Soạn bài Chiếc lá cuối cùng (trang 99) - Ngắn nhất Ngữ văn 9 Cánh diều

Với soạn bài Chiếc lá cuối cùng trang 99 Ngữ văn lớp 9 Cánh diều sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 9.

1 711 01/12/2024


Soạn bài Chiếc lá cuối cùng

O’ hen-ri

1. Chuẩn bị

Yêu cầu (trang 99 sgk Ngữ văn 9 Tập 1):

- Đọc trước văn bản Chiếc lá cuối cùng và tìm hiểu thêm thông tin về tác giả O. Hen-ri.

- Tìm một số bài phân tích tác phẩm Chiếc lá cuối cùng và viết về tác giả O. Hen-ri.

- Em hiểu thế nào là lòng nhân ái, vị tha. Hãy tìm một câu chuyện về lòng nhân ái, vị tha để có thể kể trước lớp.

Trả lời:

* Thông tin về tác giả O. Hen-ri:

– O.Hen-ri (William Sydney Porter), sinh ngày11 tháng 9 năm 1862 – mất ngày 5 tháng 6 năm 1910, được biết đến với bút danh O. Henry. Tên lót của ông là Sidney, nhưng sau đó được đổi thành Sydney vào năm 1898.

– Nghề nghiệp: Nhà văn.

– Quê quán: tại Greensboro, Bắc Carolina, Hoa Kỳ.

– Gia đình: Cha ông là Algernon Sidney Porter (1825–1888), mẹ là Mary Jane Virginia Swaim Porter (1833–1865). Họ cưới nhau vào ngày 20 tháng 4 năm 1858. Mẹ ông qua đời vì bệnh lao khi ông mới 3 tuổi. Sau đó, Porter và cha chuyển về sống với bà nội.

– Ngay từ khi còn bé, O.Hen-ri đã tỏ ra rất ham đọc. Ông đọc mọi thứ mình có, từ các tác phẩm kinh điển cho tới tiểu thuyết rẻ tiền và ông theo học tại trường tư do người cô của mình, Evelina Maria Porter, làm hiệu trưởng cho đến năm 1876.

– Sau đó ông tiếp tục theo học ở trường trung học Lindsey Street dưới sự bảo trợ của cô mình tới năm 15 tuổi. Năm 1879, ông làm việc cho hiệu y dược của ông chú, và sau đó, năm 1881, khi 19 tuổi, ông lấy bằng dược sĩ.

– Tháng 3 năm 1882, khi bắt đầu có triệu chứng bệnh lao lây từ mẹ, O.Hen-ri được gửi đến sống trong một trang trại chăn nuôi ở Texas với hy vọng khí hậu nơi đồng nội giúp vượt qua cơn bệnh.

– Ông chuyển đến Austin năm 1884 và có một cuộc sống khá sôi nổi ở đây. Ông tham gia hát và cả diễn kịch. Thực ra, O.Hen-ri là một ca sĩ và cả nhạc sĩ giỏi. Ông có thể chơi cả guitar và mandolin.

– Ông qua đời một cách khổ sở tại Thành phố New York ngày 5 tháng 6 năm 1910 do bệnh lao cộng thêm chứng xơ gan.

– Năm 1919, Hội Nghệ thuật và Khoa học (Society of Arts and Sciences) thiết lập “Giải thưởng Tưởng niệm O. Henry” (O. Henry Memorial Awards), hàng năm trao cho những truyện ngắn xuất sắc.

- Truyện ngắn của O.Hen-ri nổi tiếng là dí dỏm, dễ hiểu, giàu tình cảm và luôn có những cái kết bất ngờ một cách khéo léo. Tình cảm của ông luôn hướng về những người nghèo, những người bất hạnh. Truyện ngắn của ông thường sâu sắc, cảm động và đầy chất thơ. Nhiều truyện ngắn của ông được xem là hay nhất thế giới và vẫn được xem là mẫu mực cho các nhà văn trẻ trong nhiều thập niên sau. Qua những tuyên ngôn nghệ thuật được phát biểu trực tiếp hoặc bằng lời người trần thuật hay bằng hình tượng nghệ thuật trong truyện ngắn, O.Hen-ri đã thể hiện quan niệm sáng tác của một nghệ sĩ hiện thực, một nghệ sĩ của tình thương yêu, đầy lòng nhân ái.

2. Đọc hiểu

* Nội dung chính:

Truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng đã xây dựng cốt truyện đặc sắc, cách sắp xếp chặt chẽ, đặc biệt là đảo ngược tình huống hai lần. Những đặc sắc đố đã thể hiện một cách thành công, cảm động, nhân văn câu chuyện về tình bạn, tình yêu thương giữa những con người với nhau. Qua văn bản, nhà văn muốn gửi bức thông điệp: Hãy luôn thắp sáng ngọn lửa của khát khao hi vọng hãy luôn yêu thương, mang nghệ thuật phục vụ con người, nghệ thuật chân chính lâu bền nhất là nghệ thuật hướng tới con người và vì con người.

Soạn bài Chiếc lá cuối cùng (trang 99) - Ngắn nhất Ngữ văn 9 Cánh diều (ảnh 1)

O. Hen-ri (1862 - 1910), Mỹ

* Trả lời câu hỏi giữa bài:

Câu 1 (trang 99 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Giôn-xi mong muốn điều gì?

Trả lời:

Giôn-xi mong muốn kéo tấm rèm lên để nhìn cây thường xuân bên bức tường gạch.

Cô hy vọng có thể thấy cây thường xuân vẫn còn lá. Điều này thể hiện sự mong mỏi sống của cô, vì cây thường xuân trở thành biểu tượng của sức sống và hy vọng trong hoàn cảnh khó khăn của cô.

Câu 2 (trang 100 sgk Ngữ văn 9 Tập 1):Chiếc lá cuối cùng” có ý nghĩa như thế nào với Giôn-xi?

Trả lời:

Chiếc lá cuối cùng có ý nghĩa rất lớn đối với Giôn-xi. Trong tình trạng sức khỏe yếu và tinh thần suy sụp, chiếc lá cuối cùng trên cây thường xuân trở thành biểu tượng của sự sống và hy vọng. Sự tồn tại của chiếc lá là nguồn động lực và niềm tin để Giôn-xi chiến đấu với căn bệnh của mình, giúp cô không hoàn toàn từ bỏ hy vọng và tiếp tục cuộc sống.

Câu 3 (trang 100 sgk Ngữ văn 9 Tập 1):Chuyến đi xa xôi bí ẩn” muốn chỉ điều gì?

Trả lời:

Cụm từ “chuyến đi xa xôi bí ẩn” trong tác phẩm muốn chỉ cái chết. Đó là một cách nói tránh về sự ra đi của một người.

Câu 4 (trang 100 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Hình dung thái độ và tình cảm của Giôn-xi khi thấy “chiếc lá cuối cùng vẫn còn đó”.

Trả lời:

Khi thấy “chiếc lá cuối cùng vẫn còn đó,” Giôn-xi chắc chắn sẽ cảm thấy bất ngờ và ngỡ ngàng. Cô không ngờ rằng sau đêm mưa bão dữ dội, chiếc lá vẫn bám trụ trên cây một cách ngoan cố. Sự hiện diện của chiếc lá như một phép màu, tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho cô, làm cô cảm nhận được rằng hy vọng vẫn còn tồn tại. Sự kiên cường của chiếc lá truyền cảm hứng cho Giôn-xi, giúp cô vượt qua cảm giác tuyệt vọng và khôi phục niềm tin vào cuộc sống.

Câu 5 (trang 101 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Suy luận: Vì sao Giôn-xi bình phục?

Trả lời:

Giôn-xi bình phục vì cô đã tìm thấy niềm hy vọng và khát khao sự sống từ chiếc lá quật cường còn bám trụ trên cây. Sự hiện diện của chiếc lá đã tiếp thêm động lực cho cô, giúp cô phục hồi tinh thần và khôi phục niềm tin vào cuộc sống. Nhờ đó, cô bắt đầu ăn cháo, uống sữa và mong muốn ra ngoài, điều này phản ánh sự thay đổi tích cực trong tâm lý và sức khỏe của cô, góp phần vào quá trình hồi phục.

Câu 6 (trang 101 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Sự việc cụ Bơ-men mất tạo nên điều bất ngờ gì?

Trả lời:

Điều bất ngờ là cụ Bơ-men mất vì đã hy sinh để tạo nên chiếc lá thường xuân cuối cùng trong đêm mưa bão. Cụ Bơ-men đã âm thầm và dũng cảm vẽ chiếc lá để thắp lên niềm hy vọng sống cho Giôn-xi, mặc dù chính việc làm đó đã khiến cụ mắc bệnh và qua đời. Sự hy sinh của cụ Bơ-men không chỉ là một hành động cao cả mà còn là một tình tiết bất ngờ, làm sáng tỏ tấm lòng và sự quan tâm sâu sắc của cụ đối với Giôn-xi.

Câu 7 (trang 101 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Kết thúc truyện giúp người đọc hiểu ra điều gì?

Trả lời:

Kết thúc truyện giúp người đọc hiểu rằng chiếc lá cuối cùng mặc dù chỉ là một bức tranh nhưng nó là một kiệt tác thực sự. Điều này không chỉ vì sự khéo léo của nghệ thuật mà còn vì nó được tạo nên từ tình yêu thương, lòng nhân hậu, và mong ước về khát vọng sống cho con người của cụ Bơ-men. Chiếc lá không chỉ là một biểu tượng của sự sống và hy vọng mà còn là minh chứng cho sức mạnh của lòng nhân ái và sự hy sinh. Từ sự hi sinh của cụ Bơ-men, người đọc nhận thấy rằng những hành động nhỏ bé nhưng đầy tình cảm có thể tạo ra những ảnh hưởng to lớn và có giá trị sâu sắc đối với cuộc sống của người khác.

* Trả lời câu hỏi cuối bài:

Câu 1 (trang 103 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Tóm tắt truyện trong khoảng 5-7 dòng. Nhan đề Chiếc lá cuối cùng có liên quan như thế nào đến nội dung câu chuyện?

Trả lời:

- Tóm tắt:

Truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng kể về nhân vật chính là Giôn - xi, cô bị mắc chứng bệnh sưng phổi và tuyệt vọng trước cuộc sống. Giôn-xi tự nhủ rằng chừng nào chiếc lá cuối cùng trên cây thường xuân ở phía bên ngoài cửa sổ kia rụng xuống thì cũng là lúc cô ra đi, từ bỏ cuộc sống. Khi biết được ý nghĩ đó thì cụ Bơ men - người thuê phòng ở tầng dưới, cũng là một họa sĩ già - đã vẽ nên kiệt tác chiếc lá cuối cùng trong đêm mưa bão để Giôn xi có niềm tin vào cuộc sống. Cụ đã qua đời và Giôn xi lấy lại được hi vọng khi tưởng rằng chiếc lá đó là thật. Hình ảnh chiếc lá như một “kiệt tác” bởi cụ Bơ men đã vẽ bằng cả tấm lòng mình.

- Ý nghĩa nhan đề tác phẩm Chiếc lá cuối cùng của O. Hen-ri:

Nhan đề Chiếc lá cuối cùng liên quan đến chi tiết quan trọng nhất, là chi tiết then chốt để tạo nên tình huống hấp dẫn của truyện: Giôn-xi ốm nặng và luôn nghĩ khi chiếc lá cuối cùng của cây thường xuân rụng thì cô cũng từ biệt cuộc sống nên hằng ngày, cô bắt Xiu kéo bức mành lên để nhìn chiếc lá cuối cùng ấy.

Câu 2 (trang 101 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Truyện được kể ở ngôi thứ mấy? Dẫn ra và phân tích tác dụng của một số lời người kể chuyện và lời nhân vật.

Trả lời:

- Truyện được kể ở ngôi thứ ba

- Một số lời người kể chuyện và lời nhân vật:

+ Lời người kể chuyện:

Ví dụ: “Khi hai người lên trên gác thì Giôn-xi đang ngủ. Xiu kéo tấm mành mành xuống che kín cửa sổ và ra hiệu cho cụ Bơ-men sang buồng bên cạnh. Sang đến nơi, họ sợ sệt ngó ra ngoài cửa sổ, nhìn cây thường xuân. Rồi họ nhìn nhau một lát, chẳng nói năng gì”.

-> Tường thuật lại câu chuyện, miêu tả khung cảnh và các nhân vật một cách khái quát

+ Lời nhân vật:

Ví dụ: lời của Giôn-xi: “Em thật là một con bé hư, chị Xiu thân yêu ơi.”, “Em cứ tưởng là nhất định trong đêm vừa qua nó đã rụng. Em nghe thấy gió thổi. Hôm nay nó sẽ rụng thôi và cùng lúc đó thì em sẽ chết.” …

lời của Xiu: “Em thân yêu, thân yêu!”, “Em hãy nghĩ đến chị, nếu em không còn muốn nghĩ đến mình nữa. Chị sẽ làm gì đây?”…

- Tác dụng: Những lời kể ấy đã cho thấy suy nghĩ và tâm trạng nhân vật rất sinh động.

Câu 3 (trang 101 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Tình huống truyện có gì hấp dẫn? Kết thúc truyện có gì độc đáo? Nếu Xiu và Giôn-xi biết cụ Bơ-men sẽ vẽ chiếc lá trên tường thì câu chuyện có còn hấp dẫn không? Vì sao?

Trả lời:

- Tác giả đã xây dựng hai tình huống truyện đặc sắc, đảo ngược tình huống hai lần:

Tình huống trong truyện là tình huống đảo ngược. Tình huống đảo ngược trước tiên diễn ra với nhân vật Giôn – xi. Hoàn cảnh túng thiếu lại ốm nặng, cô luôn tự nói với mình rằng cô sẽ không sống lâu nữa và khi cây thường xuân rụng hết lá cô cũng chết.Thấy thân cây chỉ còn vài chiếc lá Giôn-xi và Xiu đều nghĩ rằng ngày mai sẽ chẳng còn chiếc lá nào bám trên cành cây nữa. Vì vậy, Xiu cũng đã vô cùng tuyệt vọng. Cô không còn gì để khuyên Giôn-xi trước thái độ quả quyết của cô ấy. Nếu ai đọc cũng đều nghĩ cứ cố chấp như vậy Giôn-xi sẽ chết. Nhưng cũng vào đúng cái lúc người đọc tin rằng lá thường xuân rụng hết thì một tình huống bất ngờ đã làm đảo lộn mọi dự đoán.

Sự đảo ngược tình huống còn diễn ra đối với cụ Bơ-men. Khác Giôn-xi, lâu nay, cụ vẫn khỏe mạnh. Thế mà, thật bất ngờ, hai ngày sau khi Giôn-xi hồi sinh, cụ lại ra đi cũng bởi căn bệnh viêm phổi. Bơ-men chết, người ta mới hiểu hết tấm lòng cao thượng của người nghệ sĩ đã thất bại trong đường đời.

- Truyện kết thúc ở việc Xiu kể cho Giôn-xi nghe về cái chết của cụ Bơ-men và chiếc lá cuối cùng cụ vẽ trên tường trong đêm mưa gió là một dụng ý nghệ thuật của tác giả. Có thể nói, khoảng lặng ấy diễn tả được rất thành công nỗi xúc động không nói nên lời của Giôn-xi - một người từ cõi chết trở về nhờ chiếc lá của một ông già - người đã lấy cả mạng sống của mình để mang lại hi vọng và sự sống hồi sinh cô.

- Nếu Xiu và Giôn-xi biết cụ Bơ-men sẽ về chiếc lá trên tường thì câu chuyện không còn hấp dẫn vì Giôn-xi sẽ không cảm thấy chiếc lá kia ngoan cường và không còn được truyền động lực thức tỉnh nữa.

Câu 4 (trang 102 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Phân tích tâm trạng của Giôn-xi qua hai lần yêu cầu "kéo mành lên". Vì sao "chiếc lá cuối cùng” đã giúp Giôn-xi hồi sinh?

Trả lời:

- Tâm trạng của Giôn-xi qua lần thứ hai yêu cầu "kéo mành lên":

+ Suy nghĩ, lời nói: “Em thật là một con bé hư, chị xiu thân yêu ơi”, “Có một cái gì đấy đã làm cho chiếc lá cuối cùng vẫn còn đó để cho em thấy rằng mình đã tệ như thế nào. Muốn chết là một tội…cho em xin một tí cháo và một chút sữa … cho em chiếc gương…em ngồi dậy xem chị nấu nướng”, “…một ngày nào đó em hi vọng sẽ được vẽ vịnh Na-plơ..

+ Hành động: ra lệnh kéo mành lên, nằm nhìn chiếc lá hồi lâu,

=> Tâm trạng hoàn toàn thay đổi, cô đã mong muốn được sống, ăn uống và làm việc. Sự hồi sinh đã trở lại.

- "Chiếc lá cuối cùng” đã giúp Giôn-xi hồi sinh vì:

+ Cô thấy hình ảnh chiếc lá thường xuân giàu sức sống sau đêm mưa bão.

+ Giôn-xi không muốn phụ tấm lòng yêu thương của Xiu, cụ Bơ-men.

Câu 5 (trang 102 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Nếu là Giôn-xi, em sẽ có suy nghĩ, cảm xúc như thế nào khi nghe Xiu kể lại sự việc cụ Bơ-men đã qua đời vì sưng phổi sau đêm vẽ “chiếc là cuối cùng"?

Trả lời:

+ Nếu là Giôn-xi, em không nói được gì, nghẹn ngào xúc động vì tình thương bao la của cụ Bơ-men. Tình cảm đó đã giúp cho một người từ cõi chết trở về. Cụ đã lấy cả mạng sống của mình để mang lại hi vọng và sự sống hồi sinh.

+ Nếu là Giôn-xi, em sẽ cảm thấy rất đau lòng, xúc động và áy náy trước nguyên nhân cụ Bơ-men qua đời. Và sau đó sẽ cố gắng sống thật tốt để không uổng phí cơ hội sống mà cụ đã đem lại.

Câu 6 (trang 102 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Vì sao "chiếc lá cuối cùng" mà cụ Bơ-men vẽ lại được coi là một "kiệt tác"? Theo em, truyện nhằm gửi đến người đọc thông điệp gì?

Trả lời:

- "Chiếc lá cuối cùng" mà cụ Bơ-men vẽ lại được coi là một "kiệt tác" vì:

+ Hình ảnh “Chiếc lá” được coi là một kiệt tác vì: Thứ nhất là một bức vẽ đẹp hoàn hảo, giống thật đến nỗi cả Giôn-xi và Xiu đều bị nhầm tưởng đó là chiếc lá thường xuân thật đang cố bám níu trên bức tường gạch; Thứ hai, điều quan trọng bởi nó đã cứu sống được Giôn-xi, đã mang lại nghị lực, khát vọng được sống cho cô họa sĩ trẻ đáng thương. Sau bao nhiêu gió bão, chiếc lá vẫn kiên cường bám trên bức tường gạch khiến cho Giôn-xi hiểu ra mình cần phải mạnh mẽ để sống tiếp; Thứ ba, Chiếc lá cuối cùng được đánh đổi bằng chính tính mạng của cụ Bơ-men. Cụ đã vẽ nó với hi vọng mang lại điều kì diệu. Kiệt tác “Chiếc lá cuối cùng” ấy chính là biểu hiện cao đẹp nhất cho tấm lòng nhân hậu, đức hi sinh, lòng vị tha của cụ Bơ-men, cũng như tình yêu thương giữa những con người.

+ Cái chết của Bơ men thật là cao cả. Cụ không chỉ thương xót, mà đã tìm ra cách để chữa căn bệnh nguy hiểm trong tư tưởng Giôn-xi, Cụ Bơ -men làm việc thầm lặng dưới ngọn đèn bão tuyết. Trong đêm mưa rét ấy, một kiệt tác đã hoàn thành, kịp thời thay thế cho chiếc lá vừa rung. Cái chết lặng lẽ, sự hi sinh thầm lặng. Cụ Bơ - men đã chết nhưng tác phẩm kiệt xuất của cụ vẫn sống mãi trong lòng các thế hệ bạn đọc. Cụ chính là biểu tượng của nghệ thuật vị nhân sinh cao cả.

- Thông điệp của truyện:

+ Nghệ thuật đích thực là nghệ thuật vì con người, phục vụ và mang lại niềm tin, hi vọng để cứu giúp con người, kể cả những người dã tuyệt vọng.

+ Tình yêu thương cao cả giữa những con người đã thắp sáng tâm hồn, trái tim, đem lại nghị lực sống cho con người đang tuyệt vọng.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 9 sách Cánh diều hay, ngắn gọn khác:

Kiến thức ngữ văn trang 76

Làng

Ông lão bên chiếc cầu

Thực hành tiếng Việt trang 90

Thực hành đọc hiểu: Chiếc lược ngà

Viết: Phân tích một tác phẩm truyện

Nói và nghe: Thảo luận về một vấn đề đáng quan tâm trong đời sống

Tự đánh giá: Những con cá cờ

Hướng dẫn tự học trang 112

1 711 01/12/2024