Soạn bài Hướng dẫn tự học trang 76 lớp 9 Tập 2 - Ngắn nhất Ngữ văn 9 Cánh diều
Với soạn bài Hướng dẫn tự học trang 76 Tập 2 Ngữ văn lớp 9 Cánh diều sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 9.
Soạn bài Hướng dẫn tự học trang 76 Tập 2
Câu 1 (trang 76 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Tìm đọc thêm một số văn bản thông tin giới thiệu về một di tích lịch sử trong và ngoài nước.
Trả lời:
- Văn bản: Giới thiệu tóm tắt di tích lịch sử - văn hóa chiến thắng Tầm Vu
Di tích Chiến thắng Tầm Vu, cách thành phố Vị Thanh 42 km trung tâm của tỉnh Hậu Giang, cách thành phố Cần Thơ 17 km về hướng Tây Nam, theo Quốc lộ 61 tuyến đi Cần Thơ - Vị Thanh, thuộc địa phận xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Khu Di tích rộng trên 02ha, gồm các hạng mục như: Tượng đài chiến thắng cao sừng sững trên 20m , mảng phù điêu hoành tráng, nhà trưng bày, khẩu pháo Đại bác 105 ly trong khuôn viên vườn cây xanh rợp bóng mát.
Quân dân Sài Gòn - Gia Định nổ súng chống thực dân Pháp xâm lược vào cuối tháng 9 năm 1945, mở đầu cho cuộc kháng chiến Nam Bộ, một tháng sau đó quân dân Cần Thơ anh dũng kháng chiến chống thực dân Pháp tái chiếm Cần Thơ.
Từ năm 1946 - 1948, trên Quốc lộ 61, đoạn Cái Tắc - Rạch Gòi không đầy 5km đã diễn ra 4 trận đánh lớn làm tiêu hao nhiều sinh lực địch, chiến công đẹp đẽ và oai hùng này đã khắc sâu vào ký ức của mọi người dân Cần Thơ, Hậu Giang cũng như nhân dân cả nước.
Với lòng quả cảm, ngày 20 tháng 10 năm 1946 dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Đăng đã đánh bật đoàn xe quân sự của địch trên lộ Tầm Vu, diệt 2 xe quân sự, giết chết một số tên địch, trong đó có tên đại tá Dessert, tư lệnh quân viễn chinh Pháp tại miền Tây, là một trong 5 tên sĩ quan cao cấp của Pháp trên chiến trường Đông Dương. Ta thu 10 súng, trong đó có 2 trung liên. Đây là trận thắng đầu tiên của đơn vị vũ trang đánh xe cơ giới địch, mở màn cho những trận chiến đấu tiếp theo trên chiến trường Cần Thơ, Hậu Giang.
Chưa đầy 1 năm sau, quân dân cần Thơ tiếp tục đánh thắng trận Tầm Vu II, vào ngày 12-11-1946 do đồng chí Ngô Hồng Giỏi chỉ huy, phục kích đánh đoàn xe quân sự của địch trên lộ Tầm Vu, thiêu hủy 3 xe, diệt 60 tên lính Pháp Lê Dương, thu 60 súng các loại và nhiều quân trang, quân dụng khác.
Sau ngày “Toàn quốc kháng chiến”, thực hiện chỉ thị “Toàn dân kháng chiến” của Ban Thường vụ Trung ương Đảng (19-12-1946) và lời kêu gọi của Bác Hồ kính yêu (20-12-1946). Trận đánh Tầm Vu III diễn ra ngày 03-5-1947, do Khu Bộ trưởng Huỳnh Văn Hộ chỉ huy, cũng trên tuyến lộ Tầm Vu, quân dân ta đã diệt 6 xe quân sự, làm chết và bị thương gần 200 lính Pháp, thu được 8 đại liên, nhiều súng đạn các loại và quân trang, quân dụng. Sau trận chiến, bài hát “Chiến thắng Tầm Vu” ra đời (nhạc: Đắc Nhẫn; lời: Quốc Hương), đã đi vào tâm khảm của mọi người và còn vang mãi đến hôm nay.
Chiến công nối tiếp chiến công, sự phối hợp tuyệt đẹp của ba thứ quân (quân chủ lực, địa phương quân và dân quân du kích) đã tạo nên kỳ tích oai hùng, chiến thắng trận Tầm Vu IV, diễn ra chiều ngày 19-4-1948, dưới sự chỉ huy của Khu Bộ Trưởng Trần Văn Giàu, bằng chiến thuật vận động, chiếm đánh đã tiêu diệt 14 xe quân sự địch, giết chết gần 200 tên lính Pháp, trong đó có một tên quan ba, thu nhiều súng đạn, đặc biệt là thu được khẩu pháo Đại bác 105 ly lần đầu tiên trong cả nước, làm vang dội khắp chiến trường Đông Dương.
Với ý nghĩa sâu sắc và tầm vóc chiến thắng của 4 trận Tầm Vu năm xưa, đã điểm tô vào trang sổ vàng truyền thống cách mạng chống quân xâm lược của dân tộc ta càng thêm sáng chói. Chính ý nghĩa đó, ngày 25-10-1990 đã được Bộ Văn hóa – Thông tin ra Quyết định số 154.VH/QĐ công nhận địa điểm Chiến thắng Tầm Vu là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Ngày nay, mỗi khi du khách đến thăm Hậu Giang đều không thể bỏ qua điểm tham quan Di tích nổi tiếng này./.
- Văn bản: Lịch sử Dinh Độc Lập
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công Ðà Nẵng mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Năm 1867, Pháp chiếm xong lục tỉnh Nam kỳ (Biên Hoà, Gia Định, Ðịnh Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên). Năm 1868, chính quyền Pháp bắt đầu cho thiết kế và xây dựng tại trung tâm thành phố Sài Gòn một Dinh thự làm nơi ở cho Thống đốc Nam kỳ, khi xây xong có tên gọi là Dinh Norodom.
Công trình do viên thống đốc Pháp tại miền Nam Việt Nam là La Grandière đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng ngày 23/2/1868 và hoàn tất vào năm 1871. Từ 1887 – 1945, nhiều đời toàn quyền Pháp đã sử dụng dinh thự này làm nơi ở và làm việc trong suốt thời kỳ xâm lược Ðông Dương.
Ngày 09/3/1945, phát xít Nhật đảo chính Pháp, độc chiếm Ðông Dương, Dinh Norodom là nơi làm việc của chính quyền Nhật ở Việt Nam.
Tháng 9/1945, Nhật thất bại trong chiến tranh thế giới thứ II, Pháp trở lại chiếm Nam Bộ, Dinh Norodom là trụ sở làm việc của bộ máy chiến tranh xâm lược của Pháp ở Việt Nam.
Ngày 07/5/1954, thực dân Pháp thất bại nặng nề trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ buộc phải ký Hiệp định Gienève và rút khỏi Việt Nam. Mỹ tìm cách nhảy vào thực hiện ý đồ xâm chiếm miền Nam, Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành 2 miền, miền Bắc là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, còn miền Nam là Quốc gia Việt Nam.
Ngày 07/9/1954, Dinh Norodom được bàn giao giữa đại diện chính phủ Pháp, Ðại tướng Paul Ely với đại diện chính quyền Sài Gòn Thủ tướng Ngô Ðình Diệm. Ngô Ðình Diệm đã quyết định đổi tên Dinh thành Dinh Ðộc Lập. Ngày 26/10/1955, Thủ tướng Ngô Đình Diệm đã truất phế Quốc trưởng Bảo Đại, thành lập chính quyền Việt Nam Cộng hòa và lên làm Tổng thống. Từ đó Dinh Ðộc Lập trở thành nơi ở của gia đình Ngô Ðình Diệm và là nơi chứng kiến nhiều biến cố chính trị. Ngô Ðình Diệm đã duy trì chế độ độc tài gia đình trị, dồn dân vào ấp chiến lược, thi hành luật 10/59, không những gây phẫn uất trong nhân dân mà còn gây ra sự bất bình trong nội các chính quyền Sài Gòn.
Ngày 27/02/1962, phe đảo chính đã cử hai viên phi công quân đội Sài Gòn là Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc lái 2 máy bay AD6 ném bom làm sập toàn bộ phần chính cánh trái của Dinh. Do không thể khôi phục lại, Ngô Ðình Diệm đã cho san bằng và xây một dinh thự mới ngay trên nền đất cũ theo đồ án thiết kế của Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ – người Việt Nam đầu tiên đạt giải Khôi nguyên La Mã.
Ngô Ðình Diệm quyết định khởi công xây dựng Dinh ngày 01/7/1962. Trong thời gian xây dựng Dinh mới, gia đình Ngô Ðình Diệm tạm thời chuyển sang sống tại Dinh Gia Long (hiện nay là Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh). Công trình đang xây dựng dở dang thì Ngô Ðình Diệm bị phe đảo chính giết chết ngày 02/11/1963. Do vậy, ngày khánh thành Dinh 31/10/1966, người chủ tọa buổi lễ là Nguyễn Văn Thiệu, Chủ tịch Uỷ ban lãnh đạo quốc gia. Ngô Ðình Diệm là người khởi xướng xây dựng Dinh Ðộc Lập nhưng ông ta không được sống ở đây một ngày nào, mà người có thời gian sống ở Dinh thự này lâu nhất là Tổng thống Đệ nhị Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu (từ tháng 10/1967 đến 21/4/1975).
Nhưng điều gì phải đến đã đến.
Bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, 10h45’ ngày 30/4/1975, xe tăng mang số hiệu 843 của quân giải phóng thuộc Ðại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 dẫn đầu đội hình đã húc nghiêng cổng phụ của Dinh Ðộc Lập, tiếp đó xe tăng mang số hiệu 390 đã húc tung cổng chính tiến thẳng vào Dinh. 11h30’ cùng ngày, Trung úy Bùi Quang Thận – Ðại đội trưởng chỉ huy xe tăng 843 đã hạ lá cờ 3 sọc xuống, kéo lá cờ mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lên. Cờ phấp phới tung bay trên nóc Dinh, kết thúc 30 năm chiến tranh gian khổ và anh dũng của dân tộc Việt Nam. Cũng chính vào giờ phút này, Tổng thống cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa là Dương Văn Minh cùng toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện chính quyền cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, quân và dân ta đã thực hiện được ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhân dân 2 miền Nam – Bắc sum họp một nhà. Tinh thần và ý chí của nhân dân Việt Nam là độc lập dân tộc và thống nhất đất nước đã toàn thắng.
Ngày nay, Dinh Ðộc Lập là di tích quốc gia đặc biệt được đông đảo du khách trong nước và nước ngoài đến tham quan và là nơi hội họp, tiếp khách của các cấp lãnh đạo trung ương cũng như của thành phố.
Câu 2 (trang 76 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Sưu tầm tư liệu về một di tích lịch sử tại quê hương em để có thể viết bài giới thiệu với các bạn.
Trả lời:
* Tư liệu về Thành cổ Cổ Loa:
Cổ Loa ngày nay không chỉ là một di sản văn hóa, một bằng chứng về sự sáng tạo, về trình độ kỹ thuật cũng như văn hóa của người Việt cổ mà còn là một điểm đến lý tưởng cho các du khách thập phương.
Thành Cổ Loa không chỉ gắn liền với những truyền thuyết của dân tộc Việt Nam, như vua An Dương Vương định đô, xây thành, chiếc nỏ thần Kim Quy bắn một phát hạ hàng trăm tên giặc hay mối tình bi thương và cảm động của Mỵ Châu - Trọng Thủy…, mà còn là điểm tham quan, du lịch độc đáo của Thủ đô Hà Nội.
Được mệnh danh là tòa thành cổ lớn nhất Việt Nam, di tích lịch sử Cổ Loa rộng khoảng 500ha, được vua Thục An Dương Vương xây từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên để làm kinh đô nước Âu Lạc (tên nước Việt Nam thời đó), nay thuộc huyện Ðông Anh, ngoại thành Hà Nội.
Tương truyền, thành có chín vòng hình xoáy trôn ốc nên người dân thành xưa còn gọi là thành Ốc. Do sự tàn phá của thời gian và chiến tranh nên hiện tại thành chỉ còn ba vòng với những dấu tích xưa, đó là thành nội, thành trung và thành ngoại.
Thành ngoại có chu vi khoảng 8km, được xây dựng theo phương pháp đào đất tới đâu khoét hào tới đó, đắp thành, xây lũy liền kề. Các lũy xưa cao từ 4-5m đặc biệt có chỗ cao từ 8-12m. Thành trung có chu vi khoảng 6,5km, cũng có kết cấu như thành ngoại nhưng diện tích hẹp và kiên cố hơn. Thành nội có diện tích khoảng 2km2, là nơi ở của vua An Dương Vương cùng các cung tần, mỹ nữ và quan lại dưới triều.
Thành Cổ Loa có rất nhiều tên gọi khác nhau như Loa thành (thành Ốc), thành Côn Lôn, thành Tư Long, Cửu thành, Thành Việt Vương, thành Khả Lũ, Cổ Loa thành. Đến thế kỷ thứ X, thời kỳ Ngô Quyền làm vua, Cổ Loa lại trở thành kinh đô lần thứ hai.
Ngày nay, trong khu di tích Cổ Loa còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, như khu đền Thượng thờ An Dương Vương, đền thờ tướng Cao Lỗ, am thờ công chúa Mỵ Châu và chùa Bảo Sơn… Trong các đền chùa còn có nhiều hiện vật khảo cổ được khai quật trong Thành cổ như tượng đồng, mũi tên đồng và các món đồ bằng sứ, đá, được chạm khắc tinh tế.
Cổ Loa ngày nay không chỉ là một di sản văn hóa, một bằng chứng về sự sáng tạo, về trình độ kỹ thuật cũng như văn hóa của người Việt cổ trong công cuộc giữ nước và chống ngoại xâm, mà còn là một điểm đến lý tưởng cho các du khách thập phương muốn khám phá những giá trị văn hóa, những hình ảnh quen thuộc của một làng quê Bắc Bộ thanh bình. Đối với người dân nơi đây, thành Cổ Loa vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần và sinh hoạt văn hóa.
Hằng năm vào ngày 6 tháng giêng âm lịch, người dân Cổ Loa tổ chức một lễ hội trang trọng để tưởng nhớ những người đã có công xây thành, nhất là để ghi ơn An Dương Vương, người khai sinh ra nhà nước phong kiến Âu Lạc.
Câu 3 (trang 76 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Tập thuyết minh và phỏng vấn bằng lời về một di tích lịch sử mà em yêu thích.
Trả lời:
Hôm nay, tôi sẽ giới thiệu tới các bạn một di tích lịch sử nổi tiếng của Việt Nam. Đó là Chùa Một Cột, hay còn gọi là Chùa Diên Hựu, nằm tại quận Ba Đình, Hà Nội. Đây là một trong những biểu tượng văn hóa đặc trưng của Thủ đô và cũng là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất của Việt Nam.
Chùa Một Cột được xây dựng vào năm 1049 dưới triều đại Lý Thái Tông. Với kiến trúc độc đáo, chùa được thiết kế theo hình dáng của một bông hoa sen nở trên mặt nước. Ngôi chùa được dựng trên một cột đá cao khoảng 1,25 mét, làm cho nó trông giống như đang nổi trên mặt hồ. Tổng thể kiến trúc của chùa gồm có một đài thờ, ba gian chính và được bao quanh bởi một hồ nước, tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp và thanh bình.
Chùa Một Cột không chỉ nổi bật với kiến trúc độc đáo mà còn mang trong mình những giá trị tâm linh sâu sắc. Ngôi chùa được xây dựng nhằm tri ân Phật Bà Quan Âm, cầu mong sự bình an và hạnh phúc cho nhân dân. Người dân Hà Nội thường đến đây để cầu an và thể hiện lòng tôn kính đối với các vị thần linh. Chùa Một Cột cũng là nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa, nghệ thuật, bao gồm các bức tượng và đồ thờ quý giá.
Trong lịch sử, Chùa Một Cột đã trải qua nhiều thăng trầm nhưng vẫn giữ được giá trị văn hóa và tâm linh to lớn. Ngôi chùa đã bị hư hại nặng nề trong các cuộc chiến tranh, đặc biệt là trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp. Năm 1954, sau khi hòa bình lập lại, chùa đã được khôi phục và trở thành một trong những điểm đến không thể thiếu khi du khách đến Hà Nội.
Chùa Một Cột là nơi thể hiện tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước và sự tôn kính đối với tổ tiên của người dân Việt Nam. Không chỉ là một công trình kiến trúc độc đáo, chùa còn là nơi gắn kết cộng đồng, nơi tổ chức các lễ hội truyền thống và các hoạt động văn hóa. Mỗi năm, vào dịp lễ hội, đông đảo người dân và du khách từ khắp nơi đến thăm chùa, cầu mong sức khỏe, bình an cho gia đình.
Khi đến thăm Chùa Một Cột, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo mà còn có cơ hội tìm hiểu về lịch sử, văn hóa và tín ngưỡng của người dân Hà Nội. Ngồi bên hồ nước trong xanh, ngắm nhìn những bông sen nở rực rỡ, ta có thể cảm nhận được sự thanh bình, yên ả của chốn linh thiêng này.
Chùa Một Cột là một phần không thể thiếu trong hành trình khám phá vẻ đẹp văn hóa của Thủ đô Hà Nội. Đến với ngôi chùa này, ta không chỉ tìm thấy sự tĩnh lặng trong tâm hồn mà còn được kết nối với những giá trị văn hóa sâu sắc của dân tộc. Tôi hy vọng rằng Chùa Một Cột sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước, mang lại những trải nghiệm ý nghĩa và sâu sắc.
Xem thêm các bài Soạn văn lớp 9 sách Cánh diều hay, ngắn gọn khác:
Cùng nhà văn Tô Hoài ngắm phố phường Hà Nội
Viết: Viết bài văn nghị luận xã hội về một vấn đề cần giải quyết
Xem thêm các chương trình khác: