Soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết (trong đời sống của học sinh hiện nay) (trang 77) - Ngắn nhất Ngữ văn 9 Kết nối tri thức
Với soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết (trong đời sống của học sinh hiện nay) trang 77 Ngữ văn lớp 9 Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 9.
Soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết (trong đời sống của học sinh hiện nay)
* Yêu cầu khi viết bài văn nghị luận về một số vấn đề cần giải quyết (trong đời sống của học sinh hiện nay)
- Giới thiệu được vấn đề nghị luận (một vấn đề cần giải quyết trong đời sống của học sinh hiện nay).
- Trình bày được ý kiến bàn luận về vấn đề với hệ thống luận điểm chặt chẽ, lí lẽ thuyết phục, bằng chứng tiêu biểu và xác thực.
- Nêu được ý kiến trái chiều và phản bác bằng lí lẽ sắc bén.
- Đề xuất được giải pháp khả thi để giải quyết vấn đề.
* Phân tích bài viết tham khảo
Văn bản: Trưởng thành qua nỗi buồn
1. Giới thiệu vấn đề nghị luận
- Cách vượt qua nỗi buồn để trưởng thành.
2. Trình bày ý kiến cá nhân về cách giải quyết vấn đề.
- Luận điểm 1: học cách “chấp nhận” và “can đảm” đối diện với nỗi buồn ấy.
- Luận điểm 2: hãy “đồng ý” với sự tồn tại của nỗi buồn, tin rằng nó không thể là “mãi mãi”.
3. Đề xuất giải pháp để giải quyết vấn đề.
- Học cách “bỏ đói” nỗi buồn và nuôi dưỡng niềm vui: làm những việc mình thích, thói quen buộc mình phải hoàn thành những công việc hằng ngày,…
4. Nêu và phản bác ý kiến trái chiều.
- Nêu ý kiến trái chiều: không ít bạn cho rằng, chia sẻ chẳng ích gì, có khi lại càng buồn thêm.
- Phản bác ý kiến trái chiều:
+ Mình có thể chia sẻ với gia đình, bạn bè, thầy cô. Họ đều là những người gần gũi, yêu thương và có trách nhiệm nên chắc chắn sẽ sẵn sàng giúp đỡ khi mình “kêu cứu”.
+ Mình có thể tìm sự hỗ trợ từ các bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lí.
5. Nhấn mạnh cách giải quyết vấn đề.
- Điểm tựa quan trọng nhất vẫn là chính mình.
6. Rút ra ý nghĩa của việc bàn luận về vấn đề.
- Dạy cho chúng ta những bài học cần thiết về sự trưởng thành.
* Thực hành viết theo các bước
Bước 1: Trước khi viết
a. Lựa chọn đề tài
- Đề tài cho bài nghị luận về một vấn đề cần giải quyết trong đời sống rất phong phú, đa dạng. Em nên lựa chọn vấn đề mình thực sự quan tâm và có ý nghĩa với nhiều người, đồng thời phù hợp với lứa tuổi học sinh.
- Sau đây là một số đề tài gợi ý để em lựa chọn:
- Tình bạn khác giới ở tuổi học trò.
- Cách giải quyết mâu thuẫn, xung đột ở lứa tuổi học trò.
- Cách ứng xử khi xảy ra xung đột giữa các thế hệ trong gia đình.
- Cách sử dụng thời gian rảnh rỗi.
- Cách giải quyết khi bị tổn thương vì những thông tin sai lệch hay bình luận tiêu cực trên mạng xã hội.
b. Tìm ý
Sau khi xác định được đề tài, em hãy tìm ý bằng cách trả lời các câu hỏi sau:
- Vấn đề cần được giải quyết là gì?
- Ý kiến của em về vấn đề như thế nào?
- Có thể xuất hiện ý kiến nào trái ngược với quan điểm của người viết? Cần dùng những lí lẽ, bằng chứng nào để phản bác?
- Cần có giải pháp nào để giải quyết vấn đề?
a. Lập dàn ý
Mở bài |
- Giới thiệu vấn đề, nêu sự cần thiết phải bàn luận về vấn đề. |
Thân bài |
- Triển khai các luận điểm thể hiện quan điểm của người viết xét trên từng khía cạnh của vấn đề. + Luận điểm 1 (khía cạnh thứ nhất): Nêu lí lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ. + Luận điểm 2 (khía cạnh thứ hai): Nêu lí lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ. + Luận điểm 3 (khía cạnh thứ ba): Nêu lí lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ. - Nêu ý kiến trái chiều và phản bác ý kiến đó. - Đề xuất giải pháp khả thi để giải quyết vấn đề. |
Kết bài |
- Khẳng định tầm quan trọng của việc nhận thức đúng và giải quyết hiệu quả vấn đề nêu ra. |
Bước 2: Viết bài
- Khi viết bài, em cần lưu ý:
+ Tạo sự gần gũi giữa người viết và người đọc, coi vấn đề được đặt ra trong bài có thể là vấn đề chung mà cả người viết và người đọc đều cần phải quan tâm giải quyết.
+ Hệ thống luận điểm cần chặt chẽ; lí lẽ cần sáng rõ, hợp lí; bằng chứng cần đầy đủ, đa dạng (có sự kết hợp của nhiều loại bằng chứng: trải nghiệm của bản thân, sự thật mà người đọc có thể kiểm chứng, số liệu thống kê, ý kiến của chuyên gia, kết quả nghiên cứu khoa học,…).
+ Khi phản bác những ý kiến trái chiều, cần sử dụng lời lẽ và giọng điệu đúng mực.
* Bài viết tham khảo:
Trong giai đoạn phát triển và trưởng thành, học sinh thường có nhiều thời gian rảnh rỗi sau giờ học và vào các ngày cuối tuần. Cách sử dụng hiệu quả thời gian rảnh rỗi là một vấn đề quan trọng cần được quan tâm, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển toàn diện của học sinh.
Trước hết, một số học sinh dành quá nhiều thời gian rảnh rỗi cho các hoạt động giải trí không lành mạnh như: dành cả ngày chơi điện tử, lướt mạng xã hội hoặc xem phim, nghe nhạc. Những hoạt động này không mang lại lợi ích gì mà còn có thể gây ra những tác hại như: nghiện chơi điện tử, lãng phí thời gian, ảnh hưởng đến sức khỏe và kết quả học tập.
Thay vào đó, các em nên sử dụng thời gian rảnh rỗi một cách hiệu quả hơn như tham gia các hoạt động thể thao, văn hóa, nghệ thuật. Những hoạt động này không chỉ giúp các em có cơ hội giao lưu, tăng cường sức khỏe mà còn góp phần phát triển các kĩ năng cá nhân như: kỉ luật, sáng tạo, tự tin.
Quan trọng hơn, học sinh nên dành một phần thời gian rảnh rỗi để học tập, nghiên cứu thêm các kiến thức bổ ích. Việc này không chỉ giúp các em củng cố, mở rộng vốn kiến thức mà nó còn thể hiện tinh thần học hỏi. Đây chính là yếu tố then chốt quyết định đến sự thành công trong tương lai của các em.
Một số người cho rằng việc học sinh dành phần lớn thời gian rảnh rỗi cho các hoạt động giải trí như: chơi điện tử, lướt mạng xã hội,… là không sao. Họ cho rằng những hoạt động này là hình thức nghỉ ngơi, giải trí cần thiết giúp các em thoải mái tinh thần, tránh căng thẳng do học tập quá tải. Vì vậy, việc học sinh sử dụng thời gian rảnh rỗi theo những cách này là hoàn toàn có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, quan điểm này còn nhiều điểm hạn chế cần phải xem xét kĩ lưỡng. Ví dụ, khi các bạn nghiện chơi điện tử sẽ dẫn đến mất ngủ, suy giảm thị lực, thậm chí là tăng cân, béo phì. Hay khi dành quá nhiều thời gian cho các hoạt động giải trí không lành mạnh, học sinh sẽ bỏ bê việc học tập, khiến cho kết quả học tập của các em trở nên sa sút, ảnh hưởng đến tương lai của chính các em. Đặc biệt, các em sẽ có nguy cơ phát triển các hành vi và thói quen xấu như: lười biếng, thiếu kỉ luật,… Những thói quen này ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển toàn diện của các em.
Để sử dụng thời gian rảnh rỗi một cách hợp lí, học sinh cần lên kế hoạch cụ thể về cách sử dụng thời gian rảnh rỗi của mình. Ví dụ, các em có thể dành một phần thời gian cho việc học tập và nghiên cứu; một phần cho các hoạt động ngoại khóa, thể chất; và một phần cho giải trí. Điều này giúp các em sử dụng thời gian một cách hiệu quả và cân bằng.
Với học sinh, vấn đề cốt lõi chính là cách sử dụng thời gian rảnh rỗi hợp lí, cân bằng giữa các hoạt động học tập, rèn luyện và giải trí. Việc sử dụng thời gian một cách hiệu quả sẽ giúp các em phát triển toàn diện về mặt học vấn, kĩ năng và sức khỏe.
Bước 3: Chỉnh sửa bài viết
Đối chiếu bài viết của em với các yêu cầu của kiểu bài nghị luận về một vấn đề giải quyết; từ đó, xác định những nội dung cần chỉnh sửa để hoàn thiện bài viết. Việc chỉnh sửa cần bám sát những tiêu chí cơ bản sau:
- Vấn đề cần giải quyết được nêu một cách rõ ràng, đầy đủ.
- Hệ thống luận điểm chặt chẽ, lí lẽ xác đáng, bằng chứng đầy đủ.
- Giải pháp để giải quyết vấn đề hợp lí, khả thi, có sức thuyết phục.
- Bài viết không mắc lỗi chính tả, diễn đạt, ngữ pháp, liên kết và mạch lạc.
Xem thêm các chương trình khác:
- Giải sgk Toán 9 – Kết nối tri thức
- Lý thuyết Toán 9 – Kết nối tri thức
- Giải sbt Toán 9 – Kết nối tri thức
- Bài tập Tiếng Anh 9 Global success theo Unit có đáp án
- Giải sgk Tiếng Anh 9 - Global success
- Trọn bộ Từ vựng Tiếng Anh 9 Global success đầy đủ nhất
- Trọn bộ Ngữ pháp Tiếng Anh 9 Global success đầy đủ nhất
- Giải sbt Địa lí 9 – Kết nối tri thức
- Giải sgk Tin học 9 – Kết nối tri thức
- Giải sbt Tin học 9 – Kết nối tri thức
- Giải sgk Công nghệ 9 – Kết nối tri thức
- Giải sgk Giáo dục công dân 9 – Kết nối tri thức
- Giải sbt Giáo dục công dân 9 – Kết nối tri thức
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 9 – Kết nối tri thức