TOP 10 mẫu Phân tích phẩm chất anh hùng của các nhân vật trong Rừng xà nu (2024) SIÊU HAY

Phân tích phẩm chất anh hùng của các nhân vật trong Rừng xà nu lớp 12 gồm những bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 12 hay hơn.

1 472 20/12/2023
Tải về


Phân tích phẩm chất anh hùng của các nhân vật trong Rừng xà nu

Video mẫu: Phân tích phẩm chất anh hùng của các nhân vật trong Rừng xà nu

Phân tích phẩm chất anh hùng của các nhân vật trong Rừng xà nu (mẫu 1)

“Tây Nguyên ơi! Hoa rừng bao nhiêu thứ
Cánh hoa đẹp nhất rừng
Tây Nguyên ơi! Anh có nhớ buôn làng
Nhớ người con gái…

Nhớ cánh hoa Pơ-lang đẹp nhất rừng Tây Nguyên…”

(Ca khúc “Em là hoa Pơ-lang” – Đức Minh)

Ai đã từng lắng nghe tiếng hát ấy trong những tháng ngày sôi sục thời đánh Mĩ? Ai đã từng biết hoa Pơ-lang báu vật của Trời có hàng ngàn cánh, nở tươi thơm ngát hàng vạn năm được nói đến trong “Bài ca chàng Đăm Săn”? Tiếng hát ấy còn đem đến cho ta bao xúc động bồi hồi khi nghĩ tới những phẩm chất anh hùng của các nhân vật trong truyện “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành, một kiệt tác viết về đề tài Tây Nguyên thời đánh Mĩ.

Nguyễn Trung Thành là bút danh của nhà văn Nguyên Ngọc thời đánh Mĩ. Truyện “Rừng xà nu” của ông lần đầu tiên được đăng trên tạp chí Văn Nghệ Quân giải phóng miền Trung. Trung Trung bộ, số 2 năm 1965. Truyện mang đậm tính sử thi, gợi lên một không khí núi rừng thiêng liêng huyền thoại. Cuộc đấu tranh vũ trang của dân làng Xô man chống Mĩ – Diệm diễn ra vô cùng ác liệt đầy máu và nước mắt, sáng bừng ngọn lửa và chiến công. Những con đường, dốc núi, bờ suối chằng chịt hầm chông, hố chông, giàn thò lưỡi “sắc lạnh”. Nhà ưng nơi tụ hội của người Strá đã có lúc biến thành pháp trường, chiến trường dữ dội, bi tráng.

Cả dân làng Xô Man, từ già tới trẻ, từ đàn ông tới đàn bà, ai cũng có trong tay một cây giáo, một cây mác, một cây dụ, cậy rựa sáng loáng mài bằng đá mài núi Ngọc Linh do anh Tnú gùi về, ai không có giáo mác thì có 500 cây chông. Mỗi người dân là một chiến sĩ, một dũng sĩ nhen nhóm bằng ngọn lửa cách mạng và niềm tin mà anh Quyết cán bộ Đảng hoạt động bí mật đem lại cho dân làng Xô Man: “Đánh Mĩ phải đánh lâu dài”, “cán bộ là Đảng; Đảng còn, núi nước này còn”,…

Trong những năm dài đen tối khi quân Mĩ – Diệm kéo tới, suốt đêm ngày, chó của nó và súng của nó “sủa vang cả rừng”, thì dân làng Xô Man vẫn thay nhau vào rừng tiếp tế, bảo vệ cán bộ Đảng. Anh Xút bị giặc bắt treo cổ lên cây vả đầu làng, bà Nhan bị giặc chặt đầu, cột tóc treo đầu súng. Nhưng chẳng ai sợ! Người già, trẻ con, Mai và Tnú,… lại thay nhau vào rừng nuôi giấu, bảo vệ cán bộ. Suốt 5 năm trời, chưa hề có một cán bộ nào bị giặc bắt hay bị giặc giết trong rừng của làng Xô Man. Đó là niềm tự hào, và đó là phẩm chất anh hùng, trung dũng của những người Strá.

Mỗi người dân làng Xô Man là một chiến sĩ. Cụ Mết già làng, oai phong lẫm liệt. Mắt sáng và xếch. Râu dài tới ngực mà vẫn đen bóng. Ông cụ ở trần, ngực căng như một cây xà nu lớn. Đã 60 tuổi mà tiếng nói vẫn ồ ồ vang dội trong lồng ngực! Một lời khen “được” của ông cụ làm cho cả làng ai cũng hả dạ. Bàn tay nặng trịch “như một kìm sắt”. Lúc cụ nói, mọi người đều im bặt, trẻ con im lặng thin thít. Cụ Mết đầy uy tín, là một thủ lĩnh quân sự tài ba, quyết đoán. Để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu, cụ Mết lãnh đạo dân làng Xô Man đêm đêm thức mài vũ khí, ban ngày đi phát hết các cây cũ, trồng pomchu và sắn xanh mượt cả núi rừng. Trong những giờ phút nghiêm trọng nhất giữa cái sống và cái chết, cụ Mết đã chỉ huy đội du kích từ trong rừng bất ngờ xông lên nhà ưng tiêu diệt lũ ác ôn. Tiếng hô của cụ Mết vang lên: “Chém! Chém hết!”. Những cây rựa sáng loáng vung lên. Dưới lưỡi mác của cụ Mết, thằng Dục chỉ huy nằm gục trên vũng máu. Mười tên giặc bị giết chết, xác ngổn ngang quanh đống lửa xà nu giữa nhà ưng. Chính ” đêm ấy”, tiếng chiêng nổi lên, lửa cháy khắp rừng. Và “cả rừng Xô Man ào ào rung động”. Chính đêm ấy, cụ Mết già làng, người anh hùng bộ tộc trong tư thế lẫm liệt của người chiến thắng đã truyền hịch đánh Mĩ – Diệm vang vọng núi rừng: “Đốt lửa lên! Tất cả người già, người trẻ, người đàn ông, người đàn bà, mỗi người phải tìm lấy một cây giáo, một cây mác, một cây dụ, một cây rựa. Ai không có thì vót chông, năm trăm cây chông. Đốt lửa lên!”.

Cụ Mết trong truyện “Rừng xà nu” được miêu tả và ngưỡng mộ như một vị anh hùng dân tộc. Cụ đã thắp sáng ngọn lửa chiến đấu và chiến thắng vì chân lí lịch sử: “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo!”. Cụ đã nhắc nhở mọi người Strá phải giữ lấy truyền thống “thương núi, thương nước” kể lại cho con cháu nghe sau này. Nhân vật cụ Mết, một già làng, một lão du kích phi thường là một thành công đặc sắc của Nguyễn Trung Thành trong nghệ thuật khắc họa tính cách anh hùng sử thi huyền thoại.

Tnú là một trai làng dũng mãnh, là niềm tự hào của bà con dân làng Xô Man. Cụ Mết đã nói về anh với tất cả tình yêu thương, tự hào: “Nó là người Strá mình. Cha mẹ nó chết sớm, làng Xô Man này nuôi nó. Đời nó khổ, nhưng bụng nó sạch như nước suối làng ta”. Cuộc đời Tnú đầy máu và nước mắt như bao cuộc đời của người dân làng Xô Man dưới súng đạn của Mĩ – Diệm. Con đường chiến đấu của Tnú là con đường quật khởi của quê hương anh. Hai lần Tnú đi bộ 3 ngày lên núi Ngọc Linh để lấy một xà lét đá trắng về làm phấn, lấy một gùi đá mài đem về mài vũ khí, hành động ấy nói lên lòng khao khát ánh sáng cách mạng và tự do của anh. Phẩm chất anh hùng của Tnú được tôi rèn trong máu lửa chiến tranh. Thuở nhỏ, Tnú vào rừng tiếp tế và bảo vệ anh Quyết, cán bộ “nằm vùng” để học chữ, với niềm tin sắt đá: “Cán bộ là Đảng, Đảng còn, núi nước này còn”. Đi giao liên, lúc thì Tnú “xé rừng mà đi” lọt qua các vòng vây của giặc, lúc thì anh cưỡi lên thác băng băng như một con cá kình, tạo nên sự bất ngờ. Bị giặc bắt, Tnú nuốt ngay thư bí mật. Bị giặc tra tấn dã man, bắt khai ai là cộng sản, Tnú đặt tay lên bụng mình và nói: “Ở đây này!”. Lưng anh đầy vết chém, anh vẫn bất khuất, hiên ngang giữ vững lòng trung thành với cách mạng.

Khi làng Xô Man quật khởi đứng lên mài vũ khí chống Mĩ – Diệm thì Tnú trở thành chỉ huy đội du kích. Với bọn giặc ở đồn Đắc Hà, anh là “con cọp… làm loạn rừng núi”… Tnú căm thù sôi sục quân giặc khát máu. Mắt anh trở thành "hai cò lửa lớn" khi lũ ác ôn giáng “trận mưa cây sắt” xuống vợ con anh. Anh coi bọn thằng Dục là “đồ ăn thịt người!”. Tnú đã nhảy xổ vào lũ giặc để cứu vợ con, “hai cánh tay rộng lớn như hơi cánh lim chắc của anh ôm chặt lấy mẹ con Mai”. Hình ảnh Tnú bị giặc tra tấn, đốt cháy mười ngón tay thành mười ngọn đuốc, mắt anh trừng trừng, răng anh cắn nát môi, nghe lửa cháy trong lồng ngực… “anh không thèm kêu van”, đã làm cho chúng ta vô cùng cảm phục. Anh đã nêu cao một tư thế lẫm liệt hiên ngang. Con người anh tưởng như được đúc bằng thép! Khí phách của Tnú là khí phách của người anh hùng sử thi. Tình tiết Tnú xông xuống hầm ngầm giặc, không dùng súng, không dùng dao mà chỉ giết thằng chỉ huy ác ôn bằng mười ngón tay, ngón nào cũng bị cháy mất một đốt – đã nói lên ý chí căm thù giặc không bao giờ nguôi trong lòng anh. Lòng căm thù đã cho Tnú sức mạnh chiến đấu và chiến thắng.

Nguyễn Trung Thành đã khắc hoạ đôi bàn tay Tnú để tô đậm phẩm chất anh hùng của đứa con yêu làng Xô Man. Nếu ngọn lửa thần A-nhi đã soi sáng lòng kiên trinh của nàng Sita trong sử thi Ra-ma-ya-na, thì ngọn lửa xà nu trên mười ngón tay đã làm sáng bừng lên dũng khí và tinh thần bất khuất của nhân vật Tnú anh hùng. Dưới ngòi bút Nguyễn Trung Thành, nhân vật Tnú mang vẻ đẹp huyền thoại.

Mai và Dít là hình ảnh người phụ nữ mới của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên thời đánh Mĩ. Thuở bé, Mai đã vào rừng tiếp tế và bảo vệ cán bộ. Mai học chữ rất giỏi, ba tháng đọc được chữ, sáu tháng làm được toán hai con số. Khi đã trở thành người vợ, người mẹ, Mai đã dũng cảm lấy thân mình để bảo vệ đứa con thơ, và chị đã bất khuất hi sinh trước trận mưa cây sắt của thằng giặc khát máu. Dít là em gái của Mai. Cái mũi hơi tròn, đôi mắt mở to, bình thản, trong suốt. Lớn lên, Dít càng giống Mai. Dít cũng bị giặc bắt khi Dít đi vào rừng tiếp tế cho đội du kích. Lũ giặc đã biến Dít thành “tấm bia sống”, bắn sượt qua tai, xém tóc, váy rách lượt từng mảnh. Từ viên đạn thứ mười trở đi, Dít chùi nước mắt, im bặt, “nhìn bọn giặc bình thản lạ lùng!”. Thật là gan dạ, lẫm liệt. Chỉ 3 năm sau, Dít đã trở thành Bí thư chi bộ kiêm Chính trị viên xã hội, linh hồn cuộc chiến đấu của dân làng Xô Man. Có thể nói Mai và Dít tiêu biểu cho những phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, đã gắn bó cuộc đời mình với sự sống còn, với đau thương và uất hận, với nhục và vinh của dân tộc trong thời đánh Mĩ.

Đọc truyện “Rừng xà nu”, ta không thể nào quên được bé Heng, mặc dù tác giả chỉ phác hoạ một vài nét. Đó là một chú bé nhanh nhẹn, thông minh, thuộc mọi con đường, những hầm chông, những giàn thò, những ác chiến điểm của làng mình như thuộc lòng bàn tay mình. Người nhỏ bé, đóng khố, áo bà ba dài phết đít, đầu đội một cái mũ sụp xin được của anh Giải phóng quân nào đó. Một khẩu súng trường mát đeo chéo ngang lưng “ra vẻ một người lính thực sự”. Khi thì Heng nhắc Tnú không được uống nước lã. Khi thì Heng giới thiệu về chị Dít. Heng giục Tnú đi nhanh, “sắp tối rồi!”. Nó hất hàm ra hiệu, thân mật nói với Tnú: “Lâu ngày về, chân không leo nổi cái dốc nữa à!”. Em báo cho Tnú biết: “Chông đấy! Có chồng đấy!…”. Heng tháo cây súng chống xuống đất và gọi to; “Người già ơi, có khách đấy!”. Heng chỉ là người dẫn đường, chỉ là người dẫn chuyện, xuất hiện trong khoảnh khắc. Thế mà đầy ấn tượng, đó là cái tài của Nguyễn Trung Thành trong miêu tả nhân vật. Bé Heng đã trưởng thành cùng cuộc chiến đấu vũ trang của dân làng Xô Man. Con người em đã hình thành bao phẩm chất anh hùng. Em là một cây xà nu, một cây con mới mọc “vượt lên rất nhanh, thay thế những cây đã ngã…” trong bom đạn giặc!

Thời kháng chiến, cây tre, cây dừa, cây đước đã được một số nhà văn, nhà thơ dành cho một địa vị sang trọng: “Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép quân thù. Tre xung phong vào xe tăng, đại bác. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín.Tre hi sinh để bảo vệ con người” (“Cây tre Việt Nam” – Thép Mới). Với Nguyễn Trung Thành, cây xà nu, một loại cây “man dại mà cao quý đáng yêu” đã trở thành một biểu tượng, một nhân vật mang bao phẩm chất tốt đẹp, anh hùng. Trong truyện, cây xà nu, đồi xà nu, rừng xà nu, cành lá xà nu, ngọn xà nu, nhựa xà nu, lửa xà nu,… được nhắc đến rất nhiều lần, đầy ấn tượng. Cây xà nu là cảnh quan, là vẻ đẹp hùng vĩ của làng Xô Man: “… trông ra xa, hết tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những đồi xà nu nối tiếp tới chân trời”. Đồi xà nu trùng điệp ấy gợi cho ta liên tưởng về người người lớp lớp trong thế trận chiến tranh nhân dân, trong cuộc diễu binh hùng vĩ. Mưa đại bác của giặc giội xuống suốt đêm ngày đã hơn ba năm nay, cây xà nu cùng chung số phận đau thương tang tóc với người Strá. Hàng vạn cây xà nu không có cây nào không bị thương.

Đại bác giặc chặt đứt ngang nửa thân mình, cây xà nu “đổ ào ào như một trận bão”. Một cảnh tượng dữ dội, một tư thế lẫm liệt hiên ngang. Cây xà nu bị thương, nhựa ứa ra tràn trề “đặc quyện thành từng cục máu lớn”. Cũng như những em bé – những nạn nhân trong chiến tranh, những cây xà nu vừa lớn ngang tầm ngực, nhựa còn trong, dầu còn loãng, bị trúng đạn, vết thương cứ loét mãi ra, năm mười hôm thì cây chết. Cây xà nu được nhân hóa; nỗi đau của rừng xà nu mãi mãi là vết thương lòng của con người trong nhiều năm tháng. Cây xà nu có một sức sống phi thường, vô cùng mãnh liệt. Nó là loại cây ham ánh sáng mặt trời nhất trong rừng. Ở một gốc cây xà nu mới ngã gục đã có bốn năm cây con mọc lên, “ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời”.

Một so sánh rất đẹp thể hiện một tư thế hiên ngang dũng mãnh trong lửa đạn. Nhựa xà nu “thơm mỡ màng”, “thơm ngào ngạt”, đó là phẩm chất cao quý để lại cho đời. Rừng xà nu, đồi xà nu mang tầm vóc dũng sĩ. Nếu cây tùng trong thơ Ức Trai có tài đống lương “nhà cả đòi phen chống khỏe thay”, để lại hổ phách, phục linh “dành còn để trợ dân này”, thì rừng xà nu đã hai ba năm nay, “ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng”. Qua đó, ta thấy thời chiến tranh, cây cỏ đã cùng con người chung sức, chung lòng đánh giặc để giữ làng giữ nước. Đọc truyện “Rừng xà nu”, một ấn tượng sâu sắc đối với mỗi chúng ta là đống lửa xà nu rực cháy trên nhà ưng đã làm cho lưỡi mác của cụ Mết, mũi giáo của đội du kích thêm sáng loáng, đã soi tỏ xác lũ ác ôn ngổn ngang trên những vũng máu. Cây xà nu, lửa xà nu đã cùng dân làng Xô Man chan hòa trong niềm vui thắng trận.

Cụ Mết đã nói với Tnú: “Không có cây gì mạnh bằng cây xà nu đất ta. Cây mẹ ngã, cây con mọc lên. Đố nó giết hết rừng xà nu này!”. Đó là lời thách thức! Đó là niềm tự hào của già làng, của người dân làng Xô Man về rừng xà nu yêu quý. Nguyễn Trung Thành đã viết nên những trang văn xuôi tráng lệ nhất, mang âm hưởng anh hùng ca về cây xà nu. Cây xà nu là một hình tượng kì vĩ, cũng là một nhân vật sử thi thần kì.

Truyện “Rừng xà nu” là một kiệt tác văn chương. Cảm xúc dồn nén, sự kiện dồn nén, đúng là “truyện của một đời người được kể trong một đêm, đó là cái đêm dài như cả một đời người”. Từ cây xà nu đến con người, tất cả đều phi thường, đều mang theo bao phẩm chất anh hùng. Tất cả đều tượng trưng cho khí phách và sự sống phi thường của con người, của thiên nhiên núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ. Có người đã ca ngợi thiên truyện “Rừng xà nu” là “khúc tráng ca về tự do” thời đánh Mĩ.

Phân tích phẩm chất anh hùng của các nhân vật trong Rừng xà nu (mẫu 2)

Phân tích hình tượng cây xà nu trong truyện ngắn Rừng xà nu

Nguyễn Trung Thành là một cây bút nổi bật trong nền văn học Việt Nam giai đoạn kháng chiến chống Mỹ với khuynh hướng sử thi và lãng mạn cách mạng. Quãng thời gian gần chục năm sống và chiến đấu nhiều năm trên chiến trường Tây Nguyên đầy máu và lửa, đã để lại trong ký ức nhà văn nhiều ấn tượng sâu sắc. Đặc biệt sự gắn bó với mảnh đất của rừng xà nu bạt ngàn, cùng với những người anh hùng nơi đây, đã trở thành tư liệu quý giá, là nguồn cảm hứng sáng tác bất tận cho Nguyễn Trung Thành, giúp ông tạo ra nhiều tác phẩm văn chương để đời, trong đó nổi bật nhất là Rừng xà nu với những con người mang dòng máu, phẩm chất anh hùng trong kháng chiến.

Phẩm chất anh hùng chính là điểm chung của tất cả những nhân vật xuất hiện trong tác phẩm, những người con làng Xô Man, dù chỉ xuất hiện đôi ba dòng vắn tắt hay xuất hiện dày đặc cả trang truyện, thì ở họ luôn toát lên những khí chất, những phẩm giá đáng quý của con người sinh ra và lớn lên trong thời đại hào hùng của dân tộc. Họ anh hùng theo nhiều cách khác nhau, tham gia kháng chiến dưới nhiều hình thức, nhưng hình dung dung chung ở họ chính là tấm lòng yêu quê hương đất nước và lòng căm thù giặc sâu sắc, sống và chiến đấu vì lý tưởng cách mạng. Bấy nhiêu đó đã rèn đúc cho họ một phẩm chất anh hùng đáng quý, vừa bắt nguồn từ cội nguồn truyền thống của dân tộc vừa bắt nguồn từ xu hướng của một thời đại máu lửa hào hùng.

Đầu tiên nhân vật mà phẩm chất anh hùng được bộc lộ rõ nhất ấy là Tnú, nhân vật chính của tác phẩm. Có thể nói rằng nhân vật Tnú chính là tượng đài về hình tượng người anh hùng Tây Nguyên trong nền văn học thời kỳ chống Mỹ cứu nước, mang khuynh hướng sử thi và lãng mạn cách mạng sâu sắc, đặc trưng. Ở anh hội tụ đầy đủ các vẻ đẹp và phẩm chất lý tưởng, là đại diện cho cả một cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ. Cuộc đời Tnú sinh ra đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, anh lớn lên trong cái nôi của làng Xô Man, dưới sự chăm sóc đùm bọc của dân làng, và sự dạy dỗ của cụ Mết, của anh Quyết, kế thừa toàn bộ những giá trị truyền thống của dân tộc, bao gồm truyền thống đánh giặc cứu nước và tấm lòng yêu thương quê hương sâu sắc. Chính vì vậy Tnú có sự giác ngộ cách mạng và tìm thấy lý tưởng chiến đấu ngay từ khi còn thơ bé. Cậu bé Tnú đã tỏ ra là một người anh hùng, một mầm non sáng giá của cách mạng khi hăng hái tham gia vào công tác nuôi giấu cán bộ, vận chuyển lương thực, thư từ, trót lọt qua mắt giặc bằng sự gan dạ, dũng cảm và nhanh nhẹn của mình. Cho đến một lần bị giặc bắt giam chúng nó liên tục tra tấn, bức cung nhưng Tnú không hề hé rằng lấy nửa lời, kiên trung và thách thức bọn giặc khi chúng hỏi cách mạng ở đâu bằng việc chỉ vào bụng mình mà nói “ở đây này”. Thế rồi với lý tưởng cách mạng, sự dũng cảm, mưu trí sau 3 năm bị bắt giam Tnú tìm mọi cách vượt ngục và trở về làng tiếp tục tham gia làm cách mạng, đương đầu với lũ giặc tàn ác. Thứ hai nữa, sự anh hùng của Tnú không chỉ thể hiện trong tấm lòng với quê hương mà còn thể hiện trong vai trò với gia đình. Đứng trước tình cảnh vợ con bị giặc tra tấn đánh đập, Tnú biết rằng dù mình có xông ra thì cũng không cứu được mẹ con Mai và chắc chắn bị giặc bắt thế nhưng điều đó không làm anh suy chuyển. Anh vẫn nhảy vào giữa bọn giặc ôm lấy vợ con đang hấp hối, che chở cho họ khỏi đòn roi, một cách đầy bản lĩnh và tràn ngập tình yêu thương. Như vậy không chỉ là anh hùng với nhân dân mà Tnú còn là người anh hùng của gia đình. Nỗi đau đớn tinh thần ập đến khi mất đi vợ con cùng với đó là cả nỗi đau về thể xác khi bị giặc dùng mủ xà nu đốt cháy mười đầu ngón tay quả thực là một cực hình tàn độc vô cùng của bọn giặc khốn nạn. Thế nhưng Tnú ở trong chi tiết truyện này lại càng chứng minh được những phẩm chất anh hùng đáng quý, và tấm lòng kiên trung với cách mạng. Dù lửa thiêu đốt mười đầu ngón tay, đau đớn vào đến tận ruột gan, vị mặn tanh của máu tràn ngập trong khoang miệng, nhưng Tnú không hề kêu văn lấy một tiếng. Anh đứng sừng sững như một cây xà nu trưởng thành chịu nhiều đau thương từ đại bác mà vẫn kiên cường bất khuất, trong tâm khảm chỉ hiện lên một câu nói “người cộng sản không thèm kêu van”. Thể hiện sự dũng cảm, tầm vóc phi thường của một người anh hùng. Đứng lên từ những đau thương mất mát tột cùng, thì phẩm chất anh hùng và lý tưởng cách mạng của Tnú lại càng được hoàn thiện và sáng rõ hơn cả. Anh đã mạnh mẽ đứng lên từ đau thương, tiếp tục tham gia kháng chiến, với mối nợ nước thù nhà và lòng căm thù giặc sâu sắc, dùng chính đôi bàn tay cụt mười đầu ngón của mình bắp cò súng diệt giặc trên chiến trường, thậm chí còn mạnh mẽ dùng tay không bóp chết một tên giặc Mỹ. Có thể nói rằng người anh hùng bước ra từ đau thương và mất mát lại càng thêm mạnh mẽ và phi thường, trở thành tượng đài lý tưởng của cộng đồng dân tộc Tây Nguyên.

Người anh hùng thứ hai cần chú ý trong tác phẩm chính là cụ Mết, một dấu gạch nối đậm nét giữa dân làng Xô Man với cách mạng và Đảng. Cụ mang trong mình những vẻ đẹp sử thi, truyền thống của dân tộc Tây Nguyên với ngoại hình khỏe mạnh cường tráng, giọng nói ồm ồm và tư chất của một người lãnh đạo một già làng có uy tín. Sự anh hùng của cụ thể hiện thông qua quá trình trực lãnh đạo dân làng Xô Man tham gia vào kháng chiến. Trong thời khắc quan trọng, trước sự hiểm nguy của mẹ con Mai, cụ đã ngăn cản Tnú và muốn thay anh vào cứu mẹ con Mai như chức trách của một người già làng với con dân. Rồi đến khi Tnú bị giặc bắt, bị thiêu đốt mười đầu ngón tay, sự căm phẫn tột cùng, cùng với sự dứt khoát mạnh mẽ của một người chỉ huy cụ Mết đã dùng giọng nói vang dội của mình ra lệnh cho thanh niên trai tráng xông vào cứu Tnú bằng câu nói đậm chất Tây Nguyên ““Chém! Chém hết”. Mệnh lệnh mạnh mẽ, quyết liệt ấy đã mang đến một trận thắng vang dội đầu tiên cho làng Xô Man, hơn mười tên giặc Mỹ bị chém chết, mở ra một thời kỳ mới thời kỳ chiến đấu sôi nổi của dân làng Xô Man. Phẩm chất anh hùng của cụ Mết còn bộc lộ trong tầm nhìn và cách lãnh đạo dân làng kháng chiến của cụ, không chỉ cho thanh niên mang vũ khí lên rừng cất giấu mà cụ còn lệnh cho dân làng tăng gia sản xuất tích trữ lương thực chuẩn bị kháng chiến trường kỳ. Đồng thời phát động kháng chiến trong làng bằng một những lời tâm huyết, mạnh mẽ cổ vũ tinh thần của dân làng: “Thế là bắt đầu rồi! Đốt lửa lên! Tất cả người già, người trẻ, người đàn ông, người đàn bà, mỗi người phải tìm lấy một cây giáo, một cây mác, một cây vụ, một cây rựa. Ai không có thì vót chông, năm trăm cây chông! Đốt lửa lên!”. Đặc biệt nhất ở cụ Mết mà ta thấy được có lẽ là tấm lòng giác ngộ cách mạng sâu sắc, mỗi câu nói của cụ về Đảng, về cách mạng đều rất thấm thía và bộc lộ chất anh hùng Tây Nguyên, khí thế của thời đại, tiêu biểu như “Đảng này còn núi nước này còn”, “Chúng nó cầm súng mình phải cầm giáo”. Đó không chỉ là lời răn dạy của một già làng với cách thế hệ thanh niên, còn trẻ mà còn bộc lộ sâu sắc phẩm chất anh hùng, kiên trung quyết sống chết để bảo vệ từng tấc đất quê hương, giành lại tự do cho dân tộc.

Nhân vật thứ ba là cô Dít, phải nói rằng đây là nhân vật nữ để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong tác phẩm, bộc lộ rất rõ phẩm chất anh hùng của người phụ nữ dân tộc trong chiến đấu. Dít cũng giống như Tnú, tham gia vào kháng chiến từ khi còn nhỏ với công việc vận chuyển lương thực nuôi giấu cán bộ, không may một lần Dít bị giặc bắt. Lũ giặc tàn ác đã tra tấn cô bé bằng phương thức tra tấn tinh thần khủng khiếp “lên đạn tôm - xông rồi từ từ bắn từng viên một, không bắn trúng, đạn chỉ sượt qua tai, xém tóc, cày đất quanh hai chân nhỏ của Dít”. Thú thực rằng dù là một người lớn cũng khó lòng vượt qua được sự sợ hãi tột cùng như vậy. Thế nhưng Dít thì khác, tuy còn bé nhưng phẩm chất anh hùng trong cô đã lộ rõ, thoạt đầu Dít khóc ré lên “nhưng rồi đến viên thứ mười nó chùi nước mắt, từ đó im bặt. Nó đứng lặng giữa bọn lính, cứ mỗi viên đạn nổ, cái thân hình mảnh dẻ của nó lại quật lên một cái, nhưng đôi mắt nó thì vẫn nhìn bọn giặc bình thản lạ lùng, bình thản như đôi mắt của chị bí thư bây giờ vậy”. Cuối cùng khi trưởng thành, Dít đã xuất sắc trở thành bí thư chi bộ, vững vàng trên con đường chiến đấu và lý tưởng cách mạng của mình, trở thành một người nữ anh hùng tiêu biểu của vùng rừng núi Tây Nguyên.

Phẩm chất anh hùng không chỉ thể hiện ở các nhân vật có nhiều đất diễn trong tác phẩm mà còn bộc lộ thông qua cả tập thể làng Xô Man cùng với những con người được gọi tên thoáng qua. Làng Xô Man dưới sự lãnh đạo của cụ Mết thực sự là một ngôi làng anh hùng tiêu biểu trong kháng chiến chống Mỹ, cả làng có truyền thống đánh giặc từ lâu đời và nhiệm vụ kháng chiến không phải chỉ riêng của một cá nhân nào mà là của cả một tập thể không phân biệt già trẻ, gái trai. Lớp này ngã xuống đã có lớp khác kế cận nối tiếp, tiêu biểu như trong việc nuôi giấu cán bộ cách mạng, những thanh niên như anh Xút bị giặc treo cổ ở cây vả đầu làng, người già như bà Nhan bị chặt đầu treo lên đầu súng để đe dọa không cho dân làng tiếp tục nuôi giấu cán bộ. Thế nhưng với bản tính gan dạ, kiên cường và dòng máu anh hùng, làng Xô Man không bao giờ chịu đầu hàng, chịu bị giặc chi phối, họ chẳng sợ chết mà họ tìm cách khác, người lớn không đi được thì để trẻ con đi, những đứa trẻ như Tnú, Mai, Dít, Heng,... lại trở thành những người tiếp nối những người con anh hùng sáng giá của cách mạng. Còn những người lớn họ lại anh hùng theo một cách khác, họ hoạt động bí mật cất giấu vũ khí, tăng gia sản xuất chờ ngày đánh Mỹ. Nói chung với phẩm chất anh hùng làng Xô Man đã tham gia vào kháng chiến một cách bền bỉ và kiên cường, làm nên một cộng đồng dân tộc với những truyền thống tốt đẹp và đáng tự hào.

Có thể nói rằng Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành là bản hùng ca bất tận về những con người và mảnh đất Tây Nguyên anh hùng trong kháng chiến, phản ánh một cách trung thực và khách quan về cuộc chiến đấu của những người dân tộc anh em thiểu số trên mảnh đất đầy nắng và gió. Ở đó từng con người đã góp máu xương, mồ hôi nước mắt vào cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, vì một lý tưởng chung nhất của dân tộc ấy là đất nước sạch bóng quân thù, nhân dân được hưởng nền độc lập tự do vững bền.

Phân tích phẩm chất anh hùng của các nhân vật trong Rừng xà nu (mẫu 3)

Nguyễn Trung Thành là nhà văn quân đội, quê ở Quảng Nam. Năm 1950, đang học bậc trung học phổ thông, ông gia nhập quân đội và lên hoạt động ở chiến trường chính của Liên khu V (Tây Nguyên). Sau một thời gian ở đơn vị chiến đấu, ông làm phóng viên báo Quân nhân dân Liên khu V và lấy bút danh Nguyên Ngọc. Trong cả hai cuộc kháng chiến, ông gắn bó mật thiết với chiến trường Tây Nguyên. Đó cũng chính là lý do dẫn đến thành công của tiểu thuyết đầu tay Đất nước đứng lên và truyện ngắn Rừng xà nu (Giải thưởng văn nghệ Nguyễn Đình Chiểu, 1965). Đặc biệt, ở truyện ngắn Rừng xà nu, nhà văn thể hiện rất thành công phẩm chất anh hùng của các nhân vật như cụ Mết, anh Quyết, Tnú, Mai, Dít, bé Heng…

Cuộc chiến tranh cục bộ bắt đầu ở miền Nam nước ta (1965). Thủy quân lục chiến Mỹ ồ ạt đổ vào bãi biển Chu Lai (Quảng Nam). Kẻ thù quyết tiêu diệt bằng được lực lượng cách mạng. Chúng dùng mọi âm mưu, thủ đoạn – nhất là chém giết không thương tiếc – để gây đau đớn, tổn thất nặng nề cho đồng bào miền Nam. Do đó, muôn người như một, thà chết chứ không chịu làm nô lệ, nhân dân miền Nam đứng dậy dùng bạo lực trả lời bạo lực.

Tại một làng nhỏ ở Tây Nguyên, toàn thể dân làng “tức nước vỡ bờ” nên đồng tâm hiệp lực nổi dậy tiêu diệt kẻ thù: “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo” (lời nhân vật cụ Mết trong truyện). Trong cuộc đấu tranh đó, những phẩm chất cao quý nhất của dân làng Xô Man đã được thể hiện qua từng nhân vật khác nhau.

Trước hết là nhân vật cụ Mết. Cụ Mết là đại diện cho vẻ đẹp của thế hệ cha anh đã trải nghiệm nhiều trong đấu tranh, giàu kinh nghiệm khi đối diện với quân thù (từ thời kháng chiến chống Pháp đến kháng chiến chống Mỹ). Cụ là người mưu trí, sáng suốt. Cụ là biểu tượng cho sức mạnh tinh thần và vật chất có tính truyền thống và cội nguồn của làng Xô Man, của cộng đồng. Chính cụ đã tìm ra chân lý dùng bạo lực để đấu tranh tiêu diệt quân cướp nước: “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo”. Cụ là cái gạch nối giữa Đảng và đồng bào dân tộc. Cụ đã thôi thúc, lãnh đạo dân làng đứng lên quật khởi: “Thế là bắt đầu rồi. Đốt lửa lên! Tất cả người già, người trẻ, người đàn ông, người đàn bà, mỗi người phải tìm lấy một cây giáo, một cây mác, một cây vụ, một cây rựa. Ai không có thì vót chông, năm trăm cây chông. Đốt lửa lên!”.

Kế đến là nhân vật anh Quyết. Anh là đại diện của Đảng, là linh hồn của cuộc chiến đấu. Anh đã đến, dìu dắt, hướng dẫn dân làng Xô Man giác ngộ cách mạng. Sống ở rừng sâu nước độc nhưng anh không ngại khổ nhọc. Anh hết lòng dạy Tnú và Mai học chữ… Anh có quan niệm rất đúng đắn: “Không học chữ sao làm được cán bộ giỏi”. Chính anh đã góp phần đào tạo, giác ngộ được một anh hùng bất khuất Tnú trong tương lai.

Sau đó là nhân vật Tnú. Anh tiêu biểu cho số phận và ý chí của dân làng. Anh hăng hái đi đầu trong phong trào đồng khởi, hiên ngang đối diện với kẻ thù, với cái chết. Khi bị giặc bắt, lấy ra một nhúm giẻ đã tẩm dầu xà nu, quấn giẻ lên mười đầu ngón tay Tnú, lấy cây lửa đốt, Tnú không kêu lên một tiếng nào mà còn trợn mắt nhìn kẻ thù trừng trừng:

“Anh không cảm thấy lửa ở mười đầu ngón tay nữa. Anh nghe lửa cháy trong lồng ngực, cháy ở bụng. Máu anh mặn chát ở đầu lưỡi. Răng anh đã cắn nát môi anh rồi. Anh không kêu lên (…). Tnú không thèm, không thèm kêu van”. Hành động chịu đựng ấy rất dũng cảm, ngoan cường, gan góc. Mặc dù mỗi ngón tay chỉ còn hai đốt nhưng Tnú vẫn vượt lên đau đớn, bi kịch cá nhân, hăng hái gia nhập bộ đội Giải phóng để trả thù cho quê hương và những người thân.

Nhân vật Mai đại diện cho vẻ đẹp của thế hệ thanh niên. Tuy là nữ giới nhưng sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng của Đảng. Phút lâm nguy, khi giáp mặt với bầy lang sói hung tợn, cô chẳng chút run sợ. Cô “ngẩng đôi mắt lớn nhìn thằng Dục” để tỏ rõ thái độ căm thù. Thằng Dục xem cô là “con mọi cộng sản”, “con cọp cái”, là cơ sở để “dụ được cọp đực trở về”. Nó cầm một cây sắt dài tra tấn đánh đập mẹ con Mai.

"Trận mưa cây sắt mỗi lúc một dồn dập”. Đến khi trút hơi thở cuối cùng dưới bàn tay đẫm máu của bọn mật người dạ thú cô vẫn một mực trung thành với cách mạng, không khai báo nửa lời.

Nhân vật Dít cũng như Mai, là đại diện cho thế hệ chủ lực đánh Mỹ ở Tây Nguyên. Là cô bí thư chi bộ cũng dũng cảm, gan góc không kém gì Tnú. Khi cả làng bị giặc ở đồn Bắc Hà bao vây, không ai lọt ra được, ngoại trừ lúc ấy Dit còn nhỏ, lanh lẹn, cứ sẩm tối lại bò theo máng nước đem gạo ra rừng cho cụ Mết, Tnú và thanh niên. Dit bị giặc bắt khi ở ngoài rừng về. Bọn giặc để Dit giữa sân, lên đạn tôm xông rồi từ từ bắn từng viên một, không bắn trúng, đạn chỉ sượt qua tai, xém tóc, cày đất quanh hai chân nhỏ. Cái váy của Dit rách tượt từng mảng. Dit khóc thét lên nhưng rồi đến viên thứ mười thì chùi nước mắt, từ đó im bặt. Dit đứng giữa bọn lính, cứ mỗi viên đạn nổ, cái thân hình mảnh dẻ lại giật lên một cái nhưng đôi mắt vẫn nhìn bọn giặc bình thản lạ lùng. Vậy là, không khủng bố được tinh thần Dit, bọn giặc đành chịu! Còn khi chị Mai và đứa con bị giặc giết chết một cách dã man, mọi người, kể cả cụ Mết đều chứa chan nước mắt nhưng Dit vẫn “lầm lì, không nói gì cả, mắt ráo hoảnh”. Không phải là cô không thương chị, thương cháu nhưng đó là cử chỉ nuốt hận vào lòng, nuôi khôi hận ngày một khôn lớn theo lứa tuổi của cô để một ngày kia, có cơ hội sẽ rửa thù! Khi lớn lên, cô trở thành bí thư chi bộ xã kiên cường.

Nhân vật bé Heng đại diện cho vẻ đẹp của thế hệ măng non của núi rừng Tây Nguyên. Bé Heng “cũng ít nói như những người dân làng Xô Man” nhưng bên trong chắc gì không âm ỉ mối thù giặc Mỹ như thế hệ đàn anh? Nó không hề sợ hiểm nguy. Nó là người dẫn đường cho Tnú trở về thăm làng mà nếu không có nó, Tnú chẳng dám đi một mình. “Con đường ấy chằng chịt hầm chông, hố chông, cứ mười phút gặp một giàn thò (một loại bẫy) chuẩn bị sẵn, cần thò căng như dây ná, đánh một phát chắc chặt gãy đôi ống quyển, lưỡi thò từng đôi, từng đôi gác lên giàn, sắc lạnh”. Khí tới chỗ “ác chiến điểm”, nó nhìn Tnú “cười một cách rất liếng”, “mắt lóe lên một tia sáng nhỏ” bày tỏ niềm tự hào mãnh liệt về công cuộc cách mạng của dân làng. Mai này trưởng thành, chắc chắn bé Heng sẽ tiếp nối thế hệ cha anh.

Mỗi nhân vật trên đây đều có mỗi vẻ đẹp anh hùng khác nhau nhưng họ đều là những người đại diện cho nhân dân, cho cộng đồng. Họ là những hình mẫu tiêu biểu của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

Phân tích phẩm chất anh hùng của các nhân vật trong Rừng xà nu (mẫu 4)

Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành đã tái hiện một giai đoạn đấu tranh của cách mạng Miền Nam rất quyết liệt trong kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Trong khuôn khổ của một truyện ngắn tác giả đã khái quát được tinh thần của thời đại một cách thật ấn tượng. Rừng xà nu là truyện của một thời đại được kể trong một đêm, nói đến rừng xà nu trước hết phải nói đến những phẩm chất anh hùng của các nhân vật trong truyện.

Năm 1965, đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh cục bộ ở miền nam Việt Nam. Quân Mỹ ồ ạt đổ vào bãi biển Chu Lai (Quảng Nam), nhân dân thà chết chứ nhất định không chịu làm nô lệ. Tại một làng ở Tây Nguyên, toàn thể dân làng nổi dậy tiêu diệt kẻ thù. Trong cuộc đấu tranh đó, những phẩm chất cao quý nhất của làng Xô Man đã được thể hiện qua từng nhân vật như cụ Mết, anh Quyết, Tnú, Mai, Dít, bé Heng.

Nhân vật cụ Mết, Cụ Mết không xuất hiện ở ngay đầu tác phẩm nhưng sự xuất hiện của cụ qua ngòi bút của nhà văn Nguyễn Trung Thành cũng thực sự để lại những ấn tượng mạnh mẽ trong lòng bạn đọc. “Một bàn tay nặng trịch nắm chặt lấy vai anh như một kìm sắt… Ông cụ vẫn quắc thước như xưa, râu bây giờ đã dài tới ngực và vẫn đen bóng, mắt sáng và xếch ngược, vết sẹo ở má bên phải vẫn láng bóng!.. ngực căng như một cây xà nu lớn…”. Nhưng không chỉ dừng lại đó nhà văn còn miêu tả về giọng nói của cụ Mết với một giọng nói “ồ ồ, dội vang trong lồng ngực” không chỉ minh chứng cho sức ngân vang của cụ mà còn khẳng định sự lãnh đạo và chỉ huy được đám đông làng Xô-man. Cụ là biểu tượng cho sức mạnh tinh thần và vật chất có tính truyền thống và cội nguồn của làng Xô Man, của cộng đồng. Cụ là cái gạch nối giữa Đảng và đồng bào dân tộc. Cụ đã thôi thúc, lãnh đạo dân làng đứng lên quật khởi.

Nhân vật anh Quyết là đại diện của Đảng, anh dìu dắt, hướng dẫn dân làng Xô man giác ngộ cách mạng. Anh hết lòng dạy Tnú và Mai học chữ. Chính anh đã góp phần đào tạo, giác ngộ được một anh hùng bất khuất và dũng cảm như Tnú.

Tnú là người mồ côi cha mẹ từ nhỏ, anh lớn lên trong vòng tay yêu thương bao bọc của người dân làng Xô man. Với anh, dân làng Xô man và cụ Mết đã trở thành gia đình thứ hai của anh. Tnú là người mang số phận đau thương, có cả những nỗi đau thương riêng và nỗi đau chung của dân làng Xô Man. Khi người dân làng Xô Man chịu mất mát đi anh Quyết, anh Xút, bà Nhan… thì Tnú cũng mang nỗi đau chứng kiến người thân, gia đình bị giết hại. “Tnú không cứu được vợ con”, cụ Mết nhấn mạnh nhiều lần nỗi đau ấy. Cuối cùng, Tnú còn mang nỗi đau quê hương. Do đó, anh là hội tụ của tất cả nỗi đau thương của mảnh đất Tây Nguyên. Anh hăng hái gia nhập bộ đội giải phóng để trả thù cho quê hương và những người thân.

Nhân vật Mai, một cô gái sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng của Đảng. Khi bị rơi vào tay giặc và bị tra tấn dã man, cô vẫn một mực trung thành với cách mạng, trung thành với Đảng.

Cùng thế hệ của Tnú còn có Dít, một cô bí thư chi bộ dũng cảm, gan góc không kém gì Tnú. Dít bị giặc bắt khi ở ngoài rừng về. Bọn giặc để Dít giữa sân, lên đạn tôm xông rồi từ từ bắn từng viên một, không bắn trúng, đạn chỉ sượt qua tai, xém tóc, cày đất quanh hai chân nhỏ. Cái váy của Dít rách lượt từng mảng. Dít khóc thét lên nhưng rồi đến viên thứ mười thì chùi nước mắt, từ đó im bặt. Dít đứng giữa bọn lính, cứ mỗi viên đạn nổ, cái thân hình mảnh dẻ lại giật lên một cái nhưng đôi mắt vẫn nhìn bọn giặc bình thản lạ lùng. Vậy là, không khủng bố được tinh thần Dít, bọn giặc đành chịu.

Bé Heng, nhân vật đại diện cho vẻ đẹp của thế hệ măng non của núi rừng Tây Nguyên. Nó không hề sợ hiểm nguy, là người dẫn đường cho Tnú trở về thăm làng mà nếu không có nó, Tnú chẳng dám đi một mình. Khi tới chỗ “ác chiến điểm”, nó nhìn Tnú “cười một cách rất liếng”, “mắt lóe lên một tia sáng nhỏ” bày tỏ niềm tự hào mãnh liệt về công cuộc cách mạng của dân làng. Mai này trưởng thành, chắc chắn bé Heng sẽ tiếp nối thế hệ cha anh.

Chiến tranh đã cướp đi sự sống của bao người, khiến bao người lâm vào cảnh khốn cùng. Nhưng không vì thế mà những con người làng Xô man nhụt chí. Càng bị tra tấn, bị kìm kẹp thì ở họ lại càng sáng lên tinh thần bất khuất, kiên cường không cam chịu làm nô lệ.

Với những nhân vật trong truyện, tác giả đã cho người đọc thấy được những hình mẫu tiêu biểu của chủ nghĩa anh hùng Việt Nam trong thời kì kháng chiến, họ là những người yêu quê hương, đất nước, sẵn sàng hi sinh để đòi lại hòa bình cho dân tộc.

Phân tích phẩm chất anh hùng của các nhân vật trong Rừng xà nu (mẫu 5)

"Cách mạng tháng Tám" là đề tài mà rất nhiều nhà văn, nhà thơ khai thác. Đã có rất nhiều tác phẩm đặc sắc và có giá trị cho đến ngày nay được sinh ra trong thời kỳ máu lửa này.Văn xuôi thời kỳ này cũng là một chùm về anh hùng cách mạng. Nếu như có 'Vợ nhặt' -Kim Lân, có 'Vợ chồng A Phủ' – Tô Hoài với giá trị nhân đạo được soi sáng bởi lý tưởng của cuộc cách mạng lịch sử thì không thể không kể đến bản anh hùng ca của Nguyễn Trung Thành – 'Rừng xà nu'.

Nguyễn Trung Thành là nhà văn trưởng thành qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Ông là nhà văn chiến sĩ ngắn bó với Tây Nguyên và viết thành công về đề tài miền núi. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông có bút danh là Nguyên Ngọc, nổi tiếng với tác phẩm 'Đất nước đứng lên". Nguyễn Trung Thành là bút danh của ông trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Và tác phẩm 'rừng xà nu' là một trong những thành công của ông trong thời kỳ này.

"Rừng xà nu" được viết năm 1965 in trong tập 'Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc'. Mùa hè năm 1965 là thời gian đế quốc Mỹ đổ quân ồ ạt, bắt đầu thực hiện chiến tranh cục bộ ở nước ta. Chúng lê máy chém đi khắp nơi, thực hiện những cuộc càn quét đẫm máu. Trong thời kỳ khốc liệt ấy, 'rừng xà nu' đã trở thành một bản 'hịch tướng sĩ'. Nhà văn đặt tên tác phẩm là 'rừng xà nu' không phải là một sự ngẫu nhiên mà là có chủ ý. Đối với tác giả, rừng xà nu là hình ảnh gắn bó máu thịt với ông: " trước mắt tôi là cánh rừng xà nu nối tít tắp, tôi yêu xà nu từ dạo ấy". Xà nu như là một biểu tượng của cuộc sống đau thương nhưng kiên cường bất khuất của các dân tộc Tây Nguyên mà đại diện là người làng Xô-man. Nổi bật lên trên rừng xà nu hùng vĩ không ai khác chính là người dân làng Xô-man. Đó là cụ Mết, và Tnú, là Dít, là bé Heng.

Cụ Mết là đại diện cho vẻ đẹp cha ông. Cụ là một già làng sáng suốt, in dấu siêu phàm của một ông già trong thần thoại. Ông là thế hệ những con người trưởng thành qua hai cuộc kháng chiến chống quân thù của dân tộc ta. Ông đã trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp oanh liệt và trường tồn sang kháng chiến chống Mỹ. Xuất hiện bằng hình ảnh 'một bàn tay nặng trịch như kìm sắt" với ngoại hình "quắc thước", giọng nói "ồ ồ" vang dội, tấm ngực căng như"cây xà nu lớn". Có thể nói với ngoại hình mang đậm chất sử thi huyền thoại này, cụ được coi là linh hồn của cuộc đấu tranh, là niềm tin của dân làng Xô man. Cụ là người có sức ảnh hưởng lớn đối với dân làng. Trong đêm nổi dậy, cụ nói "thế là bắt đầu rồi', thanh niên trai tráng trong làng vì thế mà xông lên. Không chỉ thế cụ còn có một nhận thức rất đúng đắn và sâu sắc về tinh thần của cuộc đấu tranh này.

Cụ hiểu được tầm quan trọng của cán bộ Đảng ta "Cán bộ là Đảng, Đảng còn thì nước còn". Hay "đánh Mỹ là còn phải đánh dài". Bởi vậy mà việc nuôi giấu cán bộ của làng Xô man luôn được thực hiện hết sức cẩn thận. Cụ luôn tự hào chưa có cán bộ nào của ta bị bắt ở làng, ở rừng của làng. Mặc cho bọn giặc đã từng nhiều lần răn đe như "treo cổ anh Xút trên cây vả đầu làng" hay "chặt đầu, cột tóc bà Nhan treo đầu súng". Nhưng dân làng Xô man vẫn luôn tìm cách giúp đỡ những cán bộ Đảng của ta. Cũng chính cụ là người đã đưa ra chân lý thời đại "chúng nó cầm súng mình phải cầm giáo". Đó là phải dùng bạo lực để chống lại bạo lực. Cụ chính là một trong những nhân vật chủ chốt của việc dân làng mài giáo để chống giặc. Đặc biệt, cụ rất giàu lòng thương với dân làng. Cụ để dành muối cho người ốm, cụ sống tình cảm với Tnú với tất cả buôn làng, cụ đặt niềm tin vào tương lai của không chỉ dân làng mà cả dân tộc ta trong cuộc kháng chiến trường kỳ sắp tới. Tình yêu đối với quê hương với dân làng Xô man của cụ Mết gắn liền với tình yêu cách mạng, tình yêu nước, yêu Đảng. Tóm lại cụ Mết là hình ảnh đại diện cho vẻ đẹp của một già làng của dòng văn học cuộc đời.Đó là một vẻ đẹp anh hùng mang dáng dấp sử thi Tây Nguyên.

Nhân vật trung tâm của truyện ngắn này là Tnú. Câu chuyện của chàng thanh niên này được kể qua lời của cụ Mết. Anh là tiêu biểu cho số phận, con đường đấu tranh của dân làng Xô man. Anh là "người Strá mình", mồ côi cha mẹ, lớn lên trong sự đùm bọc của dân làng Xô man. Trong anh là những phẩm chất nổi bật. Trước tiên anh là người có lòng dũng cảm gan góc kiên cường và mưu trí. Tnu sớm đến với cách mạng trong những ngày gian khổ, ác liệt nhất. Anh là thành viên đi liên lạc và nuôi giấu cán bộ ta. Dù bọn giặc có nhiều lần răn đe hăm dọa, chúng bắt anh Xút, bà Nhan nhưng Tnú vẫn không sợ mà vẫn tiếp tục tham gia. Anh vẫn cùng Mai nuôi giấu cán bộ Quyết trong rừng. Khi được anh Quyết dạy chữ, Tnú thua Mai, anh đập vỡ bảng, lấy đá đập vào đầu "chảy máu dòng dòng". Khi đi liên lạc, "đầu sáng lạ lùng".

Tnú "không bao giờ đi đường mòn", mà cứ trèo lên cây cao xem xét rồi "cứ xé rừng mà đi", "không thích lội chỗ nước êm mà cứ lựa thác nước gập ghềnh mà băng qua". Bởi theo anh những nơi đó giặc ít ngờ tới. Một lần, bị giặc phục kích bất ngờ, anh chỉ kịp "nuốt luôn lá thư". Bị giặc tra tấn dã man nhưng anh quyết không khai. Khi bọn giặc tra khảo hỏi cộng sản ở đâu, anh còn thẳng thừng chỉ tay vào bụng nói "cộng sản ở đây này". Trên lưng anh bây giờ ngang dọc những vết chém ngày ấy. Rồi anh bị giam vào ngục Kon Tum nhưng vẫn tìm cách thoát ra để tiếp tục tham gia kháng chiến và bây giờ anh đã là một anh chiến sĩ cộng sản. Không chỉ là người dũng cảm gan góc, mưu trí kiên cường, ở anh còn sáng lên đức tính kỷ luật cao, tuyệt đối trung thành với cách mạng. Anh tham gia lực lượng vũ trang, nhớ nhà, nhớ quê hương, anh xin phép được về làng Xô man. Giấy phép cho anh về một đêm thì đúng một đêm sáng sớm hôm sau anh lên đường.

Từ tính kỷ luật cao ấy, anh nung nấu nó thành lòng trung thành với Đảng với cách mạng. Khi bị đốt mười đầu ngón tay, anh vẫn nhớ kỹ lời anh Quyết dạy "người cộng sản không thèm kêu van, quyết không thèm kêu van" mặc dù "răng anh đã cắn nát môi anh rồi". Tnú không thèm kêu nửa lời mà luôn tâm niệm câu nói của a Quyết. Anh nhớ như in câu nói của cụ Mết "Cán bộ là Đảng, Đảng còn thì nước còn". Trái tim Tnú là một trái tim đầy yêu thương và sục sôi căm giận Với vợ con Mai, anh là người cha đầy trách nhiệm.Mấy hôm chưa đi chợ mua vải được anh xé tấm đồ ra cho Mai địu con. Chứng kiến cảnh mẹ con Mai bị bọn giặc đánh đập, anh đã bứt hết trái vả mà không hay. Mắt anh lúc ấy là hai cục lửa lớn, tay không nhưng anh vẫn xông vào xô ngã bọn giặc để cứu mẹ con Mai. Anh còn sống rất tình nghĩa với buôn làng. Với bọn giặc anh không chỉ có thù chung mà còn thù riêng của anh. Sự căm giận đối với bọn giặc đã làm động lực để anh chiến đấu. Tnú là một nhân vật tiêu biểu cho cuộc đấu tranh của dân làng Xô man. Anh là tiêu biểu cho thế hệ nối tiếp bước của cụ Mết trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Dít và bé Heng là đại diện cho thế hệ tiếp theo của cụ Mết và Tnú, là những cô gái dũng cảm của dân làng Xô man. Dít có phong cách nổi bật là sự nhanh nhẹn, rắn rỏi và cương nghị. Khi bị giặc bắn hăm dọa, những phát đầu tiên Dít còn giật mình nhưng sau đó Dít không giật mình nữa mà nhìn thẳng vào bọn giặc. Bây giờ, Dít chững chạc trên cương vị "Bí thư chi bộ kiêm chính trị viên xã đội". Cô được mọi người tin cậy và yêu thương. Dít còn nghiêm khắc hỏi giấy T nú. Bé Heng là thành viên nhỏ tuổi nhất được miêu tả trong truyện ngắn này. Trong trang phục học làm người lính, bé Heng nhanh nhẹn tháo vát thông thạo hầm chông hố chông. Bé như là một cây xà nu mới nhú, hoàn thiện bức tranh phù điêu về con người Tây Nguyên.

Cụ Mết – Tnú – Dít – bé Heng đã hoàn thành bức tranh vẻ đẹp của người dân làng Xô Man nói riêng và người dân Tây Nguyên nói chung. Ở bốn độ tuổi khác nhau, bốn nhân vật đã tạo thành một dòng chảy truyền thống, thể hiện sự tiếp nối trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc

Phân tích phẩm chất anh hùng của các nhân vật trong Rừng xà nu (mẫu 6)

Phân tích hình tượng cây xà nu trong truyện ngắn Rừng xà nu

Rừng xà nu là truyện ngắn đã xây dựng thành công hình tượng một tập thể hùng. Tất cả họ đều giống nhau ở những phẩm chất cơ bản: gan dạ, trung thực, một lòng một dạ đi theo cách mạng. Anh Quyết, cụ Mết, anh Tnú, chị Mai, cô Dít, bé Heng đều có những nét chung: họ đều là những con người Tây Nguyên bất khuất thời chống Mỹ, ở họ đều cháy lên lòng yêu nước thương buôn làng, lòng hận thù quân giặc. Đều anh hùng bất khuất nhưng mỗi người lại anh hùng theo một cách riêng.

Cụ Mết là già làng quắc thước, râu dài tới ngực và đen bóng. Cụ được nhà văn miêu tả trong sự so sánh đối chiếu với cây xà nu "lồng ngực của cụ căng như một cây xà nu lớn", đôi bàn tay cụ "Sần sùi như vỏ cây xà nu, bàn tay cụ cứng như sắt", giọng nói của cụ Mết thì ồ ồ rộn vang trong lồng ngực. Như tất cả những người dân Xô Man khác, cụ Mết rất ít nói. Lời nói khen tặng cao nhất chỉ là "được" như nhưng những lời lẽ của Cụ lại có một sức mạnh cổ vũ động viên rất lớn đối với dân làng.

Cụ Mết là hiện thân của truyền thống, là pho sự sống của làng Xô Man, luôn luôn có tình yêu sâu sắc với quê hương, dân làng. Khi Tnú đi xa về, cụ dẫn anh ra máng nước đầu làng dội rửa, bằng việc ấy cụ như muốn nhắc nhở người con xa quê: dù có đi tới phương trời nào cũng phải ghi nhớ và trân trọng nguồn cội thiêng liêng của quê hương. Nói chuyện với Tnú, cụ luôn tự hào khẳng định: "không có gì mạnh bằng cây xà nu đất ta", "gạo người Strá mình làm ra ngon nhất vùng núi này". Trong niềm tự hào và kiêu hãnh dành cho buôn làng, cụ đặc biệt tự hào về Tnú – người con yêu tú của cộng đồng Xô Man: "đời nó khổ nhưng bụng nó sạch như nước suối làng ta" và khi Tnú trở lại thăm làng cụ đã tiếp đãi anh bằng tất cả tấm lòng của một già làng dành cho đứa con yêu nhất của mình.

Cụ là một người có lòng tin tưởng tuyệt đối vào cách mạng. Cụ là sợi dây gắn kết giữa Đảng với nhân dân Tây Nguyên. Cụ Mết luôn tâm niệm và dặn dò con cháu: "cán bộ là Đảng. Đảng còn, núi nước này còn". Nó cho thấy tình cảm của cụ với cách mạng, với Đảng thật thiêng liêng thấm thía khi nó có cội nguồn từ tình yêu "núi nước", quê hương. Cách nhắc nhở ấy khiến mỗi người dân Xô Man phải khắc cốt ghi tâm bởi nó được nói ra bởi con người từng trải và có tiếng nói trong cộng đồng. Hơn nữa cụ Mết còn có những chân lý thời đại được đúc kết trong những câu nói giản dị: "đánh Mỹ phải đánh dài", "Nhớ lấy, ghi lấy sau này tao chết rồi, bay còn sống kể lại cho con cháu: Chúng nó cầm súng, mình phải cầm giáo". Một khi kẻ thù đã dùng bạo lực thì mỗi chúng ta phải khắc ghi tội ác của chúng, biến căm thù bằng sức mạnh, phải biết cầm vũ khí để tiêu diệt kẻ thù.

Cụ Mết là người chỉ huy trực tiếp cuộc chiến đấu của dân làng Xô Man, đó là sự chỉ huy sáng suốt giàu kinh nghiệm và uy lực. Trước cái chết của vợ con Tnú, trước cảnh Tnú bị bắt trói, tra tấn dã man, cụ Mết đau đớn nhưng tỉnh táo, không để tình cảm chi phối. Cụ nhắc đi nhắc lại, "tao cũng chỉ có hai bàn tay không. Tao quay vào rừng…tìm bọn thanh niên…tìm giáo mác". Trong khi Tnú hoạt động một cách bồng bột nôn nóng thì cụ Mết đã bình tĩnh chỉ huy dân làng vùng dậy tự trang bị vũ khí mài bằng đá núi Ngọc Linh, chém chết tiểu đội lính ngụy, giải cứu cho Tnú, đốt lên ngọn lửa đồng khởi cháy khắp núi rừng Tây Nguyên. Hình ảnh cụ Mết chống giáo chỉ huy dân làng trong ánh lửa xà nu bừng bừng khiến cho ta nhớ đến các nhân vật trong sử thi Tây Nguyên. Có thể nói nhân vật cụ Mết đã trở thành một cơ sở quan trọng tạo nên vẻ đẹp sử thi hùng tráng trong truyện ngắn.

Tóm lại: cụ Mết là một hình tượng nhân vật đẹp gợi nhớ hình ảnh những già làng, tộc trưởng trong sử thi, thần thoại, truyền thuyết, trong những bản trường ca Tây Nguyên xưa. Thông qua nhân vật cụ Mết, Nguyễn Trung Thành đã ca ngợi lòng yêu nước, căm thù giặc và tinh thần chiến đấu kiên cường bất khuất của nhân dân Tây Nguyên trong thời đánh Mỹ, cũng đồng thời khái quát chân lý lịch sử lớn lao của thời đại, lý giải sâu sắc và thuyết phục con đường giải phóng nhân dân, đất nước. Tnú: ban đầu Nguyễn Trung Thành định đặt tên cho nhân vật của mình là anh Đề nhưng cái tên Đề nó "Kinh quá", người kinh quá". Đặt tên nhân vật chính của mình là Tnú, cùng với dân làng Xô Man, Dít, bé Heng, nhà văn đã góp phần tạo cho câu chuyện của mình không khí Tây Nguyên rõ nét.

Tnú mồ côi từ nhỏ, sống trong vòng tay thương yêu của dân làng Xô Man và thừa hưởng sự gan góc, mạnh mẽ như một truyền thống của dân làng. Học chữ Thua Mai, Tnu đập bể cái bảng nữa, rồi cầm một hòn đá đập vào đầu đến chảy máu để tự trừng phạt. Đi liên lạc cho anh Quyết, Tnú cứ "xé rừng mà đi, lựa chỗ thác mạnh mà bơi ngang, vượt lên trên mặt nước như một con cá kình". Vợ con bị giặc tra tấn, Tnú một mình tay không nhảy xổ vào giữa bọn lính cứu vợ con. Cái mộc mạc, giản dị mà đầy kiêu hãnh bộc trực trong con người Tnú luôn được toát ra trong mọi hoàn cảnh.

Trong con người Tnú có sự chan hòa giữa tình yêu quê hương với tình cảm gia đình, vợ con. Anh yêu từng cánh rừng xà nu, từng con người Sờ Trá, yêu từng con nước đầu nguồn. Anh yêu mẹ con Mai và liều mình lao vào đám giặc để bảo vệ hai mẹ con, đã ôm hai mẹ Mai trong đôi cánh tay của mình. Đi lực lượng, dù rất nhớ làng, anh cũng chỉ xin về có một đêm nhưng khoảng thời gian đó cũng đủ để anh nhìn ngắm quê hương và buôn làng với tất cả sự xúc động chân thành của một người con xa quê. Khi chia tay, Tnú bịn rịn, bâng khuâng giã từ cánh rừng như giã từ một người ruột thịt khiến ta hiểu rằng rừng cây mảnh đất quê hương gắn bó với bao kỉ niệm êm đềm, dữ dội, dù hạnh phúc hay đau thương thì đó vẫn là một nỗi nhớ niềm thương trong lòng Tnú.

Tnú cũng là người giác ngộ cách mạng từ rất sớm, yêu nước và một lòng hướng về cách mạng. Từ nhỏ, Tnú đã được anh Quyết dạy học chữ, đã cùng Mai nuôi giấu cán bộ, Tnú học cái chữ của Đảng, đi tiếp tế, đi liên lạc và bảo vệ theo cán bộ theo lời dạy của già làng: "cán bộ là Đảng, Đảng còn, núi nước này còn". Và khi anh Quyết chết đi, Tnú là một trong những nòng cốt cách mạng của dân làng Xô Man. Trải qua nỗi đau lớn nhất của đời mình là mẹ con Mai chết, bản thân mình bị tra tấn, Tnú đã vượt qua đau thương mất mát để trở thành một người cộng sản, trở thành niềm tự hào của cụ Mết và buôn làng. Bi kịch lớn nhất của đời Tnú là anh không cứu sống được vợ con mình. Vậy mà Tnú không gục ngã, vẫn đứng lên hiên ngang như cây xà nu trong mưa bom bão đạn.

Tnú là hình ảnh người anh hùng trong sử thi với những phẩm chất gan dạ, kiên cường, nghĩa tình, thủy chung được nhà văn chú ý khắc họa qua một chi tiết điển hình được lặp lại nhiều lần: đó là hình ảnh đôi bàn tay. Đó cũng là đôi bàn tay bình thường như mọi bàn tay khác nhưng lại được Nguyễn Trung Thành nhấn mạnh như một chi tiết nghệ thuật. Đó là đôi bàn tay lao động từng lấy đá từ đỉnh núi Ngọc Linh về, đôi bàn tay đi hái củi, kín nước. Đó là đôi bàn tay trung thực và tình nghĩa từng cầm phấn viết chữ anh Quyết dạy cho, từng cầm đá đập đầu, từng hiên ngang đặt lên bụng mà khẳng định cách mạng ở đây.

Bên cạnh Tnú là hình ảnh của Dít – một cô gái Tây Nguyên thời đánh Mỹ. Cũng giống như Tnú, Dít đã trưởng thành mau chóng trong những đau thương của cuộc chiến đấu chống Mỹ ngụy. Dít cũng từng bí mật tiếp tế cho cụ Mết, Tnú và thanh niên trong làng khi họ bị bọn giặc lùng bắt. Dít cũng bị bọn giặc tra tấn bằng cách bị bắt đứng ở giữa sân, lên đạn và bắn dọa khiến Dít khóc thét nhưng viên đạn thứ 10 thì Dít nín bặt, "nhìn bọn giặc bình thản lạ lùng". Trong ánh nhìn đó có sự điềm tĩnh, bình thản đối chọi của một bản lĩnh trưởng thành sớm trong đau thương chiến tranh mà không tội ác nào có thể tiêu diệt được. Sau này Dít trở thành bí thư chi bộ kiêm chính trị viên xã đội. Hình ảnh của Dít khiến người đọc liên tưởng đến cây xà nu dù chịu đau thương dưới bom đạn nhưng vẫn vươn lên "hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời" như một bản trường ca bất tận về sự nối tiếp truyền thống anh hùng của con người Tây Nguyên.

Nếu như khi Tnú nhìn thấy Dít, "trước mắt anh là Mai đó", như một sự nối tiếp thế hệ, thì thằng bé Heng cũng chính là sự nuối tiếc của Tnú trong tác phẩm này. Ngày Tnú đi liên lạc, bé Heng còn nhỏ xíu, vậy mà sau mấy năm về thăm làng, bé Heng đã lớn lên có dáng vẻ của một anh giải phóng tí hon: vai mang một khẩu trường mác, đội một cái mũ giải phóng, mặc một chiếc áo bà ba dài phết đít, khoác chéo khẩu súng ngang lưng. Chú bé thuộc thế hệ non trẻ nhất của làng Xô Man, là hình ảnh trẻ em quen thuộc trong bất cứ một tác phẩm sử thi nào, như một cây xà nu mới lớn nhưng hứa hẹn sự dũng cảm, anh hùng như thế hệ đi trước. Kết thúc tác phẩm là hình ảnh cụ Mết, Tnú, Dít, Heng cùng đứng ở ngọn đồi xà nu phóng tầm mắt nhìn thấy đại ngàn xà nu hùng vĩ như một vĩ thanh, mở ra cho người đọc hi vọng về một cuộc sống mới đầy hứa hẹn cho cộng đồng, cho những thế hệ sau của Nguyễn Trung Thành.

"Rừng xà nu" đã xây dựng được một tập thể anh hùng. Ở đó có sự nối tiếp thế hệ khiến họ vừa mang những nét chung nhất của con người Tây Nguyên dũng cảm kiên cường, vừa mang đặc trưng riêng cho những tính cách cụ thể. Cảm hứng chung của tác phẩm là cảm hứng lãng mạn cùng khuynh hướng sử thi, sử dụng những biểu tượng nghệ thuật giàu ý nghĩa, xây dựng nhân vật dựa trên ngôn ngữ và diễn biến tâm lý…Tất cả tạo nên một tập thể những con người giàu lòng yêu quê hương mà bất khuất, gan dạ, thấm đượm nghĩa tình. Sự phối hợp độc đáo giữa giọng kể, ngôn ngữ, hình ảnh và nhiều yếu tố khác đã khiến "Rừng xà nu" như một khúc ca hùng tráng giữa đại ngàn hoang dại.

Phân tích phẩm chất anh hùng của các nhân vật trong Rừng xà nu (mẫu 7)

Về các tác phẩm Đất nước đứng lên và Rừng xà nu, sách Văn học 12, tập Một, đã nhận định rằng: "Có thể coi đây là những bản anh hùng ca về cuộc chiến đấu của nhân dân Tây Nguyên, là bức tranh chân thực sinh động về hai cuộc chiến tranh nhân dân chống Pháp và chống Mỹ". Tác giả Nguyễn Trung Thành (Nguyên Ngọc) thật sự đã khắc họa được những nhân vật anh hùng gắn bó thành một tập thể anh hùng vừa mang dấu ấn của thời đại, vừa đậm đà dáng nét Tây Nguyên. Ta hãy phân tích vẻ đẹp của hình tượng các nhân vật nổi bật lên trong bối cảnh hùng vĩ của Rừng xà nu: Tnú, cụ Mết, Dít và bé Heng.

Nhân vật Tnú: Được tác giả khắc họa bằng những nét tính cách độc đáo, giàu chất sử thi. Trước hết Tnú rất gắn bó với cách mạng. Từ nhỏ Tnú đã từng nuôi giấu cán bộ và hoàn thành xuất sắc công tác giao liên. Khi bị giặc bắt, Tnú dũng cảm chịu đựng những đòn tra tấn của giặc. Sau khi vượt ngục, anh cùng cụ Mết tiếp tục lãnh đạo dân làng Xô-man mài giáo, mài rựa chiến đấu chống kẻ thù. Tnú tha thiết thương yêu bản làng. Sau ba năm chiến đấu trở về làng, anh nhớ rõ từng hàng cây, từng con đường, từng dòng suối, bồi hồi xúc động khi nghe tiếng chày chuyên cần, rộn rã của những người đàn bà và những cô gái Strá, của mẹ anh ngày xa xưa, của Mai, của Dít, từ ngày lọt lòng anh đã nghe tiếng chày ấy rồi. Anh yêu thương vợ con tha thiết. Chứng kiến cảnh kẻ thù man rợ dùng chày sắt đập chết mẹ con Mai, nỗi đau thương của Tnú dâng lên tột đỉnh. Anh lao vào lũ giặc với mội tiếng thét dữ dội và anh dang hai cánh tay rộng lớn như hai cánh lim chắc của anh ôm chặt lấy mẹ con Mai.

Càng đau thương, Tnú càng căm thù giặc. Vợ con bị giết, lòng căm hận biến đôi mắt Tnú thành hai cục lửa lớn. Khi bị giặc bắt, mười đầu ngón tay Tnú bị đốt cháy, anh không kêu lên một tiếng nào (...) Răng anh đã cắt nát môi anh rồi. Yêu thương, căm thù biến thành hành động. Tnú thét lên một tiếng... Chính nỗi đau xé lòng của Tnú đã khiến cho anh và đồng bào anh dứt khoát đứng lên tiêu diệt cả một tiểu đội giặc hung ác. Riêng Tnú ra đi lực lượng để quyết tiêu diệt mọi kẻ thù tàn ác để bảo vệ bản làng, giải phóng quê hương. Chính trong thực tế chiến đấu mà nhân vật vươn lên nhận thức đó, hiểu biết sâu sắc về kẻ thù và nâng lòng căm thù cá nhân lên thành căm thù chung của cả dân tộc.

Cụ Mết tiêu biểu cho truyền thống của làng Xô-man. Lịch sử chiến đấu của làng, qua lời kể của cụ Mết, thấm sâu vào tim óc các thế hệ. Cụ là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, là pho sử sống của làng. Tấm lòng cụ Mết đối với cách mạng trước sau như một. Cụ đã từng nói: "Cán bộ là Đảng, Đảng còn, núi nước này còn". Trong những năm đen tối, cụ cùng dân làng Xô-man, từ thanh niên, ông già bà già, đến lũ trẻ đi nuôi và gác cho cán bộ: năm năm chưa hề có một cán bộ bị giặc bắt hay giết trong rừng làng này. Cụ Mết là linh hồn của làng Xô-man. Chính cụ đã lãnh đạo dân làng đồng khởi. Hình ảnh ông cụ mắt sáng và xếch ngược, ngực căng như một cây xà nu lớn, cất tiếng nói vang vang như một mệnh lệnh thôi thúc họ vùng lên tiêu diệt kẻ thù... thật rực rỡ như trong một trang sử thi anh hùng. "Thế là bắt đầu rồi. Đốt lửa lên !"... Từ ngày ấy, làng Xô-man trở thành làng chiến đấu. Đó là phần đóng góp không nhỏ của cụ Mết vào công cuộc giải phóng quê hương bản làng.

Dít là nhân vật tiêu biểu cho những cô gái Tây Nguyên thời chống Mĩ, trưởng thành từ những đau thương và quật khởi của dân làng. Trong thời gian dân làng Xô-man chuẩn bị chiến đấu, rồi bị địch bao vây, cụ Mết và Tnú dẫn đám thanh niên vào rừng. Chỉ có con Dít nhỏ, lanh lẹn, cứ sẩm tối lại bò theo máng nước đem gạo ra rừng cho cụ Mết, Tnú và thanh niên. Khi bị giặc bắt, Dít bị chúng bắn dọa, đạn chỉ sượt qua tai, xém lóc, cày đầy quanh hai chân nhỏ... đôi mắt nó thì vẫn nhìn bọn giặc bình thản...

Ngày Mai bị giặc đánh chết và Tnú ra đi, trong khi mọi người, cả cụ già, đều khóc vì cái chết của Mai và Dít vẫn lầm lì, không nói gì cả, mắt ráo hoảnh. Tất cả chi tiết trên thể hiện tính cách kiên cường, sức chịu đựng phi thường của Dít, biết dồn nén đau thương để nung nấu lòng căm thù. Như những người con đã khuất của làng Xô-man, Dít căm thù trên cơ sở nhận thức rõ bản chất của kẻ thù, để quyết tâm chiến đấu tiêu diệt chúng.

Dít rất giàu tình cảm thương yêu: Khi Tnú về thăm làng, Dít đã là bí thư chi bộ vừa là chính trị viên xã đội. Như ngày nào, đôi mắt Dít vẫn mở to, bình thản, trong suốt khi gặp lại Tnú. Dù trong lòng rất vui mừng, Dít vẫn thực hiện trách nhiệm kiểm tra giấy về phép của anh. Rồi từ chỗ gọi Tnú là đồng chí, Dít chuyển sang gọi là anh, xưng em thật tự nhiên, như người em gái nhỏ của Mai và Tnú ngày xưa và tỏ bày tỏ tình thân thiết: "Sao anh về có một đêm thôi? (...). Bọn em miệng đứa nào cũng nhắc anh mãi".

Ngày Tnú ra đi lực lượng, bé Heng mới đứng ngang bụng anh, chưa biết mang củi, chí mới đeo cái xà-lét nhỏ xíu theo người lớn ra rẫy. Ngày Tnú về phép, bé Heng trưởng thành, với cách ăn mặc và trang bị ra vẻ một người lính, một chiến sĩ du kích của bản làng. Làng Xô-man giờ đây trở thành làng chiến đấu và con đường vào làng phải qua hai cái dốc chằng chịt hầm chông, hố chông ngăn chặn địch. Bé Heng đã góp phần không nhỏ vào việc thiết lập những công sự này, nên tỏ ra rất hãnh diện.

Nếu cụ Mết xứng đáng với hình ảnh cây xà nu đại thụ giữa rừng xà nu bạt ngàn xanh thẫm, thì bé Heng tượng trưng cho cây xà nu mới lớn ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời, sẽ phát triển đến đâu, chưa ai lường được. Nghệ thuật miêu tả nhân vật của Nguyễn Trung Thành mang những nét độc đáo đượm khí vị Tây Nguyên anh hùng. Nếu rừng xà nu tượng trưng cho các thế hệ dân tộc Tây Nguyên kiên cường, thì các nhân vật cụ Mết, Tnú, Dít, bé Heng là hình ảnh những lớp cây xà nu đại diện cho các thế hệ nối tiếp nhau dân làng Xô-man, được khắc họa thật sinh động. Qua Rừng xà nu, ta hiểu biết và mến yêu thêm đất nước và con người Tây Nguyên. Họ đã đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp chiến đấu chung để giải phóng dân tộc.

Phân tích phẩm chất anh hùng của các nhân vật trong Rừng xà nu (mẫu 8)

Nguyễn Trung Thành có những gắn bó sâu nặng với vùng đất Tây Nguyên, trong những tác phẩm của ông, ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh đầy chân thực, sinh động về con người và vùng đất Tây Nguyên đại ngàn. Rừng xà nu là tác phẩm như vậy, thông qua truyện ngắn này, Nguyễn Trung Thành đã tái hiện lại không khí dữ dội nhưng đầy hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mĩ, đồng thời xây dựng lên những tượng đài người anh hùng, người con của rừng núi như cụ Mết, Tnú, Dít.

Bàn về giá trị của truyện ngắn Rừng xà nu, có nhận định cho rằng: định “Nhân vật trong Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành đều là những con người kiên cường, bất khuất của từng núi Tây Nguyên trong công cuộc chống Mĩ cứu nước, nhưng mỗi người lại mang những nét riêng, những vẻ đẹp khó quên”. Cụ Mết, Tnú, Dít là những người con của làng Xô Man, là ba thế hệ kế tiếp trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, góp phần hoàn thiện bức tranh Tây Nguyên chống Mĩ.

Cả ba nhân vật cụ Mết, Tnú, Dít đều mang những vẻ đẹp, phẩm chất anh hùng, họ đều là những người con anh hùng với ý chí bất khuất, kiên cường. Không chỉ yêu làng, yêu nước, căm thù giặc sâu sắc mà họ còn mang trong mình ý thức, quyết tâm đánh giặc đầy mạnh mẽ. Giữa những nhân vật còn có sự gắn kết đặc biệt với người dân làng Xô Man, đây cũng là sức mạnh giúp họ kiên cường hơn trong cuộc chiến đấu, tạo khí thế đồng thời trong cuộc chiến đấu chống Mĩ giải phóng đất nước. Tuy có những nét tương đồng nhưng mỗi nhân vật lại được xây dựng với nét riêng để tạo nên vẻ đẹp và cái đặc sắc cho từng nhân vật.

Trước hết, cụ Mết là già làng, người đứng đầu làng Xô Man, cụ như cây cổ thụ to lớn có thể che chở, bảo vệ cho rừng xà nu. Đó là một cụ già quắc thước với tấm ngực rộng lớn như cây xà nu lớn, cánh tay rắn chắc, mạnh mẽ như gọng kìm, tiếng nói ồ ồ vang dội trong lồng ngực. Cụ Mết cũng là người nuôi dưỡng, tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu ở những thế hệ sau như Tnú, Dít cũng như bao người dân làng Xô Man.

Cụ Mết cũng là người tiên phong trong việc kêu gọi dân làng đồng khởi đứng lên chống giặc với chân lí giản dị và đúng đắn “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo”. Cụ Mết là người sáng suốt, thức thời trong mọi hoàn cảnh. Chứng kiến cảnh mẹ con Mai bị giặc giết hại, Tnú bị giặc tra tấn, dù vô cùng đau lòng, căm phẫn nhưng cụ biết nếu như tay không xông lên thì không thể cứu được gia đình Tnú. Cụ đã đi vào rừng tìm đám thanh niên, mang theo gậy gộc, giáo mác để đồng khởi xông lên cứu Tnú. Để chuẩn bị cho kháng chiến lâu dài, cụ cũng kêu gọi mọi người chuẩn bị tư trang, lương thực, rèn vũ khí.

Tnú là người con anh hùng của làng Xô Man, ngay từ khi con nhỏ Tnú đã bộc lộ tính cách kiên cường, gan dạ đặc trưng của con người Tây Nguyên sống giữa núi rừng hùng vĩ. Sớm được giác ngộ cách mạng với niềm tin “Cán bộ là Đảng, Đảng còn sông núi này còn”, khi nhỏ Tnú đã cùng bà con dân làng nuôi giấu cán bộ, làm nhiệm vụ đưa thông tin cho cách mạng. Khi lớn lên Tnú cùng bà con chiến đấu chống giặc. Cuộc sống chất chồng những đau thương, mất mát càng khiến cho ngọn lửa căm thù giặc Mĩ của Tnú cháy ngùn ngụt. Với ý chí mạnh mẽ, tinh thần bất khuất Tnú đã trở thành người chiến sĩ giải phóng thực thụ, đôi bàn tay bị nhựa xà nu đốt cháy của Tnú đã lập lên bao chiến công, vang đến vẻ vang cho ngôi làng Xô Man giàu truyền thống yêu nước.

Dít là em gái của Mai, một cô gái trẻ giàu nghị lực, có ý thức đấu tranh từ rất sớm. Khi trưởng thành Dít đã trở thành người lãnh đạo cao nhất của làng Xô Man, bí thư chi bộ và chính trị viên xã hội. Khi con nhỏ, bị giặc bắt, dù bị tra tấn, uy hiếp tinh thần những người con gái ấy vẫn tỏ ra bình thản như không. Dít cũng là người nguyên tắc và kỉ luật, khi Tnu về nghỉ phép, dù cũng rất mong anh nhưng Dít vẫn kiểm tra giấy phép của Tnú rất kĩ. Tuy nhiên, bên trong vẻ ngoài cứng rắn, kiên cường thì Dít cũng là người con gái giàu tình cảm, thể hiện trực tiếp cho sự xúc động, bùi ngùi khi Tnú phải lên đường.

Ba nhân vật được xây dựng sinh động với những nét tương đồng về phẩm chất anh hùng, tuy nhiên mỗi nhân vật lại có những nét riêng đặc trưng cho vẻ đẹp, sức mạnh của từng thế hệ, sự xuất hiện của những con người anh hùng đã làm giàu thêm truyền thống cho người dân làng Xô Man.

Phân tích phẩm chất anh hùng của các nhân vật trong Rừng xà nu (mẫu 9)

Mảnh đất Tây Nguyên hiện lên với những tiếng đàn T'rưng vang vang và những cánh chim Chơ rao chao liệng dưới bầu trời. Một lần nữa Tây Nguyên lại hiện ra với hình ảnh của rừng xà nu và những con người làng Xô Man qua tác phẩm rừng xà nu của nguyễn Trung Thành. Trong truyện, các nhân vật đều hiện với những phẩm chất tốt đẹp của con người Tây Nguyên nói riêng và của người Việt Nam nói chung.

Trước hết là nhân vật cụ Mết. Cụ Mết là một già làng của Xô Man, cụ là cây cổ thụ to lớn chống đỡ cả làng, kêu gọi dân làng đứng dậy đúng thời điểm. Mặc dù tuổi đã xế chiều nhưng sức khỏe của cụ Mết vẫn rất tốt. Lưng cụ vẫn to, ngực cụ vẫn chắc. Đặc biệt, đối với những người tài giỏi cụ chưa bao giờ khen là giỏi hay xuất sắc tuyệt vời. Người nào giỏi lắm thì cụ chỉ khen là tốt và được thôi. Không những thế cụ còn là người truyền lại những truyền thống quý báu của dân tộc và nêu gương những vị anh hùng để dạy dỗ những thế hệ trẻ về trách nhiệm với đất nước và lòng căm thù giặc. Trong đêm Tnú trở về làng, cụ đã mời tất cả các dân làng quây quần lại để kể về cuộc đời đau thương của Tnú và cách Tnú vượt qua đau thương ấy để trở thành một người cán bộ tài giỏi như thế nào. Cụ còn dặn dò mọi người phải kể lại cho con cháu của mình nghe để đăng học tập. Trong đêm Tnú bị đốt tay, mẹ con Mai bị giết chết chính cụ Mết đã nêu cao chân lý “Bọn chúng dùng bạo lực thì chúng ta phải dùng giáo mác”. Đây là chân lý dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực cách mạng. Nó là con đường tất yếu để giành thắng lợi.

Thứ hai là nhân vật Tnú, có thể nói Tnú là nhân vật chính trong truyện. Qua thiên truyện cuộc đời của người anh hùng Tnú được kể lại khá chi tiết và cụ thể. Tnú có số phận vô cùng đau thương. Anh là trẻ mồ côi được dân làng Xô Man nhận nuôi từ bé, lớn lên anh nhận đưa cơm cho cán bộ Quyết cùng với Mai. Sau này lớn lên trở thành cán bộ cách mạng thì giặc giết chết Mai và con của hai người, Tnú cũng bị đốt cụt mười ngón tay. Đau thương là thế nhưng Tnú lại được giác ngộ cách mạng từ rất sớm. Và ngay từ bé Tnú đã mang trong mình dòng máu anh hùng, gan góc hơn người. Tuy còn rất nhỏ nhưng Tnú đã nhận đi liên lạc, anh không đi được thẳng mà đi đường vòng, đường tắt, xé rừng mà đi, suối sâu mà lội. Có những lần bị giặc bắt, cậu vội vàng nuốt ngay lá thư vào bụng và trả lời rõ ràng từng chữ với giặc “Cộng sản ở đây này”. Tnú học chữ thua Mai, cậu căm ghét bản thân mà tự lấy đá đập vào đầu mình. Sau khi lớn lên, chứng kiến cảnh vợ con mình bị giết chết, anh lao ra cứu nhưng không được, trái lại còn bị giặc đốt cụt mười ngón tay. Thế nhưng, vượt qua nỗi đau để chiến đấu, Tnú đã dùng mười ngón tay cụt ấy bắn chết tên Dục đã giết chết vợ con mình.

Thứ ba là nhân vật Dít. Cô là em gái của Mai, khi Mai chết Dít vẫn còn là một cô bé nhưng sau đó Dít trở thành một cô chính trị viên. Trước đó Dít cũng nhân công việc liên lạc như chị gái mình và cũng đã nhiều lần bị giặc bắt và hăm dọa. Ban đầu cô gái ấy sợ sệt trước làn súng đạn bủa vây mình nhưng về sau, cô nhìn thẳng vào mặt bọn giặc với ánh mắt căm hận. Khi Tnú trở về làng, Dít rất vui mừng nhưng không quên kiểm tra giấy phép anh. Có thể nói Dít chính là thế hệ nối tiếp Mai tiếp tục làm cách mạng

Bé Heng cũng là một nhân vật đáng chú ý, bé Heng chính là bản sao của Tnú, mặc dù tuổi còn nhỏ nhưng đã thông thạo đường rừng nước bước. Ngày Tnú về làng, bé Heng gọi Tnú là đồng chí xưng là tôi và dẫn dắt Tnú đi qua biết bao nhiêu con đường với biết bao nhiêu cạm bẫy. Bé Heng nhanh nhẹn, gan góc anh hùng giống như Tnú ngày xưa vậy. Trong tương lai không xa, bé Heng lại trở thành một Tnú thứ hai, một cán bộ cách mạng tài giỏi.

Các nhân vật đại diện cho từng thế hệ con người Tây Nguyên, họ tuy độ tuổi khác nhau nhưng đều có chung một lòng yêu nước và căm thù giặc. Không những thế, họ đều là những người anh hùng của Tây Nguyên mang những phẩm chất và tính cách gan góc của người Tây Nguyên. Nguyễn Trung Thành đã xây dựng thành công các nhân vật của mình và truyền tải tới người đọc nội dung của thiên truyện.

1 472 20/12/2023
Tải về