Tác giả Sơn Tùng - Cuộc đời và sự nghiệp

Bài viết Tác giả Sơn Tùng - Cuộc đời và sự nghiệp giới thiệu đến bạn đọc những nét tiêu biểu về cuộc đời cũng như những thành tựu trong suốt quá trình sự nghiệp của nhà văn Sơn Tùng.

1 3,573 26/12/2023


Tác giả Sơn Tùng - Cuộc đời và sự nghiệp

Tác giả Sơn Tùng - Cuộc đời và sự nghiệp (ảnh 1)

1. Tiểu sử nhà văn Sơn Tùng

- Ngày sinh: sinh ngày 8 tháng 8 năm 1928, mất ngày 22 tháng 7 năm 2021

- Quê quán: làng Hoa Lũy (nay là Kim Lũy), xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An

- Gia đình: Gia đình Sơn Tùng là một gia đình nhà nho nghèo nhưng trọng chữ, có quan hệ họ hàng với Hồ Chí Minh. Bà nội Sơn Tùng (cụ Hà Thị Tự) là cháu họ bà nội Hồ Chí Minh (Cụ Hà Thị Hy), và em trai ông nội của Sơn Tùng đỗ tú tài cùng khoa với em trai ông ngoại của Hồ Chí Minh.

- Cuộc đời:

+ Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1944, có 70 năm tuổi Đảng. Nhà văn Sơn Tùng để lại một di sản văn chương đồ sộ đáng tự hào với hàng chục tác phẩm, trong đó có 21 tác phẩm tiêu biểu.

+ Tiểu thuyết “Búp sen xanh” là tác phẩm tiêu biểu nhất, thành công nhất về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

+ Cả cuộc đời lao động và sáng tạo của mình, nhà văn Sơn Tùng dành nhiều công sức và tâm huyết cho đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng và lan tỏa hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở cả trong và ngoài nước.

2. Sự nghiệp văn học của nhà văn Sơn Tùng

- Tác phẩm

+ Văn xuôi

Sáng tác văn xuôi đã xuất bản của Sơn Tùng hầu hết là các tập truyện ngắn hay tiểu thuyết khá dày dặn, một số cuốn trong đó được tái bản nhiều lần. Đáng chú ý là các cuốn:

  • Bên khung cửa sổ (tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Lao động, 1974)
  • Nhớ nguồn (Nhà xuất bản Phụ Nữ, 1975)
  • Kỷ niệm tháng Năm (1976)
  • Con người và con đường (lời tựa của Đặng Thai Mai, Nhà xuất bản Phụ nữ, 1976)
  • Nguyễn Hữu Tiến (truyện, Nhà xuất bản Thanh Niên, 1981)
  • Búp sen xanh (tiểu thuyết, Nhà xuất bản Kim Đồng, 1981. Sau tái bản nhiều lần, trong đó có bộ Búp sen xanh 2 tập khổ nhỏ, Nhà xuất bản Kim Đồng, 1996)
  • Vườn nắng (Nhà xuất bản Thanh Niên, 1997)
  • Trái tim quả đất (tiểu thuyết, Nhà xuất bản Thanh Niên, 2000)
  • Trần Phú (truyện, Nhà xuất bản Thanh Niên, 2000)
  • Bông sen vàng (tiểu thuyết, Nhà xuất bản Văn Nghệ, tp.Hồ Chí Minh, 2000)
  • Bác về (Nhà xuất bản Phụ Nữ, 2000)
  • Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh (Nhà xuất bản Công an Nhân dân, 2005)
  • Bác Hồ cầu hiền tài (Thông Tấn, 2006)
  • Mẹ về (Nhà xuất bản Phụ Nữ, in lần 3 năm 2006)
  • Lõm (tiểu thuyết, Nhà xuất bản Thanh Niên, 2006)
  • Hoa râm bụt (Nhà xuất bản Công an Nhân dân, 2005; Nhà xuất bản Thanh Niên, 2007)
  • Bác ở nơi đây (Nhà xuất bản Thanh Niên, 2008)
  • Cuộc gặp gỡ định mệnh (tài liệu phục vụ cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2008)
  • Đào Tấn và gia đình cụ Nguyễn Sinh Sắc (Văn Hiến, số 5, 2011)
  • Từ làng Sen (đồng tác giả với họa sĩ Lê Lam, người đã vẽ 25 bức tranh về Hồ Chí Minh trong sách, Nhà xuất bản Kim Đồng, 2009).
  • Nguyễn Ai Quốc qua hồi ức của bà mẹ Nga (Nhà xuất bản Thanh Niên, 2008)
  • Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh (Nhà xuất bản Kim Đồng, 1989, tái bản lần cuối năm 2019)

+ Kịch bản điện ảnh

Cuối năm 1987 Sơn Tùng hoàn thành kịch bản phim mang tên Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng và chuyển cho Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng khi đó đã ủng hộ và thuyết phục Thành uỷ cấp kinh phí làm phim. Nhan đề bộ phim được lấy là Hẹn gặp lại Sài Gòn. Phim được thực hiện năm 1990 với đạo diễn Long Vân, quay phim Nguyễn Quang Tuấn. Thư ký của chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Vũ Kỳ, được mời làm cố vấn chính trị. Diễn viên Tiến Hợi vào vai Chủ tịch Hồ Chí Minh. Do thiếu kinh phí, phim chỉ in ra năm bản trong đó có một bản dành tặng Ấn Độ nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hồ Chủ tịch, và bốn bản chiếu trong nước. Phim được công chúng đón nhận nồng nhiệt vì lần đầu tiên, hình tượng Bác Hồ thời trẻ đã được tái tạo trên màn bạc trong một tác phẩm hoành tráng sinh động.

+ Thơ

Sơn Tùng sáng tác tầm 100 bài thơ, trong đó có nhiều bài thơ hay. Thơ ông mang âm hưởng da diết lãng mạn, thơ và đời gắn kết với nhau. Đáng chú ý là bài Gửi em chiếc nón bài thơ (1955) và Cửa sổ xanh (1971). Bài Gửi em chiếc nón bài thơ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã được nhạc sĩ Lê Việt Hòa phổ nhạc, hiện thực hóa giấc mơ thống nhất đất nước của nhà văn sau 20 năm.

- Giải thưởng

Ngày 14 tháng 7 năm 2011, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết đã ký Quyết định số 1083/QĐ-CTN phong tặng nhà văn Sơn Tùng là Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, trở thành người thứ 4 thuộc Hội Nhà văn Việt Nam được nhận danh hiệu này

Từ năm 2010, Sơn Tùng bị xuất huyết não và yếu đi nhiều do vết thương cũ tái phát nên nhiều việc ông giao cho gia đình quyết định. Bà Phan Hồng Mai vợ nhà văn đã làm hồ sơ xin xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhà văn. Tháng 8 năm 2011, Sơn Tùng là một trong số 56 tác giả lọt vào danh sách đề cử Giải thưởng Nhà nước. Tuy nhiên, vào ngày 18 tháng 8, gia đình nhà văn đã nộp đơn xin rút khỏi giải thưởng.

3. Về các tác phẩm tiêu biểu

3.1. Dọc đường xứ Nghệ

Dọc đường xứ Nghệ - Ngữ văn lớp 7 - Cánh diều (ảnh 1)

a. Thể loại: Tiểu thuyết lịch sử

b. Xuất xứ: In trong “Búp sen xanh” NXB Kim Đồng, Hà Nội, 2005

c. Ngôi kể: Ngôi thứ ba

d. Phương thức biểu đạt: Tự sự kết hợp miêu tả

e. Tóm tắt tác phẩm Dọc đường xứ Nghệ

Câu chuyện kể về cuộc hành trình của ba cha con Phó bảng, từ đền thờ An Dương Vương đến vùng Ba Hòn, Đền Quả Sơn và kết thúc ở Nhà thợ họ Nguyễn Tiên Điền. Hành trình với biết bao câu hỏi thú vị của Côn và Khiêm. Từ đó bộc lộ phẩm chất và tài năng riêng biệt của hai cậu bé

g. Bố cục tác phẩm Dọc đường xứ Nghệ

Chia văn bản làm 3 đoạn

- Đoạn 1: từ đầu … “không cam chịu nộp mình cho giặc”: Câu chuyện tình sử Mị Châu – Trọng Thủy, đền thờ Thục Phán.

- Đoạn 2: tiếp … “có chức trọng quyền cao đó, con ạ.”: Câu chuyện về vùng Ba Hòn và đền Quả Sơn.

- Đoạn 3: còn lại: Câu chuyện về đền thờ Nguyễn Du.

h. Giá trị nội dung tác phẩm Dọc đường xứ Nghệ

- Câu chuyện kể về hành trình đi qua các địa danh của ba cha con cụ Phó Bảng. Mỗi địa danh họ đi qua gắn với một câu chuyện. Và qua các câu chuyện đó, cụ Phó Bảng đã giáo dục các con những phẩm chất, tu dưỡng làm người.

- Tinh thần yêu nước, tự hào về vẻ đẹp của non sông. Đồng thời, nhắc nhở mỗi người phải luôn nhớ về cội nguồn, rèn luyện những phẩm chất tốt đẹp để xứng đáng với lịch sử hào hùng của dân tộc.

i. Giá trị nghệ thuật tác phẩm Dọc đường xứ Nghệ

- Nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn, thú vị. Qua câu chuyện, gửi gắm những bài học sâu sắc.

- Kết hợp tự sự với miêu tả, biểu cảm.

3.2. Bến nhà rồng năm ấy

Tác giả Sơn Tùng - Cuộc đời và sự nghiệp (ảnh 1)

a. Thể loại Truyện lịch sử

b. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác

- In trong Búp sen xanh, NXB Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 2020.

c. Phương thức biểu đạt

Văn bản có phương thức biểu đạt là tự sựkết hợp miêu tả, biểu cảm.

d. Bố cục

Gồm 3 phần.

+ Phần 1: Sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.

+ Phần 2: Nguyên nhân ra đời Bến Nhà Rồng.

+ Phần 3: Quá trình phát triển của Bến Nhà Rồng.

e. Giá trị nội dung

- Văn bản trên kể về sự việc nhân vật “anh Ba” rời bến cảng nhà Rồng sang phương Tây tìm đường cứu nước và cụ thể là sang Pháp.

g. Giá trị nghệ thuật

- Kể chuyện xen kẽ miêu tả một cách sinh động cụ thể, gây được ấn tượng.

- Khắc họa hình tượng anh Ba một cách rõ nét, mang đậm màu sắc sử thi.

- Kể lại các sự kiện một cách rành mạch, chân thực, khách quan, kết hợp yếu tố miêu tả với biện pháp nghệ thuật so sánh, đối lập.

1 3,573 26/12/2023


Xem thêm các chương trình khác: