Biện pháp nhân hóa là gì? Đặc điểm, phân loại và tác dụng của biện pháp nhân hóa

Vietjack.me gửi tới bạn đọc bài viết về biện pháp nhân hóa với đầy đủ khái niệm, ví dụ, cách nhận biết, ... Từ đó giúp các em nắm vững được biện pháp nhân hóa để áp dụng khi làm bài. Mời các em tham khảo bài viết dưới đây:

1 562 04/12/2024


Biện pháp nhân hóa

1. Biện pháp nhân hóa là gì?

Nhân hóa là gọi vật hoặc tả con vật, cây cối, đồ vật,… bằng những từ ngữ vốn được dùng để gọi hoặc tả con người làm cho thế giới loài vật, đồ vật, cây cối,… trở nên gần gũi với con người, đồng thời biểu thị được những suy nghĩ, cảm tính của con người.

Ví dụ:

Ông trời

Mặc áo giáp đen

Ra trận

Muôn nghìn cây mía

Múa gươm

Kiến

Hành quân

Đầy đường

(Trần Đăng Khoa)

Thay vì sử dụng các câu thơ, câu văn đặc tả đơn giản như:

  • Bầu trời đầy mây đen

  • Muôn nghìn cây mía ngả nghiêng, là bay phấp phới

  • Kiến bò đầy đường

Có thể thấy, biện pháp tu từ nhân hoá đã được sử dụng khá nhiều trong đoạn thơ này. Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã sử dụng các từ ngữ như: ông, mặc áo, ra trân, múa, hành quân - những từ ngữ vốn được dùng để gọi người hoặc tả người, nay được dùng để gọi, hoặc tả đồ vật, cây cối, sự vật. Cách dùng này đã gợi tả chính xác và sinh động quang cảnh thiên nhiên trước cơn mưa, khiến cho các sự vật trở nên gần gũi và sống động. Biểu thị suy nghĩ, tình cảm của sự vật khi trời sắp mưa: hối hả, nhộn nhịp, khẩn trương, đan xen với sự hân hoan. Việc sử dụng biện pháp nhân hoá một cách uyển chuyển, mượt mà như vậy cũng đã thể hiện tài quan sát, ngòi bút miêu tả tinh tế và tình yêu thiên nhiên của nhà thơ.

2. Tác dụng của biện pháp nhân hóa

- Giúp các loại đồ vật, sự vật (như cây cối) trở nên sinh động trong suy nghĩ và trở nên gần gũi hơn với con người

- Giúp những sự vật, đồ vật có thể biểu hiện được các suy nghĩ hay bày tỏ thái độ, tình cảm như con người

- Giúp tác phẩm trở nên có hồn và sống động hơn

- Giúp tác giả thể hiện được trọn vẹn cảm xúc, câu từ, cũng như lối diễn đạt được hay hơn, logic hơn

3. Đặc điểm của biện phép nhân hóa

- Gán cho sự vật, hiện tượng những đặc điểm của con người: như suy nghĩ, cảm xúc, hành động...

- Tạo nên sự sinh động, gần gũi: giúp người đọc dễ dàng hình dung và cảm nhận được sự vật, hiện tượng đó.

- Tăng sức gợi hình, gợi cảm cho câu văn: làm cho câu văn trở nên hấp dẫn, ấn tượng hơn.

4. Các kiểu nhân hóa

Thông thường biện pháp tu từ nhân hóa được phân ra làm 3 loại chính:

a) Dùng từ ngữ vốn gọi người để gọi vật

Đây là hình thức nhân hóa phổ biến nhất, bởi thay vì khi gọi tên các sự vật, con vật, đồ vật như thường lệ thì phép nhân hóa có thể thay cách gọi vật bằng các đại từ chỉ người như cô, dì, chú, bác, ông, bà… Cách gọi này khiến sự vật trở nên thân thiết và gần gũi hơn trong các tác phẩm văn chương.

Ví dụ: Ông mặt trời, chị châu chấu,...

b) Dùng từ ngữ vốn để chỉ hoạt động, tính chất của người để chỉ hoạt động, tính chất của vật

Đây là hình thức nhân hóa đem lại hiệu quả nghệ thuật cao, nhằm tạo nên nhiều tầng nghĩa, tăng tính gợi hình, gợi cảm cho lời văn hay ý thơ, khiến các sự vật trở nên sinh động hơn.

Ví dụ: “Gậy tre, chông tre, chống lại sắt thép của quân thù. Tre xung phong vào xe tăng, đại bác. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín.”

c) Trò chuyện, xưng hô với vật như với người

Cách xưng hô với vật như với con người là một trong những hình thức biện pháp nhân hóa thường được sử dụng khi nhân vật đang độc thoại nội tâm.

Ví dụ:

Trâu ơi, ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng, trâu cày với ta.

5. Các lưu ý khi sử dụng biện pháp nhân hóa

- Không được sử dụng biện pháp nhân hóa một cách tùy tiện.

- Phân biệt được biện pháp nhân hóa với các biện pháp tu từ khác để sử dụng thật hợp lý.

- Sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa một cách linh hoạt

6. Một số dấu hiệu nhận biết của biện pháp nhân hóa

Để nhận biết biện pháp có được sử dụng trong tác phẩm hay không, bạn có thể phân tích theo các bước sau:

Bước 1: Chỉ ra dấu hiệu gồm sự vật, hiện tượng, loài vật nào đó được nhân hoá và từ ngữ dùng để nhân hoá.

Ví dụ: Trong tác phẩm xuất hiện các từ thường gọi người như: anh, chị, cô, dì,... và các từ này được dùng để gọi vật.

Bước 2: Nêu tác dụng của phép nhân hoá đó. Ví dụ: Khiến sự vật trở nên gần gũi và gắn bó với con người.

7. Sơ đồ về biện pháp nhân hóa

7. Bài tập về biện pháp nhân hóa

Bài 1: Chỉ ra biện pháp nhân hóa trong các câu sau

  • Mấy hôm nay trời rét cóng tay, nên càng về sáng trời càng lạnh giá. Bên cạnh bếp lửa hồng, bác mèo mướp đang cuộn mình sưởi ấm.

Trong câu này, “bác mèo mướp” là hình ảnh nhân hóa để khiến con mèo trông thật gần gũi, sống động và làm cho câu văn trở nên hấp dẫn hơn.

  • Tre mạnh mẽ vươn lên, bảo vệ làng xóm, bảo vệ con người. Tre xung phong giết địch, đẩy lùi quân thù một cách dũng cảm. Vậy nên hãy biết ơn những cây tre có công cứu nước, giúp dân.

Trong câu trên, nhờ tác giả nhân hóa về hình ảnh cây tre bằng những đặc tính, hành động của con người như: mạnh mẽ vươn lên, bảo vệ làng xóm, bảo vệ con người,…mà cây tre trở nên gần gũi, thân thuộc với con người hơn bao giờ hết.

  • Chị bút bi cần cù viết từng chữ nắn nót lên trang giấy trắng trông thật đẹp.

Trong câu này, hình ảnh nhân hóa “chị bút bi” khiến cho hình ảnh cây bút trở nên gần gũi hơn.

Bài 2: Hãy chỉ ra và nêu tác dụng của phép nhân hoá trong đoạn văn:

Bến cảng lúc nào cũng đông vui. Tàu mẹ, tàu con đậu đầy mặt nước. Xe anh, xe em tíu tít nhận hàng về và chở hàng ra. Tất cả đều bận rộn.

(Phong Thu)

Trả lời:

Đoạn văn có 2 lần sử dụng phép nhân hoá:

- Dùng từ gọi người "mẹ", "con", "anh", "em" để gọi tàu và những chiếc xe

- Dùng từ "tíu tít", "bận rộn" chỉ hoạt động của con người để chỉ hoạt động của những chiếc xe.

- Tác dụng: Làm cho bến cảng trở nên sinh động, đông vui, nhộn nhịp.

- Giúp cho những chiếc tàu, xe có tâm trạng, cảm xúc như con người

Xem thêm các bài viết liên quan hay, đầy đủ khác:

Trắc nghiệm Lý thuyết về nhân hóa (có đáp án)

Nhân hóa là gì? Nêu ví dụ

1 562 04/12/2024


Xem thêm các chương trình khác: