TOP 10 mẫu Phân tích bài thơ Cuốc kêu cảm hứng của Nguyễn Khuyến (2025) SIÊU HAY
Phân tích bài thơ Cuốc kêu cảm hứng của Nguyễn Khuyến gồm dàn ý và những bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn hay hơn.
Phân tích bài thơ Cuốc kêu cảm hứng của Nguyễn Khuyến
Đề bài: Phân tích bài thơ Cuốc kêu cảm hứng của Nguyễn Khuyến.
Dàn ý Phân tích bài thơ Cuốc kêu cảm hứng
I. Mở bài
– Giới thiệu nhà thơ Nguyễn Khuyến.
– Giới thiệu bài thơ Cuốc kêu cảm hứng.
II. Thân bài
2.1 Nội dung
*Hai cầu đề:
Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ,
Ấy hồn Thục đế thác bao giờ
– Giới thiệu nhan đề bài thơ: từ tiếng cuốc kêu thê lương, thảm thiết mà nghĩ về một chuyện xưa đau buồn.
– Tả tiếng cuốc kêu: khắc khoải, lửng lơ
=> Tiếng cuốc kêu làm nhà thơ xúc động nhớ chuyện Thục Đế xa xưa vì để mất nước mà xót xa tủi hận biến thành con chim cuốc.
– “thác bao giờ”: diễn tả tâm trạng buồn đau cực độ đến ngơ ngác, ngẩn ngơ.
* Hai câu thực:
Năm canh máu chảy đêm hè vắng
Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ.
– Tiếng cuốc kêu gọi hè khắc khoải, cô đơn, không dứt, suốt “năm canh”, “sáu khắc”
– “máu chảy”, “hồn tan” => sự đau đớn
=>Tiếng cuốc kêu thảm thiết suốt ngày đêm khiến không gian có phần ghê rợn, ám ảnh.
– “đêm hè vắng” – “bóng nguyệt mờ” => Diễn tả nỗi đau trải dài khắp không gian và thời gian.
* Hai câu luận:
Có phải tiếc xuân mà đứng gọi,
Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ.
– Nỗi niềm băn khoăn, day dứt sâu trong tâm hồn tác giả.
– “Có phải”, “hay là” => Diễn tả những băn khoăn, day dứt đè nặng trong lòng
– “Tiếc xuân mà đứng gọi” => cuốc tiếc tuổi xuân
– “Nhớ nước vẫn nằm mơ” => Tiếng than nhớ nước của oan hồn Thục Đế
=> Nhà thơ mượn tiếng cuốc để giãi bày niềm thao thức của mình, nhớ nhung đất nước hưng thịnh như trời xuân của mình khi xưa.
*Hai câu kết:
– Lời tự hỏi nhà thơ dành cho bản thân.
– Tâm trạng bồn chồn, bức bối, bất lực khi không thể làm gì khi đất nước lâm nguy.
2.2 Nghệ thuật
– Thơ Nôm Thất ngôn bát cú.
– Bút pháp nghệ thuật điêu luyện, hàm súc, giọng thơ ám ảnh, ngôn ngữ hình ảnh đối xứng, hài hòa.
– Các từ láy tượng thanh, biểu cảm rất tinh luyện cực tả tiếng cuốc kêu và tâm trạng nhà thơ: khắc khoải, lửng lơ, ròng rã, ngẩn ngơ,…
III. Kết bài
– Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ.
– Khẳng định tài năng của nhà thơ.
Phân tích bài thơ Cuốc kêu cảm hứng (mẫu 1)
Nguyễn Khuyến là một trong những nhà thơ xuất sắc của nền thi ca cổ điển Việt Nam. Nhà thơ đã để lại nhiều bài thơ chữ Hán và chữ Nôm. Thơ ông có nhiều câu đối thể hiện một bút pháp nghệ thuật điêu luyện, kết hợp tài tình phong cách cổ điển, hàm súc và tính chất bình dị đậm đà. Thơ của ông vừa có những bài thơ trào phúng đặc sắc, độc đáo vừa có những bài thơ bình dị, thân thuộc đáng yêu một cách kì lạ về cảnh sắc làng quê Việt Nam, đặc biệt thơ Nguyễn Khuyến còn thể hiện một tâm sự yêu nước, u hoài trước sự thay đổi của thời cuộc. Trong số những bài thơ thể hiện tâm sự yêu nước của nhà thơ phải kể đến bài thơ Nôm Cuốc kêu cảm hứng. Bài thơ thể hiện một tấm lòng yêu nước sâu sắc, một tâm trạng đầy bi kịch: xót xa đau buồn, tủi nhục vì nước mất nhà tan.
Mở đầu bài thơ, nhà thơ Nguyễn Khuyến đã đưa vào tiếng chim cuốc thê lương, thảm thiết:
Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ,
Ấy hồn Thục đế thác bao giờ.
Đọc thơ Nguyễn Khuyến, người đọc thấy trong thơ ông xuất hiện rất nhiều bóng dáng của các loài vật. Đó là “Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe”, là “Ngoài lũy nhấp nhô cò cụ Tổng” hay “Trâu già gốc bụi phì hơi nắng – Chó nhỏ bên ao cắn tiếng người”. Và đặc biệt hình ảnh con chim cuốc đã xuất hiện nhiều lần trong thơ của Nguyễn Khuyến. Tiếng chim cuốc như nhắc nhở, như giục giã chí hăm hở vào đời: “Quyên đã gọi hè quang quác quác”, tiếng chim thẳm thiết trong Điếu quyên (Khóc thương con cuốc): “Ai đề dạ dạ huyết triêm y” (Đêm đêm kêu gào thảm thiết máu chảy đầm áo). Và trong Cuốc kêu cảm hứng, tiếng chim cuốc lại một lần nữa xuất hiện. Hai câu thơ đề đã góp phần giải thích nhan đề của bài thơ. Tiếng cuốc kêu “khắc khoải” lặp đi lặp lại triền miên, nghe mênh mang nỗi buồn; giọng cuốc “lơ lửng” vừa xót xa, vừa day dứt, chơi vơi trong không trung, càng nghe càng buồn không kể xiết. Nhà thơ Nguyễn Khuyến nghe tiếng cuốc kêu mà xúc động nhớ đến một sự tích đau buồn xa xưa. Chuyện kể rằng Thục Đế vì để mất nước mà xót xa tủi hận biến thành con chim cuốc. Một liên tưởng thấm thía, tiếng cuốc kêu u buồn, thê lương như tiếng gọi đau thương của một oan hồn. Ba chữ “thác bao giờ” càng đặc tả tâm trạng buồn đau cực độ đến ngơ ngác, ngẩn ngơ.
Đến hai câu thực, tiếng cuốc kêu gọi hè càng khắc khoải, cô đơn, tiếng cuốc kêu suốt ngày đêm, u ám, thê lương trong không gian vắng vẻ, mờ ảo đã tạo ra một khung cảnh nghệ thuật có phần ghê rợn, ám ảnh:
Năm canh máu chảy đêm hè vắng
Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ
Tiếng cuốc gọi hè vô cùng day dứt, ám ảnh. Nỗi đau cuồn cuộn, dữ dội như màu đỏ của “máu chảy”, nỗi buồn khủng khiếp như nát ruột “hồn tan”. Tiếng cuốc kêu nghe sao mà đau xót, tiếng kêu khắc khoải, triền miên suốt năm canh đến sáu khắc, từ ngày này của đêm khác, tiếng kêu văng vẳng giữa “đêm hè vắng” giữa “bóng nguyệt mờ” như tiếng khóc than thảm thiết. “Đêm hè vắng” và “bóng nguyệt mờ” hô ứng, đối xứng diễn tả nỗi buồn đau như thấm vào thời gian, trải dài khắp không gian. Hai câu thơ làm hiện lên một không gian nghệ thuật và một thời gian nghệ thuật ảm đạm, buồn thương với tiếng cuốc kêu nghe da diết, ám ảnh, đau đớn và tê tái. Tiếng cuốc ấy gợi lên trong tâm hồn người không ngủ một nỗi đau đớn, nỗi xót xa dai dẳng, bứt rứt vô cùng.
Hai câu thơ tiếp bộc lộ nỗi niềm băn khoăn, day dứt trong tâm hồn tác giả:
Có phải tiếc xuân mà đứng gọi,
Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ?
Câu hỏi tu từ giả định “có phải” , “hay là” diễn tả những suy tư, trăn trở, những tâm sự đè nặng trong lòng nhà thơ. Nhà thơ tự hỏi tiếng cuốc gọi là vì “tiếc xuân” mà cất tiếng gọi? Hay là tiếng khóc than nhớ nước của oan hồn Thục đế xa xưa. Nguyễn Khuyến mang tâm trạng của một trí thức bất lực, đau đớn trước cảnh nước mất nhà tan, trước sự suy tàn của đất nước, khốn khổ của người dân. Hai câu thơ như để nhà thơ giãi bày niềm thao thức của mình. Nhà thơ vừa nhớ nhung vừa tiếc nuối đất nước vồn từng thịnh vượng, tươi đẹp như khí tiết mùa xuân. Nỗi niềm ấy khiến nhà thơ càng thêm đau đớn khi nhìn đất nước ở thực tại. Hai câu luận với các cặp từ hô ứng nhau: “có phải – hay là/ tiếc xuân – nhớ nước/ mà đứng gọi – vẫn nằm mơ” làm cho nỗi buồn thương nhà nhớ nước trở nên thấm thía. Tiếc rồi đến nhớ, đứng rồi nằm, gọi và mơ, trong trạng thái nào, tâm trạng nào cùng bồn chồn, nặng nề, cũng xót xa, đau đớn.
Kết thúc bài thơ là lời tự hỏi tác giả dành cho bản thân và cũng là tâm trạng bồn chồn không yên của một người trí thức yêu nước, thương dân nhưng không thể làm gì để giúp đất nước trở về những năm tháng bình yên, hưng thịnh khi xưa:
Thâu đêm ròng rã kêu ai đó?
Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ.
Tiếng cuốc kêu ròng rã suốt bao đêm cũng là bao đêm nhà thơ thao thức, không được yên giấc. Tiếng cuốc kêu dài ngày đêm không dứt khiến cho thi nhân không ngủ được vì đau đáu một tình yêu nước tha thiết, thương dân vô bờ. Tiếng cuốc kêu như giục giã, như xoáy sâu vào tâm hồ, có phải như muốn thi sĩ hãy làm điều gì để thay đổi tình cảnh ngổn ngang, bề bộn này. Trước tiếng cuốc giục giã, thê lương, đau đớn như rỉ máu, như hồn tan, như tiếng kêu khóc ấy, người thi sĩ yêu nước ấy lại không thể làm gì, chỉ còn lại sự bất lực, đau đớn đến ngẩn ngơ. Bài thơ khép lại với tâm trạng khó chịu, bức bối, day dứt vô cùng trong biết bao đêm hè vắng lặng chỉ có tiếng cuốc kêu thê lương, sầu thẳm vang vọng gần xa.
Bài thơ Nôm Cuốc kêu cảm hứng viết theo thể thơ Thất ngôn bát cú với cách gieo vần tài tình, phép đối thật chỉnh và tự nhiên, cách dùng từ vừa chính xác vừa biểu cảm, giọng điệu ám ảnh, ngôn ngữ hình ảnh đối xứng hài hòa tạo nên một bài thơ toàn bích, cổ điển. Qua bài thơ, tác giả đã thể hiện tâm sự yêu nước và nỗi u hoài trước sự thay đổi của đất nước từ hưng thịnh đến cảnh nước mất nhà tan.
Qua bài thơ Cuốc kêu cảm hứng, chúng ta có thể khẳng định được tài năng và nhân cách của nhà thơ Nguyễn Khuyến – một ngôi sao sáng cuối cùng của nền văn học trung đại Việt Nam. Cuộc đời và thơ văn Nguyễn Khuyến là những trang đẹp mà buồn của một nhà nho tài năng, giàu nhân cách, sáng trong khí tiết.
Phân tích bài thơ Cuốc kêu cảm hứng (mẫu 2)
Trong các nhà thơ cổ điển Việt Nam chưa có thi sĩ nào trong thơ mình lại xuất hiện nhiều bóng hình con vật đến như thế. Đó là những con vật gắn bó gần gũi với người dân cày Việt Nam, với bà con xóm thôn đồng chiêm trũng. Theo Nguyễn Văn Huyền, tác giả cuốn Nguyễn Khuyến - Tác phẩm thì có tới sáu, bảy chục con vật khác nhau xuất hiện trong thơ Yên Đổ. Có "Ngõ tối đêm sâu đóm lập loè". Có "Ngoài luỹ nhấp nhô cò cụ Tổng", có "Trâu già gốc bụi phì hơi nắng - Chó nhỏ bên ao cắn tiếng người"
Riêng về con chim cuốc, thấy ba lần xuất hiện. Lần thứ nhất tiếng chim như nhắc nhở, như giục giã chí hăm hở vào đời:
Quyên đã gọi hè quang quác quác
Lần thứ hai là bài thơ Cuốc kêu cảm hứng, lần thứ ba là bài Điệu quyên (Viếng con cuốc) được viết vào thời gian Nguyễn Khuyến về sống giữa làng xóm quê hương, nơi Vườn Bùi chốn cũ. Bài thơ Nôm Cuốc kêu cảm hứng là một trong những bài thơ được nhiều người yêu thích và truyền tụng. Giọng thơ thê thiết, réo rắt, thấm một nỗi buồn mênh mông. Tiếng cuốc như gợi lên trong lòng nhà thơ nỗi đau mất nước, nỗi buồn bơ vơ, nỗi xót xa tủi nhục trước cảnh lầm than của dân tộc. Mỗi câu thơ là một tiếng lòng, là một nỗi buồn tê tái:
Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ,
………………………………..
Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ
Hai câu đề tả âm thanh tiếng cuốc. Tiếng cuốc kêu "khắc khoải" nghe buồn buồn, lặp đi lặp lại triền miên, thê thiết; giọng cuốc "lửng lơ" chơi vơi trong không trung. Càng nghe càng buồn không kể xiết. Nghe tiếng cuốc kêu mà xúc động nhớ đến chuyện Thục Đế xa xưa vì để mất nước mà xót xa tủi hận biến thành con chim cuốc. Một liên tưởng thấm thía, gợi tả tiếng cuốc kêu như một tiếng gọi đau thương của một oan hồn. Ba chữ “thác bao giờ" diễn tả tâm trạng buồn đau cực độ đến ngơ ngác, ngẩn ngơ:
Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ,
Ấy hồn Thục Đế thác bao giờ
Hai câu đề giới thiệu rất tài tình nhan đề bài thơ. Nghe tiếng cuốc kêu trong hiện tại mà cảm hứng, man mác buồn đau nghĩ về một chuyện xưa đau buồn. Thơ Nguyễn Khuyến tinh tế trong biểu cảm là vậy!
Hai câu thực làm hiện lên một không gian nghệ thuật và một thời gian nghệ thuật khi nhà thơ cực tả tiếng cuốc kêu:
Năm canh máu chảy đêm hè vắng
Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ
Tiếng cuốc gọi hè vô cùng ám ảnh. Nỗi đau như "máu chảy", nỗi buồn như nát ruột "hồn tan". Tiếng cuốc kêu mãi, kêu hoài, kêu khắc khoải triền miên suốt năm canh đến sáu khắc, từ ngày này qua đêm khác. "Đêm hè vắng” và "bóng nguyệt mờ" hô ứng, đối xứng diễn tả nỗi đau, nỗi buồn như thấm vào thời gian, toả rộng trong không gian. Đêm hè trở nên "vắng" để nghe rõ tiếng cuốc “khắc khoải đưa sầu...". Bóng trăng như "mờ" đi trong tiếng cuốc "lửng lơ” đau đớn và tê tái. Đúng là "lời văn thanh thoát, tình nghĩa rất ứng đọng lại", như Xuân Diệu đã cảm nhận "Chúng ta tưởng nghe da diết, ám ảnh, chì chiết một tiếng chim kêu, có sắc đỏ, khóc nức nở, gào thảm thiết, tiếng kêu có máu, tiếng huyết kêu mất nước! nhớ nước!". Trong bài thơ chữ Hán Điệu quyên (Viếng con cuốc), Nguyễn Khuyến cũng diễn tả "tiếng huyết kêu mất nước! nhớ nước!" bằng một tứ thơ rỉ máu, tan nát, bi thương:
Bi đề dạ dạ huyết triêm y
(Đêm đêm kêu gào thảm thiết, máu chảy đầm áo)
Hai câu luận nói lên chiều sâu một tâm trạng:
Có phải tiếc xuân mà đứng gọi,
Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ
"Có phải" và "hay là" câu hỏi mơ hồ, giả định ấy diễn tả những băn khoăn, những day dứt đè nặng trong lòng. Tiếng cuốc gọi hay vì "tiếc xuân" mà cuốc cất tiếng gọi? Hay là oan hồn Thục Đế "nhớ nước vẫn nằm mơ". Câu luận rất tinh tế trong biểu cảm, Nguyễn Khuyến mượn tiếng cuốc để giãi bày niềm thao thức của mình. Cuốc thì tiếc xuân mà đứng gọi, kêu khắc khoải suốt đêm. Còn Tam Nguyên Yên Đổ thì đêm đêm vẫn nằm mơ mà nhớ nước. Hồn nước đi đâu về đâu? Nỗi buồn bơ vơ nhớ nước như thấm vào câu chữ. Các cặp hô ứng nhau rất chỉnh: Có phải - hay là/tiếc xuân - nhớ nước/mà đứng gọi - nằm mơ, làm cho nỗi buồn thương nhà nhớ nước trở nên thấm thía. Tiếc rồi nhớ, đứng rồi nằm, gọi và mơ, trạng thái nào, tâm trạng nào cũng bồn chồn, xót xa đau đớn.
Giữa thế kỷ XIX, Bà Huyện Thanh Quan đứng trên đỉnh đèo Ngang lúc hoàng hôn, trong nỗi buồn của người lữ khách mà thổn thức:
Nhớ nước, đau lòng con cuốc cuốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
(Qua Đèo Ngang)
Có điều là Bà Huyện Thanh Quan lúc bấy giờ tuy mang tâm trạng cô đơn, nhưng còn có nước để mà “nhớ nước”, còn có nhà để mà "thương nhà” còn Nguyễn Khuyến, nửa thế kỷ sau sống trong cảnh ngộ, nước mất nhà tan nên ra đi “nhớ nước vẫn nằm mơ”, thao thức, đắng cay, đau buồn...
Nỗi đau buồn nằm mơ... nhớ nước ấy được Yên Đổ gửi gắm trong nhiều bài chữ Hán giàu ý tưởng thâm trầm, kín đáo. Đây là nỗi niềm lưu lạc tha hương “Giang sơn y cựu phong quang cải - Thiếu vọng đê mê dục đoạn hồn” (Túc Phú Xuyên đồn) - (Sông núi vẫn như xưa nhưng quang cảnh đã đổi thay - Ngắm thấy cảnh lờ mờ mà tâm hồn những muốn nát tan). Trong bài thơ Hung niên 1 - Năm mất mùa), giọng thơ lại càng thêm đau đớn:
Cố quốc sơn hà chân thảm đạm
Thu hương hồng nhạn tối bi ai
(Núi sông nước cũ âm thầm,
Lạc loài cánh nhạn không cầm nỗi đau)
(Bùi Văn Cường dịch)
Có thể nói “nhớ nước vẫn nằm mơ" là một tứ thơ hay nhất, cảm động nhất của Nguyễn Khuyến khi luận về “cuốc kêu... ”. Hai câu kết là một lời tự hỏi, một tâm trạng bồi hồi không yên:
Thâu canh ròng rã kêu ai đó,
Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ
Kêu ai, giục ai, hay lời kêu gọi, thúc giục của ai đó đối với mình. Ngẩn ngơ nghĩa là đờ đẫn như mất hết tinh thần, đau đớn bồn chồn không yên dạ. Chính tiếng cuốc kêu ròng rã thâu canh kiến cho khách giang hồ bồn chồn ngẩn ngơ cả dạ. Yêu nước nhưng bất lực nên mới ngẩn ngơ như thế! Nhà thơ thao thức suốt năm canh, suốt những đêm hò đau xót, tủi buồn, bơ vơ vì nước mất. Tình yêu nước son sắt thuỷ chung nên tâm trạng đầy bi kịch, rối bời, ngẩn ngơ. Một thế kỷ sau, trong vận hội mới đất nước, độc giả ngày nay vẫn còn cảm thấy ngẩn ngơ, bồi hồi nghe tiếng cuốc kêu rỉ máu, tiếng thương tiếng đau, tiếng thở dài và giọt khóc... của Tam Nguyên Yên Đổ, của ông cha thuở ấy...
Qua Cuốc kêu cảm hứng, Nguyễn Khuyến đã giãi bày một tấm lòng yêu nước không nguôi, một tâm trạng đầy bi kịch: xót xa đau buồn, tủi nhục vì nước mất nhà tan. Tâm trạng ấy của nhà thơ cũng là tâm trạng của một thế hệ nhà nho yêu nước mà bất lực trước thời cuộc. Cuốc kêu cảm hứng là tiếng đồng vọng bi thương, để con cháu cảm thông với nỗi lòng ông cha, trân trọng và tự hào về cái giá của độc lập tự do với bao nhiêu máu, nước mắt mà cả dân tộc phải trả. Cuốc kêu cảm hứng tiêu biểu nhất cho hồn thơ Nguyễn Khuyến sau khi đã cáo quan lui về sống giữa xóm làng quê hương: man mác bâng khuâng buồn, cô đơn... Bài thơ thể hiện bút pháp nghệ thuật đặc sắc của Nguyễn Khuyến: điêu luyện, hàm súc, giọng điệu ám ảnh, ngôn ngữ hình ảnh đối xứng hài hoà tạo nên một bài thơ toàn bích, cổ điển, vần thơ chơi vơi lửng lơ man mác: lửng lơ - bao giờ - bóng nguyệt mờ - nằm mơ - dạ ngẩn ngơ. Các từ láy tượng thanh, biểu cảm rất tinh luyện cực tả tiếng cuốc và tâm trạng nhà thơ: khắc khoải, lửng lơ, ròng rã, ngẩn ngơ... Tiếng cuốc kêu hoài lòng ta khi đọc Cuốc kêu cảm hứng, ta cảm thấy Tam Nguyên Yên Đổ đang thao thức ngồi dưới “bóng nguyệt mờ” đôi mắt già đẫm lệ, ngẩn ngơ lắng nghe tiếng cuốc “khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ...”
Phân tích bài thơ Cuốc kêu cảm hứng (mẫu 3)
Nguyễn Khuyến là một nhà thơ cổ điển có tâm hồn sâu sắc, thâm trầm, lại mang nỗi đau đời đầy xót xa. Vốn tài cao học rộng, mang danh tiến sĩ, nhưng trước thực cảnh đất nước bị xâm lăng, ông cũng đành bó tay, bất lực, phải lui về ở ẩn để tránh nhìn cảnh đau xót. Trong quãng thời gian ở ẩn ấy, Nguyễn Khuyến vẫn canh cánh một nỗi lòng tiếc hận, chính vì thế, ông thường gửi vào thơ văn của mình những nỗi niềm suy tư, một cách thật sâu kín. Có tận đến mấy chục con vật khác nhau xuất hiện trong thơ của một thi sĩ cổ điển như Nguyễn Khuyến và mỗi một con vật đó lại mang một ý nghĩ, một tâm trạng riêng của nhà thơ. Trong đó, con cuốc là loài được vinh dự xuất hiện tới 3 lần trong thơ ông, một trong số các bài thơ tiêu biểu nhất là Cuốc kêu cảm hứng.
Đọc nhan đề Cuốc kêu cảm hứng, nếu hiểu xuôi hay ngược đều ra nghĩa cả, nhưng xét về tâm trạng và bối cảnh ra đời có lẽ ta nên hiểu đó là nhà thơ nghe tiếng cuốc kêu mà tìm được "cảm hứng" viết bài thơ này. "Cảm hứng" ở đây chẳng phải là niềm vui, sự hứng khởi mà chính là sự khơi gợi nỗi đau mất nước từ tiếng Cuốc kêu thảm thiết, tê tái cõi lòng. Ta có thể tìm thấy một tiếng "Quốc" đau lòng như thế trong thơ của Bà Huyện Thanh Quan, đó là câu "Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc" thật xót xa, buồn tủi trong Qua đèo Ngang của nữ sĩ.
Mở đầu bài thơ, Nguyễn Khuyến đã đưa vào một tiếng chim thật thê lương, nó vừa "khắc khoải" như nhấn sâu vào tâm hồn con người, lại vừa "lửng lơ", đó là tiếng kêu mang theo cái nỗi buồn mênh mang, vừa xót xa lại day dứt. Tiếng cuốc cũng gợi nhớ về một sự tích xưa, Thục đế vì làm mất nước mà đau đớn chết đi hóa thân thành con cuốc, ngày ngày cất tiếng kêu thê thảm, lầm lũi. Đó là nỗi đau của một oan hồn, vấn vương vẩn cho đến muôn đời sau, nỗi đau mất nước là nỗi đau sâu sắc không thể xóa nhòa, để một oan hồn đã "thác tự bao giờ" vẫn phải đau đớn đến ngẩn ngơ, ngày ngày lang thang dưới bóng một loài chim lầm lũi.
Trong hai câu thơ thực, Nguyễn Khuyến diễn tả một khung cảnh nghệ thuật, có phần ghê rợn, ám ảnh bởi tiếng cuốc khắc khoải cô đơn, gọi hè.
"Năm canh máu chảy đêm hè vắng
Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ"
Giữa "đêm hè vắng", tiếng cuốc kêu chi mà đau xót, một nỗi đau có màu đỏ chói mắt của "máu chảy", đã thế cái "vắng" buổi đêm lại càng làm cho cái tiếng cuốc gọi hè ám ảnh ấy thêm sâu đậm, thêm tha thiết, vang vọng khắp không gian tĩnh mịch, oi bức. Đã thế tiếng cuốc còn gợi một nỗi đau lớn hơn đó là nỗi đau "hồn tan" dưới một cái không gian ảm đạm "bóng nguyệt mờ", tưởng tượng nếu đứng dưới khung cảnh ấy mà nghe tiếng cuốc thì phải thấy chán chường, khủng hoảng đến độ nào. Tiếng cuốc ấy cũng chẳng phải chỉ kêu ngày một ngày hai mà kêu dai dẳng suốt ngày suốt đêm, kêu suốt "năm canh-sáu khắc", lại càng thích kêu vào cái buổi đêm yên tĩnh như tiếng kêu khóc thê thảm, gợi lên trong tâm hồn người không ngủ một nỗi đau đớn, một nỗi xót xa dai dẳng, bứt rứt vô cùng.
"Có phải tiếc xuân mà đứng gọi,
Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ?"
Đến hai câu thơ luận, ta dường như nhận ra một nỗi niềm băn khoăn, day dứt sâu trong tâm hồn tác giả. Tâm trạng của một nhân sĩ mang nỗi đau đời, đau vì mất nước, đau vì bất lực, đau vì nghịch cảnh tồi tàn của dân tộc lúc bấy giờ. Ông tự hỏi tiếng cuốc kia rốt cuộc là do còn hoài xuân hay là tiếng than nhớ nước của oan hồn Thục đế xa xưa. Nghĩ sâu xa thì đó cũng chính là tâm trạng của thi nhân, ông tiếc nhớ một đất nước vốn từng thịnh vượng sung sức như cái khí tiết trời xuân. Còn giờ đây ông lại tiếp tục với nỗi đau mất nước mà đến nằm mơ về một tổ quốc khi xưa cũng chẳng được yên giấc, bởi tiếng cuốc kêu khắc khoải, thê thương quá.
"Thâu đêm ròng rã kêu ai đó?
Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ."
Hai câu kết cuối bài tưởng nhà thơ đang hỏi con cuốc kêu chi mà ròng rã vậy, nhưng đó cũng lại chính là lời tự hỏi của tác giả dành cho bản thân mình. Tiếng cuốc kêu dài trong đêm vắng, người thi nhân vẫn bồn chồn, ngẩn ngơ không ngủ được vì đau đáu một nỗi niềm sắt son yêu nước, thương dân đến tột cùng. Tiếng cuốc kêu như giục giã, như xoáy sâu vào tâm hồn, ý bảo nhân sĩ hãy làm một điều gì đó để thay đổi thế sự ngổn ngang này. Nhưng người đang nghe tiếng cuốc giục giã như rỉ máu, như hồn tan, như kêu khóc ấy lại phải chịu bó tay bất lực, chẳng thể làm được gì, chỉ biết ngẩn người đau đớn, thở dài. Đó là một cái tâm trạng khó chịu, bức bối đến nhường nào trong cái đêm hè vắng lặng này.
Phân tích bài thơ Cuốc kêu cảm hứng (mẫu 4)
Nhà thơ Tố Hữu từng nói: “Thơ là tiếng nói của trái tim”. Thật vậy, thơ là tiếng nói của tình cảm xuất phát từ những rung cảm của trái tim với cuộc đời của người nghệ sĩ. Và có lẽ tiếng nói tri âm đầy xúc cảm ấy đã được nhà thơ Nguyễn Khuyến neo đậu, kí thác qua thi phẩm Cuốc kêu cảm hứng. Bài thơ là những đau đớn, xót xa của nhà thơ Nguyễn Khuyến trước cảnh nước mất nhà tan.
Nguyễn Khuyến là nhà thơ xuất sắc trong nền văn học trung đại Việt Nam. Không chỉ là “nhà thơ của quê hương làng cảnh Việt Nam” (Xuân Diệu), Nguyễn Khuyến còn để lại ấn tượng sâu đậm bởi những vần thơ thấm đượm nỗi niềm với đất nước, về thời cuộc. Bài thơ Cuốc kêu cảm hứng là lời giãi này của một tấm lòng yêu nước, một tâm trạng đầy bi kịch xót xa đau buồn vì nước mất nhà tan. Nhân vật trữ tình trong bài thơ là hình ảnh của chính nhà thơ Nguyễn Khuyến. Dù không xuất hiện trực tiếp nhưng người đọc vẫn nhận ra đằng sau mỗi lời thơ là tấm lòng yêu nước, nỗi đau đớn xót xa của nhà thơ trước cảnh nước mất.
“Thơ ca làm cho tất cả những gì tốt đẹp nhất trên đường thành bất tử” - Shelly. Chính những vần thơ thất ngôn sâu lắng đã bất tử hóa tấm lòng yêu nước sâu sắc của thi nhân. Giọng thơ thê thiết, réo rắt, thấm một nỗi buồn mênh mông. Tiếng cuốc như gợi lên trong lòng nhà thơ nỗi đau mất nước, nỗi buồn bơ vơ, nỗi xót xa tủi nhục trước cảnh lầm than của dân tộc. Mỗi câu thơ là một tiếng lòng, là một nỗi buồn tê tái.
Khắc khoải đưa sầu giọng lửng lơ,
Ấy hồn Thục đế* thác bao giờ?
Hai câu thơ tập trung miêu tả âm thanh tiếng cuốc. Tiếng cuốc kêu "khắc khoải" nghe buồn buồn, lặp đi lặp lại triền miên, thê thiết; giọng cuốc "lửng lơ" chơi vơi trong không trung. Càng nghe càng buồn không kể xiết. Nghe tiếng cuốc kêu mà xúc động nhớ đến chuyện Thục Đế xa xưa vì để mất nước mà xót xa tủi hận biến thành con chim cuốc. Một liên tưởng thấm thía, gợi tả tiếng cuốc kêu như một tiếng gọi đau thương của một oan hồn. Ba chữ “thác bao giờ" diễn tả tâm trạng buồn đau cực độ đến ngơ ngác, ngẩn ngơ. Nghe tiếng cuốc kêu trong hiện tại mà cảm hứng, man mác buồn đau nghĩ về một chuyện xưa đau buồn.
Năm canh máu chảy đêm hè vắng,
Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ,
Tiếng cuốc gọi hè vô cùng ám ảnh. Nỗi đau như "máu chảy", nỗi buồn như nát ruột "hồn tan". Tiếng cuốc kêu mãi, kêu hoài, kêu khắc khoải triền miên suốt năm canh đến sáu khắc, từ ngày này qua đêm khác. "Đêm hè vắng” và "bóng nguyệt mờ" hô ứng, đối xứng diễn tả nỗi đau, nỗi buồn như thấm vào thời gian, toả rộng trong không gian. Đêm hè trở nên "vắng" để nghe rõ tiếng cuốc “khắc khoải đưa sầu...". Bóng trăng như "mờ" đi trong tiếng cuốc "lửng lơ” đau đớn và tê tái. Đúng là "lời văn thanh thoát, tình nghĩa rất ứng đọng lại", như Xuân Diệu đã cảm nhận "Chúng ta tưởng nghe da diết, ám ảnh, chì chiết một tiếng chim kêu, có sắc đỏ, khóc nức nở, gào thảm thiết, tiếng kêu có máu, tiếng huyết kêu mất nước! nhớ nước!".
Có phải tiếc xuân mà đứng gọi,
Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ?
Hai câu thơ càng khắc sâu vào tâm trạng của nhân vật trữ tình. "Có phải" và "hay là" câu hỏi mơ hồ, giả định ấy diễn tả những băn khoăn, những day dứt đè nặng trong lòng. Tiếng cuốc gọi hay vì "tiếc xuân" mà cuốc cất tiếng gọi? Hay là oan hồn Thục Đế "nhớ nước vẫn nằm mơ". Câu luận rất tinh tế trong biểu cảm, Nguyễn Khuyến mượn tiếng cuốc để giãi bày niềm thao thức của mình. Cuốc thì tiếc xuân mà đứng gọi, kêu khắc khoải suốt đêm. Còn Tam Nguyên Yên Đổ thì đêm đêm vẫn nằm mơ mà nhớ nước. Hồn nước đi đâu về đâu? Nỗi buồn bơ vơ nhớ nước như thấm vào câu chữ. Các cặp hô ứng nhau rất chỉnh: Có phải - hay là/tiếc xuân - nhớ nước/mà đứng gọi - nằm mơ, làm cho nỗi buồn thương nhà nhớ nước trở nên thấm thía. Tiếc rồi nhớ, đứng rồi nằm, gọi và mơ, trạng thái nào, tâm trạng nào cũng bồn chồn, xót xa đau đớn.
Thâu đêm ròng rã kêu ai đó?
Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ.
Hai câu thơ là lời tự hỏi, một tâm trạng bồi hồi không yên. Kêu ai, giục ai, hay lời kêu gọi, thúc giục của ai đó đối với mình. Ngẩn ngơ nghĩa là đờ đẫn như mất hết tinh thần, đau đớn bồn chồn không yên dạ. Chính tiếng cuốc kêu ròng rã thâu canh kiến cho khách giang hồ bồn chồn ngẩn ngơ cả dạ. Yêu nước nhưng bất lực nên mới ngẩn ngơ như thế! Nhà thơ thao thức suốt năm canh, suốt những đêm hò đau xót, tủi buồn, bơ vơ vì nước mất. Tình yêu nước son sắt thuỷ chung nên tâm trạng đầy bi kịch, rối bời, ngẩn ngơ. Một thế kỷ sau, trong vận hội mới đất nước, độc giả ngày nay vẫn còn cảm thấy ngẩn ngơ, bồi hồi nghe tiếng cuốc kêu rỉ máu, tiếng thương tiếng đau, tiếng thở dài và giọt khóc... của Tam Nguyên Yên Đổ, của ông cha thuở ấy...
Bài thơ thể hiện bút pháp nghệ thuật đặc sắc của Nguyễn Khuyến: điêu luyện, hàm súc, giọng điệu ám ảnh, ngôn ngữ hình ảnh đối xứng hài hoà tạo nên một bài thơ toàn bích, cổ điển, vần thơ chơi vơi lửng lơ man mác: lửng lơ - bao giờ - bóng nguyệt mờ - nằm mơ - dạ ngẩn ngơ. Các từ láy tượng thanh, biểu cảm rất tinh luyện cực tả tiếng cuốc và tâm trạng nhà thơ: khắc khoải, lửng lơ, ròng rã, ngẩn ngơ...
Qua Cuốc kêu cảm hứng, Nguyễn Khuyến đã giãi bày một tấm lòng yêu nước không nguôi, một tâm trạng đầy bi kịch: xót xa đau buồn, tủi nhục vì nước mất nhà tan. Tâm trạng ấy của nhà thơ cũng là tâm trạng của một thế hệ nhà nho yêu nước mà bất lực trước thời cuộc. Cuốc kêu cảm hứng là tiếng đồng vọng bi thương, để con cháu cảm thông với nỗi lòng ông cha, trân trọng và tự hào về cái giá của độc lập tự do với bao nhiêu máu, nước mắt mà cả dân tộc phải trả. Cuốc kêu cảm hứng tiêu biểu nhất cho hồn thơ Nguyễn Khuyến sau khi đã cáo quan lui về sống giữa xóm làng quê hương: man mác bâng khuâng buồn, cô đơn...
Giữa thế kỷ XIX, Bà Huyện Thanh Quan đứng trên đỉnh đèo Ngang lúc hoàng hôn, trong nỗi buồn của người lữ khách mà thổn thức:
Nhớ nước, đau lòng con cuốc cuốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
(Qua Đèo Ngang)
Có điều là Bà Huyện Thanh Quan lúc bấy giờ tuy mang tâm trạng cô đơn, nhưng còn có nước để mà “nhớ nước”, còn có nhà để mà "thương nhà” còn Nguyễn Khuyến, nửa thế kỷ sau sống trong cảnh ngộ, nước mất nhà tan nên ra đi “nhớ nước vẫn nằm mơ”, thao thức, đắng cay, đau buồn...
Nỗi đau buồn nằm mơ... nhớ nước ấy được Yên Đổ gửi gắm trong nhiều bài chữ Hán giàu ý tưởng thâm trầm, kín đáo. Đây là nỗi niềm lưu lạc tha hương “Giang sơn y cựu phong quang cải - Thiếu vọng đê mê dục đoạn hồn” (Túc Phú Xuyên đồn) - (Sông núi vẫn như xưa nhưng quang cảnh đã đổi thay - Ngắm thấy cảnh lờ mờ mà tâm hồn những muốn nát tan). Trong bài thơ Hung niên 1 - Năm mất mùa), giọng thơ lại càng thêm đau đớn:
Cố quốc sơn hà chân thảm đạm
Thu hương hồng nhạn tối bi ai
(Núi sông nước cũ âm thầm,
Lạc loài cánh nhạn không cầm nỗi đau)
Homeros – cha đẻ của thi ca Hy Lạp cổ đại sau khi tạo ra hai thiên sử thi vĩ đại “lliatvà “Odise” đã nói: “Một mũi tên và một ngòi bút đều có thể đâm xuyên qua trái tim của con người”. Mũi tên làm tim ta rỉ máu, còn ngùi bút làm tim ta rộng mở. Tin rằng, trái tim chúng ta hôm nay rộng lớn hơn khi thấm vào trong đó là câu chữ của Nguyễn Khuyến. Từng lời thơ Cuốc kêu cảm hứng, từng âm thanh tha thiết của tiếng cuốc khơi gợi trong mỗi chúng ta tình yêu nước, tấm lòng tha thiết và trách nhiệm với đất nước.
Xem thêm các chương trình khác:
- Các dạng bài tập Tiếng Anh thông dụng nhất
- 3000 câu hỏi ôn tập môn Tiếng Anh có đáp án
- Toàn bộ kiến thức về cụm động từ | Định nghĩa và cách dùng
- 500 đoạn văn Tiếng Anh thông dụng nhất và cách làm
- 1000 câu hỏi ôn tập môn Công nghệ có đáp án
- 1000 câu hỏi ôn tập Giáo dục công dân
- 15000 câu hỏi ôn tập môn Toán có đáp án
- Wiki Toán | Khái niệm, định lí, tính chất, dạng bài, công thức
- Tuyển tập đề thi + chuyên đề ôn thi Toán Kangaroo các cấp độ (có đáp án 2024)
- 3000 câu hỏi ôn tập môn Vật lí có đáp án
- Tổng hợp Dạng bài - Công thức môn Vật lí
- Phương trình hóa học | Tổng hợp PTHH của các chất hữu cơ, vô cơ chính xác nhất
- Đồng phân & Công thức cấu tạo của các chất hữu cơ
- Nhận biết các chất Hóa học
- Cấu hình electron
- So sánh bán kính nguyên tử và bán kính ion
- 1000 câu hỏi ôn tập môn Hóa có đáp án
- Wiki các chất hóa học | Định nghĩa, tính chất, nhận biết, điều chế, ứng dụng
- Cách đọc danh pháp hóa học (chương trình mới) đầy đủ nhất
- Công thức Lewis của một số chất thường gặp (chương trình mới)
- Công thức electron của một số chất thường gặp (chương trình mới)
- Công thức cấu tạo của một số chất thường gặp (chương trình mới)
- Công thức hợp chất khí với hidro của các nguyên tố (phổ biến) | Cách viết công thức hợp chất khí với hidro
- Công thức hidroxit cao nhất của các nguyên tố (phổ biến) | Cách viết công thức hidroxit cao nhất
- Công thức oxit cao nhất của các nguyên tố (phổ biến) | Cách viết công thức oxit cao nhất
- 2000 câu hỏi ôn tập môn Tin học có đáp án
- 3000 câu hỏi ôn tập môn Lịch sử có đáp án
- 3000 câu hỏi ôn tập môn Địa lí có đáp án
- 2000 câu hỏi ôn tập môn Sinh học có đáp án
- Tổng hợp Dạng bài - Công thức môn Sinh học
- Trò chơi Powerpoint | Game Powerpoint
- Tổng hợp bài thu hoạch BDTX Giáo viên mầm non (2024) theo Thông tư 12
- Tổng hợp bài thu hoạch BDTX Giáo viên tiểu học (2024)
- Tổng hợp bài thu hoạch BDTX Giáo viên THCS (2024)
- Tổng hợp bài thu hoạch BDTX Giáo viên THPT (2024)