Soạn bài Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (kịch) (trang 132) - Ngắn nhất Ngữ văn 9 Kết nối tri thức

Với soạn bài Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (kịch) trang 132 Ngữ văn lớp 9 Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 9.

1 2,227 13/11/2024


Soạn bài Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (kịch)

* Yêu cầu

- Giới thiệu khái quát về tác phẩm kịch (tên tác phẩm, tên tác giả, thể loại), nêu được nhận định chung về tác phẩm.

- Làm rõ được nội dung chủ đề của tác phẩm.

- Phân tích được những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm kịch (cốt truyện, nhân vật, hành động, xung đột, lời thoại,...) và hiệu quả thẩm mĩ của chúng; tập trung vào một số yếu tố nghệ thuật nổi bật nhất của tác phẩm.

- Triển khai được hệ thống luận điểm chặt chẽ; sử dụng lí lẽ, bằng chứng xác đáng từ tác phẩm kịch để làm sáng tỏ ý kiến nêu trong bài viết.

- Khẳng định được ý nghĩa, giá trị của tác phẩm.

* Phân tích bài viết tham khảo

Văn bản: Phân tích vở bi kịch Yêu Ly của Lưu Quang Thuận

1. Giới thiệu tác phẩm, tác giả; nêu nhận định chung về tác phẩm

- Giới thiệu tác phẩm: trong số những vở kịch ra đời ở thời kì trước năm 1945, Yêu Ly của tác giả Nguyễn Quang Thuận được coi là một tác phẩm tiêu biểu cho thể loại bi kịch.

- Nhân định chung về tác phẩm: vở kịch lấy đề tài từ lịch sử Trung Quốc nhưng đã nói được những vấn đề chung của con người ở mọi thời đại.

2. Tóm tắt cốt truyện kịch

- Vở kịch viết về nhân vật Yêu Ly, một hàn sĩ ở ẩn, sống trong thời đại loạn, ước mơ có cơ hội thi thố tài năng làm nên sự nghiệp lớn. Ngũ Tử Tư – quân sư nước Ngô, tìm gặp Yêu Ly và bày tỏ lòng ngưỡng mộ của mình đối với y. Ngũ Tử Tư đã kể cho Yêu Ly nghe về kế hoạch bình thiên hạ của mình. Kế hoạch muốn thành công cần loại trừ Khánh Lỵ, một đối thủ của Ngô vương. Cảm kích trước tấm lòng tri ngộ và bị thuyết phục bởi mưu đồ việc lớn của Ngũ Tử Tư, Yêu Ly quyết góp công thực hiện việc hạ thủ Khánh Lỵ. Y đã dùng khổ nhục kế như sai giết vợ con, tự chặt cánh tay trái của mình rồi chạy sang nước Vệ xin thờ Khánh Lỵ, để lấy lòng tin của Khánh Lỵ và được Khánh Lỵ trọng dụng, bàn cách đánh quân Ngô. Thừa lúc cùng Khánh Kỵ huấn luyện thủy quân tập trận, Yêu Ly đâm chết Khánh Kỵ rồi tự kết án mình và tự sát.

3. Chỉ ra chủ đề của vở bi kịch

- Chủ đề của vở bi kịch: ý nghĩa sự tồn tại của con người trong các mối quan hệ và giá trị của những mối quan hệ ấy (gia đình, cá nhân, lí tưởng, sự nghiệp, nghĩa và tình, ân và oán,…).

4. Phân tích xung đột kịch và nêu bằng chứng

- Xung đột kịch:

+ Là xung đột giữa các giá trị, theo đó, sự lựa chọn giá trị này cũng là sự phá vỡ giá trị khác.

+ Xung đột trong bi kịch thường dẫn đến những tổn thất ghê gớm do không thể điều hòa giữa các mặt đối nghịch.

- Bằng chứng:

+ Vở kịch Yêu Ly có sự xung đột quyết liệt giữa những giá trị ngang bằng: một bên là tình vợ chồng, cha con với một bên là khát vọng lập công của đấng nam nhi; một bên là thân thể cha sinh mẹ dưỡng, tình tri kỉ với một bên là ý chí phụng sự minh chủ.

5. Phân tích hành động kịch và nêu bằng chứng

- Hành động kịch: nhân vật chủ động lựa chọn những giá trị mà mình coi trọng đã thúc đẩy hành động kịch phát triển.

- Bằng chứng: Yêu Ly vừa là người chiến thắng vừa là kẻ chiến bại, vừa là người có tội vừa không có tội. Yêu Ly thực hiện thành công mưu đồ hành thích Khánh Kỵ, song, chính lúc đó, nhân vật tự nhận ra sự thảm bại của con người mình: trở thành kẻ bất nhân, bất trí, bất tín.

6. Phân tích nội tâm nhân vật và nêu bằng chứng

- Nội tâm nhân vật: trong bi kịch thường diễn ra sự xung đột trong nội tâm nhân vật.

- Bằng chứng: ở phần cuối vở kịch khắc họa sâu sắc bi kịch nội tâm của Yêu Ly, tác giả đã diễn tả nỗi dằn vặt của nhân vật qua lời độc thoại: “Điều bất tín sẽ truyền lưu miệng thế./ Trong kiếp sống thử còn chi đáng kể?”.

7. Khẳng định ý nghĩa, giá trị của vở kịch

- Qua sự xung đột giữa lí tưởng và đạo đức cùng nỗi đau đớn của con người, chúng ta cảm nhận sâu sắc hơn về các mối quan hệ đời sống, tự nhận ra đâu là điều chúng ta cần coi trọng và lựa chọn.

- Vở kịch không chỉ là câu chuyện của những cá nhân ở một thời xa xôi của lịch sử. Nó còn hiển hiện một tình thế mà nhân loại phải đối mặt trong suốt hành trình tồn tại của mình.

* Thực hành viết theo các bước

1. Trước khi viết

a. Lựa chọn đề tài

- Liệt kê một số kịch bản văn học em đã học hoặc đã đọc.

- Bài viết tham khảo phân tích một vở bi kịch. Tuy nhiên, em có thể chọn một vở kịch hay trích đoạn kịch thuộc bất kì thể loại nào.

b. Tìm ý

Dựa vào những đặc trưng thể loại của vở kịch, hãy xác định những phương diện cần phân tích:

- Xác định nội dung chủ đề qua xung đột kịch: Hãy đọc tóm tắt nội dung vở kịch (nếu có); tìm kịch bản trọn vẹn để đọc kĩ các chi tiết; theo dõi nội dung các hồi, diễn biến các sự kiện; xác định nội dung xuyên suốt tác phẩm và vấn đề mà tác phẩm đặt ra. Chủ đề vở kịch toát ra từ xung đột kịch được thể hiện trong kịch bản.

- Xác định các phương diện đặc trưng của thể loại kịch: Xem lại tri thức ngữ văn trong các bài học về kịch ở lớp 8 và lớp 9 để nắm vững đặc trưng các thể loại kịch. Từ đó, phát hiện một số đặc điểm nổi bật của thể loại thể hiện qua kịch bản mà em chọn.

- Chọn một số phương diện nổi bật của văn bản kịch để đi sâu phân tích: Căn cứ vào kịch bản em chọn, xác định một hoặc một số phương diện nổi bật ở vở kịch (hành động, lời thoại, nhân vật,…). Tiến hành khai thác các chi tiết quan trọng, xâu chuỗi các chi tiết để có những đánh giá khái quát về tác phẩm.

- Xác định hiệu quả thẩm mĩ của văn bản kịch: Nếu một vở hài kịch, hiệu quả thẩm mĩ của nó là tạo tiếng cười công phá những cái xấu để khẳng định cái đẹp, cái tốt, cái tiến bộ. Nếu là một vở kịch, hiệu quả thẩm mĩ của nó là sự thanh lọc tâm hồn, khiến con người qua nỗi khiếp sợ, xót thương mà tự nâng mình lên, hướng đến những giá trị nhân văn như tình yêu lứa đôi, tình cảm gia đình, tình yêu nước, yêu lí tưởng, đạo nghĩa,…

c. Lập dàn ý

Em hãy sắp xếp các ý tìm được thành một dàn ý.

Dàn ý

Mở bài

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm; nêu nhận định chung về tác phẩm kịch.

Thân bài

- Phân tích nội dung chủ đề của tác phẩm, có lí lẽ và bằng chứng.

- Phân tích những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm (xung đột, hành động, cốt truyện, nhân vật, lời thoại,…) và hiệu quả thẩm mĩ của chúng có lí lẽ và bằng chứng.

Kết bài

- Khẳng định ý nghĩa, giá trị của tác phẩm.

2. Viết bài

Khi viết bài các em cần chú ý:

- Dựa vào dàn ý để triển khai bài viết. Trong khi viết cần kết hợp các thao tác trình bày khác nhau: phân tích, giải thích, nêu nhận định, đánh giá, so sánh,…

- Phân tích chi tiết cụ thể hoặc nêu một số chi tiết rồi đưa ra nhận định khái quát. Cần tránh kể lại nội dung tác phẩm kịch.

- Có thể bố trí các luận điểm chính của bài lần lượt theo các đặc điểm của thể loại kịch hoặc đi sâu vào đặc điểm nổi bật nhất, từ đó liên hệ với các đặc điểm còn lại.

* Bài viết tham khảo

Lưu Quang Vũ là một trong những cây bút sáng giá của sân khấu kịch Việt Nam. Các tác phẩm của ông thường đề cập đến các vấn đề xã hội, mang những thông điệp triết lí nhân văn sâu sắc về cuộc sống và con người. Trong số đó, vở kịch Hồn Trường Ba, da hàng thịt được xem là một trong những tác phẩm thành công nhất của ông. Thông qua nhân vật chính Trương Ba, Lưu Quang Vũ đã khéo léo phản ánh những khổ đau, bất hạnh mà con người phải gánh chịu trong xã hội.

Câu chuyện xoay quanh nhân vật chính Trương Ba, một người đàn ông tốt bụng, chính trực và có lương tâm. Tuy nhiên, thay vì siêu thoát như mọi người, linh hồn của Trương Ba lại vô tình nhập vào xác của người hàng thịt. Sống bằng thân xác hàng thịt Trương Ba dần mất đi giá trị tinh thần cao quý mà ông từng có. Dần dần, ông bắt đầu tiếp thu những thói quen xấu và những nhu cầu vốn xa lạ đối với ông. Con trai Trương Ba ngày càng coi thường và không tôn trọng cha mình. Còn vợ, con dâu và cháu nội của Trương Ba dần dần xa lánh và không còn gắn bó với ông nữa. Trước hoàn cảnh bị đát ấy, Trương Ba quyết định trả lại thân xác cho người hàng thịt và không chấp nhận nhập vào thân xác nào khác. Mà thay vào đó, ông lựa chọn cái chết để giữ gìn và bảo vệ những giá trị tinh thần cao quý, lương thiện của chính mình.

Tấn bi kịch của Trương Ba liên quan đến những vấn đề triết lí sâu sắc về cuộc sống, về nhân tính, về thiện – ác, về sự lựa chọn và trách nhiệm của con người. Trước đây, Trương Ba là một người chân chất, sống trong sạch, ngay thẳng, không có tham vọng lớn. Nhưng nay hồn Trương Ba lại phải nương nhờ xác hàng thịt và phải nghe theo sự sắp đặt của cái xác. Vì phải sống nhờ vào xác hàng thịt mà Trương Ba dần đánh mất đi đức tính ngay thẳng, trong sạch và chính trực của mình.

Linh hôn Trương Ba bị giam cầm trong xác hàng thịt, khiến Trương Ba vô cùng đau khổ và tuyệt vọng. Trương Ba quyết tâm giải thoát linh hồn mình khỏi sự bó buộc của xác hàng thịt với hi vọng được sống một cuộc đời tự do, được là chính mình và giữ được bản chất cao đẹp vốn có của mình. Nhưng đớn đau thay, chính vì quyết định này mà cuộc đấu tranh giữa hồn và xác trở nên gay gắt, khi Trương Ba tìm cách bứt ra khỏi sự kiểm soát của thể xác phàm tục. Xác hàng thịt cười nhạo Trương Ba một cách hả hê vì biết rằng mong muốn của Trương Ba sẽ không bao giờ thực hiện được. Trương Ba nổi giận khinh bỉ và mắng chửi xác thịt hèn hạ, nhưng trong sâu thẳm cũng cảm thấy vô vọng trước nghịch cảnh mà mình đang lâm vào. Cuối cùng, Trương Ba chẳng thể làm gì khác ngoài việc miễn cưỡng nhập trở lại vào thân xác đầy ràng buộc này, trong tuyệt vọng.

Đỉnh điểm của bi kịch, Trương Ba không thể chịu đựng được sự thối nát của thân xác này nên đã quyết định gọi mời tiên Đế Thích xuống trần để thực hiện mong muốn của mình. Sau cuộc đối thoại đầy căng thẳng giữa hồn Trương Ba và tiên Đế Thích, Trương Ba trả lại thân xác thối nát cho hàng thịt và chấp nhận cái chết để linh hồn được trong sạch và không bị vấy bẩn bởi lòng tham và sự độc ác. Việc làm này, thể hiện sự phản kháng, đấu tranh vì nhân phẩm của con người, đồng thời tố cáo sự tham lam, vô nhân tính và sự bất công trong xã hội.

Một điểm đáng chú ý trong vở kịch là cách tác giả xây dựng hình tượng nhân vật Trương Ba. Trương Ba là một người bình thường, chân chất, không có tham vọng lớn, chỉ mong muốn sống an nhàn, hạnh phúc. Tuy nhiên, khi nhập vào xác hàng thịt, Trương Ba đã trở thành người phán xét, người biện hộ cho lẽ phải. Điều này một mặt thể hiện sức mạnh của lương tâm, của tiếng nói chân chính, mặt khác cũng nêu lên câu hỏi về bản chất đích thực của con người.

Bên cạnh đó, cách xây dựng và phát triển các tình tiết, các mâu thuẫn trong vở kịch cũng rất thông minh và sáng tạo. Xung đột giữa Trương Ba và xác hàng thịt lại không chỉ đơn thuần là xung đột giữa người tốt và kẻ xấu, mà còn là cuộc đối thoại giữa lương tâm và tham vọng, giữa cái thiện và cái ác trong mỗi con người.

Vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt đã giúp chúng ta hiểu ra rằng có cơ hội được sống làm người là một điều vô cùng may mắn. Tuy nhiên, sống chân thành với chính mình và thực hiện trọn vẹn những lí tưởng mình theo đuổi mới là điều có ý nghĩa sâu sắc. Đồng thời, mỗi chúng ta phải luôn tôn trọng phẩm giá và những giá trị cao quý của mỗi con người. Như vậy, Hồn Trương Ba, da hàng thịt là một tác phẩm có giá trị nghệ thuật và ý nghĩa nhân văn sâu sắc, xứng đáng là một kiệt tác trong nền văn học Việt Nam.

3. Chỉnh sửa bài viết

Đối chiếu bài viết của em với yêu cầu của bài nghị luận phân tích một tác phẩm kịch và dàn ý đã lập để chỉnh sửa. Nên lưu ý một số điểm như sau:

- Nêu đầy đủ thông tin về tác giả, tác phẩm.

- Nếu bài viết chưa làm rõ được những phương diện chính của kịch bản thì cần làm rõ.

- Những ý kiến đánh giá, nhận xét về hiệu quả thẩm mĩ của tác phẩm cần phù hợp với vở kịch được phân tích.

1 2,227 13/11/2024