Soạn bài Yên Tử, núi thiêng (trang 91) - Ngắn nhất Ngữ văn 9 Kết nối tri thức

Với soạn bài Yên Tử, núi thiêng trang 91 Ngữ văn lớp 9 Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 9.

1 112 15/11/2024


Soạn bài Yên Tử, núi thiêng

* Trước khi đọc

Câu 1 (trang 91 SGK Ngữ văn 9 Tập 2): Khi đi tham quan hay du lịch, em có thường tìm hiểu trước về nơi sắp đến không? Nếu có, loại tài liệu em quan tâm tìm đọc, xem, nghe là gì?

Trả lời:

- Trước khi đi tham quan du lịch, em hay tìm hiểu trước về nơi sắp đến.

- Em thường tìm hiểu thông tin qua báo chí, phim ảnh hay những bài viết của mọi người đã từng đến thăm địa điểm đó.

Câu 2 (trang 91 SGK Ngữ văn 9 Tập 2): Kể tên một số danh lam thắng cảnh có di tích lịch sử mà em đã đến hoặc đã biết.

Trả lời:

- Một số danh lam thắng cảnh có di tích lịch sử em đã đến hoặc đã biết là:

+ Chùa Một Cột (Hà Nội)

+ Di tích nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội)

+ Cố đô Huế

+ Địa đạo Củ Chi (Sài Gòn)

* Đọc văn bản

1. Theo dõi: Có điểm gì đáng chú ý trong cách tác giả nêu cảm nhận chung và đánh giá khái quát về đối tượng được giới thiệu?

- Không gian núi thiêng Yên Tử được khắc họa hùng vĩ bằng những chi tiết ấn tượng như “giữa những cánh cung núi trùng điệp”, “Đông Bắc mênh mông”, “cao 1 068 m”, “vút lên chon von tựa một vọng gác”, “một nơi ngoạn mục”.

2. Theo dõi: Người viết cho biết điều gì về tọa độ không gian của núi thiêng Yên Tử?

- Núi thiêng Yên Tử được đặt trong tọa độ không gian sau:

+ Thuộc thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.

+ Cách trung tâm thành phố 14km về phía tây bắc.

+ Đi ngược trục đường 18A 40 km từ Hòn Gai.

3. Hình dung: Vẻ đẹp của lối vào Yên Tử đã được miêu tả bằng những chi tiết, hình ảnh nào?

- Vẻ đẹp của lối vào Yên Tử được miêu tả bằng những hình ảnh, chi tiết:

+ Đoạn đường từ Lán Tháp vào Yên Tử dài 9 km, đi giữa lòng thung lũng dài và hẹp, giới hạn bởi dãy núi Cánh Gà ở phía nam, Bảo Đài ở phía bắc, thoạt trông như những thành quách cổ xưa.

+ Những khu vườn xum xuê cây ăn quả: vải, nhãn, mận, đào, mùa nào thức ấy, những mảnh ruộng mía thân tím thẳng tắp, nối tiếp hai bên đường.

+ Suối Giải Oan trong veo, chảy ngoằn ngoèo trong thung lũng, trên nền đá cuội và sỏi trắng, cắt con đường từ Lán Tháp vào Yên Tử 9 đoạn, khiến du khách ngỡ là 9 con suối khác nhau.

+ Hai bên bờ suối, hoa dành dành và hoa bướm vàng rộm.

+ Đây đó có những khóm hoa hải đường chen với hoa thủy tiên đang nở bung những cánh mỏng phớt tím.

4. Liên hệ: Trong một văn bản giới thiệu về danh lam thắng cảnh, việc cung cấp những thông tin mang tính lịch sử có ý nghĩa gì?

- Trong một văn bản giới thiệu về danh lam thắng cảnh, việc cung cấp những thông tin mang tính lịch sử giúp tô đậm thêm những giá trị văn hóa của danh thắng đó.

- Ngoài ra, việc này còn giúp cho du khách biết được lịch sử hình thành của địa danh đó, đồng thời thúc đẩy lòng yêu nước, niềm tự hào và hứng thú khám phá cho họ.

5. Suy luận: Những thông tin mở rộng về đạo Phật và các vị chân tu cần thiết như thế nào đối với một văn bản giới thiệu núi thiêng Yên Tử?

- Núi thiêng Yên Tử gắn với sự hình thành và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm, là một trong ba trung tâm Phật giáo Việt Nam. Do đó, việc đưa vào văn bản giới thiệu về núi thiêng Yên Tử những thông tin mở rộng về đạo Phật là vô cùng cần thiết, là một cách nhấn mạnh những giá trị văn hóa của Yên Tử.

* Sau khi đọc

Nội dung chính: Văn bản Yên Tử, núi thiêng đã đem đến cho người đọc những tri thức về cảnh quan Yên Tử và các giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh đặc sắc của địa danh này.

Soạn bài Yên Tử, núi thiêng (trang 91) - Ngắn nhất Ngữ văn 9 Kết nối tri thức (ảnh 1)

Câu 1 (trang 94 SGK Ngữ văn 9 Tập 2): Yên Tử, núi thiêng thuộc loại văn bản gì? Em căn cứ vào đâu để xác định như vậy?

Trả lời:

- Yên Tử, núi thiêng thuộc loại văn bản thông tin giới thiệu về một danh lam thắng cảnh.

- Em căn cứ vào các đặc điểm về tiêu đề (tên địa danh), nội dung (thuyết minh về các đặc điểm của địa danh đó), thông tin (các nội dung về đặc điểm địa lí, lịch sử, văn hóa, tâm linh của Yên Tử) trong văn bản để xác định.

Câu 2 (trang 94 SGK Ngữ văn 9 Tập 2): Văn bản được bố cục như thế nào? Nêu nội dung cụ thể từng phần trong bố cục và chỉ ra mạch kết nối các nội dung đó?

Trả lời:

- Bố cục văn bản được chia thành 4 phần:

+ Phần 1 (từ đầu đến quyến rũ du khách bốn phương): Giới thiệu tổng quát về núi thiêng Yên Tử.

+ Phần 2 (từ Yên Tử ngày nay thuộc thành phố Uông Bí đến mong chóng đến nơi mà mình mơ ước): Vẻ đẹp của lối vào Yên Tử và tâm trạng của du khách đến với nơi đây.

+ Phần 3 (từ Tên xa xưa của Yên Tử là Núi Voi đến chính là Phù Vân quốc sư): Lịch sử hình thành và phát triển của núi thiêng Yên Tử.

+ Phần 4 (còn lại): Những giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh của núi thiêng Yên Tử.

- Mạch kết nối văn bản đi từ khái quát vị trí đến lịch sử hình thành, từ vẻ đẹp cảnh quan đến những giá trị tinh thần sâu sắc. Từ đó mang đến cho người đọc cái nhìn tổng quát và toàn diện nhất về một địa danh của đất nước.

Câu 3 (trang 94 SGK Ngữ văn 9 Tập 2): Căn cứ vào nội dung văn bản, cho biết những lí do chính khiến Yên Tử được nhìn nhận là “núi thiêng”.

Trả lời:

- Những lí do chính khiến Yên Tử được nhìn nhận là “núi thiêng”:

+ Có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời.

+ Là một trong ba trung tâm Phật giáo lớn của Việt Nam, gắn với sự hình thành của Thiền phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông đặt nền móng.

+ Là nơi tu tập của nhiều vị thiền sư, vừa như chốn thần tiên lại hết sức gắn bó với con người.

Câu 4 (trang 94 SGK Ngữ văn 9 Tập 2): Nhận xét về tỉ lệ của các đoạn miêu tả và dẫn tư liệu lịch sử trong văn bản (tỉ lệ như thế nào, có hợp lí không và thể hiện ý tưởng gì của tác giả).

Trả lời:

- Trong văn bản, các đoạn miêu tả và dẫn tư liệu lịch sử có tỉ lệ cân đối, tương xứng và được sắp xếp hợp lí (đi từ miêu tả phong cảnh đến khắc họa những giá trị lịch sử).

- Tỉ lệ này thể hiện cái nhìn toàn diện của tác giả về núi thiêng Yên Tử và đem đến cho người đọc những hiểu biết trọn vẹn, đầy đủ nhất.

Câu 5 (trang 94 SGK Ngữ văn 9 Tập 2): Liệt kê những chi tiết thể hiện cách giải thích tên gọi của một số vị trí và di tích trong quần thể du lịch tâm linh Yên Tử. Việc giải thích đó đáp ứng yêu cầu gì của loại văn bản giới thiệu một cảnh quan?

Trả lời:

- Những chi tiết thể hiện cách giải thích tên gọi của một số vị trí và di tích trong quần thể du lịch tâm linh Yên Tử:

+ Tên xa xưa của Yên Tử là Núi Voi, bởi dáng núi giống hình con voi quay đầu về phía biển.

+ Tên khác là Bạch Vân Sơn - núi mây trắng.

- Việc giải thích này đảm bảo đưa đến những nội dung tri thức khái quát, khách quan và dễ hiểu nhất cho người đọc.

Câu 6 (trang 94 SGK Ngữ văn 9 Tập 2): Yếu tố biểu cảm đã được tác giả sử dụng như thế nào? Yếu tố đó đóng vai trò gì trong việc làm tăng tính hấp dẫn của văn bản?

Trả lời:

- Yếu tố biểu cảm được sử dụng khi nói về cảnh quan Yên Tử: một nơi ngoạn mục, chùa tháp uy nghi, quyến rũ du khách, như chốn thần tiên,…

- Yếu tố biểu cảm được sử dụng khi nói về giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh của Yên Tử: là ngọn núi thiêng, chốn tu hành tuyệt đỉnh của những người mộ đạo, nơi trung tâm náo nhiệt của Phật giáo Trúc Lâm,…

- Yếu tố biểu cảm góp phần định hướng cảm xúc của người đọc với núi thiêng Yên Tử, gợi lên sự hứng thú, niệm kính ngưỡng, tự hào trong họ.

Câu 7 (trang 94 SGK Ngữ văn 9 Tập 2): Nêu tác dụng của việc đưa sơ đồ khu di tích Yên Tử vào văn bản. Theo em, vì sao những sơ đồ thuộc loại này thường được hiệu chỉnh qua các lần công bố khác nhau?

Trả lời:

- Tác dụng của việc đưa sơ đồ di tích vào văn bản:

+ Cung cấp thông tin để người đọc có cái nhìn tổng quan về các địa điểm của di tích.

+ Chỉ dẫn du khách tham quan.

- Những sơ đồ thuộc loại này thường được hiệu chỉnh qua các lần công bố vì:

+ Có thể có sự thay đổi về địa hình do ảnh hưởng của tự nhiên, của thời gian.

+ Có thể xuất hiện thêm những địa điểm mới do quá trình khai quật, khám phá, trùng tu.

+ Đem đến thông tin gần nhất và chính xác nhât.

* Viết kết nối với đọc

Câu hỏi (trang 95 SGK Ngữ văn 9 Tập 2): Viết đoạn văn (khoảng 7-9 câu) đánh giá về khả năng gợi lên niềm đam mê khám phá thắng cảnh, di tích Yên Tử của văn bản Yên Tử, núi thiêng.

Trả lời:

Văn bản “Yên Tử, núi thiêng” đã gợi lên trong người đọc niềm đam mê khám phá thắng cảnh, di tích Yên Tử. Thoạt đầu, văn bản cung cấp những thông tin cơ bản nhất về danh thắng. Sau đó, tác giả đã đưa người đọc làm một chuyến du ngoạn ngắn trên lối vào Yên Tử để ngắm cảnh đất trời đẹp đẽ và hòa mình vào với không khí hăm hở của du khách đến với “nơi mà mình mơ ước”. Không chỉ dừng lại ở cảnh sắc bên ngoài, “Yên Tử, núi thiêng” còn khắc họa được những giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh của địa danh linh thiêng này. Yên Tử nguy nga hiện lên, như minh chứng cho nơi ra đời một trung tâm náo nhiệt của Phật giáo Trúc Lâm, nơi quy tụ bao người tu hành mộ đạo. Qua văn bản, Yên Tử vừa như một chốn thần tiên, lại hết sức gần gũi với cuộc sống con người. Vì vậy, có thể thấy, văn bản “Yên Tử, núi thiêng” không chỉ cung cấp thông tin về di tích Yên Tử, mà còn có tác dụng gợi lên niềm đam mê khám phá và có khả năng thu hút du khách đến với nơi này.

1 112 15/11/2024