Hoán dụ là gì? Tác dụng của biện pháp hoán dụ? Ví dụ

Vietjack.me gửi tới bạn đọc bài viết về biện pháp hoán dụ với đầy đủ khái niệm, ví dụ, cách nhận biết, ... Từ đó giúp các em nắm vững được biện pháp tu từ hoán dụ để áp dụng khi làm bài. Mời các em tham khảo bài viết dưới đây:

1 578 07/10/2024


Biện pháp hoán dụ

I. Hoán dụ là gì?

1. Khái niệm

Hoán dụ là cách gọi tên sự vật, sự việc hiện tượng hay khái niệm bằng tên của một sự vật, sự việc, hiện tượng, khái niệm khác có quan hệ gần gũi với nhau để tăng tính tượng hình cũng như tạo ra sự ấn tượng cho bài văn.

2. Cách phân tích biện pháp hoán dụ

Bước 1: Nêu tên của biện pháp hoán dụ được sử dụng cùng với hình thức hoán dụ

Bước 2: Chỉ rõ các từ ngữ và hình ảnh hoán dụ được sử dụng

Bước 3: Nêu hiệu quả của phép hoán dụ trong câu văn hoặc câu thơ đó

3. Ví dụ

Áo nâu liền với áo xanh

Nông thôn cùng với thị thành đứng lên

(Tố Hữu)

Hai câu thơ trên tác giả đã vận dụng biện pháp hoán dụ, dùng hình ảnh "áo nâu" để chỉ người nông dân và hình ảnh "áo xanh" để chỉ người "công nhân", đề cao sức mạnh đoàn kết của hai giai cấp. Đồng thời, hình ảnh "nông thôn" nhằm chỉ những người ở vùng nông thôn còn hình ảnh "thị thành" dùng để chỉ những người sống ở thị thành.

II. Tác dụng, ý nghĩa của biện pháp hoán dụ

1. Tác dụng của biện pháp hoán dụ

Tác dụng của hoán dụ là giúp người đọc nhận thức được một sự vật, hiện tượng thông qua hình ảnh của sự vật, hiện tượng khác tương đồng và tăng thêm ý nghĩa cho câu văn giống như biện pháp ẩn dụ.

Hoán dụ được sử dụng nhiều trong sự thể hiện tình cảm, mang sự tương đồng giữa sự vật hiện tượng giúp cho người đọc dễ dàng liên tưởng hơn về hình ảnh mà câu văn muốn mang lại.

2. Ý nghĩa của biện pháp hoán dụ

Hoán dụ là một biện pháp tu từ được sử dụng phổ biến để tăng sức gợi hình, gợi cảm giúp sự diễn đạt có tính hiệu quả cao. Đồng thời, hoán dụ được sử dụng để biểu thị mối quan hệ gần gũi, có tính chất tương đồng của sự vật - hiện tượng này với sự vật - hiện tượng khác để độc giả dễ dàng liên tưởng đến hai đối tượng mà không cần so sánh chúng.

Nội dung cơ bản để hình thành biện pháp hoán dụ là sự liên tưởng, phát hiện ra những mối quan hệ gần gũi giữa các sự vật - hiện tượng. Đây cũng chính là đặc điểm khiến nhiều người nhầm lẫn giữa hoán dụ và ẩn dụ bởi cả hai biện pháp này đều sử dụng mối liên hệ tương đồng giữa các sự vật - hiện tượng với nhau.

Đây là biện pháp được sử dụng nhiều trong văn học bởi nó thể hiện được nhiều văn phong khác nhau, thể hiện được sự cá tính của tác giả và mang nhiều cảm xúc kín đáo, sâu sắc.

III. Các hình thức hoán dụ

Hoán dụ có 4 loại hình thức thường gặp:

1. Lấy đặc điểm, dấu hiệu của một hiện tượng, sự vật để nói về sự vật, hiện tượng

  • Ví dụ:

    “Ngày Huế đổ máu

    Chú Hà Nội về

    Tình cờ chú cháu

    Gặp nhau Hàng Bè.”

    (Theo Tố Hữu)

    – Từ “Huế” ở đây được sử dụng để chỉ những người sống tại Huế. Như vậy, giữa hình ảnh “Huế” và hình ảnh “người sống ở Huế” có mối quan hệ gần gũi giữa vật chứa đựng và vật bị chứa đựng (trong kiểu hoán dụ thứ 2)

    – Từ “đổ máu” khiến người đọc có thể liên tưởng tới chiến tranh. Như vậy, giữa 2 hình ảnh “đổ máu” và “chiến tranh” có mối quan hệ gần gũi giữa dấu hiệu của sự vật và với sự vật mang dấu hiệu.

2. Lấy cái cụ thể để chỉ sự vô hình, trừu tượng

Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại lên hòn núi cao.

Ở đây, hình ảnh hoán dụ là "một cây" và "ba cây". Trong đó, "một cây" là số lượng ít, đơn lẻ, ám chỉ sự không đoàn kết, rất khó để làm được việc lớn. Còn "ba cây" là số lượng nhiều, chụm lại ý chỉ sự đoàn kết. Đoàn kết sẽ tạo nên sức mạnh, dẫn đến sự thành công. Đây là phép hoán dụ lấy cái cụ thể để gọi cái trừu tượng.

3. Lấy một bộ phận để nói về toàn thể

  • Bàn tay ta làm nên tất cả

    Có sức người sỏi đá cũng thành cơm.”

    (Theo Hoàng Trung Thông)

    Hình ảnh bàn tay dùng để ám chỉ người lao động. Từ hình ảnh bàn tay và người lao động ta có thể thấy mối quan hệ giữa 1 bộ phận và cái toàn thể.

4. Lấy một vật chứa đựng để nói về một vật bị chứa đựng

  • Vì sao trái đất nặng ân tình

  • Nhắc mãi tên người Hồ Chí Minh

  • Ở câu thơ này, hình ảnh hoán dụ là "trái đất" nhằm chỉ hình ảnh nhân dân Việt Nam (nằm trong trái đất) mãi mãi nhớ đến Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

  • IV. So sánh sự khác nhau giữa ẩn dụ và hoán dụ

Biện pháp tu từ ẩn dụ

Biện pháp tu từ hoán dụ

Giống nhau

– Gọi tên hoặc làm liên tưởng sự vật này thông qua một sự vật khác– Làm tăng sức gợi hình và tạo nên sự độc đáo cho câu văn

Khác nhau

Sử dụng dựa trên mối quan hệ về sự tương đồng (giống nhau) về các mặt như:– Phẩm chất.

– Hình thức.

– Cách thức.

– Chuyển đổi cảm giác

Sử dụng dựa trên mối quan hệ về sự tương cận hay gần gũi về các mặt như:
– Bộ phận với cái toàn thể– vật chứa đựng – Vật bị chứa đựng– Cái cụ thể – Cái trừu tượng.– Dấu hiệu của sự vật – Sự vật.

V. Sơ đồ tư duy biện pháp hoán dụ

Biện pháp hoán dụ là gì? Tác dụng của biện pháp? Ví dụ về biện pháp hoán dụ? (ảnh 1)

VI. Bài tập hoán dụ

Bài 1: Chỉ ra hình ảnh hoán dụ và kiểu hoán dụ trong những câu sau:

a. Họ là chục tay sào, tay chèo, làm ruộng cũng giỏi mà làm thuyền cũng giỏi.

b. Nhân danh ai

Bay chôn tuổi thanh xuân của chúng ta trong những quan tài.

Trả lời:

a. "Tay sào, tay chèo" là hình ảnh hoán dụ dùng để chỉ người chèo thuyền. Đây là kiểu hoán dụ lấy bộ phận để chỉ cái toàn thể

b. "Tuổi thanh xuân" là hình ảnh hoán dụ dùng để chỉ tuổi trẻ. Đây là kiểu hoán dụ lấy dấu hiệu của sự vật để gọi sự vật.

Bài 2: Chỉ ra phép hoán dụ trong những câu thơ, câu văn sau và cho biết mối quan hệ giữa các sự vật trong mỗi phép hoán dụ là gì?

a. Làng xóm ta xưa kia lam lũ quanh năm mà vẫn quanh năm đói rách. Làng xóm ta ngày nay bốn mùa nhộn nhịp cảnh làm ăn tập thể.

(Hồ Chí Minh)

b. Vì lợi ích mười năm phải trông cây

Vì lợi ích trăm năm phải trồng người

(Hồ Chí Minh)

c. Áo chàm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay

(Tố Hữu)

d. Vì sau? Trái đất nặng ân tình

Nhắc mãi tên Người : Hồ Chí Minh

(Tố Hữu)

Trả lời: Các phép hoán dụ trong các câu trên là:

a. "Làng xóm ta" là hình ảnh hoán dụ chỉ những người nông dân. Đây là kiểu hoán dụ lấy vật chứa đựng để gọi vật bị chứa đựng.

b. "Mười năm" là hình ảnh hoán dụ chỉ khoảng thời gian ngắn, "trăm năm" chỉ khoảng thời gian dài. Đây là kiểu hoán dụ lấy cái cụ thể để gọi cái trừu tượng.

c. "Áo chàm" là hình ảnh hoán dụ chỉ người Việt Bắc. Đây là kiểu hoán dụ lấy dấu hiệu của sự vật để gọi sự vật

d. "Trái đất" là hình ảnh hoán dụ chỉ dân tộc Việt Nam. Đây là kiểu hoán dụ lấy vật chứa đựng để gọi vật bị chứa đựng.

Xem thêm các bài viết liên quan hay, đầy đủ khác:

Trắc nghiệm Thực hành phép tu từ Ẩn dụ và Hoán dụ có đáp án – Ngữ văn lớp 10

TOP 15 câu Trắc nghiệm Lý thuyết về hoán dụ (có đáp án) - Chân trời sáng tạo

1 578 07/10/2024


Xem thêm các chương trình khác: