TOP 20 mẫu mở bài Vợ nhặt (2024) SIÊU HAY

20 mẫu mở bài Vợ nhặt lớp 12 gồm những bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 12 hay hơn.

1 13,257 20/12/2023
Tải về


20 mẫu mở bài Vợ nhặt

Mở bài mẫu 1

Lịch sử dân tộc ta đã phải trải qua biết bao khổ cực, phải đấu tranh với những lũ giặc thâm độc. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, ngoài việc ghi dấu mốc son chói lọi, song vận mệnh đất nước lại lâm nguy. Đây cũng là thời điểm nạn đói hoành hành, là một nỗi ám ảnh trong ký ức của biết bao con người. Cho đến tận ngày nay, không ai có thể phủ nhận sự khủng khiếp của nó. Nhà văn Kim Lân, bằng sự nhân đạo và tài năng của mình đã khắc họa lại rõ nét bức tranh nghèo đói của con người thời ấy. Nhưng vượt lên cả là niềm sống mãnh liệt, sự khao khát về một tương lai tươi sáng dù trong cái tận cùng của chết chóc. Điều này được thể hiện rất rõ nét qua tác phẩm Vợ nhặt.

Mở bài mẫu 2

Nếu coi tác phẩm văn học là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung thì người nghệ sỹ cần phát huy tài năng xuất chúng của mình để làm nên một tác phẩm hay. Trong đó, phải kể đến truyện ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân. Đây là tác phẩm xuất sắc nhất của ông viết về những con người trong nạn đói năm 1945. Sự đau khổ, mất mát đâu chỉ có trên chiến trường ác liệt mà còn thể hiện ngay trong cuộc sống đói khổ lúc bấy giờ. Kim Lân đã tái hiện lại thảm cảnh nghèo đói đến đìu hiu, xơ xác của những con người vốn rất hiền lành. Nhưng ẩn chứa là niềm khao khát sống, ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp phía trước.

Mở bài mẫu 3

Nhà văn Nga I.Bônđarep từng có ý tưởng rằng “Nghệ thuật sinh ra từ những thái cực và xung đột”. Ý kiến này quả đúng khi bàn về truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân. Với tác phẩm Vợ Nhặt nhà văn đã làm hiện lên trước mắt người đọc một bức tranh sinh động về hiện thực thê thảm ấy và lạ thay, giữa khoảng trống lay lắt,tối tăm của cuộc sống đói nghèo nhà văn đã cho ta thấy được tấm lòng của những con người đói khổ dù đang bị cái đói, cái chết rình rập nhưng họ vẫn cưu mang, đùm bọc, yêu thương và san sẻ, cùng hướng về sự sống, về hạnh phúc và tương lai. Nó được thể hiện như thế nào qua hình tượng nhân vật Tràng?

Mở bài mẫu 4

Văn là đời. Chuyện văn là chuyện đời. Qua một cảnh ngộ, một tình huống, một nỗi lòng của nhân vật, nhà văn muốn mang đến cho bạn đọc những vấn đề nhân sinh. “Vợ nhặt” của Kim Lân là một tác phẩm như thế. Tất cả những gì nhà văn muốn gửi gắm có chăng đều được sáng ngời qua nhân vật Tràng- một gã nông dân nghèo, thô kệch nhưng nhân hậu và luôn giàu khát khao sống.

Mở bài mẫu 5

Kim Lân thuộc tốp những nhà văn viết ít, trong khi một số tác giả như Tô Hoài có đến hàng trăm tác phẩm, thì số tác phẩm của Kim Lân có thể đếm được trên đầu ngón tay. Nhưng những gì mà ông để lại nhớ nhiều , nhớ mãi. Chỉ một “vợ nhặt”, một “làng” cũng đủ để đưa ông lên hàng những tác giả nổi tiếng. “Vợ Nhặt” chỉ có 3 nhân vật, mà nhân vật nào cũng có ấn tượng điều đó được thể hiện rất rõ qua nhân vật Tràng.

Mở bài mẫu 6

Kim Lân nhà văn thường viết về người nông dân, truyện ngắn Vợ nhặt mang giá trị tư tưởng nhân đạo lớn dù cuộc sống nghèo khổ, cơ cực nhưng vẫn yêu thương đùm bọc nhau. Trong đó nhân vật Tràng là một trong những con người tốt bụng, nhân hậu. Truyện Vợ nhặt được tác giả viết vào thời điểm khi mà nạn đói đang hoành hành dữ dội và cướp đi mạng sống của rất nhiều người. Tràng và gia đình của mình cũng đang vật lộn để mưu sinh.

Mở bài mẫu 7

Nói về nạn đói năm 1945, nhà văn Kim Lân từng nói: "Đói, nó vừa đắng cay, vừa đau đớn, đồng thời một mặt nào đó nó lại lóe lên một tia sáng về đạo đức, danh dự". "Vợ nhặt" của ông chính là truyện ngắn đi sâu khai thác tia sáng đẹp đẽ trong bi kịch tăm tối ấy của nạn đói. Thông qua câu chuyện nhặt vợ của anh Tràng, nhà văn Kim Lân không chỉ tái hiện sự sống mỏng manh của con người trước nạn đói mà quan trọng hơn cả là đứng trên ranh giới của sự sống và cái chết ấy vẻ đẹp của con người vẫn tỏa rạng, trong cái khốn cùng, thiếu thốn con người vẫn dành cho nhau những tình cảm thật đáng trân trọng.

Mở bài mẫu 8

Văn học chính là lăng kính chủ quan, phản ánh hiện thực một cách khách quan, chính xác nhất. Bởi vậy mà nhà văn Kim Lân đã dùng ngòi bút của mình để phác họa thành công bức tranh cuộc sống, sinh hoạt của người nông dân trong nạn đói năm Ất Dậu qua tác phẩm “Vợ nhặt”. Nhà văn đã đem vào thiên truyện của mình một điểm sáng mới, đó là niềm tin, niềm hi vọng vào một tương lai tốt đẹp dù hiện tại có khó khăn đến nhường nào.

Kim Lân là nhà văn có sở trường về truyện ngắn, ngòi bút của ông thật sắc sảo khi tập trung miêu tả những phong tục tập quán và đời sống làng quê với những “thú vui đồng quê hay phong lưu đồng ruộng”. “Vợ nhặt” là tác phẩm xuất sắc được in trong tập “Con chó xấu xí” của nhà văn, viết về người nông dân trong tình cảnh thê thảm của nạn đói với bản chất tốt đẹp, lương thiện. Bằng khả năng sáng tạo của mình, nhà văn đã thành công ở nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật và hàng loạt các biện pháp nghệ thuật đặc sắc khác khi xây dựng nhân vật của mình.

Mở bài mẫu 9

Kim Lân là nhà văn tiêu biểu của nền văn học Việt Nam hiện đại, ông viết nhiều, viết hay về nông thôn, về cuộc sống của người nông dân. Hiện lên trong những trang văn của ông là hình ảnh những người nông dân nghèo khổ, khốn đốn trong những hoàn cảnh riêng nhưng ở họ vẫn sáng ngời những vẻ đẹp đáng trân trọng, đó là ông Hai - một người dân yêu làng, yêu nước nhưng phải đối mặt với bi kịch làng chợ Dầu theo giặc trong "Làng", đó còn là anh Tràng - người đàn ông xấu xí, nghèo khổ sống ở xóm Ngụ cư vẫn chấp nhận cưu mang một người đàn bà xa lạ ngay giữa nạn đói trong truyện ngắn Vợ nhặt. Trong truyện ngắn Vợ nhặt, nhà văn Kim Lân đã hướng ngòi bút nhân đạo của mình để lột tả những vẻ đẹp đáng quý trong tâm hồn con người, đó là tình thương, là sức sống mãnh liệt.

Mở bài mẫu 10

Nạn đói năm 1945 đã trở thành nỗi ám ảnh khủng khiếp đối với con người Việt Nam, nó gợi nhắc về một thời kỳ đen tối của lịch sử. Viết về nạn đói, Tô Hoài từng viết: "Mỗi khi chợt nghĩ lại, tôi vẫn bàng hoàng về những năm khủng khiếp ấy", nhà văn Kim Lân cũng từng có những chia sẻ về cái dữ đội của nạn đói đồng thời cũng phát hiện "hào quang" được tỏa ra từ chính những con người trong nạn đói "Đói, nó vừa đắng cay, vừa đau đớn, đồng thời một mặt nào đó nó lại lóe lên một tia sáng về đạo đức, danh dự". "Vợ nhặt" là truyện ngắn xuất sắc của Kim Lân viết về nạn đói, đồng thời qua đó nhà văn ca ngợi vẻ đẹp của tình thương, sức sống tiềm tàng của con người.

Mở bài mẫu 11

Cái đói là nỗi lo lắng của con người ở tất cả mọi dân tộc và mọi thời đại. Có lẽ vì vậy mà các nhà văn thường viết về nó ở những khía cạnh tối tăm và bất lực. Nhưng với tác phẩm Vợ Nhặt, nhà văn Kim Lân đã thật sự tìm được một tiếng nói riêng khi ông đã mang đến cho những nạn nhân của năm đói một khát khao cháy bỏng về tương lai tươi sáng và nhất là làm nổi bật vẻ đẹp của truyền thống nhân văn: Lòng yêu thương và quý trọng hai chữ Con Người.

Mở bài mẫu 12

Kim Lân, nhà văn chuyên viết truyện ngắn, với biệt tài viết về người nông dân. Người nông dân trong trang viết của Kim Lân dù nghèo khổ nhưng luôn sáng ngời những phẩm chất: yêu đời, thật thà, chất phác, hóm hỉnh, tài hoa. Vợ nhặt là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của ông khi viết về người nông dân.

Mở bài mẫu 13

Kim Lân một trong những nhà văn viết truyện ngắn từ năm 1941. Sáng tác của ông tập trung phản ánh bức tranh của nông thôn Việt Nam và hình tượng người nông dân. Dưới ngòi bút tài hoa của Kim Lân, bức tranh hiện thực của nông thôn Việt Nam cũng như nỗi niềm, cuộc sống, cảnh ngộ và khát vọng của người nông dân được thể hiện chân thực và sinh động. “Vợ Nhặt” là một trong những tác phẩm thành công của Kim Lân với cốt truyện độc đáo cùng lối dẫn chuyện hóm hỉnh hấp dẫn người đọc.

Mở bài mẫu 14

Nạn đói khủng khiếp năm 1945 đã khiến cho nhân dân ta rơi vào tình cảnh vô cùng thê thảm. Tình cảnh ấy được các nhà văn tái hiện chân thực trong những sáng tác của mình. Nhà văn Kim Lân cũng là một trong số đó. Ông đã khắc họa số phận của những người nông dân qua tác phẩm “Vợ nhặt” bằng một lòng thương cảm sâu sắc.

Mở bài mẫu 15

Kim Lân được mệnh danh là nhà văn của người nông dân, của làng quê Việt Nam bởi trong các tác phẩm của ông luôn hướng tới hình ảnh người nông dân. Với văn phong giản dị, mộc mạc nhưng sâu sắc thấm đẫm tinh thần nhân văn, tác giả Kim Lân đã gửi tới người đọc một tác phẩm kinh điển thể hiện tình cảm đậm đà của ông dành cho những số phận người nông dân nghèo khổ trong xã hội cũ.

Mở bài mẫu 16

Kim Lân là một trong số những nhà văn xuất sắc viết về nông thôn và nông dân Việt Nam trong nền văn học hiện đại với những tác phẩm độc đáo tỏng cách xây dựng tình huống truyện, cách xây dựng và miêu tả nhân vật. Và có thể nói, truyện ngắn Vợ nhặt – rút từ tập Con chó xấu xí là một truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách sáng tác của ông.

Mở bài mẫu 17

Nhà văn Pháp Napoli từng nhận định: “Khi một tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên, gợi cho ta những tình cảm cao quý và can đảm không cần tìm nguyên tắc nào để đánh giá nó nữa, nó là cuốn sách hay do người nghệ sĩ có thực tài viết ra”. Vâng, một tác phẩm hay luôn biết cách đưa tâm hồn con người tới địa hạt mới – địa hạt của những yêu thương, những sẻ chia và những khát khao. Viết “Vợ nhặt”, Kim Lân đã thể hiện niềm cảm thương trước số phận của con người cùng khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của họ khi bị đẩy đến mức đường cùng của cái đói.

Mở bài mẫu 18

Nạn đói khủng khiếp và dữ dội năm 1945 đã hằn in trong tâm trí Kim Lân - một nhà văn hiện thực có thể xem là con đẻ của đồng ruộng, một con người một lòng đi về với “thuần hậu phong thuỷ” ấy. Ngay sau Cách mạng, ông đã bắt tay ngay vào viết tác phẩm Xóm ngụ cư khi hoà bình lặp lại (1954), nỗi trăn trở tiếp tục thôi thúc ông viết tiếp thiên truyện ấy. Và cuối cùng, truyện ngắn “Vợ Nhặt” ra đời.

Mở bài mẫu 19

Nhà văn Kim Lân tên thật là Nguyễn Văn Tài, sinh năm 1920, quê ở làng Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông chỉ được học hết bậc Tiểu học rồi phải đi làm. Yêu thích văn chương, ông bắt đầu sáng tác từ năm 1941. Một số truyện ngắn của ông lấy đề tài ở cuộc sống lam lũ của người nông dân hoặc các sinh hoạt văn hóa truyền thống ở thôn quê. Sau Cách mạng tháng Tám, ông chuyên viết truyện ngắn về làng quê, mảng hiện thực mà ông hiểu biết sâu sắc. Theo Nguyên Hồng thì Kim Lân là nhà văn một lòng đi về với đất, với người, với những gì thuần hậu nguyên thủy của cuộc sống nông thôn. Tác phẩm chính: Nên vợ nên chồng (tập truyện ngắn, 1955), Con chó xấu xí (tập truyện ngắn, 1962). Vợ nhặt là truyện ngắn xuất sắc nhất của Kim Lân, được viết ngay sau khi Cách mạng tháng Tám 1945 bùng nổ nhưng đến sau hòa bình lập lại 1954 mới cho ra mắt bạn đọc trong tập Con chó xấu xí.

Mở bài mẫu 20

Lịch sử dân tộc ta đã phải trải qua biết bao khổ cực, phải đấu tranh với những lũ giặc thâm độc. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, ngoài việc ghi dấu mốc son chói lọi, song vận mệnh đất nước lại lâm nguy. Đây cũng là thời điểm nạn đói hoành hành, là một nỗi ám ảnh trong ký ức của biết bao con người. Cho đến tận ngày nay, không ai có thể phủ nhận sự khủng khiếp của nó. Nhà văn Kim Lân, bằng sự nhân đạo và tài năng của mình đã khắc họa lại rõ nét bức tranh nghèo đói của con người thời ấy. Nhưng vượt lên cả là niềm sống mãnh liệt, sự khao khát về một tương lai tươi sáng dù trong cái tận cùng của chết chóc. Điều này được thể hiện rất rõ nét qua tác phẩm Vợ nhặt.

1 13,257 20/12/2023
Tải về