Soạn bài Tri thức Ngữ Văn trang 88 lớp 9 Tập 1 - Ngắn nhất Ngữ văn 9 Kết nối tri thức

Với soạn bài Tri thức Ngữ Văn trang 88 Tập 1 Ngữ văn lớp 9 Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 9.

1 16 13/11/2024


Soạn bài Tri thức Ngữ Văn trang 88 Tập 1

1. Văn bản nghị luận viết về tác phẩm văn học

- Văn bản nghị luận văn học có thể bàn luận về nhiều đối tượng khác nhau, trong đó có tác phẩm văn học – trung tâm của hoạt động sáng tạo, kết nối tác giả với người đọc. Văn bản nghị luận viết về tác phẩm văn học là loại văn bản nhằm làm sáng tỏ các phương diện nội dung và hình thức của tác phẩm, thể hiện quan điểm, thái độ, cách đánh giá và kiến giải của người viết về tác phẩm. Vì vậy, nó cần được triển khai theo một hệ thống luận điểm rõ ràng, mạch lạc, dựa trên lí lẽ và bằng chứng thuyết phục. Những văn bản như thế không nhất thiết phải bàn luận một cách toàn diện về tác phẩm mà có thể đi sâu vào một hoặc một số khía cạnh nổi bật của tác phẩm.

2. Vai trò của người đọc và bối cảnh tiếp nhận đối với việc đọc hiểu văn bản

- Hoạt động đọc hiểu văn bản không thể thiếu nhân tố người đọc. Bằng sự tiếp nhận của mình, người đọc góp phần làm phong phú thêm ý nghĩa của tác phẩm văn học; tạo nên lịch sử tiếp nhận tác phẩm, tác động trở lại đối với hoạt động sáng tạo của nhà văn.

- Bối cảnh tiếp nhận tác phẩm bao gồm: bối cảnh thời đại, xã hội và hoàn cảnh riêng của mỗi cá nhân. Bối cảnh tiếp nhận có vai trò quan trọng, chi phối hoạt động tiếp nhận tác phẩm văn học, góp phần ảnh hưởng đến định hướng giá trị, trình độ tiếp nhận của người đọc. Mỗi thời đại hay mỗi xã hội đều có định hướng giá trị riêng, có mặt bằng trình độ tiếp nhận nhất định, những điều đó có ảnh hưởng đến từng cá nhân. Bối cảnh của cá nhân cũng chi phối sự tiếp nhận của người đọc, trong đó, hoàn cảnh sống, học tập của cá nhân và bối cảnh cụ thể tại thời điểm đọc đều ảnh hưởng đến tâm thế tiếp nhận.

3. Cách dẫn trực tiếp và cách dẫn gián tiếp

Cách dẫn trực tiếp

Sử dụng nguyên văn từ ngữ, câu, đoạn,... của một văn bản gốc vào bài viết, bài nói. Phần dẫn trực tiếp cần được đặt trong dấu ngoặc kép.

Cách dẫn gián tiếp

Sử dụng ý tưởng của người khác và diễn đạt lại theo cách của mình. Tuy được diễn đạt lại nhưng ý tưởng trong văn bản gốc cần được thể hiện một cách trung thành. Phần dẫn gián tiếp không được đặt trong dấu ngoặc kép.

4. Một số lưu ý về cách tham khảo, trích dẫn tài liệu

- Khi viết, chúng ta cần tìm kiếm ý tưởng, thông tin từ nhiều nguồn và đưa những ý tưởng, thông tin phù hợp vào bài viết theo cách dẫn trực tiếp hoặc gián tiếp. Ghi chủ nguồn đúng quy cách là yêu cầu bắt buộc để tránh bị coi là đạo văn. Nguồn của tài liệu tham khảo thương bao gồm thông tin về tác giả và xuất xứ văn bản gốc. Mức độ cụ thể của thông tin về nguồn trích dẫn tùy thuộc vào tính chất của văn bản, chẳng hạn, bài nghiên cứu khoa học chuyên sâu thì thông tin về nguồn trích dẫn cần đầy đủ hơn bài viết của học sinh.

1 16 13/11/2024