TOP 10 mẫu Nghị luận bàn về phong trào hiến máu nhân đạo (2024) SIÊU HAY
Nghị luận bàn về phong trào hiến máu nhân đạo lớp 12 gồm 10 bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 12 hay hơn.
Nghị luận bàn về phong trào hiến máu nhân đạo
Đề bài: Nghị luận bàn về phong trào hiến máu nhân đạo.
Dàn ý Nghị luận bàn về phong trào hiến máu nhân đạo
1. Mở bài
Dẫn dắt vào đề: Hiến máu nhân đạo là một trong những phong trào tình nguyện được tổ chức với quy mô rộng khắc và thu hút đông đảo người tham gia mỗi năm
2. Thân bài
– “Hiến máu” là cho đi những giọt máu trong cơ thể một cách tình nguyện nhằm giúp đỡ, san sẻ cho những bệnh nhân cần đến nó.
– Hiến máu nhân đạo là hành động cao cả, thể hiện được tinh thiện nguyện và truyền thống thương người, lá lành đùm lá rách của nhân dân ta.
– Máu có thể duy trì sự sống cho con người, đảm bảo cho mọi hoạt động sống có thể diễn ra.
– Y học ngày càng phát triển, các nhà khoa học có thể sản xuất ra nhiều thứ thuốc kì diệu nhưng lại chưa sản xuất được thứ dược liệu/dung dịch nào có thể thay thế cho máu của con người.
– Sự gia tăng của các tình huống cấp cứu bất ngờ khiến cho kho máu tại các bệnh viện thiếu trầm trọng, nếu không làm giàu thêm cho kho máu, nhiều bệnh nhân sẽ bị đặt trong tình trạng nguy cấp, rất có thể nguy hiểm đến tính mạng.
– Ý nghĩa của hành động hiến máu:
+ Phát huy truyền thống thương người như thể thương thân của dân tộc, đồng thời góp phần giúp đỡ, sẻ chia những giọt máu đào để hồi sinh sự sống cho đồng loại
+ Chỉ một hành động nhỏ của chúng ta nhưng lại mang đến những cơ hội sống quý giá cho những người khác
+ Những rủi ro thường đến bất ngờ mà bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân, do đó hiến máu giúp người cũng là giúp đỡ chính mình, giúp đỡ những người thân yêu của mình.
3. Kết bài
Hiến máu nhân đạo là hành động đẹp cần được nhân rộng, phát huy và chúng ta là những người công dân của đất nước cần nâng cao tinh thần tương thân, tương ái, một hành động nhỏ nhưng có thể gắn kết những trái tim.
Nghị luận bàn về phong trào hiến máu nhân đạo (mẫu 1)
Hiến máu nhân đạo là một hoạt động mang ý nghĩa tự nguyện, trên tinh thần giúp đỡ những người nghèo không có tiền mua máu khi phải tiếp máu hoặc trong trường hợp số lượng máu dự trữ của ngành y tế đang thiếu. Do vậy, ngày 7/4 hàng năm là ngày vận động toàn dân hiến máu nhân đạo.
Được sự giới thiệu của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, chúng tôi đã có dịp trò chuyện với anh Diệp Chánh Phương, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường 5 – người đã vinh dự đại diện cho tỉnh đến Hà Nội dự lễ “Tôn vinh những người hiến máu nhân đạo” năm 2007. Anh Phương nói: “Không ít người nghe nói đến từ “hiến máu” đã cảm thấy sợ và khi nhìn bạn bè tham gia tình nguyện hiến máu nhân đạo thì tuy ngưỡng mộ nhưng cũng kêu lên “sao mà dại thế?”. Sở dĩ sợ là vì có người cho rằng, hiến máu sẽ làm sức khỏe yếu đi, sợ kỹ thuật lấy máu sẽ gây đau đớn, khó chịu, bị nhiễm một số bệnh qua đường máu,... Nhưng tất cả các điều này không đúng; vì theo y học thì cơ thể không hụt đi lượng máu lưu thông khi chúng ta cho máu, người hiến máu chỉ phải chịu một mũi kim tiêm vào tĩnh mạch và chỉ diễn ra trong khoảng 10 phút, kim tiêm vô trùng bảo đảm không truyền bệnh. Hiến máu theo đúng sự chỉ dẫn của bác sĩ thì hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe!”.
Anh Diệp Chánh Phương đã 15 lần tình nguyện hiến máu (từ năm 2005 đến nay), hiện tại anh vẫn khỏe mạnh và làm việc bình thường như bao người. Ở Sóc Trăng, ngoài anh Phương ra còn chị Thanh (phường 9), anh Duy (Bí thư Huyện đoàn Châu Thành) và nhiều người nữa chúng tôi không thể kể ra hết, là những người đã trên 10 lần tình nguyện hiến máu với tấm lòng nhân hậu của mình. Quả thực, với tâm lý “một giọt máu bằng sáu bát cơm” vẫn còn rất nhiều người chưa ý thức hết được ý nghĩa của phong trào hiến máu nhân đạo. Không ít người khi nghe đến từ “hiến máu” là đã xua đi hoặc lắc đầu quầy quậy, nhiều gia đình cấm tiệt con cái tham gia hiến máu. Nhưng họ đâu biết rằng, chỉ cần hiến một phần máu của mình là đã cứu được nhiều người trước nguy cơ mất người thân, bạn bè và trước tiên là cứu được tính mạng của chính các người bệnh đang cần đến máu. Hành động ấy thật là ý nghĩa! Và anh Diệp Chánh Phương cùng bao anh chị khác đã làm nên nghĩa cử cao đẹp ấy!. Anh Phương đã trở thành tuyên truyền viên tích cực vận động anh chị em ruột, vận động bà con họ hàng và cả bà xã với hai con của mình cùng tham gia hiến máu nhân đạo. Hiện phường 5 đã thành lập nhóm “Hiến máu tình nguyện” với 20 thành viên, nhóm này sẵn sàng hiến máu bất cứ khi nào Bệnh viện Đa khoa tỉnh cần.
Người hiến máu là người từ 17 tuổi trở lên và có cân nặng 50 kg với nam, 45 kg với nữ. Những người trên 65 tuổi cũng có thể hiến máu nếu có sự đồng ý của thầy thuốc. Hầu hết các trường hợp có thể hiến một đơn vị máu (200ml) sau 8 tuần lễ. Với khoảng 200ml máu có thể cứu một mạng người. Chúng ta cần ăn sáng đầy đủ trước khi hiến máu, ví dụ uống một ly nước cam và ăn một bát phở, như vậy sẽ làm giảm bớt một số cảm giác có thể có sau khi hiến máu như choáng váng, hơi mỏi mệt. Chúng ta không nên uống cà phê, trà đặc trước khi hiến máu vì chất cafein làm cơ thể mất nước. Mỗi lần cho máu là mỗi lần cơ thể được kích thích quá trình tái tạo máu mới. Vì vậy, sau khi hiến máu hãy kết hợp ăn uống và sinh hoạt điều độ, sức khoẻ sẽ tăng lên rất nhiều. Tham gia hiến máu cũng là một cách để biết rõ thực trạng sức khỏe của mình, từ đó có những biện pháp đi chữa trị kịp thời. Một lượng máu nhỏ sẽ được đưa đi xét nghiệm và kết quả sẽ gửi về an toàn cho người hiến máu. Nếu tham gia hiến máu từ 3 lần trở lên, khi cần đến việc truyền máu thì chúng ta hoàn toàn có quyền được cấp một lượng máu vừa đủ cho mình mà không phải trả bất cứ chi phí nào. Hiến máu nhiều lần giống như việc dự trữ máu cho mình vậy.
Máu của chúng ta là một dược phẩm vô giá, chưa có một thứ thuốc nào thay thế được, cũng như chưa nơi nào chế tạo ra nó được, không có máu cấp cứu và điều trị thì người bệnh sẽ chết. Hiến máu không mất nhiều thời gian và sức lực nhưng rất cần thiết cho xã hội. Với những ý nghĩa nhân đạo cao đẹp trên và vì sức khoẻ của cộng đồng, của chính mình; mỗi cá nhân, mỗi tập thể, đặc biệt là các nhà quản lý hăng hái hưởng ứng phong trào hiến máu cứu người, coi đó là trách nhiệm, bổn phận thiêng liêng của mình. Người có đủ điều kiện sức khoẻ, hiến máu một lần có thể cứu sống được nhiều người bệnh, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho gia đình họ; đồng thời còn giúp ngành Y tế bớt khó khăn về tình trạng thiếu máu. Nếu ai không đủ sức khoẻ, không đủ điều kiện để tham gia hiến máu nhân đạo thì hãy cùng vận động bạn bè, người thân, xã hội tham gia hiến máu nhân đạo, cùng nhau sẻ chia, giữ gìn sự sống cho con người.
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi...”. Vâng, trong cuộc sống chúng ta cần lắm những tấm lòng như anh Phương, anh Duy, chị Thanh để gió mang đi, để xã hội có thêm nhiều bông hoa đẹp... mang mùa xuân đến cho những người cần giọt máu nghĩa tình!
Nghị luận bàn về phong trào hiến máu nhân đạo (mẫu 2)
Hiến máu nhân đạo là một trong những phong trào tình nguyện được tổ chức với quy mô rộng khắc và thu hút đông đảo người tham gia mỗi năm. Phong trào hiến máu có thể được tổ chức ở nhiều nơi, đó có thể là trường học, bệnh viện hay các cơ quan…nhằm ủng hộ những giọt máu đào cứu sống những bệnh nhân.
“Hiến máu” là cho đi những giọt máu trong cơ thể một cách tình nguyện nhằm giúp đỡ, san sẻ cho những bệnh nhân cần đến nó. Hiến máu nhân đạo là hành động cao cả, thể hiện được tinh thiện nguyện và truyền thống thương người, lá lành đùm lá rách của nhân dân ta.
Máu có thể duy trì sự sống cho con người, đảm bảo cho mọi hoạt động sống có thể diễn ra. Y học ngày càng phát triển, các nhà khoa học có thể sản xuất ra nhiều thứ thuốc kì diệu nhưng lại chưa sản xuất được thứ dược liệu/dung dịch nào có thể thay thế cho máu của con người. Do đó, khi bị tai nạn, bệnh tật hoặc những rủi ro không mong muốn gây mất nhiều máu, nếu không được tiếp thêm máu sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của con người.
Sự phát triển của xã hội kéo theo nguy cơ tai nạn gây đổ máu của con người ngày càng nhiều, đó có thể là tai nạn lao động, tai nạn giao thông, bệnh tật, sinh nở…Sự gia tăng của các tình huống cấp cứu bất ngờ khiến cho kho máu tại các bệnh viện thiếu trầm trọng, nếu không làm giàu thêm cho kho máu, nhiều bệnh nhân sẽ bị đặt trong tình trạng nguy cấp, rất có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Phát huy truyền thống thương người như thể thương thân của dân tộc, đồng thời góp phần giúp đỡ, sẻ chia những giọt máu đào để hồi sinh sự sống cho đồng loại, chúng ta những người công dân của đất nước cần nâng cao tinh thần nhân đạo, tham gia vào phong trào hiến máu được tổ chức bởi các cơ sở uy tín. Chỉ một hành động nhỏ của chúng ta nhưng lại mang đến những cơ hội sống quý giá cho những người khác, đó chẳng phải rất đáng quý hay sao?
Những rủi ro thường đến bất ngờ mà bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân, do đó hiến máu giúp người cũng là giúp đỡ chính mình, giúp đỡ những người thân yêu của mình. Hiến máu với dung lượng phù hợp không ảnh hưởng gì đến sức khỏe, vì vậy hãy mở rộng tấm lòng, dành chút thời gian để tham gia hiến máu. Khi chúng ta cùng chung tay, dốc sức, chúng ta có thể làm nên những điều kì diệu,
Hiến máu nhân đạo là hành động đẹp cần được nhân rộng, phát huy và chúng ta là những người công dân của đất nước cần nâng cao tinh thần tương thân, tương ái, một hành động nhỏ nhưng có thể gắn kết những trái tim.
Nghị luận bàn về phong trào hiến máu nhân đạo (mẫu 3)
“Sẻ giọt máu đào – Trao niềm hi vọng” là câu khẩu hiệu vô cùng quen thuộc ở phong trào hiến máu nhân đạo hiện nay. Nó không chỉ là câu động viên, khích lệ mọi người tham gia hoạt động hiến máu mà còn cho thấy được ý nghĩa nhân đạo, nhân văn vô cùng cao đẹp.
Hiến máu là việc cho đi, dâng hiến máu một cách tự nguyện cho các tổ chức vì mục đích cao cả là cứu người. Hiến máu nhân đạo là một hành động vô cùng ý nghĩa, được tổ chức thường xuyên tại các trung tâm, các cơ quan hay những trường học… nhằm nâng cao tinh thần tương thân tương ái của con người. Và phong trào này ngày một được mở rộng trên phạm vi cả nước.
Như chúng ta đã biết, máu là thành phần vô cùng quan trọng đối với mỗi con người. Nó góp phần nuôi dưỡng các bộ phận trong cơ thể con người. Mỗi con người chỉ sản sinh ra một lượng máu nhất định để nuôi dưỡng cơ thể. Nếu mất máu quá nhanh, quá nhiều con người sẽ rơi vào trạng thái kiệt sức, hôn mê và cuối cùng là tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời. Trong khi đó, cuộc sống con người phải đối diện với rất nhiều những tai họa bất ngờ như thiên tai, tai nạn giao thông, tai nạn nghề nghiệp hay thậm chí là trong một ca phẫu thuật nguy hiểm… con người rất cần có máu để bảo vệ và duy trì sự sống của mình. Những tai họa đó xuất hiện bất ngờ mà không ai có thể lường trước được, vì thế, luôn cần có những đơn vị máu nhất định để chuẩn bị cho những trường hợp cần thiết.
Hiến máu nhân đạo là hành động vô cùng cao đẹp của mỗi con người. Nó thể hiện tình yêu thương, sự san sẻ giữa con người với con người. Những giọt máu nhân đạo không thể đong đếm được bằng những giá trị vật chất, mà nó chứa đựng thứ tình cảm chân quý của mỗi con người. Nó cũng thể hiện truyền thống “thương người như thể thương thân” được truyền dạy từ ngàn đời nay của dân tộc ta. Hơn nữa, trong cuộc sống này, chúng ta đâu thể biết trước được mình sẽ gặp phải những chuyện gì, những nguy hiểm như thể nào. Chính vì thế, cho đi giọt máu của mình một cách chân thành và tự nguyện, bạn không chỉ nhận được sự động viên, sự tuyên dương mà đến lúc nào đó, chính bạn cũng sẽ nhận lại được từ những người khác thứ vô cùng giá trị ấy.
Hiện nay, không khó để bắt gặp hình ảnh những bạn trẻ khoác lên mình chiếc áo đỏ của đội máu, đi vận động mọi người tham gia hiến máu. Đâu đó bên những góc đường, chúng ta lại bắt gặp những chiếc xe màu đỏ của các đội tình nguyện. Các phong trào hiến máu trở thành hoạt động thường niên của các cơ quan, các đơn vị sự nghiệp. Ở nhiều nơi, hiến máu trở thành những ngày hội lớn. Rất nhiều người coi việc hiến máu cứu người như việc làm định kì của bản thân. Điển hình như gia đình ông Tuấn Anh (Thành phố Hồ Chí Minh) có 4 người nhưng cả 4 người đều rất tích cực tham gia hiến máu. Tính đến tháng 11 năm 2017, 4 người trong gia đình ông đã hiến máu tổng cộng 236 lần – một con số đáng ngưỡng mộ và kính nể. Hay cũng có những người tận tâm, tận tụy với phong trào hiến máu nhân đạo như chị Nguyễn Thị Nhung – Chủ tịch Hội chữ thập đỏ quận Long Biên, thành phố Hà Nội đã gắn bó với hoạt động hiến máu nhân đạo suốt 15 năm. Bản thân chị luôn nỗ lực vận động chính bản thân cũng như mọi người tham gia hiến máu để giúp đỡ được thật nhiều người có hoàn cảnh khó khăn cần được điều trị…
Hiến máu nhân đạo là một hoạt động nhân đạo vô cùng ý nghĩa. Thế nhưng, vẫn có những cá nhân ích kỷ, cho rằng việc hiến máu là vô bổ, là có hại cho bản thân. Những con người này cần có những tác động tích cực để thay đổi suy nghĩ của bản thân. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần có chế độ ăn uống, chế độ tập luyện và một lối sống lành mạnh để có một cơ thể thật tốt trước khi tham gia hoạt động hiến máu.
Nghị luận bàn về phong trào hiến máu nhân đạo (mẫu 4)
Trong xã hội hiện đại, song song với các phong trào bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo an toàn giao thông, trồng cây gây rừng,...thì phong trào hiến máu nhân đạo cũng là một hoạt động được đẩy mạnh và khuyến khích phổ biến ở các cơ quan đoàn thể, trường học. Với khẩu hiệu "Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại", phong trào đã thực sự đem lại nhiều ý nghĩa thiết thực, có ích cho cộng đồng, hỗ trợ rất nhiều cho công tác của ngành y tế trong quá trình cứu chữa bệnh nhân nhờ vào nguồn máu lưu trữ trong ngân hàng thường xuyên được đáp ứng.
Hiến máu cứu người là một nghĩa cử cao đẹp, người hiến nhận thấy mình đủ các chỉ tiêu về sức khỏe, thì có thể đăng ký tham gia, hiến một phần nhỏ lượng máu của cơ thể cho các tổ chức y tế. Việc hiến máu dựa trên tình thần tự nguyện, tương thân tương ái, không bị ai ép buộc, hay vì chạy theo thành tích mà phải tham gia. Lượng máu sau khi hiến sẽ được đem đi sàng lọc, nếu đạt chuẩn sẽ được đưa vào kho dự trữ để lấy ra sử dụng khi có bệnh nhân cần đến.
Máu vốn là một sản phẩm tinh túy và kỳ diệu mà tạo hóa đã ban cho con người và các loài sinh vật khác. Máu tuần hoàn trong cơ thể như một dòng suối mát, dòng suối ấy luân chuyển mang theo cả oxy và các chất dinh dưỡng để nuôi sống, điều hòa các chức năng của cơ thể. Không một ai có thể sống sót mà không có dòng máu đỏ quý giá ấy chảy trong cơ thể. Hiện nay y học phát triển, các nhà khoa học nghiên cứu các sản phẩm trong cơ thể con người dù có thể chế tạo ra rất nhiều các loại sinh phẩm y tế khác nhau, từ enzyme, gen, các loại protein, nhưng tuyệt đối chưa hề có một công trình khoa học nào có thể chế tạo ra nguồn máu nhân tạo có thể thay thế hoàn toàn nguồn máu tự nhiên của con người. Điều ấy càng khẳng định tính chất riêng biệt và tầm quan trọng của nguồn máu dự trữ và việc hiến máu tình nguyện trong cộng đồng.
Hơn thế nữa, hiện nay tuy xã hội ngày càng phát triển, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc các loại tai nạn chấn thương ngày càng trở nên phổ biến hơn, từ ẩu đả đánh nhau sứt đầu mẻ trán, đến các loại tai nạn trong lao động, rồi thì trong các cuộc phẫu thuật mà người bệnh đối diện sinh tử ngặt nghèo,... Và đặc biệt ở nước ta với tình hình giao thông phức tạp, phương tiện đi lại chủ yếu là xe máy, ý thức tham gia giao thông của người dân còn thấp, chính vì vậy hàng ngày hàng giờ luôn có những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng diễn ra, khiến nạn nhân mất máu, thậm chí là tử vong vì không cứu chữa kịp thời. Lúc này đây việc hiến máu nhân đạo giúp dự trữ một nguồn máu dồi dào phong phú, góp phần hỗ trợ công tác cấp cứu được thuận lợi hơn. Đặc biệt là trong thực tế, nguồn máu dự trữ của các bệnh viện, các ngân hàng máu luôn trong tình trạng căng thẳng, thiếu máu để cung ứng, đặc biệt là với các nhóm máu hiếm.
Như đã đề cập, con người không thể sống mà thiếu máu trong một phút một giây nào cả, đặc biệt là trong lúc chấn thương mất máu quá nhiều, cơ thể lại càng trở nên yếu ớt, ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh hơn bao giờ hết, mạng sống đếm ngược từng phút, từng giây. Những lúc như thế, giọt máu mà chúng ta cho đi chính là liều thuốc cứu nguy vô cùng hữu hiệu, mặc dù không phải trong tất cả các trường hợp đều cần dùng tới máu.
Từ xa xưa tới nay, nhân dân ta luôn tự hào giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, một trong những truyền thống ấy là tinh thần tương thân tương ái, cứu một mạng người hơn xây bảy tòa tháp. Việc cứu giúp lẫn nhau trong cuộc sống vốn đã trở thành đạo lý cơ bản nhất, là việc làm cao đẹp, thể hiện tấm lòng nhân ái, tư cách đạo đức và lối sống nhân nghĩa, yêu thương đùm bọc lẫn nhau của con người. Việc cho đi những giọt máu của mình là việc làm cao cả, giúp con người sống vui vẻ hạnh phúc hơn vì đã cống hiến được cho xã hội, mang lại sự sống cho người khác, mang lại niềm vui sướng cho những gia đình chẳng may có người thân gặp nạn. Việc hiến máu nhân đạo vừa là nghĩa cử cao đẹp của cá nhân vừa là động lực khuyến khích các cá nhân khác học hỏi và năng nổ, tình nguyện tham gia các hoạt động hiến máu cứu người, giúp xã hội ngày một văn minh, con người sống với nhau bằng tình nghĩa và sự đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau.
Cho đến nay, hằng năm các đợt hiến máu vẫn liên tục được tổ chức, số lượng người tham gia ngày càng đông, nhưng việc đáp ứng nhu cầu máu vẫn dừng lại ở mức xấp xỉ với nhu cầu, thậm chí có lúc với những ca cấp cứu nặng, khẩn cấp nguồn máu vẫn không thể đáp ứng được. Hơn thế nữa, cuộc đời con người trải dài suốt mấy mươi năm chẳng biết bất trắc sẽ ập đến cho bản thân hoặc những người thân của chúng ta bất cứ lúc nào. Chính vì vậy, chúng ta tham gia nhiệt tình vào công tác hiến máu cũng chính là để lại cho mình một con đường lui những khi cần thiết, chính là lưu giữ lại cho mình và người thân những giọt máu quý giá đề phòng những tình huống bất trắc có thể xảy ra trong cuộc sống.
Việc hiến máu vốn là một hành động rất bình thường, không có gì đáng sợ hay đau đớn cả, đặc biệt sau mỗi lần hiến máu chúng ta còn biết được tình trạng sức khỏe của mình nhờ việc sàng lọc máu của các tổ chức y tế. Mỗi lần hiến, chúng ta sẽ hiến từ 250-350 ml máu, lượng máu ấy sẽ nhanh chóng được cơ thể bổ sung trong vòng 3 tháng và không gây hại gì đến sức khỏe, thậm chí việc hiến máu chính là một cơ hội để cơ thể thay thế những tế bào máu cũ bằng các tế bào máu mới. Hiến máu giúp chúng ta ăn ngon, ngủ tốt hơn, da dẻ trở nên hồng hào, cơ thể khỏe mạnh hơn vì được thay thế một lượng máu mới giúp quá trình vận chuyển các chất dinh dưỡng trở nên thuận lợi hơn cả. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể hiến được máu, mà phải đạt một số tiêu chuẩn sức khỏe nhất định, nhằm đảm bảo an toàn cho cả người hiến máu và người được nhận máu. Trước khi tham gia hiến máu, chúng ta cần thăm khám kỹ và tham khảo ý kiến của nhân viên y tế để có một buổi hiến máu thành công và an toàn.
Hiến máu nhân đạo là một nghĩa cử cao đẹp và đáng được tôn vinh trân trọng, thể hiện tinh thần đoàn kết, sẻ chia, lòng thương yêu, đồng cảm giữa con người với nhau trong những lúc khó khăn hoạn nạn. Đó là truyền thống đạo đức nhân nghĩa tốt đẹp mà ông cha ta vẫn luôn gìn giữ bấy lâu nay. Mỗi con người chúng ta cần phải có ý thức đúng đắn về việc hiến máu cứu người, có tấm lòng tự nguyện hi sinh tham gia tích cực vào các hoạt động hiến máu nhân đạo. Đồng thời hăng hái tuyên truyền, vận động mọi người cùng thực hiện nghĩa cử cao đẹp này, để phong trào được nhân rộng hơn nữa đáp ứng nhu cầu máu trong công tác y tế hằng ngày.
Nghị luận bàn về phong trào hiến máu nhân đạo (mẫu 5)
Hiến máu cứu người một nghĩa cử cao đẹp thể hiện truyền thống tương thân thương ái của dân tộc ta. Là hành động giúp đỡ những người bệnh đang cần những giọt máu quý giá để duy trì sự sống. Một phong trào hiến máu và kêu gọi hiến máu nhân đạo đang diễn ra rất sôi nổi trên khắp nước ta, đặc biệt là ở các cơ quan, trường học.
Khẩu hiệu: ”Một giọt máu cho đi - Một cuộc đời ở lại”. Chỉ qua đó thôi chúng ta có thể thấy được vai trò to lớn của hành động mang tính nhân văn sâu sắc này. Từ đó càng phải công nhận, góp phần giúp cho hành động hiến máu cao đẹp này phát triển mạnh mẽ tại cộng đồng.
Hiến máu là hành động cho đi những giọt máu trong cơ thể chúng ta một cách tự nguyện nhằm giúp đỡ những người cần đến nó. Hiến máu cứu người chính là một nghĩa cử cao đẹp. Khi ta trao đi những giọt máu, tuy chỉ là một phần nhỏ nhưng lại đem lại hi vọng cho những người cần máu gấp như các bệnh nhân gặp tai nạn giao thông, các ca ghép tạng, cần rất nhiều máu… hay có thể duy trì sự sống cho những em bé mắc bệnh tan máu bẩm sinh. Nhờ những giọt máu chúng ta cho đi đã đem lại niềm tin và hi vọng sống cho họ.
“Mỗi lần cho đi là thấy vui ở trong tâm” chúng ta hãy như chị Nhàn và những người khác. Khi đủ tuổi hãy hiến máu, không chỉ đem lại niêm vui cho bản thân mà còn là niềm vui cho người bệnh và cả xã hội. Hãy thể hiện tinh thần dân tộc, sãn sàng cho đi dòng máu của mình vì tất cả chúng ta đều là con người việt nam máu đỏ da vàng.
Mỗi chúng ta cần sống chan hòa, biết yêu thương chia sẻ với những cảnh ngộ đáng thương trong cuộc đời. Tích cực hưởng ứng phong trào hiến máu bằng việc trực tiếp hiến máu hoặc tuyên truyền vận động bạn bè, người thân đến hiến máu…
Ca dao có câu:
“Dù xây chín bậc phù đồ
Không bằng làm phúc cứu cho một người”
Hiến máu cứu người là một nghĩa cử cao đẹp, một hành động mang tính nhân văn sâu sắc, là một trong những biểu hiện của truyền thống yêu thương, nhân nghĩa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Chúng ta hãy chung tay nhân rộng và phát triển nghĩa cử cao đẹp này rộng khắp nơi. Góp phần giúp cho cuộc sống tươi đẹp tràn đây tình yêu thương.
Nghị luận bàn về phong trào hiến máu nhân đạo (mẫu 6)
Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại. Hiến máu cứu người là một nghĩa cử cao đẹp, một hành động tương thân tương ái "lá lành đùm lá rách", thể hiện tinh thần nhân đạo cao cả, tình yêu thương con người, lòng nhân ái bao dung, biết sẻ chia những khó khăn giữa người với người trong cuộc sống.. Đó có lẽ không còn là một hành động xa lại đói với người Việt Nam.
Máu là một tổ chức di động được tạo thành từ thành phần hữu hình là các tế bào (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu) và huyết tương. Chức năng chính của máu là cung cấp các chất nuôi dưỡng và cấu tạo các tổ chức cũng như loại bỏ các chất thải trong quá trình chuyển hóa của cơ thể. Chính vì thế, máu có một vai tròng quan trọng, là một phần không thể thiếu trong sự sống của mỗi con người. Đó là một món quá vô cùng quý giá mà chúng ta luôn nâng niu, trân trọng nó.
Với sự phát triển vượt bậc của khoa học kĩ thuật, đặc biệt là trong ngành y học, rất nhiều loại thuốc được chế tạo ra để điều trị bệnh nhưng ít có loại thuốc nào lại hiệu quả bằng việc điều trị trực tiếp bằng máu.
Bởi vậy, mỗi chúng ta đều có thể cho đi giọt máu hồng của mình để san sẻ sự sống với người khác. Những ánh mắt ước ao được về nhà đón Trung Thu cùng gia đình của các em thiếu nhi, những niềm khát khao được đoàn viên cùng gia đình để đón năm mới, Tết đến xuân về của biết bao nhiêu những người đang chật vật với căn bệnh của mình. Tất cả thôi thúc chúng ta phải hành động để cứu giúp người khác, để san sẻ yêu thương, giúp họ sớm được bình an trở về tổ ấm của mình.
Với thông điệp: “ Giọt máu cho đi - Cuộc đời ở lại” đã bao trọn ý nghĩa và mục đích lớn lao trong các chiến dịch hiến máu nhân đạo. Mỗi giọt máu là biểu hiện của sự sống và tiếp sức cho sự sống. Khi dòng máu chảy trong cơ thể một người chỉ là để duy trì sự sống nhưng cũng dòng máu ấy chảy trong cơ thể nhiều người thì nó trở thành một làn sóng của yêu thương và chia sẻ phần đời quý giá nhất trong cuộc sống con người.
Không dừng lại ở đó, việc hiến máu nhân đạo còn là thể hiện tấm lòng thương yêu nhau, "lá lành đùm lá rách" - một trong những nét đẹp, hành động nhân đạo mà cha ông ta đã gây dựng và đúc kết. Đồng thời, khi hiến máu, chúng ta duy trì được nét đẹp ấy, gánh vác được hết trọng trách, chuyền lại cho con cháu mai sau những truyền thống nhân đạo mà cha ông ta để lại.
Hà̀nh động hiếm máu của chúng ta như một làn sóng lan tỏa đến người khác, đánh thức tình yêu thương con người trong biết bao nhiêu những con người chỉ chú tâm đến bản thân mình mà quên đi người khác.
Cuộc sống của con người dù ở bất kỳ giai đoạn nào cũng phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên và xã hội. Những rủi ro, bất hạnh, khó khăn ngoài ý muốn làm cho nhiều người rơi vào tình cảnh nguy cấp, Chúng ta cũng thế. Khi người khác gặp khó khăn, chúng ta dang rộng vòng tay giúp đỡ họ và khi ta lâm nguy, những người khác cũng sẽ giúp lại chúng ta.
Ngoài việc cứu sống tính mạng con người, hiến máu còn mang lại sức khỏe cho chính người hiến máu. Khoa học đã chứng minh việc hiến máu theo hướng dẫn của bác sĩ có lợi cho sức khỏe, nếu một người mất đi 10–15% lượng máu thì không ảnh hưởng gì đến lượng máu tuần hoàn trong cơ thể vì ngay lúc đó máu dự trữ sẽ được đưa ra lưu thông trong tuần hoàn máu. Khi tham gia hiến máu, máu của chúng ta được đổi mới hằng ngày, sản sinh lượng máu mới, các cơ quan sinh máu sẽ được kích thích và quá trình sinh tạo máu sẽ hoạt động với tốc độ gấp 8-10 lần so với bình thường. Hoạt động này nhằm nhanh chóng lấy lại sự cân bằng của cơ thể. Sau khi hiến máu khoảng 3-4 tuần, các thành phần trong máu phục hồi lại gần như bình thường, khi đó các thành phần trong máu được trẻ hoá, nâng cao sức đề kháng chống bệnh tật. Hiến máu nhiều lần giảm nguy cơ ứ đọng sắt và giảm nguy cơ bệnh tim mạch, rất có lợi đối với người có quá nhiều hồng cầu, sắt và lượng máu đặc. James Christopher Harrison, OAM, còn được gọi là Người đàn ông có cánh tay vàng là một người hiến huyết tương ở Úc. Trong huyết tương của ông có một thành phần đặc biệt được sử dụng để chữa bệnh Rhesus. Ông đã hiến máu hơn 1000 lần trong suốt cuộc đời mình, và lượng máu này ước tính đã được sử dụng để cứu sống hơn hai triệu trẻ sơ sinh còn trong bụng mẹ khỏi căn bệnh trên.
Ngày nay, tại các trường học, địa phương, có rất nhiều tổ chức vận đông hiến máu tình nguyện trong đó có sự tham gia của rất nhiều các học sinh, sinh viên - những con người trẻ tuổi đang hừng hực khí thế, ngọn lửa nhiệt huyết, đam mê. Điển hình là chương trình Trung Thu Cho Em - của viện huyết học truyền máu trung ương, với sự tham gia của hơn 4000 tình nguyện viên từ khắp địa bàn trên Hà Nội. Chương trình qua đi và để lại con số ấn tượng với hơn 3000 đơn vị máu nhận về. Điều này tạo động lực lớn cho mọi người xung quanh và tạo nên niềm tin về sự sống, tương lai tươi sáng cho những người đang gặp khó khăn, nguy kịch
Việc hiến máu mang ý nghĩa nhân văn cao cả. Hiến máu không có hại cho sức khỏe nếu được thực hiện đúng quy trình. Mỗi chúng ta hãy nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của việc hiến máu nhân đạo, Khi có điều kiện, hãy tham gia hiến máu tình nguyện để san sẻ sự sống cho người khác. Hãy trở thành tình nguyện viên vận động hiến máu để nâng cao nhận thức của mọi người về hiến máu nhân đạo - một nghĩa cử cao đẹp. Từ đó, khơi gọi lòng đồng cảm, sự yêu thương trong sâu thẳm của mỗi con người để họ cùng giúp đỡ người khác.
Nghị luận bàn về phong trào hiến máu nhân đạo (mẫu 7)
Cuộc sống hối hả hằng ngày đôi khi khiến người ta trở nên vô cảm,lạnh lùng rồi quên mất những giá trị cuộc sống, những con người sống xung quanh, trong đó có những người bất hạnh. Nhưng cuộc đời chưa hẳn đáng buồn bởi có không ít những tổ chức, những con người luôn sống và hành động vì cộng đồng, vì xã hội biểu hiện ở những việc làm cụ thể: giúp đỡ người nghèo, giúp đỡ trẻ em bất hạnh, …
Thể hiện tinh thần vì cộng đồng, hiện nay, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh – Huyện đoàn Thanh Chương và Hội chữ thập đỏ huyện Thanh Chương đang có cuộc vận động hiến máu nhân đạo. Là một thanh niên trong thời đại mới, chúng ta đừng đắn đo mà hãy đưa cánh tay của mình ra vì giọt máu đỏ tươi , quý giá ấy đang rất cần thiết cho nhiều người. Hằng ngày, hằng giờ, trên mọi miền quê có hàng trăm người cần được truyền máu. Có thể họ bị mất máu do chấn thương, tai nạn, thảm họa; có thể do những căn bệnh hiểm nghèo: ung thư máu, suy tủy xương,… hay vì nhiều nguyên nhân khác nhưng số máu dự trữ trong các bệnh viện lại thiếu so với nhu cầu. Điều đó đã dẫn đến cái chết của rất nhiều người. Hiến máu nhân đạo là một việc làm âm thầm, lặng lẽ. Hiến máu nhân đạo không trực tiếp tạo ra của cải vật chất nhưng lại tạo ra sản phẩm vô cùng to lớn là sự sống, niềm vui và hạnh phúc … Là người có sức khỏe tốt, có đủ điều kiện sao bạn không cho giọt máu quý giá của mình để một mầm sống mới trỗi dậy?
Cũng có thể nhiều người cho rằng, hiến máu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Cần khẳng định, hiến máu không có hại đến sức khỏe. Theo nghiên cứu khoa học, mỗi thành phần trong máu luôn được thay đổi hằng ngày. Sau khi hiến máu, các chỉ số máu thay đổi nhỏ nhưng vẫn nằm trong giới hạn sinh lí bình thường. Nếu mỗi lần hiến một phần mười lượng máu trong cơ thể, bạn vẫn học tập, sinh hoạt. Trên thực tế, ở Việt Nam đã có hàng triệu người hiến máu nhiều lần mà sức khỏe vẫn hoàn toàn tốt. Vì vậy, mỗi người nếu thấy có đủ điều kiện về sức khỏe, máu đạt tiêu chuẩn thì có thể hiến máu từ 3 đến 4 lần một năm.
Vậy khi hiến máu nhân đạo, bạn sẽ được gì? Đầu tiên, bạn sẽ được kiểm tra và xét nghiệm máu (hoàn toàn bí mật). Trong trường hợp người hiến máu có nhiễm các mầm bệnh thì sẽ được tư vấn sức khỏe hoàn toàn miễn phí. Ngoài những chế độ đối với người hiến máu như được nhận quà, giấy chứng nhận… thì cái được lớn nhất là lời cảm ơn chân thành ở đâu đó của những người được truyền máu – dù bạn không nghe thấy. Bạn còn nhận được sự thanh thản trong cõi lòng vì đã làm được một việc tốt, cứu sống một con người và đem lại hạnh phúc cho ít nhất là một gia đình. Hiến máu nhân đạo là một nghĩa cử cao đẹp, là một hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Đó là một việc làm thiết thực, giàu ý nghĩa nhân văn, thể hiện tinh thần tương thân tương ái – một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Khi bạn cho đi một giọt máu nhỏ thì ở đâu đó có một niềmhạnh phúc lớn tạo thành. Bởi vậy, giọt máu cho đi không mất mà nó đang tiếp tục chảy trong một cơ thể khác và góp phần làm nên sự sống. Khi nghĩ tới điều đó, chắc chắn mỗi người sẽ vượt qua nỗi sợ hãi, vượt qua rào cản để cho đi những giọt máu hồng và cảm thấy hạnh phúc khi làm được điều có ích cho xã hội. Không những vậy, việc hiến máu nhân đạo còn là động lực tiếp thêm sức mạnh cho người bệnh, giúp họ không chỉ là sự sống mà còn là niềm tin vào cuộc đời, niềm tin ở xã hội, tin vào những tấm lòng cao cả sẵn sang đưa tay giúp đỡ họ.
Là một người Việt Nam yêu thương giống nòi, là một thanh niên giàu lòng nhân ái, bạn và tôi, chúng ta hãy hành động cứu giúp những người đang cần được sống – chỉ một hành động nhỏ thôi: hiến máu nhân đạo.
Xem thêm các chương trình khác:
- Giải sgk Hóa học 12 (sách mới) | Giải bài tập Hóa 12
- Lý thuyết Hóa học 12
- Giải sbt Hóa học 12
- Các dạng bài tập Hoá học lớp 12
- Giáo án Hóa học lớp 12 mới nhất
- Giải sgk Toán 12 (sách mới) | Giải bài tập Toán 12 Tập 1, Tập 2
- Các dạng bài tập Toán lớp 12
- Lý thuyết Toán 12
- Chuyên đề Toán lớp 12 mới nhất
- Bài tập Toán lớp 12 mới nhất
- Giáo án Toán lớp 12 mới nhất
- Giải sgk Sinh học 12 (sách mới) | Giải bài tập Sinh học 12
- Lý thuyết Sinh học 12 | Kiến thức trọng tâm Sinh 12
- Giải sgk Địa Lí 12 (sách mới) | Giải bài tập Địa lí 12
- Lý thuyết Địa Lí 12
- Giải Tập bản đồ Địa Lí 12
- Giải sgk Vật Lí 12 (sách mới) | Giải bài tập Vật lí 12
- Giải sbt Vật Lí 12
- Lý thuyết Vật Lí 12
- Các dạng bài tập Vật lí lớp 12
- Giáo án Vật lí lớp 12 mới nhất
- Giải sgk Lịch sử 12 (sách mới) | Giải bài tập Lịch sử 12
- Giải Tập bản đồ Lịch sử 12
- Lý thuyết Lịch sử 12
- Giải sgk Giáo dục công dân 12
- Lý thuyết Giáo dục công dân 12
- Giải sgk Giáo dục quốc phòng - an ninh 12 (sách mới) | Giải bài tập GDQP 12
- Lý thuyết Giáo dục quốc phòng 12 | Kiến thức trọng tâm GDQP 12
- Lý thuyết Tin học 12
- Lý thuyết Công nghệ 12