Tác giả Vũ Trinh - Cuộc đời và sự nghiệp

Bài viết Tác giả Vũ Trinh - Cuộc đời và sự nghiệp giới thiệu đến bạn đọc những nét tiêu biểu về cuộc đời cũng như những thành tựu trong suốt quá trình sự nghiệp của nhà văn Vũ Trinh.

1 2,840 24/12/2023


Tác giả Vũ Trinh - Cuộc đời và sự nghiệp

Tác giả Vũ Trinh - Cuộc đời và sự nghiệp (ảnh 1)

1. Tiểu sử nhà văn Vũ Trinh

- Tự Duy Chu, hiệu Lai Sơn, Nguyên Hanh, Lan Trì ngư giả

- Ngày sinh: 1759-1828

- Quê quán: làng Xuân Lan, huyện Lương Tài, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc, nay là thôn Ngọc Quan, xã Lâm Thao, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh

- Gia đình:

Xuất thân trong một dòng dõi khoa bảng, ông nội là Vũ Miên đậu Hội nguyên Tiến sĩ thời Lê - Trịnh, làm quan đến chức Nhập thị hành Tham tụng (quyền Tể tướng), khi mất được truy tặng chức Binh bộ Thượng thư; và cha của Vũ Trinh là Vũ Chiêu thi đậu Hương giải, làm quan trải giữ các chức Phó Hiến sát sứ Sơn Nam, Tham nghị Hải Dương, rồi được tiến triều làm quan đến chức Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, Hàn lâm viện Thị chế, Tham đồng, Đề lĩnh Tứ thành quân vụ, Sơn Nam đạo Thừa chính sứ.

- Cuộc đời:

Ông theo đòi cử nghiệp, từ nhỏ đã nổi tiếng văn chương. Ở tuổi 17, dự thi Hương, ông đậu Hương cống, từng làm Tri phủ Quốc Oai. Năm 1787, Lê Chiêu Thống bị Bằng Công Nguyễn Hữu Chỉnh lấn lướt, tướng Tây Sơn Vũ Văn Nhậm ra Thăng Long diệt Chỉnh, Lê Chiêu Thống hoảng sợ chạy về Kinh Bắc tỵ nạn. Cha con ông đã đem tất cả gia sản để bảo vệ vua cho trọn đạo thần tử. Lúc Chiêu Thống cầu viện quân Mãn Thanh vào đất đế đô, ông được vời về kinh thăng chức Tham tri chính sự. Không được bao lâu, quân Mãn Thanh bị quét sạch, Lê Chiêu Thống lại xuất bôn theo giặc, còn nhà nho Vũ Trinh thì chạy về Sơn Nam lẩn trốn, giấu tên họ, mở trường dạy học và soạn sách. Khi Gia Long lên ngôi, ông được gọi ra và được phong Thị trung học sĩ, nhậm chức tại Phú Xuân. Năm 1804, ông được lệnh đi nhận di cốt Chiêu Thống và bọn tòng vong tại Trung Quốc đưa về nước. Ông có ý định từ quan và xin ra Bắc nhưng không được chấp nhận. Năm 1807, ông được cử làm Giám thị trường thi Sơn Tây. Năm I809, ông được tham gia sứ bộ sang Trung Quốc tuế cống, lúc trở về, ông và Trần Hựu cùng Tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành sung chức biên soạn bộ Hoàng Việt luật lệ. Năm 1813, ông được thăng Hữu tham trì bộ Hình và được cử làm Giám thị trường thi Quảng Đức.

Ông và Tổng trấn Bắc Thành vốn có mối quan hệ thân thiết. Nguyễn Văn Thuyên, con Nguyễn Văn Thành lại là học trò của ông. Năm 1816, nhân một bài thơ viết ra mà Thuyên bị tố giác là có mưu đồ phản nghịch ! Gia Long viện cớ này hạ sát Thành “để phòng hậu họa” !. Vũ Trinh bị vạ lây. Ông bị đày vào Quảng Nam suốt I2 năm. Được ân xá, ông trở về quê hương thì mất ngay năm đó (1828).

2. Sự nghiệp văn học của nhà văn Vũ Trinh

- Phong cách sáng tác: ông sáng tác cả thơ và văn xuôi

- Tác phẩm

Một số tác phẩm được biết đến nay có:

  • Lan Trì kiến văn lục, gồm 45 truyện ngắn Văn dĩ tải đạo viết bằng chữ Hán theo mạch truyện truyền kỳ.
  • Cung oán thi tập (tập thơ viết về nỗi sầu muộn của người cung nữ bị giam cầm tuổi xuân trong cung cấm).
  • Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh - Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Sở, Vũ Trinh...hợp soạn.
  • Ngô tộc truy viễn đàn phả - Trần Danh Án, Phạm Giáp Thiên, Vũ Huy Tấn, Vũ Trinh...hợp soạn.
  • Phàm lệ soạn sử, là cơ sở của sự thành lập Quốc sử quán triều Nguyễn.
  • Sứ Yên thi tập (tập thơ chữ Hán viết về đi sứ Yên Kinh).
  • Hoàng Việt luật lệ- Nguyễn Văn Thành, Vũ Trinh, Trần Hựu hợp soạn; tác phẩm dựa trên cơ sở chủ yếu là Đại Thanh luật lệ, với những yếu tố chỉnh sửa, cập nhật cho phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam thời Nguyễn.
  • Vũ Trinh còn là soạn giả các vở chèo Công chúa Lạc Xương, Lưu Bình - Dương Lễ, Chu Mãi Thần, Hán Sở..., và có soạn một số bài bi ký.

PGS. Vũ Duy Mền viết về ý nghĩa của Lan Trì ngư giả (người câu cá hiệu Lan Trì) trong thời loạn: Phải chăng ông muốn làm như Lã Vọng "câu thời; câu thế" mong gặp được chân chúa thánh minh để thi thố tài năng cứu vãn thời thế.

- Vinh danh

Tên của danh nhân Vũ Trinh hiện nay đã được đặt cho một con phố tại thị trấn Thứa (huyện Lương Tài).

3. Về các tác phẩm tiêu biểu

3.1. Con Hổ có nghĩa

Tác giả Vũ Trinh - Cuộc đời và sự nghiệp (ảnh 1)

a. Thể loại: Truyện truyền kì

b. Xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác

- Tác phẩm là truyện thứ 8 trong 45 truyện ngắn viết bằng chữ Hán trong Lan Trì kiến văn lục

c. Phương thức biểu đạt: Tự sự

d. Tóm tắt tác phẩm Con Hổ có nghĩa

Truyện Con hổ có nghĩa gồm hai câu chuyện về loài hổ.

Truyện thứ nhất: Kể về một bà đỡ họ Trần ở huyện Đông Triều được hổ cõng vào rừng trong một đêm nọ. Khi đến nơi bà thấy một con hổ cái đang sinh nở rất khó khăn bèn giúp hổ cái sinh con trót lọt. Con Hổ đực mừng rỡ đào lên một cục bạc biếu bà. Cục bạc đó đã giúp bà sống qua được năm mất mùa đói kém.

Truyện thứ hai: Kể về Bác tiều ở huyện Lạng Giang đang đốn củi ở sườn núi thấy một con hổ bị hóc xương bèn giúp hổ lấy xương ra. Hổ đã biếu bác một con nai để tạ ơn. Khi bác tiều mất, hổ đến viếng. Từ đó, mỗi lần giỗ bác, hổ lại đưa dê hoặc lợn về biếu gia đình bác.

e. Bố cục tác phẩm Con Hổ có nghĩa

- Phần 1: Từ đầu… Bà nhờ số bạc mà sống được : bà đỡ Trần giúp đỡ Hổ, và được đền ơn

- Phần 2: Còn lại: Bác Tiều phu giúp Hổ, được hổ nhớ ơn

g. Giá trị nội dung tác phẩm Con Hổ có nghĩa

- Ca ngợi con hổ sống có nghĩa, có tình

- Đề cao đạo lý làm người, biết ơn người giúp đỡ mình

h. Giá trị nghệ thuật tác phẩm Con Hổ có nghĩa

- Truyện hư cấu

- Thành công trong sử dụng hình ảnh loại vật để nói đến con người

- Ngôn ngữ giản dị

- Tình huống truyện lôi cuốn, hấp dẫn

1 2,840 24/12/2023


Xem thêm các chương trình khác: