Câu rút gọn là gì? Tác dụng, phân loại và cách sử dụng câu rút gọn

Vietjack.me giới thiệu bài viết Câu rút gọn là gì? Tác dụng, phân loại và cách sử dụng câu rút gọn bao gồm: lý thuyết và bài tập cũng như những định nghĩa, tính chất, các dạng bài sẽ giúp bạn nắm vững kiến thức và học tốt hơn.

1 12 12/12/2024


Câu rút gọn là gì? Tác dụng, phân loại và cách sử dụng câu rút gọn

1. Câu rút gọn là gì?

Câu rút gọn là những câu bị lược bỏ một số thành phần nào đó trong câu, có thể là chủ ngữ hoặc vị ngữ hoặc cả chủ ngữ và vị ngữ. Tùy theo hoàn cảnh và mục đích cụ thể mà ta có thể lược bỏ thành phần phù hợp; đảm bảo đúng nội dung cần truyền đạt và câu văn không bị cộc lốc, khiếm nhã.

Ví dụ:

Lan hỏi Hoa: “Bao giờ thì cậu đi Hà Nội?”.

Hoa: “Ngày mai tớ đi Hà Nội” (Câu hoàn chỉnh, đầy đủ các thành phần).

Hoa: “Ngày mai đi” (Câu rút gọn, đã lược bỏ phần chủ ngữ).

Rút gọn câu là hành động lược bỏ một số thành phần của câu (chủ ngữ, vị ngữ) để tạo thành câu rút gọn khi nói hoặc viết

2. Tác dụng của câu rút gọn

– Giúp cho câu văn ngắn, gọn, xúc tích hơn mà vẫn đảm đảo đúng nội dung thông tin truyền đạt.

– Tránh tình trạng trùng lặp từ ngữ của những câu nói trước đó.

– Lược bỏ chủ ngữ giúp câu mang ý nghĩa tổng quát hơn. Từ đó, người nghe sẽ tiếp nhận thông tin được nhanh và chính xác hơn.

– Ngụ ý hành động, suy nghĩ trong câu dùng chung cho tất cả mọi người nên ai cũng có thể hiểu được.

– Ngoài ra, rút gọn câu còn có tác dụng nhấn mạnh và người nghe sẽ tập trung vào nội dung chính nhiều hơn.

3. Những lưu ý khi rút gọn câu

– Không phải câu nào cũng có thể rút gọn được. Vì vậy, tùy theo ngữ cảnh và mục đích cụ thể để lược bỏ một số thành phần câu sao cho phù hợp.

– Rút gọn câu nhưng vẫn phải đảm bảo đúng nội dung truyền đạt, tránh trường hợp người nghe không hiểu hoặc hiểu sai ý nghĩa câu.

– Không nên lạm dụng rút gọn câu quá nhiều bởi như vậy có khiến người nghe cảm thấy khó chịu. Bên cạnh đó, cần phải tránh rút gọn khiến cho câu văn trở nên cộc lốc.

– Trong giao tiếp, chỉ nên sử dụng câu rút gọn với những người cùng cấp bậc, cùng trang lứa. Bạn không nên rút gọn câu khi đang giao tiếp với những người thuộc vai trên như ông, bà, cha, mẹ,… vì như vậy thể hiện sự thiếu tôn trong với bề trên.

4. Các loại câu rút gọn

Dựa vào thành phần rút gọn của câu mà có thể chia câu rút gọn thành 3 kiểu câu:

  • Câu rút gọn chủ ngữ

Là những câu được rút gọn chủ ngữ khi sử dụng.

Ví dụ:

An: Ngày mai có buổi họp lớp ấy! Có đến không? (Ngày mai có buổi họp lớp ấy! Cậu có đến không?)

Hương: Chưa biết nữa, dạo này hơi bận! (Tớ cũng chưa biết nữa vì dạo này tớ hơi bận!)

  • Câu rút gọn vị ngữ

Là câu được rút gọn thành phần vị ngữ khi sử dụng.

Ví dụ:

Hoa: “Có những ai tham gia cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh?”.

Lan: “Hồng và Huệ” (Có Hồng và Huệ tham gia cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh).

  • Câu rút gọn cả chủ ngữ và vị ngữ

Là những câu được rút gọn cả phần chủ ngữ và vị ngữ.

Ví dụ:

An: Bình thường cậu giành bao nhiêu thời gian để luyện đàn mỗi ngày?

Hương: 2 tiếng. (Mỗi ngày tớ dành 2 tiếng để luyện đàn)

5. Phân biệt câu rút gọn và câu đặc biệt

Câu rút gọn Câu đặc biệt
Cấu tạo Đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ

⇒ Chỉ lược bỏ một số thành phần tùy thuộc vào ngữ cảnh

Không đầy đủ 2 thành phần chủ -vị
Khôi phục thành câu hoàn chỉnh trở lại Có thể Không thể
Xác định thành phần bị rút gọn Có thể xác định được nhờ vào ngữ cảnh sử dụng câu Không thể xác định (Từ – cụm từ trong câu đặc biệt đều là trung tâm chính của câu)

6. Bài tập về câu rút gọn

Câu 1. Tìm trong các ví dụ dưới đây những câu đặc biệt và câu rút gọn.

a. Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến.

(Hồ Chí Minh)

b. Đứng trước tổ dế, ong xanh khẽ vỗ cánh, uốn mình, giương cặp răng rộng và nhọn như đôi gọng kìm, rồi thoắt cái lao nhanh xuống hang sâu. Ba giây... Bốn giây... Năm giây... Lâu quá!

(Vũ Tú Nam)

c. Sóng ầm ầm đập vào những tảng đá lớn ven bờ. Gió biển thổi lồng lộng. Ngoài kia là ánh đèn sáng rọi của một con tàu. Một hồi còi.

(Nguyễn Trí Huân)

d. Chim sâu hỏi chiếc lá:

- Lá ơi! Hãy kể chuyện cuộc đời bạn cho tôi nghe đi!

- Bình thường lắm, chẳng có gì đáng kể đâu.

(Trần Hoài Dương)

Hướng dẫn giải

a.

Không có câu đặc biệt.

Câu rút gọn:

  • Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm.

  • Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến.

b.

Câu đặc biệt: Ba giây... Bốn giây... Năm giây... Lâu quá!

Không có câu rút gọn.

c.

Câu đặc biệt: Một hồi còi.

Không có câu rút gọn.

d.

Câu đặc biệt: Lá ơi!

Câu rút gọn:

  • Hãy kể chuyện cuộc đời bạn cho tôi nghe đi!

  • Bình thường lắm, chẳng có gì đáng kể đâu.

Câu 2: Xác định thành tố bị khuyết và khôi phục các câu rút gọn sau đây

  1. Đồn rằng quan tướng có danh

  2. Cưỡi ngựa một mình, chẳng phải vịn ai

  3. Ban khen rằng “Ấy mới tài”

  4. Ban cho cái áo với hai đồng tiền

  5. Đánh giặc thì chạy trước tiên

  6. Xông vào trận tiền cởi khố giặc ra

  7. Trở về gọi mẹ mổ gà khao quân

Khôi phục:

  1. Người ta đồn rằng quan tướng có danh

  2. Hắn cưỡi ngựa một mình, chẳng phải vịn ai

  3. Vua ban khen rằng “Ấy mới tài”

  4. Và ban cho cái áo với hai đồng tiền

  5. Quan tướng khi Đánh giặc thì chạy trước tiên

  6. Khi xông vào trận tiền cởi khố giặc ra

  7. Quan tướng trở về gọi mẹ mổ gà khao quân

Câu 3: Đọc tình huống sau và trả lời câu hỏi:

Dì Hoa sang nhà Tuấn chơi. Đúng lúc ấy mẹ của Tuấn lại đi vắng. Thấy em ngồi chơi trên sân, dì hỏi:

- Tuấn ơi, mẹ của con có nhà không nhỉ?

- Không có nhà.

Dì thoáng chau mày nhưng vẫn gặng hỏi tiếp:

- Thế khi nào mẹ con về để dì sang lại?

- 5 giờ - Tuấn trả lời.

Lần này, dì Hoa không nói gì nữa, mà tạm biệt Tuấn rồi trở về nhà ngay.

a) Em hãy tìm các câu rút gọn có trong đoạn văn trên, và cho biết các câu đó đã được rút gọn bộ phận nào.

b) Theo em, việc rút gọn câu của Tuấn đã vi phạm lưu ý nào khi rút gọn câu? Điều đó đã dẫn đến hậu quả gì?

Hướng dẫn trả lời:

a)

- Các câu rút gọn là:

  • Không có nhà.

  • 5 giờ.

- Câu văn đã được rút gọn các bộ phận:

  • Không có nhà. → Rút gọn bộ phận chủ ngữ

  • 5 giờ. → Rút gọn cả chủ ngữ và vị ngữ

b)

  • Việc rút gọn câu của Tuấn đã khiến câu nói trở thành một câu cộc lốc, thiễu lễ phép vì em đang trả lời câu hỏi của người lớn, như vậy là không đúng

  • Hậu quả của việc rút gọn câu không phù hợp: Tuấn khiến dì Hoa giận và bỏ về. Chắc hẳn sau này dì Hoa sẽ có những cảm nhận không tốt về Tuấn hoặc kể lại chuyện này với mẹ của em.

1 12 12/12/2024


Xem thêm các chương trình khác: