TOP 6 mẫu Phân tích nhân vật Chiến trong Những đứa con trong gia đình (2024) SIÊU HAY
Phân tích nhân vật Chiến trong Những đứa con trong gia đình lớp 12 gồm những bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 12 hay hơn.
Phân tích nhân vật Chiến trong Những đứa con trong gia đình
Video mẫu: Phân tích nhân vật Chiến trong Những đứa con trong gia đình
Phân tích nhân vật Chiến trong Những đứa con trong gia đình (mẫu 1)
Nguyễn Thi là một trong những nhà văn tiêu biểu của văn xuôi Việt Nam thời kì kháng chiến chống Mĩ. Ông sinh ra ở miền Bắc nhưng lại sống và gắn bó sâu nặng với nhân dân miền Nam. Tình cảm đó được ông gửi vào từng trang viết về nhân dân miền Nam. Ông được mệnh danh là nhà văn của những người nông dân Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Hiện thực nóng bỏng và ác liệt của mặt trận miền Đông Nam Bộ luôn là đề tài nóng bỏng trong các sáng tác của ông. “Những đứa con trong gia đình” là một trong những truyện ngắn xuất sắc của ông viết về đề tài và mảnh đất này. Truyện được kể theo dòng hồi tưởng đứt nối của nhân vật Việt lúc bị thương nặng ở chiến trường. Qua hồi ức của Việt về những thành viên trong gia đình, tác giả ca ngợi tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng của một gia đình và của nhân dân miền Nam nói chung trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Thiên truyện thành công ở nhiều mặt, nhưng nổi bật nhất là nghệ thuật xây dựng nhân vật. Tác giả đã dành nhiều trang miêu tả những nét tính cách độc đáo của Chiến – nhân vật trung tâm đã tạo nên sức hấp dẫn của tác phẩm.
Tác phẩm “Những đứa con trong gia đình” được sáng tác năm 1966, khi cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của dân tộc đang bước vào thời kì cam go, quyết liệt. Tác phẩm viết về câu chuyện của những đứa con trong một gia đình để khái quát câu chuyện đau thương mà anh hùng của cả một dân tộc. Tác phẩm được đưa vào tập “Truyện và ký”, xuất bản năm 1968.
Nhan đề “Những đứa con trong gia đình” mang ý nghĩa sâu xa. Nguyễn Thi đã xây dựng được những nhân vật trong một gia đình lớn – gia đình cách mạng. Các thành viên trong gia đình ấy gắn bó với nhau trong tình cảm ruột thịt sâu nặng. Người nào cũng có những nét riêng, không thể lẫn nhưng lại cùng mang những nét thống nhất về bản chất. Đó là lòng căm thù giặc sâu sắc, gan góc, dũng cảm trong chiến đấu, khao khát được đánh giặc cứu nước; giàu nghĩa tình, thủy chung son sắt với gia đình, quê hương và cách mạng.
Truyện “những đứa con trong gia đình” được kết cấu theo những đợt hồi tưởng của người lính trẻ tên Việt bị trọng thương, thất lạc đồng đội trong mấy ngày đêm. Diễn biến truyện hết sức linh hoạt, xáo động không gian lẫn thời gian, đan chéo quá khứ với hiện tại, trong đó cùng với nhân vật Việt, nhân vật Chiến hiện lên đầy đủ các nét về tính tình, tình cảm và tinh thần chiến đấu.
Giữa những tháng năm điêu tàn trong khói lửa, nhân dân ta phải tắm trong bể máu tội ác của kẻ thù ,Chiến hiện lên đúng như hình tượng người phụ nữ miền nam anh dũng, kiên cường trong kháng chiến. Người phụ nữ đã xuất sắc được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng tám chữ vàng :” anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Nam bộ chính là miền đất điển hình của những người phụ nữ ấy mà trong tác phẩm của mình Nguyễn Đình Thi đã ca ngợi như :” Chị Út Tịch” trong tác phẩm “Người mẹ cầm súng”… nhân vật Chiến trong truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình “. Có thể nói Nguyễn Thi là một trong những nhà văn thành công nhất khi viết về hình tượng người phụ nữ Nam bộ ” giỏi việc nước, đảm việc nhà ” trong cuộc kháng chiến chống Mĩ anh dũng, kiên cường trước kẻ thù, nhân hậu đảm đang trong gia đình. Nhân vật Chiến cũng vậy, ba má đều chết trong chiến tranh, Chiến đã thay má nuôi nấng và dạy dỗ các em không những vậy Chiến còn tham gia du kích từ khi còn nhỏ, hăng hái tòng quân giết giặc.
Cũng như nhân vật Việt, Chiến sinh ra và lớn lên trong mối thù nhà, nợ nước: ông nội, ba má đều chết trong chiến tranh. Ba của Chiến bị kẻ thù chặt đầu, má Chiến đã mang rổ đi đòi đầu chồng. Chính bà cũng chết khi đi lấy đầu đạn làm thuốc súng cho du kích. Một hoàn cảnh éo le, bất hạnh Chiến phải thay ba má trông nom các em. Chính trong cái hoàn cảnh này càng hun đúc thêm tinh thần cách mạng, lòng căm thù giặc của Chiến cũng vì thế mà tính cách điển hình của người phụ nữ Việt Nam nói chung và người phụ nữ Nam Bộ nói riêng càng ăn sâu vào trong tiềm thức của chị.
Chiến là một cô gái 19 tuổi được thể hiện với nhiều nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam một thời đánh Mĩ. Trước hết, đó là vẻ đẹp trong đời thường. Chị Chiến mang cái vẻ đẹp kiểu Út Tịch, một vẻ đẹp rất riêng của người phụ nữ Nam Bộ mà Nguyễn Thi vẫn hằng ưa thích: hồn nhiên, chất phác, tần tảo, biết lo toan việc nước, việc nhà trọn vẹn mọi bề trước sau, đánh giặc thì xông xáo, gan góc, dũng cảm mà trở về với cuộc sống thường nhật lại rất giàu tình cảm và lòng yêu thương. Chị Chiến 19 tuổi đôi lúc tính tình còn trẻ con, vẫn còn tranh giành công lao bắt ếch với em, tranh đi bộ đội với em. Cô đã có cái duyên dáng của một thiếu nữ mới lớn: bịt miệng cười khi chú Năm cất tiếng hò, thích soi gương và ngắm mình trong gương. Chị Chiến rất thương ba mẹ và các em.
Trong kí ức của Việt, chị chiến như là sự hiện thân, sự kế tục của má. Chị Chiến cũng mang vóc dáng của mẹ mình: “hai bắp tay tròn vo, sạm đỏ màu cháy nắng…, thân người to và chắc nịch”. Đặc biệt là cái đêm hai chị em sắp xa nhà đi bộ đội. Phải tự mình đứng ra lo liệu việc nhà, thu xếp để cùng Việt lên đường, Chiến mới bộc lộ hết tính cách người lớn, đảm đang, tháo vát, biết thay mẹ quán xuyến, sắp đặt mọi việc trong nhà đâu ra đấy, từ việc em út, nhà cửa, ruộng vườn cho đến cả cái giường, ván và nơi gửi bàn thờ ba má. Chưa bao giờ Việt lại thấy chị Chiến liệu việc nhà giống như má vậy. “Chà, chị Chiến bữa nay nói in hệt như má vậy…” Chính Chiến đêm ấy cũng thấy mình như đang hòa vào mẹ: “Tao cũng lựa ý nếu má còn sống chắc má tính vậy, nên tao cũng tính vậy”. Cho nên không phải ngẫu nhiên đến sáng hôm sau, khi nghe Chiến trình bày lại sự sắp đặt của mình, chú Năm đã phải khen: “Khôn, việc nhà nó thu được gọn thì việc nước nó mở được rộng, gọn bề gia thế đặng bề nước non…” Trước ngày lên đường nhập ngũ, Chiến đã cùng Việt khiêng bàn thờ ba má gửi sang nhà chú Năm. Có thể nói, đoạn văn miêu tả hình ảnh hai chị em khiêng bàn thờ má đi gửi là đoạn văn hay nhất của tác phẩm trong không khí thiêng liêng, xúc động. Hình ảnh này có ý nghĩa tượng trưng, thể hiện sự trưởng thành của hai chị em có thể gánh vác việc gia đình và viết tiếp khúc sông của mình trong dòng sông truyền thống gia đình. Hơn thế nữa, hình ảnh này cũng nói lên một điều: thế hệ sau sẽ cứng cáp, trưởng thành và có thể đi xa hơn thế hệ trước. Có thể nói rằng nhân vật Chiến đã được thể hiện với những nét đẹp truyền thống muôn đời của người phụ nữ Việt Nam. Chiến không chỉ lo cho ngày giỗ, lo chuyển bàn thờ cho má mà trong mọi chuyện chị ấy đều đã hỏi ý kiến của Việt bởi Việt là con trai lớn trong gia đình. Người chị ấy lại có nét bộc trực, chất phác đồng thời cũng rất đằm thắm trong việc biểu hiện tình cảm khi nói với Việt: “Em có ừ không ? Rồi em cũng ừ nghen,…” Trước lúc lên đường tòng quân, Chiến như bỗng trở nên nghiêm trang hơn, già dặn hơn nhưng cũng lại đằm thắm hơn.
Bên cạnh những vẻ đẹp đời thường thì Chiến còn mang những phẩm chất của người anh hùng, dũng cảm. So với Việt, Chiến chỉ hơn Việt một tuổi mà đã người lớn hơn hẳn Việt. Chiến cũng gắn bó với lớp người đi trước nhiều hơn. Chị có thể bỏ cả ăn để đánh vần cuốn sổ truyền thống của gia đình. Không chỉ giống má, Chiến còn học được cả cách nói “trọng trọng” của chú Năm. Nếu nói theo cách nói của chú Năm, ví truyền thống cách mạng của gia đình là một dòng sông và mỗi con người là khúc sông của dòng sông ấy thì so với lớp người đi trước, Chiến là một khúc sông sau. Khúc sông sau bao giờ cũng chảy được xa hơn khúc sông trước. Đấy cũng là chỗ để Chiến khác với mẹ mình. Người mẹ trước nỗi đau mất chồng đã không có dịp nào được cầm súng, còn Chiến đã được đi bộ đội để đánh giặc trả thù nhà với một quyết tâm như dao chém đá “nếu giặc còn thì tao mất”. Và Chiến đã lập được chiến công lớn, bắn chìm tàu chiến dịch trên sông Định Thủy, trở thành một tiểu đội trưởng của bộ đội nữ địa phương quân tỉnh Bến Tre…
Có thể nói tác phẩm “Những đứa con trong gia đình” đặc biệt thành công trong xây dựng hình tượng nhân vật điển hình trong một gia đình nông dân Nam Bộ có truyền thống yêu nước, căm thù giặc, chiến đấu son sắt thủy chung với cách mạng. Tác phẩm được xem là truyện ngắn viết hay nhất về người nông dân Nam Bộ với những thành công trong ngôn ngữ, bút pháp, giọng điệu, nghệ thuật trần thuật đặc sắc, nhất là nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật. Chiến mang trong mình vẻ đẹp của người con gái Việt Nam thời chống Mĩ: trẻ trung, duyên dáng, đáng yêu nhưng cũng rất mực anh hùng dũng cảm. Qua nhân vật Chiến nhà văn muốn ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng của con người miền Nam trong kháng chiến chống Mĩ. Qua câu chuyện của một gia đình, nhà văn đã tái hiện câu chuyện lớn của một dân tộc, từ đó lí giải sức mạnh vô diện trong cuộc kháng chiến chống Mĩ.
Nhà văn Nguyễn Thi đã thực sự thành công khi làm nổi bật được hình tượng nhân vật Chiến qua các thủ pháp nghệ thuật đặc sắc. Từ truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình” và nhân vật Chiến, chúng ta hiểu sâu thêm về lịch sử dân tộc. Mỗi trang sử luôn gắn liền với những mất mát hi sinh, với những chiến công thầm lặng. Tự hào về lịch sử, tri ân với lịch sử, nó nhắc nhở mỗi chúng ta phải không ngừng nỗ lực phấn đấu để viết tiếp trang sử ấy, trang sử về đất nước Việt Nam hòa bình, thịnh vượng đang từng ngày thay da đổi thịt.
Nhân vật Chiến nói riêng và truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi nói chung sẽ còn in đậm trong tâm trí nhiều độc giả hôm nay và ngày mai.
Phân tích nhân vật Chiến trong Những đứa con trong gia đình (mẫu 2)
Cuộc kháng Chiến trường kỳ của dân tộc ta đã là ngọn lựa hun đúc nên biết bao thế hệ anh hùng, đồng thời cũng trở thành một trong những đề tài văn học, nghệ thuật hấp dẫn và nhiều cảm hứng nhất của giới văn nghệ sĩ lúc bấy giờ. Theo dòng lịch sử, người nghệ sĩ đứng trước đề tài "Chiến tranh cách mạng-lực lượng vũ trang" không phải chỉ đem đến một cái nhìn khách quan soi chiếu như một người ngoài cuộc mà quan trọng hơn là họ còn có được một góc nhìn rất chủ quan thông qua việc lăn mình vào Chiến trường đầy máu lửa để cảm nhận và đúc rút hết những khó khăn, những vẻ đẹp của con người trong Chiến đấu. Nguyễn Thi chính là một nhà văn như vậy, ông trưởng thành từ trong cả hai cuộc kháng Chiến chống Pháp và chống Mỹ với ngòi bút ngày một chắc chắn và sâu sắc. Sau ngày tập kết ra Bắc, ông và Nguyễn Trung Thành cùng nhau xung phong quay trở lại Chiến trường miền Nam, Nguyễn Trung Thành dừng chân ở mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng và gió, còn Nguyễn Thi tiếp tục đi xuống miền Nam bộ, mảnh đất mà ông sống gắn bó và Chiến đấu trong nhiều năm. Đúng như Chế Lan Viên đã viết "Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất đã hóa tâm hồn", mảnh đất Nam Bộ với tinh thần Nguyễn Đình Chiểu đã để lại trong trái tim nhà văn Nguyễn Thi nhiều xúc cảm. Ông viết về cuộc Chiến và cuộc đời của người dân nơi đây bằng tấm lòng trân trọng, yêu mến, văn phong giản dị, mộc mạc giống như cái tính cách thẳng thắn, bộc trực bao đời của người miền lục tỉnh. Những đứa con trong gia đình chính là tác phẩm xuất sắc nhất của nhà văn khi viết về người Nam Bộ trong cuộc kháng Chiến chống Mỹ đầy ác liệt. Bên cạnh nhân vật chính của tác phẩm là Việt, thì chị Chiến cũng là một nhân vật có nhiều điểm nhấn, được xem là hình tượng tiêu biểu nhất cho người nữ anh hùng trong kháng Chiến chống Mỹ. Ở chị ta thấy hội tụ nhiều những vẻ đẹp mang khuynh hướng sử thi và tinh thần lãng mạn cách mạng.
Chiến cũng như Việt đều là những người con sinh ra trong gia đình có truyền thống làm cách mạng từ lâu đời, trở thành thế hệ nối tiếp đầy hy vọng trong dòng sông truyền thống ngày một rộng lớn của dòng họ. Từ thuở nhỏ chị đã phải chứng kiến nhiều mất mát đau thương của gia đình do bởi Chiến tranh tàn khốc, cha chị bị giặc Pháp giết hại dã man bằng cách chặt đầu, mà người mẹ kiên cường phải nén nhịn những đau đớn, những giọt nước mắt dẫn cả đàn con đi tìm giặc đòi lấy đầu chồng về để ma chay an táng. Rồi đến lượt mẹ chị cũng lại hy sinh trong cuộc kháng Chiến chống Mỹ vì dính phải bom đạn của kẻ thù. Không chỉ vậy ngoài cha mẹ, chị Chiến cũng phải chứng kiến những cái chết khác của những người thân trong gia đình, đó là ông nội, thím tư, những con người lần lượt ngã xuống trong suốt cuộc Chiến bảo vệ Tổ quốc. Nhưng tất cả những hy sinh mất mát ấy đã góp nên một dòng sông truyền thống chống giặc anh hùng cùng những Chiến công đầy vẻ vang cho gia đình chị. Những mất mát đau thương to lớn đã trở thành tiền đề, cơ sở cho lòng căm thù giặc sâu sắc, ý chí quyết tâm đánh giặc trả nợ nước thù nhà của chị em Chiến, nâng bước hai chị em trở thành những Chiến sĩ dũng cảm, đem dòng sông truyền thống của gia đình nối dài hơn bao giờ hết.
Vẻ đẹp của chị Chiến trước hết là bộc lộ ở tình cảm yêu thương gia đình sâu sắc, những điều ấy đã thể hiện một cách gián tiếp thông qua hồi ức của nhân vật Việt khi bị thương nằm lại Chiến trường. Tình cảm ấy của chị Chiến rất thầm lặng và chủ yếu được bộc lộ thông qua cung cách đối xử và hành động của chị. Chiến thương má và dành cho má những tình cảm không đơn thuần chỉ là tình yêu gắn bó giữa những người trong gia đình, mà hơn hết nó còn là một thứ tình cảm tôn thờ, thần tượng. Tính cách hay diện mạo nhân vật có thể xuất phát từ di truyền, nhưng những cách nghĩ, cách tính toán, chu đáo việc nhà của chị Chiến rõ ràng là có sự học hỏi từ người má đã mất của mình. Chiến luôn nhớ tới má cùng với những hành động, những cách chèo chống gia đình của bà ngày còn sống, để xem đó là tấm gương rồi nghiêm túc học tập, trong bất cứ việc làm nào của mình ta đều có thể thấy nỗi nhớ thương má của chị Chiến hiện diện. Tình yêu thương sâu sắc, cùng với tấm lòng ngưỡng mộ ấy đã khiến cho chị Chiến có một phong thái vô cùng giống má của mình, khiến cho cậu em trai mỗi lần quan sát chị lại không khỏi xúc động sao mà giống má quá, giống y hệt. Đối với đứa em trai ruột thịt, chỉ nhỏ hơn chị một tuổi, chị luôn tỏ ra phong thái của một người lớn, một người trụ cột trong gia đình chu đáo lo toan công việc nhà, Việt được quyền sống vô tư, trong khi đó bản thân Chiến lại trưởng thành một cách nhanh chóng sau ngày má mất, để thay thế vị trí của má và bảo bọc các em. Tuổi xấp xỉ nhau, thế nhưng phàm là chuyện gì Chiến cũng đều nhường nhịn em, coi em như một đứa trẻ còn chưa lớn để bảo bọc, che chở. Duy chỉ có lần xung phong nhập ngũ, ra Chiến trường giết giặc là chị Chiến không muốn nhường Việt. Rõ ràng không phải chị muốn tranh cướp điều gì với cậu em trai khờ khạo của mình, mà là bản thân chị lo lắng, muốn bảo bọc em mình nhiều hơn. Trách nhiệm trả thù cha ba má là của hai chị em, nhưng chị muốn đi trước, nhận lấy phần gian khó sớm hơn một chút, để cho Việt được thêm những ngày tháng an bình, tránh khỏi bom đạn mịt mù ở nhà thèm một năm nữa. Chiến vẫn lo lắng rằng, đứa em trai với cái tính vô lo, sốc nổi ấy sẽ phải xoay sở như thế nào ở Chiến trường. Bấy nhiêu ấy cũng đủ để thấy hết những tình yêu thương sâu sắc mà chị Chiến dành cho gia đình. 19 tuổi nhưng chị Chiến đã trở thành một cô gái trưởng thành, biết lo nghĩ lại có những tình cảm thật đáng quý với gia đình.
Bên cạnh vẻ đẹp của những tình cảm với gia đình, thì ở nhân vật Chiến còn hiện lên vẻ đẹp của tấm lòng căm thù giặc sâu sắc, tinh thần dũng cảm sẵn sàng xông pha tham gia kháng Chiến để trả nợ nước thù nhà. Chị Chiến tuy là con gái, thế nhưng lòng quyết tâm, ý chí kiên cường thì không hề thua kém bất kỳ một đấng nam nhi nào, từ ngày má mất chị đã nung nấu ý chí đi bộ đội để trực tiếp cầm súng giết giặc trên Chiến trường. Một người con gái vốn trưởng thành, hiểu biết những sẵn sàng tranh giành suất đi bộ đội bằng những lý lẽ rất hùng hồn mạnh mẽ. Cuối cùng khi cả hai chị em đều được tòng quân, Chiến lại dặn lại Việt những lời khuyên dạy của chú Năm, thể hiện ý chí quyết tâm cao độ cho lần đi Chiến đấu này rằng "Chú Năm bảo rằng, kỳ này đi là ra chân trời mặt biển, xa nhà thì ráng học chúng học bạn thù cha mẹ chưa trả mà bỏ về là chú chặt đầu". Không chỉ vậy quyết tâm đánh giặc của Chiến còn thể hiện trong những suy nghĩ của chị khi mang bàn thờ má sang nhà chú Năm gửi "chúng con đi đánh giặc trả thù cho ba má, đến chừng nước nhà độc lập con lại đưa má về". Lời nói ấy chính là sự hứa hẹn chắc chắn, cũng như sự quyết tâm, ý chí đánh giặc không đổi dời, không chỉ vì sự trả thù cho cái chết thương tâm của cha má, mà quan trọng hơn cả chị đi đánh giặc còn là vì Tổ quốc đang cần. Chị ý thức được vai trò của mình với đất nước, chính là có trách nhiệm sống và Chiến đấu để bảo vệ đất nước, giành lại hòa bình, độc lập tự do cho dân tộc. Đó là tôn chỉ, cũng như ý mục tiêu quan trọng nhất mà chị cũng như Việt hết lòng theo đuổi, cố gắng. Tuy trong đoạn trích, ta không thấy được những cảnh chị Chiến tham gia đánh giặc, nhưng từ lời thề sắt đá "Đã làm thân con gái ra đi tao chỉ có một câu nếu giặc còn thì tao mất vậy à", đã cho thấy không chỉ sự căm thù giặc đến tận xương tủy, sẵn sàng một mất một còn mà người ta còn thấy cả vẻ đẹp kiêu hùng, bản lĩnh, sự gan dạ, sẵn sàng hy sinh trong Chiến đấu. Cũng như bản tính bộc trực, ngay thẳng và chân chất của người nông dân Nam Bộ trong kháng Chiến.
Chị Chiến cũng lại hiện lên những vẻ đẹp rất đáng quý của một cô gái Nam Bộ, sự chu toàn, tháo vát, đảm đang trong việc lo toan sắp xếp việc nhà, trong tâm hồn chị có biết bao nhiêu việc phải nhớ, phải tính toán. Từ việc nhắc nhở Việt viết thư cho người chị Hai đã đi lấy chồng ở miền biển, đến việc sắp xếp cho thằng Út sang ở với chú Năm, để nhà cho các anh ở xã mượn mở trường học, hay việc sắp xếp đồ dùng đem gửi chú Năm giữ hộ, đến việc tính toán mấy công ruộng mà ba má được phân cho. Cuối cùng là việc đem gửi bàn thờ má. Việc gì chị Chiến cũng suy tính rõ ràng và chu đáo, thế nhưng chị không bao giờ tự quyết một mình, chị vẫn hỏi ý kiến Việt, cậu trai lớn trong nhà, mặc cho Việt có để tâm hay không, để được một cái thống nhất ý kiến. Bên cạnh đó thì chị Chiến cũng là một cô gái có ngoại hình khỏe mạnh, đầy sức sống, cũng có một tâm hồn thiếu nữ mơ mộng, biết làm đỏm, ngay cả khi ra Chiến trường chị vẫn nhớ mang theo chiếc gương con để soi chỉnh dung nhan.
Chiến là một hình tượng tiêu biểu cho người phụ nữ Nam Bộ trong công cuộc kháng Chiến chống Mỹ cứu nước. Ở chị hội tụ nhiều vẻ đẹp mang tính sử thi, là lý tưởng chung mà cộng đồng vẫn luôn hướng tới, đại diện và là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ trẻ trong thời kỳ kháng Chiến đầy máu và lửa của dân tộc Việt Nam. Dẫu cuộc đời của nhân vật từng chứng kiến nhiều đau thương mất mát liên tục, nhưng chính những sự kiện đó lại giúp Chiến trưởng thành và vững vàng hơn trong Chiến đấu bởi tấm lòng căm thù giặc sâu sắc và ý chí quyết tâm trả nợ nước thù nhà. Bàn tay cầm súng Chiến đấu lại càng trở nên mạnh mẽ, kiêu hùng hơn bao giờ hết.
Phân tích nhân vật Chiến trong Những đứa con trong gia đình (mẫu 3)
Nguyễn Thi (1928 - 1968), quê Hải Hậu, Nam Định. Ông là nhà văn trưởng thành trong kháng Chiến chống Mỹ. Ông đặc biệt thành công ở những tác phẩm viết về đất và người Nam Bộ. Những đứa con trong gia đình là một trong những tác phẩm xuất sắc của ông viết về đất và người Nam Bộ.
Những đứa con trong gia đình viết về những con người anh hùng sinh ra trong một gia đình có truyền thống anh hùng. Truyền thống anh hùng đó được kết tinh trong hình tượng nhân vật Chiến, đồng thời ở cô còn toát lên vẻ đẹp của người con gái Việt Nam thời đánh Mỹ.
Cô mới 18 tuổi, tính khí đôi lúc còn rất trẻ con: tranh công bắt ếch, tranh công bắn tàu giặc với em… Song ở cô đã có cái duyên dáng của thiếu nữ: bịt miệng cười khi chú Năm cất tiếng hò, chéo khăn hờ ngang miệng, bắt đầu thích soi gương, đi đánh giặc vẫn có cái gương trong túi…
Cô thương em nên cũng sớm biết nhường nhịn em, sớm biết tính toán lo liệu việc nhà.
Thương cha mẹ (tâm trạng cô khi cùng em khiêng bàn thờ ba má đi gửi trước ngày tòng quân…)
Cô đọc còn chưa thạo nhưng rất chăm chỉ đánh vần.
Chiến là một hình ảnh sinh động của người con gái Việt Nam trong cuộc sống đời thường những năm kháng Chiến chống Mỹ.
Gan góc: có thể ngồi lì suốt buổi chiều đánh vần cuốn sổ ghi công gia đình của chú Năm.
Dũng cảm: cùng em bắn cháy tàu giặc.
Quyết tâm lên đường trả thù cho gia đình với lời nói như dao chém đá: “Tao đã thưa với chú Năm rồi. Đã làm thân con gái ra đi thì tao chỉ có một câu: nếu giặc còn thì tao mất, vậy à”.
Những phẩm chất đẹp đẽ của Chiến luôn được Nguyễn Thi miêu tả trong sự soi rọi với hình tượng người mẹ. Nhưng, nếu câu chuyện của gia đình Chiến là một “dòng sông” thì Chiến là khúc sông sau - Chiến rất giống mẹ nhưng cô đã khác mẹ ở hành động, quyết định vào bộ đội, quyết định cầm súng đi trả thù cho gia đình, quê hương.
Chiến rất mực anh hùng dũng cảm. Cô đã tiếp nối và làm rạng rỡ truyền thống đánh giặc cứu nước của gia đình và đó cũng là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Nguyễn Thi đã rất thành công trong việc xây dựng hình tượng nhân vật nữ anh hùng trong thời đại đánh Mỹ.
Phân tích nhân vật Chiến trong Những đứa con trong gia đình (mẫu 4)
Giữa những tháng năm điêu tàn trong khói lửa, nhân dân ta phải tắm trong bể máu tội ác của kẻ thù, Chiến hiện lên đúng như hình tượng người phụ nữ miền nam anh dũng, kiên cường trong kháng Chiến. Người phụ nữ đã xuất sắc được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng tám chữ vàng: "anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang". Nam bộ chính là miền đất điển hình của những người phụ nữ ấy mà trong tác phẩm của mình Nguyễn Đình Thi đã ca ngợi như: "Chị Út Tịch" trong tác phẩm Người mẹ cầm súng... nhân vật Chiến trong truyện ngắn "Những đứa con trong gia đình", có thể nói Nguyễn Thi là một trong những nhà văn thành công nhất khi viết về hình tượng người phụ nữ Nam bộ "giỏi việc nước, đảm việc nhà" trong cuộc kháng Chiến chống Mỹ anh dũng, kiên cường trước kẻ thù, nhân hậu đảm đang trong gia đình. Nhân vật Chiến cũng vậy, ba má đều chết trong Chiến tranh, Chiến đã thay má nuôi nấng và dạy dỗ các em không những vậy Chiến còn tham gia du kích từ khi còn nhỏ, hăng hái tòng quân giết giặc.
Cũng như nhân vật Việt, Chiến sinh ra và lớn lên trong mối thù nhà, nợ nước: ông nội, ba má đều chết trong Chiến tranh. Ba của Chiến bị kẻ thù chặt đầu, má Chiến đã mang rổ đi đòi đầu chồng. Chính bà cũng chết khi đi lấy đầu đạn làm thuốc súng cho du kích. Một hoàn cảnh éo le, bất hạnh Chiến phải thay ba má trông nom các em. Chính trong cái hoàn cảnh này càng hun đúc thêm tinh thần cách mạng, lòng căm thù giặc của Chiến cũng vì thế mà tính cách điển hình của người phụ nữ Việt Nam nói chung và người phụ nữ Nam Bộ nói riêng càng ăn sâu vào trong tiềm thức của chi.
Trong truyện ngắn Nguyễn Đình Thi đã xây dựng nhân vật Chiến có tính ác trẻ con, được thể hiện như "tranh đi bộ đội với em, tranh bắt ếch nhưng Chiến không chỉ giỏi việc nước, là một nữ du kích có tiếng mà còn đảm đang việc nhà. Chiến cùng một lúc đã vừa làm ba, vừa làm má để chăm lo, lấp đầy khoảng trống ấy cho các em trong truyện ngắn, nhân vật Chiến hiện lên với vóc dáng của một con người lao động "hai bắp tay tròn vo xám màu đỏ cháy nắng". Ở Chiến có nét gì đó giống người mẹ của cô. Đã ba lần Việt thấy chị Chiến giống mẹ, giống ở điệu bộ, cử chỉ, lời nói cách lo liệu công việc, chính chị cũng cảm giác hòa vào với mẹ. Theo lời chú Năm, cô "không khác mẹ một chút nào". Cô có đức tính kiên trì, chịu khó, chỉ nội một việc bỏ ăn để ngồi đánh vần cuốn sổ gia đình suốt từ trưa cho tới lúc trời chạng vạng đã đủ chứng tỏ điều đó. Cô cũng thừa hưởng ở mẹ đức tính gan góc. Trong ngày tòng quân, cô nói với em: "Tao đã thưa với chú Năm rồi. Đã làm thân con gái ra đi thì tao chỉ có một câu: Nếu giặc còn thì tao mất, vậy à!". Ở cô, khả năng vun vén, thu xếp gia đình cũng thể hiện rất rõ. Trước khi cùng em đi bộ đội, mọi chuyện nhà đã được cô xếp đặt đâu vào đó, tỉ mỉ, chu đáo, "nói nghe thật gọn" khiến cho chú Năm cũng phải có chút sững sờ, "nhìn hai cháu thiệt lâu" rồi nói: "Khôn! Việc nhà nó thu được gọn thì việc nước nó mở được rộng, gọn bề gia thế, đặng bề nước non. Con nít chúng bây kỳ đánh giặc này khôn hơn chú hồi trước". Câu nói của chú Năm thể hiện sự yên tâm của thế hệ trước đối với lớp người sau. Rõ ràng, họ đã trưởng thành, có thể gánh vác được những việc lớn của đất nước. Còn nữa, trước khi tòng quân, Chiến còn lo lắng, thu xếp việc gia đình, Chiến nói với Việt: "năm công ruộng...mần nghen". Có ai đời bàn thờ cũng mang đi gửi? ấy vậy mà trông truyện ngắn này Nguyễn Thi đã đẩy cái cùng cực, tội ác của lũ cướp nước lên đến đỉnh điểm khi để 2 chị em Chiến đem gửi chú Năm bàn thờ của ba má.
Chiến tham gia du kích từ khi còn nhỏ, mọi công lao đều có thể nhường cho em nhưng cương quyết tranh đi tòng quân với em không phải là vì Chiến sợ em đi sẽ cướp hết công của mình mà Chiến biết, Chiến ý thức được sự tàn khốc của Chiến tranh và hơn hết là tình thương dành cho em. Chiến sợ súng đạn vô tình, sợ nguy hiểm đến với Việt, lại một lần nữa đức tính tốt đẹp của người phụ nữ được nâng lên.
Hiện lên thật bình dị, Chiến đã để lại nhiều xúc cảm trong lòng bạn đọc. Hình ảnh với tính cách đặc trưng của người phụ nữ Việt Nam nói chung và người phụ nữ Nam bộ nói riêng" đảm việc nước, giỏi việc nhà". Chính những con người bình thường ấy đã góp phần làm lên thắng lợi vĩ đại của dân tộc.
Phân tích nhân vật Chiến trong Những đứa con trong gia đình (mẫu 5)
Những năm tháng Chiến tranh đã lùi xa, song những vết thương Chiến tranh vẫn còn đọng lại cùng năm tháng. Những ngày tháng Chiến tranh ấy ta cũng có thể tìm thấy trong truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình”. Đặc biệt nhân vật chị Chiến được tác giả xây dựng để lại nhiều ấn tượng trong lòng người đọc.
Cũng giống như nhân vật Việt, chị Chiến sinh ra trong một gia đình nông dân Nam Bộ giàu truyền thống yêu nước. Ở chị, hội tụ nhiều vẻ đẹp về tính cách cũng như tâm hồn.
Chị Chiến kế thừa những đặc điểm của mẹ. Chị hiện lên với “hai bắp tay tròn vo sạm đỏ màu cháy nắng”, “thân người to và chắc nịch”. Đó là vẻ bề ngoài của một con người lo toan, gánh vác chịu đựng gian khổ. Chị Chiến giống mẹ từ cử chỉ đến điệu bộ, thói quen, cách nói năng. Chính Việt cũng nhận ra rằng “chị nói in như má vậy”.
Đặc biệt, chị Chiến kế thừa từ má những đức tính đảm đang, tháo vát. Khi má mất, chị thay má lo toan, quán xuyến mọi việc trong nhà. Trong cái đêm trước khi đi tòng quân, Việt phó thác mọi việc trong nhà cho chị, nằm kềnh ra ván cười khì khì … thì chị Chiến sắp xếp mọi công việc chu đáo, cẩn thận. Chị nói bằng “cái giọng rành rọt tiếng nào ra tiếng nấy”. Điều đó chứng tỏ một điều rằng chị đã suy nghĩ rất kỹ càng trước khi bàn bạc với em. Chiến sắp xếp từ những việc nhỏ nhất đến việc hệ trọng, không bỏ qua bất cứ điều gì từ việc bé đến việc lớn trong gia đình: viết thư cho chị Hai, gửi thằng út em nhờ chú nuôi giúp, cho xã mượn nhà…Thậm chí những công việc như đem “nồi lu, chén đĩa …” sang gửi chú. Chiến tỏ rõ là người có trách nhiệm, là một người chị thay mặt ba má thu xếp việc nhà trước khi đi làm việc nước.
Chiến là người con gái có cá tính mạnh mẽ, quyết liệt. Câu nói của chị đã chứng minh điều ấy: “Nếu giặc còn thì tao mất”. Lời nói của chị chứa đựng lòng căm thù giặc sục sôi, ý chí Chiến đấu mãnh liệt, lòng quyết tâm tiêu diệt đến cùng. Chiến lên đường nhập ngũ với khí phách không thua kém gì những người con trai. Chị khắc ghi lời dạy của chú Năm. Chị nói với Việt: “Chú Năm nói….chú chặt đầu”. Lời nói đó của chị như một lời hứa, lời thề với chính bản thân cũng như với những người đi trước. Chị Chiến quyết tâm Chiến đấu đến cùng, chừng nào chưa được trả thù nhà thì chị chưa về. Cũng giống như má của mình, chị Chiến sáng ngời những phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong kháng Chiến: anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang.
Chị Chiến còn là người rất giàu tình cảm. Chị thương hết mực cậu em trai mình. Chị thường nhường nhịn Việt. Khi bảo Việt viết thư cho chị Hai, Việt không viết, chị liền viết thay em. Duy nhất, chỉ có việc ghi tên đi tòng quân là chị không nhường Việt. Bởi vì chị Chiến lo lắng co Việt, không muốn em mình phải đối mặt với những hiểm nguy. Chị muốn việt ở nhà lo mọi việc cùng với chú Năm. Tuy nhiên, bên trong con người chị Chiến vẫn có giữ được những nét nữ tính. Chị thường để một chiếc gương trong túi. Đó là nhu cầu làm đỏm, làm đẹp mà bất cứ cô gái nào đều yêu thích. Điều này cũng cho thấy rằng, Nguyễn Thi là một nhà văn rất am hiểu tâm lý con người, đặc biệt là tính cách và tâm hồn của chị Chiến.
Có thể nói rằng, chị Chiến và Việt là những nhân vật tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam những năm kháng Chiến chống Mỹ cứu nước. Chị và Việt đều bước tiếp và phát huy những truyền thống yêu nước vốn có của gia đình, xứng đáng với sự kỳ vọng của Chú Năm. Và cũng không thể không nhắc tới sự thành công trong việc miêu tảm xây dựng ngoại hình và tính cách nhân vật rất thành công của Nguyễn Thi. Nhân vật chị Chiến cũng để lại nhiều tình cảm yêu mến trong lòng người đọc.
Phân tích nhân vật Chiến trong Những đứa con trong gia đình (mẫu 6)
Nhà văn Nguyễn Thi vốn được biết đến là một nhà văn gốc Bắc, nhưng lại sống gắn bó với miền nam của tổ quốc. Các trang viết của Nguyễn Thi luôn đậm chất Nam bộ và Những đứa con trong gia đình được xem là một tác phẩm điển hình cho phong cách ấy. Truyện như cũng đã ca ngợi được chủ nghĩa anh hùng ca mà ở đó ta nhận thấy nhân vật Chiến hiện lên thật rõ nét.
Ngay trong những tháng năm điêu tàn trong khói lửa, nhân dân ta cũng phải tắm trong bể máu tội ác của kẻ thù. Lúc này đây nhân vật Chiến hiện lên đúng như hình tượng người phụ nữ miền nam anh dũng, vô cùng kiên cường trong kháng Chiến. Người phụ nữ đã xuất sắc được Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao tặng tám chữ vàng đó chính là 8 chữ "anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang". Từ xưa cho đến nay thì mảnh đất Nam bộ anh hùng và anh dũng chính là miền đất điển hình của những người phụ nữ ấy mà trong tác phẩm của mình Nguyễn Thi đã ca ngợi giống như chị Út Tịch"trong tác phẩm Người mẹ cầm súng. Còn với nhân vật Chiến trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình như cũng đã giúp cho ông được xem là một trong những nhà văn thành công nhất khi viết về hình tượng người phụ nữ Nam bộ. Nhân vật Chiến gan dạ và sống trong cảnh ba má đều chết trong Chiến tranh, vượt lên số phận Chiến cũng đã thay má nuôi nấng và dạy dỗ các em của mình, không những vậy Chiến còn tham gia du kích từ khi còn nhỏ luôn luôn hăng hái tòng quân giết giặc.
Chiến cũng giống như nhân vật Việt, Chiến cũng đã được sinh ra và lớn lên trong mối thù nhà, nợ nước. Khi đó ông nội, ba má đều chết trong Chiến tranh, đây cũng chính là một hoàn cảnh éo le và vô cùng bất hạnh Chiến phải thay ba má trông nom các em. Có thể thấy được cũng chính trong cái hoàn cảnh này càng hun đúc thêm được cả tinh thần cách mạng, và đó cũng là lòng căm thù giặc của nhân vật Chiến cũng vì thế mà tính cách vô cùng điển hình của người phụ nữ Việt Nam nói chung và người phụ nữ Nam Bộ nói riêng nó như cứ ăn sâu vào trong tiềm thức của Chiến vậy.
Trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình thì tác giả Nguyễn Thi cũng đã xây dựng nhân vật Chiến có tính ác trẻ con, và điều đó được thể hiện rõ ràng như "tranh đi bộ đội với em, tranh bắt ếch nhưng Chiến không chỉ giỏi việc nước, là một nữ du kích có tiếng mà như cũng lại còn đảm đang việc nhà. Chiến cùng một lúc đã vừa làm ba cũng vừa làm má để chăm lo và cố gắng lấp đầy được các khoảng trống ấy cho các em. Thật dễ dàng có thể nhận thấy được chính trong truyện ngắn, nhân vật Chiến dường như cũng đã lại hiện lên với vóc dáng của một con người lao động đó là câu văn miêu tả đắt giá “hai bắp tay tròn vo xạm màu đỏ cháy nắng". Người đọc nhận ra được Chiến có nét gì đó giống người mẹ của cô. Đã ba lần Việt thấy chị Chiến giống mẹ. Chị Chiến cũng giống ở điệu bộ, cử chỉ, lời nói cách lo liệu công việc, chính trị dường như cũng cảm giác hòa vào với mẹ. Nếu như theo lời chú Năm nhận xét thì cô cũng không khác mẹ một chút nào.
Ở Chiến cô cũng có đức tính kiên trì, chịu khó, chỉ nội một việc bỏ ăn để ngồi đánh vần cuốn sổ gia đình suốt từ trưa cho tới lúc trời chạng vạng, tất cả những điều này cũng đã đủ chứng tỏ điều đó. Chiến cũng thừa hưởng ở mẹ đức tính gan góc nữa. Thế rồi trong ngày tòng quân, cô nói với em một câu rõ dàng "Tao đã thưa với chú Năm rồi. Đã làm thân con gái ra đi thì tao chỉ có một câu: Nếu giặc còn thì tao mất, vậy à !". Thông qua đây ta nhận thấy được ở Chiến ngoài khả năng vun vén, thu xếp gia đình cũng thể hiện rất rõ. Cũng chính vì trước khi cùng em đi bộ đội, mọi chuyện nhà đã được cô xếp đặt đâu vào đó, tỉ mỉ và vô cùng chu đáo, "nói nghe thật gọn điều này như khiến cho chú Năm cũng phải có chút sững sờ". Chú Nam cũng nói: "Khôn! Việc nhà nó thu được gọn thì việc nước nó mở được rộng, gọn bề gia thế, đặng bề nước non. Con nít chúng bây kỳ đánh giặc này khôn hơn chú hồi trước". Lời nhận xét của chú Năm thể hiện sự yên tâm của thế hệ trước đối với lớp người sau.
Nhân vật Chiến tham gia du kích từ khi còn nhỏ, mọi công lao đều có thể nhường cho em nhưng cương quyết tranh đi tòng quân với em và không muốn cho Việt đi. Lý do không phải là vì Chiến sợ em đi sẽ cướp hết công của mình mà Chiến biết, Chiến ý thức được Chiến trường có sự tàn khốc nó có thể cướp đi sinh mạng của con người và hơn hết là tình thương dành cho em. Chiến cũng lo sợ súng đạn vô tình, sợ nguy hiểm đến với Việt và ở đây thêm một lần nữa đức tính tốt đẹp của người phụ nữ được nâng lên bội lần. Ra Chiến trường Chiến cũng lập được nhiều Chiến công.
Nhân vật Chiến hiện lên thật bình dị, Chiến dường như cũng đã để lại nhiều xúc cảm trong lòng bạn đọc. Có thể thấy được hình ảnh với tính cách đặc trưng của người phụ nữ Việt Nam nói chung và người phụ nữ Nam bộ nói riêng họ luôn đảm việc nước, giỏi việc nhà. Cũng chính những con người bình thường ấy đã góp phần làm lên thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt anh hùng.
Xem thêm các chương trình khác:
- Giải sgk Hóa học 12 (sách mới) | Giải bài tập Hóa 12
- Lý thuyết Hóa học 12
- Giải sbt Hóa học 12
- Các dạng bài tập Hoá học lớp 12
- Giáo án Hóa học lớp 12 mới nhất
- Giải sgk Toán 12 (sách mới) | Giải bài tập Toán 12 Tập 1, Tập 2
- Các dạng bài tập Toán lớp 12
- Lý thuyết Toán 12
- Chuyên đề Toán lớp 12 mới nhất
- Bài tập Toán lớp 12 mới nhất
- Giáo án Toán lớp 12 mới nhất
- Giải sgk Sinh học 12 (sách mới) | Giải bài tập Sinh học 12
- Lý thuyết Sinh học 12 | Kiến thức trọng tâm Sinh 12
- Giải sgk Địa Lí 12 (sách mới) | Giải bài tập Địa lí 12
- Lý thuyết Địa Lí 12
- Giải Tập bản đồ Địa Lí 12
- Giải sgk Vật Lí 12 (sách mới) | Giải bài tập Vật lí 12
- Giải sbt Vật Lí 12
- Lý thuyết Vật Lí 12
- Các dạng bài tập Vật lí lớp 12
- Giáo án Vật lí lớp 12 mới nhất
- Giải sgk Lịch sử 12 (sách mới) | Giải bài tập Lịch sử 12
- Giải Tập bản đồ Lịch sử 12
- Lý thuyết Lịch sử 12
- Giải sgk Giáo dục công dân 12
- Lý thuyết Giáo dục công dân 12
- Giải sgk Giáo dục quốc phòng - an ninh 12 (sách mới) | Giải bài tập GDQP 12
- Lý thuyết Giáo dục quốc phòng 12 | Kiến thức trọng tâm GDQP 12
- Lý thuyết Tin học 12
- Lý thuyết Công nghệ 12