TOP 3 mẫu Suy nghĩ: Có ba điều làm hỏng một con người: rượu, tính kiêu ngạo và sự giận dữ (2024) SIÊU HAY

Suy nghĩ: Có ba điều làm hỏng một con người: rượu, tính kiêu ngạo và sự giận dữ lớp 12 gồm những bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 12 hay hơn.

1 804 19/12/2023
Tải về


Suy nghĩ: Có ba điều làm hỏng một con người: rượu, tính kiêu ngạo và sự giận dữ

Đề bài: Có ba điều làm hỏng một con người: rượu, tính kiêu ngạo và sự giận dữ. Anh (chị) suy nghĩ như thế nào về ý kiến đó.

Có ba điều làm hỏng một con người: rượu, tính kiêu ngạo và sự giận dữ (mẫu 1)

Có 3 điều Làm Hỏng Một Con Người: Rượu, Tính Kiêu Ngạo Và Sự Giận Dữ. Suy  Nghĩ Về ý Kiến Trên

Có nhiều quan điểm đánh giá về mức độ làm hỏng một con người, như là phạm vào trọng tội, làm việc trái luân thường, đạo lý, sa đọa vào tệ nạn xã hội... Nhưng lại có quan điểm cho rằng: Có ba điều làm hỏng một con người là rượu, tính kiêu ngạo và sự giận dữ. Việc đánh giá một con người "hỏng" tức là người đó đã không thể cứu vãn về mặt nhân cách, hành vi của người đó không được xã hội chấp nhận. Đôi khi chỉ cần một việc làm xấu thôi là đủ để người ta loại những người đó ra khỏi cuộc sống. Trong quan niệm trên, ba thứ rượu, tính kiêu ngạo và sự giận dữ đã đủ làm nên việc hỏng người. Đầu tiên là rượu. Ở đây không bàn về lợi ích của nó, mà hãy nhìn vào mặt trái nó để lại. Người ta có câu: kẻ uống rượu đỏ mặt nhưng đen nhân cách. Điều đó khẳng định rượu là tác nhân để hủy hoại con người chúng ta. Say rượu con người ta sẽ không còn là chính mình, sự bê tha, nhếch nhác và tàn tạ sẽ lên ngôi. Không thiếu những vụ bạo hành gia đình xảy ra khi người cha say rượu đánh đập vợ con, bao nhiêu cuộc xích mích trên bàn nhậu để xảy ra xô xát đến đe dọa tính mạng người. Gần đây, chúng ta không khỏi đau lòng vì những vụ tai nạn giao thông liên hoàn vì những kẻ say rượu lái xe. Rượu làm chúng ta vui nhưng lại ẩn chứa bao nhiêu mối nguy hại đằng sau đó. Việc nó làm hỏng con người chẳng có gì sai. Thứ hai, tính kiêu ngạo cũng làm hỏng con người. Kẻ luôn quá tự phụ về bản thân mình, kiêu căng, ngạo mạn trước người khác chẳng đáng được tôn trọng là người. Cuộc sống luôn là sự học hỏi và không ai là người hoàn hảo. Cái mình có, mình biết chưa chắc đã là duy nhất và đầy đủ. Bởi vậy thể hiện với đời mà thiếu đi tài năng thực sự, thiếu sự chân thành mà chỉ có sự tự tin thái quá thì sẽ khiến mình thất bại. Kiêu ngạo là luôn cho mình đứng trên người khác, mọi thứ đều dưới tầm con mắt thì sẽ tự loại mình ra khỏi thế giới con người. Cuối cùng sự giận dữ cũng vậy. Nó khiến bạn mất mát nhiều hơn bạn tưởng. Đó là cảm xúc bạn không thể kiềm chế được, nếu không đúng nơi, đúng lúc và hợp lý bạn trở thành kẻ ác nhân lúc nào không hay. Bởi mọi quyết định trong giận dữ sẽ khiến nó đề cao cái tôi của bạn, không để ý đến cảm giác của người xung quanh. Cha mẹ giận dữ có thể sẽ mất con, bạn bè giận dữ sẽ mất nhau, sếp giận dữ sẽ hỏng việc, vô cớ giận dữ có thể mất mạng... Hậu quả của việc giận dữ luôn rất nặng nề mà ngay bản thân người có cảm giác đó cũng gặp phải. Bởi vậy khi giận dữ thì sự bất đồng càng lớn, mối quan hệ càng giãn xa. Khi đó kẻ giận dữ cũng bị xa lánh. Cho giận dữ là nguyên nhân làm hỏng người đúng là không sai. Vậy ba thứ rượu, tính kiêu ngạo và sự giận dữ, cuộc sống này vẫn luôn có. Nhưng hãy làm gì để chúng không làm hỏng người của bạn, chỉ có thể là do chính chúng ta. Biết kiềm chế, kiểm soát bản thân để mỗi người không bị rượu điều khiển, kiêu ngạo sai khiến và giận dữ làm chủ, chúng ta sẽ ở lại với thế giới con người!

Có ba điều làm hỏng một con người: rượu, tính kiêu ngạo và sự giận dữ (mẫu 2)

Sống trên đời này, ai cũng mong muốn được hoàn thiện mình, muốn cầu toàn nhưng mấy ai làm được. Khá nhiều những sai lầm khiến ta cứ mãi dấn thân vào mê muội rồi dẫn đến hỏng một đời người nếu không tìm ra lối thoát. “Rượu, Sự giận dữ, Tính kiêu ngạo: Chính là ba điều dễ làm hỏng một con người”.

Trong Kinh Phật đã có dạy “tửu sắc” làm người ta trở nên sân si, dục vọng, luôn sống trong một giấc mơ không có thật. Rượu chỉ làm người ta quên đi mọi sự trong chốc lát nhưng khi tỉnh lại mọi sự lại vẫn cứ quay xung quanh mình. Cứ mãi tìm quên trong rượu chỉ làm thêm mất phương hướng sống. Hơn nữa, trong cơn say mấy ai tự chủ được mình. Đó là một chất kích thích dễ gây nghiện. Rượu, bia triền miên, sống trong cơn say, quên mình là ai, cần làm gì, phải làm gì, chỉ biết có rượu mà thôi. Và thường thì rượu là một trong các nguyên nhân gây ra mất an ninh xã hội, gia đình tan vỡ, gây gỗ vợ chồng…Nó chẳng phải linh dược kì diệu gì cho nên khi kìm chế được ta nên bỏ nó đi.

Điều thứ hai, ta dễ nhận thấy nhất. Sự giận dữ ấy! Sự giận dữ luôn đi kèm với nỗi ân hận. Như H.G.Bohn có câu nổi tiếng: “Sự giận dữ bắt đầu bằng những hành động xuẩn ngốc và kết thúc bằng nỗi ân hận”. Trong giận dữ, khó có thể kìm chế bản thân. Đôi lúc, chỉ vì một điều ta không vừa ý, ta bực bội rồi òa ra những thứ làm mất lòng mọi người. Cũng giống như “Hành động trong lúc giận dữ là tự làm đắm thuyền trong cơn giông bão”. Chính ta tự đẩy ta xuống hố sâu mà ta không hay. Sống giữa giận giữ và cái khó chịu, sợ hãi của mọi người có dễ chịu không? Và ta thường tìm lối thoát bằng cách chạy trốn nó. Sống trong giận dữ làm mất đi một phần lí trí, Lòng nhẫn nại, sự hòa hợp với mọi người. Nó tạo một lỗ hỏng lớn trong tinh thần. Người giận dữ thường làm mất đi con người thật của mình, để cho phần “con” lấn át sang phần “người”. Mất lí trí coi như hỏng một con người.

Và điều thứ ba ta không thể không nhắc đến: Tính kiêu ngạo. Bản tính kiêu ngạo có thể phát sinh từ lúc nhỏ, có thể hình thành trong lối sống. Bên cạnh sự thành công, tự mãn chình là sự kiêu căng. Sự tự kiêu có nghĩa là đắc chí với cái mình có mà người ta không có, mình tài giỏi hơn người khác. Nhưng thực chất trên đời này, không ai giỏi hơn ai hết, cái chính là ta phải biết kiên trì, siêng năng, nỗ lực, phải khiêm tốn, thật thà. Vì “khiêm tốn bao nhiêu cũng không đủ – tự kiêu một chút cũng là nhiều”. Nhiều – ít không phải ở số lượng mà tự kiêu một lần sẽ tạo thói quen lâu dài làm ta tự đắc, tự mãn nhưng đó chỉ là “ếch ngồi đáy giếng”, chỉ biết mình là nhất – một mộng tưởng làm mất chí phấn đấu trong cuộc sống, mà cuộc sống phải biết vươn lên, tìm tòi, học hỏi. Tự kiêu – một tính cách không tốt – một tương lai không bền.

Ba điều trên làm phá hoại “một tờ giấy trắng” mà có thể viết lên bao điều tốt đẹp. Hãy kịp thời xóa bỏ khi mọi thứ vẫn còn chưa “kết thúc”. “Người hạnh phúc nhất là người biết giận nhưng không bao giờ giận”, người sống tốt nhất là người biết khiêm tốn và người yêu đời nhất là người không biết uống rượu. Chỉ từng ấy thôi!

Không phải ai cũng hoàn thiện. Thật vậy, đã từng có lúc tôi tự kiêu, đã từng có lúc tôi bực giận, nóng nẩy nhưng đó chỉ là giải pháp nhất thời, tự mãn nhất thời. Đó không phải một tôi muốn mình như vậy hay một ai khác muốn hoàn thiện theo cách ấy. Sống là phải tự chủ, luôn tự chủ, không sa ngã vào ba điều trên mới là một cuộc sống cầu toàn.

Có ba điều làm hỏng một con người: rượu, tính kiêu ngạo và sự giận dữ (mẫu 3)

Có ba điều làm hỏng một con người: rượu, tính kiêu ngạo và sự giận dữ

Rượu có làm hỏng con người không? Loài người biết nấu rượu, chưng cất rượu và uống rượu đã khá lâu, có lẽ đã mấy nghìn năm. Rượu là một thứ thường được dùng trong các bữa cỗ, bữa tiệc. Rượu, hoa, trăng… là những thú chơi tao nhã của các tao nhân mặc khách xưa nay. Bạn tri âm tri kỉ, lúc tâm sự, lúc hàn huyên không thể không có rượu, vì thế mới có câu:

Tửu phùng tri kỉ thiên bôi thiểu,

Nhân bất đồng tâm bán cú đa.

Nói về thú thanh cao đọc sách và uống rượu, Nguyễn Trãi có câu thơ:

Sách một hai phiên làm bầu bạn,

Rượu năm ba chén đổi công danh.

(Tự thán – bài số 10, Quốc âm thi tập)

Trong dân gian có rượu tăm, rượu đế, rượu quốc lủi. Nghe nói trong các siêu thị hiện nay ở nước ta có những chai rượu ngoại bán mấy trăm "đô", mấy triệu đồng. Qua đó, ta thấy rượu và uống rượu chưa hẳn đã làm hỏng người. Chỉ có kẻ nghiện rượu, suốt đêm ngày say tuý luý thì rượu mới làm hư hỏng con người. Kẻ nát rượu thường sống bê tha; lúc say rượu thì tính nết trở nên cục cằn, thô lỗ. "Rượu vào lời ra", thật chẳng sai. Trong trường hợp này thì quả là rượu đã làm hư hỏng con người. Mặc dù có câu nói: "Nam vô tửu như kì vô phong!", nhưng thanh niên học sinh chúng ta không nên tập uống rượu, đừng nên uống rượu.

Sau rượu là kiêu ngạo được nói đến. Kiêu ngạo là một tính xấu. Kẻ kiêu ngạo tự cho mình là hơn người, tự cho mình là nhất thiên hạ. Kẻ kiêu ngạo coi trời bằng vung, coi thiên hạ bằng nửa con mắt. ăn nói và cách sống thiếu khiêm tốn, lễ độ. Tướng cầm quân ra trận mà kiêu ngạo tất sẽ bại vong. Những kẻ chức trọng quyền cao, những người có vàng đầy két, bạc đầy rương, ngân phiếu có hàng tỉ mà kiêu ngạo cũng sẽ bị đồng loại coi thường. Học sinh mà kiêu ngạo thì bị thầy chê, bạn bè xa lánh, học hành sa sút dần, thi cử sẽ bị hỏng! Đúng kiêu ngạo làm hỏng con người. Kẻ kiêu ngạo sẽ bị thiên hạ coi khinh. Tuổi trẻ chúng ta phải biết sống khiêm tốn.

Còn sự giận dữ thì thế nào? Tính giận dữ là một trong những tính xấu, làm hư hỏng nhân cách. Có một số người thường đỏ mặt tía tai, nói to, gặp điều gì không vừa ý thì nổi khùng lên. Sự nóng giận làm cho con người mất bình tĩnh, mất khôn ngoan. Các cuộc ẩu đả lẫn nhau mà ta thường được chứng kiến là do những kẻ giận dữ gây ra. Các cuộc ẩu đả ấy là nước mắt, là máu. Sau sự giận dữ là nỗi buồn phiền hối hận không bao giờ nguôi!

Ta phải rèn luyện cho "mát tính", biết sống hiền lành, hoà thuận, khiêm nhường. Phải biết tự chủ trong lời nói, trong hành động. Phải biết xa lánh những kẻ thô lỗ cục cằn. Phải biết ghi sâu vào lòng câu tục ngữ "một điều nhịn, chín điều lành". Phải nhớ lời dạy của cổ nhân: "Tiểu bất nhẫn, bất thành đại sự".

Tóm lại, câu "Có ba điều làm hỏng một con người: rượu, tính kiêu ngạo và sự giận dữ" là một lời khuyên đẹp, một bài học quý báu đối với thanh thiếu nhi học sinh chúng ta. Bài học ấy giúp ta rèn luyện tính tình, rèn luyện phong cách sống để hoàn thiện dần nhân cách văn hoá, biết sống đẹp giữa đồng loại.

1 804 19/12/2023
Tải về