Soạn bài Thảo luận về một vấn đề đáng quan tâm trong đời sống (trang 108) - Ngắn nhất Ngữ văn 9 Cánh diều

Với soạn bài Nói và nghe: Thảo luận về một vấn đề đáng quan tâm trong đời sống trang 108 Ngữ văn lớp 9 Cánh diều sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 9.

1 4,447 07/12/2024


Soạn bài Thảo luận về một vấn đề đáng quan tâm trong đời sống

1. Định hướng

1.1. Trong đời sống luôn xảy ra những vấn đề cần được quan tâm, xem xét, giải quyết. Thảo luận về một vấn đề đáng quan tâm trong đời sống là trình bày, chia sẻ ý kiến cá nhân về vấn đề được nêu ra; đồng thời, lắng nghe, trao đổi lại ý kiến của của người khác để có thể hiểu biết đầy đủ, toàn diện, sâu sắc về vấn đề.

1.2. Để thảo luận về một vấn đề đáng quan tâm trong đời sống, các em cần chú ý:

- Quan sát, tìm hiểu thực tế đời sống để phát hiện và lựa chọn được vấn đề nêu ra; về các ý kiến của những người khác cùng tham gia thảo luận vấn đề (đồng tình, đồng tình một phần, hoặc không đồng tình với các ý kiến khác về vấn đề thảo luận).

- Khi trình bày, cần đưa ra được các lí lẽ, kèm theo phân tích những bằng chứng tin cậy thể hiện quan điểm của bản thân.

- Khi thảo luận cần nêu được nhận xét, đánh giá về ý kiến của các thành viên khác trong nhóm; nếu không đồng tình vẫn cần thể hiện sự tôn trọng người cùng tham gia thảo luận.

- Có thể kết hợp sử dụng phương tiện hỗ trợ như tranh, ảnh, video… và máy chiếu, màn hình (nếu có) để thăng hiệu quả thuyết phục.

2. Thực hành

Bài tập 1 (trang 106 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Em suy nghĩ như thế nào về việc giữ gìn và phát huy những vẻ đẹp của làng quê Việt Nam trong xã hội hiện đại?

Bài tập 2 (trang 106 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Chia sẻ những suy nghĩ của em về chiến tranh và số phận con người qua truyện “Ông lão bên chiếc cầu” (Hê-minh-uê)

a) Chuẩn bị (ví dụ với đề 1)

- Xác định vấn đề cần thảo luận: việc giữ gìn và phát huy vẻ đẹp của làng quê Việt Nam trong xã hội hiện đại.

- Xác định đối tượng tham gia, bối cảnh thảo luận để chuẩn bị nội dung cho phù hợp.

- Chuẩn bị các phương tiện hỗ trợ như tranh, ảnh, video,… và máy chiếu, màn hình (nếu có).

b) Tìm ý và lập dàn ý

- Tìm ý cho bài nói theo gợi ý sau:

+ Làng quê Việt Nam có những vẻ đẹp nào cần giữ gìn và phát huy?

Làng quê Việt Nam chứa đựng nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc cần giữ gìn và phát huy. Một trong những đặc trưng nổi bật là hệ thống chùa làng, đình làng, nơi diễn ra các nghi lễ tôn giáo và sinh hoạt cộng đồng. Đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của người dân làng quê gắn liền với các lễ hội truyền thống như lễ hội đình làng, lễ cầu mưa, hay lễ cúng tổ tiên. Phong tục, tập quán như việc cúng giỗ, thờ cúng tổ tiên, và tôn trọng người lớn tuổi thể hiện lòng biết ơn và đạo lý truyền thống. Cách ứng xử giữa các thành viên trong làng thường mang đậm tính tương trợ, đùm bọc, thể hiện tinh thần đoàn kết và nhân ái. Ngoài ra, phương thức sản xuất truyền thống như canh tác lúa nước, chăn nuôi nhỏ lẻ cũng là những nét đặc sắc cần được bảo tồn và phát huy trong bối cảnh hiện đại hóa nông thôn.

+ Tại sao cần giữ gìn và phát huy những vẻ đẹp đó trong xã hội hiện đại?

Việc giữ gìn và phát huy những vẻ đẹp của làng quê Việt Nam trong xã hội hiện đại là vô cùng cần thiết bởi nhiều giá trị truyền thống đang dần bị mai một. Trong quá trình đô thị hóa và hội nhập toàn cầu, nhiều phong tục tập quán, tín ngưỡng, và lối sống đặc trưng của làng quê bị lãng quên. Giới trẻ ngày nay ít quan tâm đến những giá trị văn hóa này, dẫn đến sự đứt gãy trong việc truyền tải những di sản tinh thần quý giá từ thế hệ trước. Giữ gìn và phát huy những nét đẹp truyền thống không chỉ bảo tồn bản sắc dân tộc mà còn giúp thế hệ trẻ nhận thức sâu sắc hơn về nguồn cội, xây dựng niềm tự hào dân tộc và phát triển ý thức cộng đồng mạnh mẽ hơn trong xã hội hiện đại.

+ Làm thế nào để giữ gìn và phát huy những vẻ đẹp của làng quê Việt Nam trong xã hội hiện đại?

Để giữ gìn và phát huy những vẻ đẹp của làng quê Việt Nam trong xã hội hiện đại, chúng ta cần thực hiện nhiều biện pháp cụ thể. Trước hết, mỗi cá nhân, đặc biệt là học sinh, cần tìm hiểu sâu sắc về các giá trị văn hóa truyền thống, từ lịch sử cho đến phong tục tập quán, để từ đó có thể chia sẻ và quảng bá với bạn bè quốc tế. Nhà trường đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hội thảo và chương trình giáo dục về văn hóa làng quê nhằm giúp học sinh có kiến thức toàn diện và ý thức rõ hơn về việc bảo tồn di sản dân tộc.

Học sinh cũng cần nhận thức rằng việc giữ gìn vẻ đẹp của làng quê là trách nhiệm chung, và cần tích cực tham gia vào các hoạt động bảo tồn truyền thống, từ việc tham gia lễ hội địa phương đến duy trì các giá trị gia đình. Trau dồi hiểu biết về văn hóa dân tộc không chỉ giúp học sinh thấu hiểu và trân trọng hơn mà còn là cách để truyền tải những giá trị tốt đẹp này tới thế hệ sau.

- Lập dàn ý cho bài nói bằng cách lựa chọn, sắp xếp các ý theo bố cục ba phần:

1. Mở bài:

- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận:

+ Trong xã hội hiện đại, việc giữ gìn và phát huy những vẻ đẹp của làng quê Việt Nam là một nhiệm vụ quan trọng và cần thiết.

+ Điều này không chỉ bảo tồn bản sắc dân tộc mà còn góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người Việt Nam.

2. Thân bài:

a. Thực trạng:

- Làng quê Việt Nam mang trong mình nhiều vẻ đẹp cần được giữ gìn và phát huy:

+ Đặc trưng văn hóa làng quê Việt Nam: chùa làng, đình làng, đời sống tôn giáo, tín ngưỡng, cơ chế hoạt động cộng đồng.

+ Phong tục, tập quán truyền thống, cách ứng xử và các phương thức sinh hoạt sản xuất.

- Tuy nhiên, nhiều nét đẹp của làng quê đang dần bị mai một:

Giới trẻ ít quan tâm đến những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, có nguy cơ mất đi những giá trị văn hóa quý báu.

b. Nguyên nhân:

Thanh niên ngày càng xa rời các giá trị văn hóa truyền thống:

+ Lối sống hiện đại khiến họ thờ ơ với cả giá trị vật chất lẫn tinh thần của làng quê.

+ Sự ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa du nhập từ nước ngoài qua việc thần tượng và sính ngoại quá mức, dẫn đến việc bỏ qua những nét đẹp văn hóa dân tộc.

c. Giải pháp:

- Nhà trường cần:

Tổ chức nhiều hơn các hoạt động ngoại khóa, hội thảo, nhằm tuyên truyền và cung cấp kiến thức về văn hóa làng quê.

- Học sinh cần:

+ Đặt trách nhiệm giữ gìn vẻ đẹp làng quê lên hàng đầu.

+ Tích cực trau dồi hiểu biết về các giá trị văn hóa truyền thống thông qua sách vở, tham gia các hoạt động cộng đồng.

3. Kết bài:

- Khẳng định lại vấn đề cần nghị luận:

Việc giữ gìn và phát huy những vẻ đẹp của làng quê Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng của mỗi người trong xã hội hiện đại.

- Rút ra bài học cho bản thân và các bạn trẻ:

Mỗi cá nhân cần tự giác tìm hiểu và bảo tồn những giá trị văn hóa, góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc trong thời kỳ hội nhập toàn cầu.

c) Nói và nghe

- Tham khảo các yêu cầu đã nêu ở Bài 1, phần Nói và nghe, mục c (trang 28) và đối chiếu với dàn ý đề văn đã làm ở bài này.

* Bài nói tham khảo:

(1) Em suy nghĩ như thế nào về việc giữ gìn và phát huy những vẻ đẹp của làng quê Việt Nam trong xã hội hiện đại?

Xin chào cô giáo và các bạn, em tên là…………, học sinh lớp … , trường THCS…..., hôm nay em xin trình bày vấn đề: giữ gìn và phát huy những vẻ đẹp của làng quê Việt Nam trong xã hội hiện đại.

Không thể phủ nhận làng quê Việt Nam ngày càng hiện đại hơn, giàu có hơn, nhưng xã hội cũng đang chứng kiến những biến động, thay đổi từ hình thái không gian, kiến trúc và những giá trị cốt lõi về mặt tinh thần. Làm gì để giữ hồn cốt, bản sắc cho làng quê, cho người dân quê Việt Nam, khi mà trên thực tế tiến trình phát triển kinh tế-xã hội, đô thị hóa, sự du nhập văn hóa ngoại lai đang diễn ra khá mạnh mẽ tại nông thôn nước ta hiện nay?

Trước hết, chúng ta cùng thống nhất về sự ra đời của xóm làng Việt Nam để làm căn cứ nhận diện cho những biến động trong thời đương đại. Các nhà nghiên cứu đã đúc kết khái quát, sự hình thành văn minh làng xã gắn với việc phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp lúa nước.

Trước đó, khi con người sống du canh du cư thì chưa tạo nên lối sống quần tụ, xóm làng chưa thể ra đời. Xét về quan hệ xã hội thì con người, với nhu cầu sản xuất, sinh hoạt và giao lưu, từ quan hệ huyết thống đã nới dần sang quan hệ láng giềng - địa vực. Đây được coi là nguyên tắc cơ bản hình thành nên làng xã và văn hóa làng xã. Quá trình tụ cư cùng với hệ thống thiết chế làng xã đã hình thành và phát triển trên điều kiện như vậy; tính cộng đồng và tính tự trị cũng từ đó ra đời.

Trong quá trình hình thành và phát triển của thiết chế làng xã, thế giới vật chất của làng trở thành điểm tựa hình thành thế giới tinh thần của cư dân ở đó, và ngược lại. Biểu tượng của tính tự trị mang màu sắc riêng của mỗi ngôi làng Việt rõ ràng nhất là lũy tre ken dày như một thành lũy bất khả xâm phạm. Còn biểu tượng của tính cộng đồng làng là mái đình, sân đình, cây đa, bến đò, giếng làng và những nơi có thể tụ họp trong không gian làng. Ngôi đình cổ kính mà ngày xưa làng nào cũng có không chỉ là trung tâm tôn giáo, tâm linh, trung tâm hành chính mà còn là một địa chỉ văn hóa của làng khi diễn ra hội hè, đình đám, hát xướng, liên hoan...

Điều đó cho thấy thiết chế làng đã góp phần quan trọng tạo nên cảnh đẹp làng quê Việt Nam cổ truyền với không gian trữ tình, dung dị. Hình ảnh của làng đã đi vào tâm thức, có sức cuốn hút và lay động cảm xúc của người ở, kẻ đi. Nỗi nhớ trong lòng mỗi chúng ta khi nghĩ về quê hương là hình ảnh làng xóm thân thương với lũy tre xanh, những hàng cau, hàng dừa vươn thẳng, là cổng làng uy nghi mà gần gũi.

Làng là mái đình trầm mặc bên cây đa cổ thụ, là ngôi chùa cổ rêu phong hướng mặt ra bến sông, là ngõ gạch đơn sơ đếm thời gian ký ức. Làng là bến sông, nơi con trẻ bơi lội vui đùa, nơi những người phụ nữ chọn làm chốn giao lưu, tâm sự. Làng là lúa, là khoai, là luống đậu, đám rau, là rơm rạ ngày mùa, lục lạc trâu về trong buổi hoàng hôn.

Từ cảnh sắc thiên nhiên, kiến trúc và văn hóa con người, thì làng Việt từng là một chỉnh thể ổn định. Bởi vậy, tất cả hệ giá trị vật chất và tinh thần của làng trường tồn qua mọi biến thiên thời gian đều có lý do tồn tại của nó.

Trở lại với thực tại, nông thôn nước ta đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới. Thực hiện chủ trương của Đảng, sự nghiệp xây dựng nông thôn mới là kiến tạo những giá trị mới, làm cho nông thôn Việt Nam văn minh, giàu đẹp hơn nhưng không lai căng, không làm mất những giá trị văn hóa truyền thống.

Nhưng một thực trạng phổ biến là nhiều làng quê chúng ta có vẻ đang xấu đi, trước hết là về cảnh quan, kiến trúc. Phong cảnh và nhiều hạ tầng cổ truyền quý báu mang nét đẹp riêng của mỗi ngôi làng đã bị lãng quên, bị “hô biến” những giá trị đặc sắc, bởi tư tưởng duy ý chí và cách làm nóng vội, không phù hợp.

Hậu quả là ao làng, giếng làng bị lấp. Bến nước đẹp bỏ hoang. Những lối đi bằng đá xanh nhẵn bóng thời gian bị cạy lên để thay bằng những con đường bê-tông không mấy ấn tượng. Những hàng cây cổ thụ bị chặt bỏ để phân lô, bán nền, hình thành khu dân cư mới. Những cổng làng chứng tích trăm năm bị “hạ giải” và thay vào đó là những chiếc cổng phô trương, vô hồn. Những ngõ trúc quanh co, những hàng rào dâm bụt tình tứ bị thay bằng mầu xỉn sẫm của gạch đá kín cổng, cao tường, che khuất tầm mắt và khuất luôn cả tình làng nghĩa xóm…

Không khó để chúng ta nhận diện thực trạng về sự mất trật tự và thiếu bản sắc của kiến trúc nông thôn đương đại như nhận định khái quát của Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính: “Hiện đang thịnh hành ba cách nhìn về sự phát triển của kiến trúc nông thôn. Nông thôn đô thị hóa nhanh, với sự áp đảo của các hình thức kiến trúc đô thị, sự bê-tông hóa - nhựa đường hóa và phố hóa những con đường làng, sự phổ cập các tiện nghi đô thị và đặc biệt là sự gia tăng mật độ xây cất cùng độ cao nhà cửa mang hình thái đô thị. Một cách nhìn khác: kiến trúc nông thôn nhại lại kiến trúc thành phố, với nhà ống-nhà chia lô, dạng cái hộp và “tô điểm” rập khuôn theo hình mẫu cũ kỹ từ thành phố”.

Thời đại phát triển, chúng ta cũng không chỉ sống bằng tâm niệm hoài cổ theo tư duy “ao làng”. Nhưng phải nhận thức rằng, những giá trị tốt đẹp xưa cũ thì không nên để dễ dàng mất đi mà phải bảo tồn hài hòa trong không gian mới mẻ khi tiến trình phát triển không thể dừng lại. Xã hội ngày nay với những biến động không ngừng của nó, cần phải được nhìn nhận và tìm kiếm những giải pháp phù hợp.

Trong hoàn cảnh đó, nhiều quốc gia đã áp dụng thành công mô hình “nông thị” hay cách gọi khác là “nông trấn” (agritown) như một cách dung hòa giữa phát triển hiện đại và bảo lưu những giá trị truyền thống. Trong một “nông thị” như thế, diện tích mặt nước, bãi cỏ, khu vui chơi vẫn được ưu tiên và khu vực tâm linh, nhà ở, sản xuất, thương mại, hành chính, trường học được sắp xếp hợp lý, hài hòa. Không có một mẫu chung, mà mỗi không gian cảnh quan và kiến trúc làng phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, địa hình, nhu cầu sản xuất và sinh hoạt.

Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa làng quê Việt Nam là một trách nhiệm quan trọng, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cộng đồng và mỗi cá nhân. Cần có sự chung tay góp sức của cả cộng đồng để bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh.

(2) Chia sẻ những suy nghĩ của em về chiến tranh và số phận con người qua truyện “Ông lão bên chiếc cầu” (Hê-minh-uê).

Xin chào cô giáo và các bạn, em tên là………….., học sinh lớp 9…, trường THCS …….., hôm nay em xin trình bày vấn đề: chiến tranh và số phận con người qua truyện “Ông lão bên chiếc cầu” (Hê-minh-uê).

Cứ mỗi dịp tháng tư về, khi mà đất nước đang hân hoan trong những ngày mùa xuân lịch sử của ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, tôi lại thấy xúc động khi nghe những giai điệu của bài hát “Lá Cờ”:

“Tôi lớn lên khi đất nước không còn chia Bắc - Nam

Chẳng biết chiến tranh là gì, chỉ được nghe trong những câu chuyện của cha…”

Có lẽ những thế hệ đi trước đã từng chứng kiến hai cuộc chiến tranh lớn của dân tộc sẽ không bao giờ có thể quên được những năm tháng đau thương mà hào hùng đó. Tôi tự hỏi để có nền độc lập như hôm nay, con người đã phải chịu đựng những hậu quả nào của chiến tranh?

Thật khó để có thể hiểu rõ chiến tranh là gì như các nhà chiến tranh học. Nhưng nếu hiểu một cách đơn giản nhất, chiến tranh là một hiện tượng xã hội mang tính lịch sử. Đó là hoạt động đấu tranh giữa các nước, các giai cấp, các lực lượng chính trị có xung đột về lợi ích, địa vị đối lập nhau. Các lợi ích đó có thể trên lĩnh vực kinh tế hay chính trị. Một cuộc chiến tranh diễn ra có thể dẫn đến một cuộc chiến về quân sự như hai cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918) và Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939 - 1945) hoặc phi quân sự như cuộc Chiến tranh lạnh giữa hai nước Mỹ và Liên Xô (1945 - 1991).Một cuộc chiến tranh nổ ra xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân. Nhưng cho dù nguyên nhân cụ thể của cuộc chiến ấy là gì thì nguyên nhân sâu xa nhất vẫn xuất phát từ việc tranh chấp quyền lợi về kinh tế và chính trị.

Vậy chiến tranh đã gây ra những gì? Khi một cuộc chiến tranh xảy ra, dù là chính nghĩa hay phi nghĩa cũng đều để lại những hậu quả hết sức nặng nề cho các bên tham chiến. Có lẽ chẳng cần phải học lịch sử, mỗi người đều có thể chứng kiến được những hậu quả của chiến tranh. Mất mát to lớn nhất không gì bù đắp được phải chăng chính là con người? Hàng ngàn những ngôi mộ liệt sĩ nằm lặng im trong các nghĩa trang tưởng niệm. Các anh các chị đều là những con người tuổi đời còn rất trẻ mới mười tám đôi mươi với nhiều hoài bão thanh xuân vì chiến tranh phải ra đi, nhưng đều mang trong mình lời thề: “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Họ đã yên nghỉ nhưng cho đến tận hôm nay vẫn không ai biết tên biết tuổi biết quê hương của họ ở nơi đâu. Không chỉ là mất mát của người ra đi, đó còn là mất mát của những người ở lại. Không phân biệt quốc gia hay dân tộc, những người mẹ có con tham gia chiến tranh đều chung một tấm lòng: lo lắng khi tiễn con lên đường, mỏi mòn chờ đợi tin tức của con và chạnh lòng, đau đớn khi nghe tin đứa con của mình mãi mãi không trở về. Ở Việt Nam, không hiếm những bà mẹ Việt Nam anh hùng phải chịu cảnh mất đi không chỉ một đứa con. Những người mẹ ấy đã sinh con ra nuôi con lớn nhưng chưa kịp nhận sự đáp đền thì con đã đem đời mình hiến dâng cho tổ quốc. Tự hào đấy nhưng cũng thật đau thương, xót xa. Còn có những người tham gia vào cuộc chiến, họ may mắn trở về nhưng lại mang trong mình những di chứng của cuộc chiến. Họ không thể trở về cuộc sống bình thường, phải sống trong cảm giác bất lực và sự ám ảnh về chết chóc, bom đạn và sự mặc cảm với đồng đội đã hy sinh. Điều đó thực sự còn tàn nhẫn hơn là nỗi đau của người đã ra đi.

Không chỉ là nỗi đau của con người, chiến tranh còn phá hủy cả môi trường tự nhiên. Từ lúc xảy ra cho đến khi kết thúc, chiến tranh đã tàn phá mọi thứ mà nó đi qua. Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng bởi khói lửa của bom đạn, của các chất hóa học do con người chế tạo nhằm phục vụ cuộc chiến. Các công trình kiến trúc được coi là văn minh nhân loại, những cánh rừng bất tận không còn màu xanh mà chỉ thấy khói lửa… Chiến tranh cũng khiến cho nền kinh tế trở nên kiệt quệ. Bóc lột giữa con người với con người ngày càng gia tăng, chênh lệch giàu nghèo càng rõ ràng. Cuộc sống của người dân thường xuyên rơi vào đói nghèo, trình độ văn hóa thấp. Mọi quyền dân chủ bình đẳng tự do đều bị xâm phạm một cách nghiêm trọng. Điển hình như ở Việt Nam, trong suốt những năm bị thực dân Pháp đô hộ, nhân dân ta đã bị chúng bóc lột về mọi mặt. Khó có thể quên được nếu đã từng đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh khi người viết về tội ác của thực dân Pháp:

“Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào. Chúng thi hành những luật pháp dã man.

Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.

Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu...”

Không phải cuộc chiến tranh nào cũng là phi nghĩa, cuộc chiến tranh vệ quốc của nước Nga hay cuộc chiến tranh nhân dân ở Việt Nam đều là những cuộc chiến tranh chính nghĩa khi mà nhân dân đứng lên chống lại sự áp bức bóc lột của phát xít Đức hay thực dân Pháp. Cũng không phải cuộc chiến tranh nào cũng xảy ra những xung đột về vũ trang. Ví dụ như Chiến tranh lạnh diễn ra trong hơn bốn mươi năm giữa hai cường quốc là Mỹ và Liên Xô. Tuy không xảy ra xung đột vũ trang trực tiếp nhưng những cuộc xung đột về chính trị và quân sự khiến cho tình hình thế giới luôn trong trạng thái căng thẳng và nguy cơ về cuộc Đại chiến thế giới thứ ba sẵn sàng bùng nổ đã đe dọa nghiêm trọng đến nền hòa bình nhân loại.

Như vậy, mỗi cuộc chiến tranh qua đi thực sự đã để lại những hậu quả nặng nề cho thế giới nói chung và cho đất nước Việt Nam nói riêng. Đối với mỗi học sinh như chúng tôi, là thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước luôn cần cố gắng học tập tốt, tích cực tham gia các hoạt động xã hội như tuyên truyền về hậu quả của chiến tranh, nói không với chiến tranh. Để có thể xứng đáng với thế hệ cha ông đã chiến đấu vì nền tự do của dân tộc, giống như lời bài hát viết về một thời đầy tự hào:

“Một thời chiến đấu cha tôi anh hùng

Một thời gian khó mẹ tôi đảm đang

Vẫn giữ nụ cười và tiếng hát át tiếng bom

Để rồi nay bước trên con đường đời

Dù bao gian khó, chông gai đời tôi

Thì đứng dưới bóng cờ, là con tim ngân lên tiếng ca:

- Đoàn quân Việt Nam đi…”

d) Kiểm tra, chỉnh sửa

Tham khảo các yêu cầu đã nêu ở Bài 1, phần Nói và nghe, mục d (trang 28,29) và đối chiếu với dàn ý đề văn đã làm ở bài này.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 9 sách Cánh diều hay, ngắn gọn khác:

Kiến thức ngữ văn trang 76

Làng

Ông lão bên chiếc cầu

Thực hành tiếng Việt trang 90

Thực hành đọc hiểu: Chiếc lược ngà

Chiếc lá cuối cùng

Viết: Phân tích một tác phẩm truyện

Tự đánh giá: Những con cá cờ

Hướng dẫn tự học trang 112

1 4,447 07/12/2024