Quan điểm sáng tác văn học Hồ Chí Minh (30 mẫu) SIÊU HAY

Quan điểm sáng tác văn học Hồ Chí Minh lớp 12 gồm dàn ý và 30 bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 12 hay hơn.

1 3,287 07/04/2023
Tải về


Quan điểm sáng tác văn học của Hồ Chí Minh – Ngữ văn 9

Bài giảng Ngữ văn 9 Tuyên ngôn độc lập

Dàn ý Quan điểm sáng tác văn học của Hồ Chí Minh

I. Mở bài:

Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời không bao giờ nhận mình là nhà văn, nhà thơ. Bác chỉ tự nhận mình người yêu văn chương. Nhưng do hoàn cảnh thôi thúc và nhiệm vụ cách mạng yêu cầu cộng với tài năng nghệ thuật thiên bẩm đã giúp bác sáng tác ra nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị. Các tác phẩm văn học của Hồ Chí Minh thể hiện rõ ràng quan điểm sáng tác cũng như tư tưởng nghệ thuật của người.

II. Thân bài:

* Quan điểm sáng tác văn học nghệ thuật của Hồ Chí Minh

- Hồ Chí Minh xem văn học là một hoạt động tinh thần phong phú có tác động đến đông đảo người dân. Nên trong hoàn cảnh nước mất, nhà tan, cả dân tộc đang chìm đắm trong lầm than. Văn chương cũng trở thành một mặt trận giúp cổ vũ động viên tinh thần yêu nước của nhân dân ta.

- Bác coi văn học là vũ khí chiến đấu phục vụ cho sự nghiệp cách mạng. Nhà văn, nhà thơ cũng là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Dùng ngòi bút của mình để đấu tranh với cái ác, cái phi nghĩa đòi lại lẽ phải và sự công bằng.

- Trong văn chương cần chú trọng tính chân thật và tính dân tộc. Nhà văn không cần phải miêu tả hoa mỹ mà cần phải phản ánh chân thật đời sống hiện thực. Người lên án những tác phẩm mang “chất mơ mộng quá nhiều”. Người yêu cầu văn nghệ sĩ cần phải biết “miêu tả cho hay, cho chân thật, cho hùng hồn” những đề tài phong phú của hiện thực cách mạng. Chú ý đến việc nêu gương điển hình “người tốt, việc tốt”.

- Đồng thời đề cao sự sáng tạo của người nghệ sĩ chú ý phát huy cốt cách dân tộc và có ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Tránh lối viết cầu kỳ, xa lạ và nặng nề. Hình thức tác phẩm cần phải hấp dẫn, ngôn từ cần chọn lọc, trau chuốt.

- Theo bác thì nhà văn, nhà thơ cần xác định mục đích, đối tượng tiếp nhận để quyết định nội dung và hình thức tác phẩm của mình. Trước khi viết cần trả lời 4 câu hỏi: Viết cho ai? Viết làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào?

* Quan điểm sáng tác văn học thể hiện qua các tác phẩm như thế nào?

- Các tác phẩm của Hồ Chí Minh chính là dẫn chứng hùng hồn cho quan điểm sáng tác văn học của người.

- Các tác phẩm của bác dù là văn chính luận, truyện ngắn hay thơ…đều mang tính chiến đấu rất cao. Ví dụ như trong tác phẩm Tuyên ngôn Độc Lập bác đã lên án mạnh mẽ tội ác của Thực dân Pháp, phát xít Nhật. Từ đó thể hiện ý chí, lòng quyết tâm giữ vững độc lập tự do cho dân tộc. Hay như trong tác phẩm thơ Nhật Ký Trong Tù, bác đã viết:

Thân thể ở trong lao
Tinh thần ở ngoài lao
Muốn lên sự nghiệp lớn
Tinh thần càng phải cao”.

- Trong tác phẩm “Cảm tưởng đọc Thiên gia thi” bác cũng viết:

Nay ở trong thơ nên có thép.
Nhà thơ cũng phải biết xung phong.

- Trong tác phẩm “Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa” (1951), bác cũng nhấn mạnh về vai trò của người cầm bút: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.

– Trong các tác phẩm của mình, bác cũng đề cao tính chân thực và tính dân tộc khi sáng tác dựa trên những sự kiện có thật trong đời sống hiện thực. Ví dụ như tác phẩm “Vi Hành” có nội dung viết về chuyến viếng thăm của nhà vua Khải Định sang Pháp.

- Hay trong tác phẩm “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, bác đã nhấn mạnh đến bối cảnh lịch sử và chỉ ra dã tâm muốn cướp nước ta một lần nữa của Pháp. Từ đó kêu gọi người dân hãy đứng lên đấu tranh giữ vững nền độc lập, tự do cho dân tộc.

- Ở bài thơ “Tức cảnh Pác Pó” ta thấy bác đã miêu tả khoảng thời gian thiếu thốn, vất vả của bác khi làm việc tại chiến khu Việt Bắc. Nhưng nhắc đến hiện thực đó bác không hề bi quan với ngôn ngữ dí dỏm bác đã khiến cho cuộc sống nơi chiến khu trở lên rất thi vị.

Sáng ra bờ suối tối vào hang.
Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng.
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng.
Cuộc đời cách mạng thật là sang.

Hiện thực trong các sáng tác của bác không chỉ dừng lại ở sự tái hiện đơn thuần và còn thể hiện sự sáng tạo trong ngôn ngữ, cách xây dựng hình ảnh rất ấn tượng.

– Khi sáng tác, bác rất quan tâm đến đối tượng tiếp nhận từ đó quyết định xây dựng nội dung và hình thức tác phẩm cho phù hợp. Với các tác phẩm chính luận bác sử dụng lối văn chính luận sắc sảo, liên kết chặt chẽ, có luận điểm, luận cứ xác thực. Giọng điệu đanh thép giàu tính chiến đấu vừa vạch trần tội ác của thực dân vừa cổ vũ động viên tinh thần của nhân dân…

- Với các tác phẩm thơ tuyên truyền hướng tới đại đa số người dân lao động nên bác thường viết bằng ngôn từ rất đơn giản, bình dị. Người dân dễ đọc, dễ thuộc, dễ nhớ và lưu truyền bằng miệng. Trong bài thơ chúc tết xuân Kỷ Dậu – 1969, bác có viết:

Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào
Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào
Bắc – Nam sum họp xuân nào vui hơn."

Lời thơ giản dị, xúc tích, dễ đọc, gần gũi dễ hiểu. Nhưng lại có sức lan tỏa và lay động đến hàng triệu con tim.

III. Kết bài:

Có thể nói, Hồ Chí Minh đã xây dựng một quan điểm sáng tác văn học nghệ thuật cực kỳ sâu sắc và tiến bộ. Quan điểm này được thể hiện xuyên suốt trong các tác phẩm của người. Đối với đối tượng văn nghệ sĩ, bác chính là tấm gương sáng để họ noi theo. Mỗi nhà văn, nhà thơ đều cố gắng đem ngòi bút và tài năng của mình phục vụ sự nghiệp cách mạng và công cuộc kháng chiến, xây dựng đất nước.

Quan điểm sáng tác văn học của Hồ Chí Minh (mẫu 1)

Hồ Chí Minh là nhà yêu nước, nhà cách mạng vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Song hành với sự nghiệp cách mạng vĩ đại, Người đã để lại cho nhân loại sự nghiệp văn học đồ sộ bao gồm nhiều thể loại khác nhau. Bàn tới hoạt động văn học nghệ thuật Hồ Chí Minh, người ta thường nhắc tới trước nhất là quan điểm văn học nghệ thuật của Bác.

Vẫn biết rằng văn chương không phải là sự nghiệp chính trong cuộc đời Bác nhưng là mục đích để tấn công kẻ thù. Bác đã để lại di sản văn học to lớn về tầm vóc và tư tưởng, phong phú và đa dạng về thể loại cho tới phong cách nghệ thuật.

Bác coi văn học nghệ thuật là vũ khí sắc bén, thứ vũ khí chiến đấu phụng sự cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Vì thế trong Cảm tưởng đọc “Thiên gia thi”, Bác có viết:

Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong”

Người đã biến văn học nghệ thuật là mặt trận để chống kẻ thù. Người viết nhiều tác phẩm chính luận đăng trên các báo Người cùng khổ, Đời sống thợ thuyền, đáng chú ý là Bản án chế độ thực dân Pháp… những tác phẩm này mang tính chiến đấu mạnh mẽ, lên án sự tàn bạo của chính quyền thực dân với các nước thuộc địa, qua đây Hồ Chí Minh kêu gọi người nô lệ đoàn kết, đấu tranh.

Các tác phẩm Tuyên ngôn độc lập, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Không có gì quý hơn độc lập tự do của Bác là những văn kiện trọng đại được viết vào thời khắc cam go của dân tộc. Đây là những áng văn chính luận đanh thép, hào sảng làm rung động triệu triệu trái tim Việt Nam yêu nước. Những tác phẩm trí tuệ ấy có tác dụng động viên to lớn tinh thần yêu nước của dân tộc.

Hồ Chí Minh luôn coi trọng tính chân thật và tính dân tộc trong văn học nghệ thuật. Phải làm sao miêu tả cho hay, cho chân thật hiện thực đời sống cách mạng và phải phát huy được cốt cách dân tộc. Về phương diện nghệ thuật, các tác phẩm của Bác luôn có ý thức giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt, viết giản dị, không cầu kì xa lạ nhưng luôn đề cao tính sáng tạo của người nghệ sĩ.

Như các tác phẩm thơ ca của Bác có một phong cách riêng, sâu sắc và tinh tế thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của con người đẹp nhất Việt Nam. Có loại thơ mang phong cách giản dị, mộc mạc, đậm màu sắc dân gian để tuyên truyền cách mạng như: Dân cày, Binh lính, Ca sợi chỉ… Có loại thơ viết theo cảm hứng thẩm mỹ như những bài thơ tứ tuyệt cổ viết bằng chữ Hán như tập Nhật ký trong tù.

Nhật ký trong tù là tập thơ tái hiện chân thật, chi tiết bộ mặt tàn bạo của chế độ nhà tù Tưởng Giới Thạch và xã hội Trung Quốc lúc bấy giờ với ý nghĩa phê phán sâu sắc. Cuốn Nhật ký bằng thơ này chủ yếu ghi lại cảm xúc, tâm trạng và suy nghĩ của Bác, qua đó ta cảm nhận được phần nào tâm hồn và nhân cách cao đẹp của Bác. Đó là tâm hồn nhạy cảm trước thiên nhiên và con người, một con người có nghị lực phi thường, luôn luôn hướng về quê hương đất nước.

Khi cầm bút, Người luôn đặt các câu hỏi: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào? Bao giờ cũng xuất phát từ mục đích, đối tượng tiếp cận để xây dựng nội dung cũng như hình thức của tác phẩm và vận dụng chúng theo nhiều cách khác nhau. Bởi vậy, các tác phẩm của Bác luôn có tư tưởng sâu sắc, nội dung thiết thực, hình thức nghệ thuật sinh động.

Quan điểm sáng tác văn học của Hồ Chí Minh (mẫu 2)

Hồ Chí Minh là lãnh tụ cách mạng, là nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam. Người không chỉ là một người chiến sĩ trên mặt trận quân sự mà còn là một chiến sĩ trên mặt trận văn chương. Minh chứng cho điều này là Người đã để lại một kho tàng văn học đồ sộ với số lượng tác phẩm khổng lồ. Người viết văn, làm thơ trước hết và chủ yếu do nhận thấy văn chương là vũ khí sắc bén chống quân thù và là phương tiện thuận lợi để tuyên truyền cách mạng. Nhưng cũng có lúc, trước cảnh thiên nhiên vẻ đẹp con người, những vần thơ lại được viết ra với mục đích giãi bày và cho thỏa lòng yêu con người yêu thiên nhiên.

Trước hết, nhiệm vụ và lí tưởng cách mạng là một trong những mục đích sáng tác lớn nhất trong cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Hồ Chí Minh. Cho nên trước khi đặt bút, Bác thường đặt ra những câu hỏi: Viết để làm gì ? Viết cho ai ? Viết như thế nào ? Mỗi bài viết của Bác đều nhằm phục vụ một mục đích cụ thể, một đối tượng cụ thể, vì thế mà văn phong của Bác vô cùng linh hoạt và đa dạng, những tác phẩm viết ra đều mang một ý nghĩa vô cùng to lớn có nội dung và mục đích rõ ràng.

Trải qua nhiều biến cố và thay đổi của cuộc đời cũng như sự nghiệp sáng tác, tùy thuộc vào hoàn cảnh mà những tác phẩm do người viết ra cũng có những thay đổi nhằm phù hợp với tư tưởng hình thức và phong cách viết. Bác đã luôn luôn thay đổi cho phù hợp. Điều đó tạo nên đặc điểm phong phú, đa dạng trong sự nghiệp văn học của Bác.

Bác sống và hoạt động ngay giữa hang ổ kẻ thù (Pari) trong những thập kỉ đầu của thế kỉ XX. Bác đã viết một số tác phẩm bằng tiếng Pháp (Vi hành, Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu, Lời than vãn của bà Trưng Trắc…). Những tác phẩm này đều được viết theo phong cách văn xuôi hiện đại châu Âu, nhằm mục đích tố cáo những âm mưu thâm độc, xảo quyệt của thực dân Pháp và bản chất xấu xa, hèn hạ của triều đình phong kiến nhà Nguyễn tay sai bán nước. Đối tượng mà Bác hướng đến là nhân dân Pháp và những người nước ngoài biết tiếng Pháp. Các tác phẩm trên đã gây ra một tiếng vang lớn lúc bấy giờ trong dư luận và gây ảnh hưởng lớn với quần chúng.

Văn chính luận là phong cách chính của Hồ Chí Minh. Bác đó là các tác phẩm với những vấn đề Bác nói đến không ngoài nội dung tuyên truyền cách mạng, giáo dục tiêu biểu như: Bản án chế độ thực dân Pháp, Tuyên ngôn Độc lập, Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến… với lối lập luận sắc bén, dẫn chứng cụ thể,các tác phẩm có sức thuyết phục sâu sắc.

Không chỉ dừng lại đó, chúng ta phải nhắc đến thơ chiếm một số lượng khá lớn. Bác làm thơ bằng chữ Hán, chữ quốc ngữ và nhiều thể loại khác nhau (tứ tuyệt, ngũ ngôn, lục bát, song thất lục bát.. trong đó “Nhật ký trong tù “là cuốn nhật ký viết bằng chữ Hán, dưới dạng thơ, ghi lại cụ thể diễn biến của mười bốn tháng Bác sống trong ngục tù của chính quyền quân phiệt Tưởng Giới Thạch từ năm 1942 đến 1943. Nó vừa là một tài liệu lịch sử vô giá, đồng thời là một tác phẩm văn chương lớn, nội dung toát lên vẻ đẹp lạ thường của một tâm hồn đại trí, đại nhân, đại dũng. Chính vì vậy mỗi khi nhắc tới Nhật Kí trong tù người ta vẫn có một cái nhìn đa chiều về chế độ, đời sống và tư tưởng của người.

Thêm vào đó,trong quá trình hoạt động cách mạng, Người cũng sáng tác nhiều bài ca dưới hình thức văn vần để giác ngộ quần chúng: Bài ca binh lính, Bài ca sợi chỉ, Bài ca đoàn kết… Bác viết thật dễ hiểu, dễ nhớ để quần chúng có trình độ thấp dễ tiếp thu. Và người đã từng phê phán cách viết cầu kì, sính dùng chữ hoặc dài dòng “dây cà ra dây muống” không phù hợp với quần chúng nhân dân. Bằng chính hiểu biết của mình Người đã từng bước làm thay đổi cái nhìn về văn chương.

Bước vào thời kì kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp gian khổ, ác liệt là thế; Người lại phải gánh vác trách nhiệm cứu dân, cứu nước; song không vì vậy mà Người quên văn chương. Người sáng tác những bài thơ vừa có tính hiện thực sâu sắc vừa đậm đà chất lãng mạn cách mạng: Cảnh khuya, cảnh rừng Việt Bắc, Tức cảnh Pác Bó, Đi thuyền trên sông Đáy, Rằm tháng Giêng, Tin thắng trận, Lên núi, Tặng cụ Bùi… với nội dung chủ yếu là ca ngợi kháng chiến, qua đó Người thể hiện niềm tin tưởng sâu xa vào thắng lợi tất yếu của kháng chiến, ca ngợi nghĩa tình thủy chung, gắn bó giữa quần chúng và cách mạng, đồng thời vẽ nên những bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp:

Rằm xuân lồng lộng trăng soi,
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân.
Giữa dòng bàn bạc việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.

(Rằm tháng Giêng)

Qua các tác phẩm và câu thơ, Người muốn khẳng định một cách kín đáo: không có thơ ở ngoài cuộc sống của toàn dân tộc và hiện thực hào hùng của kháng chiến là nguồn thi hứng không bao giờ vơi cạn đối với các nhà thơ:

Trăng vào cửa sổ đòi thơ,
Việc quân đang bận, xin chờ hôm sau.
Chuông lầu chợt tỉnh giấc thu,
Ấy tin thắng trận Liên khu báo về.

(Tin thắng trận)

Hay bên cạnh đó cũng có những câu thơ miêu tả cảnh sinh hoạt kháng chiến :

Xem sách chim rừng vào cửa đậu
Phê văn hoa núi ghé nghiêng soi
Tin vui thắng trận dồn chân ngựa
Nhớ cụ, thơ xuân tặng một bài.

(Tặng cụ Bùi)

Mặc dù văn chương là một phần không thể thiếu khi nhắc tới Hồ Chí Minh và những sáng tác của Người đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm và ý nghĩa sâu sắc. Người làm văn chương trước hết là để phục vụ cách mạng, nhưng khi sáng tác Bác rất say mê và nghiêm túc, cho nên Người đã vô tình để lại trong kho tàng văn học Việt Nam những tác phẩm có giá trị lớn lao về nội dung và nghệ thuật lẫn hình thức thể hiện.

Quan điểm sáng tác văn học của Hồ Chí Minh (mẫu 3)

Quan điểm sáng tác văn học nghệ thuật của Người in đậm trên toàn bộ thơ của Người để lại. Trong hoàn cảnh nước mất nhà tan, cả dân tộc đang chìm đắm trong vòng nô lệ, phải vùng lên chiến đấu giành lại tự do, Người quan niệm thơ văn phải có tính chiến đấu, có chất "thép", là vũ khí cách mạng sắc bén; văn nghệ sĩ phải là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa, nghệ thuật. Nếu cổ nhân quan niệm: "Văn dĩ tải đạo", "Thi dĩ ngôn chí", thì Hồ Chí Minh bổ sung:

Nay ở trong thơ nên có thép,
Nhà thơ cũng phải biết xung phong.

(Cảm tưởng đọc "Thiên gia thi")

Vai trò của người cầm bút phải là người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, nghệ thuật: "Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy" (Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội hoạ 1951).

Người quan niệm văn thơ phải có tính thực và tính dân tộc, nhà văn phải "miêu tả cho hay, cho chân thật và cho hùng hồn cuộc sống sản xuất và chiến đấu của nhân dân; phải biết nêu gương "người tốt, việc tốt", phải biết trân trọng và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý đến mối quan hệ giữa tác giả và độc giả. Trong thời đại cách mạng, quần chúng công – nông – binh là đối tượng phục vụ của văn nghệ sĩ. Cho nên tác giả phải tự ý thức nêu cao trách nhiệm của người cầm bút. Người nêu kinh nghiệm chung cho hoạt động báo chí và văn chương: "Viết cho ai?" (đối tượng thưởng thức), "Viết để làm gì?" (mục đích sáng tác), "Viết cái gì?" (nội dung) và "Viết như thế nào?" (hình thức).

Quan điểm sáng tác văn học nghệ thuật của Hồ Chí Minh là quan điểm tiên tiến, là những bài học vô cùng sâu sắc đối với các văn nghệ sĩ trong quá trình phấn đấu trở thành nhà văn chiến sĩ đem ngòi bút và tài năng phục vụ cách mạng và kháng chiến, phục vụ công cuộc xây dựng đất nước, góp phần làm giàu đẹp nền văn học Việt Nam.

Quan điểm sáng tác văn học của Hồ Chí Minh (mẫu 4)

Sự nghiệp văn thơ của Hồ Chí Minh là một hiện tượng hiếm có trong lịch sử dân tộc. Lúc sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh không tự nhận mình là nhà văn, nhà thơ mà chỉ là người bạn của văn nghệ, một người yêu văn nghệ. Nhưng do hoàn cảnh lịch sử thôi thúc, nhiệm vụ Cách mạng yêu cầu cộng thêm với một tài năng nghệ thuật, một tâm hồn nhạy cảm, Người viết khá nhiều thơ văn. Chính qua sự nghiệp thơ văn của Người cũng hình thành những quan điểm sáng tác văn chương khá độc đáo.

Chưa bao giờ Bác Hồ xem văn chương là sự nghiệp chính của đời mình. Đối với Bác, công việc Cách mạng cứu nước, cứu dân mới là sự nghiệp suốt đời Bác theo đuổi. Người đã từng nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là nhà nước được hoàn toàn độc lập, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Nhưng trên bước đường hoạt động Cách mạng của mình, Người đã nhận ra vai trò và sức mạnh to lớn của văn chương. Chính vì vậy, Người đã sử dụng văn chương như một phương tiện, một vũ khí chiến đấu.

Phong cách nghệ thuật của Hồ Chí Minh bắt nguồn từ truyền thống gia đình, môi trường văn hoá, hoàn cảnh sống, hoạt động cách mạng, cá tính và quan điểm sáng tác của Người. Là một nhà văn Cách mạng chính trị, dù rất yêu văn chương, Hồ Chí Minh chưa bao giờ đặt văn chương lên vị trí hàng đầu, không để cảm hứng lãng mạn lấn át cảm hứng chính trị Cách mạng. Trong hoàn cảnh có thể và cần thiết phải viết văn, người không hề coi nhẹ vũ khí văn chương. Với Hồ Chí Minh, văn chương là một hành vi chính trị, hành vi Cách mạng. Người đã từng khẳng định “Nay ở trong thơ có thép” và “văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, văn nghệ sĩ là một chiến sĩ trên mặt trận ấy”.

Trong bài thơ “Cảm tưởng đọc Thiên Gia Thi”, Bác viết:

Cổ thi thiên ái thiên nhiên mỹ
Sơn thủy yên hoa tuyết nguyệt phong
Hiện đại thi trung ưng hữu thiết
Thi gia dã yếu hội xung phong.

Dịch:

“Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp
Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi sông
Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong”.

Bài thơ thể hiện hết sức rõ ràng quan điểm nghệ thuật của Hồ Chí minh. Đối với người, thơ ca phải ca ngợi cái đẹp, mà ở đó chính là cái đẹp của thiên nhiên, vũ trụ. Thơ xưa lấy cái đẹp của thiên nhiên làm đối tượng phản ánh, thể hiện lối sống thanh cao, tâm hồn trong sạch của người xưa. nay trong thời đại cách mạng, Hồ Chí Minh chủ trương thơ ca không phải chỉ có chất lãng mạn, mà còn có cả chất thép (tính cứng rắn) và nhà thơ không chỉ là người ngâm vịnh phong, hoa, tuyết, nguyệt mà còn là một người chiến sĩ (tính chiến đấu)

Do quan niệm văn chương nghệ thuật như trên, Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý đến đối tượng tiếp nhận, để tìm ra hình thức viết tốt nhất cho mình. Đó là lý do tại sao thời gian hoạt động Cách mạng ở Pháp, người viết văn bằng tiếng Pháp; khi bị giam giữ ở Trung Quốc người viết thơ bằng tiếng Hán. Người nghệ sĩ phải luôn ý thức rõ mình viết cho ai và viết để làm gì để nội dung của tác phẩm không bao giờ đi chệch hướng, hoặc uổng công vô ích, thậm chí là có hại cho xã hội nếu nhà văn không xác định rõ ràng đề tài phản ánh và đối tượng tiếp nhận nghệ thuật.

Người luôn chú ý tới hình thức biểu hiện của văn nghệ: phải diễn đạt giản dị, dễ hiểu, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Viết cho trẻ em thì trong sáng, hồn nhiên; viết cho trí thức thì sâu sắc trí tuệ, viết cho đại chúng thì phải rõ ràng,… Đặc biệt, văn chương thì phải hướng đến tất cả mọi người, Người luôn căn dặn các nhà văn, nhà thơ phải luôn bám sát đối tượng mà viết. Những câu hỏi viết cho ai, viết thế nào, viết cái gì và để làm gì luôn được đặt ra với Người trở thành phương pháp sáng tác trong cả cuộc đời của người và của nền văn học kháng chiến..

Hồ Chí Minh quan niệm tác phẩm văn chương phải có tính chân thực, phải hấp dẫn. Người khuyên các nghệ sĩ phải bớt đi chất thơ mộng, tăng thêm chất hiện thực. Phải miêu tả cho hay, cho chân thật cuộc sống mới, con người mới. vì thế, Người yêu cầu văn nghệ sĩ phải miêu tả “cho hay, cho chân thực, cho hùng hồn” những đề tài phong phú của Cách mạng, của cuộc sống hằng ngày. văn chương không nên ủy mị hay xót thương một cách vô ích. Văn chương phải đi vào nỗi đau khổ con người, đi vào cuộc chiến đấu của dân tộc, phát hiện và ngợi ca những tấm gương anh hùng, cổ vũ mạnh mẽ cho cuộc chiến chống kẻ thù.

Văn thơ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh có phong cách độc đáo ,đa dạng mà thống nhất, kết hợp sâu sắc nhuần nhị giữa chính trị và văn chương, giữa tư tưởng và nghệ thuật, giữa truyền thống và hiện đại. Mỗi thể loại văn học, Người lại có phong cách độc đáo riêng biệt. Quan điểm sáng tác văn học của Hồ Chí Minh trở thành định hướng sáng tác cho các văn nghệ sĩ nước ta và góp phần không nhỏ vào thực hiện những nhiệm vụ của thời đại, đất nước.

Quan điểm sáng tác văn học của Hồ Chí Minh (mẫu 5)

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà yêu nước và nhà cách mạng vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Người không chỉ là Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới với những đóng góp vĩ đại cho sự nghiệp cách mạng mà còn là một nhà thơ, nhà văn hóa lớn. Sinh thời, Hồ Chí Minh không tự nhận mình là nhà văn, nhà thơ mà chỉ là người bạn của văn nghệ. Người từng bộc lộ rằng: ” Ngâm thơ ta vốn không ham”, bởi Người luôn đặt sự nghiệp cứu nước cứu dân trở thành nhiệm vụ cao cả hàng đầu. Thế nhưng trên con đường hoạt động cách mạng, Người nhận thấy văn chương thực sự là một vũ khí lợi hại, sắc bén phục vụ hiệu quả cho sự nghiệp cách mạng, Người đã mài sắc nó bằng nhiệt tình cách mạng và trở thành nhà văn ngoài dự định của mình. Phần lớn các sáng tác của Người đều được làm để phục vụ cho cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc. Nhưng hơn cả, do tài năng đặc biệt và một tâm hồn nghệ sĩ thực sự chứa chan những xúc cảm trước thiên nhiên và cuộc đời đã làm nên một diện mạo riêng trong thơ của Bác.

Hồ Chí Minh xem văn nghệ là một hoạt động tinh thần phong phú, phục vụ có hiệu quả cho sự nghiệp cách mạng. Người tâm niệm rằng nhà văn phải sống giữa cuộc đời, hòa mình vào sự sống sôi nổi ngoài kia, không được trốn tránh và góp phần vào cuộc đấu tranh và phát triển xã hội. Văn học nghệ thuật phải là vũ khí, phục vụ tốt cho sự nghiệp cách mạng, đồng thời nhà văn phải là người chiến sĩ trong cuộc đấu tranh. Chính quan điểm này đã trở thành kim chỉ nam cho hoạt động sáng tác của Người và thi ca phải là sự hòa hợp giữa chất thép và chất tình:

"Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp
Mây gió trăng hoa tuyết núi sông
Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong”

(Cảm tưởng đọc Thiên gia thi)

Thực ra quan điểm này của Hồ Chí Minh là đã kế thừa truyền thống của cha ông nhưng có nâng cao ở thời đại cách mạng. Ngược dòng lịch sử, người ta vẫn còn thấy sự hào sảng trong thơ Nguyễn Trãi khi coi văn chương như một thứ vũ khí “tâm công mưu phạt” , la tinh thần “văn chương chuyên chú ở con người”, hay tinh thần văn chương “chở đạo đâm gian” của Đồ Chiểu…Quan điểm này giải thích tại sao trong sáng tác của Hồ Chí MInh chủ yếu là văn chính luận phục vụ cho cuộc đấu tranh cách mạng.

Bên cạnh đó, Hồ Chí Minh rất chú trọng đến đối tượng thưởng thức văn chương. Người nêu kinh nghiệm sáng tác viết văn và báo chí khi đặt ra và trả lời bốn câu hỏi : Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? và Viết như thế nào?, nghĩa là đối tượng phải đặt lên hàng đầu. Đối tượng và mục đích sáng tác sẽ quyết định sẽ quyết định nội dung và hình thức nghệ thuật phù hợp. Đặt quan điểm sáng tác này trong bối cảnh thời đại, ta mới thấy được sự đúng đắn và sáng rõ. Văn chương thời đại cách mạng phải lấy quần chúng nhân dân làm đối tượng phục vụ chủ yếu. Viết cho ai? Viết cho nhân dân, tránh lối viết không mục đích, không đối tượng. Người chú ý đến quan hệ giữa phổ cập và nâng cao trong văn nghệ. Khi nào viết phổ cập, khi nào viết nâng cao là hoàn toàn phụ thuộc vào đối tượng. Điều này có liên quan đến ý thức trách nhiệm của người cầm bút.

Hồ Chí Minh luôn quan niệm tác phẩm văn chương phải có tính chân thực và mang tính dân tộc, vì tính chân thực là cái gốc của văn chương muôn đời, tránh lối đi trong văn chương là “chất mơ mộng nhiều quá, mà cái chất thật của sự sinh hoạt thì ít”, còn tính dân tộc là một thuộc tính,một phẩm chất cần có của văn chương. Văn học và nghệ thuật phải làm sao phản ánh được cuộc sống của dân tộc và được nhân dân yêu thích, đồng thời phải mang hồn dân tộc. Đó là quan điểm về nội dung sáng tác, còn về khía cạnh nghệ thuật, văn chương phải trong sáng giản dị mà hấp dẫn, có sự chọn lọc nhưng phải giữ gìn được sự trong sáng của tiếng Việt, đồng thời tránh lối viết khó hiểu, khuôn sáo và nặng nề.

Có thể thấy rằng, quan điểm sáng tác văn học của Hồ Chí Minh rất phù hợp với nhu cầu cách mạng. Đây là quan niệm đúng đắn, tiến bộ, phù hợp với lí luận văn nghệ cách mạng, không những thể hiện nhất quán trong toàn bộ sáng tác của Người mà còn trở thành kim chỉ nam dẫn đường cho nền văn nghệ cách mạng.

Quan điểm sáng tác văn học của Hồ Chí Minh (mẫu 6)

Người luôn yêu cầu tính chân thực và tính dân tộc:Người khuyên các nghệ sĩ phải bớt đi chất mơ mộng,tăng thêm chất hiện thực.Phải miêu tả cho hay,cho chân thật,cho hùng hồn.Phải diễn đạt giản dị,dễ hiểu,giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt.
Bác luôn quan tâm đến đối tượng thưởng thức từ đó quyết định hình thức và nội dung của tác phẩm văn học: Đối tượng chính là quần chúng nhân dân.Trước khi viết,Người luôn đặt ra và trả lời các câu hỏi: Viết cho ai(đối tượng thưởng thức), Viết cái gì(nội dung), Viết để làm gì(mục đích viết), Viết như thế nào(cách viết)
Nhờ có hệ thống quan điểm này,tác phẩm văn chương của Bác vừa có giá trị tư tưởng,tình cảm,nội dung thiết thực mà còn có nghệ thuật sinh động,đa dạng.

Quan điểm sáng tác văn học của Hồ Chí Minh (mẫu 7)

Hồ Chí Minh xem văn nghệ là một hoạt động tinh thần phong phú và phục vụ có hiệu quả cho sự nghiệp cách mạng. Nhà văn phải có sự gắn bó sâu sắc với cuộc đời để từ đó khám phá và sáng tạo góp phả vào nhiệm vụ đấu tranh và phát triển xã hội. Người khẳng định: "Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy".

Hồ Chí Minh chú ý đến đối tượng thưởng thức. Văn chương trong thời đại cách mạng phải coi quảng đại quần chúng là đối tượng phục vụ. Tác phẩm văn chương phải thể hiện tinh thần dâ tộc Của nhân dân và được nhân dân yêu thích. Hồ Chí Minh nêu kinh nghiệm chung cho hoạt động báo chí và văn chương: Viết cho ai, viết cái gì? Viết để làm gì? Cách viết thế nào? Bên cạnh đó, Người chú ý đến mối quan hệ giữa phổ cập và nâng cao trong văn nghệ.

Hồ Chí Minh quan niệm tác phẩm văn chương phải có tính chân thật. Người yêu cầu nhà văn phải "miêu tả cho hay, cho chân thật, cho hùng hồn" sự phong phú của đời sống cách mạng, phải ca ngợi, khẳng định cái cao đẹp, phê phán và phủ nhận cái xấu trong cuộc đời.

Mặt khác, nhà văn phải chú ý đến hình thức biểu hiện sao cho hấp dẫn, tránh lối viết cầu kỳ, xa lạ, nặng nề. Tác phẩm văn chương phải thể hiện được tinh thần dân tộc của nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời không bao giờ nhận mình là nhà văn, nhà thơ. Bác chỉ tự nhận mình người yêu văn chương. Nhưng do hoàn cảnh thôi thúc và nhiệm vụ cách mạng yêu cầu cộng với tài năng nghệ thuật thiên bẩm đã giúp Bác sáng tác ra nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị. Các tác phẩm văn học của Hồ Chí Minh thể hiện rõ ràng quan điểm sáng tác cũng như tư tưởng nghệ thuật của người.

Xem thêm các bài tóm tắt Ngữ văn 9 hay, chi tiết khác:

Phân tích phong cách nghệ thuật Hồ Chí Minh

Phân tích đoạn cuối của "Tuyên ngôn độc lập"

Thuyết minh về tác giả Hồ Chí Minh 

Phân tích Người lái đò sông đà

Phân tích hình tượng Người lái đò sông đà

1 3,287 07/04/2023
Tải về