Tự sự là gì? Đặc điểm, cấu trúc, phân loại tự sự

Vietjack.me gửi tới bạn đọc bài viết về tự sự với đầy đủ khái niệm, ví dụ, cách nhận biết, ... Từ đó giúp các em nắm vững được đặc điểm của tự sự để áp dụng khi làm bài. Mời các em tham khảo bài viết dưới đây:

1 416 03/12/2024


Tự sự

1. Tự sự là gì?

Tự sự chính là một loại phương thức trình bày một chuỗi các sự việc. Là khi các sự việc này dẫn đến sự việc kia, cuối cùng dẫn đến một sự kết thúc và thể hiện được ý nghĩa.

2. Cấu trúc của văn bản tự sự

Mở bài: Giới thiệu từng nhân vật và sự việc chính của câu chuyện.

Thân bài: Diễn biến sự việc theo một trình tự nhất định và phải thể hiện được tư tưởng mà người kể muốn biểu đạt.

Kết bài: Kết thúc câu chuyện và bày tỏ được thái độ của người kể

3. Tác dụng của tự sự

Bên cạnh việc truyền tải nội dung câu chuyện, tự sự còn khắc họa chân thật về tính cách của nhân vật. Từ đó, giúp người đọc và người nghe có thể hiểu một cách tường tận về sự việc, con người và kể cả vấn đề, có thể bày tỏ những thái độ khen chê.

Thông qua đó có thể nói, tự sự đã đem đến cho chúng ta nhiều luồng suy ngẫm về những bài học, thông điệp sâu sắc đầy mới mẻ về bản chất con người cũng như cuộc sống. Tự sự đã góp phần quan trọng khi hiện hữu trong cuộc sống, trong giao tiếp và trong văn chương của mỗi chúng ta.

4. Đặc điểm của văn bản tự sự

- Nhân vật

Nhân vật trong văn tự sự chính là những kẻ thực hiện các sự việc và là kẻ được thể hiện trong văn bản. Nhân vật chính sẽ đóng vai trò chủ yếu trong việc thể hiện phần tư tưởng của văn bản, còn nhân vật phụ sẽ giúp nhân vật chính hoạt động. Từng nhân vật được thể hiện qua các mặt như: tên gọi, lai lịch, tính cách, hình dáng, việc làm,…

- Sự việc

Sự việc trong văn tự sự được trình bày theo một cách cụ thể: sự việc xảy ra trong khoảng thời gian, địa điểm cụ thể và do nhân vật cụ thể thực hiện, có nguyên nhân của vấn đề, diễn biến và sau cùng là kết quả,… Sự việc trong văn tự sự luôn được sắp xếp theo một trật tự, diễn biến sao cho lột tả được tư tưởng mà người kể muốn biểu đạt.

- Chủ đề

Mỗi câu chuyện đều xoay quanh một ý nghĩa xã hội nhất định. Ý nghĩa đó đôi khi được toát lên từ những sự việc hoặc cốt truyện. Mỗi văn bản tự sự thường sẽ có một chủ đề, song cũng có văn bản có nhiều chủ đề và trong đó sẽ có một chủ đề chính.

- Lời văn tự sự

Chủ yếu là đề cập đến kể người, kể việc. Khi kể người thì có thể giới thiệu những thông tin như: tên, lai lịch, tính cách, tài năng, ý nghĩa của nhân vật đó. Khi kể việc thì sẽ chú ý kể các hành động, việc làm, kết quả và sự đổi thay từ các hành động đó đem lại. Đoạn trong văn tự sự thường sẽ là đoạn diễn dịch.

- Thứ tự kể

Khi kể chuyện, có thể kể các sự việc theo trình tự liên tiếp nhau một cách tự nhiên, việc gì xảy ra trước thì kể trước, việc gì xảy ra sau thì kể sau cho đến hết. Nhưng để tạo yếu tố bất ngờ gây chú ý, hoặc thể hiện tình cảm nhân vật, thường người ta có thể đem kết quả hoặc sự việc hiện tại để kể ra trước, sau đó mới dùng đến cách kể bổ sung hoặc để nhân vật nhớ lại mà kể tiếp các việc đã xảy ra trước đó.

- Ngôi kể

Người đứng ra kể chuyện có thể xuất hiện linh động dưới nhiều hình thức khác nhau, cùng với những ngôi kể khác nhau. Ngôi kể trong lối văn tự sự có thể là ngôi thứ nhất, bộc lộ được những tâm tư tình cảm kèm theo suy nghĩ trực tiếp của nhân vật một cách sâu sắc. Có thể được kể theo ngôi thứ ba, khi thể hiện được sự khách quan với câu chuyện được kể, phạm vi của câu chuyện được kể trong một không gian lớn hơn và có thể cùng lúc. Người kể tuy giấu mình nhưng lại có mặt khắp nơi xuyên suốt trong văn bản.

Người kể chuyện có vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt người đọc đi vào câu chuyện như: giới thiệu nhân vật, tình huống xảy ra, tả người, tả cảnh, đưa ra những lời nhận xét và đánh giá hoặc bày tỏ thái độ, cảm xúc trước những điều được kể.

5. Phân loại tự sự

a. Tiểu thuyết

Đặc điểm:

  • Tiểu thuyết chính là thể loại lớn nhất trong loại tác phẩm tự sự, đặc biệt phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ cận và hiện đại. Ðây là một thể loại không bị giới hạn về dung lượng phản ánh hiện thực, cả về không gian cũng như yếu tố thời gian. Thông qua tiểu thuyết, người đọc có thể hiểu được một giai đoạn lịch sử với nhiều sự kiện, kèm theo nhiều cảnh ngộ, địa điểm, tình huống…mà khó có thể loại nào có thể đạt được. Các yếu tố khác của tác phẩm văn học từ đề tài, chủ đề, nhân vật, kết cấu…cũng đều chịu sự chi phối của đặc điểm này.

  • Tiểu thuyết miêu tả cuộc sống trong từng tính chất văn xuôi. Nó thể hiện bức tranh cuộc sống như một thực tại cùng thời và hấp thu vào bản thân mọi yếu tố ngổn ngang đầy bề bộn của cuộc đời…bao gồm những yếu tố: bi – hài, cao cả – thấp hèn, vĩ đại – tầm thường, lớn – nhỏ…Chính dung lượng phản ánh hiện thực rộng lớn đã giúp nhà văn miêu tả nhân vật và hoàn cảnh một cách đầy đủ, toàn diện và tỉ mỉ từ những trạng thái tâm hồn cũng như những mối quan hệ đa dạng pha lẫn sự phức tạp khác.

Kết cấu:

  • Tiểu thuyết thường sẽ có nhiều dạng thức kết cấu tùy theo yêu cầu của đề tài, chủ đề hoặc theo sở trường của người viết. Thậm chí người ta còn cho rằng, theo như nguyên tắc, tiểu thuyết không có một hình thức thể loại hoàn kết, bởi vì bản chất của nó là “sử thi của thời đại chúng ta”, tức là sử thi của những cái hiện tại, cái đang đổi thay mỗi ngày, bởi vì điều quan trọng đối với nó chính là sự tiếp xúc tối đa với cái thực tại dang dở khi chưa hoàn tất, cái thực tại đang dần thành hình, cái thực tại luôn bị đánh giá lại, tư duy lại.

  • Tuy thường gặp những vấn đề như: kết cấu chương hồi, kết cấu tâm lý, kết cấu luận đề, kết cấu đơn tuyến, kết cấu đa tuyến… Nhưng tiểu thuyết vẫn không chịu được những chế định chặt chẽ, nó không có bất kỳ quy phạm cố định nào và người viết thậm chí có thể phá vỡ những khuôn mẫu sẵn có để có thể vận dụng một cách linh hoạt và sáng tạo các hình thức kết cấu khác nhau.

Nghệ thuật kể chuyện:

  • Cũng như các hình thái tự sự khác, tiểu thuyết đã lấy nghệ thuật kể chuyện làm giọng điệu chính của tác phẩm. Thông thường ở tác phẩm sẽ xuất hiện người kể chuyện như một nhân vật trung gian có nhiệm vụ miêu tả và kể lại những diễn biến của chuyện. Tuy sự tồn tại của những yếu tố này là ước lệ nghệ thuật của nhiều thể loại thuộc tự sự, nhưng nghệ thuật kể chuyện của tiểu thuyết vẫn cho thấy sự đa dạng đặc biệt là về phong cách: có thể thông qua nhân vật trung gian, có thể là nhân vật với danh xưng “tôi”, cũng có thể là một nhân vật khác trong tác phẩm, tất cả đều tạo nên các tác phẩm có một điểm nhìn trần thuật.

b. Truyện ngắn

Đặc điểm

  • Ðây là một loại văn xuôi tự sự có hình thức ngắn gọn. Tuy nhiên, đặc trưng của truyện ngắn không phải chỉ vì bản chất nó ngắn mà chủ yếu là cách nắm bắt và lột tả được hiện thực cuộc sống.

  • Nhà văn thường sẽ hướng tới khắc họa một hiện tượng, phát hiện một nét bản chất nào đó trong chính những quan hệ nhân sinh hay đời sống tâm hồn con người. Trong truyện ngắn, nếu nhà văn đặt quá nhiều vấn đề, thì câu chuyện sẽ dễ bị loãng. Tập trung về sự kiện, tập trung về chủ đề, về ấn tượng mới chính là là yêu cầu của truyện ngắn

  • Về phần nhân vật của truyện ngắn thường không nhiều và cuộc đời của nhân vật có xu hướng được miêu tả như một khoảnh khắc, mảnh nhỏ nhưng lại có ý nghĩa xuyên suốt cuộc đời nhân vật. Vì vậy, nhịp điệu truyện ngắn mang tính khẩn trương, gấp rút, kết hợp nhiều yếu tố bất ngờ, chuyển đoạn đột ngột trong giới thiệu, bố cục và kết thúc câu chuyện.

Kết cấu:

  • Truyện ngắn buộc phải có cốt truyện, nghĩa là phải có các sự kiện, tình tiết, các biến cố xảy ra liên tiếp, sự việc này nối tiếp sự việc kia, hoặc là sự việc này làm nảy sinh sự việc kia, mọi thứ dồn đẩy đạt đến đỉnh điểm của mâu thuẫn và buộc phải giải quyết. Khi mọi vấn đề được giải quyết xong thì chính là lúc truyện kết thúc.

  • Truyện ngắn có khả năng thể hiện chính xác nhân vật trong một phần hoặc toàn bộ cuộc đời. Miêu tả chân thật đến từng tính cách, số phận nhân vật thông qua hình dáng, tâm trạng, lời nói và hành động biểu hiện hằng ngày, cũng như trong những tình huống, biến cố đặc biệt. Tùy theo lối kể chuyện của tác giả mà nhân vật có thể được miêu tả tỉ mỉ và chi tiết trong sinh hoạt lẫn đời sống tâm lý, thông qua cách sử dụng ngôn ngữ.

  • Với mức dung lượng nhỏ hơn truyện vừa và cốt truyện gồm những sự kiện diễn ra trong một khoảng thời gian và không gian bị hạn chế. Chính vì thế, truyện ngắn thường được độc giả đọc liền một mạch không ngừng nghỉ.

  • Truyện ngắn thường miêu tả sâu sắc một mảng của cuộc sống, một vài biến cố tình cờ xảy ra trong một giai đoạn nào đó của đời sống nhân vật, phô diễn được một mặt của vấn đề nào đó trong xã hội.

  • Để thể hiện nổi bật tư tưởng chủ đề cũng như khắc hoạ sắc nét tính cách nhân vật, truyện ngắn đòi hỏi nhà văn phải đạt đến trình độ điêu luyện, biết mạnh dạn gọt tỉa và dồn nén để vừa vặn trong một khuôn khổ ngắn gọn, những truyện ngắn xuất sắc vẫn có thể biểu hiện được những vấn đề của xã hội có tầm khái quát rộng lớn.

Nghệ thuật kể chuyện:

  • Yếu tố cần nhất chính là sự phong phú và linh hoạt về ngôn ngữ. Truyện ngắn có vô vàn hình thức ngôn ngữ khác nhau. Ngoài ngôn ngữ của người kể, thì còn có ngôn ngữ nhân vật, mỗi nhân vật đều có đặc điểm ngôn ngữ riêng.

  • Bên cạnh lời đối thoại giữa các nhân vật còn có những lời độc thoại nội tâm của từng nhân vật. Lời kể có khi là lời tác giả, cũng có khi lại hòa nhập vào lời nhân vật và ngược lại. Chính vì thế mà ngôn ngữ trong truyện ngắn có xu hướng sinh động và đa dạng.

  • Truyện ngắn thường thông qua lời kể và lời miêu tả của tác giả để tái hiện những việc làm, hoặc những biến cố xung quanh cuộc đời của một hay nhiều nhân vật. Thông qua đó nhằm tái dựng lại một bức tranh đời sống trong giai đoạn lịch sử nào đó đang diễn ra một cách khách quan. Từ đó bày tỏ những suy nghĩ, nói lên nhưng cảm nhận, đánh giá thái độ và quan điểm của người viết về một vấn đề xã hội nào đó.

c. Truyện vừa

  • Truyện vừa là một thể loại tự sự cỡ trung bình, xét về dung lượng thì đứng giữa tiểu thuyết và truyện ngắn. Do có điểm giống nhau về phương pháp xây dựng điển hình cũng như hình thức biểu hiện nên ranh giới giữa truyện vừa và tiểu thuyết rất dễ nhầm lẫn.

  • Sự phân biệt trước hết giữa truyện vừa và tiểu thuyết chủ yếu chính là dung lượng hiện thực, biểu hiện ở số lượng nhân vật, ngay trong khuôn khổ cốt truyện và ngay cả ở số trang, vì thường một truyện vừa từ 150 trang trở lại.

  • Tuy nhiên, điều cần chú ý là truyện vừa mang tính trần thuật cô đọng và súc tích hơn tiểu thuyết. Nếu như tiểu thuyết nặng về miêu tả thì truyện vừa chú ý nhiều hơn đến yếu tố thuật, vì vậy dung lượng thường sẽ ngắn hơn. Như vậy, giữa truyện vừa và tiểu thuyết, ngoài dung lượng hiện thực được thể hiện, thì còn có sự khác nhau ở nguyên tắc tái hiện hiện thực nữa.

d. Sử thi

Đặc điểm:

  • Đây là tác phẩm theo thể tự sự, có nội dung hàm chứa những bức tranh rộng và hoàn chỉnh về đời sống chân thật của nhân dân với nhân vật trung tâm, bao gồm những vị anh hùng, dũng sĩ đại diện cho một thế hệ.

  • Nổi bật là sử thi anh hùng, các tác phẩm thường có xu hướng đề cập đến những vấn đề chung của cộng đồng, của xã hội và của đất nước. Đồng thời, còn nhắc đến những sự kiện có ý nghĩa lịch sử liên quan đến vận mệnh, cũng như sự sống còn của cả cộng đồng.

  • Xây dựng hình tượng: Các nhân vật, hình tượng trong các tác phẩm luôn mang cảm hứng sử thi, dù là những con người bình dị mộc mạc thuộc nhiều tầng lớp, lứa tuổi kể cả thành phần dân tộc… tất cả đều mang trong mình những phẩm chất anh hùng, thể hiện tầm vóc lớn lao, kết tụ sức mạnh và ý chí cũng như phẩm chất chung của cả cộng đồng. Số phận cá nhân được gắn chặt với số phận cộng đồng. Các vấn đề đời tư hầu như cũng không được đặt ra, nếu có thì cũng chỉ mang ý nghĩa nhằm nhấn mạnh thêm trách nhiệm và tình cảm của người anh hùng với cộng đồng.

  • Ngôn ngữ: Ngôn ngữ thường mang tính chất trang trọng, giàu hình ảnh, có tính biểu tượng cao và giàu giá trị gợi cảm. Giọng điệu tác phẩm thường mang một âm hưởng hùng tráng, lay động và khích lệ mạnh mẽ đến tình cảm người đọc.

  • Các tác phẩm mang cảm hứng sử thi luôn khoác chiếc áo của sự lạc quan, niềm tin tưởng vào tương lai tươi sáng của đất nước, cũng như thắng lợi vẻ vang của dân tộc. Khi xây dựng những hình tượng, nhân vật, thường sẽ lấy nguồn cảm hứng khẳng định, ngợi ca, tự hào…Chính vì thế, cảm hứng sử thi thường gắn với cảm hứng lãng mạn.

Thể loại:

  • Sử thi anh hùng dân gian: sẽ kể về những bậc thủy tổ – những vị anh hùng văn hóa, về các tích truyện dũng sĩ hoặc xa xưa hơn nữa là các truyền thuyết lịch sử, các bài tụng ca.

  • Sử thi cổ điển: nhân vật thường là các dũng sĩ kiêm thủ lĩnh hoặc các chiến binh đại diện dân tộc ở tầm lịch sử. Bên cạnh đó, còn có các kẻ thù của họ thường được đồng nhất với bọn xâm lược, những kẻ áp bức, ngoại bang và dị giáo.

  • Sử thi anh hùng: trong những tác phẩm sử thi anh hùng cỡ lớn sẽ thể hiện sự tương quan giữa yếu tố cá nhân anh hùng và yếu tố sử thi tập thể một cách rõ rệt. Song, những yếu tố này đủ để bộc lộ tính tích cực cá nhân và đã trở thành công cụ đắc lực cho sự biểu hiện yếu tố toàn dân cũng như toàn dân tộc.

e. Ngụ ngôn

Đặc điểm:

  • Chính là một thể loại của văn học giáo huấn, nội dung xoay quanh về đạo đức, có hình thức thơ hoặc văn xuôi tương đối ngắn, kèm theo sử dụng phúng dụ như một nguyên tắc tổ chức tác phẩm.

  • Đặc điểm nổi bật cấu trúc của ngụ ngôn hầu như không có biến đổi trong suốt quá trình lịch sử của thể loại. Đó là do sự phụ thuộc bởi tính chất, đối tượng và chức năng của nó. Ngụ ngôn là một trong những kiểu truyện phúng dụ bằng thơ hoặc văn xuôi rất ngắn, nhưng mang nội dung giáo dục đạo đức. Bài học đạo đức trong những tác phẩm toát ra từ việc chế giễu các tính cách cũng như đặc điểm tiêu cực nào đó của con người. Tuy nhiên, phần lớn là các thói xấu, nhược điểm của con người đã được thể hiện rõ ràng trong các hình tượng loài vật như chim, cá, thú, gia súc… Phúng dụ của ngụ ngôn thường sẽ dựa trên các đặc điểm tiêu biểu, mang tính thông dụng của các loài vật (như cáo ranh mãnh, sư tử khỏe mạnh, thỏ nhút nhát,..). Cốt truyện ngụ ngôn vừa ngắn vừa hàm súc, nhưng giàu sức biểu hiện, bộc lộ bản chất của đối tượng, và hình thức phúng dụ chính là trợ giúp đắc lực cho sự thuyết minh tính cách của nhân vật ngụ ngôn.

  • Ngụ ngôn không chỉ gửi gắm ý nghĩa giáo dục và đạo đức, mà còn ít nhiều mang ý nghĩa triết lý về nhận thức luận hoặc về chính trị.

Cấu trúc:

  • Hầu hết các tác phẩm ngụ ngôn thường được chia thành hai phần: phần thứ nhất sẽ truyền đạt một hiện tượng hay một nhân vật, sự kiện buồn cười. Còn phần thứ hai là bài học đạo đức. Tuy nhiên, không nhất thiết mọi tác phẩm ngụ ngôn cũng đều có cấu trúc tương tự. Bên cạnh đó, cũng có nhiều tác phẩm phần 2 bị lược đi, vì bài học đã thoát ra từ cốt truyện.

6. Các phương thức biểu đạt trong văn tự sự

* Miêu tả trong văn tự sự:

- Miêu tả bên ngoài: miêu tả ngoại hình nhân vật, làm cho các nhân vật có hình dáng riêng, cụ thể; miêu tả cảnh vật làm cho sự việc thêm cụ thể, chi tiết chân thực, sinh động, gợi cảm.

- Miêu tả nội tâm nhân vật: diễn tả tâm tư tình cảm, cảm xúc, những trạng thái tình cảm của nhân vật, khiến cho nhân vật được thể hiện đầy đủ, sâu sắc hơn.

- Miêu tả nội tâm là biện pháp quan trọng để xây dựng nhân vật, thể hiện tính cách nhân vật, từ đó thể hiện tư tưởng nhà văn về cuộc đời, nhân vật tạo nên sức hấp dẫn và ấn tượng đối với người đọc.

- Miêu tả nội tâm trực tiếp bằng cách diễn đạt những ý nghĩ, cảm xúc, tình cảm của nhân vật. Miêu tả nội tâm gián tiếp bằng cách miêu tả cảnh vật, cử chỉ, nét mặt, trang phục của nhân vật.

* Biểu cảm trong văn tự sự: Biểu cảm trực tiếp hoặc gián tiếp đều giúp cho nhân vật thể hiện được thế giới nội tâm của mình, thể hiện cảm xúc chân thực, có khi là cảm xúc của chính tác giả, người kể chuyện trong quá trình kể chuyện.

* Lập luận trong văn tự sự: Lập luận thể hiện thông qua đối thoại; đối thoại giữa các nhân vật, đối thoại với chính mình, trong đó người kể chuyện hoặc nhân vật nêu lên những nhận xét, suy luận, phán đoán, lí lẽ, dẫn chứng,… nhằm bày tỏ quan điểm, thuyết phục người nghe (đọc) về một vấn đề nào đó. Hình thức lập luận làm cho câu chuyện thêm phần triết lí sâu sắc. Hi vọng thông qua bài này, học sinh chúng ta sẽ nắm rõ hơn về văn tự sự để có thể vận dụng và tạo lập văn bản một cách linh hoạt.

7. Phân biệt tự sự, miêu tả, biểu cảm

*Giống nhau: Các loại văn bản đều bộc lộ tình cảm của người viết, giúp bài văn có sự truyền cảm, rung động và đều có yếu tổ kể.

* Khác nhau:

Phương thức Tự sự Miêu tả Biểu cảm
Định nghĩa Là dùng ngôn ngữ để kể về một chuỗi sự việc, sự việc này sẽ dẫn đến sự việc kia và cuối cùng tạo thành một kết thúc. Ngoài ra, người ta thường không chỉ chú trọng đến việc kể, mà còn quan tâm đến việc khắc hoạ chân thật những tính cách nhân vật và nêu lên những nhận thức sâu sắc đầy mới mẻ về bản chất của con người và cuộc sống. Là dùng chính ngôn ngữ để làm cho người nghe, người đọc có thể hình dung được cụ thể những sự vật, sự việc một cách rõ ràng, hệt như đang hiện ra trước mắt hoặc có thể nhận biết được thế giới nội tâm của con người. Là dùng ngôn ngữ để có thể bộc lộ tình cảm, bày tỏ những cung bậc cảm xúc của mình về thế giới xung quanh.
Dấu hiệu nhận biết có cốt truyện, có nhân vật, có diễn biến sự việc, có những câu văn trần thuật. Tự sự thường sẽ được sử dụng trong truyện, tiểu thuyết, văn xuôi nói chung và đôi khi còn được dùng trong thơ (khi muốn kể sự việc). Có các câu văn, câu thơ tái hiện lại từ hình dáng, diện mạo cho đến màu sắc,… của người và sự vật (tả người, tả cảnh, tả tình,….) Có các câu văn, câu thơ miêu tả nguồn cảm xúc, thái độ chân thật của người viết hoặc của nhân vật trữ tình (Lưu ý, cảm xúc của người viết, chứ không hẳn là cảm xúc của nhân vật trong truyện).
Yếu tố chính yếu tổ tự sự là chính, yếu tố biểu cảm là phụ, nhưng khi viết vẫn phải sử dụng yếu tố miêu tả cho bài văn hay hơn, giàu sức truyền cảm hơn. yếu tố miêu tả và biểu cảm là chính nhằm tái hiện lại cảnh vật, hiện tượng sao cho người đọc cảm nhận được. yếu tổ biểu cảm là yếu tố chính

1 416 03/12/2024


Xem thêm các chương trình khác: