TOP 10 mẫu Nghị luận về hiện tượng nghiện Internet (2024) SIÊU HAY

Nghị luận về hiện tượng nghiện Internet lớp 12 gồm dàn ý và 10 bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 12 hay hơn.

1 3,620 18/12/2023


Nghị luận về hiện tượng nghiện Internet - Ngữ văn 12

Dàn ý Nghị luận về hiện tượng nghiện Internet (Mẫu 1)

1. Mở bài

Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: hiện tượng nghiện internet.

2. Thân bài

a. Thực trạng

Ngày nay, internet vô cùng phổ biến, nhà nhà sử dụng internet, người người sử dụng internet.

Internet tồn tại ở nhiều dạng khác nhau như wifi, mạng di động,… con người có thể thuận tiện sử dụng internet ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào, hoàn cảnh nào.

Internet được con người sử dụng rộng rãi hiện nay bao gồm: mạng xã hội (Facebook, Zalo, Instagram,…), Google, Youtube,… để phục vụ nhu cầu học tập, giải trí, công việc,…

b. Nguyên nhân

Chủ quan: do mỗi người chưa quản lí hiệu quả quỹ thời gian của mình, sử dụng quá nhiều thời gian cho internet,…

Khách quan: internet phát triển ở nhiều dạng, có nhiều điều thú vị, mới mẻ, thu hút người xem,…

c. Hậu quả

Hậu quả của việc nghiện internet hiện nay phải kể đến đó chính là con người lãng phí quá nhiều thời gian cho internet mà không còn quan tâm đến những hoạt động bên ngoài: thay ra ngoài họ lại chọn ngồi ở nhà chơi game,…

Sử dụng internet nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người như: cận thị do ánh sáng xanh và nhiều bệnh khác,…

Việc sử dụng internet quá nhiều vô hình tạo ra khoảng cách giữa con người ngày càng lớn.

d. Phản đề

Tuy nhiên chúng ta cũng không thể phủ định những lợi ích mà internet mang lại: nó giúp chúng ta liên lạc, kết nối với những người bạn ở xa một cách rõ ràng, trên mạng cũng có rất nhiều thông tin hữu ích mà con người có thể tra cứu ở mọi nơi,…

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề nghị luận: hiện tượng nghiện internet; đồng thời liên hệ bản thân.

Dàn ý Nghị luận về hiện tượng nghiện Internet (Mẫu 2)

MỞ BÀI

Trong suốt dòng lịch sử con người, đã có những người phải vất vả chống lại tính nghiện ngập, nào là nghiện rượu, nghiện ma túy, bài bạc, hiện nay, có một tình trạng nghiện mới xuất hiện: nghiện Internet.

THÂN BÀI

1. Thực trạng về căn bệnh nghiện internet trong giới trẻ

  • Với nhiều người, Internet là một thứ không thể thiếu; một thói quen không kiểm soát nổi.

  • Quên thời gian, sao lãng ăn uống và ngủ; tức giận, căng thẳng, bồn chồn khi không thể lên mạng; cần trang bị máy tính mạnh hơn, nhiều phần mềm mới; biểu hiện trầm cảm, hay cáu giận và tách biệt với xã hội.

  • Nghiện Internet – một hành vi gây căng thẳng cho cuộc sống của chính nạn nhân và cho cả gia đình, bạn bè, đồng nghiệp – là một căn bệnh tâm lí đang lan tràn trên toàn thế giới.

  • Chơi game trực tuyến là một dạng của nghiện Internet và đang lan tràn nhanh chóng trong giới trẻ.

2. Hậu quả của nghiện internet

  • Trong đó có tình trạng vì quá mê mệt Internet mà các con nghiện xao lãng chuyện học hành, thậm chí bỏ học.

  • Họ giảm tiếp xúc với gia đình, bè bạn, sống cô lập trước màn hình máy tính, lặn vào những "chatroom" hay chơi những trò chơi bạo lực.

  • Các thiếu niên mắc bệnh này thường là những em có vấn đề về thái độ hành xử, mặc cảm.

(Lưu ý: Internet chỉ là chất xúc tác chứ không phải là nguyên nhân gây nghiện)

3. Giải pháp

  • Xây dựng một mạng lưới trung tâm tư vấn về nghiện Internet, cùng với các chương trình điều trị.

  • Không được phủ nhận, vai trò của tích cực của Internet trong đời sổng xã hội, nhưng cần có những định hướng đúng đắn.

  • Liên hệ bản thân

III. KẾT BÀI

Cũng giống như nghiện rượu hay ma tuý vậy, nghiện Internet mang lại những hậu quả nhất định về tâm lí thể xác và các mối quan hệ xung quanh. Đừng để thành quả được coi là có ý nghĩa nhất đôi với xã hội loài người lại huỷ hoại chính bạn – công dân của thời đại.

Nghị luận xã hội về hiện tượng nghiện Internet

Nghị luận về hiện tượng nghiện Internet (Mẫu 1)

Ngày nay, khi xã hội con người đang ở trong thời kì 4.0 với sự tối tân của internet thì cuộc sống của chúng ta trở nên tiện ích hơn bao giờ hết. Internet hay Mạng là một hệ thống thông tin toàn cầu được liên kết bởi một loạt các công nghệ mạng điện tử, không dây và mạng quang cho phép hàng ngàn mạng máy tính, thiết bị di động nhỏ hơn của các doanh nghiệp, của các viện nghiên cứu và các trường đại học, của người dùng cá nhân và các chính phủ trên toàn cầu truy cập. Ở đây, con người có thể tra cứu mọi thông tin cũng như kết nối, liên lạc với mọi người. Internet đã mang đến cho con người nhiều lợi ích vô cùng tiện nghi. Chúng ta có thể tra cứu thông tin của mọi lĩnh vực ở bất cứ đâu, bất cứ khoảng thời gian nào, việc học tập, nghiên cứu trở nên thuận tiện, dễ dàng và tiện nghi hơn. Bên cạnh đó, sự ra đời của các trang mạng xã hội như Facebook, zalo, instagram,… giúp chúng ta kết nối với bạn bè, những người thân ở nơi xa xôi trên cả Trái Đất và kết bạn với những người mới, cùng nhau trao đổi, chia sẻ khoảnh khắc đáng quý hoặc ghi lại những kỉ niệm cho riêng mình. Bên cạnh đó, một vai trò vô cùng hữu hiệu nữa không thể không nhắc đến của internet chính là sự giải trí. Từ khi có internet, chúng ta có nhiều phương thức giải trí hơn bao giờ hết. Từ các trò chơi điện tử, đến các video trên các trang mạng ở nhiều lĩnh vực khác nhau, phim ảnh, âm nhạc,… cũng đều được tích hợp ở internet. Chúng ta không thể phủ nhận vai trò quan trọng của internet nhưng không vì thế mà ta lạm dụng hoặc quá phụ thuộc vào nó. Mỗi người cần biết cân bằng giữa việc sử dụng internet với việc tham gia các hoạt động bên ngoài để bản thân trở nên năng động hơn. Mỗi chúng ta hãy trở thành một người dùng internet thông minh để chúng vừa mang lại lợi ích tối đa cho bản thân mình vừa có những trải nghiệm tốt đẹp.

Nghị luận về hiện tượng nghiện Internet (Mẫu 2)

Internet – nơi hội tụ các nguồn thông tin trở thành thế giới thu nhỏ được mọi người đặc biệt quan tâm, nhất là các bạn học sinh, thanh niên. Trên Internet có rất nhiều thể loại giải trí khác nhau làm cho nhiều bạn trẻ lạm dụng dẫn đến tình trạng nghiện ngập và trở thành vấn đề nóng mà mọi người vô cùng bức xúc.

Nghiện Internet là lạm dụng quá mức, sử dụng vô tổ chức ở mọi lúc mọi nơi, không làm chủ bản thân, bỏ cả ăn uống, nghỉ ngơi, học hành mà sa đọa trong thế giới hư ảo.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nghiện Internet nhưng chủ yếu là do bản thân các bạn trẻ chưa nhận thức được mặt trái của Internet, còn ham chơi, tò mò, hiếu động, muốn chứng tỏ bản thân với người xung quanh. Các bậc phụ huynh chưa quản lí chặt chẽ con em mình, còn thiếu sót trong vấn đề giáo dục con cái. Nhà nước và chính quyền địa phương không quản lí các tiệm Net, để mặc các chủ tiệm mở cửa sát bên trường học và mọc lên ngày càng nhiều.

Trong xã hội đang phát triển và hội nhập, chúng ta không thể phủ nhận tiện ích mà Internet mang lại,Internet trở thành từ điển sống của tất cả mọi người. Nhờ Internet, con người có thể tra cứu tài liệu, cập nhật thông tin hàng ngày, hàng giờ mà không mất thời gian, công sức; là công cụ làm việc đối với một số ngành công nghệ thông tin; cung cấp các thể loại giải trí như phim, âm nhạc, trò chơi. Nhưng bên cạnh đó có không ít tác hại do việc quá lạm dụng của các bạn học sinh, thanh niên. Ngoài những thông tin hữu ích, Internet còn chứa rất nhiều những thông tin mang tính chất đồi trụy; các trò chơi giải trí bạo lực khiến nhiều bạn trẻ nghiện bỏ rơi cuộc sống thực tại. Từ đó tệ nạn xã hội cũng xảy ra nhiều hơn như giết người, trộm cắp để thỏa cơn nghiện. Rất nhiều bạn mắc bệnh hoang tưởng từ những trò chơi khiến gia đình vô cùng lo lắng, xã hội vô cùng bức xúc. Có thể nói Internet cũng là nguyên nhân dẫn đến suy thoái đạo đức con người.

Bởi vậy, mỗi chúng ta hãy biết tự trang bị kiến thức về Internet cho bản thân để tránh tình trạng nghiện ngập. Các bậc phụ huynh, nhà nước, chính quyền, đặc biệt là trường học phải quan tâm, quản lí, giáo dục các bạn trẻ tránh xa những tư tưởng không lành mạnh, giúp đỡ người nghiện ngập quay về thế giới thực, không để họ mãi chìm đắm trong cái thế giới hư vô có thể giết người này.

Trong mỗi chúng ta, ai cũng xứng đáng được hưởng những điều tốt đẹp của cuộc sống, ai cũng có quyền thả mình vào Internet nhưng đừng lạm dụng nó, phải biết chắt lọc, biết dừng lại đúng lúc trước khi biến thành con nghiện.

“Hãy để chúng ta làm chủ Internet và đừng bao giờ để Internet điều khiển chúng ta”.

Nghị luận về hiện tượng nghiện Internet (Mẫu 3)

Sinh động, mới mẻ và hấp dẫn... đó là những gì mà công nghệ thông tin, công nghệ kĩ thuật số... đã mang đến cho đời sống con người. Nhưng bên cạnh đó, không ít những thành quả của khoa học kĩ thuật đang bị lạm dụng gây ra những hiện tượng "nghiện" đầy nguy hiểm. Hiện tượng nhiều học sinh, sinh viên hiện nay "nghiện" internet cũng là một trong số những trường hợp đó.

Về bản chất, chúng ta không thể phủ nhận những tác dụng to lớn của internet. Internet là một phương tiện thông tin vô cùng hữu ích. Sử dụng internet, chúng ta có thể nắm bắt nhanh chóng, cập nhật, sinh động nhiều thông tin mới nhất về các lĩnh vực mình yêu thích...

Mặt khác, internet cũng là phương tiên thông tin liên lạc tiện lợi: chỉ bằng một số tiền nhỏ chúng ta có thể trao đổi thông tin trực tiếp với bạn bè, người thân (qua Yahoo), nhìn rõ nhau (qua Webcam),... bất kể là xa nhau nửa vòng Trái Đất...

Tuy nhiên, cũng giống như các thành tựu khoa học kĩ thuật khác, ở nhiều bạn trẻ, internet đang bị lạn dụng và gây ra nhiều tác hại.

Số bạn trẻ biết sử dụng những tính năng của chúng sao cho hiệu quả nhất cũng chỉ chiếm thiểu số. Đến với "quán nét", một cảnh tượng không thể nào khác được là những gương mặt trẻ tuổi đang căng thẳng, hồi hộp với bao trò game online, có thể kể đến vô số trò chơi đang HOT như: Gunny, Zing farm, MU, đế chế.... và các trò chơi trên mạng xã hội khác.

Có những bạn ngồi lì trước máy quên cả ăn uống, ngủ nghỉ, nói chi đến việc học hành. Lại có cả những bậc phụ huynh không thấy con về nhà, đã tốn bao công sức "truy lùng" rồi bất ngờ phát hiện cậu ấm "mai danh ẩn tích" ở một quán "nét" và đang hào hứng với trò chơi điện tử.

Không chỉ vậy, "ôm ấp" chiếc máy tính và mạng internet còn có những "đệ tử" trung thành của Yahoo. Họ lạm dụng chức năng của hệ điều hành này để ngày đêm chát chít với bạn bè, dĩ nhiên, câu chuyện của họ đơn giản chỉ là: "ăn cơm chưa? ăn rồi à? đang làm gì đấy?" rất vui vẻ.

Nhưng điều nguy hiểm nhất qua đây, nhiều bạn trẻ có thể "kết bạn" dễ dàng, yêu nhau dễ dàng và mắc bẫy cũng dễ dàng. Hàng trăm chuyện bị "lừa tình", "lừa tiền" qua Yahoo không còn là chuyện lạ. Đó là những lời cảnh tình nghiêm khắc đối với những ai còn mù quáng với những lời tán gẫu qua một kênh ảo như vậy.

Có những bạn đến với intenet chỉ đơn thuần là để.... tải nhạc và "down" ảnh. Những đối tượng như vậy tưởng chừng như vô hại nhưng kì thực trong hành động của họ lại tiềm ẩn những hiểm họa rất lớn. Chưa kể đến việc mất thời gian, tiền bạc và sức lực. Hãy xem đến những loại nhạc và loại ảnh họ tải về: "Em yêu! Nhớ anh không? Nhớ à? Đang làm gì đấy?"... những tấm ảnh ngoài luồng, những đoạn "clip" đen,... Chẳng phải chúng đang tiềm ẩn những hiểm họa làm suy thoái cả một thế hệ người hay sao? Giới trẻ sẽ yêu như thế nào? Sống như thế nào khi lớn lên trong một môi trường những ngôn từ nhạt nhẽo, thậm chí ngớ ngẩn, những tấm ảnh nhơ nhớp, nhầy nhụa như vậy?

Việc nghiện internet đang lấy đi sức lực, thời gian và trước hết là sự vô tư, trong sáng của tuổi trẻ. Sa vào những hoạt động như vậy, một điều dễ hiểu là những bạn trẻ ấy không có thời gian cho việc học hành, cho những hoạt động ngoại khóa bổ ích, hiển nhiên là không có cả thời gian cho gia đình, người thân. Vậy rồi tương lai những người bạn ấy sẽ ra sao?

Internet là những phát minh hữu ích cho con người nhưng nếu không biết sử dụng đúng cách thì chúng sẽ gây tác hại vô cùng to lớn. "Nghiện" internet là biểu hiện tiêu cực khi sử dụng những thành tựu khao học kĩ thuật này. Tuổi trẻ ta – thế hệ tiên phong trong nhiều lĩnh vực khoa học công nghệ – không thể là những con nghiện, là những nô lệ cho internet hay bất kì phương tiện máy móc nào khác. Các bạn trẻ, chúng ta hãy là những chủ nhân thông minh của những thành quả khoa học kĩ thuật.

Nghị luận về hiện tượng nghiện Internet (Mẫu 4)

“Nghiện internet" hiện được xem như một vấn nạn đang tiềm ẩn nhiều tác hại đối với các quốc gia phát triển trên thế giới. Đối tượng của nó không giới hạn ở riêng lứa tuổi nào mà đã tác động đến hầu hết tất cả mọi người.

Sự ra đời của internet đã đánh dấu một bước tiến lớn của cả nhân loại trong lĩnh vực kết nối thông tin toàn cầu. Với những ích lợi to lớn và những kiến thức mà nó mang lại trong hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, internet đã được coi như một phương tiện không thể thiếu đối với con người. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tốt đẹp mà nó mang lại, thì những vấn đề phức tạp cũng bắt đầu nảy sinh. Trong đó, hiện tượng "lạm dụng internet", hay như cách mà các nhà khoa học thường gọi là tình trạng "nghiện internet" của không ít người đã trở thành một vấn đề nhức nhôi thực sự đối với xã hội thời hiên đai.

Lượng thời gian mà giới trẻ hiện đang dành cho việc online thực sự đă gây nên tâm lí lo sợ đối với các bậc phụ huynh. Gia đình nào cũng đặt nhiều hi vọng rằng việc kết nối internet sẽ giúp cho thế hệ trẻ được tiếp cận với những kiến thức bổ ích trên nhiều lĩnh vực. Kết nối internet cũng có nghĩa là kết nối được với một thế giới rộng lớn, với những cơ hội học tập, nghiên cứu và hiểu biết sâu rộng hơn… Tuy nhiên, các gia đình cũng bắt đầu nhận ra rằng thay vì sử dụng internet cho những mục đích tốt đẹp mà họ đang mong đợi ở con em mình, những đứa trẻ hiếu động lại dễ dàng bị cuốn hút hàng giờ đồng hồ vào những hoạt động khác trên mạng như: chát trực tuyến, gửi mail cho bạn bè, chơi game online (trò chơi trực tuyến), hay làm quen với những người lạ, đôi khi thực hiện các hoạt động harker phá hoại…

Việc giữ cân bằng giữa sức khỏe với các hoạt động vui chơi, giải trí và các hoạt động khác cho giới trẻ vốn đã luôn là những thách thức không nhỏ đối với bậc phụ huynh. Song sự xuất hiện của internet và hội chứng "nghiện internet" đã làm cho vấn đề trở nên khó khăn gấp bội. Một điều hết sức tự nhiên khi những người trẻ tuổi sử dụng internet đó là chúng dễ dàng bị mê hoặc bởi những điều mới lạ, thú vị và bị cuốn hút tới mức không còn kiểm soát được thời gian. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, thực trạng của việc trẻ em say mê internet và game online đã lên đến mức báo động. Nhiều trường hợp do mải mê với mạng internet, những đứa trẻ thậm chí quên ăn, quên ngủ trong suốt nhiều ngày. Kết quả tất yếu của tình trạng này là sức khỏe, năng lực học tập của chúng bị ảnh hưởng và giảm sút nghiêm trọng. Gia đình và nhà trường cũng không nhận ra vấn đề cho đến khi nó bắt đầu trở thành mối đe dọa thực sự, trẻ bắt đầu có những hành vi cư xử kì lạ, sự phát triển tâm sinh lí bị rối loạn và rơi dần vào một chứng bệnh có tên gọi là: hội chứng "nghiện internet".

Và kết cục… Theo các chuyên gia tâm lí tại Trường đại học Harvard – Mĩ, chứng "nghiện internet" của giới trẻ phần nhiều là do sự buông lỏng quản lí từ phía gia đình và nhà trường đối với các hoạt động của chúng. Sự thiếu quan tâm này của người lớn đã dẫn tới sự thay đổi trong nhận thức của lớp trẻ, chúng bắt đầu xa lánh dần với thế giới bên ngoài và chìm dần vào thế giới game của riêng mình. Sự ham mê đối với game online ngày càng tăng lên và dần tới mức khỏng thể kiểm soát được… Đó là hiện tượng thường thấy ở giới trẻ, song không ít trường hợp người lớn cũng mắc phải. Tại Bắc Kinh -Trung Quốc, nhiều gia đình đã thực sự bị ám ảnh về internet khi các phương tiện thông tin đại chúng của nước này cho biết: một người đàn ông 30 tuổi đã bị chết trên đường đến bệnh viện cấp cứu từ một cửa hàng internet. Ban đầu cảnh sát Trung Quốc nghi ngờ rằng người này đã tự tử, tuy nhiên sau khi tiến hành điều tra kĩ, người ta phát hiện ra rằng nguyên nhân dẫn đến cái chết cửa người đàn ông này là do chơi game quá lâu và điều này đã khiến cho anh ta bị kiệt sức. Trước đó, rất nhiều trường hợp người chơi bị kiệt sức, bị ngất xỉu phải cấp cứu… đã diễn ra. Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một số biện pháp nhằm ngăn chặn kịp thời tình trạng lạm dụng internet, và hiện tượng chơi game vô độ của giới trẻ nước này. Không lâu sau đổ, tại một số quốc gia châu Âu và châu Á, hiện tượng "nghiện game online" cũng đã khiến cho không ít người phải nhập viện trong tình trạng nguy cấp. Tại Anh, chứng "nghiện internet" được xem như một chứng bệnh tương tự tình trạng "nghiện cờ bạc". Không riêng giới trẻ, mà kể cả người lớn cũng dễ dàng bị mắc phải chứng "nghiện" nguy hiểm này. Hàng loạt các hoạt động cờ bạc, cá độ diễn ra qua mạng internet đã tạo nên một làn sóng những người "hâm mộ" đủ lứa tuổi. Cờ bạc qua internet đã trở thành một tệ nạn phổ biến và không thể kiểm soát ở nhiều quốc gia phát triển. Theo các nhà khoa học Anh thuộc Trường đại học Queensland, có nhiều dấu hiệu khá tiêu biểu cho hội chứng này: người “nghiện internet" thường thờ ơ với tất cả các công việc khác, kể cả những việc quan trong nhất; thường xảy ra hiện tượng xung đột bên trong tình trạng mất kiểm soát; luôn thèm muốn được sử dụng internet đến phát điên… và thường có thái độ, hành vi cư xử bất bình thường. Theo các nhà tâm lí học, các chuyên gia về lĩnh vực thần kinh, và các nhà xã hội học, "nghiện internet" cũng giống như chứng "nghiện cờ bạc", nó không phải lằ một căn bệnh về thể chất thông thường, mà đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều: đó là một dạng bệnh lí học có liên guan đến thái độ và hành vi xử sự của con người. Những người bị mắc chứng "nghiện internet" hay "nghiện cờ bạc" đều gặp phải những áp lực, sự căng thẳng về thần kinh. Tại Mỹ, ước tính hiện có khoảng 27% dân số mắc phải chứng "nghiện" theo kiểu này. Khoảng 1,1% trong đó là những người nghiện cờ bạc qua mạng. Đây cũng là một trong những vấn đề khá nhức nhối tại Mỹ hiện nay. Chính phủ Mỹ và các tổ chức xã hội nước này đã nhiều lần đưa ra khuyến cáo về việc công dân Mỹ lạm dụng internet và thường xuyên sử dụng internet cho các hoạt động xâm nhập bất hợp pháp hoặc tấn công phá hoại đừ liệu máy tính. Hiện Mỹ cũng là quốc gia có số lượng người sử dụng internet vào mục đích phá hoại nhiều nhất thế giới, đa số họ đều là những người mắc hội chứng "nghiện internet. Các chuyên gia cảnh báo: trong tương lai, có thể hội chứng này sẽ còn tiếp tục phát triển với quy mô rộng lớn và tính chất phức tạp hơn nhiều. Và nếu như xã hội không có các biện pháp ngăn chặn kịp thời, “nghiện internet” có thể sẽ trở thành một "đại dịch" chứ không đơn thuần là một hội chứng như hiện nay.

Nghị luận về hiện tượng nghiện Internet (Mẫu 5)

Trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay, thì internet dường như là một thứ không thể thiếu. Nhưng việc lạm dụng internet quá mức đã trở thành một mặt tiêu cực của internet.

Internet là một phương tiện tuyệt vời. Nó là một thành tựu khoa học công nghệ hữu ích đối với con người. Internet có rất nhiều mặt tích cực. ví dụ như nó là một công cụ để con người cập nhật tin tức, thông tin liên quan đến công việc cũng như cuộc sống của họ. Không chỉ là cập nhật thông tin mà nhờ có internet con người có thể liên lạc với nhau mà không cần lo ngại khoảng cách cũng như điều kiện khí hậu. Mọi người có thể nhìn thấy nhau, nói chuyện, chia sẻ với nhau mà không cần lo lắng những điều kiện khách quan không cho phép. Internet còn rất nhiều điểm mạnh. Tuy nhiên cũng chính vì những điểm mạnh ấy mà đã dẫn đến hiện tượng nghiện internet đặc biệt là trong giới trẻ. Nghiện internet là hiện tượng con người dành qua nhiều thời gian sử dụng internet. Nghiêm trọng hơn, họ còn coi internet là thứ không thể thiếu, là quan trọng nhất hơn cả những nhu cầu sinh hoạt hàng ngày như ăn, ngủ, nghỉ,… Tại sao nghiện internet lại là một hiện tượng xấu? Một ngày mỗi người có 24 giờ để làm việc và sinh hoạt. Nhưng 24 giờ đó, chúng ta đã mất 12 giờ để ăn, ngủ, sinh hoạt. Còn 12 giờ còn lại để làm việc. Tuy nhiên nếu bạn nghiện internet thì thời gian bạn làm việc thực sự rất ít có thể là bằng 0. Điều đáng nói là đa số người nghiện internet là học sinh sinh viên. Thời gian học tập ở trường thường là cả ngày rồi, vì vậy nếu nghiện, họ sẽ không có thời gian để tập trung vào việc học của mình. Ai cũng biết chỉ học ở trường thôi thì không đủ để bạn lĩnh hội kiến thức một cách đầy đủ.

Theo một nghiên cứu cho rằng, việc học trên lớp chỉ có thể giúp học sinh tiếp thu được tối đa 5% kiến thức, còn lại là nhờ vào việc học tập ở nhà. Nếu nghiện internet, tôi dám chắc bạn sẽ không bao giờ có thể học tốt được. Không chỉ ảnh hưởng lớn đến việc học, nghiện internet còn có hại cho sức khỏe của người sử dụng. Dành quá nhiều thời gian cho việc ngồi trước màn hình máy tính không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng. Theo một nghiên cứu cho rằng 45% stress là do ngồi trước màn hình máy tính quá lâu. Không chỉ bị căng thẳng, người dùng còn có một số triệu chứng khác như trầm cảm , tự kỷ… Không chỉ thế một số bệnh lý khác cũng có thể xảy ra. Sức khỏe của người nghiện internet sẽ bị đe dọa nếu tình trạng này diễn ra quá lâu mà không có sự biến chuyển. Ngoài sức khỏe, học tập, công việc, nghiện internet còn ảnh hưởng đến kinh tế của bạn. Số tieefn bạn phải bỏ ra để phục vụ cho nhu cầu sử dụng internet của mình không phải là nhỏ. Kéo dài sẽ khiến kinh tế bị kiệt quệ một cách nhanh chóng. Bản thân internet không hề gây nghiện mà là những ứng dụng của nó. Như những trò chơi giải trí, trang mạng xã hội. Việc bỏ ra hàng giờ để lướt facebook, zalo, instagram… là điều thường thấy trong giới trẻ. Việc đắm chìm trong các trang mạng xã hội dẫn tới cụm từ rất quen thuộc: "sống ảo". Vâng, chắc hẳn ai cũng biết cụm từ này. Căn bệnh này đã được đề cập bởi không ít bài báo cũng như truyền hình. căn bệnh sống ảo đang trở thành thực trạng lớn của giới trẻ hiện nay. Việc lạm dụng internet đã trở thành mối nguy hiểm lớn đối với xã hội. Không chỉ trong bộ phận giới trẻ mà những ngời lớn tuổi hơn cũng xảy ra hiện tượng này. Nhưng giới trẻ là một lực lượng lao động mới sau này, là bộ phận quyết định phần lớn tới sự phát triển của đất nước sau này. Chính vì vậy, nghiện internet thực sự là một vấn đề đáng được quan tâm, và việc giảm thiểu tình trạng này cũng là cấp thiết. Trước hết để nghiện internet được giảm thiểu thì ý thức của giới trẻ về vấn đề này phải được nâng cao. Giới trẻ phải hiểu được thế nào là đủ với internet, và sử dụng như thế nào là hợp lý. Có được như vậy, những tích cực, lợi ích mà internet đem lại mới được khai thác một cách tốt nhất. Bởi internet nếu sử dụng đúng cách, nó sẽ là công cụ hỗ trợ con người phát triển không chỉ trong công việc mà còn là đời sống tinh thần. Để làm được điều đó, việc giáo duc và tuyên truyền về sử dụng internet không bao giờ là thừa thãi. Không chỉ nhà trường mà gia đình cũng cần có những biện pháp phù hợp để giáo dục thế hệ trẻ. Ý thức tự giác sẽ được hình thành nếu ta biết cách gây dựng nó.Chính vì thế mà những yếu tố khách quan tác động luôn là cần thiết. Những quán nét, quán game cần phải được quản ký chặt chẽ theo qui định của pháp luật. Chúng ta cần thắt chặt quản lý và nghiêm túc hơn trong vấn đề này. Bởi lẽ nếu chỉ từ phía chủ quan là ý thức của người dùng thì việc hạn chế, đẩy lùi tình trạng nghiện internet thực sự quá khó khăn. Những thói xấu rất dễ nhiễm vào tâm trí của con người nhưng ngược lại thói quen tốt, tích cực thì cần thời gian, cần quá trình rèn luyện. Cho nên để đạt được kết quả cao nhất, cần phải có sự kết hợp, phối hợp giữa các bên trong vấn đề này.

Internet không phải là xấu. Nó xấu bởi cách con người sử dụng và khai thác nó. Hãy để nó trở nên tích cực trong mắt mọi người. Giới trẻ hãy thức tỉnh, bớt sống ảo. Hãy rèn luyện cho tương lai sắp tới của bạn. Đừng đắm chìm mãi vào thế giới game, trang mạng xã hội, hãy biết lo cho cuộc sống của bản thân mình. Không đoạn đường nào dẫn tới thành công mà ngọt bùi trong nhung lụa. Cũng không có đoạn đường nào quá gập ghềnh không thể vượt qua. Điều quan trọng là ý chí của bạn, niềm tin của bạn. Đừng để niềm tin chết yểu để đổi lấy những tháng ngày đắm chìm trong những thứ không đáng.

Nghị luận về hiện tượng nghiện Internet (Mẫu 6)

Cuộc sống ngày càng phát triển với sự bùng nổ của công nghệ thông tin. Chúng ta đang sống trong sự vận động nhanh chóng của thời đại công nghệ 4.0, thế giới kết nối không dây. Không thể phủ nhận những thành tựu Internet mang lại, tuy nhiên song hành với đó lại rấy lên vấn nạn nghiện Internet của giới trẻ.

Một thực trạng không thể phủ nhận rằng Internet hiện nay đang dần bao phủ cuộc sống con người thế kỷ XXI. Chỉ với một chiếc smartphone hay chiếc laptop trong tay, người ta dễ dàng truy cập Internet. Khắp các ga tàu, trường học, trung tâm thương mại… đều được phủ sóng Wifi giúp mọi người tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng. Từ nông thông đến thành phố, không quá khó để bắt gặp những cửa hàng Internet với vài chục máy tính được nối mạng, những tiệm game cứ mọc lên ngày một dày đặc. Đối tượng khách hàng của những tiệm Net này chủ yếu là học sinh, sinh viên từ cấp THCS, THPT đến các sinh viên cao đẳng, đại học… Thậm chí thời gian phục vụ của các cửa hàng này là 24/24 giờ do nhu cầu cao của khách hàng. Hiện tượng ngồi lì trong quán Net suốt ngày đêm bỗng dưng trở nên phổ biến trong giới trẻ ngày nay, chúng say mê đến mức quên ăn, quên ngủ, thậm chí là quên luôn việc học. Không chỉ là game, giới trẻ ngày nay có rất nhiều trường hợp nghiện mạng xã hội như Facebook, Zalo… Có những người truy cập Facebook như một thói quen không thể bỏ. Những năm trở lại đây, người ta không quá xa lạ với hiện tượng “sống ảo”. Bất kì một hành động, trạng thái nào trong đời sống cũng được giới trẻ chụp ảnh “check-in”, chỉnh sửa và đăng lên Facebook. Những thực trạng đáng buồn trên chứng tỏ giới trẻ ngày nay đang sống quá lệ thuộc và trở thành những “con sâu mạng”.

Vậy đâu là nguyên nhân cho thực trạng nghiện Internet ngày nay của lứa tuổi thanh niên? Trước hết bắt nguồn từ sức hấp dẫn khó cưỡng từ mạng: Internet chứa những thông tin vô cùng phong phú về tri thức, thời sự, kinh tế, xã hội…, cả những nguồn giải trí dồi dào như phim ảnh, âm nhạc, trò chơi điện tử… và khả năng liên lạc nhanh chóng qua chat, email…Những lợi ích mà Internet mang lại quả thật rất lớn, tuy nhiên nó cũng có khả năng đánh vào tâm lý người dùng, khiến họ sống phụ thuộc vào nó nếu không biết kiểm soát. Tuy nhiên cũng phải kể đến nguyên nhân sâu xa hơn nữa, phải chăng một phần do sự kiểm soát lỏng lẻo hay sự nuông chiều của các phụ huynh với con em mình? Rất nhiều thiếu niên đang tuổi đi học nhưng đã sở hữu những chiếc smartphone xa xỉ với đầy đủ tính năng tiện ích…

Chính bởi những nguyên nhân trên mà Internet cũng mang đến nhiều hậu quả tiêu cực. Internet tạo nên một sự lãng phí lớn, nó đang dần lấy đi thời gian, tiền bạc, sức lực của giới trẻ. Rất nhiều thanh thiếu niên vì nghiện mạng xã hội mà bỏ bê xao nhãng học hành, thậm chí còn có hiện tượng lấy cắp tiền của gia đình để tiêu xài vào mạng Internet. Hơn nữa việc sống triền miên trong thế giới ảo còn dẫn đến lệch lạc trong nhân cách, trong khả năng nhận thức, giới trẻ dường như đang mất dần khả năng phản ứng và hòa nhập với thế giới thực. Rất nhiều vụ bắt cóc, thậm chí là giết người đã xảy ra từ những mối quan hệ ảo qua mạng Internet. Điều này không chỉ tổn hại đến bản thân các em mà còn tạo sự bất ổn trong đời sống cộng đồng.

Là người hiện đại giữa thế kỷ XXI, chúng ta không thể làm ngơ trước vấn nạn nghiện mạng Internet đang diễn ra phổ biến, cần có những giải pháp cho hiện tượng đáng báo động này. Trước hết mỗi cá nhân cần nhận thức lại bản thân, định hướng mục tiêu dài hạn hơn và biết kiểm soát hành động của mình. Giải trí là điều cần thiết sau những giờ làm việc, tuy nhiên cần biết hạn định bao nhiêu là đủ, đừng để bản thân mãi chìm đắm trong thế giới hư ảo. Thêm vào đó cần sự phối hợp của gia đình và nhà trường trong việc kiểm soát, điều chỉnh, giáo dục thế hệ trẻ. Bậc làm cha làm mẹ không nên quá nuông chiều con trẻ, lứa tuổi các em cần đặt việc học là trước nhất, trên những thú vui tiêu khiển nhất thời. Hơn nữa, nhà nước cũng cần có sự kiểm soát các cửa hàng kinh doanh dịch vụ Internet, kiểm soát các trang web đen và nội dung xấu trên mạng Internet. Mỗi người hãy chung tay đẩy lùi tệ nạn nghiện mạng xã hội, để cuộc sống chính chúng ta văn minh và phát triển hơn.

Nghị luận về hiện tượng nghiện Internet (Mẫu 7)

Internet là một phát minh vô cùng mới mẻ và hiện đại đã mang đến nhiều lợi ích cho con người. Nhờ Internet, nhiều công việc của con người được đơn giản hóa rất nhiều. Nhưng đáng buồn thay, một bộ phận giới trẻ hiện nay đó là các thanh niên, các bạn học sinh hiện nay lại lạm dụng nó quá mức trở thành một hiện tượng nhức nhối: nghiện Internet.

Vậy Internet là gì? Internet là một loại phương tiện, hệ thống thông tin toàn cầu, và tại đó mọi hoạt động như trao đổi, tìm kiếm thông tin, dựa vào đó để thực hiện những mục đích riêng. Có thể nói, Internet là một công cụ vô cùng tiện lợi ở ngày nay. Thông qua Internet, mọi người có thể kết nối với nhau, liên lạc dù ở khoảng cách xa, nó phục vụ nhiều mục đích của con người như buôn bán, giải trí, học tập... Bởi vì tiện ích như vậy, mà nó trở nên phổ biến và gần như không thể thiếu trong xã hội hiện nay.

Internet mang nhiều lợi ích là vậy, nhưng bên cạnh đó, có nhiều người đã lạm dụng quá mức, đặc biệt là giới trẻ hiện nay đã mắc phải một căn bệnh nghiêm trọng: nghiện Internet. Nó là một căn bệnh vô cùng khó chữa hiện nay. Nhiều thanh niên học sinh dành quá nhiều thời gian sử dụng Internet mà trở thành "nghiện". Thông qua Internet, họ truy cập vào các trang mạng xã hội, chát chít, họ có thể dành nhiều thời gian chỉ để lướt Facebook, Instagram, các trang web về quần áo, mỹ phẩm... Trò chơi trên Internet cũng một phần kiến giới trẻ dễ nghiện, khi giới trẻ đã nghiện thì họ sẽ xao nhãng, thậm chí quên ăn, quên ngủ chỉ để chơi trò chơi. Chắc hẳn ta đã biết rất nhiều vụ việc học sinh bỏ học đi đánh điện tử, rồi nghỉ học nhiều dẫn tới bị buộc thôi học... Thực trạng này, hiện nay diễn ra không ít, và luôn trong tình trạng báo động.

Vậy nguyên nhân từ đâu dẫn đến hiện tượng này? Đây không phải là lỗi của Internet, nó chỉ là một chất xúc tác. Nguyên nhân chính đó là sự chủ quan của người dùng. Các học sinh, thanh niên vì ham mê chơi, không thích học, tình tình lười nhác thì rất dễ bị nghiện Internet. Bên cạnh đó, có nhiều phần tử xấu trong xã hội lôi kéo những bạn học sinh vào chơi game trên Internet khiến họ không thể dứt ra được.

Hậu quả của việc nghiện Internet thật sự rất nghiêm trọng. Nó dẫn đến sự lơ là trong học tập, bỏ học, nó ảnh hưởng đến tương lai của giới trẻ. Không chỉ vậy nó còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cũng như tâm lý người dùng. Tiếp cận quá nhiều với màn hình điện thoại hay máy tính sẽ dẫn đến cận thị. Dành nhiều thời gian cho các mối quan hệ ảo trên mạng xã hội sẽ khiến họ trở nên vô cảm, thờ ơ với những người xung quanh, thậm chí các bạn trẻ sẽ rất dễ bị tự kỷ... Tiếp xúc với nhiều trò chơi bạo lực sẽ ảnh hưởng đến tinh thần của người chơi, sẽ có nhiều cách ứng xử không đúng mực, thậm chí còn gây ảo giác.

Chính vì vậy, ngay bây giờ chúng ta cần phải có những biện pháp phù hợp để giảm thiểu cũng như xóa bỏ hoàn toàn thực trạng này. Trước tiên, cần phải giúp giới trẻ hiểu rõ về Internet, hướng dẫn sử dụng nó một cách sao cho hợp lý và hiệu quả nhất. Nhận thức của từng cá nhân phải đúng đắn, từ đó tuyên truyền với người khác để giảm thiểu tình trạng này. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần thắt chặt các quán game quán Internet, qua đó để kiểm soát việc sử dụng mạng của giới trẻ một cách khách quan, hiệu quả.

Với thực trạng đáng báo động như hiện nay của việc sử dụng Internet, mỗi cá nhân chúng ta từ khi còn là học sinh ngồi trên ghế nhà trường cần phải sắp xếp cho mình thời gian hợp lý, khoa học, sử dụng Internet vào những việc đúng đắn. Nếu làm được như vậy, chúng ta sẽ không bao giờ bị nghiện Internet mà còn khai thác được nhiều lợi ích mà nó mang lại. Hãy kiên trì luyện tập và bạn sẽ thành công!

Nghị luận về hiện tượng nghiện Internet (Mẫu 8)

Nghiện Internet là lạm dụng quá mức, sử dụng vô tổ chức ở mọi lúc mọi nơi, không làm chủ bản thân, bỏ cả ăn uống, nghỉ ngơi, học hành mà sa đọa trong thế giới hư ảo.

Có rất nhiêu nguyên nhân dẫn đến nghiện Internet nhưng chủ yếu là do bản thân các bạn trẻ chưa nhận thức được mặt trái của Internet, còn ham chơi, tò mò, hiếu động, muốn chứng tỏ bản thân với người xung quanh. Các bậc phụ huynh chưa quản lí chặt chẽ con em mình, còn thiếu sót trong vấn đề giáo dục con cái. Nhà nước và chính quyền địa phương không quản lí các tiệm Net, để mặc các chủ tiệm mở cửa sát bên trường học và mọc lên ngày càng nhiều.

Trong xã hội đang phát triển và hội nhập, chúng ta không thể phủ nhận tiện ích mà Internet mang lại,Internet trở thành từ điển sống của tất cả mọi người. Nhờ Internet, con người có thể tra cứu tài liệu, cập nhật thông tin hàng ngày, hàng giờ mà không mất thời gian, công sức; là công cụ làm việc đối với một số ngành công nghệ thông tin; cung cấp các thể loại giải trí như phim, âm nhạc, trò chơi,… Nhưng bên cạnh đó có không ít tác hại do việc quá lạm dụng của các bạn học sinh, thanh niên. Ngoài những thông tin hữu ích, Internet còn chứa rất nhiều những thông tin mang tính chất đồi trụy; các trò chơi giải trí bạo lực khiến nhiều bạn trẻ nghiện bỏ rơi cuộc sống thực tại. Từ đó tệ nạn xã hội cũng xảy ra nhiều hơn như giết người, trộm cắp để thỏa cơn nghiện… Rất nhiều bạn mắc bệnh hoang tưởng từ những trò chơi khiến gia đình vô cùng lo lắng, xã hội vô cùng bức xúc. Có thể nói Internet cũng là nguyên nhân dẫn đến suy thoái đạo đức con người.

Bởi vậy, mỗi chúng ta hãy biết tự trang bị kiến thức về Internet cho bản thân để tránh tình trạng nghiện ngập. Các bậc phụ huynh, nhà nước, chính quyền, đặc biệt là trường học phải quan tâm, quản lí, giáo dục các bạn trẻ tránh xa những tư tưởng không lành mạnh, giúp đỡ người nghiện ngập quay về thế giới thực, không để họ mãi chìm đắm trong cái thế giới hư vô có thể giết người này.

Trong mỗi chúng ta, ai cũng xứng đáng được hưởng những điều tốt đẹp của cuộc sống, ai cũng có quyền thả mình vào Internet nhưng đừng lạm dụng nó, phải biết chắt lọc, biết dừng lại đúng lúc trước khi biến thành con nghiện.

“Hãy để chúng ta làm chủ Internet và đừng bao giờ để Internet điều khiển chúng ta”

Nghị luận về hiện tượng nghiện Internet (Mẫu 9)

Dưới sự tác động của cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật, game và internet ngày càng lan rộng, ảnh hưởng đến mọi người đặc biệt là các em học sinh. Nhiều em vô tình không kiểm soát được ham muốn của bản thân nên đã dẫn đến hiện tượng "nghiện" game và internet.

Có thể thấy ở khắp các phố phường và các nẻo đường thôn ngõ xóm những quán Intenet. Học sinh đến đó không phải để truy cập thông tin phục vụ cho việc học mà để chơi điện tử, sử dụng Internet với mục đích không chính đáng. Nhiều bạn ngồi hàng giờ, hàng ngày trước màn hình vi tính, mê mẩn với những trò chơi trên máy, quên thời gian thậm chí bỏ học để chơi, trong đầu lúc nào cũng chỉ nghĩ đến các trò chơi.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đó. Trước hết, đó là do bố mẹ không quan tâm đến con cái. Bên cạnh đó còn là do buồn, các bạn học sinh muốn tìm đến game, internet để giải tỏa tâm trạng. Đó còn là do bạn bè rủ rê, do không tự chủ được bản thân.

Song dù lý do nào đi nữa, ham mê trò chơi điện tử, internet cũng là một điều tai hại. Trước hết ngồi quá gần màn hình vi tính trong một thời gian dài có thể làm cho mắt bị cận thị, người mệt mỏi, sức khoẻ bị tổn hại. Không chỉ có thế, ham mê trò chơi điện tử, internet còn dẫn đến sao nhãng nhiệm vụ chính của người học sinh là học tập. Như vậy vô tình sự ham chơi nhất thời có thể tự huỷ hoại tương lai của chính bản thân mình. Trò chơi điện tử, internet còn khiến tâm hồn bị đầu độc bởi bạo lực, chém giết, cuốn con người vào một thế giới ảo đầy những mưu mô. Hơn nữa ham chơi điện tử, thích truy cập Internet còn tiêu tốn tiền bạc một cách vô ích có khi còn làm thay đổi nhân cách con người. Để có tiền chơi điện tử nhiều thói hư tật xấu bắt đầu nảy sinh như dối trá, trộm cắp tiền bạc, tài sản của gia đình, bạn bè.

Trò chơi điện tử và internet tai hại như vậy, làm thế nào để ngăn chặn nó? Đây thực sự là một việc khó song không phải là không làm được. Quan trọng nhất là bản thân phải xác định nhiệm vụ chính của mình là học tập, rèn luyện, không lãng phí thời gian, sức lực, tiền bạc vào những việc vô bổ. Chỉ coi trò chơi điện tử, internet như một trò giải trí, tiếp xúc với nó có chừng mực, không để bản thân bị tác động bởi những trò chơi và sự rủ rê của những người bạn xấu. Bên cạnh đó cũng cần có sự quan tâm thường xuyên và sự quản lý chặt chẽ của gia đình nhằm giúp con em mình tránh xa những đam mê tai hại. Nhà trường và xã hội cũng cần có sự phối hợp giáo dục thế hệ trẻ, tạo ra những hoạt động bổ ích, những sân chơi vui tươi lành mạnh để mọi học sinh đều được tham gia.

Ham chơi điện tử và internet – Ham muốn nhất thời mà tác hại không lường hết được. Bởi vậy vì tương lai của chính mình, chúng ta đừng để bản thân vướng vào đam mê chết người đó.

Nghị luận về hiện tượng nghiện Internet (Mẫu 10)

Ngày nay, internet đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của mỗi con người. Không chỉ là phương tiện liên lạc, kết nối đắc lực của con người, internet còn định hình cách con người làm việc và học tập. Thật vậy, tuy nhiên một trong những mặt trái của việc sử dụng internet đó là việc nghiện internet quá mức. Đây chính là một thái độ sử dụng internet sai lầm ở 1 bộ phận không nhỏ người dùng ngày nay. Nghiện internet hay bất cứ loại nghiện nào cũng thế, người nghiện sẽ khó mà thiếu được internet trong cuộc sống hàng ngày và nếu không được sử dụng thì sẽ cảm thấy bứt rứt khó chịu trong tâm lý. Biểu hiện của sự nghiện này là cứ có thời gian rảnh là dùng internet vào những mục đích khác nhau và dường như chẳng hề quan tâm đến thế giới đang chuyển động xung quanh mình nữa. Trên thực tế, internet là phương tiện cung cấp thông tin hữu ích nhưng nếu con người quá chăm chú, tiêu tốn quá nhiều thời gian cho nó thì sẽ chẳng có thời gian mà dành cho bản thân mình và gia đình của mình nữa. Nghiện internet gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và đặc biệt là sức khỏe tinh thần. Tinh thần sẽ bị sa sút, cảm hứng sáng tạo cũng kém đi và còn chưa kể ngồi lướt internet hàng giờ sẽ làm cho cơ thể thiếu vận động, gia tăng các bệnh tật. Ngoài ra, việc nghiện internet ở trẻ em còn có thể làm cho các em thiếu đi sự tiếp xúc với thế giới tự nhiên bên ngoài và thậm chí có thể tiếp xúc với những văn hóa phẩm chưa được phù hợp với lứa tuổi các em. Việc sử dụng internet phải thực sự cân đối và được điều chỉnh cân bằng với các hoạt động khác trong thời gian biểu làm việc hàng ngày của mỗi người. Và internet chỉ thực sự là người trợ thủ đắc lực khi mỗi người ý thức được chừng mực và biết cách sử dụng nó hợp lý.

Xem thêm các bài văn mẫu Ngữ văn 12 hay, chi tiết khác:

Nghị luận về lòng biết ơn thầy cô giáo

Nghị luận xã hội về ô nhiễm môi trường

Nghị luận xã hội về lối sống đẹp

Nghị luận về thái độ sống tích cực

Nghị luận về câu hát Sống trong đời sống cần có một tấm lòng

1 3,620 18/12/2023