Soạn bài Dế chọi (trang 18) - Ngắn nhất Ngữ văn 9 Kết nối tri thức

Với soạn bài Dế chọi trang 18 Ngữ văn lớp 9 Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 9.

1 137 12/11/2024


Soạn bài Dế chọi

* Trước khi đọc

Câu 1 (trang 18 sgk Ngữ văn lớp 9 Tập 1): Em đã chơi hay quan sát trò chọi dế bao giờ chưa? Em hiểu gì về trò chơi này?

Trả lời:

- Em đã chơi/quan sát trò chọi dế.

- Chọi dế là một trò chơi chiến đấu giữa hai con dế đực để mua vui cho người xem. Chọi dế bắt nguồn từ Trung Quốc và đã tồn tại hàng nghìn năm nay.

Câu 2 (trang 18 sgk Ngữ văn lớp 9 Tập 1): Em suy nghĩ thế nào về hậu quả của việc một ông vua lại mê chơi trò chọi dế?

Trả lời:

- Hậu quả của việc ông vua lại mê trò chơi chọi dế là: Ông vua sẽ bỏ bê việc triều chính của đất nước, từ đó kinh tế - xã hội dễ xảy ra tình trạng khủng hoảng, suy thoái khiến đời sống nhân dân rơi vào cảnh lầm than

* Đọc văn bản

1. Theo dõi: Thời gian, không gian và sự việc liên quan đến nhan đề của truyện.

- Thời gian: Đời Tuyên Đức nhà Minh

- Không gian: Trong cung.

- Sự việc liên quan đến nhan đề: Trong cung chuộng trò chọi dế, bắt dân gian dâng nộp.

2. Theo dõi: Hoàn cảnh của nhân vật chính trong truyện.

- Hoàn cảnh của nhân vật chính trong truyện: Thành dự khoa Đồng tử nhưng lâu không thi đỗ, bị bọn lí dịch ép làm chức lí chính, tìm đủ cách chối từ mà không được, chưa đầy một năm thì gia sản đã cạn kiệt.

3. Theo dõi: Bà đồng bói toán có liên quan đến những sự việc nào trong truyện?

- Bà đồng bói toán liên quan đến sự việc chỉ dẫn địa điểm tìm dế chọi cho vợ Thành bằng một bức vẽ.

4. Dự đoán: Điều gì xảy ra sau khi con Thành sống lại nhưng “thần thái ngây ngốc như người gỗ, cứ ngủ mê mệt”?

- Sau khi con Thành sống lại, Thành sẽ tiếp tục đi tìm con dế mới để cống nộp và con dế ấy sẽ đánh bại những con dế khác.

5. Theo dõi: Con dế mới bắt được có gì kì lạ?

Con dế mới bắt có điều kì lạ:

- Thành lấy bàn tay chụp lên thì thấy trống không, giở tay lên thì nó lại nhảy vọt lên.

- Nhỏ, ngắn và có màu tía. Hình dáng như con chó, cánh hoa mai, đầu vuông chân dài.

6. Đối chiếu: Điều em dự đoán ở trên có chính xác không?

- Điều em dự đoán bên trên là chính xác.

* Sau khi đọc

Nội dung chính: Câu chuyện kể về gia đình Thành phải đi tìm bắt dế chọi để cống nạp vào trong cung. Thông qua quá trình tìm dế chọi đầy li kì với sự biến hóa khôn lường ở từng chi tiết, Bồ Tùng Linh đã tinh tế thể hiện sự mỉa mai, châm biếm chế độ chính trị thối nát đương thời. Qua đó thấy được tinh thần phê phán cũng như tấm lòng của nhà văn đối với con người và cuộc đời.

Soạn bài Dế chọi (trang 18) - Ngắn nhất Ngữ văn 9 Kết nối tri thức (ảnh 1)

Câu 1 (trang 22 sgk Ngữ văn lớp 9 Tập 1): Nêu các sự kiện tạo nên cốt truyện và nhận xét ngắn gọn về không gian, thời gian, nhân vật chính trong truyện.

Trả lời:

- Các sự kiện tạo nên cốt truyện là:

+ Trong cung chuộng trò chọi dế, bắt dân gian phải dâng nộp hàng năm.

+ Thành bị ép làm lí chính, phải đi tìm dế để nộp nhưng không được nên bị đánh phạt.

+ Vợ Thành được bà đồng chỉ dẫn cho chỗ bắt dế chọi bằng một bức vẽ.

+ Thành bắt được dế mang về nhà nhưng bị con trai mình làm dế chạy mất.

+ Con trai hoảng sợ bỏ chạy rồi ngã xuống giếng suýt chết, sau khi tỉnh dậy thì trở nên ngây ngốc.

+ Thành bắt được một con dế kì lạ nhưng khỏe mạnh, có thể đánh bại mọi con dế khác.

+ Con dế được dâng nộp lên vua, trở thành con dế vô địch nhờ vậy Thành được trọng thưởng.

+ Hơn một năm sau, con trai Thành bình phục, kể lại rằng chính mình đã hóa thành con dế.

- Nhận xét:

+ Không gian, thời gian trong truyện đều gắn với cuộc sống sinh hoạt của các nhân vật.

+ Nhân vật không có thần tiên, ma quỷ mà chỉ có những con người bình thường thuộc các tầng lớp khác nhau trong xã hội. Chỉ có chi tiết đứa con trai hóa thành dế liên quan đến yếu tố kì ảo.

Câu 2 (trang 22 sgk Ngữ văn lớp 9 Tập 1): Vì dế chọi mà gia đình Thành lâm vào cảnh ngộ như thế nào? Cũng nhờ dế chọi mà sau đó gia đình Thành được hưởng những gì? Phân tích ý nghĩa của sự đối lập giữa hai tình huống.

Trả lời:

- Vì dế chọi mà gia đình Thành lâm vào cảnh ngộ khốn đốn: Gia sản cạn kiệt, Thành bị đánh phạt trăm trượng. Khi bắt được dế theo lời chỉ dẫn của bà đồng, con trai Thành lại vô tình làm mất. Quá lo sợ, con trai anh đã rơi xuống giếng suýt chết và trở nên ngờ nghệch.

- Nhờ dế chọi mà sau đó gia đình Thành được hưởng những điều sau:

+ Thành được miễn sai dịch, nâng đỡ để đỗ tú tài.

+ Được trọng thưởng rồi sau đó gia đình trở nên giàu sang với “ruộng vườn trăm khoảnh, lầu gác nguy nga, trâu dê cả ngàn con”, “mặc áo cừu cưỡi ngựa tốt”.

- Ý nghĩa của sự đối lập giữa hai tình huống: Tố cáo chế độ chính trị thối nát với những kẻ thống trị tham lam, ngu muội, sẵn sàng chà đạp lên người dân, ăn chơi hưởng lạc trên nỗi đau khổ của những kẻ thấp cổ bé họng. Chúng coi trọng một con dế nhỏ bé hơn cả nhân dân. Trớ trêu thay, số phận của con người lại phụ thuộc vào những điều nhỏ bé và vô nghĩa.

Câu 3 (trang 22 sgk Ngữ văn lớp 9 Tập 1): Truyện có những yếu tố kì ảo nào? Các yếu tố kì ảo đó có ý nghĩa, vai trò gì trong truyện?

Trả lời:

- Truyện có những yếu tố kì ảo sau:

+ Bà đồng chỉ dẫn chính xác nơi tìm thấy dế chọi.

+ Sự kì lạ của chú dế chọi: Nhỏ, ngắn và có màu tía. Hình dáng như con chó, cánh hoa mai, đầu vuông chân dài. Có thể nhảy ra hơn một thước.

+ Con trai Thành sau khi ngã xuống giếng trở nên ngây ngốc như người gỗ. Sau hơn một năm mới tỉnh dậy và kể rằng mình đã hóa thân thành dế chọi.

- Các yếu tố kì ảo đó có vai trò và ý nghĩa trong truyện là:

+ Tạo nên sự hấp dẫn, thú vị cho cốt truyện.

+ Tạo nên sự logic, liền mạch cho các sự kiện diễn ra trong truyện.

+ Làm nổi bật tinh thần phê phán và hiện thực xót xa về tình cảnh của nhân dân trong xã hội phong kiến tàn bạo.

Câu 4 (trang 22 sgk Ngữ văn lớp 9 Tập 1): Tính chất hiện thực của truyện được thể hiện qua những chi tiết, sự việc nào? Em có suy nghĩ gì về thái độ của tác giả khi miêu tả hiện thực đó?

Trả lời:

- Tính chất hiện thực của truyện được thể hiện qua chi tiết:

+ Thời gian xác định, địa danh cụ thể

+ Tình huống truyện, các sự việc và thái độ, hành động của các nhân vật rất thực tế, phản ánh đúng hiện trạng thối nát của xã hội phong kiến,…

- Tái hiện thực trạng đen tối của xã hội đương thời, Bồ Tùng Linh đã tố cáo, lên án tội ác của giai cấp thống trị tàn bạo, ăn chơi hưởng lạc, không quan tâm đến đời sống của nhân dân, dẫm đạp lên sự đau khổ của người dân để thỏa mãn thú vui vô nghĩa của chúng. Qua đó, thể hiện sâu sắc tinh thần phê phán của tác giả.

Câu 5 (trang 22 sgk Ngữ văn lớp 9 Tập 1): Phân tích lời người kể chuyện trong đoạn văn từ “Thành giở đi giở lại” đến “kì hạn nộp quan”.

Trả lời:

- Trong đoạn văn này, tác giả sử dụng ngôi kể thứ ba, người kể chuyện giấu mình nhưng là người chứng kiến toàn bộ mọi việc. Ở điểm nhìn này, người kể chuyện có thể kể linh hoạt, tự do những gì diễn ra với nhân vật. Điều này giúp người đọc tiếp cận đoạn văn một cách tự nhiên, cụ thể và sống động hơn.

Câu 6 (trang 22 sgk Ngữ văn lớp 9 Tập 1): Những đặc điểm nào của truyện truyền kì được thể hiện trong truyện Dế chọi?

Trả lời:

- Đặc điểm của truyện truyền kì được thể hiện trong truyện Dế chọi là:

+ Sử dụng yếu tố kì ảo làm phương thức để phán ảnh cuộc sống.

+ Yếu tố kì ảo và yếu tố hiện thực kết hợp, đan xen linh hoạt

+ Cốt tuyện mô phỏng cốt truyện dân gian với các sự kiện được sắp xếp theo trật tự tuyến tính, có quan hệ nhân quả.

* Viết kết nối với đọc

Câu hỏi (trang 22 sgk Ngữ văn lớp 9 Tập 1): Viết đoạn văn (khoảng 7-9 câu) nêu nhận xét của em về tính chất kì ảo của truyện Dế chọi.

Trả lời:

“Dế chọi” là một tác phẩm nổi bật của nhà văn Bồ Tùng Linh nằm trong tập sách “Liêu Trai chí dị”. Truyện có sự kết hợp linh hoạt giữa hai yếu tố kì ảo và hiện thực, trong đó yếu tố kì ảo đóng vai trò quan trọng góp phần tạo nên thành công cho tác phẩm. Tính chất kì ảo trong “Dế chọi” được thể hiện qua hai sự việc. Thứ nhất là việc bà đồng có thể chỉ dẫn chính xác nơi tìm thấy dế chọi để cứu nguy cho Thành và gia đình. Chỉ với một bức vẽ, Thành đã tìm được con dế quý trước kì hạn dâng nộp. Yếu tố kì ảo tiếp theo chính là việc Bồ Tùng Linh để con trai Thành hóa thân vào con dế kì lạ, có thể đánh bại mọi con dế khác. Chính điều này đã giúp Thành và gia đình thoát nạn và dần trở nên giàu có. Hai sự kiện thần kì này giúp mạch truyện phát triển một cách liền mạch, logic đồng thời làm cho cốt truyện mang tính chất li kì, hấp dẫn. Qua đó làm nổi bật giá trị hiện thực cũng như giá trị nhân đạo sâu sắc mà Bồ Tùng Linh gửi gắm trong tác phẩm.

1 137 12/11/2024