Chủ ngữ là gì? Vị ngữ là gì? Các thành phần chính trong câu

Vietjack.me gửi tới bạn đọc bài viết về chủ ngữ và vị ngữ với đầy đủ khái niệm, ví dụ, cách nhận biết, ... Từ đó giúp các em nắm vững được đặc điểm của chủ ngữ và vị ngữ để áp dụng khi làm bài. Mời các em tham khảo bài viết dưới đây:

1 221 04/10/2024


Chủ ngữ và vị ngữ

1. Chủ ngữ là gì?

Chủ ngữ được biết đến là thành phần chính trong câu thường để chỉ người hay một sự vật, sự việc cụ thể. Chúng thường do các đại từ, danh từ đảm nhiệm, trong một số trường hợp còn do tính từ hay động từ đứng ra làm chủ ngữ.

Ví dụ: Cậu ấy là một người tốt. Ở đây, “cậu ấy” chính là chủ ngữ.

2. Vị ngữ là gì?

Vị ngữ cũng là một thành phần chính trong câu thường sẽ đứng ngay sau chủ ngữ, chúng thường dùng để nêu rõ đặc điểm, hoạt động, tính chất, bản chất, trạng thái của sự vật, sự việc, con người chính là chủ ngữ được nhắc đến trong câu.

Ví dụ: Cậu ấy là một người tốt, vị ngữ ở đây chính là “là một người tốt” bổ sung ý nghĩa cho chủ ngữ là “cậu ấy”.

3. Trạng ngữ là gì?

Ngoài các thành phần chính trong câu là Chủ ngữ và vị ngữ thì trong câu thường xuất hiện thành phần Trạng ngữ. Vậy Trạng ngữ là gì?

Trạng ngữ là thành phần phụ của câu được sử dụng với mục đích bổ sung ý nghĩa cho thành phần chính và là bộ phận của câu nhằm xác định thời gian, nơi chốn, nguyên nhân của sự việc nêu trong câu. Trạng ngữ thường trả lời cho các câu hỏi sau: Khi nào? Ở đâu? Vì sao? Thông thường giữa trạng ngữ và các thành phần chính của câu thường được ngăn cách bằng dấu phẩy (khi viết), hoặc ngắt quãng (khi nói). Trạng ngữ có thể là một từ hoặc một cụm chủ vị.

Vị trí: Thông thường trạng ngữ thường được đứng ở vị trí đầu câu và sẽ được ngăn cách với thành phần chính qua dấu phẩy. Trong trường hợp trạng ngữ đứng ở cuối câu thì trạng ngữ thường có từ nối.

Có 5 loại trạng ngữ:

- Trạng ngữ chỉ thời gian

- Trạng ngữ chỉ nơi chốn

- Trạng ngữ chỉ nguyên nhân

-Trạng ngữ chỉ mục đích

- Trạng ngữ chỉ phương tiện

Ví dụ: Trong sân, đàn gà con đang tranh nhau mổ thóc.

Trong sân: trạng ngữ chỉ nơi chốn

đàn gà con: chủ ngữ

đang tranh nhau mổ thóc: vị ngữ

4. Một số lỗi sai thường gặp khi đặt câu

- Thiếu chủ ngữ

Ví dụ: Qua truyền thuyết “con rồng cháu tiên” nhằm giải thích, suy tôn nguồn gốc giống nòi và thể hiện ý nguyện đoàn kết, thống nhất cộng đồng của người Việt.

Sửa: Qua truyền thuyết “con rồng cháu tiên”, tác giả nhằm giải thích, suy tôn nguồn gốc giống nòi và thể hiện ý nguyện đoàn kết, thống nhất cộng đồng của người Việt.

- Thiếu vị ngữ

Ví dụ: Bảo, người anh trai thân thiết của tôi.

Sửa: Bảo là người anh trai thân thiết của tôi

- Thiếu cả chủ và vị ngữ

Ví dụ: Mùa hè, mỗi lần đi dạo qua công viên.

Sửa: “Mùa hè, mỗi lần đi dạo qua công viên, tôi lại được hít thờ bầu không khí trong lành mà mẹ thiên nhiên ban tặng"

5. Bài tập xác định các thành phần chính trong câu

Bài 1. Tìm chủ ngữ và vị ngữ trong các câu sau

a. Em bé cười

b. Mấy chú dế sắc nước, loạng choạng bò ra khỏi tổ

c. Một bác giun bò đụng chân nó mát lạnh hay tiếng một chú dế rúc rích cũng khiến nó giật mình, sẵn sàng tụt nhanh xuống hố sâu

Trả lời:

a. Em bé cười

Chủ ngữ: Em bé

Vị ngữ: Cười

b. Mấy chú dế sặc nước, loạng choạng bò ra khỏi tổ

Chủ ngữ: Mấy chú dế sặc nước

Vị ngữ: loạng choạng bò ra khỏi tổ

c. Một bác giun bò đụng chân nó mát lạnh hay tiếng một chú dế rúc rích cũng khiến nó giật mình, sẵn sàng tụt nhanh xuống hố sâu

Chủ ngữ: Một bác giun bò đụng chân nó mát lạnh hay tiếng một chú dế rúc rích

Vị ngữ: cũng khiến nó giật mình, sẵn sàng tụt nhanh xuống hố sâu

Bài 2. Tìm trạng ngữ trong các câu sau và cho biết tên các loại trạng ngữ

a. Thỉnh thoảng, tôi lại về thăm ngoại

b. Trước cổng trường, từng tốp các em nhỏ tíu tít ra về

c. Cô bé dậy thật sớm thổi giúp mẹ nồi cơm vì muốn mẹ đỡ vất vả

d. Để xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ, chúng ta phải học tập và rèn luyện thật tốt.

e. Với giọng nói từ tốn, bà kể cho em nghe về tuổi thơ của bà.

Trả lời:

a. Trạng ngữ trong câu là: Thỉnh thoảng. Đây là loại trạng ngữ chỉ thời gian

b. Trạng ngữ trong câu là: trước cổng trường. Đây là loại trạng ngữ chỉ nơi chốn

c. Trạng ngữ trong câu là: vì muốn mẹ đỡ vất vả. Đây là loại trạng ngữ chỉ nguyên nhân

d. Trạng ngữ trong câu là: để xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ. Đây là loại trạng ngữ chỉ mục đích

e. Trạng ngữ trong câu là: với giọng nói từ tốn. Đây là loại trạng ngữ chỉ phương tiện

Bài 3. Xác định trạng ngữ, chủ ngữ và vị ngữ trong các câu sau:

a. Trong năm học tới đây, các em sẽ cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe lời thầy cô và đối xử tốt với bạn bè.

b. Đâu đó, từ sau khúc quanh vắng lặng của dòng sông, tiếng lanh canh của thuyền chài gỡ những mẻ cá cuối cùng truyền đi trên mặt nước, khiến mặt sông nghe như rộng hơn.

c. Trên cái đất phập phều và nắng gió, cây đứng lẻ khó mà chống nổi những cơn thịnh nộ của trời.

d. Lặng lẽ tới gần xem thực hư thế nào, cụ khẽ e hèm để anh khỏi giật mình.

e. Dưới ánh nắng, giọt sữa gần đông lại, bông lúa ngày càng cong xuống, nặng trĩu cái chất trong sạch của trời.

f. Chiếc lá thoáng chòng chành, chú nhái bén loay hoay cố giữ thăng bằng rồi chiếc thuyền đỏ thắm lặng lẽ xuôi dòng.

Trả lời:

a. Trong năm học tới đây, các em sẽ cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe lời thầy cô và đối xử tốt với bạn bè.

Trạng ngữ: Trong năm học tới đây (chỉ thời gian)

Chủ ngữ: các em

Vị ngữ: sẽ cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe lời thầy cô và đối xử tốt với bạn bè

b. Đâu đó, từ sau khúc quanh vắng lặng của dòng sông, tiếng lanh canh của thuyền chài gỡ những mẻ cá cuối cùng truyền đi trên mặt nước, khiến mặt sông nghe như rộng hơn.

Trạng ngữ: Đâu đó, từ sau khúc quanh vắng lặng của dòng sông (nơi chốn)

Chủ ngữ: tiếng lanh canh của thuyền chài gỡ những mẻ cá cuối cùng truyền đi trên mặt nước

Vị ngữ: khiến mặt sông nghe như rộng hơn

c. Trên cái đất phập phều và nắng gió, cây đứng lẻ khó mà chống nổi những cơn thịnh nộ của trời.

Trạng ngữ: Trên cái đất phập phều và nắng gió (nơi chốn)

Chủ ngữ: cây đứng lẻ

Vị ngữ: khó mà chống nổi những cơn thịnh nộ của trời

d. Lặng lẽ tới gần xem thực hư thế nào, cụ khẽ e hèm để anh khỏi giật mình.

Trạng ngữ: Lặng lẽ tới gần xem thực hư thế nào

Chủ ngữ: cụ

Vị ngữ: khẽ e hèm để anh khỏi giật mình

e. Dưới ánh nắng, giọt sữa gần đông lại, bông lúa ngày càng cong xuống, nặng trĩu cái chất trong sạch của trời.

Trạng ngữ: Dưới ánh nắng

Chủ ngữ: CN1: giọt sữa; CN2: bông lúa

Vị ngữ: VN1: gần đông lại; VN2: ngày càng cong xuống, nặng trĩu cái chất trong sạch của trời

f. Chiếc lá thoáng chòng chành, chú nhái bén loay hoay cố giữ thăng bằng rồi chiếc thuyền đỏ thắm lặng lẽ xuôi dòng.

CN1: Chiếc lá

VN1: thoáng chòng chành

CN2: chú nhái bén

VN2: loay hoay cố giữ thăng bằng

CN3: chiếc thuyền đỏ thắm

VN3: lặng lẽ xuôi dòng.

Bài 4: Xác định thành phần chính của các câu sau

a. Mẹ em là giáo viên

b. Hoa phượng cũng là hoa học trò

c. Đây là bạn An

d. Khoảng gần trưa, khi sương tan, đó là khi chợ náo nhiệt nhất.

Trả lời:

a. Chủ ngữ trong câu là: "mẹ em" trả lời cho câu hỏi: ai là giáo viên?

Vị ngữ trong câu là: "là giáo viên" trả lời cho câu hỏi: mẹ em là gì?

b. Chủ ngữ trong câu là: "hoa phượng", trả lời cho câu hỏi: Hoa gì là hoa học trò?

Vị ngữ trong câu là: "cũng là hoa học trò", trả lời cho câu hỏi: hoa phượng là gì?

c. Chủ ngữ trong câu là: "Đây", trả lời cho câu hỏi: ai là bạn An?

Vị ngữ trong câu là: "là bạn An", trả lời cho câu hỏi: đây là ai?

d. Chủ ngữ trong câu là: "Đó".

Vị ngữ trong câu là: "là khi chợ náo nhiệt nhất", trả lời cho câu hỏi: đó là gì?

1 221 04/10/2024


Xem thêm các chương trình khác: