Soạn bài B. LUYỆN TẬP TỔNG HỢP (trang 144) - Ngắn nhất Ngữ văn 9 Kết nối tri thức

Với soạn bài B. LUYỆN TẬP TỔNG HỢP trang 144 Ngữ văn lớp 9 Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 9.

1 11 13/11/2024


Soạn bài B. LUYỆN TẬP TỔNG HỢP

Với các phiếu học tập sau đây, em sẽ có điều kiện vận dụng các kiến thức đã ôn tập ở trên để luyện tập tổng hợp các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe.

PHIẾU HỌC TẬP SỐ 1

1. ĐỌC

a. Đọc văn bản

b. Thực hiện các yêu cầu

* Chọn phương án đúng (làm vào vở)

Câu 1 (trang 144 sgk Ngữ văn lớp 9 Tập 1): Những dấu hiệu nào cho thấy đoạn trích mang đặc điểm của thể thơ song thất lục bát?

A. Ngôn ngữ được tác giả sử dụng trong đoạn trích.

B. Số tiếng trong các câu thơ và cách hiệp vần giữa các câu thơ liền nhau.

C. Các biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong đoạn trích.

D. Những cung bậc cảm xúc được nhà thơ thể hiện trong đoạn trích

Trả lời:

- Đáp án: B

Câu 2 (trang 144 sgk Ngữ văn lớp 9 Tập 1): Cách hiệp vần nào được sử dụng trong đoạn trích trên?

A. Tất cả các câu liền nhau đều hiệp vần với nhau.

B. Chỉ có một số câu liền nhau hiệp vần với nhau.

C. Chỉ có các cặp lục bát hiệp vần với nhau.

D. Chỉ có các cặp câu bảy tiếng hiệp vần với nhau.

Trả lời:

- Đáp án: A.

Câu 3 (trang 144 sgk Ngữ văn lớp 9 Tập 1): Trạng thái cảm xúc gì của nhà thơ được thể hiện trong hai câu thơ: Làm sao bác vội về ngay,/ Chợt nghe tôi bỗng chân tay rụng rời?

A. Bình tĩnh, thản nhiên.

B. Thảng thốt, hụt hẫng.

C. Tuyệt vọng, sợ hãi.

D. Cô đơn, thương mình.

Trả lời:

- Đáp án: B.

Câu 4 (trang 144 sgk Ngữ văn lớp 9 Tập 1): Trong hai câu thơ: Ai chẳng biết chán đời là phải/ Vội vàng sao đã mải lên tiên, biện pháp tu từ nào đã được sử dụng?

A. So sánh.

B. Nói quá.

C. Nhân hóa.

D. Nói giảm nói tránh.

Trả lời:

- Đáp án: D.

Câu 5 (trang 144 sgk Ngữ văn lớp 9 Tập 1): Nhận định nào nêu đúng nội dung chính của đoạn trích?

A. Đoạn trích nói về những kỉ niệm thời trẻ của tác giả với bạn.

B. Đoạn trích thể hiện sự bi quan của tác giả trước một sự việc đau thương.

C. Đoạn trích là tiếng lòng bi thiết của tác giả khi nghe tin bạn quý vừa mất.

D. Đoạn trích cho thấy nhận thức của tác giả về quy luật tất yếu của đời người.

Trả lời:

- Đáp án: C

* Trả lời câu hỏi

Câu 1 (trang 144 sgk Ngữ văn lớp 9 Tập 1): Tâm trạng của tác giả được thể hiện như thế nào trong đoạn trích?

Trả lời:

- Tâm trạng của tác giả được thể hiện qua đoạn trích:

+ “chân tay rụng rời”.

+ “thương”.

=> Buồn thương, tiếc nuối, đau xót khi mất người bạn tri âm, tri kỉ.

Câu 2 (trang 144 sgk Ngữ văn lớp 9 Tập 1): Những biểu hiện nào cho thấy tình cảm sâu nặng giữa tác giả và người bạn của mình?

Trả lời:

- Những biểu hiện cho thấy tình cảm sâu nặng giữa tác giả và người bạn của mình:

+ Tác giả gọi người bạn là “bác”.

+ “cầm tay hỏi hết gần xa”.

+ “lấy nhớ làm thương”.

+ “tuổi già hạt lệ như sương”.

+ “hai hàng chứa chan”.

Câu 3 (trang 145 sgk Ngữ văn lớp 9 Tập 1): Chỉ ra các từ láy được sử dụng trong đoạn trích và phân tích hiệu quả nghệ thuật ở từng trường hợp.

Trả lời:

- Các từ láy được sử dụng trong đoạn trích:

+ “hững hờ”

+ “ngẩn ngơ”

+ “chứa chan”

+ “vội vàng”

- Tác dụng:

+ Các từ láy có tác dụng tăng tính nhạc, nhịp điệu buồn thương, tiếc nuối cho câu thơ.

+ Thể hiện tâm trạng đau đớn, xót xa tiếc nuối của tác giả khi mất đi người bạn tri âm tri kỉ.

Câu 4 (trang 145 sgk Ngữ văn lớp 9 Tập 1): Em cần làm gì để biết ý nghĩa của các điển tích được tác giả sử dụng trong đoạn trích? Phân tích tác dụng của các điển tích đó.

Trả lời:

- Để biết được ý nghĩa của các điển tích được tác giả sử dụng trong đoạn trích, em phải xem phần chú thích phía cuối trang.

- Tác dụng của các điển tích:

+ Giúp giọng thơ thêm phần trang trọng, thành kính.

+ Thể hiện sự trân trọng, tình cảm sâu sắc giữa tác giả với người bạn quá cố.

Câu 5 (trang 145 sgk Ngữ văn lớp 9 Tập 1): Ở những câu thơ sau, biện pháp tu từ điệp ngữ có tác dụng như thế nào trong việc diễn tả các cung bậc cảm xúc của nhà thơ?

Rượu ngon không có bạn hiền,

Không mua không phải không tiền không mua.

Câu thơ nghĩ đắn đo không viết,

Viết đưa ai, ai biết mà đưa:

Giường kia treo cũng hững hờ,

Đàn kia gẩy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn.

Trả lời:

- Biện pháp tu từ điệp ngữ: “không”.

- Tác dụng:

+ Nhấn mạnh nỗi đau của tác giả khi mất đi người bạn tri âm tri kỉ.

+ Bạn không còn thì những thú vui thường ngày cũng trở nên vô nghĩa.

+ Nỗi đau trải dài như miên man bất tận, khiến Nguyễn Khuyến phải nghẹn ngào, đau đớn.

2. VIẾT

Đề bài (trang 145 sgk Ngữ văn lớp 9 Tập 1): Viết bài văn phân tích trích đoạn thơ Khóc Dương Khuê ở phần Đọc.

Trả lời:

* Bài văn tham khảo:

Một trong những nét đẹp của thơ Nguyễn Khuyến là bày tỏ tình cảm bạn bè, trong đó có bài thơ “Khóc Dương Khuê” làm người đời sau cũng ngậm ngùi rơi nước mắt. Nhiều sách viết về Dương Khuê, bạn thân của Nguyễn Khuyến, sinh năm 1839. Tuy sinh sau Nguyễn Khuyến đến bốn năm nhưng Dương Khuê lại “viễn du tiên cảnh” trước Nguyễn Khuyến. Trong tâm trạng người tóc bạc tiễn người đầu xanh, Nguyễn Khuyến làm bài văn tế theo thể thơ lục bát chân thật, ngậm ngùi.

“Bác Dương thôi đã thôi rồi,

Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta”.

Hai câu lục bát mở đầu cho bài văn tế không có chữ “Thương ôi!” mà thay bằng những chữ bình dân, thân tình nhưng nhuần nhị về nghệ thuật. Nhịp của câu đầu là 2/2/2 như nhịp tim hồi hộp khi nghe tin chẳng lành. “thôi đã thôi rồi” là những lời nói của người dân quê thật thà chất phác khi đề cập đến cái chết thật rồi. Cũng là chữ “thôi” nhưng một thì mang nghĩa “thật”, một thì có nghĩa là “chết”.

Nhịp của câu 8 là 4/4 diễn tả thời gian như ngừng lại, trôi thật chậm trước tin dữ không chờ. Kết cấu của hai vế câu cũng khác: vế đầu có chủ ngữ đứng trước, vế sau thì chủ ngữ ở cuối cùng để tính từ đứng làm vị ngữ “man mác ngậm ngùi” càng tăng thêm cảm xúc. Thiên nhiên thì buồn man mác, còn Nguyễn Khuyến thì ngậm ngùi xót thương người bạn cố tri.

Ở đoạn kể công đức của người đã khuất, Nguyễn Khuyến kể lại quá khứ của hai người. Tình bạn giữa Nguyễn Khuyến và Dương Khuê như do trời xui khiến bắt đầu từ những khoa thi mà hai người cùng đỗ đạt. Hai người tâm đầu ý hợp, “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”:

“Nhớ từ thuở khoa đăng ngày trước;

Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau;

Kính yêu từ trước đến sau,

Trong khi gặp gỡ khác đâu duyên trời.”

Tình bạn thân thiết lại được cụ thể hóa ở những câu thơ sau. Cái hay, cái mang lại cảm xúc cho người đọc là Nguyễn Khuyến đã liệt kê những sự việc ấy bằng những từ chuyển ý thật tài tình, làm cho tình cảm bạn bè càng thêm chan chứa chứ không gây cảm giác “chán nghe” đối với người đọc. Thú đi du lịch đây đó, thú đi hát ả đào; thú cùng nhau uống rượu, cùng nhau nghiên cứu điển cố, bàn bạc văn chương,… Những sự việc ấy liên kết với nhau bằng những từ nối “Cũng… có lúc…”, “Có khi…”.

Hoạn nạn có nhau, làm quan cùng nhau, không tham bổng lộc, rồi “Bác già tôi cũng già rồi”, từ quan mỗi người mỗi ngả về quê mình.

“Muốn đi lại tuổi già thêm nhác,

Trước ba năm gặp bác một lần;

Cầm tay hỏi hết xa gần,

Mừng rằng bác vẫn tinh thần chưa can.”

Tình cảm của hai người, những kỉ niệm của hai người như vậy đấy. Thiết tha, gần gũi, bền vững từ thuở thiếu niên tới khi về già. Thỉnh thoảng họ gặp nhau hàn huyên chuyện cũ, cùng trút bầu tâm sự giữa thời buổi đất nước nhiễu nhương.

Nguyễn Khuyến thương tiếc Dương Khuê, thương tiếc người bạn trẻ tuổi hơn mình nhưng lại về cõi tiên trước. Cả đoạn thương tiếc của bài văn tế, nếu được nghe vào lúc ấy, chắc chúng ta không thể cầm được nước mắt, chắc chúng ta cũng như nhà thơ: “Chợt nghe, tôi bỗng chân tay rụng rời”. Nguyễn Khuyến cảm thông nhưng cũng trách yêu Dương Khuê, và chỉ những ai thân thích mới có được lời trách ấy:

“Ai chẳng biết chán đời là phải

Vội vàng sao đã mải lên tiên:”

Chán đời là buồn, chán cảnh mất mùa đói kém, cảnh thực dân phong kiến triều Nguyên làm cho dân khốn khổ. Những con người như Nguyễn Khuyến, Dương Khuê,… đâu thể nào quên những cảnh đau thương ấy trong hạnh phúc của riêng mình. Nhưng chán thì chán chứ sao lại tìm về cõi tiên. Trách nhẹ như thế, rồi Nguyễn Khuyến trần tình:

“Rượu ngon không có bạn hiền,

Không mua không phải không tiền không mua,

Câu thơ nghĩ đắn đo không viết,

Viết đưa ai, ai biết mà đưa?

Giường kia treo cũng hững hờ,

Đàn kia gẩy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn.”

Những kỉ niệm, những thói quen đã có ngày trước giữa hai người nay chỉ còn Nguyễn Khuyến nhớ, Nguyễn Khuyến mong. Mong nhưng không thể nào thực hiện được. Nỗi đau đớn ấy được đặt vào những từ giản dị nhưng lại chan chứa tình cảm. Cái thần của đoạn thơ nằm ở tài sử dụng ngôn ngữ ấy. Những từ “không” phủ định được lặp đi lặp lại để xác định; từ “ai” phiếm chỉ nằm trong câu nghi vấn cũng để xác định. Điển tích Trần Phồn – Từ Trĩ đời Hậu Hán, Trần Phồn dành cho bạn một cái giường để hàn huyên lúc gặp gỡ. Lúc Từ Trĩ về, Trần Phồn lại treo giường lên không để cho ai ngồi. Điển tích Bá Nha chỉ đánh đàn cho Chung Tử Kỳ, khi Kỳ chết thì Bá Nha đập vỡ cây đàn chỉ vì cho rằng chỉ có Tử Kỳ mới hiểu được tiếng đàn của mình, còn thiên hạ chẳng ai hiểu được, chẳng ai biết thưởng thức. Tất cả cũng chỉ để xác định tình bạn, xác định vị trí của Dương Khuê trong lòng Nguyễn Khuyến. Mạch của đoạn thơ như tuôn trào theo cung bậc của tiếng lòng. Tình yêu thương chan chứa ấy lại chẳng thể nào nói cho xiết, cho đủ.

Đoạn kết của bài văn tế càng tha thiết hơn:

“Bác chẳng ở, dẫu van chẳng ở

Tôi tuy thương lấy nhớ làm thương;

Tuổi già hạt lệ như sương,

Hơi đâu chuốc lấy hai hàng chứa chan!”

Biết mệnh trời, biết Dương Khuê đã chọn giờ li biệt thì có van xin cũng vô ích. Cuối đời người, tới giới hạn thì phải ra đi…

Biết lòng người thương cảm, nhưng bạn đã ra người thiên cổ thì đổi thương thành nhớ, nhớ để sống, sống để nhớ. Sâu sắc biết dường nào trong hai câu thơ mà nghệ thuật láy lại ở mức thượng thừa!

Cái hữu lí của chuyển thương thành nhớ cũng nằm ở “tuổi già”: lệ đã vơi dần theo năm tháng, tuổi càng cao hạt lệ càng mỏng, càng hiếm như sương. Hãy để nỗi nhớ ngự trị trong lòng, khác với thời còn trẻ dại…

Với nỗi đau như cào xé, với tình cảm chan chứa tuôn trào… Nguyễn Khuyến đã dồn nước mắt của mình vào từng chữ “Khóc Dương Khuê”. Bao nhiêu câu thơ trong bài đã được người của thế hệ thuộc nằm lòng như những câu ca dao tuyệt vời. Một bài thơ đẹp nhất về tình bạn, mang nhân sinh tốt đẹp, thủy chung của con người Việt Nam cho các thế hệ sau.

3. NÓI VÀ NGHE

Đề bài (trang 145 sgk Ngữ văn lớp 9 Tập 1): Thảo luận về vai trò của tình bạn trong cuộc sống.

Trả lời:

* Bài văn tham khảo

Chào cô và các bạn. Em tên là Trần Thị Thương, hôm nay em xin thảo luận cùng cả lớp về chủ đề: Vai trò của tình bạn trong cuộc sống.

Tình bạn là mối quan hệ không thể thiếu trong đời sống của tất cả chúng ta. Vậy tình bạn là gì? Thiếu nó, cuộc sống của ta sẽ ra sao? Theo tôi, tình bạn là sự gắn bó giữa hai hoặc nhiều người trên cơ sở tương đồng về sở thích, tính cách hay lí tưởng. Một tình bạn trở nên đẹp đẽ và cao quý khi ta dành cho đối phương sự tôn trọng, đồng cảm và sẻ chia, không quản ngại hy sinh, vất vả để giúp đỡ lẫn nhau. Giữa dòng đời với biết bao bon chen, xô đẩy, có được một tình bạn chân thành là điều vô cùng may mắn. Bởi đó là niềm vui, là chỗ dựa lớn lao đem đến cho ta sức mạnh vượt qua mọi khó khăn, gian khổ. Đồng thời, “học thầy không tày học bạn”, từ họ ta có thể nhìn ra thiếu sót của bản thân, từ đó mà phấn đấu, nỗ lực để hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng tìm được cho riêng mình những người tri âm tri kỷ như Lưu Bình - Dương Lễ, Bá Nha - Tử Kì hay Nguyễn Khuyến – Dương Khuê... Một chút tham lam ích kỷ hay ghen ghét đố kị cũng có thể khiến người gọi là “bạn” kia lợi dụng hay phản bội hồng trục lợi từ ta. Thêm nữa, là bạn tốt không đồng nghĩa với việc bao che, đồng tình với những hành động sai trái của đối phương mà phải mạnh dạn thẳng thắn giúp bạn nhận ra sai lầm và quay lại với con đường đúng đắn. Vì vậy, tất cả chúng ta, trong đó có tôi, cần đối xử với những người bạn của mình bằng tất cả sự chân thành và không ngừng giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống. Bởi đúng như Ralph Waldo Emerson từng nói: “Cách duy nhất để có một người bạn là hãy làm một người bạn.”

Phần trình bày của em đến đây là kết thúc, em mong nhận được những lời đóng góp, góp ý của các bạn để hoàn thiện hơn.

Em xin chân thành cảm ơn!

PHIẾU HỌC TẬP SỐ 2

1. ĐỌC

a. Đọc văn bản

b. Thực hiện các yêu cầu

* Chọn đáp án đúng (làm vào vở)

Câu 1 (trang 147 sgk Ngữ văn lớp 9 Tập 1): Người viết đánh giá cao sở trường nà của Nam Cao trong sáng tạo văn học?

A. Xây dựng cốt truyện hấp dẫn.

B. Kể chuyện sinh động, lôi cuốn.

C. Khắc họa sắc nét tính cách nhân vật.

D. Tả cả thiên nhiên tinh tế, gợi cảm.

Trả lời:

- Đáp án: C

Câu 2 (trang 147 sgk Ngữ văn lớp 9 Tập 1): “Nhiều nhân vật của Nam Cao là những con người hiền lành, chất phác, nhưng đời sống quá vất vả, cơ cực.” – sau câu văn này, tác giả triển khai đoạn văn theo hướng nào?

A. Phản bác ý của câu vừa nêu, sau đó đưa ra ý được cho là đúng.

B. Chứng minh cho ý của câu vừa nêu, sau đó khái quát lại.

C. Nhận xét câu vừa nêu, bổ sung cho ý đầy đủ hơn.

D. Giải thích câu vừa nêu, bổ sung cho ý đầy đủ hơn.

Trả lời:

- Đáp án: B

Câu 3 (trang 147 sgk Ngữ văn lớp 9 Tập 1): Tên một số tác phẩm của Nam Cao được nhắc đến ở bài viết nhằm mục đích gì?

A. Minh họa cho ý kiến được tác giả nêu trước đó.

B. Cho thấy sự phong phú trong sáng tác của Nam Cao.

C. Cho thấy tác giả am hiểu về các sáng tác của Nam Cao.

D. Nêu bật những đóng góp của Nam Cao đối với nền văn học.

Trả lời:

- Đáp án: D

Câu 4 (trang 147 sgk Ngữ văn lớp 9 Tập 1): Dòng nào sau đây nêu đúng những nét chung giữa các nhân vật trong truyện của Nam Cao?

A. Đó là những người cùng chung nghề nghiệp.

B. Đó là những người cùng thành phần xã hội.

C. Đó là những người cùng hoàn cảnh sống.

D. Đó là những kiếp người đau khổ, bất hạnh.

Trả lời:

- Đáp án: B

Câu 5 (trang 148 sgk Ngữ văn lớp 9 Tập 1): Theo nội dung đoạn trích, điều gì không có tác dụng tạo nên sức hấp dẫn của truyện Nam Cao?

A. Nghệ thuật miêu tả ngoại hình, khắc họa tính cách, phân tích nội tâm nhân vật.

B. Mục đích sáng tác và hoàn cảnh ra đời của từng tác phẩm.

C. Cách nhìn của tác giả về cuộc sống, tấm lòng của tác giả đối với con người.

D. Giọng trữ tình ấm áp, thể hiện trong niềm trân trọng mọi biểu hiện của sự sống.

Trả lời:

- Đáp án: B

* Trả lời câu hỏi

Câu 1 (trang 148 sgk Ngữ văn lớp 9 Tập 1): Có thể xem văn bản Một nét nổi bật trong sáng tác của Nam Cao thuộc loại văn bản nghị luận văn học được không? Vì sao?

Trả lời:

- Có thể xem văn bản “Một nét nổi bật trong sáng tác của Nam Cao” thuộc loại văn bản nghị luận văn học.

- Vì:

+ Tác giả sử dụng hệ thống luận điểm logic, chặt chẽ.

+ Văn bản có các dẫn chứng văn học cụ thể, rõ ràng.

Câu 2 (trang 148 sgk Ngữ văn lớp 9 Tập 1): Nhận xét về cách sử dụng lí lẽ và bằng chứng của tác giả trong văn bản.

Trả lời:

- Cách sử dụng lí lẽ:

+ Lập luận chặt chẽ, sắc bén.

+ Hệ thống luận điểm được triển khai cụ thể, tỉ mỉ, rõ ràng.

- Cách sử dụng bằng chứng:

+ Sử dụng các bằng chứng văn học trong các truyện ngắn của tác giả Nam Cao.

+ Bằng chứng phù hợp, xác đáng, chứng minh cho lí lẽ.

Câu 3 (trang 148 sgk Ngữ văn lớp 9 Tập 1): Tác giả đã lí giải như thế nào về sự thành công của Nam Cao trong sáng tác văn học?

Trả lời:

- Tác giả đã lí giải về sự thành công của Nam Cao trong sáng tác văn học: “Nam Cao là một trong số ít nhà văn của chúng ta đã để lại cho văn học nhiều nhân vật không thể quên được, buộc người đọc phải nghĩ về họ, thông qua họ để nghĩ về cuộc sống.”

Câu 4 (trang 148 sgk Ngữ văn lớp 9 Tập 1): Những nội dung nào đã triển khai trong bài viết cho phép tác giả đi đến kết luận: “Đọc Nam Cao, con người muốn sống chu đáo hơn, nhân ái hơn”?

Trả lời:

- Những nội dung được triển khai trong bài viết cho phép tác giả đi đến kết luận: “Đọc Nam Cao, con người muốn sống chu đáo, nhân ái hơn”:

+ Nam Cao để lại cho văn học nhiều nhân vật không thể quên được, buộc người đọc phải nghĩ về họ, thông qua họ để nghĩ về cuộc sống.

+ Người ta có ấn tượng rõ rệt về các nhân vật có tính cách nổi bật.

+ Cảm nhận sâu sắc cách nhìn của tác giả đối với cuộc sống, tấm lòng của tác giả đối với con người.

Câu 5 (trang 148 sgk Ngữ văn lớp 9 Tập 1): Văn bản trên giúp em hiểu được những gì về nhà văn Nam Cao?

Trả lời:

- Văn bản trên giúp em hiểu thêm về nhà văn Nam Cao:

+ Nam Cao là nhà văn hiện thực tài năng, sáng tạo và phong cách.

+ Ông xây dựng các nhân vật dựa trên hình tượng những người nông dân, tiểu tư sản bị bần cùng hóa đến bước đường cùng.

+ Tác giả là một người có tấm lòng trắc ẩn sâu sắc.

2. VIẾT

Đề bài (trang 148 sgk Ngữ văn lớp 9 Tập 1): Viết bài nghị luận phân tích một truyện ngắn được sáng tác trong những năm gần đây.

Trả lời:

* Bài văn tham khảo:

Tôi yêu thích truyện “Bồng chanh đỏ” trước hết vì chủ đề truyện: cách ứng xử của con người với thiên nhiên. Chủ đề ấy thể hiện qua sự việc tìm bắt chim bồng chanh. Mong muốn bắt chim bồng chanh đỏ của anh Hiền không bắt nguồn từ sự độc ác, mà trái lại, đến từ niềm đam mê, tình yêu của anh với loài chim quý hiếm này: "Anh mê bồng chanh lắm, mê hơn tất cả những chú chim mà anh đã có trong lồng kia". Với tình yêu và sự hiểu biết của anh Hiền, có lẽ anh sẽ biết cách chăm sóc, nuôi nấng chim bồng chanh đỏ. Thế nhưng, qua bao khó khăn để bắt được, anh Hiền lại quyết định thả chú chim về tổ. Anh bảo: "Thôi tha cho vợ chồng nó, chúng nó còn có con nhỏ". Thì ra, tình yêu thiên nhiên không phải sự chiếm hữu, mà là tôn trọng thiên nhiên trong trạng thái vốn có. Cũng như con người, loài vật chỉ có thể hạnh phúc khi được sống tự do. Anh Hiền hiểu rằng cuộc sống bị giam cầm, dù được chăm sóc tốt thế nào, cũng là nỗi bất hạnh với chim.

Chủ đề cách ứng xử với thiên nhiên được tô đậm hơn qua những chuyển biến trong nhận thức của nhân vật Hoài. Ban đầu, Hoài chưa hiểu quyết định trả tự do cho chim bồng chanh đỏ, nên đã trách anh Hiền. Lời nói của anh đã thức tỉnh Hoài, đồng thời thức tỉnh chúng ta những người đọc: "Nếu có đứa nào phá rối nhà mày thì mày tính sao... Vậy thì mày có muốn đóng vai thằng ăn cướp đối với gia đình con bồng chanh không?". Những lời nói ấy khiến Hoài nhận ra giữa thiên nhiên và con người luôn có sự tương quan, chim bồng chanh cũng mong muốn bảo vệ tổ ấm của nó, giống như con người. Vì thế, những điều ta không muốn xảy đến với mình, ta đừng gây ra cho các loài vật. Từ đó, Hoài "thương đôi bồng chanh bây giờ đã tha con đến một cánh đồng nào, ở một đầm nước xa lạ, chúng lại cùng nhau xây tổ để tránh mưa tránh nắng...Tình thương ấy xuất phát từ lòng trắc ẩn và sự đồng cảm, dù muộn mằn. Vì hành động nhất thời của hai anh em, chim bồng chanh đã phải bỏ tổ để đi nơi khác. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta cần cẩn trọng khi ứng xử với thiên nhiên, vì bất kì hành động vô tâm nào cũng có thể gây ra những tổn thương đối với muôn loài.

3. NÓI VÀ NGHE

Đề bài (trang 148 sgk Ngữ văn lớp 9 Tập 1): Chọn một vấn đề đáng quan tâm trong đời sống của lứa tuổi học sinh, lập dàn ý cho bài nói và tập trình bày.

Trả lời:

* Dàn ý:

I. Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận: Tình trạng nghiện mạng xã hội và internet trong đời sống hiện nay.

II. Thân bài

- Thực trạng về nghiện mạng xã hội và internet:

+ Ngày càng có nhiều người dành phần lớn thời gian trên các nền tảng mạng xã hội và internet.

+ Đặc biệt phổ biến ở các nhóm tuổi trẻ, từ học sinh, sinh viên đến người đi làm.

+ Theo thống kê, trung bình mỗi người dùng internet dành khoảng 7 giờ mỗi ngày để lướt web và mạng xã hội.

- Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghiện mạng xã hội và internet:

+ Mạng xã hội giúp kết nối với bạn bè, gia đình và cộng đồng, đồng thời là nguồn giải trí vô tận.

+ Tâm lý cần được công nhận: Những lượt thích, bình luận tạo ra cảm giác hài lòng tạm thời, khiến người dùng muốn quay lại nhiều lần.

+ Áp lực xã hội: Sợ bỏ lỡ (FOMO - Fear Of Missing Out) khiến nhiều người luôn cập nhật tin tức và thông tin trên mạng.

- Hậu quả của nghiện mạng xã hội và internet:

+ Tác động xấu đến sức khỏe: Gây ra các vấn đề về mắt, giấc ngủ, và thể chất do thiếu vận động.

+ Ảnh hưởng đến tinh thần: Gây ra cảm giác cô đơn, lo âu, và trầm cảm do so sánh bản thân với người khác trên mạng.

+ Giảm hiệu suất công việc và học tập: Thời gian sử dụng mạng xã hội và internet chiếm thời gian dành cho công việc, học tập và các hoạt động khác.

- Giải pháp giảm thiểu tình trạng nghiện mạng xã hội và internet

+ Quản lý thời gian trực tuyến: Đặt giới hạn thời gian sử dụng mạng xã hội và internet.

+ Tăng cường các hoạt động ngoại khóa: Khuyến khích tham gia các hoạt động thể chất, gặp gỡ bạn bè ngoài đời thực.

+ Giáo dục về tác hại của nghiện internet: Tăng cường tuyên truyền và giáo dục về hậu quả của việc lạm dụng mạng xã hội và internet.

III. Kết bài

Nêu cảm nghĩ cá nhân về vấn đề nghiện mạng xã hội và internet, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng mạng xã hội một cách cân nhắc và lành mạnh.

* Bài nói tham khảo:

Chào cô và các bạn. Em tên là Trần Văn An, hôm nay em xin thảo luận về vấn đề nghiện mạng xã hội và internet trong cuộc sống hiện nay.

Hiện nay, việc sử dụng mạng xã hội và internet đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của chúng ta. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến một tình trạng đáng lo ngại - đó là nghiện mạng xã hội và internet. Những nền tảng này, mặc dù mang lại nhiều lợi ích về thông tin và kết nối, nhưng cũng đang chiếm lấy rất nhiều thời gian và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tinh thần của con người.

Có thể nói, thực trạng nghiện mạng xã hội và internet đang ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là ở giới trẻ. Theo số liệu thống kê, trung bình mỗi người dùng dành đến 7 giờ mỗi ngày chỉ để lướt web và mạng xã hội. Điều này cho thấy một phần lớn thời gian trong ngày của chúng ta đang bị chiếm dụng bởi các thiết bị công nghệ.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này khá đa dạng, nhưng chủ yếu đến từ tính kết nối và giải trí mà mạng xã hội và internet mang lại. Chúng ta dễ dàng kết nối với bạn bè, gia đình chỉ bằng vài thao tác đơn giản. Mạng xã hội còn là nguồn giải trí khổng lồ với vô vàn nội dung mới mẻ, hấp dẫn và thu hút giới trẻ. Tuy nhiên, những cái "like", "comment" trên mạng cũng tạo ra cảm giác hài lòng tạm thời, khiến chúng ta bị cuốn vào vòng xoáy muốn tiếp tục quay lại để nhận được sự tán thưởng, khen ngợi của người khác.

Những hậu quả của việc nghiện mạng xã hội và internet là không hề nhỏ. Về mặt sức khỏe, nó gây ra các vấn đề về mắt, giấc ngủ và thể chất do chúng ta dành quá nhiều thời gian trước màn hình và ít vận động. Về mặt tinh thần, nhiều người bị ảnh hưởng bởi sự so sánh với người khác trên mạng, dẫn đến cảm giác cô đơn, lo âu và thậm chí là trầm cảm. Hơn nữa, thời gian sử dụng mạng xã hội quá nhiều cũng ảnh hưởng đến hiệu suất công việc và học tập của chúng ta.

Vậy làm thế nào để giảm thiểu tình trạng này? Đầu tiên, chúng ta cần quản lý thời gian sử dụng các thiết bị di động một cách hiệu quả, mỗi người cần tự đặt giới hạn thời gian cho mỗi lần sử dụng mạng xã hội. Thứ hai, chúng ta nên tham gia nhiều hơn vào các hoạt động ngoại khóa, gặp gỡ bạn bè ngoài đời thực để tăng tính kết nối. Cuối cùng, giáo dục và nâng cao nhận thức về tác hại của việc nghiện mạng xã hội cho giới trẻ, thanh thiếu niên.

Tóm lại, nghiện mạng xã hội và internet là một vấn đề đáng lo ngại trong xã hội hiện nay. Để khắc phục tình trạng này, chúng ta cần có sự cân nhắc và sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh và có trách nhiệm.

Em rất mong nhận được sự góp ý của cô và các bạn để bài nói của em hoàn thiện hơn. Em xin cảm ơn.

1 11 13/11/2024