Soạn bài Trình bày ý kiến về một vấn đề có tính thời sự trong đời sống của lứa tuổi học sinh hiện nay (trang 82) - Ngắn nhất Ngữ văn 9 Kết nối tri thức

Với soạn bài Trình bày ý kiến về một vấn đề có tính thời sự trong đời sống của lứa tuổi học sinh hiện nay trang 82 Ngữ văn lớp 9 Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 9.

1 501 13/11/2024


Soạn bài Trình bày ý kiến về một vấn đề có tính thời sự trong đời sống của lứa tuổi học sinh hiện nay

* Hướng dẫn:

Bước 1: Trước khi nói

- Em có thể tìm đề tài từ thực tế đời sống của lứa tuổi học sinh, từ trải nghiệm cá nhân hoặc tham khảo một số vấn đề sau: sự xung đột giữa các thế hệ trong gia đình, bạo lực học đường, “ném đá” tập thể trên mạng xã hội, sử dụng ngôn ngữ dung tục trong giao tiếp với bạn bè,…

- Em chuẩn bị nội dung bài nói bằng cách trả lời một số câu hỏi như:

+ Lí do lựa chọn vấn đề trình bày là gì?

+ Có thể dùng những lí lẽ, bằng chứng nào để thuyết phục người nghe đồng tình với ý kiến của mình về vấn đề được bàn?

+ Cần đưa ra những hướng giải quyết nào cho vấn đề đó?

+ Việc bàn luận về vấn đề này có ý nghĩa như thế nào?

Bước 2: Trình bày bài nói

Mở bài

- Giới thiệu vấn đề, có thể giới thiệu trực tiếp hoặc gián tiếp bằng cách chia sẻ một trải nghiệm cá nhân hoặc kể một câu chuyện.

Triển khai

- Nêu ngắn gọn lí do lựa chọn vấn đề.

- Trình bày ý kiến về vấn đề. Chú ý sử dụng các lí lẽ và bằng chứng làm cơ sở cho ý kiến của mình, ưu tiên những trải nghiệm cá nhân và những sự thật mà người nghe có thể kiểm chứng được.

- Nêu giải pháp khả thi để giải quyết vấn đề.

Sử dụng ngôn ngữ cơ thể và điều chỉnh ngữ điệu nói cho phù hợp với nội dung trình bày.

Kết thúc

- Khẳng định ý nghĩa của việc bàn luận về vấn đề.

Bước 3: Sau khi nói

Trao đổi về bài nói theo một số gợi ý sau:

Người nghe

Người nói

Trao đổi về bài nói với tinh thần xây dựng và tôn trọng:

· Nêu câu hỏi về những điểm còn băn khoăn xoay quanh vấn đề.

· Bày tỏ sự đồng tình, chia sẻ hoặc đưa ra ý kiến phản biện quan điểm của người nói (đặc biệt là những ý kiến liên quan đến cách giải quyết vấn đề).

· Nhận xét, đánh giá về nội dung và cách trình bày bài nói.

Tiếp thu và phản hồi ý kiến của người nghe với thái độ lịch sự và tinh thần cầu thị:

· Làm rõ những vấn đề mà người nghe yêu cầu giải thích.

· Trao đổi về những ý kiến mà người nghe nêu lên nhằm chia sẻ hoặc phản biện.

· Lắng nghe ý kiến nhận xét, đánh giá của người nghe để rút kinh nghiệm, hoàn thiện kĩ năng chuẩn bị và trình bày bài nói.

Bài nói tham khảo:

Chào các bạn, tên tớ là Nguyễn Hồng Nhung, học sinh lớp 9A, trường Trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm. Hôm nay mình sẽ trình bày ý kiến về vấn đề bạo lực học đường – một trong những vấn đề nóng hổi và cần được can thiệp càng sớm càng tốt.

Bạo lực học đường đang trở thành nỗi lo lắng ngày càng lớn của các bậc phụ huynh, nhà trường và toàn xã hội.

Trong những năm gần đây, tình trạng bạo lực diễn ra ngày càng phổ biến và nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của lứa tuổi học sinh. Sự gia tăng của các vụ việc bạo lực học đường như đánh nhau, bắt nạt, thậm chí là gây thương tích đang diễn ra không chỉ giữa học sinh với nhau mà còn liên quan đến cả nhân viên trong nhà trường. Những hành vi này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe và an toàn của học sinh mà còn gây ra những hậu quả tiêu cực về mặt tâm lí, xã hội và kết quả học tập của các em.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường có thể đến từ nhiều yếu tố khác nhau. Một số trường hợp, các em học sinh bị ảnh hưởng bởi các mô hình hành vi bạo lực từ gia đình, cộng đồng hoặc các phương tiện truyền thông. Bên cạnh đó, sự quản lí, giám sát và can thiệp kịp thời từ nhà trường và gia đình cũng chưa đủ mạnh để ngăn chặn các hành vi này.

Hậu quả của bạo lực học đường là rất nghiêm trọng. Các em có thể gặp phải những tổn thương về thể chất, tinh thần, ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe, sự phát triển và kết quả học tập. Điều này khiến các em mất niềm tin vào bản thân, sự an toàn và sự gắn kết với nhà trường, từ đó có thể dẫn đến những hành vi lệch chuẩn và tiêu cực khác. Bạo lực học đường cũng ảnh hưởng rất lớn đến môi trường học tập, gây ra sự lo lắng, bất an và làm suy giảm chất lượng giáo dục chung.

Để giải quyết vấn đề bạo lực học đường, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, nhà trường, gia đình và cộng đồng. Cần có những chính sách, biện pháp can thiệp hiệu quả nhằm ngăn chặn và xử lí nghiêm các hành vi bạo lực, đồng thời tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền và hướng dẫn các em học sinh về cách ứng xử, tương tác lành mạnh. Chỉ khi có sự chung tay của tất cả các bên liên quan, chúng ta mới có thể xây dựng được một môi trường học tập an toàn, lành mạnh cho thế hệ trẻ.

Thông qua vấn nạn bạo lực học đường, chúng ta thấy rằng việc xây dựng một xã hội an toàn, văn minh là trách nhiệm của tất cả mọi người. Mỗi cá nhân cần có ý thức trách nhiệm, chung tay góp sức để ngăn chặn và loại bỏ hoàn toàn tình trạng bạo lực học đường, tạo dựng môi trường giáo dục lí tưởng cho thế hệ tương lai.

1 501 13/11/2024