Soạn bài Nói và nghe: Nghe và nhận biết tính thuyết phục của một ý kiến (trang 27) - Ngắn nhất Ngữ văn 9 Cánh diều

Với soạn bài Nói và nghe: Nghe và nhận biết tính thuyết phục của một ý kiến trang 27 Ngữ văn lớp 9 Cánh diều sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 9.

1 62 01/12/2024


Soạn bài Nói và nghe: Nghe và nhận biết tính thuyết phục của một ý kiến

1. Định hướng

1.1. Nghe và nhận biết tính thuyết phục của một ý kiến là yêu cầu cần thiết trong giao tiếp, nhất là khi nghe trình bày một ý kiến nghị luận. Bởi vì mục đích của văn nghị luận là thuyết phục. Kĩ năng nghe và nhận biết tính thuyết phục của ý kiến người nói thể hiện sự chủ động trong giao tiếp. Người nghe cần nắm được nội dung và cách thức trình bày của người nói, nhận biết được tính thuyết phục cũng như chỉ ra được những hạn chế (nếu có), chẳng hạn, lập luận thiếu logic, bằng chứng chưa đủ hoặc bằng chứng không liên quan đến vấn đề trình bày...

1.2. Muốn nghe và nhận biết tính thuyết phục của một ý kiến, các em cần lưu ý:

– Nghe kĩ nội dung ý kiến mà người nói đã trình bày (Người nói nêu ý kiến về vấn đề gì? Mục đích của người nói là gì?).

- Ghi lại cách trình bày ý kiến của người nói:

+ Mở đầu nêu lên vấn đề gì?

+ Triển khai vấn đề bằng các lí lẽ và bằng chứng ra sao?

+ Lí lẽ và bằng chứng có sức thuyết phục không? (Có làm sáng tỏ cho vấn đề nêu lên ở phần mở đầu hay không?)

+ Nội dung trình bày có logic, chặt chẽ không?

+ Còn thiếu những bằng chứng gì?

Đánh giá chung về tính thuyết phục trong ý kiến của người nói.

2. Thực hành

Bài tập (trang 27 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Nghe và nhận biết tính thuyết phục của ý kiến trình bày về sự giống nhau và khác nhau giữa hai văn bản “Sông núi nước Nam” và văn bản “Nước Đại Việt ta" (trích “Đại cáo bình Ngô” – Nguyễn Trãi).

a) Chuẩn bị:

- Suy nghĩ về sự giống nhau và khác nhau giữa hai văn bản Sông núi nước Nam và văn bản Nước Đại Việt ta.

- Xem lại các hướng dẫn trong mục 1. Định hướng để nắm được cách nghe và nhận biết tính thuyết phục của một ý kiến, những hạn chế của người nói trong khi trình bày ý kiến,...

b) Tìm ý và lập dàn ý

- Người nói: dựa vào bài tập đã làm ở phần rèn luyện kĩ năng viết so với sánh trong phân tích thơ (trang 26) để tìm ý và lập dàn ý cho bài trình bày.

– Người nghe: chú ý các điểm cần tập trung khi nghe để nhận biết tính thuyết phục của ý kiến được trình bày và chỉ ra được những hạn chế (nếu có). Chẳng hạn, bài trình bày của người nói cần đáp ứng hệ thống ý sau đây:

+ Mở đầu: nêu vấn đề, mục đích bài nói là chỉ ra sự giống nhau và khác nhau của hai văn bản.

+ Nội dung chính: nêu những điểm giống nhau và khác nhau của hai văn bản Sông núi nước Nam và Nước Đại Việt ta theo một số tiêu chỉ như bối cảnh ra đời, đề

tải, nội dung chính, tư tưởng và tình cảm của người viết, vai trò và sự tác động của tác phẩm, thể loại, ngôn ngữ và biện pháp nghệ thuật đặc sắc... Mỗi điểm cần có các lí lẽ và bằng chứng cụ thể dẫn ra từ hai văn bản.

+ Kết thúc: khẳng định ý nghĩa và vị trí của hai văn bản đối với lịch sử dân tộc nói chung và văn học nói riêng.

c) Nói và nghe

– Người nói: trình bày ý kiến đã chuẩn bị ở nhà của mình.

– Người nghe: nghe và nhận xét về tinh thuyết phục của ý kiến được trình bay. Bài này tập trung rèn luyện kĩ năng nghe nhiều hơn. Trong khi nghe, các em cần

chú ý:

+ Lắng nghe, xác định và ghi lại các thông tin chính của bài trình bày, những nội dung cần hỏi lại.

+ Tập trung theo dõi, nhận biết và nhận xét tinh thuyết phục của ý kiến đã trình bảy (ưu điểm và hạn chế).

+ Thể hiện thái độ chú ý lắng nghe, sử dụng các yếu tố cử chỉ, nét mặt, ánh mắt

để khích lệ người nói.

+ Hỏi lại những điểm chưa rõ (nếu cần), có thể trao đổi thêm ý kiến cá nhân về nội dung và cách thuyết phục của bài trình bày.

d) Kiểm tra và chỉnh sửa

Người nói

Rút kinh nghiệm về việc lựa chọn vấn đề trình bày, quá trình chuẩn bị, nội dung. cách thức và thái độ trình bày....

– Tự đánh giá:

+ Trong bài trình bày của mình, em hài lòng về những điểm nào (nội dung, hình thức, thái độ)?

+ Bài trình bày đã có sức thuyết phục chưa?

+ Em muốn thay đổi điều gì trong bài trình bày của mình?

Người nghe

– Kiểm tra việc nghe và ghi chép các nội dung thông tin (Đã chính xác chưa, thu hoạch được những gì?...).

– Nêu nhận xét về nội dung, hình thức và tính thuyết phục của bài trình bày.

– Đánh giá:

+ Em thấy bài trình bày của bạn có thuyết phục không? Vì sao?

+ Điều em rút ra được từ bài trình bày của bạn là gì?

* Bài nói tham khảo:

“Nam quốc sơn hà” và “Bình Ngô đại cáo” đều là những tác phẩm vĩ đại trong lịch sử văn học Việt Nam, nhưng chúng ra đời ở hai thời kỳ khác nhau và phản ánh mức độ phát triển khác nhau về ý thức độc lập chủ quyền và khái niệm quốc gia dân tộc. Trong đó, “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi ra đời sau “Nam quốc sơn hà” mấy trăm năm, là sự kế thừa và phát triển hoàn thiện hơn ý thức về độc lập chủ quyền, ý thức về quốc gia dân tộc.

“Nam quốc sơn hà” tương truyền là bài thơ thần của vị tướng Lý Thường Kiệt, được coi là một trong những bài thơ sớm nhất đề cao tinh thần dân tộc. Bài thơ tứ tuyệt này xuất hiện vào thời kỳ khái niệm quốc gia, chủ quyền độc lập vẫn còn đơn giản và chưa được hiểu sâu sắc, toàn diện như sau này. Tuy nhiên, khi câu thơ khẳng định:"Nam quốc sơn hà Nam đế cư,/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư," thì ý thức dân tộc đã tiến một bước dài. Trong thời trung đại, phong kiến Trung Hoa vô cùng lớn mạnh và tự coi mình là tinh hoa của vũ trụ. Chỉ có vua của Trung Hoa mới được xếp vào hàng “đế”, “Thiên tử” có thể thay trời hành đạo, còn các nước khác xung quanh chỉ là “man di, mọi rợ” và vua các nước chư hầu được phong một chữ “vương”. Trong bối cảnh ấy, câu thơ của Lý Thường Kiệt đã khẳng định mạnh mẽ rằng nước Nam cũng có “hoàng đế” xứng danh “Thiên tử”, vì ranh giới Bắc – Nam đã được “định phận tại thiên thư.” Điều này thể hiện niềm tự hào dân tộc và quyết tâm bảo vệ nền độc lập của dân tộc Đại Việt.

Từ “Nam quốc sơn hà” đến “Bình Ngô đại cáo” (đoạn trích “Nước Đại Việt ta”) là một sự phát triển và hoàn thiện khái niệm quốc gia dân tộc. Nguyễn Trãi đã mở rộng và nâng cao ý thức dân tộc, không chỉ dừng lại ở việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ mà còn nhấn mạnh đến nền văn hiến lâu đời:

"Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu."

Ý thức dân tộc của Nguyễn Trãi lúc này không chỉ là tranh luận về hai chữ “đế” và “vương”, hay về ranh giới lãnh thổ, mà là ở truyền thống văn hiến lâu đời. Văn hiến ở đây không chỉ là những giá trị về vật chất mà còn là tinh thần, những thành tựu mà dân tộc Việt Nam đã đạt được qua hàng nghìn năm lịch sử. Nguyễn Trãi còn khẳng định:

"Núi sông bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác."

Điều này cho thấy một nhận thức sâu sắc về sự khác biệt không chỉ về lãnh thổ mà còn về văn hóa, phong tục, tập quán. Ý thức về chủ quyền dân tộc với Nguyễn Trãi không chỉ là có lãnh thổ rạch ròi mà còn phải có truyền thống, phong tục, thói quen thẩm mỹ riêng biệt. Điều đặc biệt quan trọng là lịch sử đã chứng minh điều đó qua các triều đại từ Triệu, Đinh, Lý, Trần đến Hán, Đường, Tống, Nguyên. Nguyễn Trãi cho rằng, để khẳng định chủ quyền quốc gia, cần phải có lịch sử, và những “anh hùng hào kiệt” chính là những người tạo ra lịch sử, là bằng chứng hùng hồn về truyền thống của nước ta.

Có thể nói, đoạn trích “Nước Đại Việt ta” nói riêng và “Bình Ngô đại cáo” nói chung thể hiện sự chuyển biến lớn về tư tưởng, sự hoàn thiện về quan niệm quốc gia dân tộc so với “Nam quốc sơn hà”. Nguyễn Trãi đã kế thừa trọn vẹn tinh thần của “Nam quốc sơn hà” để từ đó tạo ra một bản anh hùng ca bất hủ, được coi là “bản tuyên ngôn độc lập thứ hai” trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 9 sách Cánh diều hay, ngắn gọn khác:

Kiến thức ngữ văn trang 11

Sông núi nước Nam

Khóc Dương Khuê

Thực hành tiếng Việt trang 18

Phò giá về kinh

Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ

Phân tích một tác phẩm thơ

Tự đánh giá: Cảnh vui của nhà nghèo

Hướng dẫn tự học trang 31

1 62 01/12/2024