Soạn bài Thảo luận về một vấn đề đáng quan tâm trong đời sống phù hợp với lứa tuổi (được gợi ra từ tác phẩm văn học) (trang 138) - Ngắn nhất Ngữ văn 9 Kết nối tri thức

Với soạn bài Thảo luận về một vấn đề đáng quan tâm trong đời sống phù hợp với lứa tuổi (được gợi ra từ tác phẩm văn học) trang 138 Ngữ văn lớp 9 Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 9.

1 131 13/11/2024


Soạn bài Thảo luận về một vấn đề đáng quan tâm trong đời sống phù hợp với lứa tuổi (được gợi ra từ tác phẩm văn học)

1. Trước khi thảo luận

- Ở bài này, có thể tổ chức thảo luận theo hai vòng.

+ Vòng 1: Thảo luận vấn đề trong nhóm.

+ Vòng 2: Thảo luận vấn đề trong phạm vi lớp.

- Để chuẩn bị cho thảo luận ở vòng 1, cần chia lớp thành các nhóm và phân công người chủ trì, thư kí cho thảo luận trong phạm vi lớp ở vòng 2.

- Các nhóm cần thống nhất lựa chọn vấn đề thảo luận dựa trên nội dung những tác phẩm văn học đã học hoặc đã đọc; trước hết là những tác phẩm vừa được học trong bài 5, sau đó có thể mở rộng tìm thêm đề tài từ các tác phẩm ngoài phạm vi bài 5, lựa chọn một vấn đề đời sống được gợi ra từ tác phẩm mà nhiều người quan tâm. Một số đề tài gợi ý:

+ Vẻ đẹp của tình yêu (Rô-mê-ô và Giu-li-ét).

+ Danh dự và bổn phận của mỗi người (Lơ Xít).

+ Cách ứng xử của con người trước những tai hoạ, mất mát, nghịch cảnh (Bí ẩn của làn nước).

- Mỗi người cần nắm nội dung khái quát và các chi tiết trong tác phẩm có liên quan đến vấn đề lựa chọn, suy nghĩ về vấn đề và ghi lại ý kiến của mình để chuẩn bị tham gia thảo luận.

2. Thảo luận

- Vòng 1: Thảo luận vấn đề trong nhóm. Mỗi thành viên phát biểu ý kiến theo chỉ định của người chủ trì. Thư kí ghi chép nội dung các ý kiến thảo luận. Sau khi kết thúc thảo luận trong nhóm, mỗi nhóm cử đại diện tham gia thảo luận ở vòng 2.

- Vòng 2: Thảo luận vấn đề trong phạm vi lớp.

+ Người chủ trì nêu vấn đề thảo luận đã được thống nhất và giới thiệu trước lớp, mời đại diện các nhóm tham gia thảo luận.

+ Đại diện mỗi nhóm trình bày dựa trên kết quả thảo luận nhóm đã thực hiện ở vòng 1. Khi đại diện của mỗi nhóm phát biểu, các thành viên trong lớp lắng nghe, ghi chép nội dung ý kiến; dự kiến các ý kiến hoặc câu hỏi để tham gia thảo luận.

+ Sau khi nghe đại diện các nhóm phát biểu hết một lượt, dưới sự điều hành của người chủ trì, các thành viên trong lớp nêu ý kiến góp ý hoặc đặt câu hỏi cho bất kì đại diện của nhóm nào; đại diện các nhóm trao đổi, trả lời.

+ Thư kí ghi chép nội dung các ý kiến thảo luận thành biên bản.

+ Kết thúc cuộc thảo luận, người chủ trì tổng kết các nội dung chính đã thảo luận; khẳng định ý nghĩa của việc thảo luận về vấn đề đáng quan tâm trong đời sống được gợi ra từ tác phẩm văn học; cảm ơn sự đóng góp của các thành viên tham gia.

* Bài nói tham khảo

Xin chào tất cả các bạn, tớ tên là Nguyễn Hương Giang. Tớ đại diện cho Nhóm 1 trình bày ý kiến về vấn đề Vẻ đẹp của tình yêu dựa trên kết quả thảo luận nhóm đã được thực hiện ở vòng 1.

Vẻ đẹp của tình yêu là một chủ đề rất thú vị và có ý nghĩa trong văn học cũng như trong cuộc sống. Tình yêu là một chủ đề phổ biến và được nhiều tác giả lớn khám phá và miêu tả dưới nhiều góc độ khác nhau. Trong văn học, chúng ta có thể tìm thấy nhiều tác phẩm tiêu biểu về tình yêu như Rô-mê-ô và Giu-li-ét (Sếch-xpia), Mắt biếc (Nguyễn Nhật Ánh),… Các tác phẩm này đều phản ánh và tôn vinh vẻ đẹp, sức mạnh của tình yêu.

Đầu tiên, điều làm nên vẻ đẹp của tình yêu là sự thấu hiểu, chia sẻ và gắn kết giữa hai con người. Tình yêu chân thành là khi cả hai người đều cảm thấy được lắng nghe, được chấp nhận, được quan tâm và trân trọng. Tiếp theo, là sự hi sinh và vượt qua khó khăn vì người mình yêu. Trong tình yêu, việc sẵn sàng đưa ra những quyết định khó khăn, hi sinh cái tôi vì người kia là biểu hiện của một tình cảm cao quý. Cuối cùng, là niềm hạnh phúc, sự bình yên và trọn vẹn mà tình yêu mang lại. Khi yêu, con người thường cảm thấy an toàn, được sống với chính mình và người mình yêu. Nhờ có tình yêu mà mỗi con người có thể vượt qua được chính mình và trở nên tốt đẹp hơn.

Tuy nhiên, tình yêu cũng không phải lúc nào cũng hoàn hảo. Nó cũng có những khó khăn, thử thách và đôi khi kết thúc một cách đau khổ. Nhưng chính những khía cạnh ấy cũng góp phần tô điểm thêm vẻ đẹp của tình yêu. Nhờ vậy, mà chúng ta mới thật sự trân trọng và biết ơn niềm hạnh phúc khi tình yêu được trọn vẹn.

Đây chính là quan điểm của nhóm tớ về Vẻ đẹp của tình yêu. Chúng tớ rất mong nhận được những nhận xét và góp ý từ các bạn và thầy (cô) giáo. Tớ xin chân thành cảm ơn!

3. Đánh giá

- Đánh giá ý nghĩa của việc thảo luận về vấn đề; chất lượng các ý kiến phát biểu.

- Trao đổi, rút kinh nghiệm về cách sử dụng kết hợp ngôn ngữ nói, ngôn ngữ cơ thể và các phương tiện hỗ trợ; cách tổ chức, điều hành buổi thảo luận.

1 131 13/11/2024