Soạn bài Khóc Dương Khuê (trang 15) - Ngắn nhất Ngữ văn 9 Cánh diều

Với soạn bài Khóc Dương Khuê trang 15 Ngữ văn lớp 9 Cánh diều sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 9.

1 55 01/12/2024


Soạn bài Khóc Dương Khuê

Nguyễn Khuyến

1. Chuẩn bị

Yêu cầu (trang 15 sgk Ngữ văn 9 Tập 1):

– Xem lại phần Kiến thức ngữ văn để vận dụng vào đọc hiểu văn bản này.

– Khi đọc hiểu văn bản thơ song thất lục bát, các em cần chú ý:

+ Bài thơ bắt đầu bằng câu song thất hay lục bát?

+ Xác định chủ đề, bố cục của bài thơ và mối quan hệ giữa các câu thơ trong bài.

+ Tìm hiểu các biện pháp nghệ thuật được tác giả sử dụng. Chú ý nhịp điệu bài thơ và việc sử dụng từ ngữ để diễn tả tình cảm.

- Đọc trước văn bản Khóc Dương Khuê, tìm hiểu thêm thông tin về nhà thơ Nguyễn Khuyến và nhà thơ Dương Khuê (1839-1902).

Trả lời:

- Khi đọc hiểu văn bản thơ song thất lục bát, các em cần chú ý:

+ Số tiếng trong mỗi câu thơ: Một bài thơ song thất lục bát gồm một hay nhiều khổ thơ; mỗi khổ thơ gồm 4 dòng thơ: Một cặp thất ngôn và một cặp lục bát.

+ Gieo vần: Mỗi khổ thơ có một vần trắc và ba vần bằng; câu sáu chỉ có vần chân, ba câu kia vừa có vần chân vừa có vần lưng

+ Đọc to, rõ ràng, diễn cảm; đọc đúng nhịp thơ song thất lục bát (2 câu 7: 3 - 4 hoặc 3 - 2 - 2; 2 câu lục bát: nhịp 2 - 2 - 2; 4 - 4, hoặc các nhịp biến đổi 3 - 5, 2 - 4...);

+ Giọng đọc cần thể hiện sự xót xa, tiếc nuối, đau đán cố kìm nén mà vẫn lộ ra, có gì như oán trách, có gì như cam chịu)

- Tìm hiểu về văn bản Khóc Dương Khuê và nhà thơ Nguyễn Khuyến và nhà thơ Dương Khuê:

* Nhà thơ Nguyễn Khuyến:

- Nguyễn Khuyến (1835 – 1909) hiệu là Quế Sơn, tên lúc nhỏ là Nguyễn Thắng, sinh tại quê ngoại là xã Hoàng Xá (nay thuộc Yên Trung), huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

- Ông xuất thân trong một gia đình nhà Nho nghèo.

- Năm 1864, ông đỗ đầu trong kỳ thi Hương. Nhưng mấy kì thi sau lại trượt, cho đến năm 1871, ông mới đỗ đầu cả kỳ thi Hội và thi Đình.

- Ông được người đời gọi là Tam Nguyên Yên Đổ (do đỗ đầu cả ba kỳ thi).

- Tuy vậy, ông chỉ làm quan có hơn mười năm, còn lại cuộc đời đều sống thanh bạch bằng nghề dạy học tại quê nhà.

- Nguyễn Khuyến là một người tài năng, có tấm lòng yêu nước thương dân.

- Sáng tác của ông bao gồm cả chữ Hán và chữ Nôm với hơn 800 bài gồm nhiều thể loại: thơ, văn, câu đối nhưng chủ yếu là thơ.

- Thơ ông thường viết về đề tài tình yêu quê hương đất nước, bạn bè, gia đình; phản ánh cuộc sống của những con người thuần hậu, chất phác; châm biếm đả kích bọn thực dân xâm lược…

- Một số tác phẩm tiêu biểu: Quế Sơn thi tập, Yên Đổ thi tập, Bách liêu thi văn tập, Cẩm Ngữ, cùng nhiều bài ca, hát ả đào, văn tế, câu đối truyền miệng…

* Nhà thơ Dương Khuê:

- Dương Khuê (1839 – 1902) người làng Vân Đình, tổng Phương Đình, tỉnh Hà Đông (nay là Ứng Hòa, Hà Nội).

- Ông đỗ tiến sĩ năm 1868, làm quan đến chức Tổng đốc Nam Định, Ninh Bình. Ông là bạn của Nguyễn Khuyến.

* Hai người kết bạn từ thuở thi đậu, Nguyễn Khuyến bỏ quan về quê, Dương Khuê vẫn làm quan. Nhưng cả hai vẫn giữ tình bạn gắn bó.

* Văn bản Khóc Dương Khuê:

- Được viết theo thể thơ song thất lục bát

- H/c sáng tác: Nghe tin bạn mất, Nguyễn Khuyến làm bài thơ này khóc bạn.

- Bài thơ viết bằng chữ Hán có nhan đề là: Vãn đồng niên Vân Đình tiến sĩ Dương Thượng thư. Có bản dịch là Khóc bạn. Lâu nay quen gọi là Khóc Dương Khuê. Sau này tự tác giả dịch ra chữ Nôm

- Bố cục gồm 3 phần:

+ Phần 1. Hai câu thơ đầu: Nỗi buồn đau của Nguyễn Khuyến khi nghe tin mất bạn.

+ Phần 2. Tiếp theo đến “Mừng rằng bác hãy tinh thần chưa can”: Hồi tưởng lại những kỉ niệm đẹp đẽ về tình bạn.

+ Phần 3. Còn lại: Nỗi cô đơn của hiện tại và tâm trạng day dứt khi bạn dứt áo ra đi..

2. Đọc hiểu

Nội dung chính:

Tâm trạng và nỗi niềm của NK khi nghe tin bạn mất, những kỉ niệm êm đềm gắn bó ngày xưa sống dậy mãnh liệt trong tâm hồn nhà thơ. Qua đó ca ngợi tình bạn chân thành, thủy chung, gắn bó, cao đẹp giữa cuộc đời đầy đau khổ. Bài thơ còn bộc lộ một tài năng nghệ thuật thơ ca trong dòng văn học trung đại.

Soạn bài Khóc Dương Khuê (trang 15) - Ngắn nhất Ngữ văn 9 Cánh diều (ảnh 1)

* Trả lời câu hỏi giữa bài:

Câu 1 (trang 16 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Chú ý cách sử dụng từ ngữ thể hiện tình cảm của Nguyễn Khuyến.

Trả lời:

- Tác giả sử dụng nhóm từ “thôi đã thôi rồi” thay cho khái niệm “đã mất”, “đã chết”, “đã qua đời” …

=> Câu thơ như một tiếng thở dài, tiếng than nhẹ nhàng, nỗi đau đột ngột khi vừa nghe tin bạn mất.

- Từ “nước mây” liên kết với các từ “man mác”, “ngậm ngùi” diễn tả một trời thương xót, một không gian cách trở bao la, âm dương đôi đường, buồn đau, nặng trĩu. Nỗi mất mát ấy ngậm ngùi như chia sẻ với trời đất.

- Từ “tôi”, “bác” thể hiện một tấm lòng kính trọng và thân mật.

Câu 2 (trang 16 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Nhà thơ nhắc lại những kỉ niệm gì với bạn, theo trình tự nào?

Trả lời:

- Nhà thơ nhắc đến những kỉ niệm của tình bạn thắm thiết với bạn theo trình tự thời gian: kéo dài từ tuổi trẻ cho đến lúc về già.

+ Cùng nhau thi đỗ làm quan

+ Cùng nhau rong chơi khắp chốn non nước

+ Cùng ngân nga hát ả đào

+ Cùng nhau uống rượu và bình luận thơ văn

+ Cùng nhau trải qua những buổi hoạn nạn, vật đổi sao rời

+ Cùng đang trong tuổi già

Câu 3 (trang 17 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Nỗi đau mất bạn của tác giả được thể hiện như thế nào?

Trả lời:

- Mất bạn Nguyễn Khuyến như mất đi một phần cơ thể.

- Muốn gặp bạn nhưng tuổi già không cho phép. Nay bạn mất, đau đớn vô cùng.

- Mất bạn trở nên cô đơn : Rượu không muốn uống, thơ không muốn làm, đàn không gảy, giường treo lên.

-> Cảm giác hụt hẫng, trống rỗng khi mất bạn

-> Tình bạn già mà vẫn keo sơn, gắn bó.

=> Bài thơ là tiếng khóc bạn chân thành, xót xa, nuối tiếc của nhà thơ.

Câu 4 (trang 17 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Nhà thơ nhắc đến giường treo và đàn kia để biểu thị điều gì?

Trả lời:

- Điển cố, điển tích được sử dụng:

+ Giường treo

+ Đàn kia

=> Thể hiện sâu sắc tình bạn tri âm, tri kỉ và nỗi buồn ẩn sâu khi mất đi người bạn.

Câu 5 (trang 18 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Nhà thơ đã tự an ủi mình thế nào sau khi bạn mất.

Trả lời:

Nhà thơ tự an ủi mình khi nhắc đến tuổi già với những giọt lệ "như sương," thể hiện rằng nước mắt không còn dễ dàng rơi xuống mà chỉ biết khóc thầm trong lòng. Nỗi nhớ thương bạn bè dần trở thành nỗi niềm cam chịu số phận bi thương.

* Trả lời câu hỏi cuối bài:

Câu 1 (trang 18 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Chỉ ra đặc điểm của thể thơ song thất lục bát qua bài Khóc Dương Khuê.

Trả lời:

- Đặc điểm của thể thơ song thất lục bát qua bài Khóc Dương Khuê là:

+ Bài thơ bất đầu bằng câu lục bát

+ Số câu: không hạn định, cứ 4 câu thơ tạo thành một khổ

+ Mỗi khổ thơ đều có một vần trắc và ba vần bằng

+ Các câu 7 có thể ngắt nhịp 3/4 hoặc 3/2/2, hai câu sáu-tám ngắt nhịp theo thể lục bát

Câu 2 (trang 18 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Sự kiện tạo ra nguồn cảm xúc để Nguyễn Khuyến viết bài thơ là gì? Sự kiện ấy chi phối bố cục của bài thơ như thế nào? Cho biết ý chính của mỗi phần theo bố cục đó.

Trả lời:

- Sự kiện tạo ra nguồn cảm xúc để Nguyễn Khuyến viết bài thơ là người bạn tri kỉ của ông là Dương Khuê đã ra đi. Nghe tin bạn mất, Nguyễn Khuyến làm bài thơ này khóc bạn.

- Bố cục của bài thơ: gồm 3 phần:

+ Phần 1. Hai câu thơ đầu: Nỗi buồn đau của Nguyễn Khuyến khi nghe tin mất bạn.

+ Phần 2. Tiếp theo đến “Mừng rằng bác hãy tinh thần chưa can”: Hồi tưởng lại những kỉ niệm đẹp đẽ về tình bạn.

+ Phần 3. Còn lại: Nỗi cô đơn của hiện tại và tâm trạng day dứt khi bạn dứt áo ra đi..

Câu 3 (trang 18 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Hãy phân tích để thấy được việc thể hiện tình cảm của Nguyễn Khuyến trong hai dòng thơ đầu khi nghe tin bạn mất.

Trả lời:

Tình cảm của Nguyễn Khuyến được thể hiện trong hai dòng thơ đầu khi nghe tin bạn mất là một tiếng than, tiếng nấc đau đớn.

"Bác Dương thôi đã thôi rồi,

Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta".

Trong cách xưng hô “bác Dương” đã thể hiện tình cảm hết sức gần gũi, yêu mến, kính trọng mà Nguyễn Khuyến dành cho Dương Khuê. Thế nhưng sự ra đi của bạn đã để lại nỗi đau đớn bàng hoàng đến xót ra. Cách nói giảm nói tránh về sự ra đi thông qua cụm từ “thôi đã thôi rồi”. Lối nói bình dị đó đã làm giảm bớt đi nỗi đau đớn ghê gớm và phản ánh sự thảng thốt xót thương trong tâm trạng của tác giả.

Câu 4 (trang 18 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Những kỉ niệm về tình bạn đã được tác giả hồi tưởng như thế nào và theo trình tự nào trong đoạn thơ từ dòng 3 đến dòng 22?

Trả lời:

- Những kỉ niệm về tình bạn đã được tác giả hồi tưởng theo trình tự thời gian: kéo dài từ thời trẻ đến khi về già.

+ Cùng nhau thi đỗ làm quan

+ Cùng nhau rong chơi khắp chốn non nước

+ Cùng ngân nga hát ả đào

+ Cùng nhau uống rượu và bình luận thơ văn

+ Cùng nhau trải qua những buổi hoạn nạn, vật đổi sao rời

+ Cuộc gặp gỡ cuối cùng

=> Đó là những kỉ niệm sâu sắc với người bạn quá cố, một tình bạn đẹp nhất, một mối nhân duyên khắc ghi trong đời.

Câu 5 (trang 18 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Hãy phân tích tâm trạng của nhà thơ được diễn tả trong đoạn thơ từ dòng 23 đến hết.

Trả lời:

Nguyễn Khuyến khóc bạn cũng là tự khóc mình, giọng thơ ngày một thêm não nùng, thê thiết. Ông trách bạn “vội đi xa” để mình lẻ loi, cô đơn. Cuộc sống trở nên chán chường, vô nghĩa:

“Ai chẳng biết chán đời là phải,
Sao vội vàng đã mải lên tiên;
Rượu ngon không có bạn hiền,
Không mua không phải không tiền không mua.”

Sau chữ “chẳng” xuất hiện liên tiếp 5 chữ “không” gợi tả cái trống vắng, cái cô đơn của nhà thơ, của cảnh già. Kẻ đi xa và người ở lại cùng chung nỗi niềm tâm sự “chán đời là phải”. Nhà thơ kín đáo bộc lộ thái độ đối với thời cuộc trước sau không thay đổi.

Sách vở ích gì cho buổi ấy
Áo xiêm nghĩ tại: thẹn thân già.


(Ngày xuân dặn các con)

Cho đến trước lúc qua đời, ông vẫn không quên trăng trối con cháu:

Đề vào mấy chữ trong bia,
Rằng: “Quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu”.
(Di chúc)

Bạn mất đột ngột, nỗi thương tiếc, đau xót làm tê tái cả lòng. Sống trong cô đơn ngày thêm bơ vơ sầu tủi. Cuộc đời mất hết ý nghĩa: không muốn uống rượu, không thiết ngâm thơ, gian nhà và tâm hồn trở nên trống vắng, trơ trọi. Còn đâu nữa bạn tri âm tri kỉ?

“Câu thơ nghĩ đắn đo không viết,
Viết đưa ai, ai biết mà đưa
Giường kia treo cũng hững hờ,
Đàn kia gảy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn.”

Lời than khóc trở nên xót xa khi nhà thơ nhắc lại điển tích Tử Kỳ - Bá Nha và Trần Phồn - Từ Trĩ. Chiếc giường dành riêng tiếp bạn nay đã trở nên “hững hờ”. Tiếng đàn cũng “ngẩn ngơ” mất hồn vì lẻ bạn. Một cách nói thậm xưng để cực tả nỗi đau tê tái khi bạn thân qua đời. Khi còn sống thì đôi bạn cùng đi chơi “dặm khách”, cùng “lựa chiều cầm xoang”, “rượu ngon cùng nhắp”, cùng “bàn soạn câu văn”... Lúc bạn qua đời chẳng còn người tri âm tri kỉ để cùng nhau uống rượu, làm thơ, nghe đàn, năng lui tới thăm nom, chia ngọt sẻ bùi cùng nhau. Nguyễn Khuyến đã có nhiều cách nói rất sâu sắc, cảm động diễn tả sự thương xót bạn và nỗi buồn cô đơn của mình.
Bốn câu cuối bài thơ như một tiếng nấc đau đớn. Tuổi già vốn ít lệ (hạt lệ như
sương), nên chỉ biết khóc ở trong lòng. Thương bạn gắn liền với bao nỗi nhớ. Khóc bạn chuyển thành nỗi niềm như cam chịu số phận bi thương. Chỉ cầu mong cho linh hồn bạn thanh thản “lên tiên”:

“Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở,
Tôi tuy thương lấy nhớ làm thương,
Tuổi già hạt lệ như sương,
Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan.”

Trải qua bao mưa nắng, bao thăng trầm hoạn nạn, Tam nguyên Yên Đổ còn đâu nhiêu nước mắt để khóc bạn, chí còn biết “lấy nhớ làm thương”. Tuy nhiên cả bài thơ, nhất là bốn câu kết đã “chứa chan” nước mắt đau xót. Hai câu thơ: “Bác chẳng ở dẫu vẫn chẳng ở - Tôi tuy thương lấy nhớ làm thương” với cách diễn đạt trùng điệp và tăng cấp đã tạo nên giọng thơ buồn thê thiết, Nguyễn Khuyến để lại nhiều tiếng khóc: khóc cho đất nước và dân tộc, khóc vợ, khóc con, khóc bạn,... Tiếng khóc nào cũng xúc động, tê tái, nặng tình, nặng nghĩa. Riêng bài “Khó Dương Khuê” lại được viết bằng thể thơ song thất lục bát, lời khóc bạn càng trở nên thiết tha, não nùng, lúc thì nức nở, thảng thốt, lúc thì kể lể thở than,lúc thì phân trần, lúc thì trách móc, lời thơ thủ thỉ như nói với người còn sống, rất cảm động. Giọng thơ liền mạch, lời thơ tinh tế, biểu cảm đã thể hiện nghệ thuật vừa bình di, vừa điêu luyện.

Câu 6 (trang 18 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Phân tích tác dụng của một số biện pháp tu từ nổi bật trong bào Khóc Dương Khuê.

Trả lời:

Trong bài thơ "Khóc Dương Khuê" của Nguyễn Khuyến, tác giả đã khéo léo sử dụng các biện pháp tu từ như nói giảm, nhân hóa, và câu hỏi tu từ để bộc lộ tình cảm tiếc thương sâu sắc trước sự ra đi của người bạn thân.

- Biện pháp nói giảm nói tránh: Câu thơ "Bác Dương thôi đã thôi rồi!" không trực tiếp nói đến cái chết mà chỉ dùng cụm từ "thôi đã thôi rồi" để giảm đi sự đau đớn khi phải đối mặt với mất mát. Đây là cách thể hiện sự chấp nhận một sự thật đau buồn một cách nhẹ nhàng hơn, giúp tác giả nén bớt nỗi đau nhưng vẫn không giấu được sự xót xa khi mất đi một người bạn tri kỷ. Cách nói này làm dịu đi cảm giác đau thương, nhưng đồng thời cũng khiến nỗi buồn sâu lắng hơn.

- Biện pháp nhân hóa: Hình ảnh "Nước mây man mác" không chỉ là hình ảnh thiên nhiên mà còn mang dáng dấp của sự cảm thông với nỗi đau của con người. Việc nhân hóa nước mây như đang chia sẻ nỗi buồn của tác giả cho thấy sự mất mát này không chỉ làm con người đau khổ mà còn ảnh hưởng đến cả trời đất, như thể vũ trụ cũng đau lòng trước sự ra đi của Dương Khuê. Điều này càng làm tăng thêm chiều sâu của nỗi đau.

- Câu hỏi tu từ: Những câu hỏi tu từ ở đoạn cuối bài như "Làm sao bác vội về ngay; Vội vàng sao đã mải lên tiên" chứa đựng cảm giác bất ngờ, hụt hẫng và không thể tin vào sự ra đi đột ngột của bạn. Các câu hỏi này không nhằm mục đích tìm câu trả lời mà chỉ thể hiện nỗi niềm day dứt, tiếc nuối không nguôi. Đặc biệt, những câu hỏi ấy đã nhấn mạnh cảm giác trống vắng, lạc lõng của người ở lại. Sự hụt hẫng ấy lắng đọng trong từng câu chữ, khiến người đọc cảm nhận được nỗi buồn sâu thẳm của tác giả khi mất đi tri kỷ.

Nhờ sự kết hợp tinh tế giữa các biện pháp tu từ, Nguyễn Khuyến không chỉ thể hiện nỗi buồn mà còn tạo nên sự đồng cảm mạnh mẽ đối với người đọc về tình bạn sâu sắc, chân thành và sự mất mát không thể thay thế.

Câu 7 (trang 18 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Bài thơ Khóc Dương Khuê giúp em có thêm nhận thức gì về tình bạn trong cuộc sống?

Trả lời:

Bài thơ Khóc Dương Khuê của Nguyễn Khuyến là một tác phẩm cảm động và sâu sắc, được viết để tưởng nhớ người bạn đã khuất của tác giả. Qua bài thơ, em nhận thức sâu sắc hơn về giá trị của tình bạn tri kỷ, đồng thời khơi dậy trong em lòng trân trọng và ý thức giữ gìn những tình cảm quý báu với bạn bè mà mình đang có.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 9 sách Cánh diều hay, ngắn gọn khác:

Kiến thức ngữ văn trang 11

Sông núi nước Nam

Thực hành tiếng Việt trang 18

Phò giá về kinh

Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ

Phân tích một tác phẩm thơ

Nói và nghe: Nghe và nhận biết tính thuyết phục của một ý kiến

Tự đánh giá: Cảnh vui của nhà nghèo

Hướng dẫn tự học trang 31

1 55 01/12/2024