Soạn bài Kiến thức ngữ văn trang 3 lớp 9 Tập 2 - Ngắn nhất Ngữ văn 9 Cánh diều

Với soạn bài Kiến thức ngữ văn trang 3 Tập 2 Ngữ văn lớp 9 Cánh diều sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 9.

1 63 01/12/2024


Soạn bài Kiến thức ngữ văn trang 3 Tập 2

1. Truyện truyền kì và truyện trinh thám

- Truyện truyền kì là loại văn xuôi tự sự có nguồn gốc từ Trung Quốc, kể về những chuyện kì ảo, trong đó, cốt truyện thường được xây dựng dựa trên những câu chuyện trong dân gian hoặc trong cuộc sống. Nhân vật chính chủ yếu là những người bình dân, người trí thức, quan lại, thương nhân, ca nữ,… Có một số nhân vật như thần, phật, vua, quan, ma quỷ,... nhưng cũng được khắc hoạ ở phương diện con người cá nhân, đời thường, … Điểm nổi bật ở truyện truyền kì là sử dụng yếu tố kì ảo nhưng nội dung của truyện lại thường là những vấn đề của đời sống nhân sinh (hạnh phúc gia đình, tình yêu nam nữ,…). Không gian, thời gian, sự việc, con người,… có sự kết hợp giữa những chi tiết có thật với không có thật. Trong truyện, không gian cõi trần và cõi âm, con người và thánh thần, ma quỷ có sự hoà trộn, kết nối. Con người có thể chết đi, sống lại, khi ở dương gian, lúc ở địa phủ; có thể “phiêu diêu trong thế giới ảo huyền ở cả bốn cõi không gian… và hành trình trong thời gian phi tuyến tính”.

- Truyện trinh thám là truyện viết về việc điều tra, khám phá các vụ án hoặc những bí mật cần được đưa ra ánh sáng. Truyện thường bắt đầu bằng một sự việc bất ngờ hoặc tình huống gay cấn (ví dụ: án mạng, mất tích, mất trộm,…), kế đó là diễn biến căng thẳng, kịch tính để rồi tất cả được giải quyết ở phần cuối của câu chuyện. Đó cũng là thời điểm sự thật được hé lộ, bản chất của sự việc được phơi bày và những kẻ gây án sẽ bị vạch trần, bắt giữ hoặc thậm chí bị tiêu diệt. Nhân vật chính của truyện trinh thám thường là các thám tử hoặc điều tra viên. Nhìn chung, họ là những người có khát vọng truy tìm sự thật, dám đấu tranh cho lẽ phải, kiên quyết chống lại cái ác, cái xấu; đặc biệt, họ có óc quan sát tinh tường, rất giàu trí tưởng tượng, biết tìm kiếm, kết nối, tổng hợp thông tin và giỏi phán đoán, suy luận lô gích.

2. Biến đổi và mở rộng cấu trúc câu

- Biến đổi cấu trúc câu là thay đổi kiểu cấu tạo câu mà không làm thay đổi cơ bản nghĩa của câu. Sự biến đổi cấu trúc câu của câu thường nhằm mục đích nhấn mạnh ý, tăng cường sự liên kết câu hoặc làm cho cách diễn đạt phong phú, sinh động hơn. Các kiểu biến đổi cấu trúc câu thường gặp là:

+ Thay đổi trật tự các thành phần trong câu. Ví dụ, chuyển vị ngữ lên trước chủ ngữ: “Hạ Long vào buổi sớm mùa xuân thật huyền ảo. Giữa màn sương bạc mông lung, nhô lên thấp thoáng những đỉnh đảo xanh đen, bồng bềnh lúc ẩn, lúc hiện.” (Thi Sảnh)

+ Biến đổi câu chủ động (câu có chủ ngữ chỉ chủ thể của hoạt đông tác động vào đối tượng) thành câu bị động (câu có chủ ngữ chỉ đối tượng của hoạt động). Ví dụ: “Chất đã hất đổ cái lọ thuỷ tinh từ trên bàn xuống đất.” (Trần Đức Tiến) => Cái lọ thuỷ tinh đã bị Chất hất đổ từ trên bàn xuống đất.

- Mở rộng cấu trúc câu là thêm thành phần phụ, thành phần biệt lập cho câu hoặc mở rộng các thành phần câu nhằm biểu thị rõ ràng, chính xác nội dung cần diễn đạt hoặc thể hiện các sắc thái tình cảm, sự đánh giá của người nói (người viết) đối với sự vật, sự việc được nói đến trong câu. Ví dụ, trong câu “Mùa đông, giữa ngày mùa, làng quê toàn màu vàng…” (Tô Hoài), trạng ngữ (in đậm) được thêm vào để nêu rõ bối cảnh (thời gian) của đặc điểm (toàn màu vàng) mà tác giả miêu tả ở vị ngữ.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 9 sách Cánh diều hay, ngắn gọn khác:

Chuyện người con gái Nam Xương

Vụ cải trang bất thành

Thực hành tiếng Việt trang 17

Dế chọi

Viết: Viết truyện kể sáng tạo

Nói và nghe: Kể một câu chuyện tưởng tượng

Tự đánh giá: Gói thuốc lá

Hướng dẫn tự học trang 32

1 63 01/12/2024