Soạn bài Thực hành đọc hiểu: Chiếc lược ngà (trang 92) - Ngắn nhất Ngữ văn 9 Cánh diều
Với soạn bài Thực hành đọc hiểu: Chiếc lược ngà trang 92 Ngữ văn lớp 9 Cánh diều sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 9.
Soạn bài Thực hành đọc hiểu: Chiếc lược ngà
Nguyễn Quang Sáng
1. Chuẩn bị
Yêu cầu (trang 92 sgk Ngữ văn 9 Tập 1):
- Đọc trước truyện ngắn Chiếc lược ngà, tìm hiểu thêm thông tin về tác giả Nguyễn Quang Sáng.
- Hãy tìm một số bài viết về tác phẩm Chiếc lược ngà.
- Hãy chia sẻ suy nghĩ về một tác phẩm văn học thể hiện tình cha con để lại ấn tượng sâu sắc cho em.
Trả lời:
- Thông tin về tác giả Nguyễn Quang Sáng:
+ Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, có bút danh là Nguyễn Sáng (12/1/1932 – 13/2/2014), quê quán tại xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Ông sinh ra trong một gia đình làm nghề thợ bạc và lớn lên trong những năm tháng đất nước có chiến tranh. Vậy nên, vào năm 1946, khi mới chỉ 14 tuổi, ông đã xung phong vào quân đội và tham gia làm liên lạc viên cho đơn vị Liên Chi 2.
+ Năm 1948, ông được cử đi học văn hóa tại Trường trung học kháng chiến Nguyễn Văn Tố. Đến năm 1950, Nguyễn Quang Sáng trở về công tác tại Phòng Chính trị Bộ Tư lệnh phân khu miền Tây Nam Bộ và trở thành cán bộ nghiên cứu tôn giáo.
Năm 1955, Nguyễn Quang Sáng đi theo đơn vị và được tập kết ra ngoài miền Bắc, ông chuyển ngành với quân hàm Chuẩn úy rồi về công tác tại Phòng Văn nghệ Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam. Từ năm 1958, ông chuyển về công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam và giữ chức vụ biên tập viên tuần báo Văn nghệ biên tập nhà xuất bản Văn học.
+ Năm 1966, ông trở vào chiến trường miền Nam và làm cán bộ sáng tác của Hội Văn nghệ Giải phóng. Năm 1972, Nguyễn Quang Sáng lại tiếp tục ra Hà Nội và làm việc ở Hội Nhà văn Việt Nam.
+ Sau ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, Nguyễn Quang Sáng quay về TP. Hồ Chí Minh và giữ chức vụ Tổng Thư ký Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh các khóa l, II và III, cho đến năm 2001 khi ông về nghỉ hưu trí. Ông cũng là hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957; Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khóa II, III; Phó tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam khóa IV.
+ Với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp văn học nước nhà, Nguyễn Quang Sáng đã được trao tặng nhiều giải thưởng cao quý trong ngành như Giải Mai Vàng cho Nhà thơ xuất sắc nhất năm 1977, giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt II năm 2001.
+ Nhà văn Nguyễn Quang Sáng cũng được biết đến là cha ruột của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, người từng làm giám khảo của cuộc thi Việt Nam Idol và cũng là đạo diễn của rất nhiều bộ phim nổi tiếng.
+ Là một người con của quê hương Nam Bộ, vậy nên phong cách sáng tác của ông cũng luôn thấm đẫm màu sắc và nhịp sống của vùng đất này, gần gũi mà giản dị vô cùng.
+ Trong hầu hết các sáng tác của đời mình, ông đều hướng ngòi bút về con người và cảnh sắc thiên nhiên. Nhờ việc sử dụng những ngôn ngữ rất đời thường, kết hợp với màu sắc bi tráng, câu chuyện kịch tính, giàu chất thơ ca càng làm cho các tác phẩm của Nguyễn Quang Sáng trở nên rất đỗi thân thương và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả.
+ Lời văn của Nguyễn Quang Sáng hết sức mộc mạc, dễ hiểu mà vẫn nêu bật lên được những vấn đề trong thực tại, những giá trị chân thực về cuộc sống, con người và xã hội. Đặc biệt, các giá trị nhân văn đã được ông lồng ghép một cách khéo léo vào trong các tác phẩm văn học để tạo sự sâu sắc và ý nghĩa nhất. Ông cũng được đánh giá là một tác giả có giọng văn đa dạng, lúc thì da diết, nhớ thương, khi thì hùng hồn, mạnh mẽ.
- Về tác phẩm Chiếc lược ngà:
+ Chiếc lược ngà là một câu chuyện sâu sắc và cảm động về tình cảm gia đình. Trong những năm tháng kháng chiến, bom đạn đã cướp đi sự hạnh phúc của con người. Chỉ vì một vết sẹo khi đi lính, mà bé Thu đã không nhận ra cha mình là anh Sáu, điều này đã khiến cho anh vô cùng đau đớn.
+ Ngày quay trở lại chiến trường, anh Sáu vẫn giữ lời hứa làm cho con một chiếc lược bằng ngà voi. Chiếc lược ngà tuy bé nhỏ nhưng chất chứa vô vàn tình yêu thương, trở thành kỷ vật của bé Thu sau này.
+ Tuy nhiên, thật đáng buồn, sau một trận càn của địch đã khiến cho anh Sáu bị thương nặng và không may hy sinh. Sau đó, anh chỉ kịp trao nó cho một người bạn của mình là nhà văn Nguyễn Quang Sáng cùng với lời dặn dò trao đến tận tay cho bé Thu, con gái của anh.
+ Chiếc lược ngà đã trở thành một biểu tượng đẹp đẽ, khắc họa về tình phụ tử cao cả trong những năm tháng kháng chiến. Bên cạnh đó, cái chết của anh Sáu còn thể hiện cho những nỗi đau mà bom đạn gây ra, cướp đi người thân của nhiều gia đình.
2. Đọc hiểu
Nội dung chính:
Tác phẩm là nỗi niềm của người cha, niềm khao khát tình cha của người con; là câu chuyện cảm động về tình cha con sâu nặng, cho ta hiểu thêm những mất mát to lớn của chiến tranh mà nhân dân ta đã trải qua trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.
* Trả lời câu hỏi giữa bài:
Câu 1 (trang 92 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Chú ý bối cảnh xảy ra câu chuyện.
Trả lời:
Bối cảnh của câu chuyện diễn ra vào những ngày hòa bình vừa lập lại sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, khi Hiệp định Giơ-ne-vơ tháng 7/1954 được ký kết.
Câu 2 (trang 93 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Hình dung cuộc gặp gỡ ban đầu của hai cha con.
Trả lời:
Trong cuộc gặp gỡ ban đầu giữa hai cha con, người cha mang theo một niềm nhớ nhung da diết, khao khát được gặp lại con sau bao năm xa cách. Ông mong mỏi được ôm con vào lòng và nghe con gọi một tiếng "ba". Tuy nhiên, thực tế diễn ra khác hẳn với kỳ vọng của ông. Đứa con, do quá lâu không gặp, trở nên xa lạ và sợ hãi trước người cha mà mình không nhận ra. Thay vì đến gần, đứa trẻ lại lẩn tránh và chạy đi. Sự đối lập này khiến người cha cảm thấy đau lòng, hụt hẫng trước khoảng cách vô hình giữa hai cha con, khoảng cách mà thời gian và hoàn cảnh đã tạo ra.
Câu 3 (trang 93 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Chú ý ngôn ngữ đối thoại trong văn bản.
Trả lời:
Trong cuộc gặp gỡ giữa hai cha con, những câu gọi như: “Thu! Con!”, “Ba đây con!” chỉ là những lời độc thoại của ông Sáu. Ông khao khát được con gái nhận ra mình và đáp lại tình cảm, nhưng bé Thu vẫn giữ khoảng cách.
Câu 4 (trang 93 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Các lời “nói trổng” của bé Thu thể hiện điều gì?
Trả lời:
Những lời "nói trổng" của bé Thu thể hiện rõ thái độ bướng bỉnh và sự xa cách của em đối với ông Sáu, người cha mà em chưa nhận ra. Thay vì gọi "ba" như cách thông thường, bé Thu chỉ nói trống không, không chủ đích gọi cha và cũng không thừa nhận sự hiện diện của ông Sáu trong gia đình. Những câu như: "Thì má cứ kêu đi!", "Vô ăn cơm!", "Cơm chín rồi!", "Cơm sôi rồi, chắt nước giùm cái!”, “Cơm sôi rồi, nhão bây giờ! "...
Câu 5 (trang 94 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Lời nói của nhân vật bé Thu được trích dẫn trực tiếp hay gián tiếp?
Trả lời:
Lời nói của nhân vật bé Thu trong truyện được trích dẫn trực tiếp. Sau mỗi lời nói của bé Thu, đều có dấu hai chấm và dấu gạch ngang để đánh dấu lượt lời nói của nhân vật.
Câu 6 (trang 94 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Dự đoán xem nhân vật bé Thu sẽ làm gì?
Trả lời:
Khi cần sự giúp đỡ, có thể bé Thu sẽ thỏa hiệp, tạm gác lại sự bướng bỉnh để nhờ ông Sáu giúp mình chắt nước cơm, và đó có thể là cơ hội để bé Thu dần mở lòng hơn. Tuy nhiên, việc gọi "ba" có thể là một bước khó khăn đối với Thu trong hoàn cảnh này, vì em vẫn còn giữ sự xa lạ và bướng bỉnh đối với người cha chưa quen thuộc.
Câu 7 (trang 95 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Thái độ của bé Thu ở đây có gì khác với lúc đầu?
Trả lời:
Thái độ của bé Thu đã có sự thay đổi rõ rệt so với lúc đầu gặp ông Sáu. Nếu ban đầu, bé tỏ ra bướng bỉnh, nhăn mày cau có và thậm chí xa lánh ông Sáu, thì giờ đây vẻ mặt của em sầm lại, biểu lộ sự buồn rầu và trầm tư. Thay vì phản ứng gay gắt, ánh mắt của bé Thu trở nên sâu xa hơn, cho thấy em đã bắt đầu suy nghĩ và cảm nhận về mối quan hệ giữa mình và người đàn ông mà em dần nhận ra là cha. Sự chuyển biến này đánh dấu bước thay đổi trong tâm lý và cảm xúc của bé Thu, từ sự chống đối ban đầu đến sự thấu hiểu và xúc động.
Câu 8 (trang 95 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Cảm nhận sự xúc động trong lòng người cha và con gái.
Trả lời:
Ông Sáu sau bao năm xa cách luôn hy vọng được gặp con thì giờ đây khi nghe tiếng gọi "ba" đầu tiên từ con gái mình, ông nghẹn ngào và hạnh phúc. Niềm vui dâng trào khiến ông không thể kìm nén cảm xúc. Tiếng gọi "ba" từ sâu thẳm trong lòng bé Thu dồn nén bấy lâu nay như vỡ tung ra thành tiếng hét đầy cảm xúc. Đây là khoảnh khắc đầy xúc động khi tình cảm cha con dù bị thử thách bởi thời gian và chiến tranh cuối cùng cũng được kết nối lại trong sự chân thành và yêu thương.
Câu 9 (trang 96 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Vì sao lúc đầu bé Thu không nhận ông Sáu là cha mình?
Trả lời:
Bé Thu lúc đầu không nhận ông Sáu là cha mình vì ông Sáu trở về với một vết thẹo dài bên má phải, khác hẳn so với hình ảnh người cha mà em đã quen thuộc qua bức ảnh chụp chung với mẹ. Vết thẹo trên mặt ông đã làm thay đổi diện mạo của ông, khiến bé Thu không thể nhận ra và tin rằng người đàn ông trước mặt là cha mình.
Câu 10 (trang 97 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Chi tiết nào thể hiện sự xúc động của nhân vật “tôi”?
Trả lời:
Chi tiết thể hiện sự xúc động của nhân vật “tôi”: “tôi bỗng thấy khó thở như có bàn tay ai nắm lấy trái tim tôi”.
Câu 11 (trang 97 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Người cha đã làm gì để thực hiện lời hứa với con?
Trả lời:
Để thực hiện lời hứa với con, ông Sáu đã kiếm được một khúc ngà trong rừng. Ông đã cưa khúc ngà thành từng miếng nhỏ một cách thận trọng và tỉ mỉ.
Câu 12 (trang 98 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Chuyện không may gì đã xảy ra?
Trả lời:
Chuyện không may xảy ra là ông Sáu bị viên đạn của máy bay Mỹ bắn vào ngực và hi sinh.
Câu 13 (trang 98 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Đoạn tóm tắt này cho biết điều gì?
Trả lời:
Đoạn tóm tắt này cho chúng ta biết rằng tương lai bé Thu trở thành một cô giao liên, một phần quan trọng trong công cuộc kháng chiến. Anh Ba đã trao tận tay Thu cây lược - món quà từ khúc ngà mà ông Sáu đã hứa và làm cho em trước khi hi sinh và tình cảm cha con nảy nở giữa hai người.
* Trả lời câu hỏi cuối bài:
Câu 1 (trang 98 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Hãy tóm tắt truyện. Nhan đề Chiếc lược ngà liên quan đến chi tiết nào trong văn bản?
Trả lời:
- Tóm tắt:
Câu chuyện xoay quanh hai nhân vật chính là bé Thu và ba (ông Sáu). Ông Sáu là một giải phóng quân đã 8 năm đằng đẵng ngoài chiến trường, lần ấy mới có cơ hội về thăm bé Thu. Khi ông ra đi, con bé chưa đầy 1 tuổi. Nỗi niềm nhớ con luôn trực trào trong tâm trí ông, bởi thế, xuồng chưa cập bến, ông đã nhún chân nhảy tót lên, chạy đến gọi con. Nhưng bé Thu lại nhìn ông bằng ánh mắt xa lạ, đặc biệt là khi thấy vết sẹo thì hoảng hốt bỏ chạy. Ba ngày về thăm nhà, bé Thu vẫn không thể chấp nhận ông Sáu là cha. Ông Sáu cố gắng làm thân nhưng điều đó lại làm khoảng cách giữa ông và bé Thu càng xa cách. Đến ngày cuối cùng, khi chuẩn bị lên đường tiếp tục nhiệm vụ, bỗng nhiên bé Thu chạy lại và gọi một tiếng ba - tiếng gọi mà ông vẫn mong được nghe bé Thu nói từ rất lâu rồi.
- Nhan đề “Chiếc lược ngà” liên quan trực tiếp đến hai chi tiết quan trọng trong câu chuyện:
+ Khi ông Sáu chuẩn bị ra đi, bé Thu đã nhờ ông mua cho mình một cây lược. Đây là một yêu cầu đơn giản nhưng thể hiện sự yêu thương và sự mong mỏi của bé đối với cha.
+ Ông Sáu, mặc dù đang ở trong chiến trường đầy khó khăn, đã thực hiện lời hứa với con bằng cách tỉ mẩn làm một cây lược từ khúc ngà. Việc làm này không chỉ chứng tỏ tình yêu thương của ông đối với con gái mà còn là minh chứng cho sự quan tâm và quyết tâm giữ lời hứa với bé Thu.
Câu 2 (trang 98 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Người kể câu chuyện trên là ai? Hãy chỉ ra mối quan hệ giữa người kể chuyện và các các nhân nhân vật chính trong văn bản, từ đó, nêu tác dụng của ngôi kể.
Trả lời:
- Người kể câu chuyện có tên là Ba, một chiến sĩ giải phóng quân, bạn thân của ông Sáu, người đã chứng kiến câu chuyện giữa ông Sáu và bé Thu, cũng là người sau này đã trao lại chiếc lược ngà của ông Sáu cho bé Thu, khi đó đã trở thành một cô giao liên dũng cảm.
- Người kể xưng tôi – ngôi thứ nhất, là người chứng kiến và có mối quan hệ thân thiết với các nhân vật chính, giúp nhà văn trình bày câu chuyện một cách trung thực, khách quan.
Câu 3 (trang 100 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Phân tích sự chuyển biến trong cảm xúc, hành động của bé Thu trước và sau khi nhận ông Sáu là cha mình. Qua đó, hãy nhận xét về tính cách của nhân vật bé Thu.
Trả lời:
* Sự chuyển biến trong cảm xúc, hành động của bé Thu trước và sau khi nhận ông Sáu là cha mình.
- Khi chưa nhận ra ba:
+ Phút đầu gặp ông Sáu:
Thu ngạc nhiên, hốt hoảng, sợ hãi.
+ Trong ba ngày ông Sáu nghỉ phép:
- Tâm lí và thái độ của Thu đã được bác Ba – người kể chuyện, đồng đội thân thiết của ông Sáu, quan sát và thuật lại một cách sinh động qua hàng loạt chi tiết chân thực.
=> Thu là một đứa bé cá tính, ương ngạnh, bướng bỉnh, “đáo để”, “cứng đầu”, luôn ngờ vực lảng tránh, chống đối, hỗn hào với ông Sáu.
=> Thu là một cô bé ngây thơ, có cá tính. Tình yêu ba của Thu rất chân thành và mãnh liệt.
- Khi Thu nhận ra ba:
- Khuôn mặt, đôi mắt thay đổi
- Tiếng thét gọi ba
- Hành động vội vã, vồ vập: chạy xô tới, hôn cùng khắp, ôm chầm níu chặt không muốn rời.
® Sự thay đổi đột ngột của tâm trạng.
® Sự nghi ngờ về cha đã được giải toả, ân hận, hối tiếc đã làm cho tình yêu và nỗi nhớ bùng nổ mạnh mẽ, hối hả, cuống quýt.
® Tình cha con sâu sắc, xúc động.
Þ Sự am hiểu tâm lý trẻ của tác giả.
* Nhận xét ính cách của nhân vật bé Thu:
Cô bé Thu có tình cảm thật sâu sắc với cha; có cá tính mạnh mẽ nhưng cũng hồn nhiên ngây thơ.
Câu 4 (trang 98 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Ấn tượng sâu sắc nhất của em về nhân vật ông Sáu là gì? Yếu tố nào trong văn bản tạo nên ấn tượng ấy?
Trả lời:
Ấn tượng sâu sắc nhất của em về nhân vật ông Sáu là tình cảm cha con sâu đậm mà ông dành cho bé Thu. Đặc biệt là trong hoàn cảnh chiến tranh khắc nghiệt, được con dặn dò mua cho một cây lược. Ông Sáu thực hiện cho kì được “chiếc lược ngà” để đáp lại lời dặn đó.
Tác giả diễn tả tình cảm của ông Sáu xung quanh chuyện ông làm chiếc lược. Kiếm được khúc ngà voi, ông hớn hở như đứa trẻ được quà: “từ con đường mòn chạy lẫn trong rừng sâu, anh hớt hải chạy về, tay cầm khúc ngà đưa lên khoe với tôi. Mặt anh hớn hở như một đứa trẻ được quà”.
Chiếc lược chính là món quà đầu tiên và duy nhất anh Sáu gửi lại cho bé Thu. Chiếc lược ngà chính là món quà mà anh dành nhiều tâm huyết nhất để làm tặng con. Với tất cả tình yêu thương con của mình, anh đã tỉ mẩn, chăm chút làm từng chiếc răng lược cho con.
Câu 5 (trang 98 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Phân tích nghệ thuật xây dựng cốt truyện (mở đầu, diễn biến, kết thúc) và nghệ thuật miêu tả nhân vật (hành động, tâm lí, lời đối thoại...) trong văn bản Chiếc lược ngà.
Trả lời:
- Tình huống truyện độc đáo:
+ Cuộc gặp gỡ giữa hai cha con sau 8 năm xa cách (chỉ biết nhau qua tấm hình, trong lúc người cha mong mỏi được nghe tiếng con gọi ba thì người con lại không nhận cha, đến lúc nhận ra và biểu lộ tình cảm thì người cha phải ra đi.
+ Ở khu căn cứ, người cha dồn tất cả tình yêu thương vào việc làm cây lược ngà tặng con, nhưng con chưa kịp nhận thị người cha đã hi sinh.
=> Ý nghĩa:
+ Tình huống thứ nhất là chính, bộc lộ tình yêu thương mãnh liệt của con đối với cha. Còn tình huống thứ hai thể hiện tình cảm sâu sắc của người cha đối với con.
+ Tác giả đã tạo được hai tình huống truyện khá bất ngờ, nhưng tự nhiên, hợp lí, thể hiện được chủ đề tác phẩm: Ca ngợi tình cha con trong hoàn cảnh chiến tranh đầy éo le, mất mát.
- Xây dựng cốt truyện khá chặt chẽ, lựa chọn nhân vật kể chuyện thích hợp. Truyện được kể theo ngôi thứ nhất, đặt vào nhân vật bác Ba, người bạn chiến đấu của ông Sáu và cũng là người chứng kiến, tham gia vào câu chuyện. Với ngôi kể này, người kể chuyện xen vào những lời bình luận, suy nghĩ, bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ với nhân vật, và câu chuyện vẫn mang tính khách quan.
- Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật đặc sắc, đặc biệt là tâm lý của nhân vật trẻ em rất tinh tế. Điều đó thể hiện sự nhạy cảm, tấm lòng yêu thương trân trọng của nhà văn đối với con người và tình người.
Câu 6 (trang 98 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Xác định chủ đề của văn bản. Chủ đề ấy còn có ý nghĩa đối với cuộc sống hôm nay như thế nào?
Trả lời:
- Chủ đề của “Chiếc lược ngà” là tình cha con thắm thiết và sâu nặng trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh.
- Câu chuyện nhắc nhở chúng ta về giá trị của hòa bình. Sự hi sinh của ông Sáu và những khó khăn mà gia đình phải chịu đựng trong chiến tranh cho thấy rằng bảo vệ hòa bình không chỉ là nhiệm vụ của thế hệ hiện tại mà còn là nhiệm vụ quan trọng cho tương lai. Thứ hai, tình cảm cha con là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Qua câu chuyện, chúng ta học được bài học về sự trân trọng tình cảm gia đình, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Tình yêu và sự hy sinh của cha mẹ, như trong câu chuyện, là những giá trị vô giá cần được trân trọng và gìn giữ.
Xem thêm các bài Soạn văn lớp 9 sách Cánh diều hay, ngắn gọn khác:
Viết: Phân tích một tác phẩm truyện
Nói và nghe: Thảo luận về một vấn đề đáng quan tâm trong đời sống
Xem thêm các chương trình khác: