Soạn bài Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (truyện) (trang 103) - Ngắn nhất Ngữ văn 9 Kết nối tri thức
Với soạn bài Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (truyện) trang 103 Ngữ văn lớp 9 Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 9.
Soạn bài Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (truyện)
* Yêu cầu
- Giới thiệu khái quát tác phẩm truyện cần phân tích (nhan đề, tác giả, thể loại), nêu nhận xét chung của người viết về tác phẩm.
- Làm rõ được nội dung chủ đề tác phẩm.
- Phân tích được những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm truyện (cốt truyện, nghệ thuật xây dựng nhân vật, nghệ thuật kể chuyện, không gian và thời gian, ngôn ngữ người kể chuyện, ngôn ngữ đối thoại và độc thoại của nhân vật,…), tập trung vào những yếu tố nghệ thuật nổi bật của tác phẩm.
- Triển khai hệ thống luận điểm chặt chẽ; sử dụng lí lẽ, bằng chứng xác đáng từ tác phẩm để làm sáng tỏ ý kiến nêu trong bài viết.
- Khẳng định được ý nghĩa, giá trị của tác phẩm.
* Phân tích bài viết tham khảo
Văn bản (trang 103 sgk Ngữ văn 9 tập 1 – Kết nối tri thức): “Nốt nhạc trầm trên đỉnh non cao”
1. Giới thiệu và nêu nhận xét khái quát về tác phẩm.
- Nguyễn Thành Long (1925 - 1991) là nhà văn có sở trường về truyện ngắn và bút kí.
- Lặng lẽ Sa Pa - một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của ông - được hoàn thành sau chuyến đi thực tế Lào Cai năm 1970, thuộc máng đề tài cuộc sống và con người miền Bắc trong công cuộc lao động và dựng xây đất nước. Truyện có sức hấp dẫn bởi tình huống truyện độc đáo, nhân vật được xây dựng bằng bút pháp lí tưởng hoá, không khi truyện thấm đẫm chất thơ, ẩn chứa những thông điệp sâu xa
2. Phân tích nội dung chủ đề của tác phẩm.
Chủ đề |
Nội dung |
Sự cống hiến, hi sinh lặng thầm của những con người lao động nhỏ bé, bình dị. |
Phân tích nhân vật anh thanh niên. |
Bên cạnh chủ đề lẽ sống, truyện còn thể hiện những suy nghĩ của nhà văn về giới hạn của nghệ thuật trước cuộc đời. |
Phân tích suy nghĩ của nhân vật ông họa sĩ. |
3. Phân tích những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm.
- Tác phẩm có nghệ thuật kể chuyện độc đáo:
+ Tình huống truyện bất ngờ: Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi giữa anh thanh niên, cô kỹ sư và ông họa sĩ trong một chuyến đi qua Sa Pa.
+ Nghệ thuật tạo dựng không khí truyện: Tác phẩm được đặt trong một không gian ngập tràn ánh nắng, đầy chất thơ, tương thích và làm nền cho những con người đang thầm lặng cống hiến, tỏa sáng giữa non cao.
+ Ngôn ngữ nhẹ nhàng, tinh tế, đậm trữ tình.
+ Nghệ thuật xây dựng nhân vật: không đặt tên cụ thể như một cách khái quát hình tượng nhân vật đại diện cho cả một tầng lớp đang hết mình vì công việc.
4. Khẳng định giá trị và ý nghĩa của tác phẩm.
- Lặng lẽ Sa Pa là truyện ngắn tiêu biểu, giàu sức gợi.
- Dù đã ra đời từ lâu nhưng vẫn khiến người đọc rung động với giọng văn nhẹ nhàng trữ tình và nhớ tới những bài học, suy ngẫm về lí tưởng sống.
* Thực hành viết theo các bước
1. Trước khi viết
a. Lựa chọn đề tài
Trong chương trình Ngữ văn cấp Trung học cơ sở, em đã được học nhiều tác phẩm truyện thuộc truyện truyền kì, truyện thơ Nôm, truyện ngắn hiện đại,… Hãy lựa chọn một tác phẩm mà mình thích để phân tích. Em có thể phân tích toàn bộ tác phẩm, hoặc chỉ lựa chọn một đoạn trích, một khía cạnh tiêu biểu. Các tác phẩm truyện thơ Nôm tường có dung lượng tương đối dài, bởi vậy em nên lựa chọn trích đoạn biểu đạt một nội dung trọn vẹn, có độ dài vừa phải.
b. Tìm ý
Nội dung chủ đề của tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) là gì? Có thể phân tích chủ đề ấy như thế nào? |
Làm rõ nội dung chủ đề là một yêu cầu cơ bản của bài văn phân tích tác phẩm truyện. |
Tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) có những nét đặc sắc gì về nghệ thuật? Những nét đặc sắc đó đem đến hiệu quả thẩm mĩ như thế nào? |
Bên cạnh đặc trưng chung của thể loại truyện, mỗi tác phẩm ra đời trong các thời kì khác nhau, thuộc các thể loại truyện khác nhau sẽ có những đặc điểm riêng. Em không nhất thiết phải phân tích tất cả các nét đặc sắc nghệ thuật trong tác phẩm, mà nên đi sâu khai thác những yếu tố tiêu biểu, hơn nữa cần chú ý làm nổi bật những yếu tố thể hiện đặc trưng thể loại. |
Tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) có giá trị, ý nghĩa gì? |
Sau khi phân tích, em cần nêu được thông điệp mà tác giả gửi gắm và giá trị nghệ thuật của tác phẩm. |
c. Lập dàn ý
Em cần sắp xếp các ý đã tìm được thành một dàn ý chặt chẽ, hợp lí. Có thể tổ chức theo nhiều cách khác nhau (phân tách nội dung và nghệ thuật: phân tích nội dung trước, nghệ thuật sau hoặc ngược lại; phân tích theo các vấn đề chính trong tác phẩm truyện).
Mở bài |
Giới thiệu tác phẩm truyện (nhan đề, tác giả,, thể loại) và nêu ý kiến khái quát về tác phẩm. |
Thân bài |
- Phân tích nội dung chủ đề của tác phẩm truyện (phân tích hiện thực đời sống; hình tượng con người; tư tưởng, tình cảm của nhà văn…), có lí lẽ và bằng chứng. - Phân tích những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm (cốt truyện, ngôi kể, tình huống, nghệ thuật xây dựng nhân vật, ngôn ngữ, không gian, thời gian,…) và hiệu quả thẩm mĩ của nó, có lí lẽ và bằng chứng. |
Kết bài |
Khẳng định ý nghĩa, giá trị của tác phẩm truyện. |
2. Viết bài
- Triển khai bài viết trên cơ sở dàn ý đã lập. Tuy vậy, nội dung bài viết có thể có thay đổi so với dàn ý nếu cần thiết.
- Chú ý đảm bảo yêu cầu của kiểu bài nghị luận phân tích tác phẩm văn học, bám sát đặc trưng thể loại truyện:
+ Tổ chức hệ thống luận điểm hợp lí, mỗi luận điểm cần được phân tích, chứng minh bằng các lí lẽ và bằng chứng thuyết phục, tránh kể lại văn bản.
+ Tập trung vào những nét nổi bật của tác phẩm, tạo điểm nhấn cho bài viết.
Bài viết tham khảo
Nguyễn Du là một nhà thơ, nhà văn hóa lớn tài hoa ở Việt Nam. Ông được người Việt kính trọng tôn làm "Đại thi hào dân tộc" và được UNESCO vinh danh là "Danh nhân văn hóa thế giới". "Truyện Kiều" của ông là một tác phẩm truyện thơ Nôm xuất sắc nhất nền văn học Việt Nam bởi những giá trị nghệ thuật và ý nghĩa truyện đem lại còn mãi với dòng chảy thời gian. Nổi bật là đoạn trích giới thiệu về hai chị em nhà Kiều.
Ngay từ vài câu mô tả Nguyễn Du đã cho người đọc thấy nhan sắc tuyệt trần của hai chị em:
"Đầu lòng hai ả tố nga
Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân
Mai cốt cách tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười."
Bằng bút pháp ước lệ, bốn câu thơ miêu tả dáng vẻ cao quý tựa mai, tâm hồn thuần khiết như tuyết trắng của hai người thiếu nữ. Đó là một vẻ đẹp vẹn toàn không tì vết, mười phân vẹn mười. Thế nhưng mỗi chị em Nguyễn Du lại khắc họa một nét đẹp riêng:
"Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang
Hoa cười, ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da."
Từng đường nét trên khuôn mặt Thúy đã đạt đến chuẩn mực của nét đẹp thời xưa: gương mặt tròn đầy như ánh trăng, đôi mày ngài thanh thoát, miệng cười chúm chím như hoa, lời nói trong trẻo như ngọc, mái tóc óng ả như mây, làn da trắng mịn như tuyết. Sắc đẹp của Vân sánh với những nét kiều diễm, sáng trong của đất trời, thậm chí “mây thua”, “tuyết nhường”. Qua bước tranh chân dung, Nguyễn Du đã phần nào dự báo tương lai của Thúy Vân: cuộc sống bình lặng, êm ả. Còn với Thúy Kiều, vẻ đẹp có phần khác với cô em:
"Kiều càng sắc sảo mặn mà
So về tài sắc lại là phần hơn
Làn thu thủy, nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”
Đặt trong sự so sánh với vẻ đẹp đoan trang, quý phái, mềm mại của Vân để làm nổi bật nhan sắc của Kiều. Thúy Kiều mang vẻ sắc sảo của tài năng, trí tuệ, và đôi mắt là chi tiết thể hiện rõ điều đó. Đôi mắt được ví như làn nước mùa thu, như dáng núi mùa xuân – những hình ảnh ước lệ thể hiện một nét đẹp kiều diễm, sánh ngang, thậm chí có phần hơn cả cảnh sắc thiên nhiên khiến hoa phải ghen liễu phải hờn. Điều này cũng như dự báo cho cuộc đời đầy gian truân, gập ghềnh của nàng về sau. Không chỉ đẹp mà nàng còn có tài nghệ khó ai sánh bằng:
“Một hai nghiêng nước nghiêng thành
Sắc đành đòi một, tài đành họa hai
Thông minh vốn sẵn tính trời
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm
Cung thương làu bậc ngũ âm,
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.”
Cầm – kì – thi – họa nàng đều rành rẽ cả. Để đặc tả cái tài của Kiều, Nguyễn Du sử dụng hàng loạt các từ miêu tả ở mức tuyệt đối: vốn sẵn, pha nghề, làu bậc, đủ mùi. Vẻ đẹp của Kiều là sự kết hợp giữa sắc - tài - tình và đã đạt đến mức lý tưởng. Nhưng “chữ tài liền với chữ tai một vần”, một người hoàn mỹ như nàng đã được dự báo rằng số phận sẽ vô cùng lận đận.
Mặc dù tài sắc của Thúy Kiều, Thúy Vân khác nhau nhưng đức hạnh hai nàng đều đáng trân trọng, điều này thể hiện ở bốn câu cuối. Mặc dù đã đến tuổi cập kê nhưng "hai ả tố nga" đã và đang sống trong nề nếp, gia giáo, chuẩn mực của những thiếu nữ khuê phòng
"Phong lưu rất mực hồng quần
Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê
Êm đềm trướng rủ màn che
Tường đông ong bướm đi về mặc ai."
Chỉ qua một đoạn mở đầu ngắn, bằng các thủ pháp ước lệ cùng hình ảnh thơ đặc sắc, vốn từ ngữ miêu tả phong phú, Nguyễn Du đã khắc họa tài sắc của hai chị em Thúy Kiều, đồng thời tiên đoán về cuộc đời và số phận “hồng nhan bạc mệnh” trước mắt của nàng Kiều.
Xem thêm các chương trình khác:
- Giải sgk Toán 9 – Kết nối tri thức
- Lý thuyết Toán 9 – Kết nối tri thức
- Giải sbt Toán 9 – Kết nối tri thức
- Bài tập Tiếng Anh 9 Global success theo Unit có đáp án
- Giải sgk Tiếng Anh 9 - Global success
- Trọn bộ Từ vựng Tiếng Anh 9 Global success đầy đủ nhất
- Trọn bộ Ngữ pháp Tiếng Anh 9 Global success đầy đủ nhất
- Giải sbt Địa lí 9 – Kết nối tri thức
- Giải sgk Tin học 9 – Kết nối tri thức
- Giải sbt Tin học 9 – Kết nối tri thức
- Giải sgk Công nghệ 9 – Kết nối tri thức
- Giải sgk Giáo dục công dân 9 – Kết nối tri thức
- Giải sbt Giáo dục công dân 9 – Kết nối tri thức
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 9 – Kết nối tri thức