Soạn bài Cảnh ngày xuân (trang 35) - Ngắn nhất Ngữ văn 9 Cánh diều

Với soạn bài Cảnh ngày xuân trang 35 Ngữ văn lớp 9 Cánh diều sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 9.

1 69 01/12/2024


Soạn bài Cảnh ngày xuân

Nguyễn Du

1. Chuẩn bị

Yêu cầu (trang 35, 36 sgk Ngữ văn 9 Tập 1):

- Xem lại phần Kiến thức ngữ văn để vận dụng vào đọc hiểu văn bản này.

- Khi đọc đoạn trích của một truyện thơ Nôm, các em cần lưu ý:

+ Tìm hiểu để biết được bối cảnh của đoạn trích.

+ Xác định được chủ đề của đoạn trích.

+ Các nhân vật gồm những ai và mối quan hệ giữa họ như thế nào?

+ Nội dung và ý nghĩa của đoạn trích có gì sâu sắc?

+ Tìm hiểu đặc sắc nghệ thuật của đoạn trích, đặc biệt là nghệ thuật tự sự (diễn biến sự việc), miêu tả tâm lí (diễn biến nội tâm), nghệ thuật sử dụng ngôn từ, các biện pháp nghệ thuật khác, …

- Đọc trước đoạn trích Cảnh ngày xuân; tìm hiểu thêm thông tin về đại thi hào – Danh nhân văn hoá Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều.

Trả lời:

* Đoạn trích Cảnh ngày xuân (Trích Truyện Kiều – Nguyễn Du):

- Hoàn cảnh sáng tác

+ Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh) được Nguyễn Du sáng tác vào đầu thế kỉ 19 (khoảng 1805 - 1809).

+ Nguyễn Du sáng tác “Truyện Kiều” dựa trên cốt truyện “Kim Vân Kiều truyện” của Trung Quốc.

+ Tuy nhiên, phần sáng tạo của Nguyễn Du là vô cùng lớn, mang đến sự thành công và sức hấp dẫn cho tác phẩm.

- Thể loại

Truyện thơ Nôm, 3254 câu thơ lục bát.

- Tóm tắt Truyện Kiều

Truyện Kiều kể về cuộc đời của Thúy Kiều - một thiếu nữ tài sắc vẹn toàn nhưng cuộc đời nhiều bất hạnh. Trong một lần du xuân, Kiều vô tình gặp gỡ Kim Trọng và có một mối tình đẹp đẽ bên chàng Kim. Hai người chủ động gặp gỡ và đính ước với nhau.

Gia đình Kiều bị nghi oan, cha bị bắt, Kiều quyết định bán mình để chuộc cha. Trước khi bán mình, Kiều trao duyên cho em gái là Thúy Vân. Thúy Kiều bị bọn buôn người là Mã Giám Sinh và Tú Bà lừa bán vào lầu xanh. Sau đó, nàng được Thúc Sinh cứu vớt khỏi cuộc đời kỹ nữ. Những rồi Kiều lại bị Hoạn Thư - vợ Thúc Sinh ghen tuông, đày đọa. Nàng một lần nữa bị rơi vào chốn thanh lâu. Ở đây, Kiều gặp được Từ Hải - một “anh hùng đầu đội trời, chân đạp đất”. Từ Hải lấy Kiều và giúp nàng báo ân báo oán. Do mắc lừa tổng đốc Hồ Tôn Hiến, Kiều vô tình đẩy Từ Hải vào chỗ chết. Đau đớn, nàng trẫm mình xuống sông thì được sư Giác Duyên cứu.

Lại nói Kim Trọng khi từ Liêu Dương chịu tang chú xong quay về, biết Thúy Kiều gặp phải biến cố thì đau lòng. Chàng kết hôn cùng Thúy Vân nhưng vẫn ngày nhớ đêm mong gặp lại Kiều. Chàng liền quyết tâm đi tìm nàng, gia đình đoàn tụ. Túy Kiều nối lại duyên với Kim Trọng nhưng cả hai đã nguyện ước “duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy”.

- Vị trí đoạn trích

+ Đoạn trích “Cảnh ngày xuân” nằm phía sau đoạn tả tài sắc chị em Thúy Kiều.

+ Đoạn này tả cảnh ngày xuân trong tiết Thanh minh và cuộc du xuân của chị em Thúy Kiều.

* Tác giả Nguyễn Du:

- Nguyễn Du sinh năm 1765 tại Thăng Long, tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên.

- Tổ tiên Nguyễn Du vốn từ làng Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam (nay thuộc Hà Nội), sau đó di cư vào xã Nghi Xuân, huyện Tiên Điền (nay là làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh).

- Cha là Nguyễn Nghiễm (1708 - 1775) và mẹ là Trần Thị Tần (1740 - 1778).

- Vợ của Nguyễn Du là con gái Đoàn Nguyễn Thục, quê ở Quỳnh Côi, trấn Sơn Nam (nay thuộc Thái Bình).

- Nguyễn Du may mắn được tiếp nhận truyền thống văn hóa của nhiều vùng quê khác nhau.

- Thời thơ ấu và niên thiếu, Nguyễn Du sống tại Thăng Long trong một gia đình phong kiến quyền quý.

- Năm 10 tuổi, Nguyễn Du mồ côi cha.

- Năm 13 tuổi, mồ côi mẹ, Nguyễn Du đến sống với người anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khản.

- Trong khoảng thời gian này, ông đã có dịp hiểu biết về cuộc sống phong lưu, xa hoa của giới quý tộc phong kiến - những điều đó đã để lại dấu ấn trong sáng tác của ông sau này.

- Năm 1783, Nguyễn Du thi Hương đỗ tam trường (tú tài) và được tập ấm nhận một chức quan võ nhỏ ở Thái Nguyên.

- Từ năm 1789, Nguyễn Du đã rơi vào cuộc sống khó khăn gian khổ hơn chục năm ở các vùng nông thôn khác nhau đã tạo điều kiện cho Nguyễn Du có một vốn sống thực tế phong phú thô thúc ông suy ngẫm nhiều về xã hội, thân phận con người tạo tiền đề cho việc hình thành tài năng và bản lĩnh văn chương.

- Sau nhiều năm sống chật vật ở các vùng quê khác nhau, năm 1802, Nguyễn Du ra làm quan cho nhà Nguyễn.

- Năm 1802, ông nhậm chức Tri huyện Phù Dung (nay thuộc Khoái Châu, Hưng Yên), sau đổi thành Tri phủ Thường Tín (nay thuộc Hà Nội).

- Từ năm 1805 - 1809, ông được thăng chức Đông Các điện học sĩ.

- Năm 1809, Nguyễn Du được bổ làm Cai bạ dinh Quảng Bình.

- Năm 1813, ông được thăng Cần Chánh điện học sinh và giữ chức Chánh sứ đi Trung Quốc.

- Đến khi sang Trung Quốc, Nguyễn Du được tiếp xúc trực tiếp với nền văn hóa mà từ nhỏ đã quen thuộc.

- Năm 1820, Nguyễn Du được cử làm Chánh sứ đi Trung Quốc, nhưng chưa kịp lên đường đã mất vào ngày 10 tháng 8 năm 1820.

- Năm 1965, Hội đồng Hòa bình thế giới đã công nhận Nguyễn Du là danh nhân văn hóa thế giới.

* Các sáng tác chính

+ Sáng tác bằng chữ Hán: gồm 249 bài thơ chữ Hán do Nguyễn Du viết vào các thời kỳ khác nhau:

Thanh Hiên thi tập (Tập thơ của Thanh Hiên): 78 bài viết chủ yếu trong những năm tháng trước khi ra làm quan nhà Nguyễn.

Nam trung tạp ngâm (Các bài thơ ngâm khi ở phương Nam): 40 bài viết thời gian làm quan ở Huế và Quảng Bình, những địa phương ở phía nam Hà Tĩnh quê hương ông.

Bắc hành tạp lục (Ghi chép trong chuyến đi sang phương Bắc) gồm 131 bài thơ sáng tác trong chuyến đi sứ Trung Quốc.

=> Thơ chữ Hán của Nguyễn Du thể hiện tư tưởng, tình cảm, nhân cách của ông.

+ Sáng tác bằng chữ Nôm: Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều) và Văn chiêu hồn.

* Tác phẩm Truyện Kiều:

- Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh) được Nguyễn Du sáng tác vào đầu thế kỉ 19 (khoảng 1805 - 1809). Nguyễn Du sáng tác “Truyện Kiều” dựa trên cốt truyện “Kim Vân Kiều truyện” của Trung Quốc. Tuy nhiên, phần sáng tạo của Nguyễn Du là vô cùng lớn, mang đến sự thành công và sức hấp dẫn cho tác phẩm.

- Tác phẩm được viết theo thể loại truyện thơ Nôm với 3254 câu thơ lục bát, được bố cục gồm 3 phần:

+ Phần thứ nhất: Gặp gỡ và đính ước

+ Phần thứ hai: Gia biến và lưu lạc

+ Phần thứ ba: Đoàn tụ

- Tóm tắt Truyện Kiều:

Truyện Kiều kể về cuộc đời của Thúy Kiều - một thiếu nữ tài sắc vẹn toàn nhưng cuộc đời nhiều bất hạnh. Trong một lần du xuân, Kiều vô tình gặp gỡ Kim Trọng và có một mối tình đẹp đẽ bên chàng Kim. Hai người chủ động gặp gỡ và đính ước với nhau.

Gia đình Kiều bị nghi oan, cha bị bắt, Kiều quyết định bán mình để chuộc cha. Trước khi bán mình, Kiều trao duyên cho em gái là Thúy Vân. Thúy Kiều bị bọn buôn người là Mã Giám Sinh và Tú Bà lừa bán vào lầu xanh. Sau đó, nàng được Thúc Sinh cứu vớt khỏi cuộc đời kỹ nữ. Những rồi Kiều lại bị Hoạn Thư - vợ Thúc Sinh ghen tuông, đày đọa. Nàng một lần nữa bị rơi vào chốn thanh lâu. Ở đây, Kiều gặp được Từ Hải - một “anh hùng đầu đội trời, chân đạp đất”. Từ Hải lấy Kiều và giúp nàng báo ân báo oán. Do mắc lừa tổng đốc Hồ Tôn Hiến, Kiều vô tình đẩy Từ Hải vào chỗ chết. Đau đớn, nàng trẫm mình xuống sông thì được sư Giác Duyên cứu.

Lại nói Kim Trọng khi từ Liêu Dương chịu tang chú xong quay về, biết Thúy Kiều gặp phải biến cố thì đau lòng. Chàng kết hôn cùng Thúy Vân nhưng vẫn ngày nhớ đêm mong gặp lại Kiều. Chàng liền quyết tâm đi tìm nàng, gia đình đoàn tụ. Tuy Kiều nối lại duyên với Kim Trọng nhưng cả hai đã nguyện ước “duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy”.

2. Đọc hiểu

Nội dung chính: Cảnh ngày xuân là đoạn trích miêu tả lại quang cảnh du xuân trong tiết Thanh minh, nơi Thúy Kiều lần đầu gặp Kim Trọng và nảy sinh tình cảm lứa đôi qua ngôn ngữ và bút pháp nghệ thuật giàu chất tạo hình của Nguyễn Du.

Soạn bài Cảnh ngày xuân (trang 35) - Ngắn nhất Ngữ văn 9 Cánh diều (ảnh 1)

* Trả lời câu hỏi giữa bài:

Câu 1 (trang 35 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Chú ý việc sử dụng từ ngữ để miêu tả mùa xuân.

Trả lời:

Mùa xuân được miêu tả qua các hình ảnh, màu sắc, đường nét:

+ Chim én đưa thoi: biểu tượng của mùa xuân

+ Thiều quang: ánh sáng ngày xuân đẹp đẽ bao trùm không gian.

+ Cỏ non xanh tận chân trời: không gian bao la tràn ngập sự sống của mùa xuân.

+ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa: đảo ngữ nhấn mạnh hình ảnh những bông hoa lê với sắc trắng đặc trưng cho mùa xuân.

=> Bút pháp miêu tả giàu chất tạo hình: cảnh mùa xuân được khắc họa qua cái nhìn của nhân vật đang đứng trước ngưỡng cửa của tình yêu hiện ra mới mẻ, tinh khôi và tràn đầy sức sống.

Câu 2 (trang 36 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Lễ hội mùa xuân được khắc hoạ qua các hình ảnh nào?

Trả lời:

Lễ hội mùa xuân được khắc họa qua hai hoạt động chính: Lễ tảo mộ và hội đạp thanh.

- Lễ tảo mộ: dọn dẹp, sửa sang phần mộ của người thân, thắp hương...

- Hội đạp thanh: chơi xuân ở chốn đồng quê

- Các từ ghép:

+ Gần xa, nô nức (Tính từ) -> tâm trạng náo nức

+ Yến anh, tài tử, giai nhân (Danh từ): gợi sự đông vui náo nhiệt

+ Sắm sửa, dập dìu (Động từ): không khí rộn ràng, nhộn nhịp

=> Dùng các từ ghép liên tiếp, từ Hán Việt, từ láy, phép ẩn dụ: Quang cảnh hội mùa xuân rộn ràng, náo nức, vui tươi cùng những nghi thức trang nghiêm mang tính chất truyền thống của người Việt tưởng nhớ đến người đã khuất.

Câu 3 (trang 36 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Cảnh vật buổi chiều được miêu tả có gì khác với cảnh buổi sáng?

Trả lời:

- Bức tranh mùa xuân trong buổi chiều tà vẫn rất đẹp, rất êm đềm: nắng nhạt, khe nước nhỏ, một dịp cầu...nhưng đã thấm đẫm tâm trạng của con người

- Bóng ngả về tây: Thời gian, không gian thay đổi, gợi khoản thời gian buổi chiều, gợi sự vắng lặng.

- “Chị em thơ thẩn dan tay ra về”: Hội vui kết thúc, con người “thơ thẩn” quay trở về.

- Tà tà, thanh thanh, nao nao, thơ thẩn -> các từ láy không chỉ gợi cảnh sắc mà còn gợi tâm trạng con người, đó là nét buồn thương, nuối tiếc

=> Bút pháp cổ điển, tả cảnh ngụ tình => Tâm trạng người bâng khuâng, lưu luyến về một ngày vui xuân đã hết.

* Trả lời câu hỏi cuối bài:

Câu 1 (trang 37 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Đoạn trích Cảnh ngày xuân kể lại việc gì? Xác định bố cục của đoạn trích?

Trả lời:

- Đoạn trích Cảnh ngày xuân: Đoạn trích đã miêu tả lại quang cảnh du xuân trong tiết Thanh minh, nơi mà Thúy kiều lần đầu gặp Kinh Trọng và nảy sinh tình cảm lứa đôi.

- Bố cục: 3 phần theo trình tự thời gian của cuộc du xuân

+ Phần 1 (4 dòng đầu): Khung cảnh ngày xuân.

+ Phần 2 (8 dòng tiếp theo): Khung cảnh lễ hội trong tiết Thanh minh.

+ Phần 3 (6 dòng cuối): Cảnh hai chị em Kiều du xuân trở về.

Câu 2 (trang 37 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Qua bốn dòng thơ đầu, em hình dung quang cảnh được Nguyễn Du miêu tả như thế nào?

Trả lời:

Bốn câu thơ đầu miêu tả bức tranh mùa xuân trong cảnh ngày xuân

* Hai câu thơ đầu tiên, Nguyễn Du đã gợi ra không gian và thời gian trôi qua của mùa xuân:

- Sử dụng hình ảnh ẩn dụ “con én đưa thoi” quen thuộc vào những ngày xuân, câu thơ vừa thể hiện vẻ đẹp của không gian, vừa gợi lên sự chảy trôi rất nhanh của thời gian:

– Cánh én bay nhanh và nhiều như thoi đưa là hình ảnh ẩn dụ phản chiếu sự nhanh, gấp của thời gian. Cũng giống như cánh chim vụt bay, thời gian có những bước đi nhanh, vội, chả mấy chốc mà mùa xuân tươi đẹp này sẽ qua đi

– Sử dụng từ “thiều quang” có tác dụng tả thực thời tiết ấm áp của mùa xuân khi được những tia nắng lấp lánh chiếu rọi

– Câu thơ gợi lên một không gian ngày xuân tươi đẹp, trong lành và tràn đầy sức sống tựa như đang dang tay đón những tia nắng xuân vàng dịu được mẹ thiên nhiên ban phát xuống vạn vật.

=> Thông qua hệ thống hình ảnh thơ trong 2 câu thơ đầu của đoạn trích không những gợi lên sự chuyển động nhanh, vội của thời gian mà còn thể hiện phần nào tâm trạng, cảm xúc của hai chị em Thúy Kiều, có chút tiếc nuối và lưu luyến. Qua đó, người đọc đã hình dung được một bức tranh thiên nhiên của một ngày xuân tươi đẹp, ấm áp, đồng thời cảm nhận được bao tâm trạng, nỗi niềm của nhân vật trữ tình.

* Hai câu thơ tiếp theo, Nguyễn Du đã tái hiện một bức tranh mùa xuân sinh động, mở rộng ra cả không gian trời và đất với hai gam màu chủ đạo là xanh, trắng:

- Sử dụng hình ảnh “cỏ non” quen thuộc và gần gũi, song hình ảnh đã đem lại nhiều nét đặc sắc cho bức tranh xuân:

– Hình ảnh giúp gợi ra trước mặt người đọc một không gian mênh mông. Trong đó, làm nền cho bức tranh chính là thảm cỏ non tươi xanh mơn mởn, trải dài đến tận chân trời, tạo ra hai mảng màu xanh: một là của trời, một của đất.

– Sử dụng từ “tận”, Nguyễn Du đã biến không gian xuân trong những câu thơ được mở rộng ra bao la, bát ngát

- Sử dụng hình ảnh thơ “cành lê trắng điểm”, tác giả đã thể hiện khả năng tài tình của mình trong việc vận dụng nghệ thuật bút pháp chấm phá: Trên nền màu xanh non của cỏ cây, xanh trong của trời đất là những bông hoa lê trắng, tạo ra sự tinh khôi, nổi bật vẻ đẹp của sức sống mãnh liệt của vạn vật trong mùa xuân. Đồng thời khiến cho không gian như thoáng đạt, nhẹ nhàng và thuần khiết hơn.

– Tác giả sử dụng từ “điểm” thay vì các động từ khác. Điều này giúp gợi sự thanh thoát của những cành lê. Những cành lê tựa như đôi tay của người họa sĩ, chủ động tạo nét chấm phá, điểm thêm nét vào bức tranh cảnh vật nhằm thêm phần sống động, có hồn hơn

– Sử dụng biện pháp đảo ngữ từ “trắng” lên trước động từ “điểm”, tác giả muốn nhấn mạnh và màu sắc của cành hoa lê, làm nổi bật màu trắng tinh khôi của hoa lê, màu của sự kết tinh từ tinh hoa của trời đất.

– Trong bức tranh xuân sinh động ấy, tác giả chỉ sử dụng 2 gam màu nhưng đã tạo ra sự hòa phối rất đỗi hài hòa giữa màu xanh của cỏ và sắc trắng của hoa lê.

=> Bằng bút pháp chấm phá tài tình, qua 4 câu thơ đầu của đoạn trích, ta thấy vẻ đẹp mùa xuân hiện lên không hề mang tính ước lệ mà mang vẻ đẹp rất thực, rất đẹp đẽ. Thành công của Nguyễn Du là đã phác họa được một bức tranh ngày xuân khoáng đạt, tinh khôi, trong trẻo. Từ đó, giúp người đọc có thể cảm nhận một bức họa thiên nhiên hoàn hảo, đầy sức sống đang ở ngay trước mắt. Đồng thời, cảm nhận được cảm giác tươi vui, phấn chấn xen lẫn chút bâng khuâng, tiếc nuối trong lòng nhân vật trữ tình

Câu 3 (trang 37 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Lễ hội trong tiết Thanh minh được miêu tả như thế nào trong tám dòng thơ tiếp theo?

Trả lời:

a. Hai câu thơ đầu: Những hoạt động diễn ra trong tiết thanh minh

Hai câu thơ miêu tả những hoạt động diễn ra trong tiết thanh minh đã thể hiện khả năng sử dụng ngôn từ điêu luyện của Nguyễn Du:

“Thanh minh trong tiết tháng ba,

Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh.”

Sử dụng nghệ thuật tiểu đối, tác giả tách hai từ “lễ hội” ra thành “lễ” và “hội” để giải thích về hai hoạt động diễn ra trong tiết thanh minh:

– “Lễ là tảo mộ” hay “lễ tảo mộ” mà hoạt động mà con cháu đi viếng và sửa sang phần mộ của người thân, gia đình, tổ tiên. Lễ tảo mộ là một nét văn hóa truyền thống, thể hiện sự tri ân của những nam thanh, nữ tú với tổ tiên trong những ngày du xuân.

– “Hội là đạp thanh” hay “hội đạp thanh” ý muốn miêu tả việc đi chơi xuân ở chốn đồng quê thường phải giẫm lên cỏ xanh. Đây là ngày hội vui nhất của mùa xuân đối với những nam thanh nữ tú để tìm kiếm đối nhân, tìm đến những sợi tơ hồng của mai sau.

=> Có thể hiểu trong câu thơ trên, “lễ” và “hội” diễn ra trong tiết thanh minh: một là đi tảo mộ (lễ) và hai đi chơi xuân ở chốn đồng quê (hội). Tuy là hai hoạt động văn hóa khác biệt nhưng chúng lại có một sự giao hòa độc đáo trong thơ của Nguyễn Du.

b. Sáu câu thơ tiếp theo: Không khí của lễ hội ngày xuân

Bốn câu thơ tiếp theo là không khí tưng bừng, tấp nập của lễ hội mùa xuân, được gợi lên qua những từ ngữ giàu sắc thái biểu cảm:

“Gần xa nô nức yến anh,

Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.

Dập dìu tài tử giai nhân,

Ngựa xe như nước áo quần như nêm.”

– Sử dụng hệ thống danh từ: “yến anh”, “chị em”, “tài tử”, “giai nhân”, tác giả đã thể hiện sự đông vui, nô nức, tấp nập trong ngày hội xuân – nơi mà tất cả mọi người đều háo hức tham gia

– Sử dụng các động từ: “sắm sửa”, “dập dìu, tác giả đã gợi tả không khí rộn ràng, náo nhiệt của ngày hội. Từ già trẻ, gái trai đều chọn cho mình những bộ trang phục đẹp nhất để cùng nhau tham gia và lễ hội mùa xuân. Trước mắt người đọc như hiện lên một bức tranh đầy náo nhiệt với âm thanh của người người, dập dìu, sánh vai cùng nhau đi chơi xuân.

– Sử dụng tính từ: “gần xa” và từ láy “nô nức” đã góp phần bộc lộ tâm trạng hồ hởi, phấn khởi của người đi hội xuân.

Sử dụng khéo léo hình ảnh ẩn dụ “nô nức yến anh” đã góp phần làm nổi bật, tô đậm không khí nhộn nhịp của khung cảnh lễ hội xuân:

– Hình ảnh giúp gợi lên cảnh tượng về những đoàn người nối đuôi nhau, vừa đi vừa trò chuyện, đông đúc và dập dìu như từng bầy chim yến, chim oanh ríu rít.

– Phép ẩn dụ còn thể hiện âm thanh của những cuộc trò chuyện, giao lưu tình tứ của những đôi uyên ương trong lễ hội ngày xuân.

– Sử dụng hình ảnh so sánh trong câu thơ “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”, tác giả đã vẽ lên khung cảnh đông đúc, không khí tưng bừng, náo nhiệt của buổi du xuân diễn ra trong tiết thanh minh

Bên cạnh không khí tưng bừng, huyên náo ấy, tác giả đã khéo léo xen vào một khoảng lặng, một nốt trầm trong giọng điệu thơ, khiến người đọc cảm nhận được tâm trạng con người như chùng xuống cùng lời thơ:

“Ngổn ngang gò đống kéo lên,

Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay.”

– Chỉ bằng hai câu thơ, tác giả dường như đã làm sống lại những nét văn hoá xưa của người Việt Nam, đó là tục lệ đốt vàng mã được thể hiện qua hình ảnh “ngổn ngang gò đống” và “tro tiền giấy bay”. Trong đó, trọng tâm của khung cảnh là sự xuất hiện của những nam thanh, nữ tú đang cùng nhau sửa sang, rắc vàng vó, hóa tiền giấy cho những người đã khuất, thực hiện nghi lễ của lễ tảo mộ. Tuy chỉ là nghi thức nhưng những chi tiết như “thoi vàng” và “tiền giấy” đã góp phần tạo ra một bầu không khí ngày xuân thêm phần trang trọng và tôn nghiêm.

– Mặt khác, việc tác giả đề cập tới nghi thức truyền thống đã thể hiện một niềm tự hào, tôn vinh truyền thống văn hóa, đạo lí “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc Việt ta. Đó là một lối sống ân nghĩa thủy chung cần được duy trì ngàn đời sau

=> Qua buổi du xuân của hai chị em Thúy Kiều, tài năng của Nguyễn Du đã được chứng minh. Ông không chỉ là một người có con mắt quan sát tinh tế mà còn có sự am hiểu, tôn trọng sâu sắc đối với những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.

Câu 4 (trang 37 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Hãy so sánh bức tranh thiên nhiên ở bốn dòng thơ đầu và sáu dòng thơ cuối, phân tích để thấy được mối quan hệ giữa cảnh vật và tâm trạng của chị em Thuý Kiều trong đoạn trích.

Trả lời:

Bức tranh thiên nhiên trong 4 dòng thơ đầu và 6 dòng thơ cuối đều miêu tả vẻ đẹp của thiên nhiên mùa xuân. Nhưng chúng khác nhau bởi tâm cảnh của con người.

Bức tranh mùa xuân buổi sáng vô cùng sinh động, náo nức, tinh khôi, giàu sức sống với cỏ non, cành hoa lê trắng…

Bức tranh mùa xuân trong buổi chiều tà vẫn rất đẹp, rất êm đềm: nắng nhạt, khe nước nhỏ, một dịp cầu...nhưng đã thấm đẫm tâm trạng của con người.“Tà tà bóng ngả về tây” gợi khoản thời gian buổi chiều, gợi sự vắng lặng. Hội vui kết thúc, con người “thơ thẩn” quay trở về. Nhiều từ láy được sử dụng: “thanh thanh”, “nao nao”, “nho nhỏ”: không chỉ gợi cảnh sắc mà còn gợi tâm trạng con người, đó là nét buồn thương, nuối tiếc. Đây là cảm giác bâng khuâng xen lẫn tiếc nuối bao trùm lên con người và cảnh vật, cũng là dự cảm về một nỗi buồn thương chưa thể lí giải của người thiếu nữ nhạy cảm và sâu lắng.

Câu 5 (trang 37 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Khái quát những thành công về nghệ thuật miêu tả thiên nhiên của Nguyễn Du trong đoạn trích Cảnh ngày xuân (việc sử dụng ngôn ngữ, xây dựng hình ảnh; những biện pháp nghệ thuật chủ yếu; thể thơ lục bát, …).

Trả lời:

– Sử dụng hệ thống từ láy giàu giá trị biểu cảm, Nguyễn Du không những kể, tả mà còn biểu đạt xuất sắc tâm tư, tình cảm và cảm xúc của nhân vật chính cũng như góc nhìn của ông về thiên nhiên đất trời mùa xuân.

– Sử dụng nhuần nhuyễn bút pháp tả cảnh ngụ tình giúp tác giả lồng ghép được nhiều lớp ý nghĩa trong từng câu thơ.

- Sử dụng ngôn ngữ miêu tả giàu hình ảnh, giàu nhịp điệu, nhiều từ láy miêu tả cảnh vật và tâm trạng con người, diễn tả tinh tế tâm trạng nhân vật.

- Miêu tả theo trình tự thời gian cuộc du xuân của hai chị em.

- Tả cảnh thiên nhiên bằng những từ ngữ, hình ảnh giàu chất tạo hình.

– Sử dụng biện pháp nghệ thuật: so sánh, ẩn dụ,… góp phần tạo ra sự sinh động cho bức tranh cảnh vật và sự đồng cảm của người đọc với nhân vật.

Câu 6 (trang 38 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Trong đoạn trích trên, em thích nhất hình ảnh nào? Vì sao?

Trả lời:

Trong đoạn trích trên, em thích nhất hình ảnh:

Cỏ non xanh rợn chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa

Câu thơ mở ra một bức tranh tuyệt đẹp về mùa xuân với hình ảnh cỏ non xanh mướt tới tận chân trời và hoa lê đang bắt đầu nở khi xuân sang. Bức tranh có sự hài hòa đến tuyệt diệu. Màu trắng tinh khôi của hoa lê hòa cùng với màu xanh non mỡ màng của cỏ. Không gian rộng lớn bạt ngàn ngút ngàn với những bãi cỏ “rợn chân trời” kết hợp với không gian thu nhỏ trên một cành hoa xuân. Tất cả gợi lên một sức sống tràn đầy, một bầu khí quyển trong trẻo, nên thơ, dịu nhẹ của tiết thanh minh. Xuân về khoác áo xanh cho cỏ, mặc áo trắng cho hoa. Cỏ và hoa bừng dậy sau giấc ngủ đông dài lạnh lẽo để rồi cỏ non nối tiếp chân trời xanh, và hoa lê bừng sắc trắng trên cành. Còn gì đẹp hơn thế, còn gì trong trẻo hơn thế! Câu thơ của Nguyễn Du làm ta chợt nhớ tới câu thơ của thi nhân Ức Trai ngay trước:

Cỏ xanh như khói bến xuân tươi

Lại có mưa xuân nước vỗ trời

(Độ đầu xuân thảo lục như yên

Xuân vũ thiêm lai thủy phách thiên)

(Bến đò xuân đầu trại – Nguyễn Trãi)

Cùng đặc tả màu xanh của cỏ nhưng mỗi thi nhân lại có cảm nhận rất khác nhau. Nếu đến với thơ Nguyễn Trãi, cỏ dưới làn mưa xuân giăng nhè nhẹ “xanh như khói” thì trong thơ của Nguyễn Du màu xanh của cỏ vẫn vẹn nguyên có cảm giác như cỏ nối liền chân trời tạo làm không gian được mở rộng tới vô cùng. Đó phải chăng chính là sức hấp dẫn của thơ ca, cùng viết một hình ảnh nhưng ở mỗi một bài thơ, qua những lăng kính nhìn khác nhau sẽ đem đến những cách cảm nhận riêng biệt, không trộn lẫn.

Câu thơ của Nguyễn Du được lấy tứ từ câu thơ cổ Trung Hoa:

Phương thảo liên thiên bích

Lê chi sổ điểm hoa

(Cỏ thơm liền với trời xanh

Trên cành lê có mấy bông hoa)

Câu thơ mở ra một bức tranh mùa xuân tuyệt đẹp có màu sắc, có đường nét đặc biệt lại có cả hương thơm. Đó là hương thơm của cỏ non “phương thảo”. Đó là màu xanh mướt của cỏ nối liền với trời xanh “liên thiên bích”. Đó còn là đường nét của cành lê điểm nhẹ vài bông hoa mới nở “sổ điểm hoa”. Câu thơ của Nguyễn Du rất gần với tứ của câu thơ này. Nhưng chúng có nét giống nhau chứ không hề đồng nhất. Nguyễn Du đã có những sáng tạo của riêng mình để đem lại sức hấp dẫn cho câu thơ của Truyện Kiều. Nếu như câu thơ cổ Trung Hoa chỉ miêu tả một cách đơn thuần: cành lê có một vài bông hoa thì câu thơ trong Truyện Kiều lại nhấn mạnh màu sắc của hoa “trắng điểm”. Ở đây tính từ “trắng” đã được động từ hóa, câu thơ không chỉ nói lên màu sắc của hoa mà còn cho thấy được cả một sức sống mãnh liệt đang bừng dậy. Câu thơ không hề tĩnh tại mà có tính chất động. Chúng ta không chỉ cảm nhận được một màu trắng tinh khôi của hoa lê mà còn dường như thấy được cả những mạch sống đang cựa mình trỗi dậy theo bước chuyển mình của mùa xuân. Hai câu thơ cổ Trung Quốc chỉ gợi mà không tả, còn hai câu thơ của Nguyễn Du tả rõ màu sắc khiến câu thơ sinh động, có hồn. Từ câu thơ ngũ ngôn mang phong vị Đường thi, dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Du thành câu thơ lục bát uyển chuyển mang đậm hồn thơ dân tộc. Chỉ đôi câu thơ nhưng cũng đủ cho ta thấy sự sáng tạo, sức bút kì diệu của thiên tài Nguyễn Du. Đó phải chăng chính là một trong những yếu tố làm nên sức sống bất diệt của Truyện Kiều,Truyện Kiều của Nguyễn Du nằm ngoài sự “băng hoại” của thời gian.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 9 sách Cánh diều hay, ngắn gọn khác:

Kiến thức ngữ văn trang 32

Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga

Thực hành tiếng Việt trang 42

Kiều ở lầu Ngưng Bích

Phân tích một đoạn trích tác phẩm văn học

Nói và nghe: Nghe và nhận biết tính thuyết phục của một ý kiến

Tự đánh giá: Lục Vân Tiên gặp nạn

Hướng dẫn tự học trang 52

1 69 01/12/2024