TOP 6 mẫu Nghị luận về lòng nhân hậu (2024) SIÊU HAY

Nghị luận về lòng nhân hậu lớp 12 gồm dàn ý và 6 bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 12 hay hơn.

1 2,738 18/12/2023


Nghị luận về lòng nhân hậu - Ngữ văn 12

Dàn ý Nghị luận về lòng nhân hậu (Mẫu 1)

1. Mở bài

Giới thiệu và dẫn dắt vào lòng nhân hậu.

2. Thân bài

a. Giải thích

Lòng nhân hậu: nhân là người, hậu là sau. Lòng nhân hậu là việc đặt người khác lên trên bản thân, cái tôi của mình. Lòng nhân hậu cũng là tình yêu thương giữa con người với con người. Rộng hơn nữa chính là tình đồng bào, tinh thần đoàn kết.

b. Phân tích

- Biểu hiện của người có lòng nhân hậu:

Luôn sẵn sàng đồng cảm, chia sẻ, thấu hiểu và giúp đỡ người khác khi người ta gặp khó khăn.

Luôn yêu thương mọi người, sẵn sàng cho đi mà không mong nhận lại, không ích kỉ nhỏ nhen, tính toán thiệt hơn với người khác.

Sống chan hòa với mọi người xung quanh, luôn mang những điều tích cực đến cho mọi người và lan tỏa được những thông điệp, hành động tốt đẹp ra xã hội.

- Ý nghĩa của lòng nhân hậu trong cuộc sống:

Cuộc sống vẫn còn nhiều mảnh đời khó khăn, bất hạnh, giúp đỡ nhau làm cuộc sống của con người ngày càng tốt lên, xã hội phát triển hơn, những thông điệp tốt đẹp sẽ được lan tỏa đến mọi người.

Khi chúng ta sống yêu thương, ta sẽ thấy cuộc đời ý nghĩa hơn, mọi người sẽ yêu quý, tôn trọng chúng ta nhiều hơn.

Một xã hội được xây dựng trên cơ sở của lòng nhân hậu là một xã hội mơ ước, đáng sống, sẽ đẩy xa được sự ích kỉ, lạnh lùng, vô cảm.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng về những con người có tấm lòng nhân hậu, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ mọi người để minh họa cho bài làm của mình.

d. Phản đề

Bên cạnh đó vẫn còn có nhiều người sống ích kỉ, thờ ơ, vô cảm, lạnh lùng, bàng quan với thế giới xung quanh, chỉ biết đến bản thân mình. Lại có những người sống chỉ muốn nhận lại mà không muốn cho đi,…

3. Kết bài

Khái quát lại ý nghĩa và tầm quan trọng của lòng nhân hậu; đồng thời rút ra bài học, liên hệ bản thân.

Dàn ý Nghị luận về lòng nhân hậu (Mẫu 2)

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: lòng nhân hậu. (Một trong những phẩm chất quý báu của con người Việt Nam ta chính là lòng nhân hậu).

Lưu ý: học sinh tự lựa chọn cách dẫn mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào khả năng của mình.

2. Thân bài

a. Giải thích

Lòng nhân hậu: tình yêu thương giữa con người với con người, sẵn sàng đồng cảm, chia sẻ, thấu hiểu và giúp đỡ người khác khi người ta gặp khó khăn. Rộng hơn nữa chính là tình đồng bào, tinh thần đoàn kết.

b. Phân tích

Cuộc sống vẫn còn nhiều mảnh đời khó khăn, bất hạnh, giúp đỡ nhau làm cuộc sống của con người ngày càng tốt lên, xã hội phát triển hơn.

Một con người có tâm thiện, luôn giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn sẽ được mọi người yêu quý, kính trọng và sẵn sàng giúp đỡ lại khi mình rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Nếu xã hội ai cũng có tấm lòng nhân hậu thì xã hội sẽ được lan tỏa nhiều điều tốt đẹp.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng về những con người có tấm lòng nhân ái, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ mọi người để minh họa cho bài làm của mình.

Lưu ý: dẫn chứng xác thực, nổi bật, tiêu biểu, được nhiều người biết đến.

d. Phản biện

Trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau của người khác, chỉ biết đến bản thân mình,… những người này đáng bị xã hội thẳng thắn lên án, chỉ trích.

3. Kết bài

Khái quát lại ý nghĩa và tầm quan trọng của lòng nhân hậu; đồng thời rút ra bài học, liên hệ bản thân.

Nghị luận về lòng nhân hậu (Mẫu 1)

Những đức tính quý báu của ông cha ta vẫn còn được lưu giữ đến ngày hôm nay và được thế hệ bây giờ bảo vệ, phát huy tích cực. Một trong những tinh thần đáng quý của nhân dân ta phải kể đến chính là lòng nhân hậu. Nhân hậu là tình yêu thương giữa con người với con người, sẵn sàng đồng cảm, chia sẻ, thấu hiểu và giúp đỡ người khác khi người ta gặp khó khăn; cùng nhau hướng đến mục tiêu tốt đẹp để phát triển cộng đồng, dân tộc và đất nước. Truyền thống vẻ vang đó của dân tộc đã luôn được thể hiện trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Chính truyền thống quý báu ấy đã khiến hàng triệu con người Việt Nam nhỏ bé vùng lên thoát khỏi vòng nô lệ, khiến anh em từ miền xuôi đến miền ngược cùng nhau đứng lên cầm vũ khí đánh giặc. Lòng nhân hậu còn được thể hiện ở việc chúng ta cùng nhau chung tay giúp đỡ những mảnh đời khó khăn, mỗi người một sự chia sẻ nhỏ tạo nên một thông điệp lớn. Phải chăng, sự đoàn kết vẫn luôn hiện diện trong những hành động nhỏ nhặt mà thấm đẫm tình người ấy. Tuy nhiên ngoài thế giới kia đầy rẫy những con người “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” chỉ biết cho bản thân mình. Đó là những con người ích kỉ, hẹp hòi. Họ chỉ biết nhận mà không biết cho, chỉ biết nghĩ cho bản thân mình đầu tiên mà không quan tâm xem người khác đã nghĩ gì. Họ cũng là những con người bảo thủ, cổ hủ, không biết tiếp thu ý kiến của người khác. Những người như thế sẽ chẳng bao giờ khấm khá lên được cả. Vì vậy cần lắm lòng nhân hậu để làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. nhân hậu là một truyền thống quý báu của dân tộc ta. Ngày nay, đó cũng là một yếu tố quan trọng để quyết định thành công của mọi người. Mỗi người hãy rèn luyện cho bản thân mình đức tính tốt đẹp này để khiến xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Nghị luận về lòng nhân hậu (Mẫu 2)

Thời gian trôi qua sẽ không lấy lại được. Mỗi con người cũng chỉ được sống một lần duy nhất trong đời, chúng ta hãy sống một cuộc đời thật trọn vẹn với tình yêu thương, sự sẻ chia với người khác. Có thể thấy, lòng nhân hậu giữa con người với con người đã góp phần không nhỏ khiến cho thế giới này tốt đẹp hơn.

Vậy thế nào là lòng nhân hậu? Lòng nhân hậu chính là tình yêu thương giữa con người với con người, sẵn sàng đồng cảm, chia sẻ, thấu hiểu và giúp đỡ người khác khi người ta gặp khó khăn. Rộng hơn nữa chính là tình đồng bào, tinh thần đoàn kết.

Chúng ta dễ dàng nhận thấy trong xã hội hiện nay có rất nhiều mảnh đời chịu bất hạnh, đau thương, khổ cực, việc chúng ta sống tử tế, yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ những người đó làm xoa dịu, giảm bớt nỗi đau của họ, xã hội cũng sẽ phát triển đẹp đẽ, vững mạnh hơn. Bên cạnh đó, khi giúp đỡ người khác, ta sẽ nhận lại sự kính trọng, niềm tin yêu của người khác và cả sự sẵn sàng giúp đỡ lại mình lúc mình gặp khó khăn, điều này làm lan tỏa thông điệp “cho và nhận” trong xã hội ngày càng được lan tỏa hơn. Mỗi người biết chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ người khác sẽ góp phần làm cho xã hội này giàu tình cảm hơn, phát triển văn minh hơn.

Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay vẫn có không ít người có tính ích kỉ, nhỏ nhen, chỉ biết đến bản thân mình mà không cần suy nghĩ cho người khác, lạnh lùng, vô cảm mặc kệ nỗi đau của đồng loại. Lại có những người giúp đỡ người khác hòng tư lợi cá nhân, trục lợi cho bản thân mình,… những người này cần bị phê phán, chỉ trích.

Mỗi người chỉ được sống một lần, chúng ta hãy sống với tấm lòng, sự tử tế, cho đi và yêu thương để làm cho xã hội này ngày càng tốt hơn, con người được sống tình cảm hơn vì vốn dĩ: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

Nghị luận về lòng nhân hậu (Mẫu 3)

Mỗi chúng ta khi được sinh ra trong thế giới này đã là một niềm hạnh phúc. Tuy nhiên chúng ta không tồn tại như những cá thể độc lập mà hạnh phúc đích thực chỉ nảy sinh khi chúng ta được tắm trong suối nguồn của tình yêu thương. Vì vậy lòng yêu thương con người là một trong những tố chất làm nên ý nghĩa cuộc sống của mỗi chúng ta.

Lòng yêu thương là sự đồng cảm, chia sẻ, gắn bó, thấu hiểu... giữa con người với con người. Đó là một trong những phẩm chất cao đẹp của con người. Lòng yêu thương có sự biểu hiện rất đa dạng và phong phú trong cuộc sống. Chẳng hạn như đó có thể là sự cảm thương, quan tâm, giúp đỡ những người có cảnh ngộ bất hạnh, khó khăn trong cuộc sống; hoặc yêu mến và trân trọng những người có phẩm chất, tình cảm cao đẹp;...

Trong cuộc sống của chúng ta, lòng yêu thương có một ý nghĩa vô cũng quan trọng vì nó làm cho mối quan hệ giữa người với người trở nên tốt đẹp. Cuộc sống vì thế mà cũng trở nên thân thiện, ấm áp, vui vẻ và hạnh phúc hơn. Ví dụ như trong một gia đình, nếu mọi thành viên thật sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc và chia sẻ với nhau mọi khó khăn trong cuộc sống thì chắc chắn sẽ tạo dựng được một không khí gia đình đầm ấm và hạnh phúc. Lòng yêu thương không phân biệt màu da, ngôn ngữ, khoảng cách giàu nghèo sẽ tạo điều kiện làm cho mọi người xích lại gần nhau hơn. Trong xã hội hiện nay, những hoạt động vì tình thương luôn nhận được nhiều sự đồng tình và ủng hộ như Chương trình vì người nghèo, Ngôi nhà mơ ước, Lục lạc vàng... Điều đó tuổi trẻ tuổi trẻ hôm nay không thiếu những con người có trái tim giàu lòng nhân hậu. Đó là những trường hợp như chàng trai Nguyễn Hữu An nghèo khó, không chỉ hết lòng chăm sóc mẹ mà còn nhận một người phụ nữ khác làm mẹ nuôi và chăm sóc bà cũng rất tận tình, chu đáo khi bà cũng mắc bệnh ung thư như mẹ mình nhưng lại không có người thân cận lè chăm sóc. Hay như đóa hoa hướng dương Lê Thanh Thúy, tuy mắc bệnh ung thư xương khi mới 16 tuổi nhưng Thúy lại là một tấm gương về nghị lực sống phi thường. Từ nỗi đau cũng mình, Thúy dễ dàng đồng cảm với sự đau đớn của các bệnh nhi bị bệnh ung thư và đã có ý tưởng được cùng với mọi người chăm sóc các bé, giúp các em xoa dịu bớt những nỗi đau về thể xác. Ý tưởng ấy đã được mọi người hưởng ứng và chương trình “Ước mơ của Thúy” đã ra đời với mục đích chăm sóc, hỗ trợ cho các bệnh nhi ung thư và được duy trì tốt đẹp cho đến ngày nay do báo Tuổi trẻ thực hiện. Giờ đây, tuy Thúy đã mất nhưng mọi người ở Bệnh viện Ung bướu Tp.HCM vẫn luôn nhớ mãi hình ảnh một cô bé nhỏ nhắn chống gậy đi khắp các giường bệnh để động viên các bé đáng bị bệnh giống mình.

Lòng yêu thương còn là động lực thúc đẩy ta hoàn công việc tốt hơn, có hiệu quả cao hơn. Đó là kết quả có được khi chúng ta biết sống vì người khác. Ngoài ra, nhờ lòng yêu thương, mọi người sẽ cùng nhau đoàn kết tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần để động viên nhau cùng nhau vượt qua gian khổ, thử thách, xóa tan những hận thù và cảm hóa được cả những con người lầm lỗi. Nhờ có lòng yêu thương, sự trợ giúp lẫn nhau mà những tai họa do con người hay thiên nhiên gây ra mau chóng được khắc phục, những mảnh đời bất hạnh tìm thấy niềm vui sống, những con người có ước mơ, hoài bão lớn nhưng không có điều kiện thực hiện đã nhanh chóng đạt được điều mình ao ước...

Bên cạnh đó, khi chúng ta biết sống yêu thương người khác và nhận được tình yêu thương thì tâm hồn chúng ta sẽ được bồi đắp trở nên trong sáng, cao đẹp hơn. Niềm tin vào con người và cuộc sống vì thế mà sẽ được củng cố, vun vén.

Với những ý nghĩa trên, lòng yêu thương cần phải được nhân rộng và trân quý, ca ngợi trong cuộc sống hôm nay. Mỗi chúng ta cần phải sống có lòng yêu thương với tất cả mọi người, sẵn sàng chia sẻ, cảm thông, giúp đỡ người khác. Song song đó, chúng ta cũng cần phải lên án lối sống thiếu tình yêu thương, ích kỉ, vô cảm trước nỗi đau của đồng loại, và thẳng thắn phê phán những kẻ lợi dụng tình thương để thể hiện những ý đồ đen tối, để tự đánh bóng tên tuổi mình.

Nghị luận về lòng nhân hậu (Mẫu 4)

Từ lâu, lòng yêu thương con người đã trở thành truyền thống quý báu của dân tộc ta. Chúng ta luôn phát huy tình cảm đó bởi xung quanh ta luôn có những con người cần sự giúp đỡ, sẻ chia. Lòng yêu thương đó chính là biểu hiện của tấm lòng nhân hậu, một trong những phẩm chất tốt đẹp của con người.

Vậy lòng nhân hậu là gì? Lòng nhân hậu tức là tấm lòng yêu thương, luôn chia sẻ cảm thông với những người xung quanh. Người có tấm lòng nhân hậu luôn dễ dàng tha thứ cho lỗi lầm của người khác. Con người chúng ta ai cũng cần có một tấm lòng nhân hậu. Bởi lẽ, đó là một lối sống đẹp cần có bởi con người. Người có lòng nhân hậu luôn sống vì những người xung quanh và quan tâm đến họ. Ai có lòng nhân hậu thì mối quan hệ trong xã hội và gia đình luôn luôn hạnh phúc và tràn ngập niềm vui. Người có tấm lòng nhân hậu luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với những người gặp hoàn cảnh khó khăn. Nếu ai đó mắc lỗi lầm, người có tấm lòng nhân hậu sẽ rộng lượng tha thứ cho họ. Những hành động, cử chỉ biểu hiện lòng nhân hậu đôi khi chỉ là một hành động rất nhỏ trao cho người ăn xin chiếc bánh mỳ, cứu chú chó bị lạc, ủng hộ những người vùng sâu vùng xa có hoàn cảnh khó khăn. Người có tấm lòng nhân hậu sẽ sẵn sàng giúp đỡ những hoàn cảnh đó mà không hề tính toán, vụ lợi. Họ nhìn cuộc sống bằng ánh mắt tràn đầy yêu thương.

Từ xưa, lòng nhân hậu, yêu thương người xung quanh được ông cha ta nhắc nhở và đề cao trong các câu ca dao tục ngữ như "Lá lành đùm lá rách", "Bầu ơi thương lấy bí cùng..." Những câu tục ngữ đó nhắc nhở chúng ta rằng hãy biết yêu thương có tấm lòng sẻ chia, cảm thông với những người có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn không được may mắn. Trong văn học, chúng ta cũng bắt gặp tấm lòng nhân hậu từ nhiều nhân vật. Đó là tấm lòng nhân hậu của cô em gái trong truyện "Bức tranh của em gái tôi". Người anh vì đố kỵ, tự ti về bản thân không được bằng em mà xa lánh em gái mình. Nhưng cuối cùng, cô em vẫn chọn vẽ anh trai mình trong cuộc thi vẽ quốc tế. Hay tấm lòng nhân hậu của cụ già Bơ-men dành cho Giôn-xi trong truyện ngắn "Chiếc lá cuối cùng" khi cô đang bị bệnh. Trong đêm mưa tuyết, cụ đã vẽ chiếc lá thường xuân lên bức tường. Khi nhìn thấy chiếc lá đó, Giôn - xi đã có nghị lực để vượt qua căn bệnh và cuối cùng cô đã khỏi bệnh. Tấm lòng nhân hậu của cụ như hồi sinh lại cô nhưng thật không may sau đó là cụ đã mất.

Tấm lòng nhân hậu, yêu thương con người có ý nghĩa rất lớn. Nó giúp cho mối quan hệ giữa con người với con người được gần với nhau hơn. Tấm lòng nhân hậu vơi đi phần nào khó khăn của người đang gặp hoạn nạn. Người có tấm lòng nhân hậu luôn được mọi người xung quanh yêu mến, quý trọng. Tấm lòng nhân hậu, giúp cho những người lầm đường lạc lối có thể quay trở về với con đường lương thiện, về với cái tốt. Nhưng trong cuộc sống, vẫn còn những người sống ích kỷ, hẹp hòi luôn nghĩ cho bản thân mình. Họ sống khép kín và mang nỗi thù hận, ích kỉ đối với người khác. Những người như vậy không bao giờ được sống thoải mái.

Nghị luận về lòng nhân hậu (Mẫu 5)

Nhân hậu là lòng tốt của con người đối với nhau. Đó là biểu hiện của những đức tính tốt đẹp, thương yêu giúp đỡ nhau giữa người với người trong cuộc sống. Lòng nhân hậu là một phẩm chất cần thiết ở một con người chân chính. Trong cuộc sống, cần có tấm lòng nhân hậu của con người với con người. Đó là lối sống có trước có sau, biết làm việc thiện, giàu lòng vị tha. Chính điều ấy sẽ tạo nên một cuộc sống xã hội, gia đình tràn ngập hạnh phúc, tình thương yêu, nhân ái. Mọi người sống hiền hòa, vui vẻ, bao dung, hiểu nhau. Người có tấm lòng nhân hậu là người sẵn lòng giúp đỡ, sẵn lòng chia sẻ với người khốn khó, tha thứ lỗi lầm của người khác, kể cả những người không thân thuộc. Người có lòng nhân hậu biết chấp nhận con người không hoàn hảo, cái riêng của người khác như chấp nhận chính bản thân mình,biết dùng tình thương yêu, chia sẻ để cảm hóa. Lòng nhân hậu khiến ta nghĩ đến điều thiện, có sự giúp đỡ, làm vơi nhẹ gánh nặng của nhiều người. Nếu cuộc sống thiếu tấm lòng nhân hậu thì trong xã hội sẽ chỉ còn những mưu toan, tính toán, những hằn học, bon chen và sự vô cảm thiếu tình người. Tuy nhiên lòng nhân hậu cũng cần đặt đúng chỗ. Có như thế mới phân biệt được thiện ác trong cuộc đời. Mỗi người cần rút ra cho bản thân một bài học: cần có tấm lòng nhân hậu trong cuộc sống. Mọi người trong gia đình, xã hội cần biết quan tâm, đối xử tốt với nhau, giúp đỡ nhau trong những tình huống cuộc sống. Chúng ta cũng cần tìm hiểu những người xung quanh mình và có những hành động thiết thực của mình từ chính gia đình, nhà trường, xã hội.

Nghị luận về lòng nhân hậu (Mẫu 6)

Trong cuộc sống của chúng ta, có lẽ sự đồng cảm và chia sẻ là những yếu tố rất cần thiết để ta vượt qua những khó khăn, để ta có thể thổ lộ ra những nỗi niềm, những dòng cảm xúc mỗi khi ta vui, ta buồn, trong chúng ta chắc ai ai cũng đã từng và sẽ tiếp tục đồng cảm và chia sẻ!

Trước tiên ta phải hiểu như thế nào là đồng cảm và chia sẻ? Đồng cảm nghĩa là giữa hai hoặc nhiều con người có chung dòng cảm xúc, có chung những suy nghĩ mà có thể cùng nhau cảm nhận và chia sẻ với nhau để những nỗi đau đó, những vất vả đó một phần nào đó nhẹ nhõm hơn, ông cha ta có câu “chia năm sẻ bảy”, ở đây chia sẻ cũng mang nghĩa tựa vậy, tuy nhiên chia sẻ ở đây là chia với nhau cùng hưởng lợi hoặc cùng chịu những khó khăn, san sẻ với những người khác những gì mà mình có để họ cũng có thể thấu hiểu được lòng mình, cũng có thể có được cảm xúc như mình. Nói tóm lại, đồng cảm và chia sẻ là những biểu hiện ở tình cảm của con người, của ý thức vì mình và cũng là vì người khác.

Và bỗng dưng ta lại thắc mắc một điều, đó là vì sao ta lại đồng cảm và chia sẻ?

Vâng, khi bạn vấp ngã, khi bạn thất bại hay khi bạn mắc phải những sai lầm trong cuộc sống thì bạn cần có một người nào đó lắng nghe những tâm sự của bạn và bạn mong rằng người đó sẽ đồng cảm với tâm trạng mình và giúp đỡ mình để vượt qua nó. Thông qua những việc làm đó, những hành động đó thì đã làm cho mối quan hệ giữa con người với con người được rút ngắn lại, giúp ta thêm gắn bó với nhau hơn và cùng nhau phát triển toàn diện bản thân mình. Nếu ta sống mà không có sự đồng cảm và chia sẻ thì ta sẽ cô lập với mọi người, với xã hội này và ý nghĩa của cuộc sống trong ta sẽ giảm sút đi rất nhiều. ta thử đặt trường hợp khi điểm kiểm tra của ta không được như ta mong đợi, thì trong lòng ta có một nỗi buồn, một nỗi thất vọng, nếu như ta chất chứa nó trong lòng mãi thì chính nó sẽ làm cho thành tích học tập của ta giảm sút đi, nhưng chỉ cần một lời an ủi, một lời động viên từ bạn bè, thì tinh thần ta phấn chấn hẳn lên và ta bỏ qua thất bại đó và ta tự nhắc nhở bản thân mình rằng ta sẽ cố gắng trong những bài sau. Vâng, ai ai cũng phải có sự đồng cảm và chia sẻ, có nó rồi ta sẽ thấy cuộc đời này rất có ý nghĩa đối với mình!

Có người cho rằng, đồng cảm và chia sẻ là biểu hiện của một nếp sống đẹp, vậy tại sao lại nói như vậy?

Như đã nói ở trên, đồng cảm và chia sẻ sẽ làm mọi người gần nhau hơn, hiểu nhau hơn và khi ta gần nhau hơn rồi, khi ta hiểu nhau hơn rồi thì lúc đó chúng ta đã có được một sức mạnh thần kì, mọi việc từ dễ đến khó chúng ta đều sẽ vượt qua. Trong một tập thể thì đồng cảm và chia sẻ được xem như là chiếc cầu nối mọi người lại với nhau và làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, tập thể ngày càng bền vững hơn nữa. Như ta đã biết, những việc làm mà lặp đi lặp lại nhiều lần thì sẽ trở thành thói quen, và ở đây cũng vậy, khi sự đồng cảm và chia sẻ đã trở thành thói quen của ta thì lúc đó ta nói nó là một biểu hiện rất rõ của nếp sống đẹp, từ đó cuộc sống trong con người ta trở nên có nhiều giá trị hơn.

Muốn có được thói quen đồng cảm và chia sẻ với người khác thì ta cần những phẩm chất gì?

Để trả lời câu hỏi này ta cần có ba phẩm chất. Thứ nhất, ta phải có sự nhạy cảm phán đoán được những gì đang tồn tại xung quanh mình và nhận ra được những tiềm ẩn trong tâm trạng của người khác để rồi ta dễ dàng biết được tâm trạng và ta cũng dễ dàng đồng cảm và chia sẻ hơn. Nhân hậu và lòng vị tha là phẩm chất thứ hai mà ta cần có, nếu ta không có lòng nhân hậu và vị tha thì ta chẳng thể nào đồng cảm và chia sẻ cho bất kì ai, vì ta không thật sự thấu hiểu được những nỗi niềm và những khó khăn mà họ đang mang. Thứ ba là phải có sự hiểu biết để cân nhắc và lựa chọn những việc mà ta phải làm, đáng làm cho người khác để họ sống tốt hơn và chính cuộc sống của ta cũng có ý nghĩa hơn.

Ta vẫn đang thắc mắc một điều là không biết thực tế trong cuộc sống ngày nay sự đồng cảm và chia sẻ như thế nào?

Như ta đã biết, xã hội ngày nay, nhất là những nước tư bản như Mĩ chẳng hạn, thì sự giàu nghèo hiện ra rất rõ ràng, từ đó ta có thể thấy rằng bên cạnh những người giàu có, đầy đủ những tiện nghi, vật chất thì còn có rất nhiều người phải sống trong những ổ chuột, phải làm việc vất vả để kiếm những miếng ăn hàng ngày,… có thể nói một cuộc sống vô cùng khó khăn, cơ cực, chính vì thế mà sự đồng cảm và chia sẻ là rất cần thiết, nếu không có sự đồng cảm và chia sẻ thì có lẽ những con người này sẽ rơi vào ngõ cụt của cuộc sống này và họ không hề được quyền hưởng cuộc sống ấm no hạnh phúc, không được hưởng hòa bình bình phải chiến đấu với cái đói, cái khát để tồn tại… Trong cuộc sống hiện nay, có người gặp may mắn và cũng có những người gặp rất nhiều rủi ro, khi ta nhắc tới những người không chịu thua số phận có lẽ ai ai cũng nghĩ đến Nguyễn Ngọc Kí, Nguyễn Ngọc Kí chỉ là một trong những gương mặt điển hình cho sự vượt lên số phận đó, đó là những người không may mắn khi mới sinh ra đã không có một cơ thể hoàn thiện về thể xác, và họ không coi mình là người thừa của xã hội này, với sự đồng cảm và chia sẻ của gia đình, bạn bè và xã hội, đã kéo họ vực dậy và giờ đây, những nhà giáo, những giám đốc tin học,… đã và đang đào tạo ra những nhân tài cho đất nước. Một thực trạng hiện nay nữa đó là vì áp lực của học tập, công việc, cuộc sống hàng ngày đã đưa con người ta vào con đường tuyệt vọng, tâm trí họ hoang mang, chán nản, họ cảm thấy quá mệt mỏi, phải làm sao để thoát khỏi những điều đó? Vâng câu trả lời cũng lại là phải có sự đồng cảm và chia sẻ của người khác dành cho mình hoặc ta có thể chia sẻ với bạn bè, đồng nghiệp, vợ, chồng,…

Khi ta đồng cảm và chia sẻ với người khác thì ta nên có thái độ chân thành, có lòng nhiệt tình và quan trọng nhất là ta phải có ý thức trách nhiệm với sự đồng cảm và chia sẻ của mình. Nước ta tuy còn là một nước nghèo về của cải và vật chất nhưng sẽ không bao giờ nghèo về tình người, những quỹ cứu trợ, những tổ chức đã ra đời và đã kêu gọi mọi người hỗ trợ cho những con người không gặp may trong cuộc sống này,…

Cho dù ta ở đâu, ở địa vị nào trong xã hội, ta còn nhỏ hay ta đã lớn khôn, thì ta đều có thể đồng cảm và chia sẻ với người khác, riêng với tuổi học sinh, vì ta còn phải lo cho việc học, nhưng ta vẫn có những hành động để đồng cảm và chia sẻ cho những số phận bất hạnh như mua viết ủng hộ những trẻ em mồ côi, mua tăm ủng hộ người khuyết tật,… ngoài ra còn tham gia vào những hoạt động gây quỹ, những buổi sinh hoạt với họ,… riêng bản thân tôi, việc cần làm lúc này nhất đó là sống chan hòa, gần gũi và quan tâm đến bạn bè, thấy cô giáo, gia đình,…

Sự đồng cảm và chia sẻ sẽ tạo nên những con người có phẩm chất cao đẹp, tạo nên một xã hội chứa chan tình người, nó chính là chiếc cầu nối hoàn hảo giữa con người với con người, sau mỗi lần đồng cảm và chia sẻ, ta lại có một niềm vui nào đó vì ta đã làm cho người khác vui!

Xem thêm các bài văn mẫu Ngữ văn 12 hay, chi tiết khác:

Nghị luận về lòng nhân ái

Nghị luận về lòng yêu nước

Nghị luận về lòng biết ơn

Nghị luận về sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống

Nghị luận xã hội về hậu quả của lối sống ăn bám

1 2,738 18/12/2023