Quy định mới về thỏa ước lao động tập thể theo luật lao động năm 2019

Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp tuy pháp luật không bắt buộc, nhưng đây là văn bản rất quan trọng, được xây dựng, ký kết trên cơ sở đàm phán, thương lượng giữa hai bên, là cơ sở để bảo đảm xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa tại doanh nghiệp.

1 404 22/01/2024


Quy định mới về thỏa ước lao động tập thể theo luật lao động năm 2019

1. Khái niệm và phân loại thỏa ước lao động tập thể

Quy định mới về thỏa ước lao động tập thể theo luật lao động năm 2019 (ảnh 2)

Thỏa ước lao động tập thể là văn bản thoả thuận đã đạt được thông qua hình thức thương lượng giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động, trong đó có quy định về các điều kiện lao động quyền và nghĩa vụ của hai bên trong quan hệ lao động.
Ví dụ: Doanh nghiệp tư nhân A có tổ chức một buổi thương lượng tập thể về các điều kiện lao động với tập thể nhân viên trong doanh nghiệp bao gồm giờ giấc làm việc, chế tài khi vi phạm nội quy doanh nghiệp… Sau buổi thương lượng, X là chủ doanh nghiệp và đại diện tập thể nhân viên trong doanh nghiệp cùng nhau ký kết một văn bản ghi nhận tất cả các điều kiện đã thương lượng trong buổi hợp nói trên. Văn bản này chính là thỏa ước lao động tập thể.
Mục đích xây dựng thỏa ước lao đông tập thể tạo mối quan hệ lao động trở lên hài hòa, là căn cứ để giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Thỏa ước lao động tập thể gồm thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành và hình thức thỏa ước lao động tập thể khác do Chính phủ quy định.

2. Điều kiện ký kết Thỏa ước lao động tập thể

– Doanh nghiệp có sử dụng từ 10 người lao động trở lên và phải ký kết hợp đồng lao động theo quy định pháp luật.
– Doanh nghiệp phải tham khảo ý kiến của người lao động và công đoàn cơ sở.
– Nội quy trong thỏa ước lao động phải được thông báo đến người lao động và phải được niêm yết ở nơi làm việc hoặc trụ sở công ty hoặc nơi làm việc của người lao động. Nội dung thỏa ước lao động phải có lợi cho người lao động và không trái pháp luật.
– Chủ thể ký kết bao gồm: Tập thể lao động và người sử dụng lao động. Đại diện cho tập thể lao động là ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc tổ chức công đoàn lâm thời, tức là Chủ tịch Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc người có giấy uỷ quyền của Ban chấp hành công đoàn. Đại diện người sử dụng lao động là Giám đốc doanh nghiệp hoặc người được uỷ quyền.
– Thỏa ước lao động tập thể phải được tiến hành theo nguyên tắc thiện chí, bình đẳng,hợp tác, công khai và minh bạch.
– Phải được thương lượng tập thể trước khi ký kết thỏa ước lao động.
– Thỏa ước lao động tập thể chỉ được ký kết khi đã đạt được thỏa thuận. Trên 50% số người của tập thể lao động biểu quyết tán thành nội dung khi ký thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp. Đạt mức thỏa thuận trên 50% số biểu quyết tán thành của đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên cơ sở biểu quyết tán thành khi ký thỏa ước lao động tập thể ngành.
– Hình thức của thoả ước lao động tập thể doanh nghiệp đuợc lập thành văn bản có chữ ký của người đại diện pháp luật công ty và Đại diện cho tập thể lao động.

3. Nội dung của thỏa ước lao động tập thể

Căn cứ theo khoản 1 Điều 75, Điều 67 Bộ luật lao động năm 2019 thì nội dung chủ yếu của thỏa ước lao động tập thể bao gồm:
Nội dung của thỏa ước lao động không được trái với quy định của pháp luật và có lợi cho người lao động so với quy định của pháp luật. Nội dung của thỏa ước lao động phải được thông dựa và sự thỏa thuận của tập thể lao động, người sử dụng lao động. Nội dung của thỏa ước lao động tập thể gồm nội dung sau:
– Quy định về việc làm và bảo đảm việc làm: Trong suốt thời gian quan hệ lao động thì người sử dụng phải đảm bảo việc làm cho người lao động; các biện pháp bảo đảm công việc; các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động; chế độ trợ cấp thôi việc; trợ cấp thôi việc , trợ cấp mất việc; công tác đào tạo, quy trình đào tao….
– Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi:các quy định về thời giờ làm việc trong ngày, trong tuần; thời giờ nghỉ ngơi; ngày nghỉ hàng tuần, ngày hàng năm; nghỉ phép, ngày nghỉ việc riêng hưởng nguyên lương;ngày nghỉ lễ, tết hưởng nguyên lương….
– Tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp lương: Quy định thang lương, bảng lương theo quy định của pháp luật; tiền lương tối thiểu; lương tháng, lương ngày; xét năng lương trước thời hạn, xét nâng bậc lương; các loại phụ cấp lương; nguyên tắc trả lương, thời gian trả lương hàng tháng; thanh toán tiền nghỉ hàng năm, tiền đi lại ; tiền lương trả cho giờ làm thêm;các tiền thưởng và các nguyên tắc chi thưởng……
– An toàn lao động, vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội đối với người lao động: tập huấn công tác an toàn vệ sinh lao động, các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động; phương tiện cung cấp phòng hộ cho người lao động; chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật; các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc; bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ; khám sức khỏe định kỳ….
– Bảo hiểm xã hội: các quy định mức đóng chế độ bảo hiểm xã hội; trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động, có quy định về mua bảo hiểm tai nạn 24/24 cho người lao động…
Ngoài ra, nội dung thoả ước lao động tập thể không được trái với quy định của pháp luật và phải có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật.
Ví dụ: Pháp luật lao động hiện nay quy định thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần. Thỏa ước lao động có thể giảm thời giờ làm việc xuống còn 44 giờ trong 01 tuần để có lợi hơn cho người lao động.
Ngoài những nội dung nói trên, các bên có thể thoả thuận thêm những nội dung khác như: thể thức giải quyết tranh chấp lao động; ăn giữa ca; phúc lợi tập thể; hoạt động công đoàn, tranh chấp lao động, trách nhiệm thi hành thỏa ước; Hiệu lực của thỏa ước lao động; những quy định đối với lao động nữ, người cao tuổi và các phúc lợi khác
Hiện nay, chưa văn bản nào quy định về mẫu Thỏa ước lao động tập thể. Mẫu thỏa ước lao động tập thể dựa trên thỏa thuận giũa người lao động, người sử dụng lao động và bên Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên cơ sở. Đồng thời nội dung thỏa ước lao động tập thể phải đáp ứng điều kiện đã được nên ở trên..
Quy định mới về thỏa ước lao động tập thể theo luật lao động năm 2019 (ảnh 3)

4. Thời hạn của thỏa ước lao động tập thể

Thỏa ước lao động tập thể có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm.

Thời hạn cụ thể do các bên thỏa thuận và ghi trong thỏa ước lao động tập thể. Các bên có quyền thỏa thuận thời hạn khác nhau đối với các nội dung của thỏa ước lao động tập thể.

5. Hiệu lực thỏa ước lao động tập thể

5.1 Ngày có hiệu lực

Căn cứ theo Điều 78 Bộ luật lao động 2019, thỏa ước lao động tập thể có hiệu lực theo ngày được ghi trong thỏa ước. Trong trường hợp các bên không ghi ngày có hiệu lực trong thỏa ước thì thỏa ước lao động tập thể có hiệu lực kể từ ngày ký kết.

5.2 Thỏa ước lao động tập thể vô hiệu

Căn cứ theo khoản 1 Điều 86 Bộ luật lao động 2019 thì thoả ước lao động tập thể vô hiệu từng phần khi một hoặc một số nội dung trong thoả ước trái pháp luật.
Ví dụ: Số giờ làm việc trong 01 ngày ở công ty A là 08 giờ, thỏa ước lao động tập thể của công ty quy định số giờ làm thêm trong 01 ngày là 5 tiếng. Trong khi đó, pháp luật quy định tổng số giờ làm thêm của người lao động bình thường không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày. Như vậy thỏa ước lao động tập thể của công ty A đã bị vô hiệu một phần do có một nội dung trái pháp luật.
Căn cứ theo khoản 2 Điều 86 Bộ luật lao động 2019 thì thoả ước lao động tập thể vô hiệu toàn bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây:
• Có toàn bộ nội dung trái pháp luật;
• Người ký kết không đúng thẩm quyền;
• Việc ký kết không tuân thủ đúng quy trình thương lượng, ký kế thỏa ước lao động tập thể.
Ví dụ: Thỏa ước lao động tập thể của công ty X được ký kết giữa đại diện tập thể người lao động là công đoàn và giám đốc tài chính Z của công ty. Trong trường hợp này, giám đốc tài chính của công ty không phải là người sử dụng lao động cũng như đại diện người sử dụng lao động do đó thỏa ước lao động tập thể của công ty X vô hiệu toàn bộ vì người ký kết không đúng thẩm quyền.

6. Vai trò của thỏa ước lao động tập thể

• Thỏa ước lao động tập thể tạo nên cộng đồng quyền lợi và trách nhiệm giữa hai bên.
• Thỏa ước lao động tập thể góp phần điều hòa lợi ích, ngăn ngừa mâu thuẫn xung đột trong quan hệ lao động.
• Thỏa ước lao động là cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết các tranh chấp lao động.
• Thỏa ước lao động tập thể là nguồn quy phạm đặc biệt bổ sung cho luật lao động.
Như vậy, thỏa ước lao động tập thể là sắc thái đặc sắc của luật lao động, có ưu điểm là uyển chuyển và dê thích ứng với thực tại xã hội. Vì vậy mà thỏa ước lao động tập thể rất được thịnh hành ở các nước công nghiệp, đặc biệt là ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển.
Có thể thấy rằng,thỏa ước lao động tập thể là sản phẩm của quá trình thương lượng tập thể thành công, là kết quả cuối cùng các bên đạt được khi cuộc thương lượng kết thúc. Như vậy, thỏa ước lao động tập thể được ký kết hay không hoàn toàn phụ thuộc vào kết quả thương lượng tập thể. Vì thế, việc ký kết thỏa ước lao động tập thể không có tính bắt buộc.
Theo định nghĩa tại điều luật này, thỏa ước lao động tập thể được xác lập bằng văn bản, thông qua quá trình thương lượng giữa hai bên chủ thể: tập thể lao động và người sử dụng lao động;
Nội dung thỏa ước lao động tập thể chứa đựng các quy định về điều kiện lao động mà hai bên đã đạt được thông qua thương lượng tập thể. Vì vậy, nội dung của thỏa ước lao động tập thể không hoàn toàn trùng với các nội dung thương lượng tập thể quy định tại Điều 67 BLLĐ, mà chỉ bao gồm những nội dung các bên đã thương lượng thành. Tức là, nội dung thỏa ước lao động tập thể phải bảo đảm được 3 điều kiện:
1) Thuộc các nội dung thương lượng tập thể;
2) Không được trái với quy định của pháp luật và phải có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật, nghĩa là các quyền lợi của người lao động phải cao hơn những quy định tối thiểu, các nghĩa vụ phải thấp hơn các quy định tối đa trong hành lang Bộ luật quy định;
3) Nội dung này phải có đa số (trên 50%) số người của tập thể lao động (đối với thỏa ước doanh nghiệp) hoặc số đại diện Ban chấp hành công đoàn (đối với thỏa ước ngành) biểu quyết tán thành.
Như vậy, so với trước, pháp luật hiện hành quy định điều kiện về nội dung thỏa ước lao động tập thể chặt chẽ hơn. Điều đó nhằm tăng cường trách nhiệm của các bên trong việc thương lượng các vấn đề về quyền, nghĩa vụ, lợi ích, góp phần nâng cao chất lượng của thỏa ước lao động tập thể, cũng như bảo đảm mục đích của việc ký kết thỏa ước lao động tập thể, khắc phục được việc doanh nghiệp ký kết thỏa ước lao động tập thể chỉ mang tính hình thức, chủ yếu nhằm đối phó với cơ quan có thẩm quyền như trước đây.
Lưu ý về xử lý thỏa ước lao động tập thể vô hiệu: Khi thỏa ước lao động tập thể bị tuyên bố vô hiệu thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của các bên ghi trong thỏa ước lao động tập thể tương ứng với toàn bộ hoặc phần bị tuyên bố vô hiệu được giải quyết theo quy định của pháp luật và các thỏa thuận hợp pháp trong hợp đồng lao động. (Cơ sở pháp lý căn cứ điều 88 BLLĐ 2019)

1 404 22/01/2024