Soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết (trong đời sống xã hội) (trang 79) - Ngắn nhất Ngữ văn 9 Kết nối tri thức

Với soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết (trong đời sống xã hội) trang 79 Ngữ văn lớp 9 Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 9.

1 15 13/11/2024


Soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết (trong đời sống xã hội)

* Yêu cầu khi viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết (trong đời sống xã hội)

- Nêu được vấn đề cần giải quyết trong đời sống xã hội để bàn luận.

- Trình bày được bản chất, phạm vi tác động của vấn đề đối với đời sống xã hội (theo hướng tích cực hoặc tiêu cực), tổ chức thành hệ thống luận điểm chặt chẽ, sử dụng lí lẽ sắc bén, bằng chứng xác thực và tiêu biểu.

- Nêu được ý kiến trái chiều về vấn đề đời sống được bàn luận để phản bác một cách có cơ sở.

- Đề xuất được giải pháp khả thi để giải quyết những bất cập trong phạm vi vấn đề.

* Phân tích bài viết tham khảo

Văn bản: Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa của đất nước

- Nêu vấn đề nghị luận: Chúng ta có trách nhiệm bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của đất nước.

- Trình bày bản chất của vấn đề: Giải thích di sản văn hóa là gì, được tạo nên từ đâu, nhằm mục đích gì; lấy ví dụ về di sản văn hóa và khẳng định chứng tích của quá khứ đang hiện diện trong đời sống hôm nay ở bất cứ không gian nào.

+ Di sản văn hóa là toàn bộ giá trị văn hóa ẩn chứa trong những di sản vật thể và phi vật thể, gắn bó với cuộc sống của cộng đồng trong suốt chiều dài lịch sử.

+ Di sản văn hóa được tạo tác bởi bàn tay, khối óc của con người, nhằm phục vụ đời sống vật chất và tinh thần.

+ Nêu ví dụ về di sản văn hóa.

+ Ở bất cứ không gian sống nào, chứng tích của quá khứ thể hiện qua di sản cũng đang hiện diện trong đời sống hôm nay.

- Dùng lí lẽ và bằng chứng làm sáng tỏ luận điểm 1: Sự quý giá của di sản văn hóa.

+ Di sản văn hóa đại diện cho giá trị tinh thần, tạo nên bản sắc quốc gia, lấy ví dụ.

+ Di sản văn hóa giúp con người hiểu rõ hơn về lịch sử, truyền thống, bề dày kinh nghiệm thẩm mĩ, quan niệm đạo đức, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

+ Di sản văn hóa trở thành nguồn tài nguyên phát triển du lịch, lấy ví dụ.

+ Có những di sản vừa là báu vật quốc gia, vừa là vốn quý của cả nhân loại (di sản văn hóa thế giới do UNESCO công nhận).

- Dùng lí lẽ và bằng chứng làm sáng tỏ luận điểm 2: Thực trạng của việc bảo vệ di sản văn hóa hiện nay.

+ Nhiều công trình xuống cấp, hư hại, mất mát do điều kiện bên ngoài và ý thức bảo tồn của con người.

+ Có những nơi chú trọng lợi ích kinh tế nên xâm hại di sản.

+ Nêu và phản bác ý kiến trái chiều (đây là một ý của luận điểm 2):

· Nêu quan niệm sai lầm: Di sản phải được tôn tạo, làm mới để “vĩnh cửu hóa”.

· Phản bác: nêu nguyên nhân (thiếu hiểu biết), nêu biểu hiện (huy động tiền để “tôn tạo” theo hướng “hiện đại hóa”), nêu hậu quả (công trình lai căng, biến dạng, mất vẻ nguyên sơ)

+ Bày tỏ thái độ xót xa khi sách quý bị mục nát, hư hỏng, thất lạc.

+ Dự đoán: sẽ đến lúc những bảo vật hoàn toàn biến mất.

+ Nhấn mạnh việc bảo tồn di sản văn hóa là vấn đề có tính thời sự.

- Đề xuất giải pháp tăng cường bảo vệ di sản văn hóa:

+ Giữ gìn, phát huy và trao truyền cho thế hệ mai sau giá trị tinh thần, vật chất của cha ông không phải trách nhiệm của riêng ai.

+ Tác giả liệt kê cơ quan, tổ chức, tập thể, đơn vị đi kèm với những nhiệm vụ khác nhau trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.

+ Nhấn mạnh những gì liên quan, gần gũi với đời sống hằng ngày của mỗi người thì càng cần bảo vệ.

+ Nêu trách nhiệm của thế hệ trẻ, học sinh.

* Thực hành viết theo các bước

Bước 1: Trước khi viết

a. Lựa chọn đề tài

- Em cần chú ý phạm vi nội dung (vấn đề cần giải quyết trong đời sống xã hội), thu thập tư liệu từ các nguồn khác nhau. Có thể tham khảo một số vấn đề sau:

+ Bảo vệ, khôi phục rừng và trồng cây phủ xanh đồi trọc.

+ Công cuộc chuyển đổi số và vai trò của mỗi người

+ Giữ gìn nguồn nước cho hôm nay và mai sau.

+ Văn hóa giao thông và trách nhiệm của mỗi người.

+ Vai trò của thực phẩm sạch trong cuộc sống hằng ngày.

b. Tìm ý

- Để tìm ý cho bài viết, có thể đặt ra và trả lời một số câu hỏi sau:

- Vấn đề cần được giải quyết là gì?

- Ý kiến của em về vấn đề như thế nào?

- Có thể xuất hiện ý kiến nào trái ngược với ý kiến của người viết? Cần dùng những lí lẽ, bằng chứng nào để phản bác?

- Cần có giải pháp nào để giải quyết vấn đề?

c. Lập dàn ý

* Các ý đã tìm được chỉ mới tồn tại ở dạng liệt kê. Em cần lập dàn ý bằng cách sắp xếp những ý đó vào các phần theo trật tự hợp lí.

- Mở bài: Giới thiệu vấn đề cần giải quyết trong đời sống xã hội, nêu sự cần thiết phải bàn luận về vấn đề.

- Thân bài:

+ Trình bày ý kiến của bản thân về vấn đề, triển khai thành hệ thống luận điểm.

· Luận điểm 1: Bản chất của vấn đề đời sống được bàn luận, biểu hiện của vấn đề trong thực tế xã hội (dùng lí lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ).

· Luận điểm 2: Sự tác động của vấn đề đối với cá nhân, cộng đồng, đất nước theo hướng tích cực hoặc tiêu cực (dùng lí lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ).

· Luận điểm 3: Trách nhiệm của mỗi người trước vấn đề (dùng lí lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ).

·

+ Nêu ý kiến trái chiều và phản bác.

+ Đề xuất giải pháp có tính khả thi để giải quyết vấn đề.

- Kết bài: Khẳng định tầm quan trọng của việc nhận thức đúng và giải quyết thỏa đáng vấn đề nêu ra.

Bước 2: Viết bài

Khi viết bài, em cần chú ý:

- Bám sát yêu cầu của kiểu bài và dàn ý đã lập để triển khai các phần của bài viết.

- Rút kinh nghiệm từ việc viết bài văn nghị luận xã hội (ở các bài trước), từ việc đọc văn bản nghị luận ở bài học này cũng như qua tìm hiểu bài viết tham khảo, em cần vận dụng linh hoạt kĩ thuật viết các phần của bài văn.

- Có thể mở bài bằng lối trực tiếp (giới thiệu nhanh vấn đề nghị luận) hoặc gián tiếp (dùng một mẩu chuyện, một thông tin, một câu nói nổi tiếng hoặc nêu ý tương phản,… để dẫn đến vấn đề bàn luận).

- Khi triển khai các luận điểm của phần Thân bài, cần đặc biệt chú ý việc sử dụng lí lẽ và bằng chứng để tăng sức thuyết phục của bài văn nghị luận (quan sát cách trình bày lí lẽ và nêu bằng chứng ở các văn bản đọc và bài viết tham khảo để học tập cách viết).

- Kết bài nên liên hệ tới trách nhiệm của mỗi người trong việc giải quyết vấn đề.

* Bài viết tham khảo:

Mỗi ngày, khi thức dậy, bạn cần nước để đánh răng, rửa mặt. Lúc ăn uống, bạn cần nước để làm sạch và làm chín thực phẩm. Hoạt động nhiều khiến cơ thể bạn mệt mỏi, bạn uống nước để tìm lại trạng thái cân bằng... Con người không thể tồn tại nếu như không có nước. Điều quan trọng mà chúng ta cần làm đó là giữ gìn nguồn nước cho hôm nay và mai sau.

Nước uống được cung cấp cho gia đình mỗi chúng ta được lấy từ nguồn nước bề mặt hoặc nguồn nước ngầm. Nguồn nước mặt được lấy từ các con suối, sông, hồ hoặc hồ chứa. Nước ngầm được lấy từ nguồn dưới mặt đất, nơi nước tích tụ trong các mạch nước ngầm hoặc các tầng chứa nước. Nước ngầm được lấy bằng cách khoan giếng và dùng máy bơm để hút nước lên trên bề mặt. Như vậy, muốn sử dụng được nguồn nước an toàn, chúng ta phải bảo vệ các con suối, sông, hồ, giếng, môi trường dưới mặt đất.

Một người có thể nhịn ăn trong ba tuần mà vẫn sóng sót nhưng sẽ chết nếu không uống nước trong 3 – 4 ngày. Đối với cơ thể con người, nước giữ nhiệm vụ duy trì khả năng miễn dịch, tham gia vào quá trình tiêu hóa thức ăn và trao đổi chất, đào thải độc tố, đóng vai trò như chất bôi trơn,… Hầu hết các hoạt động sinh hoạt thường ngày của chúng ta đều cần có nước. Con người đã sống mà không có điện trong cả hàng nghìn năm nhưng sẽ sớm biến mất nếu như không còn nước. Mọi nền văn minh đều bắt nguồn từ những dòng sông: Ai Cập (sông Nile), Lưỡng Hà (giữa hai con sông Tigris và Euphrates, Trung Quốc (sông Hoàng Hà),…Ngày nay, nước vẫn giữ vai trò quan trọng trong sản xuất: dùng để tưới tiêu và thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp, là nguồn năng lượng đặc biệt để phát triển công nghiệp thủy điện, kiến tạo nên những kì quan hùng vĩ để con người làm giàu bằng du lịch – ngành công nghiệp không khói,… Sự quý giá của nước chính là không thể lượng giá được.

Đáng buồn thay, nguồn nước đang bị hủy hoại bởi con người. Số liệu thống kê của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) cho thấy hơn 60% nguồn nước trên các con sông của châu Á, châu Phi, châu Âu đang bị ô nhiễm. Tổ chức UNICEF cho biết, 5 quốc gia có tình trạng ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng nhất là Indonesia, Philippines, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam. Con người sử dụng nước ô nhiễm sẽ mắc các bệnh về da, dịch tả, thương hàn hay thậm chí là bại liệt vì các vi khuẩn trong nước. Các nguồn nước bị ô nhiễm sẽ dẫn đến các bệnh truyền nhiễm cho sinh vật trong nước và sống trên bờ. Nước bị ô nhiễm nặng hơn còn khiến thực vật chết đi, đất dễ bị cằn cỗi. Đặc biệt, xử lý nguồn nước bị ô nhiễm cực kỳ tốn kém. Các chất thải không thể tự phân hủy sẽ tích tụ và chảy vào các đại dương.

Chúng ta cần phải phòng chống cũng như xử lý nguồn nước bị ô nhiễm. Các doanh nghiệp, nhà máy phải đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tiên tiến, đúng quy định. Người nông dân cần hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Bạn có thể tiết kiệm nước bằng những hành động nhỏ như tắt vòi nước khi đang đánh răng, kiểm tra thường xuyên và bảo dưỡng các đường ống dẫn nước,… Theo quan niệm của các bà nội trợ: “Dầu ăn ở dạng lỏng, khi đổ xuống cống dầu sẽ theo nước mà trôi đi, không sợ bị tắc nghẽn”. Điều này tưởng chừng như hợp lý nhưng lại là nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm, cống nước bốc mùi hôi thối. Có nhiều cách tốt hơn để xử lý dầu ăn thừa: tái sử dụng, cho dầu ăn thừa vào túi nilon, chai nhựa, cho dầu ăn thừa vào tủ lạnh sau đó vứt đi, sử dụng vi sinh vật ăn mỡ, sử dụng sản phẩm cô động từ thực vật (cách xử lý dầu ăn thừa ở Nhật)… Nhà nước cần có các biện pháp thanh tra, xử phạt mạnh tay hơn đối với những trường hợp vi phạm quy định về xử lý rác thải. Thông qua các chiến dịch xã hội và các phong trào, chúng ta tuyên truyền, vận động để mọi người nâng cao ý thức, nhận thức rõ về mối hiểm nguy của tình trạng ô nhiễm môi trường nước.

Hãy thể hiện sự quý trọng nguồn nước qua từng hành động nhỏ, dần dần bạn sẽ hình thành nên thói quen và lối sống thân thiện với môi trường. Hãy giữ gìn nguồn nước cho hôm nay và mai sau bởi: Nguồn nước là nguồn sống.

Bước 3: Chỉnh sửa bài viết

Đọc bài viết thật kĩ, đặt câu hỏi để tự kiểm tra lại từng phần, từng khía cạnh và thao tác được sử dụng:

+ Vấn đề bàn luận có được nêu rõ ràng không?

+ Bản chất và từng khóa cạnh của vấn đề đã được làm rõ chưa? Bản thân có ý kiến như thế nào về vấn đề? Tầm quan trọng của vấn đề đối với đời sống xã hội có được làm nột bật không?

+ Thực trạng của vấn đề đã được nêu cụ thể chưa? Giải pháp đề xuất có tính khả thi không? Trách nhiệm của bản thân trong việc tham gia giải quyết vấn đề được nêu như thế nào?

+ Có nêu được ý kiến trái chiều để phản bác không? Nếu có, việc phản bác đã đủ cơ sở chưa?

+ Ở từng luận điểm, lí lẽ và bằng chứng được sử dụng như thế nào? Có đảm bảo sức thuyết phục không?

+ Bài viết có những lỗi nào về chính tả, diễn đạt (dùng từ, đặt câu, liên kết đoạn)?

+ Sau khi rà soát, nếu phát hiện thấy chỗ nào chưa đạt yêu cầu thì cần bổ sung, chỉnh sửa hoặc thay thế.

1 15 13/11/2024