TOP 20 mẫu Phân tích bài thơ Ông đồ (2025) SIÊU HAY

Phân tích bài thơ Ông đồ gồm dàn ý và những bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn hay hơn.

1 20 19/12/2024


Phân tích bài thơ Ông đồ

TOP 20 mẫu Phân tích bài thơ Ông đồ (2025) SIÊU HAY (ảnh 1)

Đề bài: Phân tích bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên

Dàn ý Phân tích bài thơ Ông đồ

I. Mở bài

Giới thiệu, dẫn dắt về bài thơ Ông đồ.

II. Thân bài

1. Hình ảnh ông đồ trong quá khứ

- Hình ảnh ông đồ xuất hiện trên phố với hoa đào, với mực tàu giấy đỏ.

- Ông đồ viết câu đối mà như người biểu diễn thư pháp: “Hoa tay thảo những nét/ Như phượng múa rồng bay” khiến người xem tấm tắc khen ngợi: “Hoa tay thảo những nét/Như phượng mùa rồng bay”.

=> Một thời quá khứ vàng son.

2. Hình ảnh ông đồ trong hiện tại

- Hoàn cảnh: mỗi năm, mỗi vắng có nghĩa theo thời gian con người dần lãng quên.

- Câu hỏi tu từ: “Người thuê viết nay đâu?” bộc lộ tâm trạng buồn bã, nuối tiếc.

- Hình ảnh nhân hóa “giấy đỏ buồn không thắm”, “mực đọng trong nghiên sầu”: nỗi buồn của chính người nghệ sĩ khi không còn được biết đến.

- Hình ảnh “lá vàng rơi trên giấy”, “ngoài đường mưa bụi bay”: gợi sự cô đơn, lạnh lẽo.

3. Nỗi xót xa của nhà thơ trước hoàn cảnh của ông đồ

- Thời gian: “Năm nay đào lại nở” cho thấy một mùa xuân nữa lại về, sự lặp lại tuần hoàn của thời gian.

- Hình ảnh “không thấy”: phủ nhận sự có mặt của một người đã từng trở thành niềm ngưỡng vọng.

- Câu hỏi tu từ cuối bài “Những người mua năm cũ/Hồn ở đâu bây giờ?”: giống như một lời than trách cho số phận.

III. Kết bài

Khẳng định giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ “Ông đồ”.

Phân tích bài thơ Ông đồ (mẫu 1)

Trong phong trào Thơ mới 1932 - 1945, bên cạnh những vần thơ tình say mê rạo rực, bên cạnh những cái mới, cái “tân thời”.... vẫn còn những nỗi niềm hoài cổ tha thiết xót xa. Người đọc bắt gặp những tứ thơ như thế trong bài thơ “ông đồ” của Vũ Đình Liên. Khi đọc bài thơ này, Vũ Quần Phương đã nhận xét: “Văn tả thật ít lời mà cảnh hiện ra như vẽ, không chỉ bóng dáng ông đồ mà cả cái tiêu điều của xã hội qua mắt ông đồ”.

“Ông đồ” là những ai? Họ vốn là những thầy giáo mẫu mực, uyên thâm của chế độ cũ. Thuở đắc thế, họ được người đời trọng vọng, tôn kính. Ngày lễ tết hằng năm, người đời đến với họ không chỉ để bày tỏ tấm lòng thành mà còn để cung kính xin lấy những nét chữ “Tâm”, “Đức’, “Thọ”, “Lộc”,... vuông vắn, đầy đặn: cái chữ vừa thể hiện cái tài, vừa thể hiện cái tâm của người cầm bút.

Nhưng thời thế thay đổi, khi nền văn hóa phương Tây tràn vào nước ta rồi dần chiếm lĩnh vị trí độc tôn trong sự học thì những ông đồ dần vắng bóng. Cái tài, cái tâm của họ chỉ còn được thể hiện qua con chữ được bày bán bên đường. Cảm với nỗi xót xa, bẽ bàng của “một lớp người tàn” ấy, Vũ Đình Liên viết nên một “Ông đồ” làm rung động lòng người.

Bài thơ là một thành công lớn của Vũ Đình Liên nói riêng và đối với Thơ mới nói chung. Bài thơ được viết theo thể năm chữ, vẻn vẹn năm khổ hai mươi câu nhưng đã làm sống lại hình ảnh ông đồ những năm đầu thế kỉ hai mươi và cả cái thời đại tiêu điều khi ấy.

Bởi vậy, Vũ Quần Phương hẳn rất thấm thía bài thơ khi nhận xét rằng: “Văn tả thật ít lời mà cảnh hiện ra như vẽ, không chỉ bóng dáng ông đồ mà cả cái tiêu điều của xã hội qua mắt ông đồ”. Trong hai khổ thơ đầu, hình ảnh ông đồ hiện lên cùng những hình ảnh tươi tắn, nhộn nhịp:

"Mỗi năm hoa dào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua."

“Mỗi năm... lại thấy”, hai cụm từ này cho thấy hình ảnh ông đồ đã trở nên quá quen thuộc. Cùng với màu thắm của hoa đào, màu đỏ của giấy, màu đen nhánh của mực tàu và sự đông vui tấp nập của phố phường, hình ảnh ông đồ đã trở nên không thể thiếu trong khung cảnh mùa xuân. Ở khổ thơ tiếp theo, hình ảnh ông đồ đã trở thành trung tâm để mọi người chiêm ngưỡng và ngợi ca:

"Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay."

Từ “bao nhiêu” cho biết ông đồ đang được người đời trọng vọng, cần nhờ vả đến. Với tài năng của ông họ “Tấm tắc ngợi khen tài”, ba phụ âm “t” cùng xuất hiện trong một câu thơ như tràng pháo tay giòn giã để ngợi khen sự tài hoa của ông đồ. Cái tài năng "Phượng múa rồng bay" của ông đồ dưới một bàn tay đầy khéo léo nghệ thuật đã làm rạng danh cho nền Hán học. Cái tài ấy của ông đã được tặng cho mọi người về làm quà đón xuân, trang trí ngôi nhà ấm cúng tình cảm gia đình thật ấm áp hơn.

Nhưng dẫu sao, trong tiếng cười vui vẫn không sao giấu được nỗi ngậm ngùi. Chữ Nho vốn được coi là chữ “Thánh hiền”, chữ Nho ông đồ viết là sự tụ hội của cái tài và cả cái tâm người cầm bút. Nhưng giờ đây, những giá trị thiêng liêng ấy đã bị xô dạt đến bên đường phố để làm thứ cho “thuê”. Chỉ một chữ ấy thôi mà đã thấy băn khoăn, thoảng buồn biết mấy.

Thật đáng buồn biết bao, một truyền thống đẹp của dân tộc đã bị mai một đi, một hình ảnh đầy sắc màu mùa xuân đã dần mất đi khi nền văn hóa phương Tây du nhập vào nước ta. Rồi đã đến lúc người ta quên lãng đi câu đối tết để ngày Tết thưa thớt, thiếu vắng đi những bóng hình quen thuộc:

"Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu."

Cũng là “mỗi năm” nhưng lại thêm từ “mỗi” và lại đứng sau chữ “nhưng” - con chữ thường làm đảo lộn mọi trật tự quen thuộc. Vũ Đình Liên đã phác họa một cảnh tượng đầy xót xa. Vẫn trên nền hoa đào, ông đồ ngồi ủ rũ, thấp thoáng những bóng người xa dần. Giá như có một sự đột biến nào đó khiến người ta không thích chữ ông nữa thì là một lẽ, đằng này những người đến với ông đồ cứ vơi dần đi, lòng người với thư pháp cũng đã nhạt đi nhiều lắm.

Họa chăng có ai còn nghĩ đến ông cũng chỉ bởi lòng thương hại đó thôi. Các thủ pháp nhân hoá được sử dụng liên tiếp “giấy đỏ buồn”, “mực đọng”, “nghiên sầu” chỉ tô đậm thêm nỗi thất vọng của ông đồ. Người buồn, nên những vật dụng từng gắn bó thân thiết với ông cũng sầu đạm theo: giấy không đỏ như xưa, mực trong nghiên cũng sầu não.

Có lẽ, giấy, nghiên mực không có tâm trạng, nhưng cái bi kịch tâm trạng của giấy, mực cũng chính nhà thơ Vũ Đình Liên cũng không thể nhìn thấy nỗi xót xa, bẽ bàng của ông đồ nói riêng và lớp người xưa cũ nói chung. Nỗi buồn ấy không chỉ thấm vào phương tiện mưu sinh mà còn thấm đẫm vào cảnh vật thiên nhiên, cảnh vật đã làm cho không gian thêm hiu quạnh và hoang vắng.

"Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay."

Cho dù, ông đồ vẫn ngồi đấy nhưng đã bị mọi người quên lãng. Ông chỉ còn là một di tích tiều tuỵ đáng thương của "một thời tàn". Và có lẽ từ đó, ông vĩnh viễn vắng bóng. Có lẽ lúc bấy giờ trên thế gian này chỉ còn lại mỗi nhà thơ là có thể cảm thông được với nỗi buồn của ông đồ. Chỉ cảm thông thôi chứ nỗi buồn ấy lớn quá làm sao chia sẻ nổi. Sự cách biệt của tuổi tác, và nhất là của hai nền văn hóa khác nhau khiến cho nhà thơ chỉ biết đứng xa xa nhìn ông đồ mà thương cảm. Và kì lạ thay là một chiếc lá vàng:

Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay

Mưa bụi thì rõ, vì đang là tiết xuân. Nhưng sao lại có một chiếc lá vàng đơn độc? Đây chắc không phải là dấu vết của mùa đông mà chỉ có thể lý giải như thế này: nước ta thuộc miền nhiệt đới, bốn mùa cây cối xanh tươi, vậy thì lá vàng cũng có thể rơi bất cứ lúc nào. Nếu đang vui, có lẽ không ai để ý đến chiếc lá vàng lặng lẽ rời cành khi đã hoàn thành sứ mệnh của nó. Những lúc buồn tâm hồn ta rất nhạy cảm, và lại càng nhạy cảm với nỗi buồn.

Thì ra đã suốt một đời nuôi cây, khi rụng xuống chiếc lá vàng vẫn còn kịp gửi đến người đời một bức thông điệp. Không phải là thông điệp về mùa thu mà là thông điệp về nỗi buồn của ông đồ, của một nền nghệ thuật đang dần đi vào quên lãng.

Chiếc lá lẻ loi không chọn chỗ nào mà đậu mà lại đậu ngay trên trang giấy giờ đã trở nên vô tích sự, bằng chứng hiển nhiên cho nỗi buồn sâu nặng của ông đồ. Bây giờ thì có muốn đem lại những niềm vui dẫu thật nhỏ bé cho cuộc đời thì cũng không ai cần đến nữa. Bức tranh thứ năm tương phản rõ rệt với bức tranh thứ nhất:

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa...

Thông điệp mùa xuân đã gửi đến rồi. Nhà thơ theo thói quen lại ra phố ngắm cảnh cũ người xưa. Lẽ ra chẳng phải ngạc nhiên. Với tính cảnh như năm ngoái thì ông đồ không thể xuất hiện một lần nữa, không thể nuôi mãi hy vọng về một thời đã qua.

Vậy mà trong tâm thức nhà thơ, hình ảnh ông đồ không thể thiếu trong bức tranh xuân của mình. Cho nên mới phải hẫng hụt. Ấn tượng sâu nặng quá khiến nhà thơ tưởng như ông đồ đã ra đi từ lâu lắm. Ông đã thành “ông đồ xưa”, thành người “muôn năm cũ” khiến nhà thơ bật lên tiếng gọi:

Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

Bài thơ tuy ngắn ngủi nhưng hàm súc, cô đọng và chứa đựng bao niềm đồng cảm, xót thương đối với những kiếp người tàn trong xã hội. Bài thơ quả đã dựng lên “bóng dáng ông đồ” và “cả cái tiêu điều của xã hội qua mắt ông đồ”.

Vũ Đình Liên đã dành cho số phận các ông đồ những tình cảm sâu sắc, xuất phát từ sự cảm thông rất đỗi chân thành. Đó không chỉ là sự cảm thông đối với một thế hệ bị lãng quên mà còn là nỗi xót xa trước một vẻ đẹp, một ngành nghệ thuật xưa cũ đã một đi không trở lại.

Phân tích bài thơ Ông đồ (mẫu 2)

Có ai đó đã từng nói rằng, thi ca Việt Nam là vườn hoa muôn ngàn thanh sắc mà mỗi đóa hoa là mỗi đóa hương sắc mang hình hài khác nhau. Thực vậy, ta có Xuân Diệu mang trong mình giọng điệu say đắm, rạo rực; Hàn Mặc Tử điên loạn, khổ đau; Huy Cận buồn sầu ảo não;... Mỗi nhà thơ đều có giọng điệu, phong cách, tâm tư tình cảm và thi tứ khác nhau. Những hồn thơ ấy, ta chẳng thể mang cân đo đong đếm vị nào hơn vị nào, mà chỉ có thể dựa vào ấn tượng của người đọc khi thưởng thức tác phẩm. Và nhắc đến Vũ Đình Liên, ta nhắc đến một hồn thơ hoài cổ, tuy số lượng sáng tác không nhiều song đều mang giá trị nghệ thuật cao. Trong đó, nổi bật phải kể đến bài thơ "Ông đồ".

Bài thơ "Ông đồ" được đăng trên tạp chí "Tinh hoa" năm 1936. Những năm trước khi ra đời bài thơ, nền văn hóa phương Tây dần xâm nhập vào nước ta, bởi vì thế mà nền văn hóa Hán học dần mất đi vị thế của mình. Những ông đồ viết chữ nho nay cũng chẳng còn vị thế như trước nữa, thậm chí là còn bị lãng quên đi. Sáng tác của Vũ Đình Liên là sự hòa quyện của hai nguồn cảm hứng: "Lòng thương người và tình hoài cổ." Đó là nhận xét của Hoài Thanh. Thực vậy, tình hoài cổ khiến thơ ông có những bâng khuâng tiếc nuối vì bao nét đẹp truyền thống nay phai nhạt dần; đồng thời hòa quyện vào đó là lòng thương người khiến những câu chữ như xót xa, thương khóc cho những mảnh đời bị lãng quên. "Ông đồ" một minh chứng rõ ràng nhất cho nguồn cảm hứng nơi Vũ Đình Liên. "Ông đồ" - một nhan đề đọc lên đủ để cho người ta thấy một nền văn hóa tinh thần của dân tộc ở trước mắt, bao nét đẹp của văn hóa đi theo ông đồ như vậy mà dẫn chìm vào dĩ vãng, một sự tiếc thương vô cùng cũng là lý do và mục đích khiến tác giả đã sáng tác nên bài thơ này.

Ra đời trong phong trào thơ Mới nhưng bài thơ “Ông đồ” không xoay quanh trục cảm xúc thông thường của các nhà thơ lãng mạn khi “thoát lên tiên” để tìm cái tôi riêng mình, để đắm đuối trong tình yêu hay buồn sầu ảo não trong nỗi đau mất nước. Vũ Đình Liên tìm riêng cho mình một lối đi, ông hướng lòng mình về quá khứ để nhận ra “cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn”. Ông kiếm tìm những giá trị đã cũ, mang những nỗi đau bị quên lãng. Rõ ràng, sự xâm chiếm của thực dân Pháp, phong trào Âu hóa đã kéo theo sự trượt dốc của Nho học, cùng theo đó là sự xuất hiện của một lớp người nạn nhân đau khổ. Và ông đồ là một nhân chứng.

Mở đầu bài thơ là một hình ảnh quen thuộc:

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua.

Khổ đầu bài thơ mở ra hình ảnh ông đồ xuất hiện vào mỗi dịp tết đến xuân về. Sự kiện hoa đào nở gợi nhắc ta về một không khí tết, một ngày đầu xuân mà mỗi năm đều có theo quy luật muôn đời của tạo hóa. Dường như trong sự vận động có quy luật ấy của thiên nhiên, ông đồ xuất hiện như một thói quen, như một điều hết sức hiển nhiên với một từ: "lại". Ông đồ với mùa xuân dường như trở thành một cặp hình ảnh song hành, cứ khi mùa xuân về là sẽ thấy ông đồ ở đó. Từ "lại" miêu tả sự lặp đi lặp lại của một hành động nhất định. Chỉ với từ lại, nhà thơ đã khéo léo khắc họa hình ảnh ông đồ xuất hiện mỗi dịp xuân về như một thói quen, là điều tất nhiên của tọa hóa. Sự xuất hiện đã trở thành quen thuộc ấy khiến ông đồ trở thành đại diện cho một nét văn hóa đẹp của người Việt Nam: đó là phong tục xin chữ - cho chữ ngày Tết với mong muốn được bình an, hạnh phúc, con trẻ học hành thông minh, sáng dạ. Cùng với mực tàu, giấy đỏ, thú chơi câu đố đã tạo nên một nét rất riêng, rất cổ kính trong văn hóa dân tộc. Người Việt xưa, khi nền Nho học còn thịnh, vốn chuộng những nét chữ Nho mang nhiều ý nghĩa. Qua đó, có thể thấy sự trân trọng, tự hào và yêu kính của tác giả dành cho ông đồ - người đã giữ gìn văn hóa thanh cao lâu đời của người Việt Nam. Sự xuất hiện song hành của ông đồ và mùa xuân như tín hiệu của niềm vui, là dấu hiệu của ngày tết cổ truyền mang đậm phong cách người Việt.

Tuy chỉ chiếm một góc nhỏ trên lề phố nhưng trong bức tranh thơ thì ông đồ lại chính là trung tâm, ông đã hòa hết mình vào cái không khí nhộn nhịp của ngày tết với những tài năng mình có:

Bao nhiêu người thuê viết

Tấm tắc ngợi khen tài

Hoa tay thảo những nét

Như phượng múa rồng bay.

Từ phố đông, không gian được thu hẹp lại quanh chỗ ông đồ ngồi viết chữ. Câu thơ ấm ran sự sống bởi từ chỉ số lượng có tính chất phiếm định “bao nhiêu” và tính từ “tấm tắc” biểu đạt sự thán phục, ngợi ca, trân trọng. Người xưa quan niệm chữ nho là thứ chữ thánh hiền. Học chữ ấy không phải để kiếm sống mà mục đích cao nhất là để làm người, để có thể phò vua, trợ nước, giúp đời. Đó là khi mà chữ Nho được trọng vọng. Sự giản dị mang theo những phẩm chất quý báu của mình khiến ông đồ thu hút được nhiều người. Họ muốn xin chữ, xin cái đẹp từ ông. Để rồi khi được chiêm ngưỡng tài năng của ông đồ, những người thuê viết lại được một phen "tấm tắc ngợi khen tài". Ngữ cảnh hai câu thơ cho ta thấy rõ ràng sự hưng thịnh của Nho học, khi người người đều coi trọng chữ Nho, thán phục trước tài năng của những nhà nho. Các câu thơ tiếp theo để miêu tả rõ nhất sự tài năng của ông đồ. Câu thơ khắc họa ông đồ là người có hoa tay, với lối viết chữ "thảo", viết nhanh và đẹp. Bên cạnh đó, người có nhiều hoa tay không chỉ viết chữ, mà họ còn tạo ra được cả một tác phẩm như một bức tranh mang nhiều ý nghĩa nghệ thuật. Chơi chữ là một thú vui thể hiện cốt cách thanh cao của người thường thức nó. Đồng thời, người viết chữ cũng được xem như một nghệ sĩ tài ba bởi nét chữ thể hiện được cái tâm, cái chí của người sáng tạo. Những nét chữ Nho là kết tinh của tinh hoa hàng ngàn năm lịch sử dân tộc, mang chứa trong nó những giá trị sâu rễ bền gốc của một thời kỳ văn hóa, và ông đồ bằng tài hoa của mình, đã tái hiện lại những điều ấy, để rồi được mọi người tấm tắc ngợi khen. Tác giả Vũ Đình Liên thể hiện nghệ thuật viết chữ của ông đồ như rồng bay phượng múa, một nghệ thuật so sánh độc đáo phần nào làm tôn lên thú xin chữ viết chữ, nhấn mạnh tài nghệ, vẻ đẹp thanh cao đáng trân trọng của một nét đẹp thời xưa. Đồng thời, câu thơ thể hiện sự cao quý qua những lời khen ngợi của những người qua đường. Nhưng thời thế đổi thay, bởi chẳng có gì là vĩnh viễn. Thời gian vốn là một dòng chảy, nó sẽ bỏ qua và đào thải bất cứ ai khư khư gìn giữ những điều cũ kỹ, không chịu tiếp thu cái mới. Và trong dòng chảy ấy của thời gian, rất dễ cuốn đi những chân giá trị. Rõ ràng, ông đồ cũng nằm trong dòng chảy thời gian ấy. Khi thời thế thay đổi cũng là khi ông không còn được trọng vọng, ngưỡng mộ như xưa:

Nhưng mỗi năm mỗi vắng

Người thuê viết nay đâu

Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu

Cũng là mỗi năm nhưng lại đứng sau từ nhưng - con chữ thường làm đảo lộn trật tự quen thuộc. Hai từ “mỗi” điệp lại trong một câu thơ diễn tả bước đi của thời gian. Nếu như trước đây “Mỗi năm hoa đào nở” sẽ đưa đến cho ông đồ già những vị khách - “bao nhiêu người thuê viết”, thì giờ đây “mỗi năm” lại “mỗi vắng”. Sự vắng vẻ, quạnh hiu ấy tăng tiến dần theo thời gian. Mùa xuân dần bỏ quên ông đồ già. Nhịp đi của thời gian bao hàm cả sự mài mòn, suy thoái. Số người còn chút mến yêu và kính trọng chữ nho giờ cũng mỗi năm mỗi vắng, khách quen cũng tan tác mỗi người một ngả. Từ chỗ là một nhà nho, một nghệ sĩ được mọi người ngợi khen, kính phục thì nay, ông đồ cũng chỉ là một người kiếm kế sinh nhai bình thường. Thậm chí, việc kiếm kế sinh nhai của ông còn trở nên ngày một khó khăn, khi chữ nho không còn được ưa chuộng như trước. Bằng câu hỏi tu từ hết sức độc đáo, Vũ Đình Liên đã thể hiện 1 nỗi nuối tiếc của 1 thời kì vàng son để rồi đọng lại thành nỗi sầu, nỗi tủi thấm sang cả những vật vô tri vô giác: "Người thuê viết nay đâu?". Giấy đỏ là thứ giấy dùng để ông đồ viết chữ lên, mang trong nó sắc màu may mắn, với ý nghĩa như một lời chúc phúc của ông đồ dành cho người xin chữ, và cũng là lời ước nguyện của người cầu chữ ấy. Vậy mà “Giấy đỏ buồn không thắm” - không thắm bởi lâu nay không được dùng đến nên phôi pha úa tàn theo năm tháng. Những lời chúc phúc của ông đồ nay chẳng ai còn cần đến nữa, còn lại chỉ có nỗi buồn. Mực cũng vậy - đó là thứ mực đen thẫm để ông đồ viết chữ, những thỏi mực đẹp sẽ mang hương thơm của tri thức, mang theo cả sự chân thành của ông đồ già. Nhưng nay “Mực đọng trong nghiên sầu” nghĩa là mực đã được mài từ lâu, đã sẵn sàng cho bàn tay tài hoa của ông đồ để trổ tài nhưng đã đợi chờ trong vô vọng. Mực đọng trong nghiên như than như khóc, như nước mắt của những tháng ngày mòn mỏi nơi ông đồ già. Câu hỏi tu từ bật lên trước đó như nỗi lòng của ông đồ già, lại như tiếng hỏi xót xa của những giấy, những mực với dòng đời đổi thay bạc bẽo. Các từ buồn, sầu như thổi hồn vào sự vật cùng với phép nhân hóa đã khiến cho giấy đỏ, mực tàu vốn vô tri bỗng trở nên có hồn có suy nghĩ như con người. Giấy và mực là duyên nợ của nhà Nho, là một mảnh tâm hồn của nhà Nho. Phép nhân hóa vừa như làm sống dậy linh hồn của những vật vô tri vô giác, vừa như ẩn dụ cho nỗi lòng mang nặng tâm tư trước sự thay đổi của thời thế. Hai câu thơ chỉ nói “mực đọng”, “nghiên sầu” mà giúp ta thấy được cả nỗi lòng buồn thương của con người trước sự vô thường của thời gian. Rõ ràng, ông đồ đã bị đào thải, những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc đã dần bị lãng quên trước những thay đổi hiện đại, mới mẻ từ tây phương.

Trước sự lãng quên dần của thời thế, ông đồ vẫn ở đó đợi chờ:

Ông đồ vẫn ngồi đấy

Qua đường không ai hay

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài trời mưa bụi bay.

Từ “vẫn” như một chút sinh lực cuối cùng ông đồ mang ra góp mặt với đời. Bằng sự gắng gượng trong miếng cơm manh áo, ông vẫn ngồi đấy. Lúc này, phố vẫn đông người, chỉ khác là không ai nhận ra sự hiện diện của ông giữa cuộc đời. Nghệ thuật đối lập tài tình: một bên là sự đơn chiếc lẻ loi, một bên là cuộc sống xô bồ hiện đại; một bên là cái dáng ngồi bó gối bất động, một bên là không khí tưng bừng náo nhiệt khi tết đến xuân về; một bên là thái độ cố gắng níu kéo, một bên là sự thờ ơ lãng quên. Ông đồ dường như vẫn chưa chịu chấp nhận sự lãng quên của cuộc đời, ông vẫn đang cố gắng tìm kiếm hào quang lúc trước. Dù không ai hay ai biết, ông vẫn ngồi đó, với những tờ giấy đỏ, với nghiên mực, chờ đợi dù chỉ là một người cũng được, sẽ nhận ra mình. Nhưng Nho học đã tàn, thứ ông đồ còn lại chỉ còn là những tư tưởng đã cũ, tấm thân tiêu điều và những nét chữ chẳng còn ai mong nhớ. Thậm chí đến nơi ông đồ ngồi cũng tiêu điều xơ xác: lá vàng, mưa bụi. Những chiếc lá vàng phủ kín trang giấy, nhạt nhòa vì thời gian, vì ế ẩm. Làn mưa bụi mịt mờ đất trời, lã chã rơi trên áo the, khăn xếp, trên nét mặt già nua mỏi mệt của ông đồ. Một khung cảnh buồn bã. Con người như bị nhòe lẫn trong cái tái tê của cảnh. Đây chính là hai câu thơ tả cảnh ngụ tình đặc sắc nhất trong bài. Nguyễn Du đã viết trong Truyện Kiều rằng: "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?". Hai câu thơ tiêu điều ấy có lẽ không phải ngoại cảnh, mà là tâm cảnh. Những chiếc là vàng chen ngang khung cảnh mùa xuân tràn đầy sức sống, phải chăng là một điều không hợp lý? Hình ảnh lá vàng trở về với đất mẹ hay chính là hình ảnh héo tàn, rơi rụng của ông đồ trước một xã hội mới đang sinh sôi. Hạt mưa bụi kia là mưa của đất trời hay mưa của lòng người, của thời gian, của quên lãng? Thời thế, con người đều lạnh lùng từ chối ông đồ già, từ chối những giá trị được coi là xưa cũ. Chữ Nho, bút nghiên, giấy mực đều trở nên cũ kỹ, lạc lõng giữa phố phường hiện đại. Ông đồ trở thành một di tích, một phế tích không hợp thời, lạc lõng, chơ vơ giữa thời đại ông đang sống. Lá rơi không nghe tiếng, mưa bụi chẳng làm ướt ai nhưng người đọc hơn nửa thế kỉ qua vẫn còn nhỏ lệ trước tình cảnh đáng thương của ông đồ. Đó là cái tài tình của Vũ Đình Liên, thi nhân không chỉ trích ai, cũng chẳng bắt ép ai phải quan tâm đến ông đồ, nhưng bằng ngòi bút tượng hình với lối miêu tả nội tâm sâu sắc, nhà thơ vẫn khiến người đọc xót thương cho những giá trị xưa cũ, thầm trách mình sao tệ đến thế, sao lại chạy theo những phồn hoa đô thị mà lãng quên phong tục của dân tộc, lãng quên ông đồ già.

Thế rồi từ chỗ được yêu mến, trọng vọng, hình ảnh ông đồ nhạt nhòa dần, rồi biến mất giữa bộn bề cuộc sống:

Năm nay đào lại nở

Không thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?

Mở đầu bài thơ Ông đồ là hình ảnh rất nhẹ và kết thúc cũng với hình ảnh rất khẽ khàng. Năm xưa khi đào nở ta thấy ông đồ ngồi bên lề đường và hòa mình vào sự đông vui náo nhiệt của phố phường. Nhưng nay cùng thời điểm đó thì ông đã không còn nữa, hình ảnh xưa cũ cũng dần tan biến vào dòng thời gian. Kết cấu đầu cuối tương ứng khiến bài thơ như một vòng tuần hoàn chặt chẽ, thống nhất, nhưng đồng thời khắc sâu thêm nỗi buồn của thi nhân. Vẫn là khung cảnh hoa đào nở đó, cảnh đây, nhưng người đã khác. Ông đồ không còn đó nữa, một phong tục đẹp trong văn hóa dân tộc cũng đã úa tàn. Tết đến xuân về, hoa đào lại nở, người người háo hức đi chợ sắm tết để chờ mong 1 năm đầy niềm vui và hy vọng. Tất cả đều rạo rực, tưng bừng. Cảnh còn đó nhưng người thì đâu? Ông đồ đã biến mất hoàn toàn, không chỉ trong tâm trí người đời mà còn cả trong khung cảnh. Hoa đào và ông đồ không còn là cặp hình ảnh sóng đôi, sự xuất hiện đơn chiếc của hoa đào nở như nụ cười mỉa mai với ông đồ già. Ông đã hoàn toàn bị quên lãng. Giờ đây hình ảnh ông đồ chỉ còn là cái di tích tiều tụy đáng thương của 1 thời tàn, không còn mảy may chút gì trong dòng chảy nghiệt ngã của thời gian. Thời đại đã sang trang, giá trị mà con người nhận thức được cũng thay đổi, sự biến mất của ông đồ cũng là sự đào thải tự nhiên trong dòng chảy của cuộc đời. Còn ai nhớ tới một ông đồ đã từng cho chữ nơi này, ngoài Vũ Đình Liên? Dòng đời cứ trôi dần và trôi đi cả cuộc sống thanh bình đẹp đẽ, giờ chỉ còn là 1 nỗi trống trải, bâng khuâng để rồi nhà thơ cũng phải bật thành câu hỏi đầy cảm xúc: "Những người muôn năm cũ - Hồn ở đâu bây giờ?" Hai câu thơ cuối tác giả đã trực tiếp bộc lộ cảm xúc dâng trào, kết đọng mang chiều sâu khái quát. Từ hình ảnh ông đồ nhà thơ liên tưởng đến hình ảnh những người muôn năm cũ và thi sĩ hỏi 1 cách xót xa: Hỏi mây hỏi trời, hỏi cuộc sống hỏi 1 thời đại, hỏi mà để cảm thông cho thân phận của những người muôn năm cũ đã bị thời thế khước từ. Ông đồ cũng như những người từ muôn năm ấy, giờ ở đâu? Cái hồn cốt dân tộc, những giá trị tuyệt đẹp trong văn hóa truyền thống, giờ ở đâu? Câu hỏi tu từ đặt ra như 1 lời tự vấn, tiềm ẩn sự ngậm ngùi, xót thương. Và tất cả những gì của 1 thời hoàng kim giờ cũng chỉ còn 1 màu sắc nhạt phai, tê tái. Vũ Đình Liên nhìn vào sự thực ấy, và xót thương, đau khổ trước sự thực ấy. Thi nhân nhìn thấy những giá trị xưa cũ, những nét đẹp cha ông ta để lại từ ngàn xưa, nay biết mất. Cái hồn mà thi nhân nhắc đến có lẽ không chỉ là cái hồn của ngàn vạn người từ kim cổ, mà còn là cái hồn dân tộc. Với cách sử dụng thành công biện pháp tu từ, nhà thơ Vũ Đình Liên đã tái hiện lên hình ảnh ông đồ với cái di tích tiều tụy đáng thương của 1 thời tàn khiến chúng ta lại càng cảm thương, xót xa cho số phận của ông.

Tác giả Vũ Đình Liên sử dụng hình ảnh hoa đào, ông đồ ở đầu và cuối bài thơ để nhằm khắc họa nên hình ảnh trái ngược của ông đồ ở hai thời kỳ là vàng son và ở thời kỳ thất thế. Với thể thơ ngũ ngôn gieo vần chân, lời thơ bình dị nhưng sâu lắng, cô đọng, lời thơ giống như một lời kể chuyện thuật lại nét đẹp truyền thống xưa của dân tộc, kết cấu đầu cuối tương ứng chặt chẽ, bài thơ chứa đựng đủ những yếu tố nghệ thuật đặc sắc nhất. Qua những nét nghệ thuật tiêu biểu đó, tác giả thể hiện nỗi niềm xót thương đối với ông đồ cũng như niềm tiếc nuối cho sự mất đi của một nền văn hóa dân tộc. Tất cả tạo nên cho bài thơ một hình hài giản dị, chân chất nhưng vẫn truyền tải được trọn vẹn cảm xúc của nhà thơ, khắc họa hình ảnh của ông đồ, một "di tích đáng thương của thời tàn", một nỗi buồn riêng nhưng là niềm xót xa chung.

Bằng một nỗi niềm rất riêng, một lòng yêu văn hóa xứ sở, Vũ Đình Liên đã gọi dậy trong tâm thức bạn đọc một nét đẹp văn hóa của một thời vang bóng. Để một thoáng nhìn lại mình, ta tự vấn lòng, ta đã làm chi cuộc đời ta, ta đã làm gì với sự ơ hờ, vô tâm. Ta vô tư tung thả mình, ta hồn nhiên góp phần chạy đua, đánh mất bản sắc dân tộc để đến với những thú vui thời thượng, trong khi đó mới chính là những chân giá trị vĩnh hằng cho nguồn cội mỗi cá nhân. Trang thơ đã khép lại rồi, song những dư âm của nó về hình ảnh ông đồ, một mảnh hồn tàn, một di tích sống của thời kỳ vàng son xưa cũ, vẫn sẽ còn lưu giữ mãi trong trái tim người đọc.

Phân tích bài thơ Ông đồ (mẫu 3)

Nếu thơ Xuân Diệu có giọng điệu say đắm, rạo rực, thơ Hàn Mặc Tử có chút điên loạn, thơ Huy Cận có nỗi buồn ảo não thì thơ Vũ Đình Liên lại mang một giọng điệu hoài cổ. Mỗi người nghệ sĩ có phong cách thơ khác nhau, đây là nét riêng biệt để họ được phân biệt với các tác giả khác và cũng là ấn tượng riêng để bạn đọc nhớ đến họ. Tuy sáng tác không nhiều nhưng Vũ Đình Liên đã để lại cho văn học Việt Nam những tác phẩm giá trị, tiêu biểu là bài thơ “Ông đồ”.
Bài thơ được sáng tác năm 1936 và được đăng trên tạp chí “Tinh hoa”. Bài thơ ra đời trong hoàn cảnh nền Hán học đang mất dần vị thế của mình do sự xâm nhập của nền văn hóa phương Tây. Đây cũng là lúc các ông đồ không còn được trọng vọng do thời thế đã thay đổi. Nhan đề bài thơ gợi nhớ một nét đẹp đã lùi sâu vào dĩ vãng cùng sự tiếc thương vô cùng.
Nhắc đến ông đồ là nhắc đến những thầy dạy chữ Nho ngày xưa, mỗi dịp Tết đến xuân về ông thường xuất hiện bên đường phố để viết những câu đối đỏ:

“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua”.

Hình ảnh này đã trở nên quen thuộc bởi Tết nào ông đồ già cũng xuất hiện cùng với mực tàu và giấy đỏ. Đó là thời đắc ý, thời vàng son của ông. Như một sự tuần hoàn của chu kì thời gian, mỗi dịp chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, khi những cánh đào hồng tươi khoe sắc thắm thì đó cũng là lúc ông đồ xuất hiện. Không gian làm việc của ông là bên phố. Ta hãy hình dung dưới những bông hoa đào cùng tiết trời se lạnh có một ông đồ già đang vẽ những nét chữ điêu luyện và sự nhộn nhịp của bước chân người qua lại tạo nên một bức tranh thật tươi vui. Từ “mỗi”, “lại” đã phần nào thể hiện nhịp điệu đều đặn ấy. Hoa đào và ông đồ đã song hành, sóng đôi cùng nhau để tôn thêm vẻ đẹp của ngày Tết. Màu hồng của hoa đào, màu đen của thỏi mực, màu đỏ của giấy đã làm bức tranh thật sinh động.

Tài năng viết chữ của ông đồ được mọi người ngợi khen, thán phục:

“Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay”.

Rất nhiều người thuê ông viết chữ, họ không chỉ quý trọng những nét chữ của ông mà họ còn dành cho ông một lòng kính trọng. Ông đã phô diễn tài năng của mình qua các câu đối đỏ, qua những nét chữ rồng bay phượng múa. Phải là một người am hiểu về Hán học, chữ Nho thì ông đồ mới có thể viết những nét chữ tài hoa đến như vậy. Phép tu từ so sánh “như phượng múa rồng bay” đã thể hiện được lòng ngưỡng mộ, sự tôn trọng của Vũ Đình Liên cũng như của nhân dân ta dành cho ông đồ. Đây cũng là sự trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Chơi chữ là một thú vui thể hiện cốt cách thanh cao của người thường thức nó. Đồng thời, người viết chữ cũng được xem như một nghệ sĩ tài ba bởi nét chữ thể hiện được cái tâm, cái chí của người sáng tạo. Không những viết đẹp mà ông còn viết nhanh, điều này thật đáng khâm phục. Những nét chữ uốn lượn một cách tài tình dưới đôi tay của một người có học thức khiến ai cũng muốn thuê ông viết cho câu đối đỏ. Có thể nói, thời đắc ý ông đồ vô cùng đông khách, người ta đến với ông vì sự thán phục những nét chữ phóng khoáng. Cả người viết chữ và người chơi chữ như có mối đồng cảm sâu sắc vì họ đều là người biết yêu và thường thức cái đẹp.

Nhưng khi thời thế thay đổi cũng là lúc ông đồ không còn được trọng vọng, ngưỡng mộ:

“Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu…”

Trước đây, người thuê ông đồ viết chữ nhiều là thế nhưng nay họ đã đi đâu hết? Họ vẫn ở đó, vẫn xuất hiện trong cuộc sống thường nhật nhưng sự xâm nhập của văn hóa phương Tây đã làm những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc bị mai một. Tác giả đã miêu tả một khung cảnh quạnh hiu,vắng vẻ đến thê lương. Thời gian đã cuốn trôi đi những gì tươi đẹp của quá khứ khiến con người không khỏi xót xa, tiếc nuối. Câu hỏi tu từ: “Người thuê viết nay đâu?” vang lên với bao đau đớn. Thực tại thú chơi chữ đã không còn được ưa chuộng, người chơi chữ, mua chữ cũng ít dần đi theo năm tháng. Nỗi buồn đã nhuốm sang cả cảnh vật, sang cả những gì vô tri vô giác. Giấy đỏ cũng biết buồn nên đã chẳng còn thắm, màu giấy đã phôi phai đi rồi nhạt dần, thỏi mực đã mài nhưng không được dùng đến nay cũng đọng lại trong nghiên. Biện pháp nhân hóa đã thể hiện tâm trạng u uất của ông đồ và cũng là sự xót xa, thương cảm của nhà thơ.

Nền Hán học đã suy tàn nhưng với mong muốn lưu giữ lại những giá trị văn hóa mà ông đồ già vẫn kiên trì ngồi bên hè phố như bao năm trước:

“Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài giời mưa bụi bay”

Nhưng sự xuất hiện của ông không được mọi người chú ý, quan tâm như thời vàng son. Bóng dáng ông cứ lặng lẽ qua đường, lặng lẽ bên phố mà không một ai hay biết. Hình ảnh ông đồ đã rơi vào quên lãng. Hình ảnh ấy chỉ là “cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn” (Vũ Đình Liên). Sự tàn phai, úa rụng được thể hiện qua hình ảnh chiếc lá vàng cùng không khí lạnh lẽo của làn mưa bụi lất phất đã bao trùm lên toàn bộ khung cảnh khiến cảnh vật nhuốm màu sắc tâm trạng. Mọi người đã gạt ông đồ ra khỏi trí nhớ và kí ức, họ coi ông như người vô hình trong xã hội đương thời.

Vũ Đình Liên đã bộc lộ nỗi xót xa, niềm hoài cổ của mình qua khổ thơ cuối:

“Năm nay hoa đào nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?”

Ông đồ đã thực sự vắng bóng, đào vẫn khoe sắc hương, cảnh vật vẫn tuần hoàn theo quy luật tự nhiên nhưng ta không còn thấy sự xuất hiện của ông đồ nữa. Sự vắng bóng của ông khiến chúng ta không khỏi thương tiếc cho một giá trị tinh thần đã không còn tồn tại. Những con người trước đây từng thuê ông đồ viết câu đối, những người từng tôn trọng ông đồ nay đã hoàn toàn thay đổi. Họ bận thích nghi với nền văn hóa mới từ Tây phương nên tâm hồn họ cũng không còn chỗ cho những tinh túy của văn hóa truyền thống. Câu hỏi tu từ vang lên ở cuối bài đọng lại bao sự cảm thương, hối tiếc cho những gì đã mất.

Bằng việc sử dụng hình ảnh hoa đào, ông đồ ở đầu và cuối bài thơ, tác giả đã khắc họa thành công hình ảnh trái ngược của ông đồ ở thời kì vàng son và ông đồ khi thất thế. Thể thơ năm chữ đã giúp nhà thơ bày tỏ cảm xúc một cách dễ dàng. “Ông đồ” là sự hoài niệm về những giá trị xưa cũ, bộc lộ niềm cảm thương sâu sắc của tác giả Vũ Đình Liên.

Phân tích bài thơ Ông đồ (mẫu 4)

Vũ Đình Liên là một trong những nhà thơ đầu tiên của phong trào Thơ mới. Thơ của ông mang nặng lòng thương người, thiên về hoài cổ. Bài thơ Ông đồ khá tiêu biểu cho phong cách thơ của ông.

Trong xã hội phong kiến xưa, ông đồ để chỉ những người có học thức. Vào dịp Tết đến xuân về, hình ảnh ông đồ bày mực tàu, giấy đỏ để viết câu đối trên phố đã vô cùng quen thuộc:

“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua.”

Những nét chữ như “phượng múa rồng bay” khiến cho người xem phải tấm tắc khen ngợi tài năng:

“Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay.”

“Hoa tay” có ý chỉ về tài năng được thiên phú. Tác giả sử dụng từ láy “tấm tắc” cùng với biện pháp tu từ so sánh “như phượng múa rồng bay” nhằm khẳng định tài năng hơn người, cũng như bày tỏ tấm lòng ngưỡng mộ của mình với ông đồ. Một thời quá khứ vàng son thật đáng trân trọng.

Nhưng rồi thời gian cũng qua đi, cùng với sự phát triển của xã hội, ông đồ vẫn ngồi đấy, nhưng không có ai hay:

“Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu…

Ông đồ vẫn ngồi đấy,
Qua đường không ai hay,
Lá vàng rơi trên giấy;
Ngoài trời mưa bụi bay."

Ở đây, cụm từ “mỗi năm, mỗi vắng” nhấn mạnh vào sự lãng quên. Thời gian qua đi, ông đồ không còn được coi trọng như trước. Chẳng còn ai thuê viết nữa. Câu hỏi tu từ “Người thuê viết nay đâu?” bộc lộ tâm trạng buồn bã, nuối tiếc trước sự thay đổi này. Hình ảnh nhân hóa “giấy đỏ buồn không thắm”, “mực đọng trong nghiên sầu” gợi ra nỗi buồn của chính người nghệ sĩ khi không còn được biết đến. Dường như, ngay cả chính cảnh vật cũng nhuốm màu buồn bã.

“Năm nay đào lại nở,
Không thấy ông đồ xưa.
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?"

“Năm nay” ý chỉ hiện tại, “đào lại nở” báo hiệu Tết đến xuân về. Nhưng ông đồ đã không còn ngồi ở đó nữa. Câu hỏi tu từ giống như một lời than trách cho số phận của ông đồ, cũng như bộc lộ sự nuối tiếc về một nét đẹp truyền thống đã dần bị mai một.

Với thể thơ ngũ ngôn bình dị mà cô đọng, giọng thơ giàu cảm xúc kết hợp với sử dụng biện pháp tu từ độc đáo, bài thơ Ông đồ đã thể hiện tình cảnh đáng thương của “ông đồ” qua đó toát lên niềm cảm thương chân thành trước một lớp người đang tàn tạ và nỗi tiếc nhớ cảnh cũ người xưa của nhà thơ.

Phân tích bài thơ Ông đồ (mẫu 5)

Vũ Đình Liên là một trong những nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới. Bài thơ “Ông đồ” mang đậm phong cách sáng tác của ông, gửi gắm nhiều ý nghĩa.

Hình ảnh ông đồ vốn rất đỗi quen thuộc trong xã hội xưa. Họ là những người có học thức, tài năng. Trong quá khứ, mỗi năm Tết đến, ông đồ lại bày mực, tàu giấy đỏ bên phố đông người để viết câu đối:

“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua.”

Ông viết câu đối mà như người biểu diễn thư pháp khiến người xem tấm tắc khen ngợi, trân trọng. Đó là một thời vàng son, khi ông đồ được hết mực trân trọng. Để rồi biết bao nhiêu người phải tấm tắc khen ngợi tài năng:

“Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
"Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay”."

Hoa tay ý chỉ về tài năng thiên phú. Cách so sánh “như phượng múa rồng bay” cho thấy lòng ngưỡng mộ của tác giả với ông đồ. Nhưng thời gian trôi qua, cùng với sự phát triển của xã hội, ông đồ vẫn ngồi đấy, nhưng không có ai hay:

“Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu…

Ông đồ vẫn ngồi đấy,
Qua đường không ai hay,
Lá vàng rơi trên giấy;
Ngoài trời mưa bụi bay.

Cụm từ “mỗi năm, mỗi vắng” ý chỉ theo thời gian con người dần lãng quên. Câu hỏi tu từ “Người thuê viết nay đâu?” bộc lộ tâm trạng buồn bã, nuối tiếc trước sự thay đổi này. Hình ảnh nhân hóa “giấy đỏ buồn không thắm”, “mực đọng trong nghiên sầu” gợi ra nỗi buồn của chính người nghệ sĩ khi không còn được biết đến. Dường như chính cảnh vật cũng nhuốm màu buồn bã, thê lương.

“Năm nay đào lại nở,
Không thấy ông đồ xưa.
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?"

Một mùa xuân nữa lại về, nhưng không thấy ông đồ xưa. Câu hỏi tu từ giống như một lời than trách cho số phận của ông đồ trước sự mai một của những giá trị truyền thống. Đây là một trong tác phẩm mà em yêu thích nhất của nhà thơ Vũ Đình Liên.

Với thể thơ ngũ ngôn bình dị mà cô đọng, giọng thơ giàu cảm xúc kết hợp với sử dụng biện pháp tu từ độc đáo, bài thơ đã thể hiện tình cảnh đáng thương của “ông đồ” qua đó toát lên niềm cảm thương chân thành trước một lớp người đang tàn tạ và nỗi tiếc nhớ cảnh cũ người xưa của nhà thơ.

Phân tích bài thơ Ông đồ (mẫu 6)

Nếu thơ của Xuân Diệu mang trong mình giọng điệu say đắm, rạo rực; thơ Hàn Mặc Tử lại có chút gì đó điên loạn; Huy Cận có nỗi buồn ảo não và thơ Vũ Đình Liên lại có chút giọng điệu hoài cổ về thời kì xưa cũ. Thấy rằng mỗi nhà thơ đều có giọng thơ, phong cách, nỗi niềm tâm tư khác nhau nên không thể nào đem ra cân đo đong đếm được thơ của vị này hơn vị kia nên chỉ có thể nói về ấn tượng riêng của người đọc kia nói đến về thơ của một nhà thơ nào đó. Nói đến Vũ Đình Liên người đọc nhớ đến nhà thơ có gia tài sáng tác không nhiều nhưng trong đó có tác phẩm mang lại giá trị cho nền văn học Việt Nam. Đó chính là bài thơ "Ông đồ"

Bài thơ "Ông đồ" được đăng trên tạp chí "Tinh hoa" năm 1936. Những năm trước khi ra đời bài thơ, nền văn hóa phương Tây dần xâm nhập vào nước ta, bởi vì thế mà nền văn hóa Hán học dần mất đi vị thế của mình. Những ông đồ viết chữ nho nay cũng chẳng còn vị thế như trước nữa, thậm chí là còn bị lãng quên đi. "Ông đồ" là một nhan đề đọc lên đủ để cho người ta thấy một nền văn hóa tinh thần của dân tộc ở trước mắt, bao nét đẹp của văn hóa đi theo ông đồ như vậy mà dẫn chìm vào dĩ vãng, một sự tiếc thương vô cùng cũng là lí do và mục đích khiến tác giả đã sáng tác nên bài thơ này.

"Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già"

Hoa đào tượng trưng cho mùa Tết đến, mỗi mùa Tết đến người ta lại thấy những ông đồ - những người thầy dạy chữ Nho bày ra những "tàu giấy đỏ" bên những con phố đông đúc người qua lại, viết nên những câu đối đỏ.

"Bày tàu mực giấy đỏ
Bên phố đông người qua"

Vào thời đắc ý, hay còn gọi là thời vàng son của ông đồ hình ảnh mực tàu, giấy đỏ cùng ông đồ được bày biện bên cạnh những con phố chẳng lấy gì là xa lạ, nó giống như một điều tất yếu mỗi khi Tết gần về. Như một sự tuần hoàn có chu kỳ của thời gian, dịp chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, những cánh hoa đào tươi khoe sắc thắm thì ông đồ xuất hiện. Thử hình dung một chút thôi, thời tiết gần Tết có chút se lạnh, bên góc đường đang nhộn nhịp với các gánh hàng mua bán hoa đào thì có nơi yên tĩnh đến lạ thường, những ông đồ tỉ mỉ, cẩn thận, chăm chút thể hiện những nét chữ uyên bác. Nghĩ đến đây thôi cũng đủ thấy một bức tranh tươi vui và tràn ngập không khí Tết về. "Mỗi" hay "lại" đều giúp người đọc hiểu được cái nhịp điệu đều đặn ấy. Xuân đến, Tết về hình ảnh ông đồ và hoa đào song hành cùng với nhau để tạo thêm vẻ đẹp cho ngày Tết.

"Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay"

Ở thời kì này có biết bao lời khen, thán phục được dành cho ông đồ? Có lẽ chẳng đếm xuể. "Tấm tắc", "hoa tay", "phượng múa rồng bay", tất cả đều là những lời có cánh mang ý nghĩa tốt đẹp được trao cho vị ông đồ này. Những người thuê ông viết chữ không chỉ quý trọng nét chữ mà còn có một lòng kính trọng dành cho ông. Tài năng của ông đồ được phô diễn qua các câu đối đỏ, người thuê cũng nhận thực được phải là những người am hiểu về Hán học, hiểu biết chữ Nho thì mới có thể viết ra được những nét chữ tài hoa như vậy. Tác giả sử dụng phép tu từ so sánh "Như phượng múa rồng bay" để thể hiện cái lòng ngưỡng mộ, sự tôn trọng đến ông đồ. Qua đây ta cũng có thể thấy được sự trân trọng giá trị truyền thống xưa cũ của tác giả Vũ Đình Liên.

Thời này ông đông khách vô cùng, người thuê ông viết chữ đều thán phục những nét chữ phóng khoáng mà đầy ý nghĩa được tạo ra từ bàn tay của ông. Thấy được rằng cả người viết cùng người chơi chữ đều có mối đồng cảm sâu sắc với nhau, bởi vì họ đều là những người viết yêu và biết thưởng thức cái đẹp chăng?

Vạn vật đều có thời kì đỉnh cao và thời kì đi xuống, ông đồ cũng vậy, thời thế thay đổi ông đồ không còn được trọng vọng và ngưỡng mộ như trước nữa.

"Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu..."

Mọi thứ đều ảm đạm. Ông độ tự nhận thức được người thuê viết mỗi năm càng vắng đi nhưng ông vẫn thắc mắc những người thuê viết trước đây đã đâu mất rồi? Những người thuê ông viết chữ vẫn ở đó, họ vẫn sống một cuộc sống thường ngày nhưng nền văn hóa phương Tây đã dần thay đổi họ, giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc cũng vậy mà dần bị mai một. Vũ Đình Liên miêu tả khung cảnh vắng vẻ qua chính "mực tàu" và "giấy đỏ". Đến nay giấy đỏ buồn còn chẳng đủ thắm, người đến thuê chữ ít đi nên khiên cho mực đọng trong nghiên, mọi vật xung quanh trở nên "sầu" hơn bao giờ hết.

Biện pháp nhân hóa ví những vật vô tri vô giác có cảm xúc giống như một con người thể hiện nên tâm trạng u uất của ông đồ, đồng thời cũng thể hiện sự xót xa, thương cảm của nhà thơ khi đứng trước thời thế này.

Tuy nền Hán học đã suy tàn nhưng:

"Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay"

Mặc cho người thuê viết chữ đã thay đổi, ông đồ vẫn kiên trì ngồi đó, ngồi bên hè phố như bao mùa hoa đào trước đây. Nhưng tiếc rằng sự xuất hiện của ông không còn được mọi người mà cụ thể là người thuê ông viết chữ chú ý hay quan tâm như thời vàng son nữa. Cứ như vậy mà bóng dáng của ông đồ dần chìm bên đường, lặng lẽ bên phố mà chẳng ai biết ai hay. Lần này thực sự ông đồ đã bị quên lãng, thật vô tình.

"Lá vàng" thể hiện cho sự phai tàn, úa rụng. Mọi người nay đã gạt ông đồ ra khỏi trí nhớ và kí ức của họ, sự xuất hiện của ông đồ giống như người vô hình trong xã hội bấy giờ.

"Năm nay hoa đào nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?"

Tết đến, hoa đào vẫn nở. Bên góc phố người bán người mua hoa vẫn tấp nập nhưng sao tác giả thấy trống vắng như vậy. Phải chăng vì ông đồ không còn ở đó nữa?

Đúng vậy, sau bao nỗ lực kiên trì ngồi bên góc phố đợi người viết thuê thì nay ông đồ không còn xuất hiện nữa. Đến đây ta thấy được sự vắng bóng của cả một giá trị tinh thần của dân tộc chứ không đơn giản là sự vắng bóng của một cá nhân là ông đồ. Những người mua năm trước nay đã thay đổi, họ bận thay đổi, thích nghi với nền văn hóa mới của phương Tây, họ không còn chỗ trống cho những sự tinh túy của nền văn hóa truyền thống nữa.

"Hồn ở đâu bây giờ?". Câu hỏi tu từ vang lên nhưng một tiếng thương xót của tác giả, bao cảm xúc hối tiếc, cảm thương đều được đọng lại ở cuối bài thơ.

Tác giả Vũ Đình Liên sử dụng hình ảnh hoa đào, ông đồ ở đầu và cuối bài thơ để nhằm khắc họa nên hình ảnh trái ngược của ông đồ ở hai thời kì là vàng son và ở thời kì thất thế. Những câu thơ năm chữ đã giúp cho nhà thơ bày tỏ được cảm xúc một cách dễ dàng hơn và sâu sắc hơn, thể hiện được cái sự hoài niệm về một giá trị tinh thần xưa cũ cùng với niềm cảm thương sâu sắc của tác giả. Qua đây ta thấy được ở nhà thơ Vũ Đình Liên một lòng thương người, tấm lòng nhân ái và điều đặc biệt là luôn ân nghĩa thủy chung với giá trị văn hóa của dân tộc.

Phân tích bài thơ Ông đồ (mẫu 7)

Vũ Đình Liên là một trong những nhà thơ mở đầu cho phong trào thơ mới. Tác phẩm của vũ đình liên không nhiều nhưng đều là những tác phẩm có giá trị nghệ thuật, giá trị nhân văn sâu sắc. trong những tác phẩm còn để lại cho đến ngày nay của ông, Ông đồ là tác phẩm nổi bật nhất. Bài thơ ông đồ là niềm hoài cổ của tác giả với một nét đẹp truyền thống xưa đang dần bị mai một.

Bài thơ ra đời khi nho học bị thất sủng, những tinh hoa nho giáo xưa nay chỉ còn là tàn tích, ông đồ và chữ nho cũng trở thành một tàn tích khi người ta vứt bút lông đi giắt bút chì.

Hai khổ thơ đầu, vũ đình liên gợi nhắc lại thời huy hoàng của ông đồ:

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay

Khổ thơ đầu gợi nên thời gian, địa điểm nơi ông đồ làm việc. Thời gian là vào mùa xuân, mùa đẹp nhất trong năm với hình ảnh hoán dụ là hoa đào nở đã cho ta biết ông đồ làm việc khi trời đất bắt đầu vào độ đẹp nhất của năm Không khí mùa xuân, hình ảnh hoa đào nở đã tươi thắm nay lại thêm “mực tàu giấy đỏ” làm mọi nét vẽ trong bức tranh tả cảnh ông đồ thời kỳ huy hoàng này đậm dần lên, rõ nét, tươi vui, tràn đầy sức sống. đặc biệt là từ lặp lại về thời gian “lại” đã cho thấy sự gắn bó lâu dài giữa ông đồ với mùa xuân, công việc viết chữ của ông đồ không chỉ diễn ra trong một năm mà đã từ mùa xuân năm này qua mùa xuân năm khác. Địa điểm nơi ông đồ viết chữ là “bên phố đông người qua” dòng người đông đúc nơi phố phường mỗi dịp xuân về, quan trọng hơn cả là dòng người đông đúc ấy đều quan tâm đến ông đồ “bao nhiêu người thuê viết” và biết thưởng thức tài năng của ông đồ “tấm tắc ngợi khen tài”. Tác giả tả nét chữ của ông đồ “hoa tay thảo những nét/ như phượng múa rồng bay” Nghệ thuật so sánh của 2 câu thơ này làm toát lên khí chất trong từng nét chữ của ông đồ, đó là nét chữ đẹp, phóng khoáng, cao quý, qua việc ngợi khen nét chữ, tác giả gửi gắm sự kính trọng, ngưỡng mộ, nâng niu nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. trong 2 khổ thơ đầu, hình ảnh ông đồ xưa trong thời kì huy hoàng của mình được tác giả kính trọng ngưỡng mộ, qua hình ảnh ông đồ, vũ đình liên cũng thể hiện tình cảm chân quý đến những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc

Hai khổ thơ tiếp theo tác giả vẽ lên bức tranh ông đồ thời nay, một kẻ sĩ lạc lõng giữa dòng đời đã không còn phù hợp, dòng đời mà ở đó chữ nho đã trở thành một tàn tích

Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu

Ông đồ vẫn ngồi đó
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay

“năm nay đào lại nở” khung cảnh mùa xuân vẫn diễn ra nhưng con người đã thay đổi, “Người thuê viết nay đâu” đây là một câu hỏi tu từ chứa đựng băn khoăn cũng như nỗi buồn của tác giả trước sự thay đổi của con người, mùa xuân vẫn đẹp như thế, nhưng con người nay đã không còn quan tâm đến nét đẹp văn hóa xưa. Đây là câu thơ vẽ lên cảnh lụi tàn của văn hóa chữ nho xưa. “giấy đỏ buồn không thắm/ mực đọng trong nghiên sầu” trước sự hờ hững của con người, đồ vật cũng ám muội muộn phiền, hình ảnh nhân hóa khiến cho giấy đỏ, mực nghiên cũng có cảm xúc như con người, bị lãng quên, giấy đỏ cũng nhạt màu đi, mực đọng lại nơi nghiên hay đọng lại trong nỗi buồn, “nghiên sầu” nghe thật bi ai.

Hình ảnh ông đồ thời nay cũng đã thay đổi, “ông đồ vẫn ngồi đó/ qua đường không ai hay” nếu như trước đây là “bao nhiêu người thuê viết/ tấm tắc ngợi khen tài” thì nay hình ảnh ông đồ âm thầm lặng lẽ, mờ phai dần trong sự lãng quên của mọi người. Vốn dĩ nghề ông đồ là nghề của những nho gia xưa không đạt được ước mơ khoa bảng phải về bốc thuốc, dạy học, hay trải chiếu bán chữ, là việc bất đắc dĩ của một nho gia, chữ nghĩa chỉ để cho chứ ai lại bán, như huấn cao trong chữ người tử tù cả đời chỉ cho chữ 3 lần, vậy mà ở đây ông đồ phải bán chữ để kiếm sống đã đủ thấy bất hạnh của kiếp người nho sĩ. Trước đây, được mọi người đón nhận, ít ra còn kiếm sống được bằng nghề này, đến nay, nho học thất sủng, người ta không còn quan tâm đến ông đồ, đến chữ ông viết, tức là không kiếm sống được bằng chính khả năng của mình nữa, ở đây không chỉ là bất hạnh của tài năng mà còn là bất hạnh cơm áo gạo tiền. khung cảnh quanh ông đồ cũng chứa đựng nỗi buồn “lá vàng rơi trên giấy/ngoài trời mưa bụi bay” nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, cảnh vật mùa xuân cũng trở nên tàn tạ, buồn theo nỗi buồn của con người, quả là “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (nguyễn du)

Khổ thơ cuối tác giả dùng để bày tỏ nỗi lòng thương xót đối với ông đồ cũng như đối với một nét đẹp văn hóa bị mai một của dân tộc

Năm nay hoa đào nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ

Mở đầu bài thơ tác giả viết “mỗi năm hoa đào nở/ lại thấy ông đồ già” kết thúc bài thơ tác giả viết “năm nay hoa đào nở/ không thấy ông đồ xưa” kết cấu đầu cuối tương ứng của bài thơ giúp cho bài thơ chặt chẽ, có tính liên kết thành một thể thống nhất song cũng khắc sâu nỗi buồn của tác giả trước sự biến mất ngày càng rõ ràng của nét đẹp truyền thống dân tộc. cảnh thiên nhiên vẫn tươi đẹp, hoa đào vẫn nở nhưng ông đồ không còn “bày mực tàu giấy đỏ” ông đồ đã biến mất hoàn toàn trong bức tranh mùa xuân không thay đổi ấy, thời gian cảnh vật đã quên lãng đi người xưa, hay chính là nét đẹp truyền thống đã biến mất? câu hỏi tu từ “những người muôn năm cũ/ hồn ở đâu bây giờ?” là sự tiếc thương của tác giả với ông đồ với giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc

Với thể thơ ngũ ngôn gieo vần chân, lời thơ bình dị nhưng sâu lắng, cô đọng, lời thơ giống như một lời kể chuyện thuật lại nét đẹp truyền thống xưa của dân tộc, kết cấu đầu cuối tương ứng chặt chẽ, bài thơ chứa đựng đủ những yếu tố nghệ thuật đặc sắc nhất. Qua những nét nghệ thuật tiêu biểu đó, tác giả thể hiện nỗi niềm xót thương đối với ông đồ cũng như niềm tiếc nuối cho sự mất đi của một nền văn hóa dân tộc.

Phân tích bài thơ Ông đồ (mẫu 8)

Nhà thơ Vũ Đình Liên đã sáng tác bài thơ Ông đồ để bày tỏ một niềm thương cảm sâu sắc cho thân phận một lớp người tàn tạ và sự nuối tiếc một truyền thống đẹp đẽ của dân tộc.

Mở đầu bài thơ, hình ảnh ông đồ đã xuất hiện trong dòng suy tưởng, hoài niệm của tác giả:

“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua.”

Cấu trúc mỗi.. lại cho ta thấy ông đồ chính là một hình ảnh vô cùng quen thuộc với người dân Việt Nam vào mỗi dịp tết đến xuân về. Cùng với màu thắm của hoa đào, màu đỏ của giấy, màu đen nhánh của mực tàu và sự đông vui, náo nhiệt của ngày tết thì hình ảnh ông đồ đã trở nên không thể thiếu được trong bức tranh mùa xuân. Lời thơ từ tốn mà chứa bao yêu thương. Dẫu chỉ chiếm một góc nhỏ trên lề phố nhưng trong bức tranh thơ thì ông đồ lại chính là trung tâm, ông đã hòa hết mình vào cái không khí nhộn nhịp của ngày tết với những tài năng mình có:

“Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
"Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay”."

Từ bao nhiêu cho người đọc thấy được nghề cho chữ đã từng được mọi người rất yêu mến. Sự có mặt của ông đồ đã thu hút sự chú ý của mọi người, ông chính là trung tâm của sự kính nể và ngưỡng mộ. Hạnh phúc không chỉ là có nhiều người thuê viết mà còn được tấm tắc ngợi khen tài – Bởi ông có tài viết chữ rất đẹp. Ba phụ âm 't' cùng xuất hiện trong một câu như một tràng pháo tay giòn giã để ca ngợi cái tài năng của ông. Giữa vòng người đón đợi ấy ông hiện lên như một người nghệ sĩ đang say mê, sáng tạo, trổ hết tài năng tâm huyết của mình để rồi ông được người đời rất ngưỡng mộ. Với sự ngưỡng mộ đó thì Vũ Đình Liên còn thể hiện một lòng tự hào về truyền thống tốt đẹp của dân tộc là chơi câu đối chữ. Nhưng liệu có bao nhiêu người thuê viết hiểu được ý nghĩ sâu xa của từng câu, từng chữ để mà chia sẻ cái niềm vui, niềm hạnh phúc với người viết ra những câu chữ ấy?. Ở khổ thơ thứ ba vẫn nổi bật hình ảnh ông đồ với mực tàu giấy đỏ, nhưng mọi thứ đã khác xưa. Không còn đâu bao nhiêu người thuê viết- Tấm tắc ngợi khen tài mà thay vào đó là cảnh tượng vắng vẻ đến thê lương. Với cảm xúc buồn thương thấp thoáng ở hai câu thơ trên, giờ đây cái cảm xúc đó được thể hiện trong câu hỏi đầy băn khoăn day dứt:

“Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?”

Cũng là mỗi năm nhưng lại đứng sau từ nhưng - còn chữ thường làm đảo lộn trật tự quen thuộc. Số người còn chút mến yêu và kính trọng chữ nho giờ cũng mỗi năm mỗi vắng, khách quen cũng tan tác mỗi người một ngả. Để rồi một chút hy vọng nhỏ nhoi của Ông đồ là góp chút tài nghệ cùng mọi người vào mỗi dịp tết đến xuân về cũng dần tan biến bởi cuộc sống mưu sinh cũng ngày càng khó khăn. Bằng câu hỏi tu từ hết sức độc đáo, Vũ Đình Liên đã thể hiện một nỗi nuối tiếc của một thời kì vàng son để rồi đọng lại thành nỗi sầu, nỗi tủi thấm sang cả những vật vô tri vô giác:

“Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu…”

Giấy đỏ là thứ giấy dùng để ông đồ viết chữ lên, đó là một thứ giấy rất mỏng manh chỉ cần một chút ẩm ướt cũng có thể phai màu. Vậy mà “Giấy đỏ buồn không thắm” - không thắm bởi lâu nay không được dùng đến nên phôi pha úa tàn theo năm tháng. Mực cũng vậy - đó là thứ mực đen thẫm để ông đồ viết chữ, trước khi dùng thì ta phải mài mực rồi dùng bút lông họa lên những nét chữ. Nhưng nay “Mực đọng trong nghiên sầu” nghĩa là mực đã được mãi từ lâu, đã sẵn sàng cho bàn tay tài hoa của ông đồ để trổ tài nhưng đã đợi chờ trong vô vọng. Các từ buồn, sầu như thổi hồn vào sự vật cùng với phép nhân hóa đã khiến cho giấy đỏ, mực tàu vốn vo tri bỗng trở nên có hồn có suy nghĩ như con người. Nỗi buồn đó không chỉ thấm vào những đồ dùng mưu sinh hằng ngày mà cảm xúc đó của ông còn lan ra khung cảnh thiên nhiên, cảnh vật khiến không gian trở nên thật đìu hiu, xót xa:

“Ông đồ vẫn ngồi đó
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài giời mưa bụi bay.”

Tuy nghề viết chữ không được người đời yêu mến và kính trọng nữa nhưng ông đã kiên trì, cố gắng ngồi bên lề đường chờ mong sự cưu mang giúp đỡ của người đời. Nhưng đâu có một ánh mắt nào để ý đến ông bên lề phố, không một trái tim nào đồng cảm và chia sẻ với ông. Bằng biện pháp tả cảnh ngụ tình nhà thơ Vũ Đình Liên đã cho ta thấy một khung cảnh thiên nhiên thật xót xa, đìu hiu trước tâm trạng của ông đồ:

“Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài giời mưa bụi bay.”

Nhưng thật băn khoăn tại sao giờ đang là mùa xuân lại có lá vàng rơi? Phải chăng hình ảnh lá vàng rơi gợi đến sự tàn phai, tàn lụi về một thời kỳ, một lớp người trong xã hội và một phong tục tập quán đẹp đẽ của dân tộc Việt Nam là chơi câu đối đỏ ngày tết giờ cũng trở thành quá khứ. Hình ảnh ông đồ cũng giống như hình ảnh lá vàng rơi, đã gắng níu kéo cuộc đời thầm lặng của mình nhưng so với thời đại mới thì chỉ còn là chiếc lá úa tàn đang rơi rụng. Nỗi buồn ấy âm thầm, tê tái nó đã khiến cơn mưa xuân vốn sức sống bền bỉ cũng trở nên đìu hiu xót xa. Giời - đó phải chăng là cách nói dân gian của những người tưởng như đã xa xưa lắm nhưng vẫn luôn hiện hữu. Câu thơ gợi ra tâm trạng buồn thảm của ông đồ trước cơn mưa bụi nhạt nhòa. Dẫu chỉ là mưa bay, mưa bụi nhưng nó cũng đủ sức xóa sạch đi dấu vết của một lớp người. Tuy đã không còn được người đời yêu mến, trọng vọng nữa nhưng đối với nhà thơ thì hình ảnh này vẫn luôn khắc sâu trong trái tim:

“Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa."

Mở đầu bài thơ Ông đồ là hình ảnh rất nhẹ và kết thúc cũng với hình ảnh rất khẽ khàng. Năm xưa khi đào nở ta thấy ông đồ ngồi bên lề đường và hòa mình vào sự đông vui náo nhiệt của phố phường. Nhưng nay cùng thời điểm đó thì ông đã không còn nữa, hình ảnh xưa cũ cũng dần tan biến vào dòng thời gian. Tết đến xuân về, hoa đào lại nở, người người thì háo hức đi chợ sắm tết để chờ mong một năm đầy niềm vui và hy vọng. Tất cả đều rạo rực, tưng bừng. Cảnh còn đó nhưng người thì đâu? Giờ đây hình ảnh ông đồ chỉ còn là cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn, ông đã bị người đời quên lãng, bỏ rơi ngoài một thi sĩ Vũ Đình Liên. Dòng đời cứ trôi dần và trôi đi cả cuộc sống thanh bình đẹp đẽ, giờ chỉ còn là một nỗi trống trải, bâng khuâng để rồi nhà thơ cũng phải bật thành câu hỏi đầy cảm xúc:

“Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?”

Hai câu thơ cuối tác giả đã trực tiếp bộc lộ cảm xúc dâng trào, kết đọng mang chiều sâu khái quát. Từ hình ảnh ông đồ nhà thơ liên tưởng đến hình ảnh những người muôn năm cũ và thi sĩ hỏi một cách xót xa: Hỏi mây hỏi trời, hỏi cuộc sống hỏi một thời đại, hỏi mà để cảm thông cho thân phận của những người muôn năm cũ đã bị thời thế khước từ. Câu hỏi tu từ đặt ra như một lời tự vấn, tiềm ẩn sự ngậm ngùi, xót thương. Và tất cả những gì của một thời hoàng kim giờ cũng chỉ còn một màu sắc nhạt phai, tê tái. Với cách sử dụng thành công biện pháp tu từ, nhà thơ Vũ Đình Liên đã tái hiện lên hình ảnh ông đồ với cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn khiến chúng ta lại càng cảm thương, xót xa cho số phận của ông.

Chỉ với bài thơ Ông đồ ngụ ngôn ngắn gọn, tác giả đã làm sống dậy trong lòng người một niềm thương của sự luyến tiếc không nguôi. Đọc bài thơ ta cảm nhận được ở Vũ Đình Liên - một con người có lòng thương người, lòng nhân ái, sự cảm thông sâu sắc và luôn ân nghĩa thủy chung.

Phân tích bài thơ Ông đồ (mẫu 9)

Trước kia trên bàn thờ tổ tiên, bên cạnh cặp bánh chưng, mâm ngũ quả là đôi câu đối tết. Chính vì vậy mà những ông đồ già trên vỉa hè phố xá rất đông khách thuê viết chữ và hình ảnh đầu đội khăn xếp mặc áo the đã khắc sâu vào tâm trí của người dân Việt Nam, nhà thơ Vũ Đình Liên là một trong số đó. Để rồi tác giả viết lên bài thơ Ông đồ với 1 niềm thương cảm sâu sắc cho thân phận 1 lớp người tàn tạ và sự nuối tiếc 1 truyền thống đẹp đẽ của dân tộc.

Mở đầu bài thơ Ông đồ hình ảnh đã xuất hiện trong dòng suy tưởng, hoài niệm của tác giả:

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ|
Bên phố đông người qua

Cấu trúc mỗi.. lại cho ta thấy ông đồ chính là 1 hình ảnh vô cùng quen thuộc với người dân Việt Nam vào mỗi dịp tết đến xuân về. Cùng với màu thắm của hoa đào, màu đỏ của giấy, màu đen nhánh của mực tàu và sự đông vui, náo nhiệt của ngày tết thì hình ảnh ông đồ đã trở nên không thể thiếu được trong bức tranh mùa xuân. Lời thơ từ tốn mà chứa bao yêu thương. Dẫu chỉ chiếm 1 góc nhỏ trên lề phố nhưng trong bức tranh thơ thì ông đồ lại chính là trung tâm, ông đã hòa hết mình vào cái không khí nhộn nhịp của ngày tết với những tài năng mình có:

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay

Từ bao nhiêu cho người đọc thấy được nghề cho chữ đã từng được mọi người rất yêu mến. Sự có mặt của ông đồ đã thu hút sự chú ý của mọi người, ông chính là trung tâm của sự kính nể và ngưỡng mộ. Hạnh phúc không chỉ là có nhiều người thuê viết mà còn được tấm tắc ngợi khen tài – Bởi ông có tài viết chữ rất đẹp. Ba phụ âm 't' cùng xuất hiện trong 1 câu như 1 tràng pháo tay giòn giã để ca ngợi cái tài năng của ông. Giữa vòng người đón đợi ấy ông hiện lên như 1 người nghệ sĩ đang say mê, sáng tạo, trổ hết tài năng tâm huyết của mình để rồi ông được người đời rất ngưỡng mộ. Với sự ngưỡng mộ đó thì Vũ Đình Liên còn thể hiện 1 lòng tự hào về truyền thống tốt đẹp của dân tộc là chơi câu đối chữ. Nhưng liệu có bao nhiêu người thuê viết hiểu được ý nghĩ sâu xa của từng câu, từng chữ để mà chia sẻ cái niềm vui, niềm hạnh phúc với người viết ra những câu chữ ấy?. Ở khổ thơ thứ 3 vẫn nổi bật hình ảnh ông đồ với mực tàu giấy đỏ, nhưng mọi thứ đã khác xưa. Không còn đâu bao nhiêu người thuê viết- Tấm tắc ngợi khen tài mà thay vào đó là cảnh tượng vắng vẻ đến thê lương. Với cảm xúc buồn thương thấp thoáng ở 2 câu thơ trên, giờ đây cái cảm xúc đó được thể hiện trong câu hỏi đầy băn khoăn day dứt:

Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?

Cũng là mỗi năm nhưng lại đứng sau từ nhưng - còn chữ thường làm đảo lộn trật tự quen thuộc. Số người còn chút mến yêu và kính trọng chữ nho giờ cũng mỗi năm mỗi vắng, khách quen cũng tan tác mỗi người một ngả. Để rồi 1 chút hy vọng nhỏ nhoi của Ông đồ là góp chút tài nghệ cùng mọi người vào mỗi dịp tết đến xuân về cũng dần tan biến bởi cuộc sống mưu sinh cũng ngày càng khó khăn. Bằng câu hỏi tu từ hết sức độc đáo, Vũ Đình Liên đã thể hiện 1 nỗi nuối tiếc của 1 thời kì vàng son để rồi đọng lại thành nỗi sầu, nỗi tủi thấm sang cả những vật vô tri vô giác:

Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu

Giấy đỏ là thứ giấy dùng để ông đồ viết chữ lên, đó là 1 thứ giấy rất mỏng manh chỉ cần 1 chút ẩm ướt cũng có thể phai màu. Vậy mà “Giấy đỏ buồn không thắm” - không thắm bởi lâu nay không được dùng đến nên phôi pha úa tàn theo năm tháng. Mực cũng vậy - đó là thứ mực đen thẫm để ông đồ viết chữ, trước khi dùng thì ta phải mài mực rồi dùng bút lông họa lên những nét chữ. Nhưng nay “Mực đọng trong nghiên sầu” nghĩa là mực đã được mãi từ lâu, đã sẵn sàng cho bàn tay tài hoa của ông đồ để trổ tài nhưng đã đợi chờ trong vô vọng. Các từ buồn, sầu như thổi hồn vào sự vật cùng với phép nhân hóa đã khiến cho giấy đỏ, mực tàu vốn vo tri bỗng trở nên có hồn có suy nghĩ như con người. Nỗi buồn đó không chỉ thấm vào những đồ dùng mưu sinh hằng ngày mà cảm xúc đó của ông còn lan ra khung cảnh thiên nhiên, cảnh vật khiến không gian trở nên thật đìu hiu, xót xa:

Ông đồ vẫn ngồi đó
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài giời mưa bụi bay

Tuy nghề viết chữ không được người đời yêu mến và kính trọng nữa nhưng ông đã kiên trì, cố gắng ngồi bên lề đường chờ mong sự cưu mang giúp đỡ của người đời. Nhưng đâu có 1 ánh mắt nào để ý đến ông bên lề phố, không một trái tim nào đồng cảm và chia sẻ với ông. Bằng biện pháp tả cảnh ngụ tình nhà thơ Vũ Đình Liên đã cho ta thấy 1 khung cảnh thiên nhiên thật xót xa, đìu hiu trước tâm trạng của ông đồ:

Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài giời mưa bụi bay

Nhưng thật băn khoăn tại sao giờ đang là mùa xuân lại có lá vàng rơi? Phải chăng hình ảnh lá vàng rơi gợi đến sự tàn phai, tàn lụi về 1 thời kỳ, 1 lớp người trong xã hội và 1 phong tục tập quán đẹp đẽ của dân tộc Việt Nam là chơi câu đối đỏ ngày tết giờ cũng trở thành quá khứ. Hình ảnh ông đồ cũng giống như hình ảnh lá vàng rơi, đã gắng níu kéo cuộc đời thầm lặng của mình nhưng so với thời đại mới thì chỉ còn là chiếc lá úa tàn đang rơi rụng. Nỗi buồn ấy âm thầm, tê tái nó đã khiến cơn mưa xuân vốn sức sống bền bỉ cũng trở nên đìu hiu xót xa

Ngoài giời mưa bụi bay

Giời - đó phải chăng là cách nói dân gian của những người tưởng như đã xa xưa lắm nhưng vẫn luôn hiện hữu. Câu thơ gợi ra tâm trạng buồn thảm của ông đồ trước cơn mưa bụi nhạt nhòa. Dẫu chỉ là mưa bay, mưa bụi nhưng nó cũng đủ sức xóa sạch đi dấu vết của 1 lớp người. Tuy đã không còn được người đời yêu mến, trọng vọng nữa nhưng đối với nhà thơ thì hình ảnh này vẫn luôn khắc sâu trong trái tim:

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa

Mở đầu bài thơ Ông đồ là hình ảnh rất nhẹ và kết thúc cũng với hình ảnh rất khẽ khàng. Năm xưa khi đào nở ta thấy ông đồ ngồi bên lề đường và hòa mình vào sự đông vui náo nhiệt của phố phường. Nhưng nay cùng thời điểm đó thì ông đã không còn nữa, hình ảnh xưa cũ cũng dần tan biến vào dòng thời gian. Tết đến xuân về, hoa đào lại nở, người người thì háo hức đi chợ sắm tết để chờ mong 1 năm đầy niềm vui và hy vọng. Tất cả đều rạo rực, tưng bừng. Cảnh còn đó nhưng người thì đâu? Giờ đây hình ảnh ông đồ chỉ còn là cái di tích tiều tụy đáng thương của 1 thời tàn, ông đã bị người đời quên lãng, bỏ rơi ngoài 1 thi sĩ Vũ Đình Liên. Dòng đời cứ trôi dần và trôi đi cả cuộc sống thanh bình đẹp đẽ, giờ chỉ còn là 1 nỗi trống trải, bâng khuâng để rồi nhà thơ cũng phải bật thành câu hỏi đầy cảm xúc:

Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

Hai câu thơ cuối tác giả đã trực tiếp bộc lộ cảm xúc dâng trào, kết đọng mang chiều sâu khái quát. Từ hình ảnh ông đồ nhà thơ liên tưởng đến hình ảnh những người muôn năm cũ và thi sĩ hỏi 1 cách xót xa: Hỏi mây hỏi trời, hỏi cuộc sống hỏi 1 thời đại, hỏi mà để cảm thông cho thân phận của những người muôn năm cũ đã bị thời thế khước từ. Câu hỏi tu từ đặt ra như 1 lời tự vấn, tiềm ẩn sự ngậm ngùi, xót thương. Và tất cả những gì của 1 thời hoàng kim giờ cũng chỉ còn 1 màu sắc nhạt phai, tê tái. Với cách sử dụng thành công biện pháp tu từ, nhà thơ Vũ Đình Liên đã tái hiện lên hình ảnh ông đồ với cái di tích tiều tụy đáng thương của 1 thời tàn khiến chúng ta lại càng cảm thương, xót xa cho số phận của ông.

Chỉ với bài thơ Ông đồ ngụ ngôn ngắn gọn, tác giả đã làm sống dậy trong lòng người 1 niềm thương của sự luyến tiếc không nguôi. Đọc bài thơ ta cảm nhận được ở Vũ Đình Liên - một con người có lòng thương người, lòng nhân ái, sự cảm thông sâu sắc và luôn ân nghĩa thủy chung.

Phân tích bài thơ Ông đồ (mẫu 10)

Mỗi người đều có một quê hương và một cảm thức khác nhau về quê hương. Trong dòng chảy miên viễn của thời gian. Vũ Đình Liên khắc khoải với nỗi lo về sự tàn phai mai một của bản sắc văn hóa. Và với “Ông đồ”, nhà thơ đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh con người hiện đại về ý thức giữ gìn bản sắc dân tộc, về những vẻ đẹp, giá trị của một thời vang bóng, để ta cần một phút lắng lại lòng mình mà suy nghĩ về quê hương, về nguồn cội, về trách nhiệm của chính mình.

Bài thơ ra đời khi ông đồ đã trở thành cái di tích của một thời tàn. Nho học đã bị thất sủng, người ta đua nhau chạy theo thời đại với chữ Pháp chữ Tây.

Hai đoạn đầu bài thơ, tác giả giới thiệu những ngày huy hoàng của ông đồ:

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay.

Đó là khi mà chữ Nho được trọng vọng. Những nét chữ Nho đẹp, vuông vắn, tươi tắn, mang chứa trong nó những giá trị sâu rễ bền gốc của một thời kì văn hóa, và ông Đồ bằng tài hoa của mình được ngợi khen. Với một người nghệ sĩ còn gì chân quý hơn tấm lòng mến mộ của khách tứ phương. Nhưng thời thế đổi thay,bởi chẳng có gì là vĩnh viễn. Và trong dòng chảy ấy của thời gian, rất dễ cuốn đi những chân giá trị. Trong dòng chảy ấy, ông đồ cũng không nằm ngoài số phận:

Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu...
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài giời mưa bụi bay.

Ông đồ rơi vào tình cảnh một nghệ sĩ hết công chúng, một cô gái hết nhan sắc. Còn duyên kẻ đón người đưa, Hết duyên đi sớm về trưa một mình. Ông đồ vẫn ngồi đấy mà không ai hay. Ông Đồ giữa dòng đời vội vã của những con người hiện đại chỉ như một ốc đảo trơ trọi, cô đơn lạnh giá. Cái hiện thực ngoài đời là thế và chỉ có thế, nó là sự ế hàng. Nhưng ở thơ, cùng với cái hiện thực ấy còn là nỗi lòng tác giả nên giấy đỏ như nhạt đi và nghiên mực hóa sầu tủi. biện pháp nhân hóa được sử dụng rất đắt đã khiến những vật dụng vô tri như mang nặng một linh hồn, như càng thêm ám ảnh trong tâm trí người đọc. Hay nhất là cộng hưởng vào nỗi sầu thảm này là cảnh mưa phùn gió bấc. Là mưa của đất trời giăng giăng hay là nỗi giá rét và buốt lặng trong tâm hồn con người. Không biết nữa, chỉ biết rằng có một di tích tiều tụy đáng thương ngồi đấy, trong dáng ngồi bất động, giữa làn mưa bụi bay. Mùa xuân lại có lá vàng, quả là một sự đối nghịch, nhưng cái nghịch lí để lí giải sự có lí của tình cảm. Bởi giờ đây, ông đồ chỉ còn là cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn, bởi vậy mà

“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?”

Người xưa có câu “thi trung hữu họa”, và ở đây với bài thơ này quả là xác đáng.Văn tả thật ít lời mà cảnh hiện ra như vẽ, không chỉ bóng dáng ông đồ mà cả cái tiêu điều của xã hội qua mắt của ông đồ. Tác giả đã có những chi tiết thật đắt: nơi ông đồ là bút mực, nơi trời đất là gió mưa, nơi xã hội là sự thờ ơ không ai hay. Thể thơ năm chữ vốn có sức biểu hiện những chuyện dâu bể, hoài niệm, đã tỏ ra rất đắc địa, nhịp điệu khơi gợi một nỗi buồn nhẹ mà thấm. Màn mưa bụi khép lại đoạn thơ thật ảm đạm, lạnh, buồn, vắng. để rồi một thoáng bâng khuâng, ta cũng phải cúi đầu soi lại mình trong câu hỏi đầy da diết và nao lòng của người nghệ sĩ:

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

Ông đồ đã bị hất tung ra khỏi ngoài rìa xã hội, một mình bôm bút nghiên giấy mực lặng lẽ về với mảnh đất của mình. Ông đã cố bám lấy xã hội hiện đại, lũ người hiện đại chúng ta đã nhìn thấy sự cố sức của ông, đã thấy ông chới với, nhưng chúng ta đã không làm gì, để đến bây giờ quay nhìn lại, mới biết ông đã bị buông rơi tự bao giờ. Bóng dáng ông đâu phải bóng dáng của một người, của một nghề, mà là dáng của cả một thời đại, bóng dáng kí ức của chính tâm hồn chúng ta. Đến bây giờ chúng ta mới thấy luyến tiếc, nhưng quá muộn rồi. Hỏi trời, hỏi đất, hỏi người, hỏi cả một xã hội. rằng thế hệ chúng ta đã làm gì với một nét đẹp văn hóa của dân tộc, đã cuốn phăng đi có lẽ nào là cả chính mình trong xã hội nhỡn tiền. Hôm nay ngoảnh đầu nhìn lại, thảng thốt bỗng nhớ cái gọi là “ngày xưa”. Hỏi hay khấn khứa tưởng niệm, hay ân hận sám hối. đó đâu chỉ là câu hỏi, mà là lời day dứt, là tiếng nấc nghẹn của nhà thơ khi chứng kiến cảnh tượng ấy của văn hóa dân tộc. Hai câu thơ hàm súc nhất của bài, chúng ta đọc ở đấy số phận của ông đồ và nhất là đọc được thái độ, tình cảm của cả một lớp người đối với những gì thuộc về dân tộc, về ngữ pháp câu thơ này rất lạ, nhưng không ai thấy cộm: Những người muôn năm cũ. Muôn năm, thật ra chỉ là vài ba năm, nhưng nói muôn năm mới đúng, thời ông đồ đã xa lắc rồi, đã lẫn vào với những bút, những nghiên rất xa trong lịch sử. Chữ muôn năm cũ của câu trên dội xuống chữ bây giờ của câu dưới càng gợi bâng khuâng luyến nhớ.

Bằng một nỗi niềm rất riêng, một lòng yêu văn hóa xứ sở. Vũ Đình Liên đã gọi dậy trong tâm thức bạn đọc một nét đẹp văn hóa của một thời vang bóng. Để một thoáng nhìn lại mình, ta tự vấn lòng, ta đã làm chi cuộc đời ta, ta đã làm gì với sự ơ hờ, vô tâm. Ta vô tư tung thả mình, ta hồn nhiên góp phần chạy đua, đánh mất bản sắc dân tộc để đến với những thú vui thời thượng, trong khi đó mới chính là những chân giá trị vĩnh hằng cho nguồn cội mỗi cá nhân.

Phân tích bài thơ Ông Đồ - mẫu 9

Theo dòng thời gian bất tận, mọi thứ sẽ lùi vào dĩ vãng mịt mờ, để lại cho con người bao niềm tiếc nuối. Nhất là khi những vẻ đẹp tài hoa một thời nay chỉ còn vang bóng. Bắt nguồn từ cảm hứng ấy, bài thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên thể hiện nỗi day dứt, thương cảm cho một giá trị tinh thần sắp tàn lụi đã gây ám ảnh cho biết bao thế hệ bạn đọc.

Ra đời trong phong trào thơ Mới nhưng bài thơ “Ông đồ” không xoay quang trục cảm xúc thông thường của các nhà thơ lãng mạn khi “thoát lên tiên” để tìm cái tôi riêng mình, để đắm đuối trong tình yêu và bàn đèn, thuốc phiện. Vũ Đình Liên hướng lòng mình về quá khứ để nhận ra “cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn”. Sự trượt dốc của Nho học kéo theo một lớp người nạn nhân đau khổ. Và ông đồ là một nhân chứng.

Ông đồ là lớp nhà Nho không đỗ đạt, mở lớp dạy học ở quê nhà. Khi chế độ khoa cử bị bãi bỏ, ông chỉ còn xuất hiện vào những ngày giáp tết với những câu đối, cho những ai còn yêu lối chữ tượng hình. Thời gian trôi, sự vật đỏi thay, ông đồ cũng vắng bóng dần…

Mở đầu bài thơ là hình ảnh ông đồ trong những mùa xuân đông khách:

“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua”

Ông đồ xuất hiện vào mỗi dịp tết đến xuân về. Cụm từ “mỗi năm ... lại thấy” thể hiện sự xuất hiện của ông đồ gắn liền với hình ảnh hoa đào đã trở thành một quy luật bất biến của tự nhiên. Ông đồ xuất hiện trong không khí vui tươi, tấp nập của phố phường, trong sự rực rỡ của hoa đào. Ông góp thêm vào sự đông vui náo nhiệt, trở thành trung tâm của bức tranh ngày tết: “bao nhiêu người thuê viết”. Điều đó có nghĩa là ông rất đắt hàng và có dịp để khoe tài. Nghệ thuật so sánh “hoa tay thảo những nét- như phượng múa rồng bay” đã ca ngợi nét chữ ông đồ: mềm mại, uyển chuyển, phóng khoáng, sang trọng. Vì thế mà mọi người tấm tắc ngợi khen ông. Ông được trân trọng, yêu quý và ngưỡng mộ. Cùng với mực tàu, giấy đỏ, thú chơi câu đố đã tạo nên một nét rất riêng, rất cổ kính trong văn hóa dân tộc. Qua đó, có thể thấy sự trân trọng, tự hào và yêu kính của tác giả dành cho ông đồ- người đã giữ gìn văn hóa thanh cao lâu đời cho dân tộc. Nhưng ẩn đằng sau những câu thơ vui, đã có dấu hiệu của sự héo tàn. Nơi của ông đồ không phải là cửa thánh hiền dạy chữ cho bọn trẻ, chữ Nho không phải đẻ tặng, để biếu mà trở thành hàng hóa, ông đồ xuất hiện bên lề đường, chật vật trong công cuộc mưu sinh với đời. Hình ảnh của ông đồ trong hai khổ thơ đầu như ánh nắng cuối ngày rực rỡ trước khi lụi tàn, báo hiệu sự lụi tàn của nền Nho học.

Những câu thơ tiếp theo là hình ảnh ông đồ trong những mùa xuân vắng khách:

“Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?”

Mỗi năm mỗi vắng là nhịp thời gian khắc khoải đau lòng, đánh dấu lớp suy tàn quanh việc mua bán của ông đồ. Tác giả đã đặt cái sinh sôi: “hoa đào nở” bên cái lụi tàn “ông đồ già”, đặt hoa tay thư pháp “như phượng múa rồng bay” bên cái bất hạnh: “Người thuê viết nay đâu?”, đặt cái cô độc: “ông đồ vẫn ngồi đấy” bên cái tấp nập dửng dưng “qua đường không ai hay”. Không miêu tả tâm trạng ông đồ, chỉ miêu tả giấy mực mà qua đó thấy được cả tâm trạng và cảnh ngộ đáng thương của ông đồ:

“Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu”

Với bút pháp nhân hóa, bút nghiên, giấy mực cũng thấm đẫm nỗi buồn sầu tủi trước cảnh vắng khách của ông đồ. Giấy đỏ cả ngày, cả tuần phơi trên hè phố mà chẳng một lần được nhận lấy nét chữ tung hoành nên cũng phai nhạt dần đi, không còn thắm tươi như trước. Mực mài sẵn đã lâu không được động bút vào nên kết thành từng mảng, từng khối trong nghiên. Giấy và mực là duyên nợ của nhà Nho, là một mảnh tâm hồn của nhà Nho. Cách nhân hóa ấy khiến cho giấy, mực như có tâm hồn, thấu hiểu nỗi lòng chủ. Hay chính nỗi lòng tê tái của ông đồ đã tràn sang cả giấy mực? Hai câu thơ chỉ nói “mực đọng”, “nghiên sầu” mà giúp ta thấy được cả nỗi lòng buồn thương của con người trước sự vô thường của thời gian và con người.

“Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay”

Từ “vẫn” như một chút sinh lực cuối cùng ông đồ mang ra góp mặt với đời. Bằng sự gắng gượng trong miếng cơm manh áo, ông vẫn ngồi đấy. Lúc này, phố vẫn đông người, chỉ khác là không ai nhận ra sự hiện diện của ông giữa cuộc đời. Ông đồ rơi vào tình cảnh một nghệ sĩ hết công chúng, một cô gái hết nhan sắc:

“Còn duyên kẻ đón người đưa
Hết duyên đi sớm về trưa một mình”

Nghệ thuật đối lập tài tình: một bên là sự đơn chiếc lẻ loi, một bên là cuộc sống xô bồ hiện đại; một bên là cái dáng ngồi bó gối bất động, một bên là không khí tưng bừng náo nhiệt khi tết đến xuân về; một bên là thái độ cố gắng níu kéo, một bên là sự thờ ơ lãng quên. Chữ Nho, bút nghiên, giấy mực đều trở nên cũ kỹ, lạc lõng giữa phố phường hiện đại. Ông đồ trở thành một di tích, một phế tích không hợp thời, lạc lõng, chơ vơ giữa thời đại ông đang sống.

Nơi ông đồ ngồi là “lá vàng mưa bụi”. Những chiếc lá vàng phủ kín trang giấy, nhạt nhòa vì thời gian, vì ế ẩm. Làn mưa bụi mịt mờ đất trời, lã chã rơi trên áo the, khăn xếp, trên nét mặt già nua mỏi mệt của ông đồ. Một khung cảnh buồn bã. Con người như bị nhòe lẫn trong cái tái tê của cảnh. Đây chính là hai câu thơ tả cảnh ngụ tình đặc sắc nhất trong bài. “Lá vàng, mưa bụi” hay chính là tâm trạng của ông đồ? Những chiếc là vàng chen ngang khung cảnh mùa xuân tràn đầy sức sống, phải chăng là một điều không hợp lí? Hình ảnh lá vàng trở về với đất mẹ hay chính là hình ảnh héo tàn, rơi rụng của ông đồ trước một xã hội mới đang sinh sôi. Hạt mưa bụi kia là mưa của đất trời hay mưa của lòng người, của thời gian, của quên lãng? Thời thế, con người đều lạnh lùng từ chối ông đồ già, từ chối những giá trị được coi là xưa cũ. Lá rơi không nghe tiếng, mưa bụi chẳng làm ướt ai nhưng người đọc hơn nửa thế kỉ qua vẫn còn nhỏ lệ trước tình cảnh đáng thương của ông đồ...

Những câu thơ kết lại là sự vắng bóng của ông đồ và niềm thương cảm của tác giả:

“Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?”

Thời gian cứ lặng lẽ trôi. Hoa đào kia vẫn nở, mùa xuân vẫn đến nhưng không còn thấy bóng dáng ông đồ đâu nữa. “Ông đồ già đã trở thành “ông đồ xưa”, trở thành người thiên cổ, chỉ còn là cái bóng mờ mờ trong tâm trí của những người hiện đại. Bóng dáng ông lẫn vào những nghiên, những bút rất xa xưa trong lịch sử. Câu hỏi “những người muôn năm cũ” là những người một thời rất trọng chữ Nho hay những người như ông đò- người xưa, người cũ đã ra đi viễn viễn không bao giờ còn thấy nữa. Câu thơ hiện lên một nỗi niềm day dứt ngậm ngùi. Ta đã lãng quên quá khứ, quên những con người tài năng, tâm huyết với đời, quên những nét đẹp truyền thống dân tộc. Câu thơ như lời tự vấn, ân hận và niềm thương cảm của tác giả dành cho những nhà Nho danh giá một thời.

Bài thơ khép lại thành kính như một nén tâm hương, thắp lên tưởng niệm những người đã khuất, lại có khả năng đồng cảm với bao thế hệ sau.

Như vậy, với thể thơ ngũ ngôn ngắn gọn, xúc tích, giàu tình tự sự kết hợp với nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, Vũ Đình Liên đã vẽ lên cả một cuộc đời buồn đau, đáng thương của ông đồ thời thất thế. Cảnh không nhiều mà đầy sức ám ảnh. Nếu nói rằng sức mạnh của câu thơ ở chỗ không lời thì “Ông đồ” đã phát huy tối đa sức mạnh ấy. Một ngày, người ta chỉ nhớ đến ông đồ trong quá khứ, là một thời vàng son một đi không trở lại:

“Một thầy khóa gò lưng trên tấm phản
Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân”
(“Chợ tết”- Đoàn Văn Cừ)

Dòng thời gian chảy vào biến thiên bất tận, mỗi con người chỉ là hữu hạn trong cuộc đời. Bởi thế, đối với những người chưa từng thấy ông đồ, bài thơ của Vũ Đình Liên vẫn thắp lên một nén tâm hương, là lời nhắc nhủ thấm thía. Để rồi một lúc nào đó lại dội về tiếng đưa nôi kẽo kẹt:

“Chẳng ham ruộng cả ao liền
Chỉ ham cái bút, cái nghiên anh đồ”...

Phân tích bài thơ Ông Đồ - mẫu 10

Trong những ngày Tết đến xuân về náo nức trên mọi nẻo đường, người yêu thơ lại khẽ lắng mình trong một nhịp thơ giản dị đầy nhân văn của nhà thơ Vũ Đình Liên: bài thơ "Ông đồ".

Bài thơ ra đời khi ông đồ đã trở thành cái di tích của một thời tàn. Nho học đã bị thất sủng, người ta đua nhau chạy theo thời đại với chữ Pháp chữ Tây.

Hai đoạn đầu bài thơ, tác giả giới thiệu những ngày huy hoàng của ông đồ:

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay.

Những lời khen thật hào phóng, nhưng nghĩ kĩ đó chỉ là lời khen của những người ngoài giới bút nghiên. Đi viết câu đối thuê, bản thân việc ấy đã là nỗi lận đận, là bước thất thế của người theo nghiệp khoa bảng. Đỗ các thành quan nghè, quan thám, đỗ thấp thì cũng ông cử, ông tú, chứ ông đó là chưa đỗ đạt gì, công chưa thành, danh chưa toại, đành về quê dạy học, bốc thuốc, hay xem lí số ở nơi đô hội như có lần Tản Đà đã làm. Ngày tết, mài mực bán chữ ngoài vỉa hè chắc cũng là việc bất đắc dĩ của nho gia. Chữ thì cho chứ ai lại bán. Bán chữ là cái cực của kẻ sĩ ở mọi thời. Bà con yêu quý và cũng thán phục cái thú chữ mà bà con không biết, hay chỉ võ vẽ, nên mới khen lao đến vậy. Lời khen này không mang lại vinh quang cho ông đồ, có thể ông còn tủi nữa, nhưng nó an ủi ông nhiều, nó là cái tình của người đời vào hồi vận mạt của ông. Tác giả giới thiệu: cùng với hoa đào, mỗi năm mới có một lần chứ nhiều nhặn gì đâu, giấy đỏ mực tàu, chữ nghĩa thánh hiền bày trên hè phố. Đừng nghĩ đến chuyện khoa bảng, hãy nghĩ trên cương vị người bán, thì đây là hai đoạn thơ vui vì nó nói được sự đắt hàng, ông đồ còn sống được, có thể tồn tại trong cái xã hội đang biến động này. Nhưng cuộc đời đã không như thế mãi, cái ý thích của người ta cũng thay đổi theo thời cuộc. Lớp người mới lớn không có liên hệ gì để mà quyến luyến cái thứ chữ tượng hình kia. Cái tài viết chân, thảo, triện, lệ của ông đồ chữ tốt kia, họ không cần biết đến:

Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu...
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài giời mưa bụi bay

Ông đồ rơi vào tình cảnh một nghệ sĩ hết công chúng, một cô gái hết nhan sắc. Còn duyên kể đón người đưa, Hết duyên đi sớm về trưa một mình. Ông đồ vẫn ngồi đấy mà không ai hay. Cái hiện thực ngoài đời là thế và chỉ có thế, nó là sự ế hàng. Nhưng ở thơ, cùng với cái hiện thực ấy còn là nỗi lòng tác giả nên giấy đỏ như nhạt đi và nghiên mực hóa sầu tủi, Hay nhất là cộng hưởng vào nỗi sầu thảm này là cảnh mưa phùn gió bấc. Hiện thực trong thơ là hiện thực của nỗi lòng, nỗi lòng đang vui như những năm ông đồ "đắt khách" nào có thấy gió mưa. Gió thổi lá bay, lá vàng cuối mùa rơi trên mặt giấy, nó rơi và nằm tại đấy vì mặt giấy chưa được dùng đến, chẳng có nhu cầu gì phải nhặt cái lá ấy đi. Cái lá bất động trên cái chỗ không phải của nó cho thấy cả một dáng bó gối bất động của ông đồ rồi nhìn mưa bụi bay. Văn tả thật ít lời mà cảnh hiện ra như vẽ, không chỉ bóng dáng ông đồ mà cả cái tiêu điều của xã hội qua mắt của ông đồ. Tác giả đã có những chi tiết thật đắt: nơi ông đồ là bút mực, nơi trời đất là gió mưa, nơi xã hội là sự thờ ơ không ai hay. Thể thơ năm chữ vốn có sức biểu hiện những chuyện dâu bể, hoài niệm, đã tỏ ra rất đắc địa, nhịp điệu khơi gợi một nỗi buồn nhẹ mà thấm. Màn mưa bụi khép lại đoạn thơ thật ảm đạm, lạnh, buồn, vắng. Như vậy cũng chỉ với tám câu, bốn mươi chữ, đủ nói hết những bước chót của một thời tàn. Sự đối chiếu chi tiết ở đoạn này tới đoạn trên: mực với mực, giấy với giấy, người với người, càng cho ta cái ấn tượng thảng thốt, xót xa của sự biến thiên.

Có một khoảng thời gian trôi qua, khoảng trống của đoạn thơ trước khi vào bốn câu kết:

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

Hãy trở lại câu thơ đầu bài Mỗi năm hoa đào nở để thấy quy luật cũ không còn đúng nữa. Ông đồ đã kiên nhẫn vẫn ngồi đấy, nhưng năm nay ông không còn kiên nhẫn được nữa: Không thấy ông đồ xưa. Ông đã cố bám lấy xã hội hiện đại, lũ người hiện đại chúng ta đã nhìn thấy sự cố sức của ông, đã thấy ông chới với, nhưng chúng ta đã không làm gì, để đến bây giờ quay nhìn lại, mới biết ông đã bị buông rơi tự bao giờ. Bóng dáng ông đâu phải bóng dáng của một người, của một nghề, mà là dáng của cả một thời đại, bóng dáng kí ức của chính tâm hồn chúng ta. Đến bây giờ chúng ta mới thấy luyến tiếc, nhưng quá muộn rồi. Chúng ta hỏi nhau hay tự hỏi mình? Hỏi hay khấn khứa tưởng niệm, hay ân hận sám hối. Hai câu thơ hàm súc nhất của bài, chúng ta đọc ở đấy số phận của ông đồ và nhất là đọc được thái độ, tình cảm của cả một lớp người đối với những gì thuộc về dân tộc, về ngữ pháp câu thơ này rất lạ, nhưng không ai thấy cộm: Những người muôn năm cũ. Muôn năm, thật ra chỉ là vài ba năm, nhưng nói muôn năm mới đúng, thời ông đồ đã xa lắc rồi, đã lẫn vào với những bút, những nghiên rất xa trong lịch sử. Chữ muôn năm cũ của câu trên dội xuống chữ bây giờ của câu dưới càng gợi bâng khuâng luyến nhớ. Câu thơ không phải là nỗi đau nức nở, nó chỉ như một tiếng thở dài cảm thương, nuối tiếc khôn nguôi.

1 20 19/12/2024


Xem thêm các chương trình khác: