Soạn bài Người con gái Nam Xương – một bi kịch của con người (trang 89) - Ngắn nhất Ngữ văn 9 Kết nối tri thức

Với soạn bài Người con gái Nam Xương – một bi kịch của con người trang 89 Ngữ văn lớp 9 Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 9.

1 929 13/11/2024


Soạn bài Người con gái Nam Xương – một bi kịch của con người

* Trước khi đọc

Câu 1 (trang 89 sgk Ngữ Văn 9 Tập 1): Kể tên một vài tác phẩm văn học Việt Nam viết về số phận bi kịch của con người.

Trả lời:

- “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố.

- “Người ngựa ngựa người” của Nguyễn Công Hoan.

- “Một bữa no” của Nam Cao.

Câu 2 (trang 89 sgk Ngữ Văn 9 Tập 1): Ở bài 1, em đã được học tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương. Hãy chia sẻ cảm nhận về một chi tiết mà em ấn tượng nhất trong tác phẩm.

Trả lời:

- Vũ Nương hiện về khi Trương Sinh lập đàn giải oan là chi tiết em ấn tượng nhất trong tác phẩm.

- Khi Trương Sinh lập đàn giải oan bên bờ sông, Vũ Nương hiện về giữa dòng, ngồi trên một chiếc kiệu hoa, theo sau có đến năm mươi chiếc xe cờ tán, võng lọng, rực rỡ đầy sông, lúc ẩn lúc hiện. Nàng ở giữa dòng nói vọng vào với Trương Sinh. Đoạn kết có màu sắc kì ảo này giúp cho chủ đề của tác phẩm mang tính nhân văn và nhân đạo sâu sắc: thể hiện được ước mơ, khát vọng về một xã hội công bằng, nơi người hàm oan được trả lại sự trong sạch và nhận được sự đền đáp xứng đáng. Và thái độ cảm thương của tác giả trước số phận bi kịch mà người phụ nữ phải chịu đựng trong xã hội phong kiến.

* Đọc văn bản

1. Theo dõi: Cách đặt vấn đề của tác giả.

Trả lời:

- Tác giả sử dụng cách dẫn dắt gián tiếp để đặt vấn đề: Giới thiệu về tác phẩm và nhân vật, thuật lại những nỗi niềm thương cảm dành cho nhân vật của các vị vua, nhà thơ, nhà văn qua bao thế hệ.

- Đây là cách đặt vấn đề vô cùng hợp lí với bài viết – nói về chủ đề chính bằng cách dùng các sự việc, câu chuyện liên quan, giúp tác giả bộc lộ một phần quan điểm cá nhân.

2. Theo dõi: Nhận xét của tác giả về cuộc đời nhân vật Vũ Nương

Trả lời:

Nhận xét của tác giả về cuộc đời nàng Vũ Nương:

- Cuộc đời Vũ Nương tuy ngắn ngủi, nhưng nàng đã kịp làm tròn nghĩa vụ của một kiếp đàn bà: làm con, làm dâu, làm vợ, làm mẹ.

- Nhưng, oái oăm thay cho cuộc đời: Ngày sum họp cùng chồng, cũng là ngày nàng phải vĩnh viễn lìa xa tổ ấm.

- “Hai người thân thương nhất, gần gũi nhất lại là kẻ gây ra oan trái cho đời nàng!”

3. Theo dõi: Nét tính cách của nhân vật Trương Sinh được tác giả tập trung phân tích.

Trả lời:

- Tính cách đa nghi, ghen tuông mù quáng của Trương Sinh được tập trung phân tích.

- Chàng ghen tuông với vợ sau ba năm xa cách, dẫn đến đa nghi rồi hình thành định kiến. Sau đó chỉ cần một lí do rất nhỏ và mơ hồ - lời nói của con trẻ - mà chàng không kiểm soát bản thân, đánh đuổi Vũ Nương. Tác giả đã phân tích rất rõ những diễn biến tâm trạng trên của Trương Sinh trong các đoạn tiếp theo của văn bản.

4. Chú ý: Lí lẽ và bằng chứng được tác giả sử dụng để bày tỏ suy nghĩ về nhân vật Trương Sinh.

Trả lời:

Lí lẽ

Bằng chứng

Là người cùng làng, chàng thừa biết đức hạnh của vợ.

Chính vì “mến vì dung hạnh” của nàng, chàng mới “xin với mẹ đem trăm lạng vàng cưới về”.

Nhưng ghen tuông là ghen tuông! Cái tâm lý ghen tuông rất lạ

Dù mới cưới nhau mà Trương Sinh vẫn “phòng ngừa quá sức”

Ba năm đời lính làm chàng mệt mỏi chán chường. Về tới nhà, lại gặp cảnh đau lòng.

“Cha về, bà đã mất, lòng cha buồn khổ lắm rồi.”

Cơn ghen của chàng thực sự bùng lên.

Lời nói của bé Đản: “Ô hay! Thế ra ông cũng là cha tôi ư? Ông lại biết nói chứ không như cha tôi trước kia chỉ nín thin thít”, “Trước đây thường có một người đàn ông, đêm nào cũng đến”, “mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi”

Chàng chẳng còn đủ tỉnh táo để suy xét lời đứa con.

Ngay những lời van xin đến rớm máu của vợ, chàng cũng chẳng để lọt tai.

Cơn ghen ở anh lính nông dân vốn không được học hành bùng ra thành lời, rồi chuyển sang ngấm ngầm dấm dứt.

“la um lên cho hả giận”, “ngầm ngầm dấm dứt lấy chuyện bóng gió này nọ mà mắng nhiếc nàng và đánh đuổi đi”. Họ hàng làng xóm “bênh vực và biện bạch cho nàng cũng chẳng ăn thua”

5. Chú ý: Cách tác giả phân tích chi tiết chiếc bóng trên vách - chi tiết mang tính thắt nút - mở nút.

Trả lời:

- Chi tiết cái bóng mang tính thắt nút – nó khiến Vũ Nương chịu nỗi oan thất tiết phải gieo mình xuống sông, vừa mang tính mở nút – Trương Sinh hiểu ra mình đã hàm oan cho vợ vì lời nói của con trẻ.

- Tác giả còn phân tích chi tiết chiếc bóng bằng cách so sánh chiếc bóng giống như tình cảm vợ chồng quyến luyến không rời, thể hiện nỗi cô đơn, sự ân hận Trương Sinh phải nhận lấy vì sự ghen tuông của bản thân.

- Tác giả cũng nhấn mạnh đây là một chi tiết độc đáo riêng của Nguyễn Dữ, không thể tìm thấy trong bất kì truyện truyền kì nào tại Việt Nam cũng như các nước láng giềng đồng văn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,...

6. Chú ý: Vì sao tác giả cho rằng “bi kịch của Vũ Thị Thiết một phần là do nàng?”

Trả lời:

- Theo tác giả, nàng đã biết chồng “có tính đa nghi, đối với vợ phòng ngừa quá sức” từ trước, vậy mà khi chồng vắng nhà, vào ban đêm, nàng lại trỏ vào tường vào nói với con đó là cha Đản. Với một đứa bé 3 tuổi nhận thức còn non nớt, bé Đản luôn đinh ninh mình có hai người cha, và khi nó thấy Trương Sinh, đã ngây thơ so sánh hai người cha của mình. Giá mà Vũ Nương hiểu tính chồng, khéo léo hơn thì bi kịch đã không xảy đến.

7. Chú ý: Nhận định của người viết về nét độc đáo của truyện truyền kì Nguyễn Dữ.

Trả lời:

- Theo tác giả Cái tài của Nguyễn Dữ là ông đã dung hòa được hiện thực với ước mơ, giữa cái tồn tại với cái ảo ảnh.

- Người viết chỉ rõ: Một nhân vật đức hạnh như Vũ Nương không nên nhận lấy cái kết như vậy, nhưng hiện thực là hiện thực, nàng đã không còn trên cõi dương thế. Ảo ảnh của nàng từ lòng sông nói vọng vào với chồng như nhấn mạnh rằng người chết vĩnh viễn không thể sống lại. Rồi ảo ảnh đó tan biến dần chẳng còn dấu vết để trả lại sự thật đầy đau buồn. Sự pha trộn tài hoa yếu tố thực và ảo trong truyện càng nhấn mạnh những giá trị nhân đạo mà ông muốn truyền tải.

8. Chú ý: Cách tác giả kết thúc vấn đề.

Trả lời:

- Tác giả kết thúc vấn đề bằng cách khẳng định lại điểm nổi bật của nhân vật phụ nữ trong tác phẩm, cũng chính là chủ đề chính của bài viết. Từ đó, tác giả khẳng định vai trò, ý nghĩa, sức hấp dẫn của tác phẩm.

* Sau khi đọc

Nội dung chính: Văn bản là những nhận định, đánh giá của tác giả với số phận bi kịch những nhân vật trong truyện Người con gái Nam Xương, đặc biệt là cuộc đời của Vũ Nương, từ đó, tác giả bày tỏ niềm cảm thương, xót xa với số phận con người, đặc biệt là người phụ nữ trong truyện truyền kì của Nguyễn Dữ

Soạn bài Người con gái Nam Xương – một bi kịch của con người (trang 89) - Ngắn nhất Ngữ văn 9 Kết nối tri thức (ảnh 1)

Câu 1 (trang 93 sgk Ngữ Văn 9 Tập 1): Xác định vấn đề được bàn luận và bố cục của bài nghị luận.

Trả lời:

- Bài nghị luận bàn về số phận bi kịch của những con người trong truyện “Người con gái Nam Xương”.

- Bố cục bài nghị luận:

+ Phần 1: Từ đầu đến “miếu vợ chàng Trương”: Giới thiệu vấn đề.

+ Phần 2: Từ “cuộc đời Vũ Nương” đến “hàm hồ và mù quáng”: Nhận xét phẩm chất và cuộc đời nàng Vũ Nương.

+ Phần 3: Từ “là người cùng làng” đến “nói với người đời”: Nhận xét về tính cách của Trương Sinh và phân tích ý nghĩa chi tiết cái bóng trong tác phẩm.

+ Phần 4: Từ “là nhà văn nhân đạo” đến “bi kịch gia đình”: Chỉ ra nét độc đáo của truyện.

+ Phần 5: Phần còn lại: Kết lại vấn đề, khẳng định lại giá trị tác phẩm còn mãi với thời gian.

Câu 2 (trang 93 sgk Ngữ Văn 9 Tập 1): Từ luận đề, tác giả đã triển khai các luận điểm theo trình tự nào?

Trả lời:

- Tác giả triển khai các luận điểm theo trình tự từ cụ thể đến bao quát, từ nguyên nhân đến kết quả, từ phân tích chi tiết nhỏ đến nhận xét về đặc điểm chung như sau:

(1) Phân tích phẩm chất tốt đẹp của Vũ Nương => (2) Tập trung phân tích tính cách ghen tuông của Trương Sinh => (3) Phân tích bi kịch của Vũ Nương và lí giải nguyên do bi kịch xảy ra qua chi tiết cái bóng => (4) Phân tích sự xuất hiện của Vũ Nương để làm nổi bật bi kịch gia đình như thế nào => (5) Ý nghĩa của toàn bài viết.

Câu 3 (trang 93 sgk Ngữ Văn 9 Tập 1): Đọc phần (2) và cho biết, theo tác giả, bi kịch của nhân vật Vũ Nương là gì. Tác giả đã làm sáng tỏ bi kịch ấy qua những lí lẽ và bằng chứng nào?

- Bi kịch của Vũ Nương: là một người phụ nữ nết na, đức hạnh, hết lòng vì gia đình, chung thủy với chồng nhưng lại bị chồng đánh đuổi, nghi ngờ thất tiết mà không thể lên tiếng thanh minh, phải tìm đến cái chết để chứng minh cho sự trong sạch của bản thân.

- Tác giả làm sáng tỏ bi kịch ấy trong bài:

Lí lẽ

Bằng chứng

Cuộc đời Vũ Nương tuy ngắn ngủi nhưng nàng đã kịp làm trọn nghĩa vụ của một kiếp đàn bà: làm con, làm dâu, làm vợ, làm mẹ.

+ “một thân vừa nuôi con thơ, vừa chăm sóc thuốc thang cho mẹ chồng già yếu”

+ “một mình lo việc ma chay, tế lễ, chôn cất”

+ Mong chồng bình an trở về

+ Mong mỏi của nàng là “cái thú vui nghi gia nghi thất”, vợ chồng sum họp, con cái đuề huề, được làm vợ, làm mẹ.

Hai người thân thương nhất, gần gũi nhất lại là kẻ gây ra oan trái cho đời nàng.

Đứa trẻ thì ngây thơ, chỉ kế lại những điều mà đêm đêm mẹ thường dạy khi cha vắng nhà, nó không thể phân biệt được giữa đùa với thật vì mới có ba tuổi đầu và tin lời mẹ. Còn người chồng thì cả ghen, hàm hồ và mù quáng.

Câu 4 (trang 93 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Đọc phần (3) và cho biết, theo tác giả, điều gì đã khiến Vũ Nương nhảy xuống sông tự tử. Em có suy nghĩ gì về cách lí giải của tác giả?

Trả lời:

- Vũ Nương nhảy xuống sông tự vẫn là vì nàng muốn chứng minh cho sự trong sạch của bản thân trước người chồng ghen tuông đến mức không lắng nghe bất kì lời giải thích nào từ nàng,

- Tác giả lí giả hành động ấy dựa vào cốt truyện, tình tiết xây dựng tính cách, phẩm chất nhân vật Vũ Nương cùng bối cảnh ra đời tác phẩm để chứng minh rằng hành động gieo mình của Vũ Nương hoàn toàn hợp lí. Đây là một cách lí giải vô cùng logic.

Câu 5 (trang 93 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Những nét đặc sắc nào trong truyện truyền kì của Nguyễn Dữ được làm rõ ở phần (4)?

Trả lời:

Những nét đặc sắc trong truyện truyền kì của Nguyễn Dữ được làm rõ ở phần (4):

- Sự dung hòa giữa hiện thực và ước mơ, giữa cái tồn tại và cái ảo ảnh.

+ Hiện thực không thể thay đổi là Vũ Nương đã chết, không trở lại dương gian. Xen vào đó là cái mờ ảo, đó là khi Vũ Nương hiện về giữa dòng khi Trương Sinh lập đàn giải oan. Thế rồi ảo ảnh lại nhanh chóng tan biến để lại hiện thực đắng cay.

- Chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa nhân đạo có sự kết hợp hài hòa với nhau.

+ Điều này vừa lột tả hiện thực số phận con người, người phụ nữ với những tủi nhục, đau khổ nhưng cũng vừa thể hiện mong ước của con người được giải nỗi oan ức, nhận lấy những đền đáp xứng đáng với phẩm chất của bản thân.

Câu 6 (trang 93 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Đọc phần (3) và phần (5), cho biết tác giả đã làm nổi bật nét độc đáo trong truyện truyền kì của Nguyễn Dữ bằng cách nào. Những câu văn nào giúp em hiểu rõ về nét độc đáo đó?

Trả lời:

- Để làm nổi bật nét độc đáo trong truyền truyền kì của Nguyễn Dữ tác giả đã lựa chọn phân tích chi tiết tiêu biểu rồi đưa ra nhận xét chung về sự độc đáo đó.

- Những câu văn thể hiện nét dộc đáo là:

+ Lấy hình tượng cái bóng người và lời nói ngây thơ của đứa con để đẩy câu chuyện tới đỉnh điểm là nét độc đáo riêng của Nguyễn Dữ, không thể tìm thấy trong bất cứ truyện truyền kì nào của Việt Nam cũng như các nước Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc…

+ “Có thể nói, với Người con gái Nam Xương, Nguyễn Dữ đã vượt khỏi những công thức thông lệ về hình tượng người phụ nữ trong thể truyền kì. Vũ Nương không phải là hình tượng một trang liệt nữ, nàng chỉ là một người đàn bà bình thường như bao người vợ, người mẹ trong đời thực.

Câu 7 (trang 93 sgk Ngữ văn 9 tập 1): Phần (5) có vai trò gì trong bài nghị luận? Câu văn nào giúp em xác định được vai trò ấy?

Trả lời:

- Phần (5) của bài nghị luận là phần kết, khẳng định lại nội dung chủ đề đang đề cập tới – số phận bi kịch của con người, đồng thời nêu bật ý nghĩa, giá trị của tác phẩm.

- Câu văn thể hiện vai trò của đoạn (5):

+ Có thể nói, với Người con gái Nam Xương, Nguyễn Dữ đã vượt khỏi những công thức thông lệ về hình tương người phụ nữ trong truyện truyền kì.

+ Phản ánh số phận Vũ Thị Thiết, Nguyễn Dữ đã đề cập tới cái bi kịch muôn thuở của con người. Có lẽ vì vậy mà Người con gái Nam Xương vẫn có sức hấp dẫn đối với người đọc ngày nay.”

Câu 8 (trang 93 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Một số chi tiết và nhân vật trong tác phẩm Người con gái Nam Xương không được tác giả bài nghị luận phân tích, chẳng hạn như chi tiết người mẹ dặn dò trước khi Trương Sinh ra trận, các nhân vật Linh Phi, Phan Lang… Từ đó, em có suy nghĩ gì về việc sử dụng lí lẽ và bằng chứng trong văn bản nghị luận văn học?

Trả lời:

Lí lẽ

Bằng chứng

Lí lẽ cần phải được trình bày ngắn gọn, mạch lạc, rõ ràng, sao cho diễn đạt được khía cạnh vấn đề mà luận đề đưa ra.

Bằng chứng phải là những dẫn chứng tiêu biểu nhất, có liên quan tới luận đề và lí lẽ.

Đưa ra đầy đủ lí lẽ theo một trình tự phù hợp, logic.

Khi đưa ra bằng chứng cần có kèm theo phân tích, bình luận, tránh liệt kê suông gây rời rạc, thiếu liên kết.

* Viết kết nối với đọc

Bài tập (trang 93 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Em có đồng tình với những phân tích của tác giả bài viết “Người con gái Nam Xương” - một bi kịch của con người về chi tiết chiếc bóng trên vách không? Viết đoạn văn (khoảng 7 - 9 câu) để trả lời câu hỏi trên.

Trả lời:

Trong bài viết “Người con gái Nam Xương” - một bi kịch của con người, tác giả đã phân tích chi tiết chiếc bóng trên vách. Đây là một chi tiết quan trọng mang tính thắt nút – mở nút cho cả câu chuyện, khi nó vừa là nguyên nhân gây ra mối hiểu nhầm và cái chết oan uổng của Vũ Nương, cũng là thứ hóa giải nỗi oan đó. Bên cạnh việc chỉ ra tác dụng của chi tiết cái bóng, tác giả phân tích, so sánh cái bóng với hình ảnh “Vợ chồng yêu nhau quyến luyến không rời như hình với bóng”. Điều này giúp người đọc nhìn nhận chi tiết ấy theo một góc độ khác. Cái bóng không chỉ dẫn đến bi kịch, mà nó còn đại diện cho tình cảm vợ chồng gắn bó sắt son dù cả hai đang phải chia xa. Tình cảm ấy càng sâu đậm, quấn quýt thì bi kịch của nàng Vũ Nương lại càng đau đớn hơn. Tác giả đã bình luận về chi tiết trên với điểm nhìn vô cùng rộng và mang tính nhân văn sâu sắc. Vì vậy người đọc hoàn toàn đồng tình với quan điểm tác giả đặt ra.

1 929 13/11/2024