Khiêm tốn là gì? Rèn luyện đức tính khiêm tốn như thế nào

Khiêm tốn là gì? Rèn luyện đức tính khiêm tốn như thế nào

1 26 08/10/2024


Khiêm tốn là gì? Rèn luyện đức tính khiêm tốn như thế nào

I. Khiêm tốn là gì?

Khiêm tốn là thái độ đúng mực khi đánh giá bản thân, không khoe khoang, phô trương thành tựu của mình và cho rằng bản thân mình tài giỏi hơn hay “trên cơ” người khác. Nhìn chung, khiêm tốn là khi bạn chấp nhận rằng mỗi người đều có điểm mạnh riêng; bạn sẵn sàng học hỏi, lắng nghe và chấp nhận sự khác biệt.

Khi bạn có đức tính khiêm tốn, bạn thường biết đặt mình vào vị trí của người khác và biết đánh giá, chia sẻ ý kiến một cách thận trọng. Đây là một phẩm chất tốt và cũng là triết lý sống được xã hội đề cao.

Trái ngược với đức tính khiêm tốn là thái độ tự cao, tự đại, kiêu căng, tự phụ, luôn tỏ ra hơn người khác trong mọi lĩnh vực. Người không khiêm tốn không chỉ ngộ nhận về khả năng của mình, mà còn luôn “thổi phồng”, “có ít xít ra nhiều” so với những gì họ có. Bên cạnh việc thích khoe khoang về gia thế, tiền tài địa vị... người không khiêm tốn còn thường “không biết mình là ai”, đề cao “cái tôi” một cách quá lố.

Người vốn có tính khiêm tốn thường hay tự cho rằng kiến thức của mình vẫn còn nhỏ bé, còn phải tiến thêm nữa và cần phải trau dồi, học hỏi nhiều hơn nữa. Người có sẵn tính khiêm tốn không bao giờ chịu chấp nhận sự thành công của cá nhân mình trong hoàn cảnh hiện tại, lúc nào cũng cho sự thành công của mình là tầm thường không đáng kể, luôn luôn tìm đủ mọi phương diện để học hỏi thêm lên.

Tuy nhiên, khiêm tốn không phải là bản thân tự nhận mình kém cỏi, không bằng người khác mà đó chỉ là xóa bỏ sự tự cao, tự đại, ngạo mạn. Đặc biệt, nó còn giúp cho con người sống tích cực hơn, gia tăng vốn kinh nghiệm và nhận được nhiều sự tín nhiệm. Vì vậy mà bạn cần phải hiểu rõ về điều này để tránh nhầm lẫn.

II. Biểu hiện của sự khiêm tốn

- Biểu hiện cao nhất của sự khiêm tốn là lòng biết ơn. Người khiêm tốn biết bản thân họ có gì và người khác cho họ những gì. Họ luôn trân quý mọi thứ nhỏ nhất từ những người đã giúp đỡ mình. Từ hành động đó, họ mới có được bài học đáng giá về sau, rút kinh nghiệm để đứng lên từ vấp ngã.

- Những người có đức tính khiêm tốn sẽ là những người biết bao dung. Họ luôn bao dung cho lỗi lầm của mọi người xung quanh, chỉ cần người đó biết sai và sửa. Lòng bao dung của người khiêm tốn còn thể hiện ở sự chia sẻ khó khăn, giúp đỡ người hoạn nạn.

- Người khiêm tốn là người có tinh thần học hỏi. Họ hiểu rõ và có thể đánh giá chính xác năng lực bản thân, biết điểm yếu và thế mạnh của bản thân. Do đó, họ luôn cố gắng trau dồi, học hỏi nhiều hơn nữa mỗi ngày.

- Người có sẵn tính khiêm tốn không bao giờ ngủ quên trên chiến thắng. Họ vui mừng vì thành công của bản thân nhưng sẽ không quá chìm đắm vào nó, họ sẽ luôn luôn tìm đủ mọi phương diện để học hỏi thêm và đạt được thêm nhiều thành công khác nữa.

- Người khiêm tốn không bao giờ biểu lộ sự tự mãn về những gì mình có, mình biết, nhờ vậy dễ tạo được sự đồng cảm và mối quan hệ thân thiện với người khác trong giao tiếp,nên kết giao được với nhiều người.

- Người khiêm tốn không đề cao mình và hạ thấp người khác, không so sánh thiệt hơn, nên bản thân luôn vô vi, an lạc và hạnh phúc.

- Người khiêm tốn sẽ không trốn chạy, không từ bỏ mỗi khi có vấn đề xảy ra. Nếu họ sai, họ sẵn sàng nhận lỗi và chịu trách nhiệm. Chính thái độ thẳng thắn đó giúp họ có tiến bộ nhanh, tăng vốn kinh nghiệm của mình trong tương lai.

III. Vai trò của sự khiêm tốn

Khiêm tốn, không ngừng học hỏi và tích lũy tri thức, kinh nghiệm vốn sống thì sẽ giúp cơ hội của bạn ngày càng mở rộng. Làm việc gì cũng dễ thành công và ít thất bại hơn, khẳng định được tài năng, giá trị của chính mình. Ngược lại, một kẻ tự phụ về học thức của mình, không chịu học hỏi từ bất kỳ ai, không tiếp thu cái mới thì một ngày nào đó họ sẽ trở nên nông cạn, lạc hậu cũng như không theo kịp được sự phát triển của xã hội.

Khiêm tốn giúp ta nhìn nhận bản thân đúng đắn, ý thức được “Nhân vô thập toàn”, không ảo tưởng để bị cuốn theo những tham vọng cá nhân. Chính vì vậy mà khiêm tốn là phương thức tốt nhất giúp ta tránh xa thói kiêu căng, tự mãn. Sống là phải có lòng khiêm tốn, biết tôn trọng người, biết cư xử cởi mở, hòa đồng thân thiện. Biết nâng cao giá trị của chính mình đúng mức thì mới thành công trong lĩnh vực giao tiếp và được người yêu quý coi trọng, khi gặp khó khăn sẽ được giúp đỡ.

IV. Cách rèn luyện sự khiêm tốn

Sau khi hiểu được những khái niệm cơ bản về khiêm tốn là gì, chúng ta cần tích cực rèn luyện, phát triển đức tính tốt đẹp này. Một số cách hay dưới đây sẽ giúp bạn hoàn thiện bản thân nhanh chóng:

- Học cách suy nghĩ tích cực, biết trân trọng những gì mình và người khác làm được để không tạo nên sự cao ngạo hoặc tự tin thái quá.

- Biết cách cư xử đúng chuẩn mực, hòa nhã với các mối quan hệ xung quanh, không khoe khoang về bản thân hay chì chiết, bới móc sai lầm, khó khăn của người khác.

- Không bao giờ so sánh thiệt hơn và luôn hướng đến học hỏi những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

- Luôn luôn lắng nghe, mở lòng hoặc đón nhận những chia sẻ, góp ý của người khác với thái độ cầu tiền nhất. Đồng thời chắt lọc các đóng góp, nhận xét tốt để hoàn thiện bản thân hơn.

- Thực hành lòng biết ơn thường xuyên để kiểm soát cái tôi cao ngạo trong bạn và coi trọng những điều tốt đẹp người khác dành cho mình trong cuộc sống.

- Học cách tha thứ và buông bỏ những sai lầm do mình hoặc người khác gây ra. Đương nhiên chúng ta phải rút ra bài học cho bản thân để không tiếp tục mắc lỗi, hạn chế tích tụ sự hiềm khách, oán giận.

- Không đòi hỏi sự công nhận, tán thưởng từ người khác để tránh rơi vào trạng thái tự ti, hoài nghi năng lực của bản thân dẫn đến nhụt chí, thất bại.

V. Phân biệt giữa khiêm tốn và tự ti

1. Sự khác nhau giữa khiêm tốn và tự ti là gì?

Ngay khi chưa đào sâu vào vấn đề, chúng ta đều ý thức được rằng, khiêm tốn là một khái niệm có thiên hướng tích cực, biểu hiện cốt cách của một người luôn muốn học hỏi được nhiều điều hay, nghiêm túc tu dưỡng phẩm chất thanh cao để vẹn toàn đức hạnh. Còn tự ti là hiện diện của xu hướng tiêu cực, là cảm giác mất niềm tin vào chính mình, hoang mang trên con đường xác minh bản ngã và năng lực, ở một mức độ cao hơn, nó biến thành một “căn bệnh”, cũng nan giải và nguy hiểm không kém gì các biến chứng chết chóc.

2. Bản chất của khiêm tốn và tự ti

Khiêm tốn

Trong dòng đời ngày càng phức tạp và hiện đại, khiêm tốn như một cánh hoa đẹp bị đời nhấn chìm bập bềnh trong rộng khắp những tự cao, tự đại, khi con người ngày càng tìm mọi giá để nâng cao giá trị bản ngã của mình.

Hiểu một cách đơn giản, khiêm tốn chính là nguồn sức mạnh nội tại phát xuất tự nhiên từ một người có trí tuệ “biết mình, biết người”, đứng trước thành công của bản thân không tung hê hào nhoáng, đứng trước hạnh phúc của người khác luôn chúc tụng, sẻ chia.

Như nhà văn Lâm Ngữ Đường đã nói: “Điều quan trọng là khiêm tốn chính nó đã tự nâng cao giá trị cá nhân của con người trong xã hội, lòng khiêm tốn còn tượng trưng cho những con người đứng đắn, luôn luôn biết sống theo thời và biết nhìn xa. Con người có lòng khiêm tốn bao giờ cũng là những con người thường hay thành công trong lĩnh vực giao tiếp với mọi người. Nhà học giả La Bruyere cũng đã khẳng định: “Sự khiêm tốn có giá trị như cái bóng loáng của bức tranh, nó nổi bật lên và hùng dũng”.

Cuộc đời Đức Phật là một bài học không ngừng về hạnh tu im lặng và khiêm tốn. Khiêm tốn hiện diện lên như một chặng đường dài cần nỗ lực, phấn đấu và không ngủ quên trên đỉnh vinh quang của con người. Giữa những bản ngã thèm khát sự tự đại, khiêm tốn bình lặng và đáng trân trọng.

Người khiêm tốn là người biết vị trí của mình ở đâu, cảm nhận tuyệt đối về năng lực của bản ngã, biết được ưu, khuyết điểm và những nỗ lực cần đạt tới trong tương lai. Trong hệ quy chiếu tương quan của người khiêm tốn, không có khái niệm tự cao, càng không có khái niệm tự ti. Khiêm tốn dung hòa hoàn hảo giữa một mảng nhận thức được giá trị bản thân, một mảng cần học hỏi để hoàn thiện.
Theo đức Phật, khiêm tốn lòng mở rộng, rộng lượng chứa phước nhiều. Ai cũng muốn tích chứa phước đức và tránh né tai hoạ, và hẳn nhiên việc ấy hoàn toàn là do ta quyết định. Hãy luôn kiểm soát thái độ sống và ứng xử của bản thân, học cách khiêm tốn, khiêm cung với tất cả. Hơn nữa, nhờ sự giản dị, dung hòa của người khiêm tốn, khí tiết bên trong bản ngã của ta sẽ khiến người người quý mến, đi đến đâu cũng được chỉ dạy, giúp đỡ, luôn có ân nhân bên cạnh sát cạnh, chinh phục, vượt qua mọi thử thách, khó khăn trong cuộc đời.

Mọi ước mơ, khát khao trong đời đều cần khiêm tốn. Nếu ví mọi sự tốt đẹp trên đời là quả ngọt, thì khiêm tốn là gốc rễ. Có rễ cây mới có quả. Trong mọi suy nghĩ dù là nhỏ nhặt cũng cần khiêm tốn, trong mọi tình huống hành xử với đồng loại dù là vụn vặt cũng cần khiêm tốn (cũng là cách tôn trọng người đối diện), rồi đất trời sẽ cảm động, Phật sẽ chứng giám, phước lành ắt sẽ đến.

Lão Tử nói: “Người biết thì không nói, người nói thì không biết” (Tri giả bất ngôn, ngôn giả bất tri).

Giá trị của người khiêm tốn không thể hiện qua lời khẳng định bản ngã, hành động ghi dấu sự ngông cuồng. Giá trị của khiêm tốn nằm ở chỗ, giữa dòng đời tấp nập và xô bồ này, cái tâm tĩnh lặng, dung hòa, giản dị, không ganh đua sẽ giúp họ sống bình yên hơn mỗi ngày. Giá trị của khiêm tốn nằm ở chỗ, năng lực của bản thân không bao giờ chạm đến mức tột đỉnh, cái bình chứa lúc nào cũng chừa chỗ cho việc nạp thêm kiến thức, học hỏi, nỗ lực và cố gắng.

Tự ti

Cần nhấn mạnh rằng, ranh giới mỏng manh hất khiêm tốn và tự ti về hai thái cực hoàn toàn khác nhau. Nếu khiêm tốn là sự biểu hiện của hiểu biết, dung dị, nhận thức rõ giá trị của bản thân nhưng không ngừng nỗ lực, phấn đấu thì tự ti lại là hiện diện của vóc dáng một bản thể tự cho mình thấp kém, mất lòng tin vào khả năng của mình, sống khép nép, cuộc đời vơi đi vài phần ý nghĩa.

“Đáng thương lớn nhất của đời người là tự ti”. Bởi giữa đất trời mênh mông vô cùng tận, dòng đời vô thường đổi thay trong phút chốc này, bản ngã của mỗi người là duy nhất, là đặc biệt nhất mà mình lại không đánh giá đúng về chính mình, lại nhìn thấy hình hài một con quỷ xấu xí trong chính mình, thì còn gì đáng thương hơn.

Sự tự ti hiện diện khắp nơi trong dòng đời hào nhoáng và luôn đầy rẫy những cạnh tranh này. Nó gần như một con người có một đôi chân khỏe khoắn, nhưng lại chẳng dám một lần tự tin đứng vững trên chúng và bước đi, rồi chạy. Cuộc sống cứ vất vưởng trong một khoảng không gian nhỏ bé do chính mình vẽ ra và tạo ranh giới. Hoàn toàn không có sự hiện diện của ánh sáng tự tin, cũng như đang giết chết dần những khả năng nảy sinh trong con người mình.

Đứng trước một vấn đề bất kì trong cuộc sống, đơn cử là những thách thức, khó khăn, người tự ti thường tự cắt lìa cơ hội cho bản thân được vượt chướng ngại vật, bối rối tìm phương hướng, nghiêm trọng hóa vấn đề để rồi thấy mình hèn kém, không năng lực, không trí tuệ. Với tâm thế này, người tự ti không có cơ hội để khiêm tốn, khi thành công dường như luôn là một khái niệm, giấc mơ xa vời vợi. Người tự ti thường sợ thất bại ngay cả khi chưa bắt đầu. Những bước chân bập bõm run sợ bước đi, mãi mãi chẳng thể nào đi vững vàng, và chạy, mà thành công thì luôn ở cuối con đường, sau bức tường mang tên tự ti, lặp đi lặp lại thông điệp “mình không làm được, mình không làm được đâu”.

Trong suy nghĩ của người tự ti, không có quan niệm “thất bại là mẹ thành công”, càng không có ý thức rằng “đời người ai cũng cần phải ngã mới lớn lên”. Vòng tròn bủa vây lấy đời họ là khoảng trời không có thử thách, khó khăn, không có “đất dụng võ” cho năng lực, bản ngã tiềm năng.

VI. Những câu nói hay về đức tính khiêm tốn

Sự khiêm tốn là tiếng nói lương tri của cơ thể.

Đức tính khiêm nhường của con người đến từ tri thức; sức mạnh đến từ sự hy sinh.

Con người khó lòng tôn trọng người khác nếu bản thân không tự khiêm nhường.

Một cái đầu tỉnh táo, một trái tim trung thực và một linh hồn khiêm nhường là ba người dẫn đường tốt nhất qua thời gian và cõi vĩnh hằng.

Chúng ta tới gần nhất với sự lớn lao khi bản thân lớn lao trong khiêm tốn.

Sự khiêm tốn là cốt lõi tạo nên chiến thắng của tâm trí trước những lời xu nịnh.

Những lời khen ngợi đến từ tình yêu thương không khiến ta trở nên kiêu căng mà luôn biết tự khiêm hơn.

Hãy sống một cách khiêm tốn khi nhỏ tuổi, có chừng mực khi tuổi trẻ, chính đáng khi trưởng thành và thận trọng lúc tuổi già.

Cuộc đời con người là bài học dài về tính tự khiêm.

Khi ý thức được mình là người khiêm tốn nghĩa chúng ta không còn khiêm tốn nữa.

Chúng ta càng lên cao càng bước đi khiêm tốn.

1 26 08/10/2024


Xem thêm các chương trình khác: