Cấu tứ là gì? Vai trò của cấu tứ trong thơ. Mối quan hệ giữa cấu tứ và tứ thơ

Vietjack.me gửi tới bạn đọc bài viết Cấu tứ là gì? Vai trò của cấu tứ trong thơ. Mối quan hệ giữa cấu tứ và tứ thơ bao gồm cái khái niệm, đặc điểm, ... và bài tập. Từ đó giúp các em nắm vững được kiến thức khi làm bài. Mời các em tham khảo bài viết dưới đây:

1 10 28/11/2024


Cấu tứ là gì? Vai trò của cấu tứ trong thơ. Mối quan hệ giữa cấu tứ và tứ thơ

1. Cấu tứ là gì?

- Cấu tứ là một yếu tố nghệ thuật quan trọng trong văn học, đặc biệt là trong thơ ca. Nó được hiểu là cách mà tác giả sắp xếp và tổ chức các ý tưởng, hình ảnh, và cảm xúc trong tác phẩm để tạo nên một mạch chuyển đổi mạch lạc và sâu sắc.

Cấu tứ giúp tác giả truyền tải thông điệp và cảm xúc một cách hiệu quả, đồng thời tạo nên phong cách nghệ thuật riêng biệt cho tác phẩm. Nó bao gồm việc bố trí từng ý, từng câu sao cho hợp lý và tạo nên một tổng thể có tính thẩm mỹ cao.

Những kiểu cấu tứ quen thuộc trong thơ:

+ Cấu tứ dựa trên mô hình cấu trúc phổ quát của bài thơ: Cấu tứ dựa trên việc xây dựng, tạo lập các hình tượng trong thơ. Cách tổ chức tác phẩm dựa trên việc xây dựng và tổ chức hình tượng có sức khái quát cao luôn là khao khát và thách thức lớn đối với mỗi nhà thơ; Cấu tứ dựa trên việc tổ chức sắp xếp các nguồn cảm xúc sao cho chúng được bung nở, biểu hiện một cách tự nhiên nhất, cho thấy được trạng thái tâm hồn của nhà thơ; Cấu tứ dựa trên việc tạo lập và tổ chức bố cục của bài thơ trữ tình. Bố cục của một văn bản thơ hoàn chỉnh bao gồm có nhan đề, các câu thơ, khổ thơ tạo thành các đoạn thơ, các đoạn thơ đó hợp lại tạo thành một tác phẩm thơ trọn vẹn

+ Cấu tứ dựa trên đặc trưng cấu trúc của thể thơ và đặc trưng của một số biện pháp nghệ thuật trong thơ: Cấu tứ dựa trên sự tôn trọng đặc trưng của các thể thơ: Thơ lục bát, thơ Đường luật, Thơ tự do, Thơ văn xuôi, …

2. Cách xác định cấu tứ trong thơ

Để xác định được cấu tứ trong thơ, đầu tiên chúng ta cần dựa vào nhan đề của bài thơ, số từ trong câu thơ, nhịp điệu mỗi dòng thơ, từ bắt đầu, từ kết thúc. Để xác định cấu tứ được rõ nét và không bỏ sót cấu tứ trong bài, chúng ta cần xem xét tới hình ảnh của bài thơ: bắt đầu với hình ảnh nào? Có những hình ảnh nào tiếp tục xuất hiện, kết thúc hình ảnh nào. Từ đó sẽ xác định được trình tự sắp xếp từ ngoài vào trong, từ xa đến dần cho bài thơ.

Để hiểu rõ hơn về cách xác định cấu tứ trong thơ, ta cùng tìm hiểu qua hai ví dụ dưới đây:

- Xét cấu tứ trong bài thơ Từ Ấy của Tố Hữu: Nhan đề “Từ ấy” chính là từ khóa chính để chúng ta tiếp cận tác phẩm. Từ ấy cho chúng ta biết chính xác khoảng thời gian, ghi dấu thời điểm mà tác giả Tố Hữu được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Và đó chính là dấu mốc có bước ngoặt trong con đường của ông. Từ ngày tìm thấy ánh sáng chân lí, con đường và đướng lối cách mạng được mở ra. Từ đây, nhân dân ta có Đảng lãnh đạo, Đảng là niềm tin, là chỗ dựa tinh thần cho cuộc giải phóng dân tộc. Cấu tứ bài thơ còn thể hiện trong những câu thơ với nhiều hình ảnh “bừng nắng hạ”, “mặt trời chân lí” cùng những độ từ mạnh như “bừng”, “chói”. Điều này đã làm thức tỉnh tâm hồn và lí tưởng của nhà thơ. Tiếp đó là loạt cảm xúc vui tươi với đầy âm thanh, màu sắc được mở ra. Có thể thấy rằng: Cấu tứ và hình ảnh trong tác phẩm chính là linh hồn, là mô hình nghệ thuật của tác phẩm. Người thanh niên trong tác phẩm với tấm lòng tràn đầy nhiệt huyết và năng lượng bùng cháy khát khao sống hết mình vì cuộc đời.

- Xét cấu tứ trong bài thơ Hương thầm: Cấu tứ bài thơ này thể hiện rõ trong việc phân chia số câu trong từng đoạn thơ. Bài thơ được chia thành 7 đoạn và số câu thơ không đồng đều nhau, không tuân theo quy tắc nào cả. Thế nhưng các đoạn văn lại sắp xếp vô cùng hợp lí tạo nên một mạch liên kết và diễn đạt đầy đủ ý mà tác giả muốn truyền đạt. Nhan đề “hương thầm” chính là hương của hoa bưởi. Tác giả đã ẩn dụ hương bưởi để làm biểu tượng cho mối tình thầm lặng nhưng lại nồng nàn của cô gái trong thời chiến. Để diễn đạt đủ cấu tứ đó, một loạt hình ảnh được tác giả miêu tả. Đó là hình ảnh đôi bạn ngồi lặng im trong căn phòng, mắt nhìn nhau rồi lại quay đi. Là hình ảnh cây bưởi với hương thơm ngan ngát, cô gái e ấp giấu chùm hoa sau chiếc khăn tay. Và chính mùi “hương thầm” đó đã tạo nên một không khí lãng mạn nhưng lại bối rối cho tình yêu của người lính.

Như vậy, cấu tứ là một phương diện quan trọng trong sáng tác văn học, là linh hồn cho tác phẩm. Nó tạo nên phong cách nghệ thuật và thể hiện quan điểm tư tưởng cho tác giả. Khi xác định cấu tứ, cần kết hợp với phân tích hình ảnh để làm nổi bật lên cấu tứ của tác phẩm. Điều này có vai trò quan trọng giúp xác định chính xác và nắm giữ cảm xúc xuyên suốt quá trình phân tích, tránh trường hợp bỏ sót những điểm mấu chốt, ảnh hưởng đến cấu tứ của tác phẩm.

Từ những ví dụ trên ta rút ra được để xác định cấu tứ bạn có thể thực hiện theo các bước sau:

- Xét nhan đề: Nhan đề của bài thơ thường gợi mở chủ đề và cảm xúc chính mà tác giả muốn truyền tải. Đây là điểm khởi đầu quan trọng để hiểu cấu tứ của bài thơ.

- Phân tích số từ và nhịp điệu: Đếm số từ trong mỗi câu thơ và chú ý đến nhịp điệu của từng dòng thơ. Nhịp điệu có thể giúp bạn nhận ra sự thay đổi cảm xúc và ý tưởng trong bài thơ.

- Xác định hình ảnh chính: Tìm hiểu các hình ảnh nổi bật trong bài thơ. Hình ảnh mở đầu, các hình ảnh tiếp theo và hình ảnh kết thúc đều đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng cấu tứ.

- Phân tích mạch cảm xúc: Xác định sự phát triển của cảm xúc xuyên suốt bài thơ. Từ cảm xúc ban đầu đến cao trào và kết thúc, mạch cảm xúc này giúp bạn hiểu rõ hơn về cấu trúc và ý nghĩa của bài thơ.

- Tìm hiểu các biện pháp tu từ: Chú ý đến các biện pháp tu từ như ẩn dụ, hoán dụ, so sánh,... và cách chúng ảnh hưởng đến cấu tứ của bài thơ.

- Tổng hợp và đánh giá: Sau khi phân tích các yếu tố trên, bạn cần tổng hợp lại để xác định cấu trúc tổng thể và ý nghĩa của bài thơ.

3. Vai trò của cấu tứ trong tác phẩm

Thông qua cấu tứ mà tác giải truyền đạt được những suy nghĩ và cảm xúc của mình. Cấu tứ nó thể hiện ở nhan đề, ở từng đoạn văn, từng ý thơ. Để khẳng định được chất riêng cho tác phẩm của mình thì tác giả phải xây dựng cấu tứ thành chất riêng, tạo nên những hiệu ứng nghệ thuật độc đáo, làm cho bài thơ trở nên hấp dẫn và gây ấn tượng mạnh mẽ lên người đọc.

Cấu tứ làm cho tác phẩm mang phong cách nghệ thuật riêng, thể hiện góc nhìn, quan điểm riêng về quan điểm nghệ thuật, con người và cuộc đời của mỗi người. Thông qua đó mà những suy nghĩ, cảm xúc của tác giả được bạn đọc cảm thụ và đón nhận.

Cấu tứ cung cấp cho độc giả một cái nhìn tổng quan về cách thâm nhập vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Từ đó mà độc giả cảm nhận, phân tích, đánh giá được những đặc sắc nghệ thuật chảy ngầm trong tác phẩm đó. Điều này giúp độc giả hiểu rõ tác phẩm, cũng là hiểu rõ cấu tứ của tác phẩm.

Tác phẩm như một bức tượng, còn cấu tứ chính là khung sườn cho bức tượng đó. Thiếu cấu tứ thì tác phẩm không có tính nghệ thuật, không có hồn và không chạm đến trái tim của độc giả. Như vậy, vai trò của cấu tứ là vô cùng quan trọng và không thể thiếu cho mỗi tác phẩm, nhất là trong thơ.

4. Tứ thơ

- Tứ thơ (thi tứ) là ý tưởng bao trùm toàn bộ bài thơ, biểu hiện trong sự liên kết bằng những xúc cảm, suy nghĩ và hình ảnh, biểu hiện trong dạng cấu tạo và phát triển của hình tượng thơ. Tứ không phải là một ý tưởng trừu tượng mà là ý tưởng đã hiện hình cụ thể trong một sắc thái đời sống, qua một hình ảnh, một tâm trạng, một suy nghĩ được chọn làm điểm tựa cho sự vận động của cảm xúc. Tứ quy định một phần giá trị của bài thơ. Tuy nhiên, từ cái tứ chung đến bài thơ là cả một chặng đường dài. Người viết phải hướng sự vận động của cảm xúc, suy nghĩ và hình ảnh phù hợp với tứ thơ.

- Tứ thơ mang nội hàm khám phá ᴄhủ уếu ở ba уếu tố ᴄhính: kháᴄ thường, đột biến, bất ngờ. Một bài thơ gọi là ᴄó tứ, phải ít nhất ᴄó một trong ba уếu tố ấу, haу nói ᴄáᴄh kháᴄ, không ᴄó khám phá thì không thành tứ ᴠà không thành thơ, ᴄhỉ là ᴠăn ᴠần giống như thơ mà thôi.

=> Như vậy, tứ thơ là đặc sản của tâm hồn thơ - nó chứng tỏ tác giả đã có cái nhìn thẩm mĩ, cái nhìn thế giới sự vật độc đáo, phát hiện những khía cạnh tinh vi, những khía cạnh mà các nhà sử học không ghi hết được nhưng lại là bộ phận sống động nhất của lịch sử - những trạng thái tâm hồn con người trong một thời đại.

+ Là hình tượng bao trùm toàn bộ bài thơ, tứ thơ có ý nghĩa chỉ đạo kết cấu bài thơ, làm nổi bật chủ đề.

+ Để diễn đạt một dung lượng lớn những suy nghĩ, tình cảm, xúc động, nhà thơ có thể dùng thế liên hoàn: từ một tứ lớn, nhà thơ có thể triển khai thành các tứ bộ phận nhỏ hơn kết hợp trong một trật tự hợp lý. Cũng có khi nhà thơ từ một ấn tượng riêng, cảm xúc riêng ròi nảy nở ra, dẫn dắt mãi lên thành dòng suy nghĩ, liên tưởng, tưởng tượng rồi tạo thành tứ lớn.

+ Giá trị của tứ thơ: tạo nên sức sống lâu bền của thơ trong lòng độc giả.

  • Có khi bài thơ bị quên đi nhiều câu song người đọc vẫn nhớ một khổ thơ, một vài câu thơ nào đó vì nó tạo được hình tượng, thể hiện được một ý tưởng trọn vẹn, có số phận, có sức sống riêng - đó là tứ nhỏ trong bài thơ, góp phần làm sáng tỏ chủ đề.

  • Tứ lớn trong bài thơ là hình tượng xuyên suốt toàn bài thơ, thể hiện tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm. Tứ lớn mang đặc điểm của cách nhìn, cách cảm và cách thể hiện riêng biệt, độc đáo của nhà thơ.

5. Cấu tứ và tứ thơ trong một số tác phẩm

Việt Bắc - Tố Hữu

- Tứ thơ: Bài thơ là những cảm xúc nghẹn ngào, xúc động của người ra đi và người ở lại. Mảnh đất kháng chiến Việt Bắc tuy có những lúc trải qua thăng trầm, khó khăn nhưng sau tất cả là niềm vui hạnh phúc khi đạt được tự do, hạnh phúc mà quân và dân ta hằng ao ước. Việt Bắc không chỉ khiến người chiến sĩ lưu luyến bởi cảnh sắc thiên nhiên núi rừng của mảnh đất miền Tây mà còn là những người nhân dân đã cùng họ sinh hoạt, cùng họ chiến đấu trong suốt mười lăm năm dài đằng đẵng. Những câu hỏi đầy lưu luyến nhưng cũng là niềm tin yêu vào tương lai của dân tộc, của Đảng, của đất nước và của nhân dân.

- Cấu tứ bài thơ:

a. Cảm xúc của nhân vật trữ tình

+ Nỗi nhớ da diết,vấn vương chẳng muốn tách rời với những gì đã thành kỉ niệm giữa người ở lại với người ra đi, giữa người cán bộ với mảnh đất chiến khu kháng chiến đã trở thành một phần linh hồn, một phần máu thịt của họ.

+ Niềm vui khi nhớ lại cuộc sống sinh hoạt, kháng chiến tại mảnh đất này cũng như niềm vui khi dành được chiến thắng vẻ vang của dân tộc.

b. Những suy nghĩ, cảm nhận của nhân vật trữ tình:

+ Cuộc kháng chiến trường kì gian khổ đã kết thúc một cách vẻ vang, thắng lợi. Giờ đây, những người chiến sĩ, cán bộ sẽ được trở lại về thủ đô Hà Nội yêu dấu, thế nhưng họ không nỡ lòng rời xa mảnh đất đã gắn bó với mình suốt mười lăm năm qua. Dường như có sự nghẹn ngào, có sự lưỡng lự khi phải đưa ra lời chào tạm biệt đối với mảnh đất đã hóa thành một phần linh hồn, một phần máu thịt của bản thân

+ Không chỉ là sự gắn bó đối với đất và nước nơi đây, đó còn là sự gắn bó giữa người lính và nhân dân nơi đây. Họ đã cùng nhau sinh hoạt, cùng nhau chuẩn bị chiến đấu, cùng nhau trải qua những khoảnh khắc vui buồn của cuộc sống, chính họ cũng đã tạo ra được mối quan hệ gắn bó tốt đẹp như ngày hôm nay.

+ Thắng lợi ngày hôm nay chỉ là sự khởi đầu, chúng ta cần bước tiếp trên con đường đi tới, vừa xây dựng, vừa chiến đấu để bảo vệ và nhân lên những thành quả mà chúng ta đã giành lấy được cho đất nước của mình.

c. Những hình ảnh được tác giả nhắc tới trong bài:

+ Hình ảnh thiên nhiên Việt Bắc

+ Hình ảnh con người (người cán bộ và người dân nơi đây)

+ Hình ảnh cuộc sống sinh hoạt và chiến đấu trong mười lăm năm qua

+ Hình ảnh chuẩn bị cuộc kháng chiến của dân tộc

d. Cách triển khai mạch bài thơ: Theo trình tự từ khái quát chung đến chi tiết vấn đề

+ Không gian: rộng lớn của núi rừng Việt Bắc, nhưng không u tịch, nguy hiểm mà luôn sặc sỡ, rực rỡ sắc màu của thiên nhiên và nhộn nhịp của sự sống của con người nơi đây

+ Thời gian: Mười lăm năm dài gắn bó từ thời kì tiền khởi nghĩa đến khi cuộc kháng chiến kết thúc thắng lợi vẻ vang

+ Con người: tảo tần, thầm lặng trong lao động, thắm thiết ân tình trong cuộc sống và mạnh mẽ kiên cường trong chiến đấu.

+ Cuộc sống: vất vả, thiếu thốn về mặt vật chất tuy nhiên cũng tràn đầy niềm vui bởi tinh thần lạc quan, niềm tin mạnh mẽ vào tương lai và sức mạnh to lớn của ý chí chiến đấu.

+ Cuộc chiến đấu: hào hùng, quyết liệt. Đó không chỉ là cuộc chiến đấu của từng cá nhân mà của mọi cá nhân, không chỉ là cuộc chiến đấu của con người mà là của cả thiên nhiên đất trời. Dường như cả non sông, đất nước, hoa lá cỏ cây cũng đang bước vào trận đánh với con người.

Tây Tiến - Quang Dũng

- Tứ thơ: Là những cảm xúc nhớ thương của tác giả Quang Dũng đối với binh đoàn Tây Tiến và mảnh đất Tây Bắc xa xôi. Mảnh đất đầy rầy những nguy hiểm, những vất vẩ, thiếu thốn nhưng vẫn hiện hữu trong đó là vẻ đẹp đầy sự thơ mộng, huyền bí của mảnh đất phía Tây ít người biết tới. Không chỉ có vậy, đó còn là chất hào hoa của người lính Hà Nội, có những lúc gục ngã trước khó khăn nhưng họ chẳng bao giờ từ bỏ điều mà mình đã theo đuổi. Bài thơ còn là sự đề cao đối với tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu mãnh liệt của những người lính trong binh đoàn Tây Tiến năm nào.

a. Cảm xúc của nhân vật trữ tình:

+ Nỗi nhớ da diết, mãnh liệt về binh đoàn Tây Tiến mình từng chiến đấu, về mảnh đất vùng biên ải phía Tây xa xôi

+ Những xúc cảm đặc biệt khi nhớ về những kỉ niệm ấn tượng khi cùng chiến đấu với binh đoàn Tây Tiến năm nào

+ Nỗi đau, sự xót thương khi thấy đồng đội mình hy sinh trên đường bảo vệ Tổ quốc hòa quyện chung với niềm tự hào, ngưỡng mộ đối với những người lính đã hóa thân về với đất mẹ.

b. Những suy nghĩ, cảm nhận của nhân vật trữ tình:

+ Núi rừng Tây Bắc xa xôi, hiểm trở của chốn "rừng thiêng nước độc" nhưng lại có sứ mê hoặc huyền bí đối với những chàng lính trẻ Hà Nội chưa từng được đi xa

+ Cuộc sống nơi đây muôn màu, muôn vẻ bởi những văn hóa, những đặc sắc mà chỉ có vùng đất này mới có thể đem lại cho chúng ta khi đến thăm nơi đây

+ Người lính với chất trẻ trong tâm hồn và sự trong sáng của lý tưởng, lẽ sống đã hết mình trong những cảm xúc lãng mạn và cũng trọn vẹn trong sự dâng hiến cho Tổ quốc, quê hương

+ Họ sẵn sàng hi sinh bản thân mình vì lí tưởng cao đẹp, vì Tổ quốc thân yêu.

c. Những hình ảnh được tác giả nhắc tới trong bài:

+ Thiên nhiên Tây Bắc với những nguy hiểm luôn rình rập xung quanh như đèo cao, dốc đứng, mây núi, mưa rừng, cọp vờn, thác đổ...

+ Cuộc sống của những người lính Tây Tiến giữa thiên nhiên Tây Bắc

+ Đêm hội đuốc hoa nơi quân khu

+ Người lính với diện mạo khác lạ do sự thiếu thốn của cuộc sống sinh hoạt đem lại

+ Con đường lên Tây Bắc

d. Cách triển khai mạch bài thơ: Theo trình tự từ nguy hiểm, khó khăn cho tới hào hoa, trữ tình

+ Hình tượng không gian: Núi rừng Tây Bắc được khám phá và tái hiện ở cả ba chiều: chiều cao, chiều sâu và chiều rộng. Trong cả ba chiều không gian ấy, núi rừng Tây Bắc hiện lên vừa hoành tráng, hùng vĩ, hiểm trở đến kì lạ, vừa thơ mộng huyền ảo lung linh rực rỡ đến kì lạ vừa không hiếm những nét bình dị thân thương ấm áp đến lạ lùng.

+ Hình tượng người lính: Hình ảnh người lính Tây Tiến được khám phá từ diện mạo đến nội tâm, từ tư thế đến lý tưởng, lẽ sống. Ngoại hình và ý chí của họ dường như đối lập hoàn toàn với nhau. Khác với ngoại hình tiều tụy do thiếu thốn về hoàn cảnh sống và sinh hoạt, ý chí của những người lính trẻ vẫn luôn phơi phới tiến về phía trước, về hạnh phúc tự do của dân tộc.

6. Mối quan hệ giữa cấu tứ và tứ thơ

- Cấu tứ là "vỏ", tứ thơ là "nhân": Cấu tứ là yếu tố bên ngoài, bao bọc, định hình cho tứ thơ. Tứ thơ là yếu tố bên trong, là linh hồn của bài thơ. Hai yếu tố này bổ sung cho nhau, tạo nên một chỉnh thể hoàn chỉnh.

- Cấu tứ làm nổi bật tứ thơ: Một cấu tứ độc đáo, sáng tạo sẽ giúp tứ thơ được thể hiện một cách ấn tượng, sâu sắc. Ngược lại, một tứ thơ hay nhưng được trình bày qua một cấu tứ vụng về, gượng gạo sẽ không thể phát huy được hiệu quả.

- Cấu tứ và tứ thơ cùng nhau tạo nên giá trị nghệ thuật cho tác phẩm: Một bài thơ hay là bài thơ có sự kết hợp hài hòa giữa cấu tứ và tứ thơ. Cấu tứ độc đáo, sáng tạo sẽ làm nổi bật tứ thơ hay, sâu sắc. Ngược lại, tứ thơ hay sẽ được thể hiện một cách ấn tượng qua một cấu tứ độc đáo.

7. Những đề văn về cấu tứ và hình ảnh

Đề 1. Phân tích cấu tứ bài thơ Sông Đáy của Nguyễn Quang Thiều

Bài viết tham khảo

Tố Hữu đã từng nói “Thơ chỉ bật ra tim ta khi cuộc sống đã tràn đầy”. Quả đúng như vậy, khi nhà thơ cầm bút viết nên các tác phẩm chính là lúc cảm xúc, suy nghĩ của họ không thể kìm nén, bắt buộc phải viết thành lời. Bài thơ “Sông Đáy” với cấu tứ đặc sắc của Nguyễn Quang Thiều đã cho người đọc thấy được sự gắn bó của tác giả đối với quê hương cũng như công lao to lớn của mẹ.

Trước hết cấu tứ thơ được hiểu là cách tác giả bố trí và tổ chức các ý và câu trong bài, biến đổi ý tưởng thành cảm xúc và hình ảnh. Nó không chỉ thể hiện suy nghĩ và cảm xúc của tác giả mà còn tạo ra sự liên kết giữa các ý, giúp bài thơ có tính thống nhất và cân đối. Để xác định được cấu tứ cần chú ý đến các yếu tố: nhan đề bài thơ, mạch cảm xúc chính, trình tự triển khai nội dung, nhịp điệu bài thơ, các biện pháp nghệ thuật,...và đặc biệt là hình ảnh thơ, hệ thống hình tượng nghệ thuật. Cấu tứ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với một tác phẩm. Nó là điểm tựa, vị trí để tác giả triển khai ý tưởng, hoàn thành tác phẩm. Cấu tứ góp phần hình thành phong cách tác giả, tạo nét riêng và khẳng định tài năng, vị thế của người sáng tác. Còn với người đọc, cấu tứ là phương tiện để thâm nhập vào thế giới nghệ thuật, giúp người đọc có cái nhìn trọn vẹn về tác phẩm cũng như tư tưởng, tình cảm tác giả gửi gắm. Bài thơ “Sông Đáy” được tổ chức theo trình tự thời gian, dòng suy tưởng của nhân vật trữ tình về sông Đáy - dòng sông xuyên suốt tác phẩm. Tác giả triển khai nội dung, tư tưởng, tình cảm của mình qua những hình ảnh gắn liền với tuổi thơ, quá trình trưởng thành của nhân vật trữ tình (tuổi thơ ấu - trưởng thành - xa quê - trở về). Dòng sông cũng chính là mẹ, là tình yêu quê hương tha thiết của một người con xa xứ.

Sông Đáy đã trở thành một phần thể xác của nhân vật trữ tình, một phần quan trọng mang cả sự sống và linh hồn của tác giả. Cuộc đời “tôi” như dòng chảy của dòng sông và ngược lại, dòng sông như dòng máu chảy trong cuộc đời tác giả. Gắn liền với dòng chảy ấy là hình ảnh mẹ:

Sông Đáy chảy vào đời tôi
Như mẹ tôi gánh nặng rẽ vào ngõ sau mỗi buổi chiều đi làm về vất vả
Tôi dụi mặt vào lưng người đẫm mồ hôi mát một mảnh sông đêm

Mẹ và dòng sông như hòa làm một, tình mẹ như dòng sông Đáy theo con suốt cả cuộc đời. Hình ảnh “mẹ tôi gánh nặng” gợi những vất vả, gian truân đầy hi sinh của mẹ. Mẹ phải làm lũ từ sớm tới tận chiều mới trở về, tấm lưng ướt đẫm ấy khiến con vô cùng xót xa, biết ơn, kính trọng. Mỗi khi “tôi” dụi mặt vào tấm lưng mẹ, “tôi” lại thấy dường như mảnh sông Đáy thân thuộc lại xuất hiện, dòng sông mát như tình mẹ dạt dào chảy vào cuộc đời con. Rồi đến lúc con trưởng thành, rời xa quê hương để lập nghiệp, con khắc khoải nhớ những khoảnh khắc nơi quê nhà:

Năm tháng sống xa quê tôi như người bước hụt
Cơn mơ vang lên tiếng cá quẫy tuột câu như một tiếng nấc
m thầm vỡ trong tôi, âm thầm vỡ cuối nguồn
Tỏa mát xuống cơn đau tôi là tóc mẹ bến mòn đứng đợi
Một cây ngô cuối vụ khô gầy

Những chiều xa quê tôi mong dòng sông dâng lên ngang trời cho tôi được nhìn thấy
Cho đôi mắt nhớ thương của tôi như hai hốc đất ven bờ, nơi những chú bống đến làm tổ được giàn dụa nước mưa sông.
Suốt đời buồn trong tiếng lá reo.

Nỗi lòng của người con xa xứ luôn đau đáu nhớ về quê hương khiến con như “người bước hụt”. Dẫu biết hành trình cuộc đời con người là ra đi, là khám phá những chân trời mới nhưng xa quê hương, những bước chân ấy trở nên khập khiễng, thiếu vắng. “Bước hụt” ấy cũng là sự hụt hẫng, trăn trở trong tâm hồn con để khi cơn mơ dội về tiếng cá quẫy tuột câu cũng khiến con khóc nấc. Nỗi nhớ quê cứ âm ỉ, âm thầm vỡ òa trong tâm trí con. Thế nhưng nỗi lòng con cũng không sao bằng sự chờ đợi mòn mỏi của mẹ chờ con về. Con đau đớn khi hình dung bóng hình mẹ như cây ngô vụ khô gầy mong ngóng tin tức con. Mẹ già tần tảo một đời, hi sinh thầm lặng chỉ mong con trưởng thành, đi tìm một tương lai mới. Như vậy trong hai khổ thơ đầu, nỗi nhớ quê hương của tác giả luôn song hành với nỗi nhớ mẹ da diết. Nỗi nhớ da diết đến mức “tôi” mong ngóng dòng sông dâng lên cao, lấp đầy những khoảng trống trong tâm hồn bằng dòng nước giàn dụa. Phép so sánh “Đôi mắt nhớ thương như hai hốc đất” thể hiện tâm hồn con khô cạn, héo mòn như những hốc đất ven bờ chờ ngày được tắm mát bởi dòng nước thân quen. Đối với nhân vật trữ tình, sông Đáy là quê hương, là mẹ, những kí ức đẹp đẽ từ lúc thơ ấu cho đến lúc trưởng thành đều gắn với mẹ, với dòng sông quê hương.

Sông Đáy ơi! chiều nay tôi trở lại
Những cánh buồm cổ tích đã bay xa về một niềm tức tưởi
Em đã mang đôi môi màu dâu chín sang đò một ngày sông vắng nước
Tôi chỉ gặp những bẹ ngô trắng trên bãi
Tôi nhớ áo em tuột rơi trên bến kín một trăng xưa.

Tiếp bước dòng thời gian, người con xa quê đã trở về sau bao năm xa cách. Tiếng gọi “Sông Đáy ơi” gợi sự gần gũi, thân quen cùng tình cảm tha thiết, chân thành của tác giả đối với dòng sông quê hương. Nếu ở những đoạn thơ trước, kí ức của nhân vật trữ tình thường gắn với dòng sông, với mẹ thì ở khổ thơ này dòng sông hiện lên cùng tình yêu lứa đôi. Thế nhưng đây không phải là tình yêu trọn vẹn mà là duyên phận lỡ làng, dở dang. Những khoảnh khắc đẹp đẽ giữa anh và em tựa cổ tích đã đi xa trong sự ngỡ ngàng, muối tiếc của “anh”. Em đã sang ngang khi sông vắng nước, khi anh rời xa quê hương lập nghiệp. Bây giờ chỉ còn lại nhân vật trữ tình với những kí ức đã qua, dòng sông ấy vẫn còn nhưng người con gái đã rời xa. Sông Đáy như chứng kiến đoạn tình duyên ngắn ngủi giữa đôi trai gái, họ yêu nhau nhưng lại không đến được với nhau.

Sông Đáy ơi, sông Đáy ơi…chiều nay tôi trở lại
Mẹ tôi đã già như cát bên bờ
Ôi mùi cát khô, mùi tóc mẹ tôi
Tôi quỳ xuống vốc cát ấp vào mặt
Tôi khóc.
Cát từ mặt tôi chảy xuống dòng dòng.

Vẫn tiếng gọi tha thiết ấy nhưng bây giờ được lặp lại hai lần như dấu hiệu của sự muộn màng. Vẫn chiều nay “tôi” trở lại bên dòng sông xưa nhưng mẹ đã mất sau bao năm tháng đợi chờ con quay về. Mái tóc pha sương của mẹ giờ “tôi” chỉ thấy thấp thoáng như cát trên bờ, khô rát, bạc đi. Tác giả cố níu giữ hình bóng mẹ nhưng sự thật mẹ chỉ còn trong kí ức. Nhà thơ xót xa quỳ gối “vốc cát ấp vào mặt” mong mỏi tìm lại cảm giác được ở bên cạnh mẹ, nước mắt tuôn trào như chính dòng sông chảy vào cuộc đời “tôi”. Khổ thơ cũng có thể được hiểu sau bao năm xa cách, nhân vật trữ tình trở về quê hương, đoàn tụ với quê nhà. Giọt nước mắt ấy có thể là giọt nước mắt hạnh phúc, xúc động khi được quay về với nơi thân thuộc, điểm khởi đầu của chuyến hành trình.

Bằng thể thơ tự do, kết cấu bài thơ theo dòng cảm xúc của nhân vật trữ tình (tuổi thơ - trưởng thành - xa quê - trở về), hình ảnh thơ sóng đôi: dòng sông Đáy - mẹ, ngôn ngữ thơ gần gũi, giản dị nhưng giàu giá trị biểu đạt, kết hợp với các biện pháp tu từ đó sánh, nhân hóa, ẩn dụ,…Bài thơ đã thể hiện tình cảm gắn bó, chân thành của người con xa quê đối với dòng sông Đáy cũng như quê hương. Đặc biệt, bài thơ cũng là nỗi lòng của người con đối với mẹ, sự biết ơn, kính trọng trước công lao sinh thành, hi sinh thầm lặng của mẹ.

Đề 2: Phân tích cấu tứ và hình ảnh bài thơ Bánh trôi nước

Bài viết tham khảo

Hình ảnh người phụ nữ luôn là đề tài muôn thuở trong thi ca và nghệ thuật, là điểm hẹn tâm hồn của biết bao văn nghệ sĩ. Và giống như bao văn nghệ sĩ khác Bà Chúa thơ Nôm đưa "tiếng sấm" giữa bầu trời chế độ phong kiến, phản chiếu những mặt trái của cuộc đời, bênh vực mọi tầng lớp cùng khổ, nhất là thân phận người phụ nữ. Đặc biệt thay Hồ Xuân Hương đã phân tích cấu tứ và hình ảnh bài thơ bánh trôi nước một cách sâu sắc, đưa bài thơ có giá trị biểu cảm cao.

Muốn hiểu được đặc sắc mà cấu tứ đem lại cho bài thơ, phải hiểu cấu tứ là gì? Cấu tứ là cách tác giả bố trí và tổ chức các ý và câu thơ trong một bài, biến đổi ý tưởng thành cảm xúc và hình ảnh. Nó không chỉ thể hiện suy nghĩ và cảm xúc của tác giả mà còn tạo ra sự liên kết giữa các ý, giúp bài thơ có tính thống nhất và cân đối. Qua cấu tứ, tác giả có thể biểu đạt phong cách riêng và sáng tạo nên những hiệu ứng nghệ thuật độc đáo, làm cho bài thơ trở nên hấp dẫn và gây ấn tượng mạnh mẽ lên người đọc. Bánh trôi nước là bài thơ trữ tình đặc sắc. Tác giả mượn hình ảnh chiếc bánh trôi để thể hiện vẻ đẹp hình thể và tâm hồn của người con gái có thân phận nhỏ nhoi, chìm nổi, phụ thuộc mà vẫn giữ trọn phẩm giá của mình. Nhà thơ tả thực mà lại mang ý nghĩa tượng trưng. Nói cái bánh trôi mà thành chuyện con người. Miêu tả con người mà giống như chiếc bánh trôi nước, chỉ bằng chiếc bánh, để nói đến người phụ nữ xưa chỉ được đối xử như một chiếc bánh trôi, không biết trôi lạc đi đâu, không có quyền trong xã hội, bị người người đối xử như một thứ để họ ăn. Thân phận người phụ nữ ấy với hình thể đẹp, da trắng nõn nà, thân hình căng tràn nhựa sống, tâm hồn nhân hậu, hiền hòa. Dù có đẹp đến đâu thì người phụ nữ cũng không được đối xử tốt hơn. Thật cảm thương cho thân phận họ, cũng chính là nhà thơ tự nói về thân phận của mình. Hồ Xuân Hương đã sử dụng cấu tứ, đã mượn chiếc bánh trôi nước để làm nổi bật vẻ đẹp hình thể và tâm hồn. Sự đối lập giữa hình thể, tâm hồn và cuộc đời mà họ phải trải qua. Đó là những ngày tháng sống khổ cực, tủi hờn, không làm chủ được cuộc sống của mình. Cuộc đời của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến luôn bị xã hội nhào nặn, xô đẩy, nhưng dù là vậy thì họ vẫn nổi bật với vẻ đẹp tâm hồn cao quý. Bài thơ còn có cấu trúc tứ thể hiện ở bài thơ gồm 4 câu với mỗi câu có 7 chữ cái. Tuy cấu trúc tứ đơn giản, nhưng tác giả đã tận dụng tối đa sự kỵ hình và kỵ âm để tạo nên hình ảnh sống động và âm điệu du dương trong bài thơ. Nếu như cấu trúc tứ được Hồ Xuân Hương thể hiện rất rõ nét cung cấp một thế đứng, thế nhìn, cách cảm nhận để thâm nhập vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Cấu tứ là mô hình nghệ thuật của tác phẩm, là quan niệm nghệ thuật về thế giới và con người của nó. Thì hình ảnh của bài thơ Bánh trôi nước cũng là điểm nổi bật của tác phẩm. Nhà thơ đã phát hiện ra những nét tương đồng giữa chiếc bánh trôi bình thường với hình ảnh phụ nữ. Cả hai đều có vẻ bề ngoài rất đẹp, có phẩm chất cao quý, tương đồng trong cuộc sống. Tác giả mượn chiếc bánh trôi để thể hiện vẻ đẹp hình thể và tâm hồn của người con gái có thân phận nhỏ nhoi, chìm nổi, phụ thuộc mà vẫn giữ trọn phẩm giá của mình.

Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

Hình ảnh chiếc bánh trôi nước vừa trắng, vừa tròn đẹp mắt thì người phụ nữ trong xã hội phong luôn có một vẻ đẹp ngoại hình, phúc hậu. Bài thơ miêu tả hình ảnh bánh trôi nước, nhưng nhằm ẩn dụ cho người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa. Họ có vẻ bề ngoài “vừa trắng lại vừa tròn” - Đây là vẻ đẹp được coi là chuẩn mực của người phụ nữ trong xã hội xưa. Dù ngoại hình xinh đẹp, nhưng số phận của họ lại chẳng được hạnh phúc. “Bảy nổi ba chìm với nước non’’ gợi ra một cuộc đời không bình yên mà phải chịu nhiều lận đận, long đong. Hình ảnh "nước non" không chỉ gợi ra hình ảnh thực của việc luộc bánh trôi mà nó gợi ra hình ảnh của những người phụ nữ với số phận khổ đau, không được làm chủ, bị trói buộc bởi tam tòng tứ đức. Hình ảnh "Rắn nắt mặc dầu tay kẻ nặn" là hình ảnh ẩn dụ gợi ra số phận phụ thuộc. Thật vậy! Người phụ nữ xưa kia lấy chồng thì theo chồng, chồng mất thì theo con, luôn tuân theo nhất nhất lời bố mẹ, không được đưa ra bất cứ quyết định nào cho hạnh phúc của đời mình. Hình ảnh "kẻ nặn" ở đây chính là những người chồng, người con, là những kẻ thống trị xã hội phong kiến. Thế nhưng, câu thơ cuối đã lại một lần nữa khẳng định vẻ đẹp toàn diện, đến từ cả bên trong tâm hồn của người phụ nữ xinh đẹp. Được cha mẹ sinh ra để làm người nhưng người phụ nữ không làm chủ được mình. Cuộc đời họ do người khác định đoạt. Cuộc đời của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến luôn bị xã hội nhào nặn, xô đẩy. Cuộc đời không được làm chủ chính mình, chỉ sống phụ thuộc đến người khác. Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử lúc ở nhà thì phụ thuộc vào cha, cha bảo gì thì làm lấy chẳng dám làm trái. Khi lập gia đình thì phải cung phụng cho chồng, chồng mất phải nương nhờ vào con. Thương thay cho số phận người phụ nữ xưa. Dù cuộc đời có phũ phàng bất hạnh họ vẫn giữ vẹn phẩm giá tâm hồn cao đẹp của mình: ‘’ Mà em vẫn giữ tấm lòng son’’. Tấm lòng son hiểu theo nghĩa đen thì là nhân của bánh trôi nước, dù cho bị nặn như thế nào thì khi nấu chín vẫn giữ được nhân bên trong. Còn hiểu theo nghĩa bóng thì "tấm lòng son" nói lên vẻ đẹp phẩm chất của người phụ nữa xưa: tấm lòng chung thủy, nghĩa tình sắc son. Dù cuộc đời họ có chịu cực khổ, tủi hờn thì tấm lòng vẫn chung thủy, son sắt, một lòng một dạ với người chồng của mình, dù có “rắn”, “nát” ra sao đi nữa.

Bài thơ “Bánh trôi nước” đã khắc họa được một hình ảnh thật đẹp về người phụ nữ, với bao phẩm chất tốt đẹp, không chỉ đẹp người mà còn đẹp nết qua cách thể hiện cấu tứ và hình ảnh bài thơ Bánh trôi nước. Hồ Xuân Hương gợi cho ta cảm nhận rõ nét về hình ảnh người phụ nữ xưa với những hủ tục đáng sợ, thối nát. Qua đó, ta thấy tình cảm mà nhà thơ dành cho bài thơ cũng như đồng cảm với người phụ nữ xưa.

1 10 28/11/2024


Xem thêm các chương trình khác: