Soạn bài Viết: Phân tích một tác phẩm kịch (trang 97) - Ngắn nhất Ngữ văn 9 Cánh diều

Với soạn bài Viết: Phân tích một tác phẩm kịch trang 97 Ngữ văn lớp 9 Cánh diều sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 9.

1 52 01/12/2024


Soạn bài Viết: Phân tích một tác phẩm kịch

1. Định hướng

1.1. Ở lớp 8, các em đã học tác phân tích một tác phẩm hài kịch. Bài 9 này tập trung rèn luyện viết bài phân tích một tác phẩm bi kịch, gắn với phần Đọc hiểu. Đối tượng phân tích một tác phẩm kịch có thể là toàn bộ tác phẩm hoặc một phần của tác phẩm (ở đây là văn bản kịch, không phải phải tác phẩm kịch biểu diễn trên sân khấu). Trong phân tích, cần chỉ ra được tác dụng của yếu tố hình thức nghệ thuật (cốt truyện, xung đột, nhân vật, hành động, lời thoại…) trong việc biểu đạt nội dung (đề tài, chủ đề; ý nghĩa, tình cảm, thái độ của tác giả…)

1.2. Để viết bài nghị luận phân tích một tác phẩm bi kịch, các em cần chú ý:

- Xác định rõ yêu cầu nghị luận về đối tượng cần phân tích.

- Đọc lại tác phẩm bi kịch, đặc biệt là nội dung liên qua đến đối tượng đó.

- Xác định nội dung, hình thức nghệ thuật mà bài viết sẽ tập trung làm sáng rõ.

- Lựa chọn các bằng chứng xác đáng trong văn bản để lí giải, phân tích, đưa ra nhận xét, góp phần khẳng định giá trị của tác phẩm.

- Bài viết cần tránh việc chỉ kể lại đơn thuần nội dung hay nhận xét về giá trị nội dung, nghệ thuật một cách chung chung, thiếu thuyết phục.

- Thực hiện các bước theo quy trình viết bài văn nghị luận.

2. Thực hành

2.1. Thực hành viết theo các bước

Bài tập (trang 98 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Phân tích vai trò và ý nghĩa những lời độc thoại của Ham-lét, từ “Sống, hay không sống?” đến “đừng quên những tội lỗi của ta” trong đoạn trích vở kịch “Ham-lét” của Sếch-xpia.

a) Chuẩn bị

- Đọc lại đoạn trích Sống, hay không sống? huy động những hiểu biết có được về bi kịch; nhất là khái niệm độc thoại, đặc điểm và tác dụng của độc thoại…

- Xác định các yếu tố nội dung và hình thức nghệ thuật đặc sắc của đoạn trích để tập trung làm sáng rõ khi phân tích.

b) Tìm ý và lập dàn ý

- Tìm ý cho bài viết bằng cách đặt và trả lời các câu hỏi:

+ Bối cảnh của đoạn trích ra sao?

=> Trích đoạn "Sống, hay không sống?" trích Hồi III – Cảnh I vở kịch Hăm-lét của Sếch-xpia. Trong đoạn này, Hamlet đang đối diện với những suy nghĩ sâu sắc và phức tạp về ý nghĩa của cuộc sống, sự đau khổ và cái chết. Mặc dù Hamlet giả vờ điên, anh vẫn thể hiện rõ ràng những cảm xúc thật về sự giả dối, bất công trong xã hội và sự sụp đổ của cung điện. Cung điện lúc này là biểu tượng của quyền lực và trật tự, đang trên bờ vực hỗn loạn, tượng trưng cho tình trạng bất ổn và sự hỗn loạn của toàn bộ quốc gia Đan Mạch. Bối cảnh này là lúc Hamlet đang suy tư và phân vân về con đường mình sẽ chọn, đánh dấu một khoảnh khắc quan trọng trong hành trình tâm lý của anh.

+ Thế nào là độc thoại? Vai trò và ý nghĩa của độc thoại là gì?

=> Độc thoại là hình thức nhân vật trò chuyện với chính bản thân mình hoặc với một nhân vật khác trong tưởng tượng. Hình thức này có thể được thể hiện qua lời nói hoặc suy nghĩ của nhân vật, cho phép người đọc hoặc người nghe hiểu rõ hơn về tâm trạng và cảm xúc của nhân vật.

Vai trò và ý nghĩa của độc thoại trong văn học rất đa dạng:

Độc thoại giúp thể hiện những cảm xúc sâu sắc, nỗi đau, bế tắc hay những suy tư phức tạp mà nhân vật đang trải qua. Qua đó, độc giả có thể cảm nhận được trạng thái tâm lý và nội tâm phong phú của nhân vật.

Thông qua những cuộc độc thoại, tác giả có thể khắc họa rõ nét tính cách của nhân vật, những mâu thuẫn nội tâm và cách họ phản ứng với hoàn cảnh. Điều này làm tăng tính chân thực và sâu sắc cho nhân vật.

Độc thoại cũng là phương tiện để tác giả gửi gắm những thông điệp, bài học cuộc sống hay những suy nghĩ sâu sắc về nhân sinh. Những cảm xúc, khao khát hay nỗi nhớ của nhân vật có thể trở thành lời khuyên hoặc bài học cho độc giả.

Độc thoại giúp tạo ra sự kết nối giữa nhân vật và độc giả, khiến độc giả cảm thấy gần gũi hơn với nhân vật và có thể đồng cảm với những gì mà họ trải qua.

+ Nội dung lời độc thoại ấy là gì?

=> “Sống hay không sống – đó là vấn đề. Chịu đựng tất cả những viên đá, những mũi tên của số mệnh phũ phàng hay là cầm vũ khí vùng lên mà chống lại với sóng gió của biển khổ, chống lại để mà diệt chúng đi, đằng nào cao quý hơn? Chết, là ngủ. Không hơn. Và tự nhủ rằng ngủ đi tức là chấm dứt mọi đau khổ của cõi lòng và muôn vàn vết tử thương mà hình hài phải chịu đụng kết liễu cuộc đời như thế, chẳng đáng mong muốn sao? Chết, ngủ. Ngủ, có thể chỉ là mơ […] Bởi vì, ai là người có thể chịu đựng những roi vọt và khinh khi của thời đại, sự áp bức của kẻ bạo ngược, hống hách của kẻ kiêu căng, những nỗi giày vò của tình yêu tuyệt vọng, sự trì chậm của công lí, hỗn xược của cường quyền, sự miệt thị của kẻ bất tài đối với đức tài nhẫn nhục, khi chỉ cần với một mũi dùi là có thể đủ đưa mình đến chỗ yên nghỉ. Có ai đành cam chịu, than vãn rên rỉ, đổ mồ hôi dưới gánh nặng của cuộc đời mệt mỏi, nếu không phải chỉ vì sợ một cái gì mênh mang sau khi chết, cả một thế giới huyền bí mà đã vượt biên cương thì không một du khách nào còn quay trở lại, nỗi sợ làm cho tâm trí rối bời và bắt ta phải cam chịu mọi khổ nhục trên cõi thế này còn hơn là bay tới những nỗi khổ nhục khác mà ta chưa hề biết tới? [...]”

+ Lời độc thoại ấy thể hiện xung đột (mâu thuẫn) nào trong nội tâm Ham-lét? Mâu thuẫn này có được gải quyết trong đoạn trích hay không?

=> Mâu thuẫn xung đột trong nội tâm của Hamlet, thể hiện qua lời độc thoại "Sống, hay không sống?", là sự giằng xé giữa hai khía cạnh đối lập:

Hamlet đang cảm nhận sâu sắc nỗi khổ đau và sự bế tắc trong cuộc sống. Anh đặt câu hỏi về ý nghĩa của sự tồn tại, đau đớn trước những bất công và giả dối mà mình phải đối mặt. Điều này thể hiện sự khao khát được giải thoát khỏi những khổ đau và tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống.

Đồng thời, Hamlet cũng nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc trả thù cho cái chết của cha. Anh phải hành động vì danh dự của gia đình và cho công lý, nhưng áp lực này khiến anh cảm thấy mâu thuẫn với mong muốn được sống an lành và tránh xa những xung đột.

Mâu thuẫn này không được giải quyết trong đoạn trích mà ngược lại, nó càng được khắc sâu hơn. Hamlet vẫn chưa thể quyết định được hướng đi cho cuộc đời mình, và điều này khiến anh rơi vào trạng thái bế tắc, loay hoay trong những suy nghĩ của chính mình. Đoạn độc thoại là một sự phản ánh rõ nét của tâm trạng này, cho thấy rằng việc cân bằng giữa sống vì bản thân và sống vì trách nhiệm là một cuộc chiến nội tâm không hề dễ dàng đối với Hamlet.

+ Nếu không có những lời độc thoại của Ham-lét thì điều đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc thể hiện mâu thuẫn trong nhân vật? Từ đó, em có nhận xét gì về giá trị nội dung, nghệ thuật của những lời độc thoại?

=> Nếu không có những lời độc thoại của Hamlet, việc thể hiện mâu thuẫn trong nhân vật sẽ bị hạn chế và thiếu chiều sâu. Bởi lẽ:

Trước nhất, những lời độc thoại là nơi mà Hamlet bộc lộ những suy nghĩ, cảm xúc và mâu thuẫn nội tâm của mình. Nếu thiếu đi những lời này, người đọc và khán giả sẽ khó lòng nắm bắt được những xung đột phức tạp trong tâm trí Hamlet, từ sự sợ hãi cái chết, sự bế tắc trong việc thực hiện trách nhiệm đến sự hoài nghi về cuộc sống.

Thứ hai, các đoạn độc thoại giúp xây dựng tính cách của Hamlet một cách toàn diện. Nếu không có những đoạn độc thoại này, nhân vật sẽ trở nên một chiều và đơn giản hơn, không phản ánh được sự đấu tranh nội tâm, từ đó làm mất đi tính chất kịch tính của vở kịch.

Thứ ba, những lời độc thoại cung cấp cái nhìn sâu sắc vào tình trạng tinh thần của Hamlet, giúp khán giả đồng cảm với những khổ đau và sự khốn khổ mà nhân vật phải trải qua. Điều này làm cho khán giả có thể cảm nhận được cái bi kịch của Hamlet một cách mạnh mẽ hơn.

Độc thoại không chỉ là những suy nghĩ đơn thuần mà còn chứa đựng các vấn đề triết lý, nhân sinh. Nếu thiếu đi, vở kịch sẽ trở nên nghèo nàn về mặt nội dung và không thể truyền tải được những thông điệp sâu sắc mà Shakespeare muốn gửi gắm.

- Lập dàn ý bằng cách sắp xếp các ý đã tìm được theo bố cục ba phần của bài viết

Yêu cầu

Nội dung

Dẫn chứng

Phân tích

Liên hệ, mở rộng

Mở bài

Giới thiệu về tác phần, đoạn trích và lời độc thoại của Ham-lét

Shakespeare, nhà văn và nhà viết kịch thiên tài của Anh, để lại di sản lớn trong sự phát triển và hình thành của nghệ thuật kịch phương Tây. "Hamlet" là một trong những tác phẩm nổi bật, xoay quanh cuộc sống của thái tử Hamlet ở Đan Mạch

- Cảm nhận chung về đặc sắc của bài.

Trích đoạn "Sống hay không sống?" nằm trong hồi III, khi Hamlet, dù giả điên, vẫn bộc lộ suy nghĩ và quan ngại về sự giả dối trong cuộc sống và sự sụp đổ của cung điện, tượng trưng cho sự hỗn loạn của toàn quốc. Những suy nghĩ đó thể hiện rất rõ qua đoạn độc thoại vủa Ham-lét.

Thân bài

+ Nêu khái niệm độc thoại và vai trò, ý nghĩa của độc thoại.

+ Nêu nội dung lời độc thoại của Ham-lét.

+ Lời độc thoại ấy thể hiện xung đột (mâu thuẫn) nào trong nội tâm Ham-lét? Mâu thuẫn này có được gải quyết trong đoạn trích hay không?

+ Giá trị của những lời độc thoại trong việc thể hiện nội dung và nghệ thuật.

- Độc thoại là hình thức đối đáp với chính bản thân mình hoặc ai đó trong tưởng tượng được hư cấu tạo dựng lên. Hình thức độc thoại cũng được thể hiện cất tiếng ra thành lời khi nhân vật nói chuyện. Độc thoại là một trong những hình thức biểu lộ rõ những điều mà các tác giả của các tác phẩm tự sự mong muốn gửi gắm tới độc giả của mình. Đó có thể là những cảm xúc đau đớn, bế tắc, vô vọng, ngăn cản, mâu thuẫn với chính bản thân mình. Đó có thể là những lời động viên bản thân không được bỏ cuộc, phải cố gắng theo đuổi nhiều hơn nữa. Hoặc đó có thể là nỗi nhớ, những mất mát về một ai đó, một nơi nào đó mà nhân vật luyến tiếc, tiếc nuối mong muốn hàn gắn,… Có rất nhiều điều mà tác giả muốn gửi gắm tới độc giả của mình, là những bài học bổ ích, là những lời khuyên mà cách tốt nhất chính là lựa chọn để cho nhân vật của chính mình tự độc thoại với chính bản thân nhân vật.

- Những câu từ của chàng đã trở nên bất hủ, như: “Sống hay không sống – đó là vấn đề”. Chúng ta nên chịu đựng mọi thách thức của số phận hay nổi dậy chống lại những sóng gió khắc nghiệt? Chết chỉ là sự ngủ, không hơn thế. Và có thể, ngủ cũng chỉ là một giấc mơ.

- Mâu thuẫn xung đột trong nội tâm Ham-lét thể hiện qua lời độc thoại: đó là sự giằng xé của bản thân giữa một bên là sống vì bản thân mình, một bên là sống vì trách nhiệm. Thật khó để cân bằng cả hai.

Kết bài

Đánh giá về tài năng xây dựng nội tâm nhân vật của Sếch-xpia qua việc xây dựng lời độc thoại của nhân vật Ham-lét.

Tài năng điêu luyện của Shakespeare không chỉ là khả năng kể chuyện mà còn là sự tạo ra những tác phẩm nghệ thuật sinh động và đẳng cấp. Ông xây dựng những nhân vật sống động, phong phú với những tính cách đa dạng, tạo nên những tình huống kịch tính và hấp dẫn. Nhìn vào nhân vật Hăm-lét, ta thấy một ví dụ điển hình

c) Viết

- Dựa vào dàn ý đã làm để viết bài văn hoàn chính hoặc một ý lớn của dàn ý.

- Khi viết cần chú ý:

+ Bán sát vào đặc trưng của thể loại phân tích tính chất bi kịch trong đoạn trích.

+ Kết hợp thao tác nghị luận: giải thích, chứng minh, bình luận,…

+ Lựa chọn, sử dụng ngôn ngữ giàu hình ảnh, cảm xúc.

* Bài văn tham khảo

Shakespeare, nhà văn và nhà viết kịch thiên tài của Anh, để lại di sản lớn trong sự phát triển và hình thành của nghệ thuật kịch phương Tây. "Hamlet" là một trong những tác phẩm nổi bật, xoay quanh cuộc sống của thái tử Hamlet ở Đan Mạch. Sau khi biết tin vua cha qua đời khi chàng đang du học ở Đức, Hamlet chấp nhận thực tế đau lòng rằng mẹ chàng tái hôn với Claudius, chú ruột và là người mới lên ngôi vua. Một đêm, linh hồn của vua cha hiện về, tiết lộ rằng Claudius là kẻ giết hại ông. Linh hồn mong đợi Hamlet sẽ trả thù. Từ đó, Hamlet buộc phải giả điên để lừa dối kẻ thù và thực hiện sứ mệnh báo thù cho cha. Trích đoạn "Sống hay không sống?" nằm trong hồi III, khi Hamlet, dù giả điên, vẫn bộc lộ suy nghĩ và quan ngại về sự giả dối trong cuộc sống và sự sụp đổ của cung điện, tượng trưng cho sự hỗn loạn của toàn quốc. Những suy nghĩ đó thể hiện rất rõ qua đoạn độc thoại của Hamlet.

Như chúng ta đã biết, độc thoại là hình thức đối đáp với chính bản thân mình hoặc ai đó trong tưởng tượng được hư cấu tạo dựng lên. Hình thức độc thoại cũng được thể hiện cất tiếng ra thành lời khi nhân vật nói chuyện. Độc thoại là một trong những hình thức biểu lộ rõ những điều mà các tác giả của các tác phẩm tự sự mong muốn gửi gắm tới độc giả của mình. Đó có thể là những cảm xúc đau đớn, bế tắc, vô vọng, ngăn cản, mâu thuẫn với chính bản thân mình. Đó có thể là những lời động viên bản thân không được bỏ cuộc, phải cố gắng theo đuổi nhiều hơn nữa. Hoặc đó có thể là nỗi nhớ, những mất mát về một ai đó, một nơi nào đó mà nhân vật luyến tiếc, tiếc nuối mong muốn hàn gắn. Có rất nhiều điều mà tác giả muốn gửi gắm tới độc giả của mình, là những bài học bổ ích, là những lời khuyên mà cách tốt nhất chính là lựa chọn để cho nhân vật của chính mình tự độc thoại với chính bản thân nhân vật.

Khi các nhân vật phụ rút lui, Hamlet, nhân vật chính, xuất hiện trên sân khấu. Shakespeare đã trao cho Hamlet nhiều lời thoại để tiết lộ quan điểm của chàng về thực tế. Trong mắt người khác, những lời Hamlet nói dường như chỉ là tâm sự của một người bị tổn thương, nhưng với chính Hamlet, đây là cơ hội để thể hiện tâm trạng mình mà không cần phải e ngại sự quan sát của người khác. Những câu từ của chàng đã trở nên bất hủ, như: “Sống hay không sống – đó là vấn đề”. Chúng ta nên chịu đựng mọi thách thức của số phận hay nổi dậy chống lại những sóng gió khắc nghiệt? Chết chỉ là sự ngủ, không hơn thế. Và có thể, ngủ cũng chỉ là một giấc mơ.

Hamlet đắn đo về ý nghĩa của cuộc sống và cảm thấy áp đặt bởi câu hỏi: “Chúng ta nên sống để tồn tại hay chống đối?” Chàng ước ao thay đổi xã hội nhưng lại chọn giả vờ điên để bảo vệ tâm hồn. Điều này biểu thị sự tuyệt vọng và bất lực tột độ. Môi trường xung quanh Hamlet đều là giả dối và sự khao khát quyền lực, và chỉ có chàng nhận ra sự thật và đau đớn đó. Ngay cả khi đối diện với cái chết, Hamlet vẫn không thể trốn thoát khỏi sự áp đặt và bức bách của thời cuộc. Chàng phản ứng bằng cách phàn nàn: “Bởi vì, ai là người có thể chịu đựng những roi vọt và khinh khi của thời đại, sự áp bức của kẻ bạo ngược, hống hách … nếu không phải chỉ vì sợ một cái gì mênh mang sau khi chết, cả một thế giới huyền bí mà đã vượt biên cương thì không một du khách nào còn quay trở lại, nỗi sợ làm cho tâm trí rối bời và bắt ta phải cam chịu mọi khổ nhục trên cõi thế này còn hơn là bay tới những nỗi khổ nhục khác mà ta chưa hề biết tới?”

Hamlet không chỉ nhận biết về thực tại mà còn nhận ra bản thân mình. Những ước mơ và tham vọng cao cả của chàng bị bóp méo bởi sự căm hận.

Đoạn độc thoại đã thể hiện sự đấu tranh nội tâm của Hamlet, một nhân vật với lòng nghĩa hiệp nhưng lại sống trong một thế giới đầy khó khăn và khủng hoảng. Điều này phản ánh mâu thuẫn giữa lý tưởng cao đẹp và thực tế đau lòng của thời đại. Những lời độc thoại của Hamlet không chỉ phản ánh tâm trạng và suy ngẫm tinh thần của nhân vật mà còn tạo nên sự phức tạp và đa chiều của tư tưởng nhân vật. Những lời thoại này cũng giúp khán giả hiểu rõ tình trạng tinh thần của nhân vật, đồng thời tạo nên sự sâu đậm của câu chuyện.

Tài năng điêu luyện của Shakespeare không chỉ là khả năng kể chuyện mà còn là sự tạo ra những tác phẩm nghệ thuật sinh động và đẳng cấp. Ông xây dựng những nhân vật sống động, phong phú với những tính cách đa dạng, tạo nên những tình huống kịch tính và hấp dẫn. Nhìn vào nhân vật Hamlet, ta thấy một ví dụ điển hình. Tâm trạng bi ai, mưu mẹo tinh vi, và đau khổ tinh tế của anh ta được thể hiện qua từng từ ngữ, từng hành động, từng lời độc thoại. Những tác phẩm kịch của Shakespeare không chỉ là một phần của quá khứ mà còn là những tác phẩm vĩ đại, sống động và ảnh hưởng đến ngày nay và trong tương lai.

Trong vở kịch "Hamlet", những lời độc thoại của Hamlet không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện nội tâm phức tạp của nhân vật mà còn phản ánh những mâu thuẫn của thời đại. Qua đó, Shakespeare đã tạo nên một nhân vật sâu sắc, mang tính biểu tượng cho sự đấu tranh giữa cái sống và cái chết, giữa trách nhiệm và khát vọng tự do. Những lời độc thoại ấy vẫn vang vọng trong lòng độc giả và khán giả, tạo nên những suy ngẫm về cuộc sống, cái chết và ý nghĩa của sự tồn tại.

d) Kiểm tra và chỉnh sửa

Tham khảo các yêu cầu đã nêu ở Bài 6, phần Viết, mục d (trang 25) và đối chiếu với dàn ý đề văn đã làm ở bài này.

2.2. Rèn luyện kĩ năng viết: Giải thích trong bài văn nghị luận

a) Cách thức

Giải thích là một thao tác rất quan trọng trong việc viết bài văn nghị luận, vì để trao đổi về một vấn đề nào đó, trước hết, người viết cần giải thích cho người đọc hiểu nội dung vấn đề là gì, sau đó mới nêu lí lẽ và bằng chứng để chứng minh, làm cho người đọc tin vào những điều đã được giải thích. Trong làm văn nghị luận, phần giải thích có những nội dung sau:

- Giải thích nội dung các thuật ngữ, khái niệm, các từ ngữ quan trọng; tức là trả lời cho các câu hỏi: “Nó là gì?”, “Nó như thế nào?” … Ví dụ, với đề văn ở ý 2.1, cần giải thích khái niệm độc thoại (Độc thoại là gì? Độc thoại có đặc điểm như thế nào?...).

- Giải thích nguyên nhân của vấn đề, ức là trả lời câu hỏi: “Vì sao?”. Ví dụ cần giải thích: Vì sao những lời độc thoại của Ham-lets lại có vai trò tạo nên tính bi kịch trong đoạn trích?

b) Bài tập (trang 99 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Chọn một trong hai bài tập sau:

- Viết đoạn văn giải thích khái niệm độc thoại.

- Viết đoạn văn giải thích lí do: Vì sao những lời độc thoại của Ham-lét lại có vai trò tạo nên tính bi kịch trong đoạn trích?

Trả lời:

- Viết đoạn văn giải thích khái niệm độc thoại:

Độc thoại là hình thức đối thoại với chính bản thân hoặc với một nhân vật tưởng tượng trong tâm trí, thường được thể hiện qua lời nói của nhân vật. Đây là một công cụ nghệ thuật quan trọng trong văn học, giúp tác giả diễn đạt những cảm xúc, suy nghĩ và mâu thuẫn nội tâm của nhân vật một cách sâu sắc. Độc thoại có thể bộc lộ nỗi đau, sự bế tắc, hay cảm giác vô vọng của nhân vật, đồng thời cũng là những lời động viên bản thân để không từ bỏ, tiếp tục cố gắng vượt qua khó khăn. Ngoài ra, nó còn phản ánh nỗi nhớ, sự tiếc nuối về những người hay những nơi đã mất đi, thể hiện mong muốn hàn gắn với quá khứ. Qua đó, độc thoại không chỉ tạo ra chiều sâu cho nhân vật mà còn gửi gắm những thông điệp, bài học bổ ích tới độc giả, giúp họ hiểu rõ hơn về nhân vật và tình huống mà họ đang đối diện.

- Viết đoạn văn giải thích lí do: Vì sao những lời độc thoại của Ham-lét lại có vai trò tạo nên tính bi kịch trong đoạn trích?

Những lời độc thoại của Hăm-lét trong đoạn trích “Sống, hay không sống?” đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên tính bi kịch cho nhân vật và tác phẩm. Qua ngôn ngữ độc thoại, Hăm-lét bộc lộ những mâu thuẫn nội tâm sâu sắc: vừa khát vọng sống, vừa cảm thấy sự vô nghĩa của cuộc sống trong một thế giới đầy dối trá và tàn nhẫn. Nhân vật không chỉ phải đối diện với những áp bức từ bên ngoài mà còn phải vật lộn với những cơn sóng dữ trong tâm hồn mình, như khi anh ta nói: “Bởi vì, là người có thể chịu đựng…”. Điều này thể hiện rõ nét sự nhận thức sâu sắc của Hăm-lét về tình trạng xã hội và trách nhiệm của mình trong việc đấu tranh chống lại cái ác. Tuy nhiên, sự kiên quyết và tinh thần phản kháng ấy lại bị giằng xé bởi nỗi sợ hãi và cảm giác bất lực, khiến quyết tâm của anh dần yếu ớt: “ngọn lửa của quyết tâm vừa bùng lên đã mờ nhạt ốm yếu đi”. Tính bi kịch của Hăm-lét được thể hiện qua sự bế tắc giữa lý tưởng cao đẹp và hiện thực tàn nhẫn, khi những lời độc thoại của anh không chỉ là tiếng kêu cứu từ đáy lòng mà còn phản ánh sự cô đơn, tuyệt vọng trong thế giới đầy rẫy những kẻ giả dối. Qua đó, Hăm-lét trở thành hình mẫu bi kịch của những con người tài năng, luôn khao khát công lý và chân lý nhưng phải chịu đựng sự dày vò trong xã hội mục nát.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 9 sách Cánh diều hay, ngắn gọn khác:

Kiến thức ngữ văn trang 77

Sống, hay không sống?

Người thứ bảy

Thực hành tiếng Việt trang 91

Thực hành đọc hiểu: Đình công và nổi dậy

Nói và nghe: Thảo luận về một vấn đề đáng quan tâm trong đời sống

Tự đánh giá: Chị tôi

Hướng dẫn tự học trang 104

1 52 01/12/2024