Soạn bài Bài ca chúc Tết thanh niên (trang 78) - Ngắn nhất Ngữ văn 9 Kết nối tri thức

Với soạn bài Bài ca chúc Tết thanh niên trang 78 Ngữ văn lớp 9 Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 9.

1 57 13/11/2024


Soạn bài Bài ca chúc Tết thanh niên

(Phan Bội Châu)

* Sau khi đọc

Nội dung chính: Bài ca chúc Tết thanh niên là bài thơ thể hiện tiếng nói tha thiết với vận mệnh quốc gia, niềm tin và sự kì vọng lớn lao đối với thế hệ trẻ. Bài thơ có sức lay động bởi chính cuộc đời tác giả; lời thơ mang sắc thái của lời hịch, có sức cổ vũ lớn với người đọc, người nghe.

Soạn bài Bài ca chúc Tết thanh niên (trang 78) - Ngắn nhất Ngữ văn 9 Kết nối tri thức (ảnh 1)

Câu 1 (trang 78 sgk Ngữ văn lớp 9 Tập 2): Cho biết bài thơ được viết trong hoàn cảnh nào của đất nước và tình cảnh nào của tác giả. Dựa vào đâu em biết được những điều đó?

Trả lời:

- Bài ca chúc Tết thanh niên được sáng tác năm 1927 khi nước ta đang bị thực dân Pháp đô hộ, nhiều phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc lần lượt thất bại. Những năm này, tác giả đang bị thực dân Pháp bắt và giam lỏng ở Huế.

- Phần giới thiệu về tác giả và tác phẩm đã phần nào chứa đựng thông tin liên quan đến câu hỏi. Một số câu trong bài như: “Thẹn cùng sông, buồn cùng núi, tủi cùng trăng/ Hai mươi năm lẻ đã từng chua xót/ Trời đất may còn thân sống sót” gợi tình cảnh riêng của tác giả; “Xúm vai vào xốc vác cựu giang sơn”; “Dựng gan óc lên đánh tan sắt lửa/ Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ” là những câu gợi bối cảnh của đất nước.

Câu 2 (trang 78 sgk Ngữ văn lớp 9 Tập 2): Nêu bố cục của bài thơ. Mạch cảm xúc của bài thơ được thể hiện như thế nào qua bố cục?

Trả lời:

- Bố cục:

+ Đoạn một (từ đầu đến “Tháng ngày khuây khoả lũ đầu xanh”): Nỗi niềm của nhà cách mạng về “hai mươi năm lẻ” đã qua cũng như tình cảnh hiện tại.

+ Đoạn hai (từ “Thưa các cô, các chị, lại các anh” đến hết): Lời nhắn nhủ thiết tha và sự kì vọng lớn lao của nhà cách mạng đối với lớp người trẻ tuổi.

- Mạch cảm xúc: Đoạn đầu thể hiện cảm xúc trầm lắng với nỗi niềm buồn tủi của cá nhân nhưng sang đoạn thứ hai, cảm xúc trở nên nồng nàn, sôi nổi, tha thiết trong lời nhắn nhủ với lớp người trẻ tuổi.

Câu 3 (trang 78 sgk Ngữ văn lớp 9 Tập 2): Phân tích tâm trạng của tác giả thể hiện trong bài thơ và nêu những đặc điểm của lời thơ biểu đạt tâm trạng đó.

Trả lời:

a. Ở đoạn đầu

- Mở đầu là tiếng gọi gấp gáp giục giã “Dậy! Dậy! Dậy!” với niềm mong chờ, chào mừng một mùa xuân mới cũng là hi vọng vào thế hệ trẻ đầy sức xuân.

- Sau đó là tâm trạng thẹn, buồn, tủi; sự chiêm nghiệm về quãng đời bao “chua” với “xót” của bản thân. Tâm trạng buồn, cô độc, tủi hổ chỉ có thể giãi bày cùng đất trời, sông núi.

- Đặc điểm lời thơ biểu đạt tâm trạng đó:

+ Giọng thơ chân thành, trầm lắng

+ Sử dụng nhiều từ ngữ trực tiếp miêu tả thân phận và nỗi niềm

+ Câu hỏi tu từ như lời độc thoại nội tâm

b. Ở đoạn cuối

- Tâm trạng phấn chấn, rộn ràng trong năm mới cũng là niềm vui, hi vọng vào thế hệ trẻ, vào vận hội mới của đất nước (từ “thưa” thể hiện sự trân trọng, quý mến).

- Đặc điểm lời thơ biểu đạt tâm trạng đó:

+ Cụm động từ có ngữ khí mạnh: “mở mắt”, “xốc vác”, “đi cho êm”, “đứng cho vững”, “trụ cho gan”,…

+ Lời thơ mang sắc thái của lời hịch đầy tâm huyết, mạnh mẽ, phấn chấn, có sức lay động nhận thức, tình cảm của người đọc, người nghe.

Câu 4 (trang 78 sgk Ngữ văn lớp 9 Tập 2): Bài thơ đã thể hiện kì vọng gì của tác giả đối với thế hệ trẻ bấy giờ?

Trả lời:

- Bài thơ thể hiện niềm tin và kì vọng lớn của tác giả đối với thế hệ trẻ – những người vốn có sức mạnh và nhiệt huyết. Nhà thơ mong mỏi thế hệ trẻ từ bỏ lối sống tầm thường, sẵn sàng ghé vai gánh vác nhiệm vụ lớn lao là đưa non sông thoát khỏi vòng nô lệ.

- Tác giả nhắn nhủ thế hệ trẻ: Công việc “rửa vết nhơ nô lệ” cần khéo léo (“đi cho êm”), dũng cảm, kiên cường (“đứng cho vững”, “trụ cho gan”) và đặc biệt là tinh thần đoàn kết, đồng lòng nhất trí (“liên hiệp lại”).

Câu 5 (trang 78 sgk Ngữ văn lớp 9 Tập 2): Đặt trong bối cảnh cuộc sống hôm nay, lời kêu gọi tuổi trẻ thể hiện trong bài thơ có ý nghĩa như thế nào?

Trả lời:

- Hiện nay đất nước đã hoà bình, độc lập, thống nhất, không giống bối cảnh xã hội khi Phan Bội Châu viết bài thơ.

- Lời kêu gọi của nhà cách mạng Phan Bội Châu ở bài thơ này vẫn có ý nghĩa thúc giục, động viên những người trẻ tuổi tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay.

1 57 13/11/2024