Nhóm tác giả Ngô gia văn phái - Cuộc đời và sự nghiệp

Bài viết Nhóm tác giả Ngô gia văn phái - Cuộc đời và sự nghiệp giới thiệu đến bạn đọc những nét tiêu biểu về cuộc đời cũng như những thành tựu trong suốt quá trình sự nghiệp ccuảnhóm tác giả Ngô gia văn phái.

1 1,706 24/12/2023


Nhóm tác giả Ngô gia văn phái - Cuộc đời và sự nghiệp

Nhóm tác giả Ngô gia văn phái - Cuộc đời và sự nghiệp (ảnh 1)

1. Tiểu sử nhóm tác giả Ngô gia văn phái

* Khái quát:

Là một nhóm tác giả Việt Nam thuộc dòng họ Ngô Thì ở làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam (nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội).

Ngô Chi Thất và Ngô Trân là người đề xướng và dựng nên Văn phái, về sau được mệnh danh là Ngô gia văn phái.

Ngô gia văn phái gồm 20 tác giả thuộc 9 thế hệ trong đó hai tác giả chính là Ngô Thì Chí (1753 – 1788) làm quan thời Lê Chiêu Thống và Ngô Thì Du (1772-1840), làm quan dưới triều nhà Nguyễn.

* Các thành viên:

- Ngô Thì Ức (1709 - 1736), hiệu là Tuyết Trai cư sĩ, là con trai của Ngô Trân. Ông là tác giả đầu tiên có tên trong Ngô gia văn phái. Tác phẩm chính của ông là: Nam trình liên vịnh tập và Nghi vịnh thi tập.

- Ngô Thì Sĩ (1726 – 1780), tự là Thế Lộc, hiệu là Ngọ Phong, là con trai trưởng của Ngô Thì Ức. Tác phẩm chính của ông là: Đại Việt sử ký tiền biên, Việt sử tiêu án, Khuê ai lục, Ngọ Phong văn tập...

- Ngô Thì Đạo (1732 - 1802), hiệu là Ôn Nghị và Văn Túc, là con trai của Ngô Thì Ức. Tác phẩm chính của ông là: Hoành từ Hiến sát Văn Túc công di thảo.

- Ngô Thì Nhậm (1746 – 1803), tự là Hy Doãn, hiệu là Đạt Hiên, là con trai trưởng của Ngô Thì Sĩ. Ông làm quan nhà Hậu Lê và là một danh sĩ nổi danh. Ngoài ra, ông còn là người có công lớn trong việc giúp triều Tây Sơn đánh lui quân Thanh xâm lược. Tác phẩm chính của ông là: Hàn các anh hoa, Doãn thi văn tập, Yên đài thu vịnh, Hoàng hoa đồ phả, Cúc đường bách vịnh...

- Ngô Thì Chí (1753–1788), tự là Học Tốn, hiệu là Uyên Mật, là con trai thứ hai của Ngô Thì Sĩ. Tác phẩm chính của ông là: Học Phi thi tập, Học Phi văn tập và Hào mân khoa sứ. Ngoài ra, ông chính là người khởi đầu viết bộ tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng Hoàng Lê nhất thống chí 17 hồi, mà 7 hồi đầu là do ông viết.

- Ngô Thì Trí (1766-?), hiệu là Dưỡng Hạo, là con trai thứ sáu của Ngô Thì Sĩ. Ông chính là người khởi xướng việc sưu tập tác phẩm của các tác giả dòng họ Ngô Thì, nhờ vậy mà ngày nay văn học Việt Nam có được bộ sách Ngô gia văn phái đồ sộ.

- Ngô Thì Điển (?-?), tự là Kính Phủ, hiệu là Tĩnh Trai, là con trai trưởng của Ngô Thì Nhậm. Tác phẩm của ông chỉ có tập Dưỡng chuyết thi văn. Theo đề xướng của chú là Ngô Thì Trí, ông đã ra sức biên tập và làm ra bộ sách Ngô gia văn phái.

- Ngô Thì Hoàng (1768-1814), còn có tên là Tịnh, hiệu là Huyền Trai, biệu hiệu là Thạch Ổ cư sĩ, là con trai của Ngô Thì Sĩ. Tác phẩm của ông chỉ có Thạch Ổ di chương.

- Ngô Thì Du (1772-1840), tự là Trưng Phủ, hiệu là Văn Bác, là con trai của Ngô Thì Đạo. Dưới triều Nguyễn, ông được bổ làm Đốc học Hải Dương. Nhưng chẳng bao lâu sau, ông xin được từ chức, về ở quê nhà. Tác phẩm chính của ông là quyển Trưng Phủ công thi văn.

- Ngô Thì Hương (1774-1821) còn có tên là Vị, tự là Thành Phủ, hiệu là Ước Trai, là con trai của Ngô Thì Sĩ. Ông lớn lên trong cảnh gia đình họ Ngô Thì đã sa sút, cha đã qua đời và anh cả là Ngô Thì Nhậm thì đang gặp chuyện phiền phức. Khi Gia Long lên ngôi (1802), ông làm quan triều Nguyễn, và 2 lần được cử đi sứ sang Trung Quốc. Tác phẩm chính của ông là: Mai dịch thú dư (Cỗ xe sứ trạm), Thù phụng toàn tập (Toàn tập xướng họa)...

- Ngô Thì Hiệu (1791-1830), tự là Tử Thị, hiệu là Dưỡng Hiên, biệt hiệu là Hoa Lâm tản nhân, là con trai của Ngô Thì Nhậm. Tuy ông chỉ là Giám sinh nhưng sáng tác khá nhiều thơ văn. Tác phẩm chính của ông là: Nam du thi tập, Lạng hành ký sự, Quan ngư ký, Khôn trinh ký lục, Dạ trạch phú ký...

- Ngô Thì Giai (1818-1881), tự là Cường Phù, hiệu làVân Lâm cư sĩ, biệt hiệu là Thanh Xuyên, là con trai của Ngô Thì Hiệu. Ông là danh sĩ đời vua Tự Đức, có nhiều thơ văn được chép trong bộ sách Ngô gia văn phái, và ông cũng là người cuối cùng được biên chép trong bộ sách này. Con ông là Ngô Giáp Đậu, tác giả sách quyển truyện lịch sử Hoàng Việt hưng long chí.

- Ngô Thì Thập (?-?) tham gia viết Hoàng Lê nhất thống chí.

- Ngô Thì Lữ là con của Ngô Thì Chí.

- Ngô Giáp Đậu (1853-1929), là con trai của Ngô Thì Giai. Năm 1891, ông thi đỗ cử nhân khoa Tân Mão tại trường thi Hà Nam (tức trường Hà Nội và Nam Định hợp thi), được bổ làm hành tẩu, sau chuyển sang ngạch học quan từ chức giáo thụ lên đến chức đốc học. Ông là người suốt đời tận tụy với nghề dạy học và biên soạn sách (đa phần là sách sử). Tác phẩm của ông gồm có: Hoàng Việt hưng long chí, Trung học Việt sử toát yếu,...

2. Sự nghiệp văn học của nhóm tác giả Ngô gia văn phái

- Các trước tác của 15 trong số 20 thành viên Ngô gia Văn phái được tập hợp lại thành bộ sách gồm 36 quyển, cũng mang tên Ngô gia Văn phái. Bộ sách do Ngô Thì Trí (đời 34, em trai Ngô Thì Nhậm) đề xướng và khởi công biên soạn tập đầu tiên, Ngô Thì Điển (đời 35, con Ngô Thì Nhậm) làm công tác biên tập. Đây là bộ sách đồ sộ, có tính chất sưu tập nhằm nêu cao truyền thống văn hóa, văn học của dòng họ Ngô Thì, chứ không mang tính chất của một hợp tuyển hay một tổng tập của những tác giả cùng một trường phái, một khuynh hướng tư tưởng và sáng tác.

- Các nhà sưu tập Ngô gia lấy tiêu chí huyết thống làm yếu tố quan trọng, họ không bị ràng buộc nhiều về chính kiến hay địa vị của các thành viên trong các tập đoàn phong kiến. Các trước tác đều bằng chữ Hán, bao gồm đủ các thể loại, nhiều nhất là thơ, rồi tới phú, truyện ký, tự, bạt, khải, biểu, tấu, sớ…

- Thành tựu nổi bật của dòng văn Ngô gia được thể hiện ở hai bộ môn quan trọng của nền học thuật thời trung đại là Văn học và Sử học. Ngoài ra, bộ sách còn mang nhiều giá trị về văn hóa, xã hội, phác họa một bức tranh toàn cảnh xã hội Đàng ngoài thời Lê – Trịnh, thời Tây Sơn và triều Nguyễn trong thế kỉ 18 đến nửa đầu thế kỉ 19.

3. Về các tác phẩm tiêu biểu

3.1. Kiêu binh nổi loạn

Nhóm tác giả Ngô gia văn phái - Cuộc đời và sự nghiệp (ảnh 1)

a. Thể loại: Tiểu thuyết chương hồi

b. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác:

- Hoàng Lê nhất thống chí là tác phẩm viết bằng chữ Hán theo hình thức tiểu thuyết chương hồi. Nội dung chính của Hoàng Lê nhất thống chí phản ánh thời kì lịch sử khoảng 30 năm, từ khi Trịnh Sâm lên ngôi chúa (1768) đến lúc Gia Long lên ngôi vua (1802). Tác phẩm tái hiện một cách phong phú, sinh động bức tranh xã hội trong thời kì khủng hoảng triền miên, dẫn đến sự sụp đổ của các tập đoàn phong kiến Lê -Trịnh và khí thế quật khởi, tinh thần quyết liệt chống thù trong giặc ngoài của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn do Nguyễn Huệ đứng đầu.

- Đoạn trích Kiêu binh nổi loạn dưới đây thuộc Hồi thứ hai của tác phẩm, kể chuyện kiêu binh nổi loạn, giết Quận Huy Hoàng Đinh Bảo, phế Trịnh Cạn, lập Trịnh Tông lên ngôi chúa.

c. Phương thức biểu đạt: Tự sự + Biểu cảm

d. Tóm tắt tác phẩm Kiêu binh nổi loạn (Ngô gia văn phái)

Đoạn trích “Kiêu binh nổi loạn” trong Hoàng Lê nhất thống chí đã cho thấy sự thối nát của phủ chúa Trịnh: cha, con, anh, em tranh giành quyền lực, việc phế con trưởng lập con thứ hoàn toàn do quyền lợi ích kỉ của phe đảng, không vì quyền lợi của đất nước, của nhân dân. Tất cả sự nổi loạn, tàn bạo của đám kiêu binh “căm ghét”, “hậm hực” khinh bỉ cách làm của chúa Trịnh và quận Huy, chỉ muốn diệt trừ cho hả giận đã thể hiện cụ thể, sống động. Điều nó cho thấy sức mạnh của đám đông có thể làm nổi thuyền, có thể làm lật thuyền.

3.2. Hoàng Lê nhất thống chí

Nhóm tác giả Ngô gia văn phái - Cuộc đời và sự nghiệp (ảnh 1)

a. Hoàn cảnh sáng tác

- Hoàng Lê nhất thống chí là một tác phẩm viết bằng chữ Hán ghi chép về sự thống nhất của vương triều nhà Lê vào thời điểm Tây Sơn diệt Trịnh, trả lại Bắc Hà cho vua Lê. Tác phẩm không chỉ dừng lại ở sự thống nhất của vương triều nhà Lê mà còn được viết tiếp, tái hiện một giai đoạn lịch sử đầy biến động của xã hội phong kiến Việt Nam vào 30 năm cuối thế kỉ 18 và mấy năm đầu thế kỉ 19. Cuốn tiểu thuyết bao gồm 17 hồi

- Đoạn trích trong SGK là hồi thứ 14 của cuốn tiểu thuyết này

b. Bố cục: 3 đoạn

- Đoạn 1: (Từ đầu đến “hôm ấy nhằm vào ngày 25 tháng chạp): Được tin báo quân Thanh chiếm Thăng Long, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế thân chinh cầm quân dẹp giặc

- Đoạn 2: (“Vua Quang Trung tự mình dốc suất đại binh… vua Quang Trung tiến binh đến Thăng Long rồi kéo vào thành”): Cuộc hành quân thần tốc và chiến thắng lẫy lừng của vua Quang Trung

- Đoạn 3: (Từ “Lại nói Tôn Sĩ Nghị và vua Lê… cũng lấy làm xấu hổ”): Sự đại bại của tướng nhà Thanh và tình trạng thảm hại của vua tôi Lê Chiêu Thống

c. Giá trị nội dung

Với quan điểm lịch sử đúng đắn và niềm tự hào dân tộc, các tác giả đã tái hiện chân thực hình ảnh người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ qua chiến công thần tốc đại phá quân Thanh, sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh và số phận bi đát của vua tôi Lê Chiêu Thống

d. Giá trị nghệ thuật

Tác phẩm nổi bật là một tiểu thuyết chương hồi viết bằng chữ Hán với cách kể chuyện nhanh gọn, chọn lọc sự kiện, khắc họa nhân vật chủ yếu qua hành động, lời nói, kể chuyện xen miêu tả sinh động và cụ thể, gây ấn tượng mạnh.

3.3. Quang Trung đại phá quân Thanh

Nhóm tác giả Ngô gia văn phái - Cuộc đời và sự nghiệp (ảnh 1)

a. Thể loại

Quang Trung đại phá quân Thanh thuộc thể loại tiểu thuyết lịch sử viết theo lối chương hồi.

b. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác

- Hoàng Lê nhất thống chí là cuốn tiểu thuyết lịch sử, viết bằng chữ Hán theo lối chương hồi, gồm 17 hồi.

- Quang Trung đại phá quân Thanh được sáng tác trong một khoảng thời gian dài từ cuối triều Lê sang đầu triều Nguyễn (cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX), ghi chép về sự thống nhất của vương triều nhà Lê vào thời điểm Tây Sơn diệt Trịnh, trả lại Bắc Hà cho vua Lê, đồng thời ca ngợi cuộc khởi nghĩa Tây Sơn do người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ lãnh đạo.

c. Phương thức biểu đạt

Văn bản Quang Trung đại phá quân Thanh có phương thức biểu đạt là tự sự

d. Người kể chuyện

Văn bản Quang Trung đại phá quân Thanh được kể theo ngôi thứ ba

e. Tóm tắt Quang Trung đại phá quân Thanh

Lê Chiêu Thống sợ uy danh của quân Tây Sơn, sang cầu cứu nhà Thanh. Quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu kéo quân vào Thăng Long. Ngô Văn Sở, tướng của Tây Sơn cho quân lui về núi Tam Điệp để bảo tồn lực lượng và cho quân cấp báo với Nguyễn Huệ. Thuận theo lòng tướng sĩ Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu là Quang Trung sau đó tiến quân ra Nghệ An. Ở Nghệ An nhà vua lấy thêm quân mở cuộc duyệt binh lớn, huấn dụ quân sĩ ai nấy đều đồng sức đồng lòng rồi tiến quân ra Bắc. Đến núi Tam Điệp gặp hai tướng Lân, Sở, Ngô Thời Nhiệm bàn kế hoạch sau khi đánh xong quân Thanh, mở tiệc khao quân. Hẹn với tướng sĩ tối 30 lên đường, ngày 7 Tết tới Thăng Long. Giặc trấn thủ ở đó chưa đánh đã tan vỡ. Toán quân do thám bị bắt sống hết. Nửa đêm ngày mồng 3 Kỉ Dậu bắt đầu tấn công đồn Hạ Hồi quân giặc sợ hãi xin hàng. Sau đó tiếp tục dang thành chữ nhất tiến công đồn Ngọc Hồi, quân Thanh chống không nổi bỏ chạy tán loạn, rơi vào kế nghi binh của Tây Sơn, bị dồn xuống đầm vực, bị vùi giày đạp chết hàng vạn người. Giữa trưa hôm ấy quân Tây Sơn kéo vào Thăng Long. Tôn Sĩ Nghị nghe tin sợ hãi không kịp mặc áo giáp chạy trốn. Vua Lê Chiêu Thống đem hoàng thân quốc thích rời bỏ kinh thành chạy theo quân Thanh đại bại.

g. Bố cục Quang Trung đại phá quân Thanh

- Phần 1: (từ đầu đến “...hôm ấy nhằm vào ngày 25 tháng cháp năm Mậu Thân 1788”): được tin báo quân Thanh chiếm Thăng Long, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế và thân chinh cầm quân dẹp giặc.

- Phần 2: (tiếp theo đến “… vua Quang Trung tiến binh đến Thăng Long, rồi kéo vào thành”): Cuộc hành quân thần tốc và chiến thắng lẫy lừng của vua Quang Trung.

- Phần 3: (còn lại): Sự đại bại của quân tướng nhà Thanh và tình trạng thảm bại của vua tôi Lê Chiêu Thống.

h. Giá trị nội dung Quang Trung đại phá quân Thanh

Với quan điểm lịch sử đúng đắn và niềm tự hào dân tộc, các tác giả đã tái hiện chân thực hình ảnh người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ qua chiến công thần tốc đại phá quân Thanh, sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh và số phận bi đát của vua tôi Lê Chiêu Thống.

i. Giá trị nghệ thuật Quang Trung đại phá quân Thanh

Tác phẩm nổi bật là một tiểu thuyết chương hồi viết bằng chữ Hán với cách kể chuyện nhanh gọn, chọn lọc sự kiện, khắc họa nhân vật chủ yếu qua hành động, lời nói, kể chuyện xen miêu tả sinh động và cụ thể, gây ấn tượng mạnh.

1 1,706 24/12/2023


Xem thêm các chương trình khác: