Soạn bài Đấu tranh cho một thế giới hòa bình (trang 68) - Ngắn nhất Ngữ văn 9 Kết nối tri thức

Với soạn bài Đấu tranh cho một thế giới hòa bình trang 68 Ngữ văn lớp 9 Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 9.

1 66 13/11/2024


Soạn bài Đấu tranh cho một thế giới hòa bình

(Trích, Ga-bri-en Gác-xi-a Mác-két)

* Trước khi đọc

Câu hỏi (trang 68 sgk Ngữ văn lớp 9 Tập 2): Em hãy cho biết đất nước nào đã phải hứng chịu những quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới. Vì sao hằng năm ở đất nước đó, người ta vẫn tổ chức tưởng niệm ngày bị ném bom nguyên tử?

Trả lời:

- Đất nước đã phải hứng chịu những quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới là Nhật Bản. Chính phủ Mỹ đã ném bom nguyên tử xuống hai thành phố Hi-rô-si-ma và Na-ga-xa-ki của Nhật Bản vào cuối Chiến tranh thế giới lần thứ thứ hai.

- Hằng năm ở Nhật Bản, người ta vẫn tổ chức tưởng niệm ngày bị ném bom nguyên tử để tưởng niệm những nạn nhân, khắc sâu thêm kí ức về nỗi đau của chiến tranh; nhưng ghi nhớ không phải để nuôi dưỡng lòng thù hận, sự căm ghét mà để thấy hòa bình vô cùng quý giá, để khao khát hòa bình được tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác và hướng tới những thứ tốt đẹp hơn.

* Đọc văn bản

1. Theo dõi: Nhân loại đang phải đối mặt với nguy cơ gì?

- Nhân loại đang đối mặt với nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn bởi chiến tranh hạt nhân.

2. Theo dõi: Cách sử dụng lí lẽ để tác động đến tình cảm và nhận thức của người nghe, người đọc.

- Lí lẽ:

+ Tác giả đưa ra phép tính: “Mỗi người, không trừ trẻ con, đang ngồi trên một thùng 4 tấn thuốc nổ: Tất cả chỗ đó nổ tung lên sẽ làm biến hết thảy, không phải là một lần mà là mười hai lần, mọi dấu vết của sự sống trên Trái Đất”.

+ Dự tính nguy cơ trên cơ sở khoa học: “Nếu 50 000 đầu đạn hạt nhân nổ tung thì có thể tiêu diệt tất cả các hành tinh đang xoay quanh Mặt Trời, cộng thêm bốn hành tinh nữa, và phá huỷ thế thăng bằng của Hệ Mặt Trời”.

- Cách sử dụng lí lẽ có tác dụng thu hút người đọc, gây ấn tượng mạnh mẽ về tính hệ trọng của vấn đề, giúp người đọc, người nghe nhận thức được sự nguy hiểm của vũ khí hạt nhân.

3. Đánh giá: Cách nêu bằng chứng kèm phân tích, so sánh có tác dụng gì?

- Cách nêu bằng chứng kèm phân tích, so sánh làm cho luận điểm trở nên sáng tỏ, giàu sức thuyết phục.

4. Theo dõi: Cách bình luận của tác giả về vấn đề.

- Bình luận của tác giả về vấn đề:

+ “Nó chỉ là một cái làng nhỏ mà thánh thần đã bỏ quên ở ngoại vi vũ trụ.”

+ “Chạy đua vũ trang là đi ngược lại lí trí.”

+ “Không những đi ngược lại lí trí con người mà còn đi ngược lại cả lí trí tự nhiên nữa.”

- Cách bình luận độc đáo giúp người đọc nhận thức được rằng: Trái Đất là một phần của hệ Mặt Trời. Sức công phá của vũ khí hạt nhân có khả năng khiến cho không chỉ Trái Đất mà các hành tinh khác cũng bị ảnh hưởng. Trái Đất, các loài sinh vật, con người đã trải qua quá trình tiến hóa lâu dài nhưng vũ khí hạt nhân có thể xóa đi toàn bộ thành tựu của sự tiến hóa.

5. Đánh giá: Cách kết thúc văn bản có gì độc đáo?

- Văn bản kết thúc bằng lời đề nghị về việc mở “nhà băng lưu trữ trí nhớ có thể tồn tại được sau thảm họa hạt nhân” để tố cáo tội ác của những “thủ phạm” “giả điếc làm ngơ” “nhân danh những lợi ích ti tiện” khi đẩy nhân loại đến sự diệt vong.

- Cách kết thúc văn bản thu hút người đọc, thể hiện thái độ căm phẫn của tác giả.

* Sau khi đọc

Nội dung chính: Bằng những chứng cứ cụ thể, xác thực, cách so sánh rõ ràng, giàu sức thuyết phục, lập luận chặt chẽ, Mác – két đã giúp chúng ta hiểu được nguy cơ chiến tranh hạt nhân và cuộc chạy đua vũ trang đang đe dọa toàn bộ sự sống trên Trái Đất. Nhiệm vụ cấp bách của toàn thể nhân loại là ngăn chặn nguy cơ đó và đấu tranh cho một thế giới hòa bình.

Soạn bài Đấu tranh cho một thế giới hòa bình (trang 68) - Ngắn nhất Ngữ văn 9 Kết nối tri thức (ảnh 1)

Câu 1 (trang 70 sgk Ngữ văn lớp 9 Tập 2): Nêu luận đề của bài nghị luận. Từ luận đề đó, tác giả triển khai thành những luận điểm nào?

Trả lời:

- Luận đề: Chạy đua sản xuất vũ khí hạt nhân là đặt nhân loại trước nguy cơ bị hủy diệt.

- Các luận điểm:

+ Luận điểm 1 (từ đầu đến “đối với vận mệnh thế giới”): Người ta đã bố trí số đầu đạn hạt nhân có khả năng hủy diệt 12 lần Trái Đất.

+ Luận điểm 2 (từ “Niềm an ủi duy nhất trước tất cả những suy diễn” đến “xoá nạn mù chữ cho toàn thế giới”): Số tiền bỏ ra cho việc chạy đua vũ trang có thể giải quyết nhiều vấn đề thiết yếu của nhân loại.

+ Luận điểm 3 (từ “Một nhà tiểu thuyết lớn của thời đại chúng ta” đến “đã bị xoá bỏ khỏi vũ trụ này”): Chạy đua vũ trang là đi ngược lại với lí trí con người và cũng đi ngược lại cả lí trí tự nhiên.

Câu 2 (trang 70 sgk Ngữ văn lớp 9 Tập 2): Chọn một luận điểm em cho là tiêu biểu, phân tích cách dùng lí lẽ, bằng chứng và nói rõ vai trò của lí lẽ, bằng chứng trong việc làm nổi bật luận điểm đó.

Trả lời:

* Luận điểm lựa chọn: Luận điểm 2 (từ “Niềm an ủi duy nhất trước tất cả những suy diễn” đến xoá nạn mù chữ cho toàn thế giới): Số tiền bỏ ra cho việc chạy đua vũ trang có thể giải quyết nhiều vấn đề thiết yếu của nhân loại.

- Bằng chứng và lí lẽ song hành, kết hợp chặt chẽ với nhau:

+ Tác giả đã đưa ra bốn bằng chứng trong các lĩnh vực: xã hội, y tế, tiếp tế thực phẩm, giáo dục. Đây đều là những lĩnh vực thiết yếu trong cuộc sống con người, đặc biệt với các nước nghèo.

+ Bằng chứng là những số liệu khách quan, những con số “biết nói”, chẳng hạn: “giải quyết cho 500 triệu trẻ em nghèo khổ trên thế giới tốn 100 tỉ đô la”.

+ Ngay sau khi đưa số liệu, người viết liền nêu một nhận xét có cơ sở, chẳng hạn: “số tiền cần thiết để giải quyết những vấn đề cấp bách cho 500 triệu trẻ em nghèo khổ chỉ gần bằng chi phí cho 100 máy bay ném bom chiến lược B.1B của Mỹ và cho dưới 7000 tên lửa vượt đại châu”. Cách so sánh khiến người đọc dễ hình dung.

- Lí lẽ và bằng chứng có vai trò làm cho luận điểm trở nên sáng tỏ, giàu sức thuyết phục.

Câu 3 (trang 70 sgk Ngữ văn lớp 9 Tập 2): Dựa vào nội dung văn bản và các thông tin giới thiệu, chú thích, cho biết văn bản được viết ra trong bối cảnh nào của thế giới. Từ đó, nêu tầm quan trọng của vấn đề được bàn luận.

Trả lời:

- Bài nghị luận được viết năm 1986, lúc hai phe, đứng đầu là hai cường quốc (Mỹ và Liên Xô) mâu thuẫn gay gắt, cuộc chạy đua vũ trang đã lên đến đỉnh điểm, đặc biệt là vũ khí hạt nhân. Tại thời điểm đó, theo thông tin trong văn bản, số đầu đạn hạt nhân được bố trí khắp hành tinh là 50000, đủ sức để làm tan biến 12 lần Trái Đất. Người ta gọi thời kì này là “chiến tranh lạnh”, mặc dù chiến tranh chưa nổ ra, nhưng sự đối đầu hết sức căng thẳng, khiến chiến tranh ở quy mô rộng có thể bùng nổ bất cứ nơi nào, vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng, lúc ấy, nhân loại sẽ bị hủy diệt.

- Từ bối cảnh trên, có thể thấy, vấn đề được bàn luận là chuyện vô cùng hệ trọng, vì nó quyết định sự sống còn của cả nhân loại.

Câu 4 (trang 70 sgk Ngữ văn lớp 9 Tập 2): Chiến tranh hạt nhân “không những đi ngược lại lí trí con người mà còn đi ngược lại cả lí trí tự nhiên nữa” là ý kiến chủ quan hay thông tin khách quan? Để thuyết phục người đọc tin vào điều đó, tác giả đã chọn cách triển khai đoạn văn như thế nào?

Trả lời:

- Chiến tranh hạt nhân “không những đi ngược lại lí trí con người mà còn đi ngược lại cả lí trí tự nhiên nữa” là một ý kiến chủ quan. Vì đây không phải là một điều đã xảy ra hay là một thực tế, mà là nhận định về một khả năng, trên cơ sở những hiểu biết của tác giả về sức công phá của vũ khí hạt nhân, thực trạng chạy đua loại vũ khí có sức huỷ diệt khủng khiếp này ở các cường quốc.

- Tác giả đã triển khai chủ đề đó thành các ý có quan hệ chặt chẽ với nhau:

+ Quá trình hình thành và phát triển sự sống trên Trái Đất để con người có được như ngày nay là vô cùng lâu dài.

+ Sự sống của muôn loài trên Trái Đất hết sức đẹp đẽ, kì diệu.

+ Thế nhưng, chỉ cần “bấm nút” hạt nhân, tất cả quá trình sự sống vĩ đại của hàng bao nhiêu triệu năm sẽ trở lại điểm xuất phát.

à Cách triển khai đoạn văn như vậy khiến cho ý kiến chủ quan của người viết trở nên có sức nặng, đầy tính thuyết phục.

Câu 5 (trang 70 sgk Ngữ văn lớp 9 Tập 2): Khi bàn về vấn đề được nêu, Mác-két bộc lộ thái độ gì? Chỉ ra cách thể hiện thái độ của tác giả.

Trả lời:

- Bài nghị luận được trích từ một tham luận đọc tại hội nghị nguyên thủ quốc gia của một số nước, thể hiện quan điểm, thái độ rạch ròi, dứt khoát của Mác-két. Nhà văn đã lên tiếng phản đối quyết liệt việc phát triển vũ khí hạt nhân.

- Tác giả đã thể hiện thái độ của mình bằng nhiều cách:

+ Để cho sự thật khách quan tự liên tiếng (các số liệu)

+ Thể hiện thái độ trực tiếp (“Chúng ta đến đây để cố gắng chống lại việc đó, đem tiếng nói của chúng ta tham gia vào bản đồng ca của những người đòi hỏi một thế giới không có vũ khí và một cuộc sống hòa bình, công bằng.”)

+ Dùng cách liên tưởng lạ lùng (đề nghị mở “nhà băng lưu trữ trí nhớ có thể tồn tại được sau thảm họa hạt nhân”).

Câu 6 (trang 70 sgk Ngữ văn lớp 9 Tập 2): Qua văn bản này, tác giả muốn truyền đi thông điệp gì? Trong tình hình hiện nay của thế giới, thông điệp đó còn có ý nghĩa nữa không? Vì sao?

Trả lời:

- Thông điệp mà tác giả muốn truyền đi: Thế giới hãy bằng mọi cách ngăn chặn chạy đua vũ trang, loại bỏ vũ khi hạt nhân.

- Trong tình hình hiện nay của thế giới, thông điệp trên vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự, bởi vì:

+ Số vũ khí hạt nhân mà các quốc gia sở hữu không ngừng tăng lên.

+ Do xung đột về chính trị, quân sự cho nên các hiệp ước hạn chế vũ khí hạt nhân giữa hai cường quốc rất kém hiệu lực.

+ Một số nước thường xuyên tiến hành các vụ thử hạt nhân để đi đến sản xuất vũ khí hàng loạt.

* Viết kết nối với đọc

Câu hỏi (trang 70 sgk Ngữ văn lớp 9 Tập 2): Viết đoạn văn (khoảng 7 - 9 câu) với chủ đề: Vũ khí hạt nhân đang là hiểm họa đe dọa sự tồn vong của nhân loại.

Trả lời:

(1) Vũ khí hạt nhân đang là hiểm họa đe dọa sự tồn vong của nhân loại. (2) Mỗi cuộc thử nghiệm đều dẫn đến việc phát tán vào môi trường các chất phóng xạ, phân tán và lắng đọng khắp nơi trên hành tinh. (3) Con người sẽ khó có thể sử dụng vùng đất xung quanh địa điểm thử nghiệm. (4) Người ta tạo ra vũ khí hạt nhân từ các nguồn tài nguyên không thể tái tạo, điều đó đe dọa trực tiếp đến tương lai của thế hệ sau. (5) Hơn nữa, các vụ nổ vũ khí hạt nhân có liên quan trực tiếp đến sự phát triển của bệnh ung thư. (6) Bên cạnh đó, vũ khí hạt nhân cũng có thể có nguy cơ bị mất vào tay khủng bố. (7) Nếu hai siêu cường chẳng hạn như Nga và Mỹ quyết định tiến hành các vụ tấn công trả đũa lẫn nhau sẽ mang lại những hậu quả toàn cầu. (8) Và lịch sử dạy chúng ta rằng phải tiếp tục nâng cao cảnh giác trong việc bảo vệ nhân loại trước những nguy cơ mà vũ khí hạt nhân tạo ra.

1 66 13/11/2024