TOP 10 mẫu Phân tích Ý nghĩa văn chương (2025) SIÊU HAY

Phân tích Ý nghĩa văn chương gồm dàn ý và những bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn hay hơn.

1 109 23/12/2024


Phân tích Ý nghĩa văn chương

Đề bài: Phân tích tác phẩm Ý nghĩa văn chương của Hoài Thanh.

Dàn ý Phân tích Ý nghĩa văn chương

I. Mở bài

- Giới thiệu về tác giả Hoài Thanh (những nét chính về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác…).

- Giới thiệu về văn bản “Ý nghĩa văn chương” (hoàn cảnh ra đời, xuất xứ, khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật…).

II. Thân bài

1. Nguồn gốc của văn chương

- Nguồn gốc chủ yếu của văn chương là lòng thương người và rộng ra là lòng thương cả muôn vật, muôn loài.

=> Đây là quan niệm đúng đắn, có lí song không phải là quan niệm duy nhất.

2. Nhiệm vụ của văn chương

- Văn chương là sự hình dung của sự sống muôn hình vạn trạng.

=> Văn chương phản ánh hiện thực phong phú, đa dạng của cuộc sống.

- Văn chương sáng tạo ra sự sống.

=> Văn chương đưa ra, dựng lên hình ảnh, ý tưởng, một thế giới mơ ước mà con người luôn khát khao đạt đến.

3. Công dụng của văn chương

- Khơi dậy những trạng thái cảm xúc khác nhau của con người, “gợi tình cảm và lòng vị tha”.

=> Văn chương có sức cảm hóa lạ lùng.

- Gây cho ta những tình cảm không có, luyện cho ta những tình cảm sẵn có.

  • Cho ta biết cảm nhận cái đẹp, cái hay của cảnh vật, của thiên nhiên.

  • Lưu giữ lại dấu vết, lịch sử văn hóa của loài người.

=> Văn chương giúp con người có đời sống tinh thần phong phú, giúp khơi gợi ở con người tình cảm, cảm xúc chân thật.

III. Kết bài

- Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của văn bản:

  • Nội dung: Nguồn gốc cốt yếu của văn chương là tình cảm, là lòng vị tha. Văn chương là hình ảnh của sống muôn hình vạn trạng và sáng tạo ra sự sống, gây những tình cảm không có, luyện những tình cảm sẵn có.

  • Nghệ thuật: lập luận chặt chẽ, vừa có lí lẽ, vừa có cảm xúc, hình ảnh…

- Vai trò, công dụng của văn chương đối với bản thân: trau dồi vốn sống, vốn hiểu biết, thế giới tinh thần trở nên phong phú hơn…

Phân tích Ý nghĩa văn chương (mẫu 1)

Hoài Thanh là cây bút phê bình xuất sắc. Những bài bình của ông rất đặc sắc, tài hoa. Tên tuổi ông trở thành bất tử với tác phẩm Thi nhân Việt Nam (1942). Bài “Ý nghĩa văn chương” của Hoài Thanh viết đã trên 60 năm, nhưng ngày nay chúng ta đọc vẫn tìm được nhiều điều thú vị.

Hai chữ “văn chương” trong bài văn này mang nghĩa hẹp, đó là tác phẩm thơ văn, là vẻ đẹp của câu thơ, lời văn. Đây là một bài báo ngắn, nên Hoài Thanh chỉ nói được một số điều, một số ý kiến về ý nghĩa văn chương.

Tác giả vào đề bằng một câu chuyện đời xưa kể chuyện “một thi sĩ Ấn Độ đã khóc nức nở khi nhìn thấy một con chim bị thương...”, tác giả chỉ ra rằng: “Tiếng khóc ấy, nhịp đau thương ấy chính là nguồn gốc của thi ca”. Hoài Thanh vào đề một cách có duyên, nhẹ nhàng, hấp dẫn. Cách mở bài ấy được gọi là “dụ khởi”. Từ câu chuyện hoang đường ấy, tác giả nêu rõ nguồn gốc của văn chương là gì. Đó là lòng thương người và rộng ra là thương cả muôn vật, muôn loài. Nói một cách khác, hiểu một cách khác, cảm hứng thơ văn là tình thương.

Ý nghĩa văn chương là “hình dung sự sống, hoặc sáng tạo ra sự sống”. Nguồn gốc của văn chương “cũng là giúp cho tình cảm và gợi lòng vị tha”. Hoài Thanh đã có một cách nói riêng, chỉ ra hai chức năng của văn chương là nhận thức và giáo dục. Văn học phản ánh hiện thực, nâng cao nhận thức hiện thực, giúp người đọc “hình dung sự sống muôn hình vạn trạng”; văn học còn “sáng tạo ra sự sống”, đó là điều kì diệu của thơ văn. Ví dụ, khi đọc những bài thơ như Khoảng trời, hố bom (Lâm Thị Mỹ Dạ), Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật)... ta hình dung được, hiểu được cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta trải qua muôn vàn khó khăn ác liệt, tuổi trẻ Việt Nam rất anh hùng.

Nguồn gốc của văn chương “là tình cảm, là lòng vị tha”; thơ văn đích thực có “mãnh lực lạ lùng” có thể làm cho độc giả vui, buồn, mừng, giận... Đó chính là tính giáo dục của văn chương. Văn chương có tính nhân bản đã góp phần nhân đạo hóa con người. Quan niệm của Hoài Thanh về nguồn gốc, về công dụng của văn chương rất tiến bộ, đúng đắn. Ta yêu kính cha mẹ hơn, hiếu thảo hơn khi đọc bài ca dao “Công cha như núi Thái Sơn”. Ta thầm nhớ công ơn người trồng cây, gieo hạt nhờ họ, ta được nếm hương đời, vị đời:

“Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”

Văn chương rất kì diệu, thể hiện những ước mơ, khát vọng của con người, “gây cho ta những tình cảm ta không có (hoặc sẽ có), luyện những tình cảm ta sẵn có” như Hoài Thanh đã nói. Thương người, yêu quê hương đất nước, yêu thiên nhiên, say mê học tập và lao động, sáng tạo, mơ ước vươn tới những chân trời bao la.., những tình cảm ấy là do cuộc sống, do văn chương mà tâm hồn ta được bồi đắp.

Văn chương làm cho cuộc đời thêm đẹp, cuộc sống thêm sắc màu ý vị, phong phú hơn, đẹp đẽ hơn. Đúng như tác giả đã viết: “Cuộc đời phù phiếm và chật hẹp của cá nhân vì văn chương mà trở nên thâm trầm và rộng rãi đến trăm nghìn lần”.

“Tôi yêu sông xanh, núi tím; tôi yêu đôi mày ai như trăng mới in ngần và tôi cũng xây mộng ước mơ, nhưng yêu nhất mùa xuân..!”

(Vũ Bằng)

“Khi chén rượu, khi cuộc cờ
Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên”

(Truyện Kiều, Nguyễn Du)

Cuộc đời không thể thiếu văn chương. Văn chương sáng tạo ra cái đẹp, làm cho ta thấy cuộc đời đẹp hơn, đáng yêu hơn. Hoài Thanh đã dùng hình ảnh gợi cảm để diễn tả ý đó: “từ khi các thi sĩ ca tụng cảnh núi non, hoa cỏ, núi non, hoa cỏ trông mới đẹp; từ khi có người lấy tiếng chim kêu, tiếng suối chảy làm đề ngâm vịnh, tiếng chim, tiếng suối nghe mới hay”.

Vai trò, vị thế của văn nhân, thi sĩ rất to lớn. Nhân loại, các dân tộc, nếu “xóa các thi nhân văn nhân”, nếu “xóa hết những dấu vết họ còn lưu lại” (tác phẩm) thì xã hội và cuộc đời sẽ “nghèo nàn” đến mức nào! Cảm xúc của Hoài Thanh như tràn ra trang giấy.

Bàn về ý nghĩa văn chương, Hoài Thanh đã đưa ra những lí lẽ xác đáng về nguồn gốc và công dụng của thơ văn. Giá trị nhân bản và tính nhân văn của văn chương đã được tác giả nêu bật một cách sáng tỏ. Cách viết nhẹ nhàng, biểu cảm, sử dụng hình ảnh có duyên và đậm đà, do đó lí lẽ của Hoài Thanh nêu ra tuy không mới, nhưng đầy sức thuyết phục.

Phân tích Ý nghĩa văn chương (mẫu 2)

Khi nhắc đến văn chương đã có biết bao nhiêu công trình nghiên cứu, định nghĩa, xác định công dụng chức năng của nó đối với đời sống của con người chúng ta. Một trong những bài nghiên cứu ấy phải nói đến “Ý nghĩa văn chương” của Hoài Thanh. Trong bài viết, những luận điểm rõ ràng về nguồn gốc cũng như chức năng của văn chương sẽ khiến cho chúng ta hiểu sâu hơn về ý nghĩa của nó.

Thứ nhất, tác giả đề cập về nguồn gốc của văn chương. Bằng việc dẫn ra một câu chuyện Ấn Độ, nhà nghiên cứu nhận định đó là nguồn gốc của văn chương. Theo đó, nguồn gốc văn chương xuất hiện khi con người có cảm xúc mãnh liệt trước một hiện tượng đời sống nào đó. Văn chương là niềm xót thương của con người trước những điều đáng thương. Có thể nói nguồn gốc văn chương chính là lòng yêu thương. Vậy văn chương bắt nguồn từ đâu?. Theo Hoài Thanh văn chương bắt nguồn từ cuộc sống lao động hàng ngày từ những bài ca dao về “Trâu ơi ta bảo trâu này…” cho đến những tác phẩm lớn. Không những thế văn chương còn bắt nguồn từ cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và chống giặc ngoại xâm. Hơn nữa, văn chương còn bắt nguồn bởi những văn hóa, lễ hội truyền thống. Tóm lại văn chương có nguồn gốc từ tình yêu thương của con người đối với cuộc sống. Hoài Thanh đã thật khéo léo khi biến bài nghị luận trở thành một bài văn giàu sức thuyết phục mà vô cùng hấp dẫn. Cách dẫn vào vấn đề của tác giả vô cùng tự nhiên.

Thứ hai, tác giả đề cập đến công dụng và nhiệm vụ của văn chương đối với đời sống con người. Về nhiệm vụ của văn chương Hoài Thanh chỉ ra rằng, văn chương phản ánh hiện thực và sáng tạo hiện thực. Từ hình ảnh chú bé Lượm trong bài thơ cùng tên của Tố Hữu cho đến cánh cò trong ca dao đều phản ánh hiện thực đời sống. Từ truyện Thạch Sanh cho đến truyện Cây bút thần đều phản ánh ước mơ công lý, cải tạo hiện thực đời sống cho người lao động. Về công dụng của văn chương, Hoài Thanh chỉ ra rằng văn chương giúp cho tình cảm và gợi lòng vị tha; văn chương gây cho ta những tình cảm không có và luyện cho ta những tình cảm sẵn có. Để chứng minh cho điều này, tác giả dẫn ra hai câu chuyện Dế mèn phiêu lưu kí của Tô Hoài và Cuộc chia tay của những con búp bê của Khánh Hoài. Nhà phê bình thật đúng khi nhận định rằng “Một người hàng ngày chỉ lo cặm cụi vì mình, thế mà khi xem truyện hay ngâm thơ có thể vui, mừng, buồn, giận cùng với những người ở đâu đâu…hay sao”.

Tóm lại, qua bài viết của nhà phê bình Hoài Thanh ta có thể hiểu rõ về ý nghĩa của văn chương. Nguồn gốc của văn chương chính là lòng thương mến, công dụng của văn chương là gợi lòng vị tha và rèn luyện những phẩm chất tốt đẹp. Nhiệm vụ của văn chương là phản ánh hiện thực và sáng tạo hiện thực.

Phân tích Ý nghĩa văn chương (mẫu 3)

Hoài Thanh là một nhà phê bình văn học nổi tiếng của nền văn học hiện đại Việt Nam. Với bài viết Ý nghĩa văn chương, ông thẻ hiện quan niệm của mình về nguồn gốc, vai trò và nhiệm vụ của văn chương đối với tâm hồn con người và đời sống. Từ đó, ông xác định vị trí và nhiệm vụ của người nghệ sĩ sáng tác đối với cuộc sống văn chương của con người và đời sống này.

Bài viết có ba luận điểm chính. Thứ nhất, Hoài Thanh xác định nguồn gốc cốt yếu của văn chương là lòng thương người và rộng ra thương cả muôn vật, muôn loài. Luận điểm này nêu lên quan niệm của Hoài Thanh về nguồn gốc cốt yếu của văn chương là tình cảm. “Cốt yếu” ở đây là nói cái chính, cái quan trọng nhất chứ chưa phải là tất cả. Hoài Thanh cho rằng” “Nguồn gốc cốt yếu của văn chương là lòng thương người “. Tức là trước hết văn chương phải là tiếng nói yêu thương giữa con người với con người. Từ đó, suy rộng ra là tình yêu thương đối với “cả muôn vật, muôn loài”. Nói như vậy là rất đúng, rất hợp lí, rất nhân bản.

Cách trình bày quan niệm rất thú vị, độc đáo, hấp dẫn người đọc. Tác giả đã kể một câu chuyện cảm động để dẫn dắt tới ván đề bàn bạc. Trên thực tế còn có nhiều quan niệm khác nhau về nguồn gốc văn chương như: văn chương bắt nguồn từ lao động, từ nghi lẽ tôn giáo, từ giải trí, mua vui… Các quan niệm này và quan niệm của Hoài Thanh không mâu thuẫn nhau mà có tác dụng bổ sung cho nhau.

Tiếp đến, văn chương sẽ là hình dung của sự sống muôn hình vạn trạng. Chẳng những thế văn chương còn sáng tạo ra sự sống. Văn chương sẽ là hình dung của sự sống muôn hình vạn trạng. Cách sử dụng từ “hình dung” rất đắc địa. Một mặt “hình dung” được hiểu là hình ảnh.

Văn chương là hình ảnh của cuộc sống phong phú, văn chương phản ánh sự đa dạng của cuộc sống: thế giới tự nhiên muôn màu, sự biến hóa của cuộc sống xã hội,… Mặt khác, “hình dung” còn giúp người ta nhận thấy quá trình sáng tạo của nhà văn. Nhà văn không bê y nguyên những gì của cuộc sống bèn ngoài đặt vào trong trang sách của mình. Cuộc sống bên ngoài được nhìn nhận qua lăng kính của nhà văn và nhà văn sẽ tái hiện nó bằng trí tưởng tượng, bằng cách cảm, cách nghĩ của mình.

Văn chương còn sáng tạo ra sự sống. Cuộc sống được nhà văn trình bày trên trang giấy đã là một sự sáng tạo. Song hơn thế, nhà văn còn sáng tạo ra những thế giới khác, những người, những sự vật khác mà nó chưa có trong thực tế để gọi nó trong thực tế. Chẳng hạn, đó là thế giới tiên cảnh, thế giới siêu nhân, thế giới của những loài chim, chú dế,…

Nhà văn thường dựng lên trong tác phẩm của mình một bức tranh cuộc sống theo lí tường thẩm mĩ của mình để mọi người thấy cần phải vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. Hay nói như nhà thơ Nguyễn Đình Thi: “Nghệ thuật có sứ mạng quan trọng là nâng cao sự hiểu biết của con người, nhưng sứ mạng hết sức quan trọng nữa của nó là nuôi sống tình cảm, làm cho tình cảm con người luôn luôn mói mẻ, như một bông hoa lúc nào cũng vừa mói nở ra xong, không bao giờ héo”.

Sau cùng, công dụng của văn chương cũng là giúp cho tình cảm và gợi lòng vị tha. Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm ta sẵn có. Những tình cảm ta không có là những tình cảm mà trước khi đọc tác phẩm văn chương. Những tình cảm đó chưa nảy sinh trong tâm hồn ta như : tình thương đối với những người phụ nữ trong xã hội phong kiến, tình yêu đối với miền đất lạ, niềm xót xa về cảnh ngộ nhũng đứa trẻ lang thang… Nhưng khi đọc văn chương viết về những con người, cảnh tượng, vùng đất ấy,… trong ta nảy nở những xúc cảm mới lạ đó.

Những tình cảm ta sẵn có là những tình cảm luôn thường trực trong tâm hồn ta như: tình thương yêu dành cho cha mẹ, tình yêu đối với thiên nhiên, lòng yêu nước… Văn chương luyện cho ta những tình cảm sẵn có nghĩa là văn chương làm cho những tình cảm ấy đẹp hơn, trong sáng hơn, cao cả hơn.

Như vậy, văn chương đã tác động đến người đọc đến thế giới tình cảm của con người một cách thật tự nhiên. Văn chương làm tâm hồn người đọc thêm giàu có và phong phú, giúp con người biết sống đẹp hơn, cao thượng hơn và giàu lòng vị tha hơn. Chỉ có một tâm tình cao quý, một phong cách thanh khiết, từ trong lòng, dưới ngòi bút chợt tự nhiên tuôn chảy, chính là bài thơ chân thực sẵn có trong trời đất vậy. Văn chương làm cuộc đời thêm đẹp và cuộc đời không thể thiếu văn chương. Vì thế vị thế của các văn nhân là rất lớn.

Với hệ thống luận điểm phong phú, được trình bày cụ thể, rõ ràng, giàu sức thuyết phục, lập luận chặt chẽ, sáng sủa và giàu cảm xúc; vừa có lí lẽ, vừa có cảm xúc, tác giả đã làm sáng tỏ công dụng và ý nghĩa của văn chương. Văn chương giúp cho người đọc có tình cảm, có lòng vị tha, “gây cho ta những tình cảm không có, luyện những tình cảm ta sẵn có”, biết cái đẹp, cái hay của cảnh vật, thiên nhiên. Lịch sử loài người, nếu xóa bỏ văn chương thì sẽ xóa bỏ hết dấu vết của chính nó, sẽ nghèo nàn về tâm linh đến mức nào.

Phân tích Ý nghĩa văn chương (mẫu 4)

Hoài Thanh là một trong những nhà phê bình xuất sắc nhất của văn học Việt Nam. Những đánh giá, bình luận của ông về văn học có giá trị lớn lao. Tác phẩm nổi tiếng nhất của Hoài Thanh là "Thi nhân Việt Nam" được in năm 1942. Tác phẩm "Ý nghĩa văn chương" đã cho người đọc thấy được nguồn gốc, tác dụng và ý nghĩa của văn chương đối với đời sống con người.

Tác giả Phan Kế Bính đã định nghĩa văn chương rằng: “Văn là vẻ đẹp, chương là vẻ sáng. Lời của người ta rực rỡ bóng bẩy, tựa như có vẻ đẹp vẻ sáng cho nên gọi là văn chương”. Khái niệm văn chương mà Hoài Thanh sử dụng trong tác phẩm này giống với định nghĩa của Phan Kế Bính, tức là tính nghệ thuật, vẻ đẹp của câu văn, lời văn. Hoài Thanh đã mở đầu tác phẩm bằng việc giải thích nguồn gốc của văn chương bằng một giai thoại: "Người ta kể chuyện đời xưa, một nhà thi sĩ Ấn Độ thấy một con chim bị thương rơi xuống chân mình. Thi sĩ thương hại quá, khóc nức lên, quả tim cùng hòa một nhịp với sự run rẩy của con chim sắp chết. Tiếng khóc ấy, dịp đau ấy chính là nguồn gốc của thi ca".

Nguồn gốc của văn chương không đâu xa chính là xuất phát từ những rung động nhỏ nhất trong trái tim của người thi văn sỹ đối với thế giới. Văn chương không thể có hình và có hồn nếu những cảm xúc bị dối trá. Để kết luận cho ý kiến này, tác giả lại khẳng định một lần nữa: "Nguồn gốc cốt yếu của văn chương là lòng thương người và rộng ra là thương cả muôn vật, muôn loài". Không có gì khác ngoài lòng nhân ái bao la chính là khởi nguyên của văn chương. Đây là một nhận xét rất đúng đắn. Văn chương chính là công cụ để bộc lộ cảm xúc của con người, dẫu yêu hay ghét thì cũng đều xuất phát từ sự nhân ái trong lòng tác giả.

Bên cạnh đó, tác giả cũng đã nhìn nhận thêm về nguồn gốc của văn chương. Ngoài việc bắt nguồn từ lòng bác ái, văn chương còn bắt đầu từ hiện thực cuộc sống. Quan niệm này của Hoài Thanh cũng giống với quan niệm về văn chương của Nam Cao về nghệ thuật nói chung và văn chương nói riêng: "nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối... nghệ thuật chỉ có thể phát ra từ những kiếp lầm than trong cuộc sống...". Ý kiến này đã được tác giả thể hiện thông qua nhận định: "văn chương sẽ là hình dung của sự sống muôn hình vạn trạng". Những sự kiện về thế giới xã hội và tự nhiên đều được ghi lại trong văn học, thậm chí có những điều còn được ghi rất chi tiết và cụ thể. Văn chương đã phản ánh cuộc sống theo đúng quy luật tự nhiên của nó. Điều này có thể thấy trong thực tế bằng việc khi ta đọc các tác phẩm văn học dân gian sẽ biết được cha ông ta ngày xưa đã sống và gây dựng đất nước ra sao, chúng ta cũng hình dung ra một thời bom đạn máu lửa với những câu chuyện cảm động về những người lính,... Chúng ta có thể hình dung ra nhiều mặt của cuộc sống này thông qua những tác phẩm đó. Chính vì lẽ đó mà có ý kiến cho rằng: "văn chương đã mở ra trước mắt tôi một chân trời mới".

Tổng hợp hai ý kiến trên, ta có thể thấy rằng nguồn gốc của văn chương vừa bắt nguồn từ tình thương và cả hiện thực cuộc sống:"vậy thì, hoặc hình dung sự sống, hoặc sáng tạo ra sự sống, nguồn gốc của văn chương đều là tình cảm, lòng vị tha". Hai yếu tố trên kết hợp lại với nhau sẽ tạo nên những tác phẩm giàu ý nghĩa.

Văn chương sinh ra trên đời không chỉ bởi nhu cầu bộc lộ tình cảm của con người mà nó còn có những tác dụng to lớn đối với cuộc sống. Hoài Thanh đã chỉ ra rằng “Văn chương là hình dung của sự sống muôn hình vạn trạng... Văn chương còn sáng tạo ra sự sống”. Hai câu văn đã khẳng định được nhiệm vụ của văn chương là “hình dung ra sự sống” và “sáng tạo ra sự sống”. Điều này có nghĩa là mỗi nhà văn với con mắt nhìn cuộc đời khác nhau đã cho ta những hình ảnh về các góc nhìn của cuộc sống. Đều viết về Hà Nội nhưng Vũ Bằng lại có cái nhìn khác Thạch Lam, mỗi người khai thác một phương diện. Những hình ảnh của cuộc sống được hình dung qua văn chương cũng muôn màu muôn vẻ. Nguyễn Trãi ví tiếng suối như tiếng đàn cầm còn Hồ Chí Minh lại nghe như tiếng hát xa. Cách hình dung, tái hiện cuộc sống vào văn chương vô cùng phong phú. Thế giới này dường như không đủ rộng trong con mắt của những nhà văn. Hoài Thanh viết: "Vũ trụ này tầm thường, chật hẹp, không đủ thỏa mãn mối tình cảm dồi dào của nhà văn. Nhà văn sẽ sáng tạo ra những thế giới khác". Đúng vậy, nhà văn bằng khối óc và trái tim đã sáng tạo nên những thế giới mới, thế giới có cả cái tôi nhà văn và cái ta cộng đồng nhân loại.

Văn chương không chỉ có nhiệm vụ phản ánh thế giới mà quan trọng nhất là sự sáng tạo. Sáng tạo ở đây vừa là khả năng sáng tạo của tác giả văn chương vừa là khả năng sáng tạo của văn chương đối với cuộc sống. Thế giới được sáng tạo trong văn chương có thể giống hoặc khác so với hiện thực. Nó có thể là thế giới đáng mơ ước như trong các câu chuyện cổ tích như Lọ Lem, Tấm Cám... nhưng cũng có thể đầy nghiệt ngã như trong các tác phẩm văn học hiện thực của Nam Cao hay các tác phẩm viết về đề tài chiến tranh. Vậy những tác phẩm ấy sáng tạo ra sự sống bằng cách nào? Xét cho cùng các tác phẩm văn học dù có nói đến cái tốt hay cái xấu trong cuộc sống cũng chỉ với mục đích cải tạo, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Truyện cổ tích phản ánh ước mơ của con người về một thế giới không còn những bất công, chỉ còn tình yêu thương và hạnh phúc. Đọc các tác phẩm hiện thực hay về chiến tranh để giúp con người nhận ra cái ác, cái xấu trong xã hội để có thể đấu tranh cho một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đó chính là vai trò xây dựng cuộc sống của văn chương sau khi đã phản ảnh rất nhiều mặt của cuộc sống.

Bên cạnh đó, Hoài Thanh còn khẳng định thêm một tác dụng to lớn của văn chương nữa: “Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm sẵn có; cuộc đời phù phiếm và chật hẹp của cá nhân vì văn chương mà trở nên thâm trầm và rộng rãi đến trăm nghìn lần”. Thế giới tinh thần con người có lẽ là lãnh địa khó chạm đến nhất. Chúng ta không thể nhìn thấy, cảm nhận hay lắng nghe được bằng những giác quan thông thường. Thế nhưng thật lạ, văn chương lại có thể làm được nhiệm vụ khó khăn đó. Những đứa trẻ biết yêu thương những người thân yêu trong gia đình, biết yêu thương những con vật, cây cối thông qua những câu chuyện kể của ông bà cha mẹ.

Con người biết yêu thương quê hương nguồn cội, yêu thương thế giới xung quanh để có thể yêu thương con người. Chúng ta biết khóc thương cho số phận của Kiều khi phải bán thân, cho cảnh chị Dậu đứt ruột bán con và bán chó. Những tình cảm ấy dễ gì có được ở chính cuộc sống này. Thế nhưng khi đi vào văn chương, khi có cái nhìn rộng lớn hơn, tình cảm con người trở nên bao la hơn với đồng loại của mình.

Thế giới thực của mỗi chúng ta chỉ xoay quanh công việc, người thân và một ít bạn bè. Thế nhưng, khi tìm đến văn chương, ta biết được bên nửa bên kia bán cầu có cô bé bán diêm đáng thương trong đêm Noel, có chú bé chăn cừu nói dối hại thân. Thế giới tri thức mở ra cùng với tình thương yêu. Văn chương thẩm thấu vào tinh thần con người một cách tự nhiên và sâu sắc nên nó được ví như một món ăn tinh thần không thể thiếu đối với chúng ta.

Văn chương có vai trò quan trọng và lớn lao như vậy nên nó là một bộ phận không thể thiếu trong đời sống nhân loại. Nếu bức tranh thế giới này mất khi gam màu của văn chương thì sẽ trở nên đơn điệu, buồn tẻ và xám xịt biết mấy: "Nếu pho lịch sử loài người xoá các thi nhân, văn nhân và đồng thời trong tâm linh loài người xoá hết những dấu vết họ còn lưu lại thì cái cảnh tượng nghèo nàn đến bậc nào!". Đây chính là giá trị to lớn và vĩnh cửu không thể nào thay thế của văn chương. Văn chương đã tạo nên một thế giới khác song song với thế giới thực tại của nhân loại.

Với những luận điểm chính xác và đầy tính nhân văn, Hoài Thanh đã giúp chúng ta hiểu được nguồn gốc và tác dụng của văn chương. Văn chương vừa cung cấp tri thức như những bộ môn khoa học khác và quan trọng hơn là khả năng bồi đắp tình cảm, tinh thần cho con người.

Với cách lập luận chặt chẽ, khoa học kế hợp với những cảm xúc tinh tế, ta có thể nhận thấy tình yêu đối với văn chương của Hoài Thanh thông qua tác phẩm này. Qua đây tác giả cũng đã khẳng định được sức sống, sức hấp dẫn muôn đời của văn chương đối với con người.

Phân tích Ý nghĩa văn chương (mẫu 5)

Hoài Thanh là một trong những nhà phê bình văn học nổi tiếng của Việt Nam. Khi đọc tác phẩm “Ý nghĩa văn chương”, ông đã cho người đọc hiểu rõ về nguồn gốc, công dụng và nhiệm vụ của văn chương.

“Ý nghĩa văn chương” được in trong tác phẩm “Bình luận văn chương”. Bài viết còn có lần được in lại đã đổi tên thành Ý nghĩa và công dụng của văn chương.

Đầu tiên Hoài Thanh đã lý giải nguồn gốc của văn chương bằng việc dẫn ra một câu chuyện Ấn Độ. Ông đã đưa ra nhận định rằng nguồn gốc cốt yếu của văn chương là lòng thương người, và rộng ra là cả muôn vật, muôn loài. Cách đặt vấn đề đầy sáng tạo nhưng cũng đã đặt đúng vào trọng tâm của vấn đề mà Hoài Thành muốn nói đến - nguồn gốc của văn chương.

Tiếp đến, tác giả đề cập đến công dụng và nhiệm vụ của văn chương với đời sống của con người. Đầu tiên là nhiệm vụ phản ánh hiện thực và sáng tạo hiện thực. Điều này có thể dễ dàng chứng minh trong các tác phẩm văn học. Từ văn học dân gian như câu chuyện Tấm Cám phản ánh hiện thực trong xã hội đó là mâu thuẫn giữa mẹ ghẻ và con chồng (dì ghẻ và Tấm). Đến văn học Viết, truyện ngắn “Cuộc chia tay của những con búp bê” phản ánh đúng đắn một thực trạng đáng báo động trong xã hội là vấn nạn ly hôn. Không dừng lại ở đó, Hoài Thanh còn đưa ra công dụng to lớn của văn chương. Văn chương giúp cho tình cảm và gợi lòng vị tha: “văn chương gây cho ta những tình cảm không có và luyện cho ta những tình cảm sẵn có”. Một tác phẩm văn chương có khả năng cảm hóa con người. Khi đọc tác phẩm “Qua đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan, người đọc sẽ cảm nhận được nỗi nhớ quê hương, đất nước cũng như sự xót xa của tác giả trước cảnh ngộ của đất nước. Đọc truyện “Cô bé bán diêm” của An-đéc-xen, người đọc sẽ thương xót cho thân phận bất hạnh của cô bé bán diêm tội nghiệp, căm giận một xã hội vô cảm đã gián tiếp dẫn đến cái chết của cô bé. Từ đó, truyện khơi gợi trong lòng người đọc tấm lòng yêu thương, biết chia sẻ và đồng cảm.

Như vậy, “Ý nghĩa văn chương” của Hoài Thanh đã cho làm sáng tỏ được nguồn gốc, công dụng và nhiệm vụ của văn chương trong đời sống tinh thần của con người.

Phân tích Ý nghĩa văn chương (mẫu 6)

Khi đọc “Ý nghĩa văn chương”, Hoài Thanh đã làm rõ về nguồn gốc, công dụng và nhiệm vụ của văn chương.

Tác phẩm được viết năm 1936 (in trong sách Văn chương và hành động). Đây là tác phẩm thuộc thể nghị luận văn chương, bàn về những vấn đề thuộc văn chương, khác bài Tinh thần yêu nước của nhân dân ta là văn chính luận bàn về vấn đề chính trị xã hội… Vì là đoạn trích trong một bài nghị luận dài nên văn bản chúng ta được học không gồm ba phần hoàn chỉnh: đặt, giải quyết và kết thúc vấn đề. Nổi bật trong văn bản là ba nội dung quan trọng mà tác giả Hoài Thanh gọi chung là “Ý nghĩa văn chương”: nguồn gốc, nhiệm vụ của văn chương nói chung, của các tác phẩm thơ, văn, kịch nói riêng.

Hoài Thanh đã giải thích nguồn gốc của văn chương dựa trên một câu chuyện có thật về một thi sĩ Ấn Độ. Theo Hoài Thanh, “Nguồn gốc cốt yếu của văn chương là lòng thương người và rộng ra thương cả muôn vật, muôn loài”. Đây là một cách nói mềm dẻo, khéo léo, không áp đặt, cũng không khẳng định quan niệm của mình là bao quát mọi quan niệm khác. Từ ý kiến của Hoài Thanh, tiếp tục suy nghĩ và học tập, lên các lớp trên, chắc chúng ta sẽ được biết sâu thêm về vấn để này.

Từ một câu văn ngắn gọn giải thích nguồn gốc văn chương, nhà văn giải thích tiếp: “Văn chương sẽ là hình dung của sự sống muôn hình vạn trạng. Chẳng những thế, văn chương còn sáng tạo ra sự sống”. Hai câu văn cô đọng nêu ra nhiệm vụ, chức năng cơ bản của văn chương, tập trung trong hai cụm từ “hình dung của sự sống”, “sáng tạo ra sự sống”. Ở đây, “hình dung” là danh từ, nó có nghĩa như hình ảnh, kết quả của sự phản ánh, sự miêu tả trong văn chương. Hai câu thơ của Bác Hồ “Tiếng suối trong như tiếng hát xa/Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa” (Cảnh khuya) đã hình dung, phản ánh, tái hiện bức tranh phong cảnh đêm rừng Việt Bắc tuyệt đẹp. Qua bài “Sài Gòn tôi yêu”, tác giả Minh Hương cũng đã hình dung cảnh và người, sự sống rất đáng yêu của mảnh đất Sài Gòn ngọc ngà xưa và nay.

Cách hình dung, cách tái hiện, phản ánh cuộc sống của văn chương vô cùng phong phú, muôn hình vạn trạng đúng như Hoài Thanh nói. Mỗi nhà văn, nhà thơ có cách phản ánh, cách hình dung lại sự sống riêng tuỳ thuộc vốn sống, tài năng và tâm hồn của mình. Tâm hồn của con người thì bao la, vô tận. Do đó, Hoài Thanh viết: “Vũ trụ này tầm thường, chật hẹp, không đủ thỏa mãn mối tình cảm dồi dào của nhà văn. Nhà văn sẽ sáng tạo ra những thế giới khác”. Đó cũng là nhiệm vụ của văn chương: nhiệm vụ sáng tạo. Điều ấy nghĩa là gì? Nghĩa là: qua các áng văn chương, bằng trí tưởng tượng bay bổng, bằng khát vọng tốt lành, nhà văn dựng nên bức tranh thiên nhiên, bức tranh đời sống vượt trên thực tế, đẹp hơn cuộc đời thực tại. Nguyễn Trãi chẳng hạn.

Sau khi đất nước thanh bình, đời ông gặp nhiều ẩn ức. Ông đã cáo quan, về Côn Sơn. Rừng núi nơi đây vẫn như xưa, có suối chảy, có đá rêu phong, có thông, có trúc… lặng im, vô cảm. Vậy mà, trong “Bài ca Côn Sơn”, tất cả đã sống dậy, có đàn cầm tấu nhạc, có chiếu êm, giường phẳng, mái nhà râm mát và… ngân nga tiếng thơ nhàn tản, thảnh thơi của con người. Nguyễn Trãi đã sáng tạo ra sự sống khác hẳn cuộc sống mà ông đã đối mặt. Không chỉ sáng tạo ra sự sống cho riêng mình để giải tỏa những ẩn ức, bế tắc, nhà văn còn gửi gắm những thông điệp, những mong muốn, khát vọng tới bạn đọc để nhắc nhở chúng ta hãy yêu, ghét đúng đắn, hãy chia sẻ, cộng hưởng niềm vui, nỗi buồn, những ước mơ, khát vọng với nhà văn để quyết tâm làm những điều thiện, điều có ích, để cuộc sống mà nhà văn hình dung được ngày càng tốt đẹp hơn, mới mẻ hơn, thậm chí khác hẳn sự sống trong áng văn chương.

Miêu tả cảnh đêm rừng Việt Bắc trong bài Cảnh khuya, nhà thơ Hồ Chí Minh mong muốn cuộc kháng chiến lúc bấy giờ sớm thành công để núi rừng Việt Bắc, Tổ quốc Việt Nam sẽ đẹp hơn, cuộc sống của nhân dân sẽ hạnh phúc hơn. Ca ngợi mảnh đất và con người Sài Gòn trong bài Sài Gòn tôi yêu, nhà văn Minh Hương mong muốn "mọi người đều yêu Sài Gòn như tôi". Tình yêu sẽ thúc đẩy con người làm được nhiều điều tốt đẹp. Yêu Sài Gòn, "mọi người" – trong đó có nhà văn – và bạn đọc sẽ góp phần tích cực tạo ra một Sài Gòn đẹp hơn, đáng yêu hơn. Sau những áng văn chương, sự sống bao giờ cũng được nối dài, được phát triển trong tâm hồn, ý chí, khát vọng và hành động của bạn đọc… Phải chăng đây chính là nhiệm vụ "sáng tạo sự sống" của văn chương như Hoài Thanh quan niệm.

Nói tới nhiệm vụ hình dung lại, sáng tạo ra sự sống, cũng là đề cập tới một ý nghĩa quan trọng nữa của văn chương. "Và vì thế – Hoài Thanh viết – Công dụng của văn chương cũng là giúp cho tình cảm và gợi lòng vị tha". Phần hai của văn bản Ý nghĩa văn chương tập trung giảng giải, bình luận về công dụng của văn chương. Chúng ta hiểu nghĩa từ công dụng là: tác dụng, là hiệu quả, là sự bồi đắp trí tuệ, sự truyền cảm… của văn chương đối với bạn đọc nói riêng, con người nói chung. Vậy, qua ý kiến của Hoài Thanh, chúng ta hiểu công dụng của văn chương như thế nào? Hoài Thanh viết: "Một người hằng ngày chỉ cặm cụi lo lắng vì mình… khi xem truyện hay ngâm thơ có thể vui, buồn, mừng, giận cùng những người ở đâu đâu,…".

Nghĩa là văn chương có khả năng lay động tâm hồn, giúp ta biết chia sẻ buồn, vui, đau khổ, hạnh phúc… với mọi người, dắt chúng ta sống gần với nhau hơn trong tình nhân ái, tình thương yêu, đoàn kết giữa con người với con người… "Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm ta sẵn có". Rõ ràng, văn chương đã bồi đắp tình cảm tốt đẹp cho người đọc, làm giàu thêm thế giới tâm hồn của chúng ta. Không những thế, văn chương còn góp phần tô điểm biết bao sắc màu, âm thanh làm cho thế giới, con người, cuộc sống được tốt đẹp hơn, đáng yêu hơn. […] Từ khi các thi sĩ ca tụng cảnh núi non, hoa cỏ, núi non, hoa cỏ trông mới đẹp; từ khi có người lấy tiếng chim kêu, tiếng suối chảy làm đề ngâm vịnh, tiếng chim, tiếng suối nghe mới hay… Hoài Thanh viết như thế, đã nhấn mạnh thêm công dụng của văn chương. Hiểu và suy ngẫm những ý kiến ấy, rồi liên tưởng tới các áng văn chương đã được đọc, được học, ta thấy quả đúng như vậy. Đọc những bài ca dao tình nghĩa con người, ta càng thêm yêu ông bà, cha mẹ ta hơn.

Câu cuối văn bản thật thú vị: “Nếu pho lịch sử loài người xoá các thi nhân, văn nhân và đồng thời trong tâm linh loài người xoá hết những dấu vết họ còn lưu lại thì cái cảnh tượng nghèo nàn sẽ đến bậc nào!...”. Tác giả vừa như muốn khẳng định vai trò kì diệu của văn nghệ sĩ vừa nhấn mạnh ý nghĩa của văn chương. Đồng thời cũng nhắc nhở chúng ta hãy biết ơn các nhà văn, hãy quý trọng các áng thơ văn nói riêng và văn chương nói chung. Đó là một câu văn hàm nhiều nghĩa, buộc chúng ta phải tiếp tục suy ngẫm…

Tóm lại, với một lối văn nghị luận vừa có lí lẽ, vừa có cảm xúc và hình ảnh, Hoài Thanh đã chứng minh cho người đọc thấy được nguồn gốc, công dụng và nhiệm vụ của văn chương.

Phân tích Ý nghĩa văn chương (mẫu 7)

Hoài Thanh là một nhà phê bình văn học xuất sắc. Một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông là văn bản “Ý nghĩa văn chương”.

Với một lối văn nghị luận kết hợp hài hòa giữa lí lẽ sắc bén với cảm xúc tinh tế, trong văn bản này, Hoài Thanh khẳng định: Nguồn gốc cốt yếu của văn chương là tình cảm, là lòng vị tha. Văn chương là tấm gương phản ánh cuộc sống muôn hình vạn trạng. Hơn thế, văn chương còn góp phần sáng tạo ra sự sống, gây dựng cho con người những tình cảm không có và luyện những tình cảm sẵn có. Đời sống tinh thần của nhân loại nếu thiếu văn chương thì sẽ rất nghèo nàn, tẻ nhạt. Quan niệm đúng đắn đó thể hiện trình độ hiểu biết sâu sắc cùng thái độ yêu quý, trân trọng của tác giả dành cho văn chương.

Hoài Thanh giải thích nguồn gốc của văn chương bắt đầu bằng một giai thoại hoang đường: “Người ta kể chuyện đời xưa, một nhà thi sĩ Ấn Độ trông thấy một con chim bị thương rơi xuống bên chân mình. Thi sĩ thương hại quá, khóc nức lên, quả tim cùng hòa một nhịp với sự run rẩy của con chim sắp chết. Tiếng khóc ấy, nhận đau thương ấy chinh là nguồn gốc thi ca”. Cách mở bài độc đáo như trên đã thu hút sự chú ý của người đọc. Tác giả mượn câu chuyện này để cắt nghĩa nguồn gốc của văn chương. Văn chương thực sự chỉ xuất hiện khi người cầm bút có cảm xúc mãnh liệt trước một tình cảnh hay hiện tượng nào đó trong cuộc sống. Từ đó tác giả kết luận nguồn gốc cốt yếu của văn chương là lòng thương người và rộng ra thương cả muôn vật, muôn loài. Theo ông thì lòng nhân ái bao la chính là nguồn gốc của văn chương.

Đây là lời nhận xét rất đúng đắn. Tuy vậy, bên cạnh nó còn có những quan điểm khác nhau như văn chương bắt nguồn từ cuộc sống lao động của con người hoặc văn chương là nghệ thuật của ngôn từ cuộc sống lao động của con người hoặc văn chương là nghệ thuật của ngôn từ... Các quan niệm này tuy khác nhau nhưng không loại trừ nhau. Ngược lại, chúng bổ sung cho nhau về mặt ý nghĩa.

Để làm rõ hơn nguồn gốc văn chương, Hoài Thanh tiếp tục đưa ra nhận định về vai trò của tình cảm trong sáng tạo của văn chương. Văn chương sẽ là hình dung của sự sống muôn hình vạn trạng. Chẳng những thế, văn chương còn sáng tạo ra sự sống. Vậy thì, hoặc hình dung sự sống, hoặc sáng tạo ra sự sống, nguồn gốc của văn chương đều là tình cảm, lòng vị tha.

Ở câu thứ nhất tác giả nhấn mạnh: cuộc sống vốn dĩ thiên hình vạn trạng, văn chương có nhiệm vụ phản ánh cuộc sống theo đúng quy luật tự nhiên của nó. “Văn chương thậm chí góp phần sáng tạo ra cuộc sống, làm cho đời sống ngày càng trở nên tốt đẹp hơn”. Ở câu thứ hai, ông khẳng định: “Văn chương sáng tạo nên những hình ảnh, những ý tưởng mới lạ, tiến bộ mà trong cuộc sống hiện tại chưa có, để mọi người phấn đấu, biến ý tưởng đó thành hiện thực”.

Thực tế cho thấy sự sáng tạo văn chương bắt nguồn từ cảm xúc yêu thương chân thành của nhà văn, nhà thơ. Thông qua văn chương, các tác giả giúp người đọc nhận thức được nhiều điều bổ ích về cuộc sống trong quá khứ cũng như hiện tại. Đọc ca dao, tục ngữ hay thần thoại, cổ tích, chúng ta hình dung được tổ tiên xưa kia sinh sống ra sao trong suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước. Những ước mơ, khát vọng chinh phục thiên nhiên; những bài học về đạo lý và kinh nghiệm sống ở đời được gần gũi qua các loại hình văn học cư thấm dần vào máu thịt, tạo nên đời sống tinh thần phong phú cho mỗi con người.

Văn chương hướng con người tới chân, thiện, mỹ của cuộc đời. Vì vậy nó là món ăn tinh thần không thể thiếu, giúp con người hoàn thiện nhân cách để trở nên hữu ích hơn đối với gia đình và xã hội. Cách đây hàng trăm năm, ông cha ta đã có câu tục ngữ: “Lời nói chẳng mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nguồn gốc của câu tục ngữ trên cũng xuất phát từ lòng nhân ái, từ mục đích muốn con người có cách ăn nói sao cho đúng, cho hay; có cách ứng xử với nhau tốt đẹp hơn.

Hay câu ca dao: “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” được lưu truyền từ đời này sang đời khác, mãi mãi như một lời nhắc nhở con cái phải hiếu thảo với cha mẹ. Vì bổn phận, trách nhiệm và lòng hiếu thảo là thước đo phẩm chất đạo đức của con người.

Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam có biết bao tiếng hát, lời ru, câu chuyện... khuyên nhủ mọi người hãy xây dựng tình cảm gia đình đầm ấm, thuận hòa. Một trong những lời khuyên đó là:

“Anh em như chân với tay,
Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”

Cuộc sống lao động chân lấm tay bùn của người nông dân xưa kia trở nên đẹp đẽ, thơ mộng biết bao trước cái nhìn yêu thương trìu mến đối với con người và thiên nhiên chốn quê nhà:

“Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?”

Chỉ bằng hai dòng thơ nhưng tác giả dân gian đã vẽ nên bức tranh sinh hoạt tuyệt đẹp, đó là cảnh thôn nữ tát nước đêm trăng. Ánh trăng tràn ngập khắp nơi, sóng sánh trong từng gàu nước, Một gàu nước là một gàu trăng. Cô gái múc nước mà như múc ánh trăng vàng. Sự liên tưởng độc đáo đã tạo ra hình ảnh đẹp đẽ và thơ mộng. Câu hỏi tu từ đầy tính nghệ thuật cũng là cách tỏ tình vô cùng tinh tế của người xưa.

Để ca ngợi vẻ đẹp của làng quê và phẩm chất cao quý của dân quê, ca dao có bài:

“Trong đầm gì đẹp bằng sen,
Lá xanh, bông trắng, lại chen nhị vàng.
Nhị vàng, bông trắng, lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”

Bài ca dao ca ngợi vẻ đẹp của hoa sen. Hoa sen thường mọc trong đầm lầy và trong đầm không hoa nào đẹp bằng sen. Sen là loài hoa hương sắc vẹn toàn. Không chỉ ca ngợi vẻ đẹp của hoa sen, bài ca dao còn ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn của người lao động, dẫu sống gần bùn mà vẫn giữ được phẩm chất thanh cao, trong sạch. Lòng yêu quê hương tha thiết của người xưa được thể hiện rất rõ qua bài ca dao này:

Bàn về sự hấp dẫn đặc biệt và công dụng to lớn của văn chương, Hoài Thanh viết: “Một người hằng ngày chỉ cặm cụi lo lắng vì mình, thế mà khi xem truyện hay ngâm thơ có thể vui, buồn, mừng, giận cùng những người ở đâu đâu, vì những câu chuyện ở đâu đâu, há chẳng phải là chứng cứ cho cái mãnh lực lạ lùng của văn chương hay sao?” Văn chương khơi dậy những cảm xúc cao thượng của con người. Đọc “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, bao thế hệ người đọc say mê và vui buồn cùng nhân vật Thúy Kiều. Họ căm giận bọn Sở Khanh, Tú Bà, Mã Giám sinh bao nhiêu thì thương xót cho số phận nàng Kiều bấy nhiêu và càng ghê tởm cái xã hội tôn thờ đồng tiền: “Trong tay đã sẵn đồng tiền,/Dẫu lòng đổi trắng thay đen, khó gì!”. Đọc bài văn “Cổng trường mở ra” của Lý Lan, người đọc hiểu thêm tình thương yêu của mẹ đối với đứa con; hiểu thêm về vai trò quan trọng của nhà trường đối với mỗi con người. Đọc bài thơ “Tĩnh dạ tứ” của Lí Bạch, ta càng thấm thía tình quê hương sâu nặng của kiếp người sống trong cảnh xa nhà đằng đẵng suốt bao năm.

Nhận định về tác dụng to lớn của văn chương, Hoài Thanh viết: “Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm ta sẵn có; cuộc đời phù phiếm và chật hẹp của cá nhân vì văn chương mà trở nên thâm trầm và rộng rãi đến trăm nghìn lần”. Đây chính là chức năng giáo dục của văn chương. Văn chương nuôi dưỡng tâm hồn, tư tưởng, tình cảm con người. Mục đích của văn chương là giúp con người tự khám phá, hiểu biết, nâng cao niềm tin vào bản thân và có khát vọng hướng tới chân lý, hướng tới cái đẹp của cuộc đời.

Đặc điểm của văn chương là nâng con người vượt lên trên những lợi ích vật chất tầm thường. Đi vào thế giới của văn chương, người đọc sẽ sống cùng, cùng chia sẻ vui buồn, sướng khổ với nhân vật. Những giờ phút đến với văn chương, tâm hồn ra thanh thản biết bao! Có thể nói văn chương đã đem đến cho con người niềm vui lớn lao và một đời sống tinh thần phong phú.

Văn chương thỏa mãn thị hiếu thẩm mĩ của con người vẻ đẹp ngôn từ, vấn điệu, bằng kết cấu khéo léo của cốt truyện... nhưng trước hết nó làm rung động tâm hồn người đọc bằng hình tượng nhân vật điển hình trong tác phẩm. Những hình tượng điển hình như Thúy Kiều, Lục Vân Tiên, Huấn Cao, chị Dậu, Chí Phèo... có sức sống muôn đời bởi đó chính là hiện thân đầy đủ nhất, khái quát nhất vui buồn, sướng khổ trong cuộc sống con người.

Văn chương còn dạy cho ta bao điều hay lẽ phải trong cuộc đời, giúp ta ngày một hoàn thiện hơn về nhân phẩm, đạo đức. Văn chương giúp ta nâng cao kiến thức, mở rộng tâm hồn. Vì vậy, văn chương vừa là người bạn thân thiết vừa là người thầy uyên bác, tận tình luôn bên cạnh chúng ta trên đường đời. Văn chương như một phép màu kì diệu làm cho những thứ bình thường trong cuộc sống bỗng trở nên đẹp đẽ lạ thường.

Có kẻ nói từ khi thi sĩ ca tụng cảnh núi non, hoa cỏ, núi non, hoa quả trông mới đẹp; từ khi có người lấy tiếng chim kêu, tiếng suối chảy làm đề tài ngâm vịnh, tiếng chim, tiếng suối nghe mới hay...

Chúng ta thử đọc lại bài Côn Sơn ca của Nguyễn Trãi:

“Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai
Côn Sơn có đá rêu phơi
Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm.
Trong rừng thông mọc như nêm,
Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm.
Trong rừng có bóng trúc râm,
Dưới màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn…”

Khung cảnh thiên nhiên hiện lên sinh động với dòng suối chảy róc rách, rì rầm như tiếng đàn lúc khoan, lúc nhặt. Phiến đá phẳng phủ rêu xanh mướt, mịn như chiếu êm, Thông, tùng mọc như nêm. Rừng trúc bạt ngàn màu xanh tỏa bóng râm che mát hồn người. Dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Trãi, Côn Sơn có một vẻ đẹp riêng, không giống với bất cứ cảnh đẹp ở mộ nơi nào khác.

Những vần thơ trên giúp chúng ta hiểu thêm cội nguồn tình yêu quê hương, đất nước của thi hào Nguyễn Trãi, đọc Côn Sơn ca, lòng ta xao xuyến, bồi hồi và càng thêm gắn bó với từng mảnh vườn, góc phố quê hương. Văn chương có vai trò quan trọng và có tác dụng lớn lao như vậy nên nó là một bộ phận không thể thiếu trong cuộc sống nhân loại. Thử hình dung một ngày nào đó: Nếu trong pho lịch sử loài người xóa các thi nhân, văn nhân và đồng thời tâm linh loài người xóa hết những dấu vết họ còn lưu lại thì cái cảnh tượng nghèo nàn đến mức nào! Đây chính là giá trị to lớn và vĩnh cửu không có gì có thể thay thế được văn chương. Các thi sĩ văn nhân từ xưa đến nay đã dùng văn chương để tạo dựng nên thế giới tinh thần phong phú của nhân loại.

Hoài Thanh, trước và sau như một: trân trọng và đề cao giá trị của văn chương, Hoài Thanh đã khẳng định thế giới văn chương thật kì diệu, có sức hấp dẫn muôn đời đối với con người.

Phân tích Ý nghĩa văn chương (mẫu 8)

Hoài Thanh (1909 - 1982) là cây bút phê bình xuất sắc. Những bài bình của ông rất đặc sắc, tài hoa. Tên tuổi ông trở thành bất tử với tác phẩm Thi nhân Việt Nam (1942). Bài Ý nghĩa văn chương của Hoài Thanh viết đã trên 60 năm, nhưng ngày nay chúng ta đọc vẫn tìm được nhiều điều thú vị.

Hai chữ “văn chương” trong bài văn này mang nghĩa hẹp, đó là tác phẩm thơ văn, là vẻ đẹp của câu thơ, lời văn. Đây là một bài báo ngắn, nên Hoài Thanh chỉ nói được một số điều, một số ý kiến về ý nghĩa văn chương. Tác giả vào đề bằng một câu chuyện đời xưa kể chuyện một thi sĩ Ấn Độ đã khóc nức nở khi nhìn thấy một con chim bị thương..., tác giả chỉ ra rằng: “Tiếng khóc ấy, nhịp đau thương ấy chính là nguồn gốc của thi ca”. Hoài Thanh vào đề một cách có duyên, nhẹ nhàng, hấp dẫn. Cách mở bài ấy được gọi là “dụ khởi” (lối mở bằng ví dụ, Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn cũng có cách mở bài như thế). Từ câu chuyện hoang đường ấy, tác giả nêu rõ nguồn gốc của văn chương là gì. Đó là lòng thương người và rộng ra là thương cả muôn vật, muôn loài. Nói một cách khác, hiểu một cách khác, cảm hứng thơ văn là tình thương.

Ý nghĩa văn chương là “hình dung sự sống, hoặc sáng tạo ra sự sống”. Nguồn gốc của văn chương “cũng là giúp cho tình cảm và gợi lòng vị tha”. Hoài Thanh đã có một cách nói riêng, chỉ ra hai chức năng của văn chương là nhận thức và giáo dục. Văn học phản ánh hiện thực, nâng cao nhận thức hiện thực, giúp người đọc “hình dung sự sống muôn hình vạn trạng”; văn học còn “sáng tạo ra sự sống”, đó là điều kì diệu của thơ văn. Ví dụ, khi đọc những bài thơ như Khoảng trời, hố bom (Lâm Thị Mỹ Dạ), Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật)..., ta hình dung được, hiểu được cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta trải qua muôn vàn khó khăn ác liệt, tuổi trẻ Việt Nam rất anh hùng.

Nguồn gốc của văn chương “là tình cảm, là lòng vị tha”; thơ văn đích thực có “mãnh lực lạ lùng” có thể làm cho độc giả vui, buồn, mừng, giận... Đó chính là tính giáo dục của văn chương. Văn chương có tính nhân bản đã góp phần nhân đạo hóa con người. Quan niệm của Hoài Thanh về nguồn gốc, về công dụng của văn chương rất tiến bộ, đúng đắn. Ta yêu kính cha mẹ hơn, hiếu thảo hơn khi đọc bài ca dao “Công cha như núi Thái Sơn”. Ta thầm nhớ công ơn người trồng cây, gieo hạt nhờ họ, ta được nếm hương đời, vị đời:

“Ai ơi bưng bát cơm đầy

Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”.

Văn chương rất kì diệu, thể hiện những ước mơ, khát vọng của con người, “gây cho ta những tình cảm ta không có (hoặc sẽ có), luyện những tình cảm ta sẵn có” như Hoài Thanh đã nói. Thương người, yêu quê hương đất nước, yêu thiên nhiên, say mê học tập và lao động, sáng tạo, mơ ước vươn tới những chân trời bao la.., những tình cảm ấy là do cuộc sống, do văn chương mà tâm hồn ta được bồi đắp. Văn chương làm cho cuộc đời thêm đẹp, cuộc sống thêm sắc màu ý vị, phong phú hơn, đẹp đẽ hơn. Đúng như tác giả đã viết: “Cuộc đời phù phiếm và chật hẹp của cá nhân vì văn chương mà trở nên thâm trầm và rộng rãi đến trăm nghìn lần”. “Tôi yêu sông xanh, núi tím; tôi yêu đôi mày ai như trăng mới in ngần và tôi cũng xây mộng ước mơ, nhưng yêu nhất mùa xuân..!” (Vũ Bằng).

“Khi chén rượu, khi cuộc cờ

Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên”.

(Truyện Kiều - Nguyễn Du)

Cuộc đời không thể thiếu văn chương. Văn chương sáng tạo ra cái đẹp, làm cho ta thấy cuộc đời đẹp hơn, đáng yêu hơn. Hoài Thanh đã dùng hình ảnh gợi cảm để diễn tả ý đó: “từ khi các thi sĩ ca tụng cảnh núi non, hoa cỏ, núi non, hoa cỏ trông mới đẹp; từ khi có người lấy tiếng chim kêu, tiếng suối chảy làm đề ngâm vịnh, tiếng chim, tiếng suối nghe mới hay”.

Phân tích Ý nghĩa văn chương (mẫu 9)

Hoài Thanh là một nhà phê bình văn học xuất sắc. Với “Ý nghĩa văn chương” tác giả đã cho giới thiệu về nguồn gốc, công dụng và nhiệm vụ của văn chương.

Mở đầu bài viết, Hoài Thanh đã lý giải nguồn gốc của văn chương bằng việc dẫn ra một câu chuyện Ấn Độ: “ Người ta kể chuyện đời xưa, một nhà thi sĩ Ấn Độ trông thấy một con chim bị thương rơi xuống bên chân mình. Thi sĩ thương hại quá, khóc nức lên, quả tim cùng hoà một nhịp với sự run rẩy của con chim sắp chết. Tiếng khóc ấy, dịp đau thương ấy chính là nguồn gốc của thi ca”. Từ đó, ông đã đưa ra nhận định rằng nguồn gốc cốt yếu của văn chương chính là lòng thương người, và rộng ra là cả muôn vật, muôn loài. Cách đặt vấn đề sáng tạo, đưa ra được quan niệm đúng đắn, có lí về nguồn gốc của văn chương.

Phần tiếp theo, tác giả đề cập đến nhiệm vụ của văn chương với đời sống của con người: “ Văn chương sẽ là hình dung của sự sống muôn hình vạn trạng” có nghĩa là văn chương phản ánh hiện thực phong phú, đa dạng của cuộc sống. Và “văn chương còn sáng tạo ra sự sống” có nghĩa là văn chương đưa ra, dựng lên hình ảnh, ý tưởng, một thế giới mơ ước mà con người luôn khát khao đạt đến. Khi đọc một tác phẩm văn học, người đọc sẽ hiểu rõ hơn về thời đại mà tác phẩm đó phản ánh, hay khao khát hướng đến.

Cuối cùng, Hoài Thanh đã khẳng định công dụng to lớn của văn chương. Văn chương giúp cho tình cảm và gợi lòng vị tha: “văn chương gây cho ta những tình cảm không có và luyện cho ta những tình cảm sẵn có”. Trước hết, “văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có” muốn nói rằng văn chương có khả năng rung động, khơi gợi những xúc cảm bên trong con người như nỗi buồn, niềm vui, sự đồng cảm. Còn “văn chương luyện những tình cảm ta sẵn có” có nghĩa là văn chương diễn tả sâu sắc những tình cảm của con người, khiến những tình cảm sẵn có trong ta trở nên rõ ràng hơn, sắc nét hơn, phong phú hơn. Khi đọc truyện “Bức tranh của em gái tôi”, người đọc cảm nhận được lòng nhân hậu, tình yêu thương trong sáng của cô bé Kiều Phương dành cho người anh trai. Từ đó, chúng ta nhận ra bài học vô cùng ý nghĩa về tình cảm gia đình.

Tóm lại, bài viết “Ý nghĩa văn chương” của Hoài Thanh tuy ngắn gọn, nhưng giàu ý nghĩa. Nguồn gốc, công dụng và nhiệm vụ của văn chương đã được tác giả làm sáng rõ.

1 109 23/12/2024


Xem thêm các chương trình khác: