TOP 10 mẫu Phân tích bài thơ Đưa con đi học (2025) SIÊU HAY

Phân tích bài thơ Đưa con đi học gồm dàn ý và những bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn hay hơn.

1 151 03/01/2025


Phân tích bài thơ Đưa con đi học

TOP 10 mẫu Phân tích bài thơ Đưa con đi học (2025) SIÊU HAY (ảnh 1)

Đề bài: Phân tích bài thơ Đưa con đi học của Tế Hanh.

ĐƯA CON ĐI HỌC

“Sáng nay mùa thu sang

Cha đưa con đi học

Sương đọng cỏ bên đường

Nắng lên ngời hạt ngọc

Lúa đang thì ngậm sữa

Xanh mướt cao ngập đầu

Con nhìn quanh bỡ ngỡ

Sao chẳng thấy trường đâu?

Hương lúa tỏa bao la

Như hương thơm đất nước

Con ơi đi với cha

Trường của con phía trước.”

Dàn ý Phân tích bài thơ Đưa con đi học

a. Mở bài: Giới thiệu về tác giả, tác phẩm

b. Thân bài:

- Kết cấu giống như một câu truyện kể, tựa như nhân vật đang kể lại câu truyện của mình đã chứng kiến, trải qua.

- Mùa thu ngày khai trường là một thời điểm vô cùng quan trọng với mọi lứa tuổi học sinh. Người cha ấy đã gác lại tất cả công việc bộn bề để dành thời gian đưa con đến trường.

- Cảnh vật xung quanh bình dị, quen thuộc nhưng lại hằn sâu vào trí nhớ của hai cha con về ngày đầu tới trường.

- Khung cảnh gần gũi, thân thuộc ấy khiến ai cũng xao xuyến khi nhớ lại ngày đầu tiên đến trường của bản thân.

- Đặc sắc nghệ thuật: Phép so sánh kết hợp với ngôn ngữ giản dị, giàu cảm xúc

=> Bài thơ đã đưa người đọc hòa chung với không khí háo hức, vui tươi của buổi tựu trường. Bên cạnh đó cũng là cảm xúc xao xuyến khi nhớ về những kỉ niệm thời thơ ấu của bản thân.

c. Kết bài: Mở rộng nhận xét của em về tác phẩm và kết lại.

Phân tích bài thơ Đưa con đi học (mẫu 1)

Tế Hanh sinh năm 1921, quê ở một làng chài ven biển thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Con người, cuộc sống của làng chài quê hương đã khơi nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm của ông. Nhà thơ Tế Hanh dễ đi vào lòng người nhờ cảm xúc chân thành mà tinh tế, thiết tha. Ông đã để lại cho kho tàng văn học Việt Nam nhiều tập thơ gây ấn tượng với bạn đọc như “Hoa niên”, “Lòng miền Nam”,... Bài thơ “Đưa con đi học” là một tác phẩm mang đặc trưng phong cách nghệ thuật của tác giả.

“Sáng nay mùa thu sang
Cha đưa con đi học
Sương đọng cỏ bên đường
Nắng lên ngời hạt ngọc

Lúa đang thì ngậm sữa
Xanh mướt cao ngập đầu
Con nhìn quanh bỡ ngỡ
Sao chẳng thấy trường đâu?

Hương lúa toả bao la
Như hương thơm đất nước
Con ơi đi với cha
Trường của con phía trước”

Bài thơ gồm có bố cục ba phần, được viết theo thể ngũ ngôn chan chứa tình cảm với những ngôn từ dung dị, đời thường. “Đưa con đi học” nằm trong tập thơ “Khúc ca mới” và được sáng tác vào mùa thu năm 1964.

Mở đầu bài thơ, tác giả đã mở ra trước mắt người đọc một buổi sáng mùa thu với những cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp:

“Sáng nay mùa thu sang
Cha đưa con đi học
Sương đọng cỏ bên đường
Nắng lên ngời hạt ngọc”

Mùa thu thường đi vào văn chương nghệ thuật với những nét đẹp rất riêng, nào là hoa thơm quả ngọt, tết Trung thu quây quần bên gia đình,... Và khi đến với những vần thơ Tế Hanh, ta bắt gặp những hình ảnh náo nức, hân hoan của ngày tựu trường. Từ câu thơ đầu “Sáng nay mùa thu sang”, nhà thơ đã khéo léo vẽ nên một bức tranh thiên nhiên sinh động, hấp dẫn với những hình ảnh quen thuộc “Sương đọng cỏ bên đường/ Nắng lên ngời hạt ngọc”. Những hình ảnh ấy rất đỗi đời thường, nhưng khi được nhìn qua lăng kính của nhà thơ đã trở nên lung linh dưới nhiều góc độ. Thế nhưng, điều nổi bật nhất ở bài thơ này không nằm ở cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng khi mùa thu sang, mà còn ẩn chứa tình yêu nước, và tình cảm tha thiết mà người cha dành cho đứa con bé bỏng của mình. Qua những câu thơ gợi hình gợi cảm, người đọc còn như cảm nhận được nỗi lòng của người cha khi trông thấy con mình đã lớn khôn, chập chững những bước đi đầu tiên bước vào ngưỡng cửa trường học, tạm rời xa vòng tay ấm áp của mẹ cha.

Nếu khổ thơ đầu tiên ẩn chứa tấm lòng người cha, thì đến với khổ thơ thứ hai là đến với tâm trạng của trẻ thơ vào ngày đầu đến lớp:

“Lúa đang thì ngậm sữa
Xanh mướt cao ngập đầu
Con nhìn quanh bỡ ngỡ
Sao chẳng thấy trường đâu?”

Bằng việc sử dụng phép nhân hóa, nhà thơ đã khắc họa thành công cảnh vật dưới góc nhìn con trẻ: “Lúa thì đang ngậm sữa/ Xanh mướt cao ngập đầu”. Theo bước chân của hai cha con, khung cảnh hiện lên bình dị mà tươi đẹp làm sao với cánh đồng lúa chín thơm mùi sữa và trải dài xanh mướt như đến tận chân trời. Tất cả những điều ấy nhằm cho thấy được sự hồn nhiên và non nớt của đứa trẻ trong ngày đầu tiên đi học, đặc biệt là ở câu thơ: “Sao chẳng thấy trường đâu?”. Câu hỏi ngây ngô vang lên khiến cho nhịp thơ thêm phần nhẹ nhàng, sinh động.

Khổ thơ cuối cùng khắc sâu hơn tình cảm chan chứa trong trái tim của người cha:

“Hương lúa toả bao la
Như hương thơm đất nước
Con ơi đi với cha
Trường của con phía trước”

Bằng cách sử dụng một cách tài tình nghệ thuật so sánh: “Hương lúa tỏa bao la/ Như hương thơm đất nước”, những câu thơ dường như trở nên có sức gợi hình, gợi cảm. Cụm từ “hương thơm đất nước” mang một ý nghĩa sâu xa, là hình ảnh ẩn dụ cho vẻ đẹp thiêng liêng nhưng cũng rất đời thường. Khi so sánh “hương thơm đất nước” với “hương lúa”, nhà thơ đã giúp cho người đọc cảm nhận được tình yêu quê hương Tổ quốc khó diễn tả bằng lời qua những gì gần gũi, thân thuộc nhất với con người Việt Nam. Chính những cánh đồng lúa chín thơm mùi sữa, những thảm cỏ xanh như ngọc dưới ánh mặt trời,... dù dung dị, giản đơn, nhưng lại là biểu tượng của quê hương, xứ sở. Đây là những hình ảnh có sức mạnh vỗ về tâm hồn và nâng đỡ cho bước chân của những mầm non tương lai chinh phục ước mơ. Bên cạnh tình yêu đất nước thường trực còn là sự quan tâm của người cha đối với con qua hai dòng thơ: “Con ơi đi với cha/ Trường của con phía trước”. Phía trước kia là ngôi trường của con, cũng là nơi bắt đầu cho tương lai tươi sáng của con. Trong lời nhắn nhủ con mình tìm tòi, khám phá và lĩnh hội tinh hoa tri thức nhân loại của nhà thơ là xiết bao tình cảm và sự kỳ vọng của bậc làm cha làm mẹ.

Với giọng thơ nhẹ nhàng, sâu lắng cùng lời thơ giản dị, giàu hình ảnh, nhà thơ đã gợi được những rung cảm trong lòng người đọc. Qua những hình ảnh mộc mạc mà đầy ý nghĩa, người đọc như cũng cảm nhận được trọn vẹn tình yêu thương của người cha, lời nhắn nhủ yêu thương, lời dặn dò, niềm mong mỏi, hy vọng vào những điều tốt đẹp sẽ đến với người con của nhân vật trữ tình. Là một độc giả, và hơn cả là một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, tôi càng thêm tự tin, vững vàng đón nhận những thách thức trong cuộc sống để không phụ sự kỳ vọng của mẹ cha, cũng như gắng sức xây dựng Tổ quốc.

Phân tích bài thơ Đưa con đi học (mẫu 2)

Viết về tình phụ tử đã có rất nhiều bài thơ để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng độc giá như “Những cánh buồm” của Hoàng Trung Thông, “Sang năm con lên bảy” của Vũ Đình Minh... Mỗi bài thơ về tình phụ tử thiêng liêng ấy là lời thì thầm của cha dành cho đứa con yêu bé bỏng. Hoà vào dòng cảm xúc thấm đẫm tình yêu thương ấy, Tế Hanh cũng góp một tiếng nói riêng trong trẻo, dịu dàng trong bài thơ “Đưa con đi học” - Bài thơ mang trong mình sự trầm lắng của mùa thu, vẽ nên bức tranh tươi đẹp về hình ảnh người cha đưa đứa con tới trường trong không khí trong lành của mùa thu mới.

Tế Hanh là nhà thơ viết nhiều, vết hay về quê hương, về tình cảm gia đình ấm áp, yêu thương, thơ ông cũng như con người ông nhỏ nhẹ, khiêm nhường, đủ để tạo dấu ấn riêng. Những vần thơ của ông gợi lên trong lòng người đọc những tình cảm cao đẹp, lối sống nhân văn. Bài thơ “Đưa con đi học” thể hiện tình yêu thương con sâu nặng của người cha, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc bao thế hệ. “Đưa con đi học” là “tiếng lòng của người nghệ sĩ” Tế Hanh về tấm lòng yêu thương con sâu nặng của người cha. Khổ thơ đầu bài thơ mở ra một không gian trong trẻo của buổi sáng mùa thu đẹp trời, hình ảnh người cha đưa con đi học gợi lên trong lòng người đọc biết bao cảm xúc về tình phụ tử thiêng liêng.

“Sáng nay mùa thu sang

Cha đưa con đi học

Sương đọng cỏ bên đường

Nắng lên ngời hạt ngọc”

Bài thơ “Đưa con đi học” của Tế Hanh chất chứa biết bao tâm tư, tình cảm của người cha dành cho đứa con thơ của mình. Người cha chăm sóc cho con từ thuở còn thơ, gắn bó và đồng hành cùng con trên con đường thành tài. Cha đưa con đi học trên con đường quen thuộc: “Sương đọng cỏ”, “nắng lên ngời”, “lúa ngậm sữa”, đứa con thơ vẫn còn bỡ ngỡ trong ngày đầu đến trường. Những hình ảnh tuyệt đẹp của thiên nhiên trên con đường cha trở con đi học như muốn khẳng định niềm tin, sự mong mỏi của người cha mong muốn con mình có một tương lai tươi sáng. Cha đưa con đi học trong một buổi sáng mùa thu mát mẻ gợi hình ảnh ấm áp, thân thương. Trước mắt người đọc hiện lên hình ảnh hai cha con vừa đi vừa nắm tay nhau trò chuyện vui vẻ giữa khung cảnh thanh bình nên thơ ở một làng quê. Tất cả nhành cây, ngọn cỏ như chào đón con, như cùng vui bước chân con đến trường... Cánh đồng lúa trải dài tít tắp, căng tràn nhựa sống, cùng hương lúa thoảng bay trong gió đang reo vui, đang hoà ca cùng niềm vui đến trường của con. Lời thơ thủ thỉ, tâm tình như tiếng lòng cha đang thì thầm, trò chuyện cùng con. Dường như, bao niềm tin, hi vọng, bao nhắn nhủ của cha dành cho con đều dồn vào hành động “Cha đưa con đi học”, thật thân thương và trìu mến biết bao!

“Lúa đang thì ngậm sữa

Xanh mướt cao ngập đầu

Con nhìn quanh bỡ ngỡ

Sao chẳng thấy trường đâu?”

Khổ thơ thứ hai của bài thơ vừa gợi bức tranh đồng quê trong buổi sáng mùa thu thanh bình, yên ả, vừa gợi hình ảnh đứa trẻ với tâm trạng bỡ ngỡ, sự hồn nhiên, ngây thơ của con trẻ trong ngày đầu tiên đi học. Không gian thanh bình, yên ả, rộng mở, thơ mộng khiến con bỡ ngỡ: Sao chẳng thấy trường đâu? Câu hỏi gieo vào lòng người đọc niềm bâng khuâng khó tả, nỗi niềm háo hức mong chờ được đến trường của con. Quả là ngày đầu tiên đến trường nên trong con có một chút xao xuyến, bâng khuâng, một chút ngỡ ngàng hơi xa lạ nhưng đầy háo hức, đón chờ. Khổ thơ cuối, nhà thơ sử dụng hình ảnh so sánh đặc sắc “Lúa đang thì ngậm sữa – như hương thơm đất nước” để làm nổi bật hương thơm ngọt ngào, thanh mát của lúa đang thì con gái tràn đầy sức sống cũng giống như niềm vui, sự háo hức được đến trường của con. Đồng thời cha muốn nhắn nhủ con: Mỗi bước chân đến trường của con luôn có cha đồng hành, cùng con bước đi trên mọi nẻo đường và luôn đưa con đến những điều tốt đẹp nhất. Tình cảm thiêng liêng, niềm hi vọng và sự tin tưởng cha luôn đặt vào con đó cũng là hành trang để con bước đi trên hành trình dài rộng của cuộc đời.

“Hương lúa tỏa bao la

Như hương thơm đất nước

Con ơi đi với cha

Trường của con phía trước”

Bài thơ “Đưa con đi học” của Tế Hanh là bài thơ ca ngợi tình phụ tử cao đẹp, tình yêu thương, sự quan tâm lo lắng của người cha dành cho con thật cảm động. Tình cảm của cha đối với con thật nhiều yêu thương trìu mến, thiết tha và tin tưởng. Đứa con bé bỏng chính là điểm tựa tinh thần, là nơi cho người cha vin vào mà tin tưởng, mà khao khát. Người đọc nhận ra đằng sau từng câu chữ ấy là hình ảnh của người cha hết mực yêu thương con với một niềm tin rất lớn rằng con sẽ bay cao, bay xa. Tình yêu thương con của cha trong bài thơ đã gợi lên trong lòng bạn đọc nhiều xúc cảm về tình phụ tử thiêng liêng, cao đẹp. Đó là tình cảm nhân bản, là tiếng lòng của không chỉ nhà thơ Tế Hanh mà tiếng lòng chung của những người cha đáng kính. Cha mong muốn con nên người, học tập thật tốt vì tương lai phía trước. Bài thơ góp phần bồi dưỡng tình cảm gia đình gần gũi thân thương, tỉnh phụ tử bền chặt cho bạn đọc.

“Đưa con đi học” là “tiếng lòng của người nghệ sĩ” Tế Hanh về tấm lòng yêu thương con sâu nặng của người cha được thể hiện qua những hình thức nghệ thuật đặc sắc: Thể thơ năm chữ phù hợp với việc bộc lộ tâm tư tình cảm, như lời thủ thỉ tâm tình của người cha dành cho đứa con bé bỏng. Giọng điệu bài thơ tâm tình, thiết tha thấm sâu vào tâm hồn mỗi người về tình cha con đẹp đẽ, cao cả. Ngôn ngữ bình dị, nhiều hình ảnh so sánh đẹp góp phần khắc hoạ bức tranh thiên nhiên mùa thu êm dịu, tươi mát và tình cảm đong đầy yêu thương, sự quan tâm, tận tình, chu đáo của cha dành cho con. Bài thơ “Đưa con đi học” của Tế Hanh là bài ca về tỉnh phụ tử thiêng liêng cao đẹp. Tình cảm của cha dành cho con chính là thứ tình cảm thiêng liêng, bao la nhất. Không một ai có thể hi sinh cả thời gian, cả tuổi thanh xuân của mình để đồng hành cùng con như cha. Với con, cha mãi là chỗ dựa vững chắc nhất bởi “Tình cha ấm áp như vầng thái dương”!

1 151 03/01/2025


Xem thêm các chương trình khác: