Thành phần tình thái là gì? Dấu hiệu nhận biết, phân loại, chức năng của thành phần tình thái

Vietjack.me gửi tới bạn đọc bài viết về thành phần tình thái với đầy đủ khái niệm, ví dụ, cách nhận biết, ... Từ đó giúp các em nắm vững kiến thức về thành phần tình thái để áp dụng khi làm bài. Mời các em tham khảo bài viết dưới đây:

1 312 10/12/2024


Thành phần tình thái

1. Thành phần tình thái là gì?

Thành phần tình thái (hay còn gọi là thành phần biệt lập tình thái) là thành phần câu dùng với mục đích chính nhằm để thể hiện cách nhìn của người nói hoặc người viết đối với sự việc được nói đến trong câu hoặc thể hiện cách nhìn nhận thái độ, cách đánh giá với người nghe.

Ví dụ:

- Hình như bão sắp về. => "Hình như" thể hiện sự không chắc chắn về việc cơn bão sẽ về.

- Hôm nay chắc chắn tôi phải làm xong bài tập về nhà. => Từ "chắc chắn" thể hiện sự khẳng định của người nói về việc sẽ làm xong bài tập về nhà ngày hôm nay

- Theo dự báo thời tiết, cuối tháng này gió mùa Đông Bắc sẽ tràn về. => "Theo dự báo thời tiết" thể hiện ý kiến của người nói với sự việc ở trong câu

2. Các nhóm thành phần tình thái

– Các từ ngữ thành phần được sử dụng nhằm mục đích để chỉ mức độ chắc chắn của câu cụ thể như chắc, chắc chắn, có lẽ, hình như…

– Các từ ngữ thành phần được sử dụng nhằm mục đích để chỉ quan điểm riêng của người khác như theo tôi, ý anh, theo quan điểm của anh…

– Các từ ngữ thành phần được sử dụng nhằm mục đích để thể hiện thái độ, quan hệ giữa người nói với người nghe, thường ở kết thúc câu như à, ạ, nhỉ, nhé…

– Các từ ngữ thành phần được sử dụng nhằm mục đích để thể hiện sự lễ phép, lịch sự với người lớn, bề trên nên thêm từ “ạ” phía cuối câu nói.

3. Chức năng của thành phần tình thái

Thành phần tình thái thường được sử dụng với mục đích để thể hiện cách nhìn nhận của người nói đối với sự việc được nói tới trong câu. Thành phần này thường sẽ không tham gia vào việc diễn đạt sự việc của câu nhưng nó góp phần cho câu trở nên đặc biệt, nổi bật hơn cũng như sẽ giúp diễn đạt ý của người nói một cách rõ ràng, mạch lạc hơn.

4. Dấu hiệu nhận biết thành phần tình thái

Nếu trong câu có các yếu tố sau thì đó là thành phần biệt lập tình thái:

- Yếu tố tình thái chỉ độ tin cậy đối với sự việc được nói đến trong câu.

Các từ để nhận biết: chắc chắn, chắn hẳn, chắc vậy rồi

=> Chỉ độ tin cậy cao của người nói.

Các từ như: Có lẽ, có vẻ như, dường như, hình như, hẳn là…

=> Chỉ độ tin cậy thấp.

- Các yếu tố tình thái gắn với ý kiến của người nói đối với sự việc được nói đến trong câu.

Có các từ như: Theo tôi, theo ý tôi, theo ý bạn, ý ông là, ý mình là…

- Các yếu tố tình thái chỉ thái độ/ mối quan hệ của người nói và người nghe.

Có các từ như: à, á, nhé, nhỉ, ạ, hả, hử…

5. Một số các thành phần biệt lập khác

- Thành phần gọi đáp: đây là thành phần biệt lập được dùng trong các câu gọi đáp, giúp duy trì mối quan hệ của chủ thể được đề cập đến trong câu. Thành phần gọi đáp có thể được đứng ở đầu câu hoặc cuối câu. Khi dùng để gọi - đáp, có thể sử dụng câu riêng biệt.

Ví dụ:

+ "Hồng! Mày có muốn vào Thanh Hoá chơi với mẹ mày không?"

+ "Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi"

- Thành phần phụ chú: đây là thành phần biệt lập được dùng để bổ sung một số chi tiết cho nội dung chính của câu, bổ sung thông tin, liệt kê và chú giải để câu rõ nghĩa hơn. Thành phần phụ chú thường được đặt giữa hai dấu gạch ngang, hai dấu phẩy, hai dấu ngoặc đơn hoặc giữa một dấu gạch ngang với một dấu phẩy. Trong một số trường hợp, thành phần phụ chú còn được đặt ở sau dấu hai chấm.

Ví dụ:

+ "Vậy mày hỏi cô Thông - tên người đàn bà họ nội xa kia - chỗ ở của mợ mày, rồi đánh giấy cho mợ mày, bảo dù sao cũng phải về."

+ Hoa Tulip (một loài hoa xuất xứ Trung Đông) luôn được coi là biểu tượng của đất nước Hà Lan.

+ Bạn Linh, con bác Huyền, là học sinh giỏi nhất lớp em.

+ Trong khu vườn, ngàn hoa đua sắc thắm báo hiệu mùa xuân đang cận kề: hoa hồng, hoa đào, hoa mai, hoa lan...

- Thành phần cảm thán: là thành phần được thêm vào câu giúp người nói, người viết bộc lộ tâm trạng, trạng thái cảm xúc của mình với sự vật, hiện tượng được đề cập tới. Thành phần này cũng không tham gia vào việc diễn đạt nghĩa của sự việc trong câu nên nó là thành phần biệt lập.

Ví dụ:

+ Chà, cái bánh to quá.

+ Trời ơi, con chó cắn nát chiếc dép mới mua rồi.

+ Chao ôi, thời tiết hôm nay mới mát mẻ làm sao.

6. Phân biệt thành phần tính thái và thành phần cảm thán

Thành phần biệt lập tình thái và thành phần biệt lập cảm thán có nhiều nét tương đồng với nhau, chính vì vậy mọi người thường hay có sự nhầm lần hai thành phần này với nhau. Dưới đây sẽ là một số những điểm để phân biệt hai thành phần này.

- Điểm giống nhau

Thành phần biệt lập tình thái và thành phần biệt lập cảm thán đều không tham gia vào việc diễn đạt nghĩa của câu và cả hai thành phần này đều không tham gia vào cấu trúc ngữ pháp của câu.

- Điểm khác nhau

+ Thành phần biệt lập tình thái được sử dụng để thể hiện cách nhìn của người nói đối với sự việc được nói trong câu

+ Thành phần biệt lập cảm thán được dùng để bộc lộ tâm lý của người nói ở trong câu.

7. Bài tập về thành phần tình thái

Bài 1: Tìm thành phần tình thái trong các câu sau đây

1. Chắc chắn, hôm nay trời sẽ mưa.

2. Dường như, mùa thu đã đến.

3. Có lẽ, cô ấy cũng thích mình.

Trả lời:

Các thành phần tình thái trong các câu trên là:

1. Từ tình thái là: Chắc chắn. Nó là lời khẳng định hôm nay trời sẽ nắng.

2. Từ tình thái là: Dường như. Nó thể hiện mức độ tin cậy thấp, vì người nói chỉ phỏng đoán.

3. Từ tình thái: Có lẽ. Nó chỉ mức độ tin cậy trung bình của người nói.

Bài 2: Viết một đoạn văn ngắn (từ 12 đến 15 câu) nói về cảm xúc của em khi được thưởng thức một tác phẩm văn nghệ (truyện, thơ, phim, ảnh, tượng,…), trong đoạn văn đó có câu chứa thành phần tình thái.

Trả lời:

Mỗi lần đọc lại bài Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, trong trái tim tôi dường như đang bị thứ gì đó bóp nghẹn lại. Tình cảm gia đình vốn là thứ tình cảm thiêng liêng nhất trên đời thế nhưng những trang truyện viết về tình cảm cha con thời chiến ấy lại quá nhiều mất mát, đau thương. Tiếng kêu “Ba” xé lòng của bé Thu cuối trang truyện cứ vang mãi trong tâm trí của tôi – tiếng kêu đầu tiên phát ra từ đứa trẻ thiếu thốn tình cha và cũng là tiếng gọi cuối cùng của cuộc đời cô bé. Xót xa biết nhường nào! Ôi, đất nước tôi! Một đất nước bé nhỏ nhưng cứ mãi oằn mình dưới gót giày ngoại xâm. Kết thúc trang truyện tôi chỉ mong sao đất nước nhỏ bé của chúng tôi mãi được hòa bình, để chúng tôi có thể sống mãi trong nụ cười hiền của cha và cái ôm ấm áp của mẹ.

Xem thêm các bài viết liên quan hay, đầy đủ khác:

Trắc nghiệm Các thành phần biệt lập

1 312 10/12/2024


Xem thêm các chương trình khác: