá trình con người liên tục tiếp thu văn hóa vào nhân cách của mình để sống trong xã hội như là một thành viên.

2. Cơ chế xã hội hóa

Quá trình xã hội truyền lại nền văn hóa cho mỗi cá nhân theo những cách khác nhau. Bằng những cách đó cá nhân học hỏi được nền văn hóa xã hội. Những cách này được gọi là cơ chế xã hội hóa. Có hai cơ chế xã hội hóa cơ bản sau đây:

2.1. Cơ chế định chế

Cơ chế định chế là cơ chế mà xã hội truyền lại những chuẩn mực, khuôn mẫu bắt buộc cho mỗi cá nhân. Cá nhân phải trải qua quá trình học hỏi, thực hành và thực hiện nó trong cuộc sống của mình. Ví dụ như chúng ta học được các tri thức khoa học, học được những kỹ năng lao động nhất định mà xã hội đã đạt được, đồng thời chúng ta còn học được kinh nghiệm của những người đi trước để vận dụng vào cuộc sống của mình.

2.2. Cơ chế phi định chế

Cơ chế phi định chế là cơ chế trong đó mỗi cá nhân học được ở xã hội những điều cần thiết một cách tự nhiên. Cơ chế phi định chế được thực hiện thông qua hai cách là bắt chước và lây lan.

Bắt chước là sự mô phỏng, tái tạo, lặp lại hành động, hành vi cách thức suy nghĩ và ứng xử của một người hay một nhóm người nào đó. Với tư cách là một biện pháp tiếp thu các kinh nghiệm xã hội, bắt chước được các cá nhân dùng để lựa chọn những hành động, hành vi mà mình cho là đúng và thích thú.

Lây lan là quá trình truyền các hành vi xã hội từ người này qua người khác một cách tự nhiên. Lây lan khác bắt chước là ở chỗ các hành vi xã hội được lan truyền ngay cả khi họ không có ý định bắt chước hay học tập. Sự lan truyền hành vi xã hội ở người này sang người khác trong những điều kiện nhất định là cách mà nhiều người học được những kinh nghiệm trong ứng xử xã hội.

Ví dụ như những đứa trẻ trong gia đình có những hành vi mà bố mẹ không dạy và không bắt chước ai. Những hành vi đó gần như giống với bố mẹ nó thời nhỏ. Vì vậy, ngạn ngữ Việt Nam đã có câu: “Con nhà tông chả giống lông thì giống cánh” để ám chỉ sự lan truyền hành vi từ bố mẹ sang con cái.

3. Vai trò của xã hội hóa

Kết quả của xã hội hóa là tạo ra nhân cách của mỗi con người trong xã hội. Mỗi thế hệ trải qua các giai đoạn nhất định của xã hội hóa mà đạt được khả năng, năng lực hoạt động để thể hiện vai trò của chính mình trong xã hội.

Trong xã hội hiện đại hiện nay, hoàn thiện nhân cách của con người là cả một quá trình dài suốt cuộc đời của người ấy. Sự hoàn thiện nhân cách đó phụ thuộc vào quá trình giáo dục xã hội. Theo nghĩa rộng “giáo dục” được hiểu là sự tác động đến con người của toàn bộ hệ thống của các mối quan hệ xã hội với mục đích chuyển tải kinh nghiệm xã hội, do đó các cá nhân có thể thu nhận được các kinh nghiệm này ở mọi nơi, trong mọi nhóm xã hội khác nhau. => Trong trường hợp này khái niệm xã hội hóa đồng nhất với khái niệm giáo dục.

Xã hội hóa là gì? Khái niệm - Cơ chế - Vai trò - Các giai đoạn của quá trình xã hội hóa (ảnh 1)

Xã hội hóa còn tạo sự hoàn thiện, phát triển nhân cách của mỗi người bởi lẽ mỗi một cá nhân thể hiện vai trò của mình trong xã hội trong những điều kiện chủ động sáng tạo của mình để xây dựng xã hội. Quá trình đó giúp cho cá nhân nâng cao chất lượng hành vi xã hội của mình, tham gia góp phần sáng tạo cho xã hội. Như vậy con người không chỉ tiếp thu thụ động những kinh nghiệm xã hội để tạo nên nhân cách mà còn sáng tạo ra nhiều cái mới, cái tiến bộ hơn để xã hội ngày càng phát triển, đấy cũng chính là quá trình phát triển nhân cách của cá nhân từ thấp tới cao, từ đơn giản đến hoàn thiện.

Sự hoàn thiện nhân cách này được diễn ra trong các điều kiện xã hội nhất định. Vì vậy, xã hội phải tạo ra các môi trường xã hội lành mạnh và định hướng rõ ràng trong các môi trường đó nhằm tác động một cách có ý thức và quá trình xã hội hóa.

4. Các giai đoạn của quá trình xã hội hóa

Phân đoạn quá trình xã hội hóa có rất nhiêu cách khác nhau và dựa trên nhiều căn cứ khác nhau. Hiện nay phân đoạn xã hội hóa chưa có sự thống nhất quan điểm với nhau, vì vậy tùy thuộc vào mục đích nghiên cứu mà ta có các cách phân đoạn nhất định.

Xã hội hóa là gì? Khái niệm - Cơ chế - Vai trò - Các giai đoạn của quá trình xã hội hóa (ảnh 1)

4.1. Phân đoạn quá trình xã hội hóa của G. Mead (nhà xã hội học Mỹ)

Theo Mead, kết quả của quá trình xã hội hóa là một nhân cách gồm hai thành phần của cái tôi, cái tôi chủ động “I” và cái tôi bị động “Me”. Quá trình này trải qua ba giai đoạn là:

– Bắt chước: đây là giai đoạn mà con người sao chép hành vi của người khác một cách bị động hoặc chủ động.

– Đóng vai: đây là giai đoạn mà con người đã nhận thức được những hành vi tương ứng với vai trò xã hội nhất định, đặc biệt là các vai trò trong phạm vi quan sát được. Ví dụ, đứa trẻ quan sát được vai trò của bố, mẹ, ông, bà,… Trong một vài tình huống nào đó nó đã nhập vai như là bố, mẹ, ông, bà,… Đây là giai đoạn giúp cho con người hiểu được những suy nghĩ và hành động của người khác khi họ thực hiện vai trò của mình, phân tích và phán xử hành vi của họ để tạo thành kinh nghiệm xã hội cho cá nhân mình.

– Trò chơi: ở giai đoạn này con người cần phải biết được sự đòi hỏi không phải chỉ một cá nhân nào đó mà là của cả xã hội chung. Giai đoạn này đã giúp cho con người thấy rõ được cái tôi chủ động, cái tôi bị động và cái chúng ta, phân biệt rõ mình, người khác và cộng đồng. Đây là cơ sở để con người hòa chung vào cuộc sống cộng đồng.

4.2. Phân đoạn quá trình xã hội hóa của G.Andreeva (nhà xã hội học Nga)

Với mục đích nghiên cứu về các hoạt động của con người trong xã hội, G.Andreeva đã phân chia quá trình xã hội hóa thành ba giai đoạn là giai đoạn trước lao động, giai đoạn sau lao động và giai đoạn trong lao động.

– Giai đoạn trước lao động: bao gồm toàn bộ thời kỳ từ lúc con người được sinh ra cho đến khi họ bắt tay vào lao động. Giai đoạn này gồm hai giai đoạn nhỏ là:

Giai đoạn trẻ thơ là giai đoạn mà đứa trẻ tiếp thu một cách thụ động, máy móc các hành vi và là giai đoạn vui chơi ở nhà hoặc vườn trẻ, nhà mẫu giáo. Giai đoạn này từ lúc trẻ sinh ra đến lúc đi học.

Giai đoạn học hành là giai đoạn đứa trẻ tiếp nhận tri thức và kỹ năng lao động. Vì vậy giai đoạn này đứa trẻ đã có sự tiếp nhận các hành vi một cách có mục đích, có ý thức. Đứa trẻ càng lớn lên thì càng bộc lộ hành vi tiếp nhận có chọn lọc để tự hình thành cho mình năng lực hành vi riêng.

– Giai đoạn lao động: bắt đầu từ khi cá nhân tham gia lao động và kết thúc khi không tham gia lao động (về hưu). Trong giai đoạn này, cá nhân vừa tiếp thu kinh nghiệm xã hội, vừa tích lũy kinh nghiệm cá nhân, vừa bộc lộ năng lực hành vi trong các hoạt động hằng ngày. Giai đoạn này được đánh giá là vô cùng quan trọng trong quá trình xã hội hóa vì một số lý do sau đây:

Con người tiếp thu, củng cố, phát triển các tri thức, kinh nghiệm xã hội để nâng cao năng lực hành vi cá nhân.

Lao động đã giúp cho con người hiểu rõ được cái tôi và cái chúng ta để sống hòa đồng vào cộng đồng xã hội.

Lao động là quá trình thể hiện năng lực hành vi cá nhân có ích cho xã hội và tham gia đóng góp, xây dựng xã hội phát triển.

Lao động thể hiện rõ vai trò của cá nhân trong xã hội, là cơ sở để đánh giá và củng cố năng lực hành vi cá nhân.

– Giai đoạn sau lao động: đó là khi cá nhân kết thúc quá trình lao động của mình, về nghỉ hưu. Hiện nay có hai quan niệm trái ngược nhau ở giai đoạn này. Có quan niệm cho rằng khái niệm xã hội hóa hoàn toàn không có ở giai đoạn này vì các chức năng xã hội của nó bị thu hẹp lại. Tức là không có chuyện người già tiếp thu kinh nghiệm, hay thậm chí sản xuất ra nó. Quan niệm thứ hai cho rằng cần phải nhìn nhận một cách tích cực đối với quá trình xã hội hóa ở giai đoạn này, bởi vì xã hội hiện đại ngày nay đã kéo dài tuổi thọ của con người và đồng thời cũng tạo ra các điều kiện phát huy tính tích cực xã hội của người già. Nhiều người già đóng vai trò quan trọng trong việc tái tạo các kinh nghiệm xã hội. Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay khoa học kỹ thuật thay đổi nhanh chóng, thông tin được phổ biến rộng rãi có tính chất quốc tế, đòi hỏi xã hội phải tái tạo các kinh nghiệm xã hội và truyền đạt những kinh nghiệm, những giá trị cho thế thệ trẻ.

4.3. Phân đoạn quá trình xã hội hóa của các nhà triết học cổ Phương Đông

Các nhà triết học cổ Phương Đông dựa vào năng lực hành vi xã hội đã chia thành 3 giai đoạn:

– Giai đoạn vị thành niên: đây là giai đoạn nhân cách của đứa trẻ đang hình thành, bắt đầu từ lúc sinh ra và đến dưới 18 tuổi. Giai đoạn này cá nhân tiếp thu tri thức, kinh nghiệm xã hội để tạo ra nhân cách riêng cho mình. Giai đoạn này đứa trẻ chưa tự lập được trong cuộc sống, vì vậy nó chưa chịu trách nhiệm xã hội đối với hành vi của mình. Do đó, vai trò của nhà trường và gia đình là rất quan trọng trong việc định hành nhân cách đứa trẻ.

– Giai đoạn thành niên: đây là giai đoạn từ 18 tuổi đến dưới 30 tuổi. Trong giai đoạn này nhân cách của đứa trẻ tiếp tục được củng cố và phát triển. Cá nhân chịu trách nhiệm đối với hành vi xã hội của mình. Năng lực hành vi xã hội đang phát triển theo chiều rộng. Tức là cá nhân vẫn đang tiếp tục học tập để tiếp thu tru thức và kinh nghiệm nhằm ngày càng mở rộng sự hiểu biết của mình và nâng cao dần năng lực hành vi cá nhân.

– Giai đoạn tự lập trong cuộc sống: giai đoạn này bắt đầu từ 30 tuổi đến lúc qua đời. Trong giai đoạn này nhân cách của con người vẫn tiếp tục được củng cố và phát triển năng lực hành vi xã hội đã có sự phát triển sâu sắc. Con người có thể tự lập hoàn toàn trong suy nghĩ và hành động trong giai đoạn này cá nhân bộc lộ tính độc lập, tự chủ và sáng tạo là cao nhất, do đó khả năng cống hiến cho xã hội là cao nhất.

Sự phân đoạn quá trình xã hội hóa theo quan niệm này giúp cho ta thấy rõ trách nhiệm xã hội và vai trò xã hội của cá nhân trong suốt cuộc đời của họ. Về mặt luật pháp, người ta coi giai đoạn thành niên trở đi là giai đoạn con người có năng lực hành vi pháp luật. Về tổ chức, người ta cho rằng giai đoạn vị thành niên và giai đoạn thành niên còn hoàn toàn phụ thuộc, giai đoạn tự lập cá nhân có vai trò lãnh đạo xã hội (bậc thấp là lãnh đạo tác nghiệp, bậc cao là lãnh đạo chiến lược).

5. Xã hội hóa trước và xã hội hóa lại

Xã hội hóa trước (tiếng Anh: anticipatory socialisation) là quá trình xã hội hóa mà trong đó cá nhân được chuẩn bị, làm quen cho các vị trí, nghề nghiệp, quan hệ xã hội...Việc đó không những giúp ích cho cá nhân khi thực sự đảm nhận chúng mà còn khiến cho xã hội có thể vận hành một cách thuận lợi hơn. Các tác nhân xã hội hóa làm cho cá nhân nhận thức được những tiêu chuẩn, giá trị, cách ứng xử... gắn liền với vị trí xã hội của mình trước khi đảm đương vị trí này và quá trình đó lại tiếp tục khi người đó chuẩn bị đảm nhiệm một vị trí mới. Việc đảm nhiệm vị trí mới có khi dẫn đến sự đào thải các tiêu chuẩn, giá trị... cấu trúc nên hành vi mà một người đã thu nhận được trước đây - quá trình xã hội hóa lại (tiếng Anh: resocialisation).

Tiến trình xã hội hóa lại nói chung bao hàm một sự khẩn trương rất lớn đối với cá nhân đó, lớn hơn rất nhiều so với sự xã hội hóa nói chung hay thậm chí so với cả sự xã hội hóa trước. Xã hội hóa lại thường xảy ra khi có một nỗ lực mạnh mẽ nhằm thay đổi một cá nhân như trong các trường cải huấn, trại cải tạo... và nó trở nên đặc biệt có hiệu quả khi được tiến hành trong những định chế toàn diện nhằm điều tiết gần như mọi khía cạnh trong đời sống con người dưới một quyền lực duy nhất như nhà tù, bệnh viện tâm thần, nhà tu kín...

Do định chế toàn diện nhìn chung cách ly với còn lại của xã hội nên định chế này cung cấp mọi nhu cầu của các thành viên trong đó. Do có cùng hoàn cảnh, sống dưới một định chế theo luật lệ và thời gian biểu như nhau nên trong định chế toàn diện tính cá nhân của các thành viên thường mờ nhạt thậm chí mất đi.

6. Một số thông tin khác về xã hội hóa

6.1. Xã hội hóa giáo dục được hiểu ra sao?

Xã hội hoá giáo dục là huy động toàn xã hội làm giáo dục, động viên các tầng lớp nhân dân góp sức xây dựng nền giáo dục quốc dân dưới sự quản lý của Nhà nước để xây dựng một xã hội học tập; là việc thực hiện mối liên hệ phổ biến giữa hoạt động giáo dục và cộng đồng xã hội, làm cho giáo dục phù hợp với sự phát triển của xã hội, thích ứng với xã hội, duy trì sự cân bằng giữa hoạt động giáo dục và xã hội.

6.2. Khái niệm về cơ chế thị trường?

Cơ chế thị trường là tổng thể các yếu tố cung, cầu, giá cả và thị trường cùng các mối quan hệ cơ bản vận động dưới sự điều tiết của các quy luật thị trường trong môi trường cạnh tranh nhằm mục tiêu duy nhất là lợi nhuận.

Xã hội hóa là gì? Khái niệm - Cơ chế - Vai trò - Các giai đoạn của quá trình xã hội hóa (ảnh 1)

6.3. Vai trò của xã hội hóa giáo dục?

- Xã hội hoá công tác giáo dục góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

- Xã hội hoá công tác giáo dục huy động được các nguồn lực, tiềm năng của xã hội, khắc phục khó khăn trong quá trình phát triển giáo dục.

- Xã hội hoá công tác giáo dục tạo sự công bằng, trách nhiệm, dân chủ trong hưởng thụ.

- Xã hội hoá công tác giáo dục góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước về giáo dục.

1 606 27/11/2023