Soạn bài Kim – Kiều gặp gỡ (trang 66) - Ngắn nhất Ngữ văn 9 Kết nối tri thức
Với soạn bài Kim – Kiều gặp gỡ trang 66 Ngữ văn lớp 9 Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 9.
Soạn bài Kim – Kiều gặp gỡ
* Trước khi đọc
Câu hỏi (trang 66 sgk Ngữ văn lớp 9 Tập 1):
Hãy giới thiệu một tác phẩm văn học hoặc bộ phim kể về một mối tình để lại cho em ấn tượng đẹp.
Trả lời:
Chuyện tình Lan và Điệp là câu chuyện tình yêu hư cấu đầy cảm động để lại cho em những ấn tượng đẹp. Câu chuyện được giới thiệu trong cuốn tiểu thuyết Tắt lửa lòng của nhà văn nổi tiếng Nguyễn Công Hoan (xuất bản năm 1933). Chuyện kể về mối tình lãng mạn nhưng đẫm nước mắt của Lan và Điệp. Họ đến với nhau xuất phát từ những rung cảm mạnh mẽ của tình yêu đôi lứa. Gia đình hai bên đã hứa hôn với nhau, chỉ còn chờ ngày kết tóc se duyên. Nhưng trớ trêu thay, Điệp đã mắc phải mưu kế gian xảo của quan Phủ nên chàng đã phụ tình vị hôn thê của mình là Lan, để cưới Thúy Liễu – con gái ông Phủ. Biết chuyện, Lan đau khổ tột cùng, ôm mối tình tuyệt vọng đến chùa để cắt tóc đi tu. Đỉnh điểm của nỗi đau ấy là khi Điệp tìm được ngôi chùa mà Lan ở thì cũng là lúc nàng trút hơi thở cuối cùng, mang theo mối tình khắc cốt ghi tâm mà từ biệt trần thế. Câu chuyện tình yêu cảm động của Lan và Điệp đến nay vẫn để lại trong lòng độc giả nhiều day dứt và tiếc nuối.
* Đọc văn bản
1. Theo dõi: Sự xuất hiện của nhân vật Kim Trọng.
- Hoàn cảnh xuất hiện: gặp chị em Thúy Kiều và Thúy Vân ở mộ Đạm Tiên.
- Khi xuất hiện, Kim Trọng có vẻ ngoài: thông minh và tài trí hơn người. Đặc biệt, chàng nổi tiếng là người rất giỏi văn chương. Tướng mạo thì hào hoa phong nhã, thu hút mọi ánh nhìn.
2. Theo dõi: Những từ ngữ, hình ảnh miêu tả cảm xúc, tâm trạng của các nhân vật.
Những từ ngữ, hình ảnh miêu tả cảm xúc, tâm trạng của Kim Trọng: |
+ Tình trong như đã mặt ngoài còn e. + Chập chờn cơn tỉnh cơn mệ. + Rốn ngồi chẳng tiện dứt chỉ khôn. + Giục cơn buồn. + Nghé theo. |
Những từ ngữ, hình ảnh miêu tả cảm xúc, tâm trạng của Thúy Kiều: |
+ E lệ. + Ngắm bóng nga. + Nỗi xa bời bời. |
Những từ ngữ, hình ảnh miêu tả cảm xúc, tâm trạng của Thúy Vân: |
+ E lệ. + Nếp vào dưới hoa. + Tình trong như đã mặt ngoài còn e. |
3. Hình dung: Bức tranh thiên nhiên.
- Bức tranh thiên nhiên tươi mới, rực rỡ, yên ả và tĩnh lặng, được miêu tả qua các chi tiết “nước chảy trong veo”, “tơ liễu bóng chiều thướt tha”, “mặt trời gác núi”.
- Bức tranh thiên nhiên đêm trăng thơ mộng, trữ tình đầy lãng mạn, được miêu tả qua chi tiết “gương nga chênh chếch dòm sông”, “vàng gieo ngấn nước”, “cây lồng bóng sân”.
- Bức tranh thiên nhiên này đem lại cho con người cảm giác bình yên, trong lành đến lạ. Nhất là đối với những đôi lứa yêu nhau. Đặc biệt, với Kim – Kiều thì khung cảnh này càng làm cho họ trở nên quyến luyến, mong thời gian trôi chậm lại.
4. Theo dõi: Lời người kể chuyện và lời nhân vật.
- Lời nhân vật: từ “Người mà đến thế thì thôi” đến “Trăm năm biết có duyên gì hay không?. Những lời nói này trực tiếp bày tỏ những suy nghĩ, tâm tư; tình cảm, cảm xúc của nhân vật Thúy Kiều.
- Lời người kể chuyện: bao gồm tất cả những câu thơ còn lại. Lời người kể chuyện đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt câu chuyện, giới thiệu các nhân vật trong câu chuyện. Từ đó giúp người đọc nắm bắt được và hình dung được diễn biến tâm lí của nhân vật.
* Sau khi đọc
Nội dung chính: Văn bản nói về cuộc gặp gỡ định mệnh giữa Kim Trọng và Thúy Kiều. Giữa họ đã nảy sinh tình cảm với nhau. Đồng thời, văn bản còn thể hiện những tâm tư, tình cảm thầm kín mà cả hai dành cho nhau. Nó đẹp và lãng mạn vô cùng.
Câu 1 (trang 69 sgk Ngữ văn lớp 9 Tập 1): Đoạn trích có những nhân vật nào và kể về sự việc gì?
Trả lời:
- Nhân vật: Kim Trọng, Thúy Kiều, Thúy Vân và chàng Vương.
- Sự việc: Kim Trọng đến thăm mộ Đạm Tiên và vô tình tình gặp chị em Thúy Kiều. Ngay từ lần gặp đầu tiên, Kim Trọng đã đem lòng yêu mến Thúy Kiều. Chính điều này đã tạo nên những cảm xúc sâu đậm, phức tạp trong tâm hồn của cả Kim Trọng và Thúy Kiều, hé lộ những bị kịch sắp xảy đến trong cuộc đời họ.
Câu 2 (trang 69 sgk Ngữ văn lớp 9 Tập 1): Ở mười hai dòng thơ đầu, nhân vật Kim Trọng được giới thiệu và miêu tả bằng lời của ai? Qua đó, em hình dung được những gì về nhân vật?
Trả lời:
- Ở mười hai dòng thơ đầu, nhân vật Kim Trọng được giới thiệu và miêu tả bằng lời người kể chuyện.
- Hình dung về nhân vật: Kim Trọng được khắc họa với vẻ đẹp hoàn hảo. Mọi cử chỉ, hành động đều toát lên vẻ thư sinh, nho nhã. Không những thế, chàng còn xuất thân trong một gia đình giàu sang, bản tính thông minh, tài năng, cốt cách hào hoa, phong nhã.
Câu 3 (trang 69 sgk Ngữ văn lớp 9 Tập 1): Trong mười dòng tiếp theo, Nguyễn Du đã tập trung miêu tả cảm xúc, tâm trạng của những nhân vật nào? Phân tích từ ngữ tiêu biểu được tác giả sử dụng để thể hiện cảm xúc, tâm trạng của các nhân vật đó.
Trả lời:
- Trong mười dòng thơ tiếp theo, Nguyễn Du đã tập trung miêu tả cảm xúc, tâm trạng của hai nhân vật: Thúy Kiều và Kim Trọng.
- Phân tích từ ngữ tiêu biểu thể hiện cảm xúc, tâm trạng của nhân vật:
+ “Tình trong như đã mặt ngoài còn e”: miêu tả tinh tế những trạng thái cảm xúc của tình yêu mới chớm nở giữa Kim Trọng và Thúy Kiều. Họ đã nảy sinh tình cảm với nhau nhưng còn ngại ngùng, bối rối chưa dám nói ra.
+ “Chập chờn cơn tỉnh cơn mê”: họ không xác định được cảm xúc của bản thân nhưng tình cảm họ dành cho nhau vẫn nồng nàn và say đắm.
+ “Chẳng tiện dứt về”: họ lưu luyến, không muốn nói lời từ biệt nhau.
+ “Người còn nghé theo”: diễn tả cảm xúc vấn vương, quyến luyến của trái tim người con gái khuê các – Thúy Kiều.
Câu 4 (trang 69 sgk Ngữ văn lớp 9 Tập 1): Trong mười bốn dòng thơ cuối, Nguyễn Du đã sử dụng nhiều phương tiện (lời người kể chuyện, lời nhân vật, bút pháp tả cảnh ngụ tình) để thể hiện thế giới nội tâm của nhân vật Thúy Kiều, em hãy:
a. Phân tích đặc điểm của bức tranh thiên nhiên (thời gian, không gian, sự vật). Miêu tả bức tranh thiên nhiên ấy, tác giả muốn thể hiện trạng thái cảm xúc nào ở nhân vật?
b. Chỉ ra đâu là lời người kể chuyện, đâu là lời nhân vật. Lời nhân vật được thể hiện ở hình thức nào và điều gì giúp em nhận biết hình thức ngôn ngữ đó?
c. Cho biết nhân vật đã bộc lộ những cảm xúc, suy nghĩ gì trong lời nói của mình.
Trả lời:
a. Phân tích đặc điểm của bức tranh thiên nhiên.
Thời gian |
Không gian |
Sự vật |
- Từ lúc chiều tà cho đến tận nửa đêm. |
- Cảnh một đêm trăng lãng mạn, thơ mộng, thanh bình, riêng tư – nơi khuê phòng của Thúy Kiều. |
- Ánh trắng: vàng óng ả, in bóng huyền ảo trên nền sân. - Cây liễu: rủ xuống dòng nước trong xanh. - Mặt trời: ẩn chứa nỗi buồn, sự tiếc nuối khi mối tình Kim – Kiều không thể kéo dài mãi mãi. - Hoa hải đường: đỏ tươi, mềm mại, đầy sức sống. - giọt sương: treo lơ lửng trên cành xuân, giọt sương ấy cũng chính là nỗi lòng đầy suy tư, day dứt không nguôi của Thúy Kiều. |
b. Chỉ ra lời người kể chuyện và lời nhân vật.
- Lời người kể chuyện: từ “Dưới cầu nước chảy trong veo” đến “Giọt sương gieo nặng cành xuân la đà”.
- Lời nhân vật: từ “Người mà đến thế thì thôi” đến “Trăm năm biết có duyên gì hay không?”.
Hình thức thể hiện lời nhân vật và cách nhận biết hình thức ngôn ngữ đó:
- Hình thức thể hiện lời nhân vật: lời độc thoại nội tâm.
- Cách nhận biết hình thức ngôn ngữ: lời độc thoại của nhân vật được đặt trong dấu ngoặc kép.
c. Những cảm xúc, suy nghĩ mà nhân vật bộc lộ trong lời nói của mình.
- Sự xuất hiện của chàng Kim đã khiến tâm hồn nàng Kiều bị xao xuyến, rung động, những cảm xúc chân thành này đang dâng trào mãnh liệt trong lòng nàng.
- Nỗi sợ hãi, lo lắng rằng tình yêu của nàng và Kim Trọng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. Nàng không biết liệu cuối cùng họ có thể vượt qua mọi chông gai để được sum họp bên nhau.
- Tâm trạng bồi hồi, khắc khoải vừa có nỗi âu lo vừa có niềm mong ước, hi vọng khi nghĩ về Kim Trọng.
Câu 5 (trang 70 sgk Ngữ văn lớp 9 Tập 1): Nhận xét về nghệ thuật xây dựng nhân vật và nghệ thuật xây dựng ngôn ngữ của Nguyễn Du trong đoạn trích.
Trả lời:
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật được Nguyễn Du khắc họa ở hai phương diện:
+ Con người bên ngoài: ngoại hình, lời nói, cử chỉ, hành động của nhân vật được miêu tả một cách cụ thể, sinh động.
+ Con người bên trong: tâm trạng, cảm xúc, suy nghĩ nội tâm của các nhân vật được miêu tả một cách sâu sắc và chân thật.
+ Kết hợp nhiều phương tiện nghệ thuật: bút pháp tả cảnh ngụ tình (gắn liền giữa cảnh vật bên ngoài và tâm trạng nhân vật); lời kể (tạo cảm giác trực tiếp, sống động); lời độc thoại nội tâm (đi sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật).
- Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ:
+ Phát huy sự phong phú, kì diệu của tiếng Việt: Nguyễn Du đã tài tình sử dụng và phát huy được những tiềm năng, tính đa dạng của tiếng Việt, khám phá và khai thác được vẻ đẹp, sự uyển chuyển và tính biểu đạt phong phú của ngôn ngữ mẹ đẻ.
+ Sáng tạo các yếu tố ngôn ngữ vay mượn: nhà thơ đã vận dụng một cách sáng tạo các từ Hán Việt tiếp thu và kếp hợp chúng vào hệ thống từ vựng tiếng Việt để làm phong phú thêm vốn từ của tiếng mẹ đẻ.
+ Việt hóa hệ thống từ Hán Việt: các từ Hán Việt được Nguyễn Du sử dụng theo xu hướng Việt hóa, kết hợp một cách nhuần nhuyễn với các từ thuần Việt, tạo nên sự hài hòa, đồng nhất trong ngôn ngữ sáng tác.
Câu 6 (trang 70 sgk Ngữ văn lớp 9 Tập 1): Nêu chủ đề của đoạn trích; qua đó, nhận xét về tư tưởng, tình cảm của tác giả.
Trả lời:
- Chủ đề của đoạn trích: tình yêu nồng nàn, say đắm của Thúy Kiều và Kim Trọng.
- Nhận xét về tư tưởng, tình cảm của tác giả: Nguyễn Du đã đề cao và thể hiện thái độ trân trọng đối với con người, đặc biệt là người phụ nữ trong xã hội phong kiến; đồng thời cũng chia sẻ, đồng cảm với khát vọng tình yêu của họ.
* Viết kết nối với đọc
Câu hỏi (trang 70 sgk Ngữ văn lớp 9 Tập 1): Viết đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) phân tích 2 – 4 dòng thơ miêu tả thiên nhiên mà em cho là đặc sắc trong đoạn trích Kim – Kiều gặp gỡ.
Trả lời:
Trong đoạn trích Kim – Kiều gặp gỡ, Nguyễn Du đã miêu tả khung cảnh thiên nhiên rất lãng mạn và thơ mộng. Dòng thơ “Gương nga chênh chếch dòm song” gợi lên một không gian yên tĩnh với hình ảnh ánh trăng ảo diệu tạo nên một khung cảnh nên thơ cho sự gặp gỡ của Kim – Kiều. Tiếp đến, dòng thơ “Vàng gieo ngấn nước cây lồng bóng sân” mang đến một bức tranh thiên nhiên lộng lẫy. Nổi bật là hình ảnh ánh trăng vàng óng ả, đang lả lướt chiếu rọi xuống mặt nước, xuyên qua tán lá cây và in bóng huyền ảo trên nền sân. Đặc biệt, tác giả đã sử dụng từ “lồng” gợi lên cảm giác bao bọc, ôm ấp, như thể những tán cây đang che chở, bao phủ cả không gian. Các sự vật như ánh trăng, mặt nước, cây cối được miêu tả một cách tinh tế, tạo nên một không gian yên bình, trong lành. Tất cả đã góp phần tô điểm thêm sự ngọt ngào, lãng mạn của khoảnh khắc gặp gỡ giữa Thúy Kiều và Kim Trọng.
Xem thêm các chương trình khác:
- Giải sgk Toán 9 – Kết nối tri thức
- Lý thuyết Toán 9 – Kết nối tri thức
- Giải sbt Toán 9 – Kết nối tri thức
- Bài tập Tiếng Anh 9 Global success theo Unit có đáp án
- Giải sgk Tiếng Anh 9 - Global success
- Trọn bộ Từ vựng Tiếng Anh 9 Global success đầy đủ nhất
- Trọn bộ Ngữ pháp Tiếng Anh 9 Global success đầy đủ nhất
- Giải sbt Địa lí 9 – Kết nối tri thức
- Giải sgk Tin học 9 – Kết nối tri thức
- Giải sbt Tin học 9 – Kết nối tri thức
- Giải sgk Công nghệ 9 – Kết nối tri thức
- Giải sgk Giáo dục công dân 9 – Kết nối tri thức
- Giải sbt Giáo dục công dân 9 – Kết nối tri thức
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 9 – Kết nối tri thức